Ngày 24-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa
Tuyết Mai
11:47 24/11/2010
Người người khắp chốn khắp nơi, trẻ già, thanh niên thiếu nữ, trẻ con, tiến đến nhà thờ nhà Của Thiên Chúa. Hết thảy toàn dân trên địa cầu cảm tạ, tri ân, và biết ơn Thiên Chúa đã ban cho tất cả con cái nhân loại một năm được mọi hồng phúc, ân ban, và được Chúa chúc lành. Chúng con lần lượt tiến vào nhà Chúa ca hát, chúc khen, và xướng lên những bài hát ca ngợi Thiên Chúa. Ngài là Đấng toàn năng muôn đời hằng hữu. Ngài là sức sống và là Đấng ban cho chúng con hạnh phúc. Ngài là Ánh Sáng soi cho muôn dân. Ngài là Alpha và là vô cùng. Ngài là Tình Yêu của toàn thể nhân loại. Ngài là tất cả những gì loài người chúng con cậy trông và tôn thờ. Ngài là chủ tể của mọi sinh linh và mọi tạo vật mà Chúa tạo thành. Ngài là tất cả của cuộc đời chúng con trên trần gian này và cả ở đời sau. Vâng, Ngài là Thiên Chúa. Ngài là Chúa trên Các Chúa. Ngài là Vua trên các Vua. Ngài là Chúa của Trời và Đất.

Chúng con cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng con một năm an lành. Có sức khỏe, công ăn việc làm, học hành tấn tới. Ban cho chúng con tình yêu gia đình; có ông bà, cha mẹ, chú cô, cậu dì, anh chị em, và cháu chắt; được vui vẻ thuận hòa, trên nhường dưới nhịn. Chúa ban cho chúng con sống chung với nhau trong một mái nhà, tuy có lúc như sống chén bị chạm nhưng rồi chúng con cũng tìm được những phút giây thông cảm và chia sẻ; trong sự khác biệt của trẻ già xung khắc. Ban cho chúng con có ông bà và cha mẹ biết kính sợ Thiên Chúa và luôn dậy dỗ chúng con trong yêu thương. Biết hướng dẫn chúng con trong kinh kệ và giữ 10 điều răn Thiên Chúa. Biết yêu thương anh chị em và biết chia sẻ với tất cả anh chị em có nhu cầu. Biết xót thương cho những kẻ bần hèn, nghèo khổ, bệnh tật, khốn cùng đang sống lây lất trên mọi nẻo đường chúng con thường gặp.

Chúng con cảm tạ Thiên Chúa cho chúng con có một bữa ăn họp mặt gia đình, mà ngày ngày ai cũng quá bận rộn với cuộc sống riêng, không ai có thể đến thăm nhau thường được. Không gì vui nhộn và rộn rã cho bằng nghe được những tiếng nói tiếng cười của người thân trong bữa ăn vô cùng vui vẻ này. Cảm Tạ Thiên Chúa. Chúng con vô cùng tri ân Ngài. Xin cho tất cả chúng con được dâng lên Ngài hai tiếng Tạ Ơn và tất cả tấm chân tình của chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.

Lễ Tạ Ơn

Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Chúa Ba Ngôi quyền uy
Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Chúa hiển vinh muôn đời
Hôm nay mừng ngày Đại Lễ
Khắp nơi chung một niềm vui
Hôm nay người người cung nghinh đón
Chúc khen Cha nơi thế trần

Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Chúa ban muôn hồng ân
Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Chúa ban muôn ơn lành
Vui lên cùng Triều Thần Thánh
Xướng ca vang tận trời xa
Hân hoan cùng cảm tạ Thiên Chúa
Tháng năm an vui thái hòa

Vui ca lên cả Triều Thần mừng Chúa Cha trên trời
Hỡi muôn dân khắp nơi tôn thờ Danh Ngài
Vì Ngài là Đấng cứu độ ta
Hỡi muôn dân đi rao Tin Mừng về Ngài
Vì Ngài là Đấng cứu độ ta

Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Chúa cho con niềm tin
Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Chúa cho con hy vọng
Mong sao được đẹp lòng Thiên Chúa
Lúc con còn ở trần gian
Mong sao trọn đời sống bác ái
Với anh em luôn chí tình

Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Những công ơn Ngài ban
Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Sống an vui tháng ngày
Hôm nay mừng ngày đại Lễ
Khắp nơi chung một niềm vui
Hôm nay nhà nhà cùng rộn rã
Với bao say sưa tiếng cười

Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Đấng xóa tội trần gian
Tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa
Đấng thế gian tôn thờ
Vui lên cảm tạ Thiên Chúa
Khắp nơi dâng lời tụng ca
Vui lên vì Ngài luôn thương giúp
Sớm hôm no cơm áo mặc.
 
Ngõ hẹp
LM Giuse Trần Việt Hùng
16:24 24/11/2010
Chúa Giêsu nói: Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ (Gioan 10:9).Truyện kể rằng ông kia trong một giấc mơ nhìn thấy con trai của ông đang bước dọc theo con đường. Chú bé chạy nhảy, chơi đùa và giỡn cợt dọc theo đường lộ. Cậu ta không quan tâm gì đến thế giới chung quanh. Bất thình lình như không ngờ trước, chú bé rẽ vào một ngõ hẹp tối tăm phía bên trái và tiếp tục đi xa khỏi trục lộ. Chú bé quay về phía cha nó và nói: Cha không bao giờ chỉ cho con, con đường chính thật để đi. Người cha tỉnh giấc với sự bức xúc trong lòng và chỉ có vài giây trước khi ông nhận ra đó chỉ là giấc mơ. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng sâu đậm trong tâm trí ông. Chỉ đúng đường cho con cái bước đi đã trở nên việc ưu tiên hàng đầu của ông.

1. Cảnh Thiên Nhiên

Người xưa sinh sống trong cảnh thiên nhiên một cách tự do. Có trời làm nhà và có đất làm giường. Người tiền cổ sống rất đơn sơ và họ không bận tâm về của cải riêng tư. Người ta làm việc ở đó, ăn ở đó rồi ngủ ở đó. Mọi người hòa đồng sống chung với nhau. Một vài nét cổ xưa còn lưu lại cho tới ngày nay nơi các bộ lạc sống trong những khu rừng già. Dân bộ lạc có một cuộc sống rất tự nhiên, không bị giới hạn bởi những bức tường, cổng, ngõ hay cửa ra vào. Đại gia đình sống chung với nhau, cùng ăn, cùng uống và cùng ngủ nghỉ trong một chòi. Họ không muốn bị ràng buộc trong một khung đóng sẵn. Đây cũng là một cách sống tự nhiên hòa mình cùng với thiên nhiên an vui tự tại.

Trong Kinh Thánh đã nói nhiều về việc sử dụng cửa và ngõ vào. Từ xa xưa người ta đã biết làm cửa để ra vào và bảo vệ an toàn cuộc sống. Khi ông Noê chuẩn bị đóng tầu trước trận đại hồng thủy, Chúa đã dậy ông: Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên (Stk. 6:16). Cửa tàu được mở ra để đón nhận tất cả từng cặp mọi loài súc vật đi vào. Những cặp con vật vào tầu sẽ được cứu khỏi đại hoạn. Và ông Jacob thì được thị kiến trong giấc mộng là các thiên thần lên xuống từ trời cao. Ông đã nhìn thấy cửa trời. Giacob phát sợ và nói: "Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác."(Stk. 28:17). Còn ông Job là người có lòng nhân ái, ông đón tiếp những khách lạ đến nhà ông. Ông đã mở cửa đón chào. Người xa lạ không phải nghỉ đêm ở ngoài, tôi đã mở cửa đón mời lữ khách (Job 31:32).

2. Ngõ Vào

Ngõ vào hoàn thiện là đường dẫn lối chúng ta bước vào cuộc sống an vui và hạnh phúc. Hằng ngày chúng ta phải bước ra, bước vào biết bao nhiêu cổng ngõ. Chúng ra bước ra cửa này rồi lại vào cửa kia. Mỗi cửa đều có cánh cửa để đóng và mở. Ngõ vào có ngõ hẹp, ngõ rộng. Cổng chào thì có cổng lớn, cổng nhỏ. Lối đi thì có lối vào, lối ra. Đường tới thì có đường lên, đường xuống. Đường hẹp là lối dẫn đưa đến nguồn sống. Cứ quan sát cuộc sống hằng ngày, mỗi ngày chúng ta ra vào rất nhiều cửa. Muốn vào bất cứ nơi đâu chúng ta phải qua cổng hoặc qua cửa. Đặc biệt những nơi trọng yếu của quốc gia, cổng cửa thường là hẹp và được kiểm soát rất chặt chẽ. Muốn vào một nước hay một quốc gia nào chúng ta phải đi qua cửa khẩu. Tuy rằng nước rộng bao la, dân số đông đúc nhưng ai cũng phải qua cửa mới vào được. Muốn vào cửa, mỗi người phải được kiểm soát kỹ càng từ danh tánh, tên tuổi, quốc tịch và những lý lịch cá nhân, nên ai muốn nhập cư phải có thẻ căn cước, chứng minh nhân dân hay thẻ hộ chiếu. Để giữ an toàn xã hội, con người đã lập ra nhiều loại cổng để giới hạn sự chọn lọc, để dễ kiểm soát và giữ an toàn. Tiên tri Gierêmia diễn tả cả mấy ngàn năm trước: Đức Chúa phán với tôi thế này: "Ngươi hãy đi túc trực ở Cổng Lớn, nơi các vua Giuđa vẫn ra vào; rồi sau đó, tại các cổng thành Giêrusalem (Gier. 17:19).

3. Cổng Thành

Những dịp đại hội hay đại lễ, người ta thường thiết kế cổng chào để đón khách. Chúng ta cũng thường dựng cổng để đón chào cô dâu chú rể ngày thành hôn. Cổng Tân Hôn hay cổng Vu Qui, chúng ta biết cổng thuộc nhà trai hay nhà gái. Mọi người được mời sẽ đi qua cổng mà vào dự tiệc cưới. Thường thì cổng cửa nào cũng có then cài hay có chìa khóa để mở. Có nghĩa là cửa là sự giới hạn. Các tiểu quốc ngày xưa cũng thường xây cổng và có tường bao quanh. Dân Do-thái ngày xưa khi đã an cư lạc nghiệp, họ đã tổ chức thành xã hội có tôn ti trật tự. Vua chúa cho xây tường thành bao quanh và có cổng thông ra ngoài. Trong khi quân đội đang chiến đấu, Vua Đavít đứng trên cổng thành chờ tin. Vua đứng lên và ra ngồi ở cửa thành. Người ta báo cho toàn thể quân binh rằng: "Kìa đức vua đang ngồi ở cửa thành", và toàn thể quân binh đến trước mặt vua (2Sam 19:9). Dân cư sống trong thành và sáng sớm mở cổng để mọi người đi làm việc, chiều tối đúng giờ, cổng thành sẽ đóng lại. Người lạ mặt không thể xâm nhập.

Ngày xưa nước Trung Hoa đã cho xây Vạn Lý Tường Thành để bảo vệ quê hương khỏi nạn xâm lăng. Tường thành xây quanh đỉnh núi rất là kiên cố. Tường thành chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn tường có những cổng ra vào và có lính canh phòng. Họ nghĩ rằng đất nước sẽ không còn nạn chiến tranh xâm lược. Chúng ta biết Vạn Lý Tường Thành là một trong những kỳ quan thế giới. Sau khi xây xong tường thành, dân chúng nghỉ ngơi an toàn và nghĩ rằng chẳng ai có thể xâm lược. Nhưng họ đâu có ngờ rằng quân thù chỉ việc hối lộ cho một trong các người giữ cổng thành. Cổng sẽ được mở và quân thù sẽ đột nhập một cách dễ dàng. Đây cũng là bài học quan trọng cho tất cả những ai có trách nhiệm giữ cửa ra vào. Hãy luôn tỉnh thức canh giữ từ cửa khẩu cho đến cửa nhà.

4. Cửa Ra Vào

Nơi tôi đang phục vụ, lối đi từ nhà xứ vào nhà thờ được nối thông với nhau. Tôi đi qua, đi lại hằng ngày nhưng tôi chẳng để ý là phải qua mấy cửa từ nhà xứ sang nhà thờ. Một hôm, tôi có cha bạn đến thăm, bạn đi từ nhà xứ qua các cửa vào phòng thánh để chuẩn bị dâng lễ, bạn tôi nói rằng phải đi qua bảy cửa mới vào được phòng áo. Đúng thế, qua bảy cửa mới vào tới được nhà Chúa. Nếu bạn không có chìa khóa thì chịu thôi. Mỗi cửa có những then cài hay chìa khóa riêng. Phải đi qua cửa này mới tới cửa kia. Muốn vào nhà Chúa, chúng ta cũng cần bước qua từng cửa. Mỗi cửa như những bậc thang dẫn chúng ta đi lên cao hơn. Mỗi cửa như là những nhân đức chúng ta phải tập tành hằng ngày. Muốn vào cửa Nước Trời, chúng ta cũng phải nên tốt và kiện toàn hơn mỗi ngày.

Ở vùng Bronx, tại tiểu bang Nữu Ước có một Nghĩa Trang mang tên là Cổng Trời. Tại vùng Bronx, nơi tôi đang phục vụ có nhiều nhà thương, một trong những nhà thương có tên là Nhà Thương Đức Mẹ Thương Xót (Our Lady of Mercy), có Nhà Hấp Hối Calvê (Calvariô) và Nghĩa Trang Cổng Trời (Gate of Heaven). Trong niềm tin vào Thiên Chúa, khi bệnh nhân phải vào nhà thương thì cậy trông lòng thương xót của Đức Mẹ Maria, những ngày cuối đời trên giường bệnh được chia phần đau khổ với Chúa Kitô trên đồi Calvê và khi qua đời thì được chôn cất nơi cổng thiên đàng. Một hành trình đưa dẫn chúng ta vào con đường hoàn thiện. Nơi nghĩa trang Cổng Thiên Đàng ở trần gian là chỗ chôn cất xác chết vật hèn. Không phải mọi người được chôn cất trong nghĩa trang Cổng Trời là được lên trời cả đâu. Chúng ta những kẻ đang lữ hành trần thế, cần dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, cầu xin cho họ sớm được hưởng nhan thánh Chúa nơi quê thật là Nước Thiên Đàng.

5. Mở Rộng Cửa

Tôi nhớ khi Giáo Hội đón mừng Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã chọn tiêu đề: Hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô. Cửa đây là cửa tâm hồn. Chúa đến nhưng chúng ta có dám mở cửa đón Chúa hay không? Họa sĩ Holman Hunt vẽ bức tranh Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà nhỏ. Ông mời bạn bè đến góp ý xem có gì sai sót. Thấy bức họa, các bạn trầm trồ khen ngợi và không tìm thấy có gì sai. Ông Hunt cứ thúc dục các bạn xem kỹ lại. Cuối cùng, một họa sĩ còn rất trẻ lên tiếng: Thưa họa sĩ, tôi thấy có một sai lỗi trên bức tranh họa. Ông đã quên không vẽ tay nắm hay ổ khóa nơi cửa. Ông Hunt đáp: Này bạn, khi Đức Chúa Giêsu gõ cửa nhà bạn, thì cửa phải mở từ bên trong.

Vì cửa không có nắm để mở từ bên ngoài, người ta chỉ có thể mở cửa từ bên trong. Một hình ảnh làm đánh động tâm hồn. Đó là hình ảnh Chúa đang đứng đợi chờ trước cửa nhà chúng ta. Chúa đứng đó đợi chờ chúng ta mở cửa đón Ngài vào. Chúa đã gõ cửa tâm hồn của chúng ta rất nhiều lần. Mỗi tuần khi chúng ta đi tham dự thánh lễ và mỗi khi chúng ta tụ họp cầu nguyện, Chúa gõ cửa lòng của chúng ta nhưng nhiều khi chúng ta mải lo công ăn việc làm và bận bịu cuộc sống, chúng ta không lắng nghe được tiếng Chúa gõ cửa. Chúng ta cần sự bình tâm trong tâm hồn để đón chào Chúa. Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta (Kh. 3:20). Chúng ta đừng để Chúa phải đứng bên ngoài cửa chờ đợi trong cô đơn. Hãy mở cửa ra!

6. Cửa Hẹp

Chúa Giêsu nói: Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ (Gioan 10:9). Chính Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên và là Chủ chiên. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử (Gioan 10:2). Cửa chuồng chiên là hình ảnh rất quen thuộc đối với những người sống ở miền Trung Đông. Thường các người chăn chiên nằm ngủ ngay lối ra vào của chuồng chiên. Người chăn chiên chính là cửa. Con chiên muốn đi ra ngoài phải đi qua cửa và bước qua người chăn chiên. Chúa Giêsu ví Ngài như cửa. Vậy, Đức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào (Gioan 10:7). Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Chúa. Chúa Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể. Chúng ta sẽ hưởng nhờ nguồn suối ân sủng từ Chúa Giêsu là đầu và là Thiên Chúa. Thánh Gioan ghi lai: Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp (Gioan 10:1).Đến với Chúa, chúng ta phải đi qua cửa hẹp. Có nghĩa là chúng ta phải bỏ lại những vật lỉnh kỉnh lôi thôi. Vào cửa hẹp là đi vào con đường hy sinh và từ bỏ. Con đường ít người đi, vì nó đòi hỏi một sự cố gắng kiên trì và quyết tâm. Chúa Giêsu bảo họ:"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được (Lc. 13:24). Cửa hẹp là con đường giúp nên thánh. Con đường này có nhiều thánh giá khổ đau. Con đường hẹp dẫn chúng ta đi vào con đường trọn lành. Chúa Giêsu là cửa dẫn chúng ta vào nước hằng sống. Cửa hẹp thì ít người muốn vào. Muốn vào cửa hẹp chúng ta phải chấp nhận từ bỏ những quyến rũ của thế gian và những đòi hỏi thỏa mãn sai trái của xác thịt.

7. Cửa Rộng

Cửa rộng thênh thang dẫn chúng ta đến ngõ cụt. Chúng ta biết các trào lưu hưởng thụ của xã hội ngày nay đang dẫn con người đến chỗ vong thân. Trong xã hội nhiễm mùi thế tục, có nhiều người chủ trương một cuộc sống tự do thái quá. Tự do hưởng thụ qua cách sống thác loạn tình dục. Đạo đức luân lý bị gạt sang một bên để được tự do đồng tình luyến ái và tự do liên hệ tình dục nam nữ, miễn là đừng để có hậu quả. Những giá trị tinh thần dần bị loại bỏ để thế vào những quan niệm sai lầm về sự lựa chọn. Nhiều người chủ trương tự do lựa chọn giết người cách êm dịu, gọi là an tử. Chọn lựa hủy diệt bào thai trong cung lòng người mẹ. Các thai nhi vô tội đang bị tòa xử xé xác, phanh thây, tùng xẻo, dìm nước, cắt cổ, đập đầu…các bà mẹ có biết rằng khi từ chối sự sống của đứa con trong bụng là người mẹ đang đồng lõa với bác sĩ để hành hạ con cho đến chết.Con đường rộng rãi sẽ dẫn đến diệt vong.

Chúa mời gọi: Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó (Mt.7:13).Có biết bao lần chúng ta đã đi lạc xa con đường dẫn đến sự sống. Nhiều người còn đang mải mê đắm chìm trong thú vui trần thế. Họ nghĩ rằng đời còn dài và còn nhiều lạc thú cần hưởng. Người ta cứ việc làm giầu và ăn chơi thỏa mãn cuộc đời. Con đường thênh thang và xuôi chiều là con đường dễ dàng và thoải mái. Nhiều người chủ trương không cần phải cố gắng hay hy sinh gì cả và cứ sống tự nhiên theo bản năng đòi hỏi. Rất nhiều người đang chọn con đường rộng này và lôi kéo nhiều người cùng bước theo. Chúng ta hãy cẩn thận vì con đường dốc sẽ đưa chúng ta xuống vực thẳm.

8. Hãy Gõ Cửa

Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt. 7:7). Chúa nói với chúng ta rằng cứ gõ thì sẽ mở cho. Đã biết bao lần chúng ta đã gõ và Chúa đã mở và ban ơn cho chúng ta. Ngược lại, bao lần Chúa gõ cửa lòng của chúng ta, mà chúng ta cứ ngoảnh mặt làm ngơ. Chúng ta có thể chu toàn những điều Chúa dạy và giáo hội truyền một cách tối thiểu. Thử hỏi chúng ta có thực hiện hơn những điều buộc phải thi hành không? Có khi nào chúng ta tự nguyện giúp đỡ, hy sinh thời giờ để phục vụ hay góp phần sinh hoạt trong cộng đoàn và giáo xứ? Chúng ta có dám hy sinh khả năng và của cải để giúp đỡ tha nhân? Chúa quảng đại hơn lòng chúng ta mong ước. Nhiều khi chúng ta đã kể công với Chúa và muốn Chúa phải đền bù.

Có khi nào chúng ta chạy đến với Chúa xin trợ giúp mà Chúa chối từ chẳng nhận lời. Chúa nói cứ xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho mà. Chúa Giêsu phán: Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh (Mt. 6:6). Chúa sẽ ban cho ân huệ cho chúng ta theo cách của Chúa chứ không theo ý muốn của chúng ta. Cũng giống như cha mẹ dù có yêu thương con cái, cũng đâu phải đáp ứng mọi thứ mà con cái mong muốn. Các cha mẹ cần phân biệt điều nào thích hợp, điều nào không và điều nào tốt, điều nào xấu. Thiên Chúa là Cha nhân lành, Ngài thấu tỏ tâm tình của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có mở rộng cửa tâm hồn để đón Chúa hay không. Hãy đón Chúa vào trong đời sống và trao cho Chúa chìa khóa linh hồn, để Chúa đổ tràn ơn phúc lành xuống tâm hồn chúng ta.

9. Cửa Trời

Muốn vào cửa Nước Trời, chúng ta cũng cần có giấy thông hành. Giấy thông hành để được vào hưởng hạnh phúc thiên đàng là đời sống bác ái yêu thương và tin yêu chia sẻ. Hành trang vào Nước Trời thật gọn nhẹ với chiếc áo trắng tinh tuyền và cành vạn tuế. Sách Khải Huyền nhắc rằng muốn vào chung hưởng hạnh phúc đời đời, chúng ta phải trở nên tinh tuyền như chiếc áo trắng. Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành!(Kh. 22:14). Mỗi người tự xét mình dưới ánh sáng tinh tuyền của Chúa, chúng ta sẽ nhận diện được con người thật của mình. Không ai có thể tự hào rằng cuộc sống của mình tinh tuyền và không vết nhơ. Hãy đến với Chúa Giêsu, Ngài chính là cửa của sự tha thứ. Ngài sẽ tẩy sạch chúng ta trong máu châu báu của Ngài.

Trong Sách Khải Huyền, thánh Gioan diễn tả Nước Trời như một thành thánh có các cửa ngõ. Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ítraen (Kh. 21:12). Nước trời là nước hằng sống và là nơi mà chúng ta hằng mong ước. Mục đích tối hậu cuộc sống của chúng ta trên trần gian là mong ước được ghi danh trên trời.Thánh Luca viết: Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời."(Lc. 10:20). Chúng ta biết không ai lên trời trừ Đấng từ trời xuống mặc khải cho chúng ta về nước trời. Chính Chúa Giêsu sau khi sống lại từ cõi chết, Ngài đã hứa với các môn đệ: Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em (Gioan 14:2).

Nói tóm lại, muốn vào bất cứ nơi đâu, chúng ta phải đi qua cửa. Để được chấp nhận vào cửa, mỗi người phải có đầy đủ điều kiện và giấy tờ chứng minh. Muốn vào Nước Trời, chúng ta phải đi qua cửa hẹp. Từng người một qua cửa mà vào. Chúng ta không thể dựa dẫm, đút lót, gian lận, vào chui hay nhờ vả ai khác. Mỗi người phải tự đứng trên chân của mình. Chúng ta không vào thiên đàng hàng loạt, nhưng mỗi người sẽ được xuất hiện soi dọi dưới ánh sáng tinh tuyền. Sự thật linh hồn của con người được trưng bày tỏ tường như dưới ánh sáng ban ngày. Chúng ta không thể lẩn trốn trước nhan Thiên Chúa. Nếu tâm hồn của chúng ta được thanh tẩy tinh sạch, Chúa là Cha Nhân Từ sẽ đón chúng ta vào nước Thiên Đàng.
 
Chúng con hãy tỉnh thức
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
18:25 24/11/2010
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A

+++

A. DẪN NHẬP

Mùa Vọng lại trở về sau một năm phụng vụ. Mùa Vọng, tiếng La tinh là “Adventus”. Adventus có nghĩa là “đến, hiện diện hay hiển trị”. Người đến hay hiển trị ở đây là Chúa Cứu Thế. Ngài đã đến và hiển trị, sao mỗi năm còn chờ Ngài đến nữa ? Thực ra, chờ ở đây không phải là chờ Ngài đến vì Ngài đã đến rồi, nhưng là chờ ngày Quang lâm của Ngài, ngày Ngài đến trong vinh quang như một vị Vua Thẩm phán oai hùng.

Trong mùa Vọng này, trước mắt là chúng ta dọn lòng để mừng lễ Giáng sinh cho sốt sắng, nhưng còn là dịp để thúc đẩy chúng ta dọn mình đón Chúa đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày tận thế, nhưng đặc biệt để chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến lần sau hết của đời mình. Số phận đời đời của mỗi người mỗi khác tùy theo mình có chuẩn bị hay không.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ là Ngài sẽ đến lúc họ không ngờ. Vì thế họ cần phải tỉnh thức và tích cực chuẩn bị. Ngài nhấn mạnh đến tính cách bất ngờ của ngày Ngài đến để khuyên chúng ta luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Tuy thế, phần đông người ta xưa nay vẫn coi thường lời cảnh cáo đó, họ coi như không bao giờ chết, họ cứ sống mà hưởng thụ, hoặc khá hơn thì họ còn chần chừ chưa muốn sám hối, chưa chịu chuẩn bị cho số phận tương lai của mình.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1: Is 2,1-5

Đọan văn này có lẽ được viết vào sau thời Giêrusalem thất thủ, bị các đạo quân của vua Babylon xâm chiếm và tàn phá. Trong một thị kiến vĩ đại về tương lai, tiên tri Isaia ngắm nhìn Giêrusalem thời Thiên Sai. Giêrusalem mới này là một Giêrusalem huy hòang rực rỡ, người người tiến về đó, và tin chắc sẽ tìm được ở đó một nền hòa bình viên mãn và một niềm hạnh phúc chứa chan.

Tiên tri đã thấy trước Ngày của Chúa, ngày mà Thành được xây dựng lại từ trong đống đổ nát của mình, sẽ nhìn ngắm các dân tộc, sau khi giao hòa với nhau, tuốn về mình như một thành trì của Thiên Chúa. Khi mọi người đã biết tôn thờ Chúa thì đó cũng là thời thái bình: ”Người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lữỡi cầy, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa”.

Thành Giêrusalem lý tưởng này chính là Hội thánh do Đức Giêsu thiết lập. Nhờ Hội thánh và trong Hội thánh, Đức Giêsu chiếu giãi ánh sáng của Ngài trên mọi dân tộc, hòa giải họ với nhau để biến họ thành dân Thiên Chúa.

2. Bài đọc 2: Rm 13,11-14

Thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Rôma khuyên họ đừng mê ngủ nữa, hãy tỉnh thức vì Ngày tươi sáng đó rất gần rồi: ”Giờ phần rỗi của chúng ta gần đến… Đêm sắp tàn, ngày gần đến”.

Theo đó, thánh nhân khuyên tín hữu hãy tỉnh thức sẵn sàng là hãy từ bỏ những việc làm đen tối của thời chưa tin đạo, hãy cầm lấy khí giới của sự sáng mà chiến đấu, nghĩa là phải tích cực lọai trừ sự dữ và cổ vũ sự thiện.

Ngòai ra, tỉnh thức sẵn sàng còn là đổi mới cuộc sống: khử trừ các tệ đoan xã hội, ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị… Thay vào đó hãy tạo nên một cuộc sống mới theo gương Đức Kitô. Lời khuyên này vẫn còn hiệu nghiệm đối với chúng ta: hãy chuẩn bị cho ngày Chúa đến.

3. Bài Tin mừng: Mt 24,37-44

Trong đọan Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ là Ngài sẽ đến vào lúc họ không ngờ. Vì thế họ phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến để khỏi bị ngỡ ngàng.

Đức Giêsu có ý nhấn mạnh đến yếu tố bất ngờ như thời ông Noê, cơn đại hồng thủy xẩy đến lúc người ta đang mải mê với những sự thế tục “Người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi chính ngày ông Noê vào tầu mà người ta không ngờ”. Do đó, khi ngày của Chúa đến, có người sẽ bị lọai ra, có người sẽ được nhận vào hưởng hạnh phúc đời đời.

Vì thế, trong Ngày Chúa đến, số phận của mỗi người sẽ khác nhau: có người sẽ được đem đi về với Chúa, có người sẽ bị bỏ lại trong hư vong, nghĩa là có người được cúu rỗi, có người bị trầm luân. Được chấp nhận hay bị bỏ rơi là do người ta có chuẩn bị sẵn sàng không. Do đó, Đức Giêsu kết luận: ”Vậy các con phải sẵn sàng” (Mt 24,14).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Dọn tâm hồn đón mừng Chúa

I. MÙA VỌNG LẠI ĐẾN

Mùa Vọng Giáng sinh bởi chữ “Adventus” nguyên gốc tiếng La tinh xưa được đọc trại theo lối chuyển âm là “Mùa Apventô” hay “Mùa Ap” mà chúng ta vẫn gọi ngày xưa, nay được chuyển thành “Mùa Vọng”. Mùa Vọng là thời gian chờ đợi cái gì sắp xẩy đến, bởi vì Vọng có nghĩa là chờ, là mong. Chúng ta đợi cái “Adventus”: sự đến, tức là “Quang lâm”. Vậy Quang lâm là gì ? Quang là ánh sáng, lâm là đến, ngụ ý là người trên đem vinh quang đến cho người dưới.

Để nói về việc Con Người trở lại, thánh Matthêu, duy nhất trong bốn tác giả, đã dùng từ ngữ “Quang lâm”(Parousia). Nguyên khởi, chữ này có nghĩa là “đến, hiện diện”. Theo văn hóa La-Hy, người ta dùng nó để chỉ việc hoàng đế long trọng ngự đến hay chính thức thăm một thành nào. Trong Kitô giáo sơ khai, từ ngữ sớm được sử dụng để nói về cuộc trở lại vinh quang của Chúa Kitô vào ngày cánh chung.

Người Rôma xưa có thờ một vị thần tên là Janus. Từ đó chúng ta có danh từ Januarius (tháng giêng). Vị thần này được các họa sĩ vẽ bằng hình đầu người có hai mặt: một mặt nhìn về đàng sau, mặt kia nhìn về đàng trước. Mùa Vọng cũng tương tự như thế. Nó nhìn về hai phía: một lần nhìn lại lần Giáng sinh đầu tiên của Đức Giêsu trong lịch sử, đàng khác là hướng đến cuộc tái giáng của Ngài vào cuối lịch sử.

Hôm nay chúng ta bước vào Mùa Vọng của năm phụng vụ mới. Mùa Vọng mang hai đặc tính thiết thực cho chúng ta: vừa là mùa chuẩn bị mừng lề Giáng sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua cuộc kính nhớ này, chúng ta hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế (AC 39).

Chúng ta đang đứng giữa hai biến cố lịch sử này. Phận vụ chúng ta không phải là cứ lè phè ngồi chơi trên đỉnh đồi ngóai cổ về đàng sau và ngóng trông về đàng trước, mà phải xắn tay áo lên dấn thân vào công việc mà Đức Giêsu đã trao phó cho chúng ta khi Ngài đến lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

II. Ý NGHĨA CỦA MÙA VỌNG

Tin mừng hôm nay nói với chúng ta về hai lời cảnh cáo: một lời cảnh cáo về trận lụt lớn trong thời ông Noê. Lời cảnh cáo nữa là ngày tận thế sẽ đến. Chúng ta thấy có mối liên lạc giữa hai lời cảnh cáo này.

Việc Đức Giêsu đến trong ngày phán xét cuối cùng sẽ như trận lụt cuốn hết mọi người, trừ những người ở trong tầu Noê. Đức Kitô cảnh cáo chúng ta: ”Vậy các con hãy tỉnh thức vì không biết giờ nào Chúa mình sẽ đến”. Ngài còn nói thêm:”Các con phải sẵn sàng vì lúc các con không ngờ, Con người sẽ đến”. Ngài còn nói đi nói lại về ngày Tận thế. Ngài bảo chúng ta không biết ngày nào giờ nào, nên phải sẵn sàng.

1. Ngày tận thế

a) Một bí mật

Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài giảng về ngày tận thế, ngày Chúa đến.

Đức Giêsu tuyên bố: ngày và giờ tận thế không ai biết, kể cả Con Người, trừ một mình Chúa Cha mà thôi. Nói thế, Đức Giêsu không có ý phủ nhận việc Ngài biết. Về bản tính Thiên Chúa sao Ngài lại không biết, song không phải biết để mà nói. Ngài có ý bảo ta: không phải sứ mạng của Ngài định đọat và công bố ngày đó. Việc định đọat và công bố ngày giờ thuộc thẩm quyền Chúa Cha, cũng như việc sắp đặt chỗ ở trên trời ở trong quyền quan phòng của Chúa Cha.

Ngày và giờ là bí mật của Chúa Cha. Đó không phải là cơn thịnh nộ và sự trừng phạt vào ngày đã định. Nói rằng, chỉ một mình Chúa Cha biết ngày tận thế và việc Con Người trở lại, có nghĩa là đặt thế giới và nhân lọai trong tay của Ngài, trong đôi tay nhân từ của Ngài. Đó là đặt chúng ta trong sự thanh thản, an tòan: ai có thể rứt chúng ta ra khỏi đôi tay của Chúa Cha ? Chúng ta còn sợ gì, nếu chúng ta được ấp ủ trong tình yêu của Ngài ?

Vì thế, việc tìm biết ngày giờ Chúa Quang lâm là một việc làm phạm thượng, vì làm điều đó là tìm cách chiếm đọat những bí mật riêng của Thiên Chúa. Phận sự của con người không phải là tìm cách xác định ngày Chúa trở lại nhưng là chuẩn bị chính mình và tỉnh thức đợi chờ ngày đó.

b) Một bất ngờ

Nói về ngày tận thế, trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói rằng: ”Các con hãy sẵn sàng vì chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”(Mt 24,14). Thời giờ sẽ đến hết sức bất ngờ cho những kẻ miệt mài nơi vật chất thế gian.

Trong câu chuyện ngày xưa, Noê đã chuẩn bị cho mình khi thời tiết còn tốt sẽ sẵn sàng cho cơn nước lụt đến, thì ông đã chuẩn bị, nhưng những người còn mải mê ăn uống, cưới vợ gả chồng nên bị nước lụt cuốn đi cách bất ngờ. Những câu này là lời cảnh cáo cho lòai người, đừng miệt mài trong cõi đời tạm mà quên đi cõi đời đời, đừng bao giờ quá quan tâm đến việc thế gian, mà quên rằng có một Thiên Chúa, và vấn đề sống chết nằm trong tay của Ngài. Bất cứ khi nào Ngài gọi, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, chúng ta đều phải sẵn sàng.

Truyện: Biến cố bất ngờ

Ai cũng biết ngọn núi lửa Sainte Hélène ở tiểu bang Washington. Ngày Chúa nhật 18 tháng 5 năm 1980, có một nhà địa chất học còn trẻ tên là David Johnston, với 30 bạn tổ chức cắm trại cách quả núi 8 cây số. Lúc ấy là 8 giờ 31 phút sáng Chúa nhật, bỗng nhưng một tiếng nổ vang trời động đất mạnh bằng 500 quả bon nguyên tử nổ cùng một lúc. Các thành phố chung quanh bị chôn vùi dưới trận mưa tro. Johnston co giò chạy, nhưng một dòng sông lửa đã chận đường anh, chôn vùi anh và các bạn anh dưới nấm mồ tro hừng cháy (Lm Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm A, tr 4).

c) Phải đề cao cảnh giác

Sách có câu: ”Cẩn tắc vô ưu”: cẩn thận đề phòng thì khỏi bị ưu phiền. Ai lơ là trong cuộc sống sẽ gặp nhiều bất trắc xẩy đến mà không kịp đối phó, hậu quả sẽ tai hại khôn lường. Sống không cảnh giác sẽ phải rước lấy tai họa. Một tên trộm sẽ không bao giờ gửi thư báo trước mình sẽ đến viếng nhà nào. Vũ khí chính của anh ta là sự bất ngờ, vì vậy một chủ nhà có của cải lúc nào cũng phải canh chừng.

Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu điều này cho đúng, chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa cảnh giác chứ không nhằm chơi khăm chúng ta, dường như cứ nhằm lúc nào chúng ta sơ hở là Chúa trở lại. Đàng khác, người Kitô hữu trông đợi Chúa mình trở lại không phải sống trong sợ hãi kinh khiếp, nhưng đó là một sự trông chờ náo nức ngày vui vẻ vinh quang sắp đến.

Truyện: Tư thế sẵn sàng

Vào năm 79 trước công nguyên, núi Vésuve bất thình lình phun lửa dữ dội, chôn vùi thành phố Pompei phồn vinh dưới một lớp nham thạch dầy tới 7 mét. Năm 1748, sau 18 thế kỷ, người ta bắt đầu khai quật thành phố xấu số này. Giữa bao dinh thự đổ nát, bao đồ vật ngổn ngang, bao người chết đau đớn hỏang sợ, người ta ngạc nhiên tìm thấy xác của 38 người lính La mã đang thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong lúc xẩy ra tại họa khủng khiếp đó. Điều đáng nói là những người lính này đang tuần canh, tay còn cầm gươm, đi trong tư thế thi hành nhiệm vụ mặc dù cái chết kề bên.

2. Phải tỉnh thức

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức, đừng ngủ vùi trong việc trần thế. Chúng ta đang mê ngủ sao ? Đúng vậy, dù mắt chúng ta vẫn mở nhưng thực sự chúng ta đang ngủ trong bóng tối mịt mù:

- Chúng ta ngủ vì “những việc làm đen tối”.

- Chúng ta ngủ vì cứ “chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng”.

- Chúng ta ngủ vì chỉ “lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt”.

Thánh Phaolô cũng nhắc nhở rằng: ”Đêm sắp tàn, ngày gần đến” và “Giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo”, vậy “Đây là lúc chúng ta phải thức dậy”. Nhưng khi nào là đêm, khi nào là ngày ? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm ?

Truyện: Tha nhân là anh em.

Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi với các học trò của mình:

- Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu?

Một anh nhanh nhảu đáp:

- Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt nó là con bê hay con lừa.

Một anh khác, sau lúc suy tư cũng xin góp ý:

- Thưa thầy, khi nào con nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn.

Nhiều câu trả lời khác cũng được đưa ra, nhưng dường như vị sư phụ không thóang một chút hài lòng. Cuối cùng cả đám nhao nhao xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như thấm sâu giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng:

- Khi nào các con nhìn vào tha nhân và nhận ra đó chính là anh em chị em mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới.

Thế ra, không phải việc “phân biet” con vật này hay con vật kia hoặc người này hay người nọ, song là “nhận ra” tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng tỏa rạng. Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời ta cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẽ, lừa dối… Còn khi để cho yêu thương dẫn lối cuộc sống, ngày mới cuộc đời bắt đầu lên ngôi, nhờ ánh quang soi tỏ mọi đường lối.

Chúng ta còn phải tỉnh thức trong những công việc rất bình thường ta vẫn làm mỗi ngày. Ở đây Đức Giêsu kể ra các việc bình thường như ăn uống, cưới vợ lấy chồng, làm ruộng, xay bột… Mỗi Kitô hữu hôm nay đều có thể kể ra những công việc chính mình vẫn làm hằng ngày, từ việc nội trợ, gia công, đến việc buôn bán hay nghề nghiệp. Đức Giêsu nhắc đến nạn lụt lớn thời ông Noê, mà không nói đến sự sa đọa của lòai người thời đó. Ngài có ý đặt chúng ta trong bối cảnh bình thường hiện ta đang sống. Chính trong bối cảnh đó chúng ta đón nhận Nước Thiên Chúa đến với chúng ta.

3. Phải sẵn sàng

Theo cách viết của Matthêu, những người thời ông Noê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường: ”ăn uống, cưới vợ gả chồng”. Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt, không phải là vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả.

“Hai người đàn ông đang làm ruộng… hai người đàn bà đang kéo cối xay… thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại”: những người bề ngòai hòan tòan giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.

Đức Giêsu nhắc nhở ta phải luôn sẵn sàng vì Ngài sẽ đến bất cứ lúc nào. Ngài dùng một dụ ngôn để nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tỉnh thức. Ngài ví ta như chủ nhà nọ, nếu biết vào canh nào trộm sẽ đến, chắc chắn sẽ canh thức không để nó đào ngạch khóet vách ! Ngài đã dùng tới bản năng tự vệ của thính giả để giúp họ hiểu được sự tỉnh thức quan trọng như thế nào đối với sự an tòan của mình. Với của cải vật chất mà đã phải tỉnh thức như vậy, phương chi là với chính tính mạng của ta, thì lại càng phải tỉnh thức hơn gấp bội.

III. THỰC HÀNH TRONG MÙA VỌNG

1. Chờ đợi trong tin yêu

Mùa Vọng là thời gian chờ đợi. Chờ đợi trong tin yêu chứ không lo lắng sợ hãi, như chờ người cha thân yêu đến với con cái. Mùa vọng là mùa chờ đợi:

- Không phải đợi chờ trong mòn mỏi, day dứt khôn nguôi nhưng là đợi chờ trong hy vọng.

- Không phải đợi chờ mà không làm gì cả, nhưng làm việc trong đợi chờ.

- Không phải đợi chờ một ai đó, nhưng là đợi chờ chính Con Thiên Chúa.

Chờ đợi phải mang tính năng động, tránh tính trì trệ (inertie) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ năm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh khỏi sự trì trệ kiểu đó. Nó được biểu lộ trong:

- Sự nguội lạnh, phai lạt: một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ từ bớt nóng và trở thành lạnh ngắt. Sự “nhiệt thành” của ta đối với Nước Trời cũng vậy.

- Sự cạn kiệt: Một chiếc xe Honđa chạy mãi mà không được châm thêm, xăng dầu sẽ cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu nếu không được bồi thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện… cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói: ”Quỳ lâu, chầu mỏi” (Cf Carôlô, Hạt giống nảy mầm).

Trong cuộc sống hằng ngày người ta hay có ảo tưởng rằng thời gian còn nhiều, chưa vội, cứ từ từ mà sống, tương lai còn dài. Người ta có một nhược điểm hết sức phổ biến là luôn cho rằng vẫn còn ngày mai để chuẩn bị, còn ngày mai để sám hối ăn năn, còn ngày mai để thay đổi nếp sống. Nhưng có một kinh nghiệm hết sức chua xót đã từng đổ ập xuống bao người là ngày mai ấy không bao giờ trở lại. Chần chừ, khất lần là cơn cám dỗ hiểm độc nhất của ma qủi.

Có một truyện ngụ ngôn về ba con quỉ học việc. Chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỉ về những kế họach cám dỗ lòai người.

Con quỉ thứ nhất nói:

- Tôi sẽ bảo với lòai người là không có Thiên Chúa.

Con quỉ thứ hai nói:

- Tôi sẽ bảo họ là không có hỏa ngục.

Satan trả lời:

- Mi sẽ không lừa dối ai được bằng cách đó, ngay đến bây giờ lòai người vẫn biết có một hỏa ngục dành cho tội nhân.

Con quỉ thứ ba nói:

- Tôi sẽ bảo với lòai người đừng có vội vã làm gì.

Satan đáp:

- Đi đi, mày sẽ làm hại được vô số lòai người bằng cách đó.

Ao tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng mình còn lắm thời giờ. Cái ngày nguy hiểm nhất trong đời của một người là khi người đó học được chữ ngày mai, và trì hõan vì không ai biết ngày mai có đến với mình nữa không.

Truyện: Pháp quan Archais

Lịch sử còn ghi lại câu truyện bi thảm sau đây: Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi áo và nói: ”Để mai hễ hay”. Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi bức thư bị khui ra thì cả chính phủ bị bắt trọn.

Vị pháp quan Archais đã hất sứ điệp ấy qua một bên vì ông nghĩ hãy còn nhiều thời giờ. Quan tổng đốc Phêlít ngày xưa đã run rẩy trước sứ giả của Chúa là Phaolô nhưng vẫn chần chừ nói rằng: ”Bây giờ ngươi hãy lui ra, đợi khi nào rảnh, ta sẽ gọi lại”. Nhưng từ chỗ đó chúng ta không thấy chỗ nào nói đến ông ta rảnh cả.

2. Dọn mình chết lành

Đức Giêsu không mời gọi ta sợ hãi, nhưng mời gọi ta tỉnh thức. Ngài so sánh lụt đại hồng thủy và ông Noê. Người ta không nghi ngờ gì hết cho đến khi lụt đại hồng thủy đến cuốn trôi hết tất cả mọi sự. Tất cả mọi người mải lo lắng sự đời… Chúng ta cũng vậy, chúng ta mải lo lắng sự đời và đó là điều cần thiết. Chính lúc đó, Chúa đến gặp chúng ta. Nhưng để khỏi bị bất ngờ khi Ngài đến, chúng ta phải chuẩn bị như ông Noê. Cũng giống như ông, chúng ta có Lời Chúa cảnh báo và nhắc nhở chúng ta. Đức Giêsu nói: Đó, Thầy đã báo trước cho các con. Ngài đến gặp chúng ta một cách bất ngờ, nhưng không phải là không báo trước. Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra vào lúc tận thế. Cái chết của mỗi người cũng sẽ bất ngờ. Phải chăng cái chết không phải là ngày tận thế, ngày tận thế riêng của mỗi người, lúc mà Đức Giêsu đến gặp riêng mỗi người chúng ta đó sao ? (Fiches dominicales, năm A, tr 6).

Đối với những người không tin tưởng, chết là tận điểm cuộc sống, chết là hết, chết phá tan sự nghiệp công danh và mọi lạc thú trên đời. Kiếp sống của con người vì thế chỉ là kiếp bèo bòng, lo hưởng thụ: ”Chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì theo sau”.. Họ không chờ đón và mong đợi gì sau cuộc sống ! Nhưng đối với chúng ta, những người Kitô hữu, chết là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Trong giây phút vĩnh biệt cuộc đời trần thế để về thế giới bên kia, mỗi người chúng ta phải trình diện trước tôn nhan Chúa. Cuộc gặp gỡ quyết định số phận đời đời của mỗi người chúng ta.

Nhưng khốn nỗi mấy ai quan tâm, mấy ai đặt cho đúng tầm hệ trọng và tính cách vô cùng khẩn thiết của giây phút lìa đời ấy ! Chúng ta như người mê ngủ, từ sớm tinh sương đến chiều tàn, chúng ta bận tâm lo ăn lo mặc, lo sinh kế, lo công danh, lạc thú… Cuối tuần chúng ta dành thời giờ đi dạo ở đồng quê, leo đồi, leo núi hay tắm biển phơi nắng. Nại vào những bận tâm vật chất ấy, chúng ta lơ là việc thiêng liêng, bỏ rơi cầu nguyện, bỏ suy niệm Lời Chúa, bỏ dâng lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, không chịu các phép bí tích. Tựu trung, một cuộc đời hòan tòan vật chất, hiện sinh, sống như là không bao giờ phải chết, sống cuộc đời không có Chúa.

Ta đã suy niệm câu “Lúc Con Người đến”. Lúc Con Người đến chính là ngày tận thế, ngày Chúa Quang lâm, và cũng chính là giờ chết của mỗi người. Ngày ấy chắc chắn phải đến, nhưng thật là trớ trêu là nó lại đến một cách bất ngờ. Bất ngờ như trận lụt đại hồng thủy thời ông Noê. Vì vậy chúng ta phải dọn mình luôn, cứ tưởng tượng rằng hôm nay Chúa có thể đến gọi tôi. Tôi sẽ vui vẻ ra đi với Chúa.

Truyện: Chiếc quan tài

Tại chùa Tô châu, có một nhà sư tên là Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp đậy mở được.

Khách đến chơi trông thấy cười nói rằng:

- Ngài chế ra cái này dùng để làm gì ?

Vị sư trả lời:

- Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ: người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu lo buồn vất vả suốt đời, chẳng biết cái chết là gì.

Như ta đây, mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong lòng được yên ổn, mà muôn nghìn sự tư lự đều biến tan đi.

Hôm nay chúng ta đã bước vào Mùa Vọng. Giáo hội nhắc nhở chúng ta hãy đào sâu và sống tinh thần tỉnh thức đích thực của Kitô giáo. Tinh thần tỉnh thức của Kitô giáo nhắc nhở chúng ta về ngày trở lại của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng ngày sinh của Ngài. Chúa Kitô sẽ trở lại không phải vì Ngài đang vắng bóng, mà đúng hơn, Ngài đang hiện diện và đến trong từng phút giây của cuộc sống mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự gặp được Ngài, mặt đối mặt, khi chúng ta ra đi về với Ngài. Nhưng muốn được gặp Ngài trong tình thương yêu của tình Cha con, chúng ta cần phải dùng từng giây phút hiện tại để chuẩn bị cho cuộc ra đi gặp gỡ đó.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:45 24/11/2010
BẮT CHƯỚC NGUYÊN XI

N2T


Đào Cốc là người thời Ngũ đại, đến thời Tống Thái Tổ sau khi Triệu Khuông Dẫn thành lập triều Tống, thì ông ta làm “viện sĩ hàn lâm”trong hàn lâm viện. Công việc của viện sĩ hàn lâm là phác thảo văn kiện báo cáo, là một loại quan có chức mà không có quyền (có tiếng mà không có miếng), nhưng Đào Cốc cho rằng mình rất có tài hoa, bút pháp lại giỏi nên được trọng dụng, cho nên ông ta nổ lực biểu hiện để trở thành nhân vật chóp bu của hàn lâm viện, ông ta càng muốn thăng quan cho nên mời người đến nói với Tống Thái Tổ đề cử ông ta, không ngờ Tống Thái Tổ cười, nói:

- “Ta nghe nói hàn lâm viện phác thảo báo cáo, đều là sao chép lại văn chương của người trước, công việc nhiều là thay đổi một vài từ ngữ, chẳng qua chỉ là giống như tục ngữ đã nói “bắt chước nguyên“ có gì là nổi bật chứ !”

(Đông Hiên bút lục)

Suy tư:

Con người ta sống vui vẻ và hạnh phúc không phải chỉ có tiền và chức quyền, nhưng chính là dùng trí óc của mình để suy tư, phán đoán và sắp xếp cho công việc sinh hoạt của mình, và chịu hoàn toàn “trách nhiệm” về những ngôn hành của mình, thế nhưng trong cuộc sống thì lại có những người không như thế:

- Có người “bắt chước nguyên xi” bài luận án tiến sĩ của người khác rồi sửa đổi vài chữ và đề tên của mình, cộng thêm bì thư dày nữa là có bằng “tiến sĩ giấy”, lấy le với mọi người.

- Có người “bắt chước nguyên xi” tức là lấy nguyên bài hát của người khác, rồi đề tên mình là tác giả, thế là ngửa tay lấy tiền bản quyền mà không biết thẹn.

- Có người “bắt chước nguyên xi” cách đi đứng ăn nói của các tài tử diễn viên nổi tiếng, thế là họ trở thành người lập dị trong gia đình, kỳ quái ngoài xã hội…

Cuộc sống của người Ki-tô hữu thường bắt chước nguyên xi cuộc sống của Chúa Giê-su Ki-tô, tức là yêu thương và phục vụ tha nhân với tất cả lòng yêu mến, bởi vì bắt chước nguyên xi của Chúa Giê-su chính là con đường để được hạnh phúc và sống đời đời với Thiên Chúa trong Nước vinh quang của Ngài.

Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nới Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3, 1).

Mà tìm kiếm những gì thuộc thượng giới không phải là “bắt chước nguyên xi” Chúa Giê-su sao ?

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:47 24/11/2010
N2T


7. Phàm người muốn được vinh quang mãi mãi thì nhất định phải coi thường vinh quang tạm bợ.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Chuyện Bác Chuyện Em: Nhà Mất Trộm!
Nguyễn Trung Tây, SVD
21:05 24/11/2010
Chuyện Bác Chuyện Em: Nhà Mất Trộm!

□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.


Trời cuối tháng Mười Một, gió bấc thổi rét căm căm. Em đang ngồi co ro trên ổ rơm, miệng hút thuốc lào, bất ngờ cánh cửa mở tung, bác xuất hiện…

Em giọng nghiêm trọng, quên cả chào hỏi,

— Bác? Bác sao thế? Mặt sao xanh lét như trúng gió vậy?

Bác như người thua bạc,

— Chết rồi ông ơi, mất tất cả rồi!

Em trấn tĩnh,

— Bác bình tĩnh lại. Bác nói mất, mà mất cái gì?

Bác thều thào như người hấp hối, đang được phó linh hồn,

— Mất trộm ông ạ…

Bác thểu não như nhà có tang,

— Tôi đến là chết mất ông ạ! Tối hôm qua. Có mấy chục bạc dành dụm cho cái đám cưới của cháu Hoa. Tôi đã dấu kín trong tủ, khóa tới hai lần cửa hẳn hoi, thế mà nó cũng mò ra!

Bác thở dài,

— Trộm nó lấy tất tật! Giờ không còn gì!

Em trợn mắt,

— Chết chửa!

Bác than thở, giọng sung sũng nước mắt,

— Khổ cái thân tôi! Chính miệng mình đã dặn dò vợ con cửa giả là phải trông nom cho cẩn thận, nhất là vào dịp cuối năm, trộm nó cứ như rươi...

Bác phân trần,

— Chiều hôm qua bu nó lại dẫn mấy cháu về bên ngoại, mà nhà Hai Thoan họ lại mời ăn đám giỗ...

Bác nói nhỏ lại,

— Mà khổ một cái, rượu nếp than với thịt chó cuốn lá mơ tam thể của cái nhà đó thật là nhất vùng, cho nên về được tới nhà là chui thẳng vào trong buồng.

Bác lại chép miệng

— Sáng dậy, mở banh mắt ra, nhà trước cửa sau là sạch sành sanh. Trộm nó vét tất tật. Đôi lợn nuôi trong chuồng vỗ béo cho cái đám cưới, nó cũng ôm đi mất.

Bác giơ hai bàn tay đưa lên trời, miệng than thở,

— Chuồng lợn giờ trống trơn. Chết thiệt!

Em thắc mắc,

— Bác đã trình với quan chửa?

Bác cáu gắt,

— Trình với chả trình… Chả khéo lại mất thêm một mớ bạc nữa đấy.

Em cau mày,

— Ơ! Cái nhà bác này, đến là hay! “Đau ốm mang tới thầy lang. Gặp nhà mất trộm cửa quan thì trình” chứ lị.

Bác nói thầm thì,

— Biết, khổ lắm!

Bác nhìn ngó chung quanh, nói nho nhỏ vào tai em,

— Tháng trước nhà chị Thìn cũng mất trộm. Lên trình quan, quan phái thầy lý xuống viết biên bản. Nhưng chả lẽ người ở cửa quan tới nhà mà chỉ có được cốc nước vối với vài hơi thuốc lào. Vậy là mất đứt tám hào cho mâm cơm gà trống thiến luộc với một cút rượu để đãi thầy lý với lính huyện. Thế đã xong đâu, lại còn phải dúi vào tay thầy lý một hào, hào kia là biếu hai ông lính. Nhưng rõ là vãi tội, cả tháng rồi có thấy của nó bò về lại nhà đâu. Của thì mất, vốn liếng trong nhà lại thâm mất đúng ba đồng bạc...

Bác đưa ngón tay lên, tính lẩm nhẩm trong miệng,

— Này nhé, tám hào mâm cơm, hai hào dúi tay, hai đồng cho biên bản và con triện son của quan. Cộng lại không phải ba đồng thì là mấy. Một đống của. Cái nhà chị Thìn,

Bác kết luận,

— Rõ là khổ!

Em thở dài,

— Nói bác đừng giận. Đã biết là cuối năm, trộm cướp như rươi mà bác còn uống…

Bác buồn bún thiu,

— Thì biết. Sáng dậy tỉnh men rượu là biết có chuyện rồi.

Em lắc lắc đầu,

— Khổ! Chỉ vì mấy chén rượu của nhà Hai Thoan.

Bác lại chép miệng, thở dài,

— Mấy đêm trước, nửa đêm về sáng thấy con Đốm con Vàng sủa vang là đã nghi rồi. Cho nên bận chi thì bận, tối nào cũng đánh một vòng xem xét cửa nẻo trước sau. Chỉ sểnh ra một cái! Rõ khổ!

Bác nói mà như mếu,

— Bu nó đang ngồi khóc thút thít trong buồng như nhà có tang. Tuần tới là nhà trai mang trầu cau sang dạm hỏi rồi, mà bây giờ trong nhà không còn một hào. Tôi là đến chết mất…

Bác dừng lại, trợn mắt nhìn em đang móc móc ruột tượng,

— Ông làm cái gì thế?

Em nhẩn nha nói,

— Thôi, bác cho phép để em nói mấy nhời. Bán anh em xa không bằng láng giếng gần.

Em đưa ra,

— Đây, bác nể mặt em cầm tạm mấy chục đồng này về mà lo cái đám cưới cho cháu...

Em chân thành,

— Cái này cũng là quà cưới em tặng cho cháu. Không mừng sau, thì thôi mừng trước vậy. Cũng vẫn là tiền mừng. Bác không cầm là em giận cho mà coi.

Bác nước mắt lưng tròng. Trời tháng Mười Một giá rét cá chết nổi lình bình ngoài sông cái mà sao trong hồn ấm áp như đang ngồi trong bếp lửa than hồng.

□ Suy Niệm

Chúa phán, “Vào thời ông Noah thế nào, ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy… Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã canh thức, không để nó khoét vách nhà mình” (Matt 24:37, 42-43).

Noah đóng tàu báo hiệu lụt đại hồng thủy, nhưng thiên hạ thản nhiên ăn uống đám cưới. Mưa trời đổ xuống, nước lụt dâng lên cuốn trôi tất cả.

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

Ngực đau nhoi nhói báo hiệu bệnh tim, nhưng trần gian có người vẫn thản nhiên uống rượu, hút thuốc, làm việc quần quật, cày ngày cày đêm. Đau tim! Mổ nối ba bốn động mạch. Sinh mạng bấp bênh như ngọn nến trước cơn bão.

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

Rượu báo hiệu cửa ngỏ tâm hồn lỏng lẻo khóa. Trộm ghé vào. Mất tất cả. Rượu báo hiệu mất khả năng tự chủ. Nếu lái xe, đụng cột đèn. Bể đầu xe và bể đầu mình. Rượu báo hiệu đèn xe cảnh sát chớp chớp phía sau. Cảnh sát thổi rượu. Mất bằng lái.

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

Nhức đầu, cáu gắt, tâm thần bất ổn báo hiệu hồn và xác mệt nhoài bởi đời sống vật chất cuồng quay. Mùa Vọng tới, mùa tham dự tĩnh tâm, mùa nhận lãnh bí tích Hòa Giải.

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

Mùa Vọng của cây nến thứ nhất đốt lên báo hiệu Ngôi Hai Thiên Chúa đang chuẩn bị ghé xuống viếng thăm địa cầu. Trần gian ơi, máng cỏ nào đã được đan kết để chào đón giây phút diệu huyền Ngôi Hai nhập thể hóa nên người trần!

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

www.nguyentrungtay.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phản ứng của ông Seewald: Đức Thánh Cha Benedict XVI bị nhiều người hiểu nhầm
Bùi Hữu Thư
06:10 24/11/2010
Tác giả mô tả cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha

ROME, 23, tháng 11, 2010 (Zenit.org).- Tác giả cuốn sách mới phỏng vấn Đức Thánh Cha Benedict XVI bầy tỏ sự bất bình vì bản văn của ông đã bị giới truyền thông trình bầy những hiểu lầm về vài phát biểu liên quan đến túi cao xu.

Peter Seewald nói: Điều Đức Thánh Cha nói trong cuộc phỏng vấn là “tương lai của trái đất”, ngài bàn về “Ánh Sáng Thế Gian: Giáo Hoàng, Giáo Hội, và Những Dấu Chỉ của Thời Đại,” cuốn sách này đã được nhà xuất bản Ignatius Press phát hành hôm nay.

Tác giả người Đức than phiền về “một cuộc khủng hoảng trong giới báo chí” khi ông giới thiệu cuốn sách hôm nay tại Vatican.

Ông đề cập đến cơn lốc quay cuồng của giới truyền thông trên thế giới từ ngày Thứ Bẩy, khi báo L'Osservatore Romano, tờ báo bán chính thức của Vatican đã đăng nhiều đoạn trích dẫn từ cuốn sách. Một trong những bản văn được đăng tải nằm gần cuối chương thứ 10, khi Seewald hỏi Đức Thánh Cha hai câu hỏi về việc chống lại bệnh AIDS và việc sử dụng túi cao xu. Ông nói các bản văn này đã được diễn giải sai nghĩa hay được trình bầy sai lạc trên những hàng tít lớn trên khắp thế giới.

Tác giả nói: “Cuốn sách của chúng tôi nói về sự sống còn của hành tinh chúng ta đang bị đe dọa: Đức Thánh Cha kêu gọi nhân loại – thế giới chúng ta đang trên đường xụp đổ, và phân nửa các nhà báo chỉ chú ý đến việc sử dụng túi cao xu.”

Seewald nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha đang cổ võ cho “việc nhân bản hóa tính dục” và đặt vấn đề thâm sâu hơn: “Tính dục có liên hệ gì với tình yêu không? "

Đối với tác giả người Bavaria, sự quá tập trung vào vấn đề túi cao xu thật “khôi hài.” Trong khi đó, theo ông, vấn đề cải tổ thế giới do Đức Thánh Cha đề nghị lại bị bỏ quên.

Seewald khẳng định rằng Đức Thánh Cha trình bầy một loạt những vấn đề rộng lớn trong sáu giờ phỏng vấn được thực hiện tháng Bẩy vừa qua tại nhà nghỉ mát mùa hè ở Castel Gandolfo.

Nhưng ông yêu cầu phải chú ý đến những gì quan trọng trong cuốn sách như: khám phá ra những gì Đức Thánh Cha làm và nói. Tác giả đề nghị: “quà tặng” của cuốn sách này là “có thể nghe được tiếng nói của ngài,” được thấy cách ngài giải thích về giáo triều của ngài, và để “sống” bên ngài một cách riêng tư.

Một người khổng lồ giữa nhân loại

Tác giả suy nghĩ: Đức Thánh Cha Benedict XVI có thể được xếp trong hàng ngũ các “tiểu giáo hoàng” khi so sánh với những “đại giáo hoàng” như Gioan Phaolô II. Tuy nhiên Seewald không ngần ngại nhắc đến ngài như một “người khổng lồ” – vì những tư tưởng, tính xác thực, và khả năng đối thoại của ngài.

Tác giả người Đức – đã khám phá ra đức tin Công Giáo khi đối thoại với cựu Hồng Y Ratzinger trong thập niên 90 – giải thích rằng ông đã làm việc không bị Đức Thánh Cha kiểm duyệt. Ngài cho phép ông tự do viết và chỉ đề nghị những gì “làm cho rõ ràng hơn.”

Nhà báo này bầy tỏ sự ngưỡng mộ Đức Thánh Cha về “quan điểm hướng thượng,” và “sức mạnh tâm linh,” cũng như “tính giản dị” của ngài.
 
Lời Tạ Ơn trong ngày Lễ Thanksgiving
Văn Duy Tùng
11:52 24/11/2010
Hàng năm vào ngày thứ Năm tuần thứ tư của tháng 11. Nuớc Hoa kỳ có một ngày lễ rất ý nghĩa và tôi lấy làm thích thú nhất trong tất cả những ngày lễ nghỉ ở đất nước Hiệp Chủng Quốc này. Đó là ngày lễ THANKSGIVING, NGÀY LỄ TẠ ƠN.

Bài hát Muôn Đời Tạ Ơn

Lễ Tạ Ơn lần đầu tiên xảy ra tại Hoa Kỳ vào năm 1621 sau khi những nguời Pilgrims từ nuớc Anh tìm ra và đặt chân xuống đây để chọn vùng đất sống. Vùng đất dồi dào và màu mỡ, để từ đó con cháu họ và những thế hệ nối tiếp đã lập lên một quốc gia Hoa Kỳ lớn mạnh và giàu có nhất thế giới.

Số nguời tham dự Ngày Lễ Tạ Ơn lần đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn có 140 nguời, trong đó 90 là nguời Wampanoag (Nguời Da Đỏ) và 50 là nguời Pilgrims. Một số nguời Pilgrims đa bỏ xác giữa đuờng trên con đuờng thiên lý tìm đến đây và cũng đa bị chết rất nhiều khi chưa thích nghi với khí hậu, nhất là những bệnh tật và mùa đông băng giá. 140 nguời đầu tiên đó, họ đã dành đúng 3 ngày để tế Lễ Tạ Ơn sau khi vụ mùa đầu tiên đã thu hoạch.

Ba Ngày đó, họ làm gì và tạ ơn ai ?

Vâng, điều đầu tiên là họ tạ ơn Trời. Tạ ơn Thuợng Đế đã cho họ đuợc sống sót trên chuyến đường ngàn dặm và đã cho họ gặp may mắn tìm ra đuợc vùng đất màu mỡ, vùng đất có sữa và mật. Họ tạ ơn Thượng đế đã chúc phúc cho họ có được một vụ mùa gặt đầu tiên bội thu. Họ cũng không quên tạ ơn những người Da Đỏ đã giúp họ biết canh tác, trồng trọt và huớng dẫn họ cách chăn nuôi trong những ngày tháng chân uớt chân ráo. Và hôm nay đây sau gần 400 năm, nguời dân Hoa Kỳ đã tái diễn lại ngày lễ Tạ Ơn đó mỗi năm như là một sự nhắc nhở con cháu họ phải biết đến Ơn Trời, nhớ ơn nguời và luôn ghi khắc trong lòng ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Qua câu chuyện The First Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên) và những nguời Pilgrims, tôi liên tưởng ngay đến nguời Việt Nam tỵ nạn trên vùng đất Hoa Kỳ này hoặc một quốc gia nào khác.

Quả thật, chúng ta cũng chẳng khác gì với cuộc hành trình của nguời Pilgrims khi bỏ Nuớc ra đi tìm tự do và đất sống.

Con đuờng và những chuyến vượt biên, vượt đại dương của bạn và tôi trên những chiếc thuyền nan mong manh, đã gặp bao nhiều điều gian nan và nguy hiểm. Sự gian nan và nguy hiểm ấy có thể đến mức 99% của sự chết bởi biển cả, bởi sóng gió và bảo táp, bởi đói khát và hải tặc để chấp nhận đánh đổi còn lại mong manh 1% của sự sống.

Biết bao nhiêu khó khăn trong những ngày đầu tiên ở các trại tỵ nạn, bao nhiêu sự xa lạ và khác biệt giữa đời sống. Bất đồng ngôn ngữ, tập quán, văn hóa v.v... trong những ngày tháng đầu tiên định cư tại Hoa Kỳ và những quốc gia khác.

Thế rồi ngay hôm nay khi ngoảnh mặt lại, bạn và tôi đã nhớ và khám phá ra rằng, chúng ta đã mang ơn biết bao nguời, biết bao điều trong cuộc sống, mà thường thì con người hay lờ đi và cố quên những nguời đã làm ơn làm phuớc trong cuộc đời của chúng ta. Nhất là sau khi bạn và tôi đã công thành danh toại, đã trở nên giàu có và đầy đủ trên vùng đất Hoa Kỳ này.

Để rõ và chắc chắn hơn sự vô ý hay quên, và không nhớ đến những nguời mà ta đã mang ơn, xin hãy vào Nhà Thờ hay Chùa Chiền sẽ thấy và nghe đuợc toàn là những lời cầu xin rôm rả của giáo dân, của thiện nam tín nữ mà quên đi lời tạ ơn. Hãy xem tờ thông tin hay tờ mục vụ ở những nơi này, chằng chịt những nguời xin lễ, xin ơn... Xin cho, xin đuợc, xin thêm.... điều này điều kia mà không thấy một một lời, một lễ để tạ ơn. Nểu có thì cũng rất giới hạn. Và mặc dù sự tạ ơn của chúng ta cũng chẳng có thêm lợi ích gì cho Thuợng Đế. Thế nhưng, Ngài muốn lòng con nguời phải nhớ và biết ơn!.

Hôm nay trong Ngày Lễ Tạ Ơn với bầu trời ảm đạm của mùa Thu. Bầu trời có sương khói lam chiều như bên quê nhà. Ngoài kia những chiếc lá đang dần úa vàng, những cơn gió nhẹ nhàng mơn man, như vuốt ve hàng cây để những chiếc lá vàng phải rơi rụng về với cội nguồn, về với lòng đất. Đời con nguời đâu khác chi với chiếc lá. Xanh tươi rồi úa tàn. Lá sẽ mục nát trong lòng đất và biến thành chất hữu cơ cho rễ cây để ươm cho những mầm mống nối tiếp của ngày mai.

Việc đầu tiên và trên hết, bạn và tôi hãy cám tạ đến Thuợng Đế vì điều kỳ diệu và tuyệt vời nhất Ngài đã tạo dựng cho chúng ta hình hài làm nguời mà không phải hình hài một con khỉ hay con đuời ươi (Loài nguời phát sinh từ loài khỉ / "Thuyết Duy Vật Biện Chứng") hoặc một con vật nào khác.

Tạ ơn Ngài đã thổi trong hình hài ta một sự sống và sự sinh tồn.

Một lý trí để xét suy, một trí tuệ biết nhận định đúng, sai. Biết sự thiện, sự ác và biết nhận diện để tìm đến Thuợng Trí, tìm đến ánh sáng của Chân-Thiện-Mỹ. Ngài còn tạo và đặt để trong ta một trái tim. Trái tim không chỉ có bổn phận bơm máu nuôi cơ thể mà còn để ban phát tình yêu thương và sự rung cảm trong đời sống. Nhờ có trái tim mà lý trí và bản năng của con người được kìm chế, được xoa dịu nhất là khi đối diện và gặp phải những lúc cường độ xung đột và khác biệt trong nhịp sống nơi bản chất của con người. (Theo khoa học, những bộ phận đầu tiên để hình thành một bào thai, là một giọt máu biết đập. Đó chính là quả tim).

Vâng, nếu trong đời sống của chúng ta chỉ biết liên quan, đối diện hoặc giao hảo dựa trên lý trí và bản năng, thì có lẽ chúng ta đã và sẽ chém giết nhau từng ngày một. Vì đời nào lý trí và bản năng của tôi chịu thua lý của bạn!. Huống gì sự tranh chấp, sự bất đồng, sự khác biệt nhan nhản xảy ra trong đời sống hằng ngày mà có thể dẫn đến sự xung đột, sự nổi loạn rồi sẽ hơn thua... Ngài biết rõ bản chất của con nguời, nên đã gắn cho mỗi con người có một trái tim để kìm chế lý trí, kìm chế bản năng là thế.

Khi nói đến quả tim là đề cập đến sự sống, là nói đến sự yêu thương, hạnh phúc, bình an và hòa bình.. . Nếu mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi gia đình, mọi nguời luôn để con tim truớc lý trí để xử lý với nhau trong bất cứ mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, thì có lẽ thế giới này sẽ thôi chiến tranh, con nguời sẽ gần lại với nhau, sẽ nâng đỡ và thương yêu nhau. Gia đình sẽ hạnh phúc, xã hội sẽ giang rộng cánh tay chào đón tất cả mọi thành phần mà không phân biệt màu da, chủng tộc, mũi tẹt hay da màu...

Xin hãy để con tim đứng trước để xử lý và bàn thảo trong mọi lĩnh vực, luật lệ, mọi quyết định, mọi việc, mọi sinh hoạt trong đời sống... Hẳn, Thuợng Đế đã có lý do tạo ra quả tim (giọt máu biết đập) đầu tiên để hình thành con người trong bào thai truớc cả cái đầu, cái miệng và đôi tay... Vậy, tại sao không để trái tim của chúng ta xử lý truớc tiên trong mọi điều, mọi việc nơi đời sống hằng ngày, trong xã hội nhiễu nhương và bất công, nơi thế giới đầy dẫy những tranh chấp và hận thù.

Xin hãy cúi đầu để tạ ơn sự tuyệt diệu của Ngài khi tạo dựng nên loài nguời và tạo dựng nên vũ trụ bao la. Ôi Đấng Quyền Năng vô song và tuyệt hảo!
Có lẽ bạn và tôi không cùng một tôn giáo và một niềm tin, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự hiện diện, sự tạo dựng nên vũ trụ, sông biển, núi đồi, cỏ hoa, nắng mua và cầm thú....trong sự quan phòng của Thuợng Đế, rồi cho con nguời được ân huởng và làm chủ tất cả các vạn vật đó.
Ngài còn sắp xếp mọi vật thể trong vũ trụ, chuyển mình theo tuần tự trong bàn tay vạn năng và an bài của Ngài.

Bạn cứ tưởng tượng xem, nếu một ngày ta sống không có ánh sáng trong 24 tiếng đồng hồ hoặc một tháng thì sẽ bất tiện đến thế nào ?. Hoặc những vì sao va chạm, rơi rớt, vũ trụ, trời đất, tinh tú hỗn loạn thì đời sống con nguời sẽ ra sao ?. Vậy, tất cả và thậm chí ngay cả ngày và đêm cũng nằm trong chương trình sáng tạo và xếp đặt để cho con nguời có được năng luợng ánh sáng của mặt trời và được nhận ra thời gian, năm tháng, ngày và đêm để nghỉ ngơi hay làm việc.

Sau khi tạ ơn Trời, bạn và tôi chắc chắn nghĩ ngay đến gia đình.

Ngày Lễ Tạ Ơn cũng là ngày quy tụ mọi thành viên trong gia đình. Tất cả con cái từ phương xa trở về với tổ ấm, về với gia đình để tạ ơn đấng sinh thành. Thượng Đế đã khôn ngoan hình thành xã hội đầu tiên cho loài nguời đó là người chồng, người vợ và từ đó họ sinh ra con cái. Quy nạp lại đó chính là gia đình. Nơi gia đình ta tìm đuợc chỗ nương tựa và yêu thương, được an ủi và vỗ về, được chia sẻ ngọt bùi hay đắng cay, hạnh phúc hay khổ đau...

Cao điểm nhất trong ngày Lễ Tạ Ơn này đối với các gia đình đó là sự gần gũi và nhất là trong bữa cơm tối. Tất cả Ông Bà, Cha Mẹ, con cái và cháu chắt quây quần bên bàn ăn rồi dâng lên lời tạ ơn Thượng Đế đã ban cho biết bao ân huệ trong năm qua. Tạ ơn đấng sinh thành đã dưỡng dục nuôi nấng ta đến ngày khôn lớn.

Còn gì hạnh phúc và ý nghĩa cho bằng khi có được đầy đủ mọi người trong gia đình bên bàn ăn trong Ngày Lễ Tạ Ơn, mặc dù những món ăn không phải cao lương mỹ vị, mà chỉ là những món ăn đơn giản như khoai lan, đậu, ngô, bí... đã được chế biến, nhất là món turkey (Gà Tây) thì không thế thiếu đuợc. Những món ăn này bắt nguồn từ ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của nguời Pilgrims và nay đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Lễ Tạ Ơn hằng năm.

Chúng ta còn tạ ơn ai nữa không ?

Vâng, còn nhiều lắm đấy, bạn ạ.

Này nhé: Vào những năm đầu sau năm 1975, có biết bao nguời Việt Nam bỏ nước ra đi. Những ngày tháng lênh đênh và ngoi ngóp trên biển cả, lạc lõng trong rừng sâu. Nếu như không có những chiếc tàu và lòng thương xót của người ngoại quốc cứu vớt, thì xác thân bạn và tôi đã làm mồi cho cá rồi. Vì thế, chúng ta không thể không biết ơn đến những chiếc tàu đã ra tay nghĩa hiệp cứu vớt những thuyền nhân lênh đênh trên biển. Các trại tỵ nạn, những trại định cư, trại tiếp tế, trại chuyển tiếp như Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kông, Phi Luật Tân... Nhờ những trại đó để cho chúng ta có cuộc sống ngắn hạn và tạm thời sau bao ngày lênh đênh trên biển cả và lạc lối trong rừng sâu trước khi lên đường định cư ở một quốc gia khác.

Ơn cao cả và lòng nghĩa hiệp đó là từ tấm lòng nhân đạo của các Thuyền Truởng, của Liên Hợp Quốc, Hội ICM, Các Hội Từ Thiện, Hội USCC, Các Cơ quan bảo lãnh của Catholic.v.v...

Làm sao bạn và tôi có thể quay mặt hoặc có thể quên bẵng đi được với những ân nhân người Mỹ đã bảo lãnh, ra tận phi trường đón và đưa chúng ta về, cho ở trong nhà rồi đối xử, giúp đỡ và ân cần như một thành viên trong gia đình của họ.

Tạ ơn đến những nguời lính canh gác nơi tiền đồn, những chiến sĩ đã hy sinh nằm xuống để gìn giữ quê hương, những người cảnh sát, những cơ quan bảo vệ hòa bình, chặn đứng và dẹp tan sự khủng bố và những thành phần bất hảo để cho gia đình bạn và tôi, cho tất cả mọi nguời có cuộc sống thanh bình.

Liên quan trong đời sống hằng ngày. Chúng ta biết ơn đến những vị chức sắc nơi các tôn giáo. Các Linh Mục, Mục Sư, các vị Đại Đức, Thượng Tọa, các vị Tu Sĩ Nam Nữ có bổn phận hướng dẫn đường tâm linh. Chỉ cho chúng ta nhận ra ánh sáng của sự cứu rỗi trong cuộc đời đau khổ hôm nay.

Thiên Chúa thương con người và đã ban Đức Giêsu Kitô xuống thế gian chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và rồi cho chúng ta được ơn cứu độ của Ngài. Cũng thế, Phật Thích Ca đã chua xót thốt nên lời bi ai trước khi lên đường tầm đạo cứu chúng sanh: "Đời Là Bể Khổ!".
Vâng, đời là khổ thật nên ta phải cần đến các vị ấy để được huớng dẫn và giúp ta định hướng tìm được sự sống nơi vĩnh hằng, gặp đuợc bến bờ của bình an trong cuộc đời trầm kha này.

Ôi, các vị này chính là "Cái đẹp để (sẽ) cứu rỗi thế giới".

Chúng ta luôn ghi ơn đến những người Thày, người Cô đã khai thông sự ngu dốt của ta. Dạy ta biết nhận thức và mở trí ta để thông suốt những sự kiện, mở mang kiến thức để ta phát triển tài năng... Huớng dẫn ta biết luân thường đạo lý, biết Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, biết Tam Tòng Tứ Đức, biết lễ phép Tiên học lễ, Hậu học văn... để ngày hôm nay ta dùng kiến thức và sự hiểu biết đó mà sống còn và phát triển mọi mặt trong đời sống. Để đối diện và giao hảo tốt đẹp, hài hòa với mọi người trong xã hội, bạn bè và gia đình.

Xin cám ơn những Bác Sĩ, Y Sĩ đã tận tình chữa trị những lúc ta trái gió trở trời, lúc ta gặp bệnh hoạn, những lúc bị dồi máu cơ tim, bị đột quỵ hoặc bị ung thư và những cơn bệnh nguy kịch khác....
Ai là nguời ra tay để cứu chữa cho bạn và tôi đây ?

Nhưng xin bạn và tôi cũng đừng vội quên đến những người và công việc của họ xem rất tầm thường, nhưng ảnh huởng rất lớn trong đời sống của chúng ta. Từ bác đưa thư, nguời tài xế, thậm chí người đổ rác nhà bạn nữa. Hãy nghĩ xem, chỉ cần 2 tuần thôi, những bao rác nơi nhà bạn không được lấy và dọn đi, thì bạn có sống được với mùi hôi thối nơi đống rác ấy không, mặc dù tôi biết bạn đã đè nén và nín....thở trong mấy ngày qua.

Và xin tạ ơn biết bao nguời liên quan trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Riêng tôi sẽ không quên cám ơn đến nguời bạn đời đã cùng với tôi gầy dựng mái ấm gia đình, đã chia sẻ với tôi trong những lúc gian nan hoạn nạn. Luôn bên cạnh tôi trên những đoạn đường thăng trầm của cuộc sống. Đã vồ về, an ủi, đã sẻ chia dù niềm vui hay nuớc mắt, dù khổ đau hay sướng vui...
Người bạn đời này sẽ còn lại trong những ngày tháng cuối đời của tôi, sẽ gần gũi và đỡ nâng tôi khi già yếu, bệnh tật. Và sẽ đau xót, tiếc nuối và khóc thương khi tôi ra đi về bên kia thế giới.

Ôi cuộc đời dễ thương và đẹp biết bao khi chúng ta có nhau và biết ơn nhau! Xin cúi đầu muôn đời tạ ơn. Tạ ơn Trời, tạ ơn tất cả mọi người đã làm ơn làm phúc trong của đời của bạn và của tôi.

Và sau cùng, xin kính chúc bạn có một ngày Lễ Tạ Ơn thật êm đềm và ý nghĩa bên những người thân và gia đình của bạn.

Happy Thanksgiving!
 
Với các tân Hồng Y: hãy sẵn sàng hy sinh tính mạng
BTGH
11:57 24/11/2010
EWTN News( 21.11) -- Ngày 20.11, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chào mừng các tân hồng y với lời kêu gọi phục vụ và hy sinh,kể cả đổ máu ra. 2 Vị người Mỹ, 10 vị người Ý; các Vị còn lại đến từ nhiều quốc gia,trong đó 2 Vị trẻ nhất – 57 tuổi: ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya giáo phạn Kinsha sa,Congo và ĐHY Reinhard Marx giáo phận Munich, Đức).

Sự đón tiếp nồng hậu mà các Vị nhận được bên trong đền thờ Thánh Phêrô tương phản với buổi sáng se lạnh nở Roma ướt át vì mưa cơn mưa bão cuối thu. Khi các Vị tân hồng y tiến về bàn thờ,cácc Ngài được hoan hô,vỗ tay và cả một kèn thổi mà an ninh Vatican đã lập tức buộc im lặng. Cờ nhiều quốc gia vẫy đón các Ngài, trong đó có cả Sri Lanka và Congo.

Bầu khí lễ hội ban đầu nầy được nhấn mạnh bởi những tràng vỗ tay nổ ra khi Đức Thánh Cha loan báo tên từng vị hồng y […].Đức Thánh Cha chọn một câu về chủ đề cho bài giảng lễ. Người nói rằng lời giáo huấn về phục vụ của Chúa Kitô chỉ cho thấy một con đường mới cho các cộng đồng Kitô hữu và một cách thức mới để thực thi quyền bính. Theo đó Chúa Kitô dạy rằg sự chu toàn công việc mà Chúa giao phó cho mỗi người “là con đường tự hiến khiêm nhu đến hy sinh cả tính mạng, con đường Khổ Nạn,con đường Thánh Giá”. Đức Thánh Cha nói: ” Đó là thông điệp giá trị cho toàn thể Giáo hội,nhất là với những người lãnh đạo Giáo Hội. Mỗi người nhận trách nhiệm nầy khi họ thề hứa trung thành và vâng phục Đức giáo hoàng và những vị kế nhiệm Người.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở mỗi tân hồng y rằng tước vị cao sang nầy được tượng trưng bằng màu đỏ,”biểu thị rằng chư huynh sẵn sàng hành động với sự dũng cảm, đến cả mức đổ máu đào để làm tăng đức tin Kitô hữu, vì hoà bình và hoà hợp của dân Chúa, vì tự do và vì sự lan rộng của Hội Thánh Công giáo La Mã”. Khi nói những lời nầy, Đức Thánh Cha đón các tân hồng y từng người một, đặt lên đầu từng Vị chiếc mũ đỏ truyền thống ba góc. Người thứ hai trong hàng, Thượng phục Antonios Naguib giáo phận Alexandria, Công giáo Cốp Ai Cập, là người duy nhất khô nhận mũ nầy,thay vào đó là trang phục đầu dài màu đen truyền thống của nhà lãnh đạo Cốp.

Khi mỗi vị đón nhận tước hiệu mới của mình và cái ôm hôn của Đức Thánh Cha, tín hữu lần nữa reo hò mừng vui các tân “hoàng tử của Giáo Hội”.
 
Tòa Thánh ra phản ứng chính thức về vụ tấn phong giám mục bất hợp thức tại Trung Quốc
Tiền Hô
11:58 24/11/2010
Vatican, ngày 24 Tháng Mười Một (AsiaNews) – Tòa Thánh tuyến bố phản ứng chính thức về cuộc tấn phong giám mục bất hợp thức tại Thừa Đức (Hà Bắc) hôm 22 Tháng Mười Một, văn bản sau do Văn phòng báo chí Tòa Thánh công bố.

Đối với việc tấn phong giám mục cho linh mục Giuse Quách Kim Tài, diễn ra hôm Thứ Bảy 20 Tháng Mười Một vừa qua, thông tin đã được thu thập về những gì đã xảy ra và bây giờ có thể nói rõ như sau.

1. Đức Thánh Cha đã nhận được những tin tức trên và lấy làm tiếc sâu sắc, bởi vì việc tấn phong giám mục nói trên đã được thực thi mà không có sự ủy nhiệm tông tòa, và do đó, tạo nên một vết thương đau đớn trong sự hiệp thông của giáo hội và vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Công giáo (x. Thư của Đức Thánh Cha Benedict XVI gửi đến Giáo Hội tại Trung Quốc, năm 2007, số 9).

2. Được biết, trong những ngày gần đây, các giám mục khác nhau đã phải chịu áp lực và hạn chế về quyền tự do đi lại, với mục đích ép buộc họ phải tham gia cuộc tấn phong giám mục này. Việc hạn chế như vậy, thực hiện bởi chính phủ Trung Quốc và Cơ quan an ninh, tạo thành một sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và lương tâm. Tòa Thánh có ý định thực hiện một cuộc đánh giá chi tiết về những gì đã xảy ra, bao gồm cả việc xem xét các khía cạnh hiệu lực và vị thế hợp thức của các Giám mục có liên quan.

3. Trên mọi trường hợp, tác động gây đau đớn nhất là trường hợp cho Linh mục Giuse Quách Kim Tài, vì cuộc tấn phong, vị này ở trong tình trạng nghiêm trọng nhất về giáo luật trước Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ, người này cũng đang trong tình huống dự kiến phải nhận các biện pháp trừng phạt nặng, đặc biệt là bởi điều 1382 của Bộ Giáo Luật.

4. Cuộc tấn phong này không những không đóng góp vào cho sự tốt đẹp của người Công giáo ở Thừa Đức, nhưng lại đặt họ vào trong một điều kiện nhạy cảm và rất khó khăn, mà theo quan điểm luật lệ cũng làm hạ nhục họ, bởi vì các nhà chức trách dân sự Trung Quốc muốn áp đặt lên họ một Mục Tử không hiệp thông đầy đủ, hoặc là với Đức Thánh Cha hoặc với các Giám mục khác trên toàn thế giới.

5. Rất nhiều lần trong năm nay, Tòa Thánh đã truyền đạt rất rõ ràng với các nhà chức trách Trung Quốc việc phản đối của Tòa Thánh về cuộc tấn phong giám mục cho linh mục Giuse Quách Kim Tài. Mặc dù vậy, nhà chức trách nói rằng họ đã quyết định tiến hành đơn phương, gây thiệt hại cho bầu không khí tôn trọng, đã được Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo xây dựng một cách khó khăn qua những cuộc tấn phong giám mục gần đây. Sự khinh suất đặt mình trên các Giám mục và hướng dẫn cuộc sống của cộng đồng giáo hội không tương xứng với giáo lý Công giáo, nó xúc phạm đến Đức Thánh Cha, Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ, và làm phức tạp thêm những khó khăn mục vụ hiện nay.

6. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, trong Lá Thư nói trên vào năm 2007, bày tỏ rằng Tòa Thánh sẵn sàng tham gia và xây dựng cuộc đối thoại tôn trọng với chính quyền của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, với mục đích khắc phục những khó khăn và bình thường hóa quan hệ (số 4). Trong khi tái khẳng định sự sẵn sàng này, Tòa Thánh lưu ý là rất lấy làm tiếc khi chính quyền cho phép lãnh đạo của Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, dưới ảnh hưởng của ông Lưu Bá Niên, đã có thái độ làm tổn thương nghiêm trọng cho Giáo Hội Công Giáo và làm cản trở các cuộc đối thoại nói trên.

7. Những người Công giáo toàn thế giới đang theo dõi với sự quan tâm đặc biệt về cuộc hành trình khó khăn của Giáo Hội tại Trung Quốc: tinh thần liên đới khiến họ đồng hành với những thăng trầm của anh chị em Trung Quốc và trở thành một lời cầu nguyện nhiệt thành với Thiên Chúa của lịch sử, để xin Ngài có thể gần gũi với họ, gia tăng sức mạnh và niềm hy vọng cho họ, ban cho họ sự an ủi trong những giây phút thử thách.
 
Trung Quốc: chủng sinh phản đối chính phủ can thiệp vào nhân sự chủng viện
Tiền Hô
11:59 24/11/2010
UCANews, ngày 24 Tháng Mười Một - Khoảng 100 chủng sinh trên địa bàn tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc đang đình công để phản đối việc chính phủ bổ nhiệm một quan chức làm hiệu phó chủng viện của họ. Các chủng sinh nói rằng họ lo sợ ông này sẽ can thiệp vào việc quản lý chủng viện.

Chủng viện này đã có nhân viên giảng dạy chính trị trong những năm vừa qua, nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức nắm giữ chức vụ quản lý. Thần học Công giáo và Triết học đã bắt đầu xung đột tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc từ hai tuần trước.

Trong chuyến thăm chủng viện vào hôm 11 Tháng Mười Một, các quan chức thuộc Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Hà Bắc thông báo rằng, ông trưởng ban Tang Zhaojun sẽ trở thành hiệu phó và là giáo viên lớp chính trị của chủng viện. Nguồn tin Giáo hội nói với UCANews rằng, các quan chức chính quyền đã không tham khảo trước ý kiến của Giáo Hội về việc bổ nhiệm này. Tất cả giáo viên của chủng viện đã quyết định đình chỉ các lớp học vào hôm 15 Tháng Mười Một để ủng hộ các chủng sinh. Một số chủng sinh đã trở về gia đình giáo phận của họ để báo cáo và xin sự ủng hộ.

Một người lo ngại rằng, việc bổ nhiệm này có thể làm thay đổi bản chất của chủng viện, “Chủng viện đào tạo linh mục tương lai chứ không phải đảng viên". Anh nói, "một hiệu phó mà có quyền tham gia quản lý chủng viện, điều này có thể dẫn đến hậu quả là sẽ không có giáo phận nào gửi chủng sinh của họ đển chủng viện nữa".

Đến hôm 17 Tháng Mười Một, khi các quan chức chính quyền trở lại để thương thuyết với ban quản lý chủng viện thì các chủng sinh đã biểu tình trong khuôn viên và hô khẩu hiệu: "Chúng tôi muốn đi học!" và "Hãy tổ chức một cuộc họp hội đồng đi!".

Sau cuộc tranh luận nảy lửa, các quan chức đã đồng ý hủy bỏ việc bổ nhiệm và triệu tập một cuộc họp hội đồng ngay sau cuộc tấn phong giám mục bất hợp thức hôm 20 Tháng Mười Một tại Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc.

Các chủng sinh và giáo viên cho biết, họ hy vọng các giám mục và lãnh đạo các giáo phận khác trong tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp hội đồng để quyết định bổ nhiệm hoặc là loại bỏ người này.

Tuy nhiên, tình hình vẫn bế tắc cho đến hôm nay [tức 24 Tháng Mười Một] khi mà các giám mục Hà Bắc đã không thấy thể hiện ra điều gì sau khi trở về từ cuộc tấn phong cuối tuần qua ở Thừa Đức. Một nguồn tin cho biết, ngài không thể hành động gì nhiều tại cuộc họp.

Một người nói, "Sự tôn trọng của chúng tôi về các giám mục làm cho chúng tôi vô cùng thất vọng khi các ngài tham dự cuộc tấn phong bất hợp thức. Quý vị nghĩ rằng các ngài có thể đấu tranh cho chúng tôi được bao nhiêu trước chính phủ?"
 
Đức Thánh Cha đau buồn về vụ truyền chức Giám Mục bất hợp pháp tại Trung Quốc
LM Trần Đức Anh OP
13:16 24/11/2010
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 rất đau buồn về vụ truyền chức GM bất hợp pháp tại Trung Quốc hôm 20-11-2010 và gọi đây là một vết thương sâu đậm gây ra tình hiệp thông Giáo Hội.

LM Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai), Phó tổng thư ký Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, không hề được sự phê chuẩn của Tòa Thánh để thụ phong GM giáo phận Thừa Đức (Chengde) tỉnh Hà Bắc. Có 8 GM đã bị bó buộc phải dự lễ tấn phong này.

Trong thông cáo công bố hôm 24-11-2010, Cha Lombardi Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói rằng:

”Về vụ truyền chức GM cho LM Giuse Quách Kim Tài diễn ra hôm thứ bẩy 20-11 vừa qua, các tin tức đã được thu thập về vụ này và giờ đây chúng tôi có thể minh xác những điều sau đây:

1. ĐTC rất đau buồn khi hay tin về vụ truyền chức GM nói trên không có sự ủy nhiệm của Tòa Thánh, và vì thế đó là một vết thương sâu đậm đối với tình hiệp thông Giáo Hội và là một sự vi phạm trầm trọng đối với kỷ luật Giáo Hội Công Giáo (Xc Thư ĐTC Biển Đức 16 gửi Giáo Hội tại Trung Quốc, 2007, n.9).

2. Người ta được rõ trong những ngày gần đây, nhiều GM đã bị áp lực và hạn chế tự do di chuyển, với mục đích bó buộc các vị phải tham dự và truyền chức GM. Những sự cưỡng bách như thế, do chính phủ và các lực lượng an ninh TQ, là một điều vi phạm trầm trọng đối với tự do tôn giáo và tự do lương tâm.

Tòa Thánh dành quyền cứu xét sâu xa hơn vụ này, dưới khía cạnh thành sự của việc truyền chức và về tình trạng pháp lý của các GM liên hệ.

3. Dầu sao đi nữa, điều ảnh hưởng đau thương trước tiên đối với LM Giuse Quách Kim Tài là, do cuộc truyền chức GM như thế, vị này ở trong một tình trạng rất trầm trọng về giáo luật đối với Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội hoàn vũ, phải chịu những hình hạt nặng nề như được đặc biệt qui định trong khoản giáo luật số 1382 của bộ giáo luật hiện hành.

4. Cuộc truyền chức như thế chẳng những không giúp ích cho các tín hữu Công Giáo tại Thừa Đức, nhưng còn đặt họ trong một tình trạng tế nhị và khó khăn, kể cả dưới khía cạnh giáo luật, làm cho họ bị hạ nhục, vì Chính quyền dân sự Trung Quốc muốn áp đặt cho họ một vị Mục Tử không hiệp thông trọn vẹn với ĐTC cũng như với các GM khác rải rác trên thế giới.

5. Trong năm nay, nhiều lần Tòa Thánh đã thông báo rõ ràng cho chính quyền Trung Quốc lập trường không chấp nhận việc truyền chức GM cho LM Quách Kim Tài. Mặc dù vậy, chính quyền đã quyết định tiến hành đơn phương, gây thiệt hại cho bầu không khí tôn trọng, đã được Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo kiến tạo một cách khó khăn qua những cuộc truyền chức GM gần đây. Sự tự phụ đặt mình trên các GM và hướng dẫn đời sống của cuộc đồng Giáo Hội là điều không phù hợp với đạo lý Công Giáo, xúc phạm đến ĐTC, Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội hoàn vũ, làm cho những khó khăn mục vụ hiện nay thêm rắc rối.

6. ĐTC Biển Đức 16, trong lá thư nói trên hồi năm 2007, đã bày tỏ sự sẵn sàng của Tòa Thánh đối thoại trong tinh thần tôn trọng và xây dựng với chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, để khắc phục những khó khăn và bình thường hóa quan hệ (n.4). Trong khi tái khẳng định sự sẵn sàng ấy, Tòa Thánh đau buồn nhận xét rằng Chính quyền để cho giới lãnh đạo Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, dưới ảnh hưởng của ông Lưu Bách Niên, có những thái độ làm thương tổn trầm trọng cho Giáo Hội Công Giáo và ngăn cản cuộc đối thoại.

7. Các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm theo dõi con đường cam go của Giáo Hội tại Trung Quốc: sự liên đới tinh thần mà họ tháp tùng các biến cố của anh chị em Trung Quốc, trở thành kinh nguyện nồng nhiệt dâng lên vị Chúa Tể của lịch sử, xin Chúa gần gũi các tín hữu tại Trung Quốc, gia tăng niềm hy vọng và lòng can đảm, cũng như ban cho họ ơn an ủi trong những lúc thử thách”. (SD 24-11-2010)
 
Yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội với lòng can đảm và chân thành
Linh Tiến Khải
13:17 24/11/2010
Yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội với lòng can đảm một cách sâu xa và chân thành. Đó đã là điều chúng ta có thể học được từ gương sống của thánh nữ Caterina thành Siena.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 24-11-2010.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh nữ Caterina thành Siena, một phụ nữ nổi bật của thế kỷ XIV, đặc biệt trong bối cảnh nhiều chao đảo của Giáo Hội và xã hội Italia cũng như toàn Âu châu thời đó. Nhưng trong những lúc khó khăn nhất Chúa không ngừng chúc lành cho Dân Người, bằng cách khơi dậy các vị Thánh Nam Nữ lay động tâm trí, khiến cho con người hoán cải và canh tân. Thánh nữ Caterina đã là một trong các vị ấy. Cả ngày nay nữa người nói với chúng ta và thúc đẩy chúng ta can đảm tiến bước trên con đường nên thánh để luôn là các môn đệ trung thành của Chúa. Đức Thánh Cha nói về tiểu sử thánh Caterina thành Siena như sau:

Sinh tại Siena năm 1347 trong một gia đình rất đông con thánh nữ qua đời năm 1380. Năm lên 16 tuổi, được thúc đẩy bởi một thị kiến của thánh Đa Minh, Caterina gia nhập Dòng Ba Đa Minh, trong nhánh nữ gọi là các chị ”Mặc Áo Choàng”. Chị ở trong gia đình, và khi còn là thanh nữ đã khấn sống đồng trinh một cách riêng tư, tận hiến cho đời cầu nguyện, hãm mình và làm việc bác ái, đặc biệt là trợ giúp các người bệnh tật.

Khi hương thơm thánh thiện của chị tỏa lan, chị đã trở thành người rất hoạt động trong việc cố vấn thiêng liêng cho mọi hạng người: quyền qúy cũng như các chính trị gia, thường dân cũng như các người sống đời thánh hiến, hàng giáo sĩ và cả Đức Giáo Hoàng Gregorio XI nữa, hồi đó đang sống bên Avignon; và chị Caterina đã khích lệ ngài trở về Roma một cách mạnh mẽ và hữu hiệu. Chị du hành nhiều nơi để khuyến khích canh tân bên trong Giáo Hội và giảng hòa giữa các quốc gia. Chính vì thế Vị Đáng Kính Gioan Phaolo II đã muốn tuyên bố người là Đồng Bổn Mạng Âu châu: Ước gì đại lục già nua này đừng bao giờ quên đi gốc rễ kitô, là nền tảng lộ trình của mình, và tiếp tục kín múc từ Tin Mừng các giá trị nền tảng bảo đảm cho công lý và sự hòa hợp.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói thánh nữ Caterina cũng đã phải đau khổ nhiều giống như nhiều vị Thánh khác. Có người không tin tưởng chị đến độ năm 1374, tức sáu năm trước khi qua đời, Tổng tu nghị dòng Đa Minh buộc chị phải đến trình diện tại Firenze để tra hỏi chị. Chị được để bên canh một tu sĩ thông thái nhưng khiêm tốn là Raimondo thành Capua, sau này là Bề trên tổng quyền dòng Đa Minh. Tu sĩ trở thành cha giải tội của chị và cũng là ”con thiêng liệng” của chị nữa, và là người đã viết cuốn tiểu sử đầu tiên đầy đủ về thánh nữ. Caterina thành Siena được phong thánh năm 1461.

Là người không biết chữ, Caterina đã học viết cách khó khăn khi đã lớn tuổi. Giáo lý của chị được chứa đựng trong cuốn ”Đối thoại của Chúa Quan Phòng” hay ”Sách giáo lý thiên linh”, một tuyệt tác của nền văn chương thiêng liêng, cũng như trong ”Các Thư” và trong các ”Lời Cầu”. Giáo huấn của thánh nữ phong phú đến độ năm 1970 Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã tuyên bố chị là Tiến Sĩ Giáo Hội, thêm vào tước hiệu Đồng Bổn Mạng Roma, do ý muốn của Chân phước Giáo Hoàng Pio IX, và Bổn Mạng Italia theo quyết định của Đấng Đáng Kính Pio XII.

Trong một thị kiến không phai nhòa Caterina trông thấy Đức Mẹ giởi thiệu chị với Chúa Giêsu. Chúa cho chị một chiếc nhẫn tuyệt đẹp và nói:” Ta là Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, Ta thành hôn với con trong đức tin, mà con sẽ luôn luôn gìn giữ tinh tuyền cho tới khi con sẽ cử hành lễ cưới vĩnh cửu với Ta ở trên trời” (Raimondo da Capua, S. Caterina da Siena, Legenda maior, n. 115, siena 1998). Chỉ có mình Caterina trông tháy chiếc nhẫn ấy. Giai thoại này cho chúng ta thấy kitô học là trọng tâm nền tu đức của thánh nữ và của mọi nền tu đức đích thật. Đối với chị Chúa Kitô là Phu Quân, với Người chị có một tương quan thân tình, hiệp thông và trung thành. Ngài là sự thiện được yêu mến trên mọi sự thiện khác.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Sự hiệp nhất sâu xa ấy với Chúa được minh họa bằng một giai thoại khác trong cuộc đời của vị thánh thần bí này: đó là việc trao đổi trái tim với Chúa. Chúa Giêsu hiện ra với chị, trên tay cầm một trái tim người mầu đỏ rạng rỡ, Ngài mở lồng ngực của chị và đặt trái tim vào đó rồi nói: ”Caterina con gái bé bỏng ơi, như hôm trước Cha đã lấy trái tim con dâng cho Cha, giờ đây Cha ban cho con trái tim của Cha, và từ nay trở đi nó sẽ thay thế trái tim của con” (ibid.). Caterina đã thật sự sống các lời thánh Phaolo nói:”... không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Với thánh nữ thành Siena mọi tín hữu cảm thấy nhu cầu trở thành đồng hinh dạng với các tâm tình của trái tim Chúa Kitô để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Chúa Kitô yêu thương họ. Và chúng ta tất cả đều có thể để cho con tim của mình được biến đổi, và học yêu thương như Chúa Kitô, trong sự thân tình với Chúa, được nuôi dưỡng bởi lời cầu nguyện, việc suy niệm Lời Chúa và các Bí Tích, nhất là bằng cách năng rước Chúa với lòng tôn sùng...

Nhiều người bị lôi cuốn bởi uy tín luân lý của người phụ nữ có mức sống cao cả này và bởi các hiện tượng thần bí mà họ chứng kiến cũng như các lần xuất thần của chị, đến độ họ làm thành một gia đình thiêng liêng bao quanh Caterina. Và họ gọi chị là ”mẹ”, vì họ giống như các người con kín múc từ chị của nuôi tinh thần.

Cả ngày nay nữa, giáo Hội cũng được hưởng nhờ việc thi hành chức làm mẹ thiêng liêng của biết bao nhiêu phụ nữ, các phụ nữ sống đời thánh hiến cũng như các nữ giáo dân. Họ nuôi dưỡng tư tương về Thiên Chúa trong các linh hồn, củng cố đức tin và hướng dẫn cuộc sống kitô tới các đỉnh cao ngày càng cao hơn...

Còn một nét đặc biệt khác nữa trong nền tu đức của thánh nữ Caterina thành Siena: đó là ơn nước mắt. Chúng diễn tả một sự nhậy cảm tinh tuyền sâu xa, một khả năng cảm động và hiền dịu. Không ít các thánh đã có được ơn này, bằng cách canh tân sự cảm động của chính Chúa Giêsu, là Đấng đã không cầm được nước mắt trước mồ của bạn mình là Ladarô, và trước nỗi đau đớn của Maria và Marta, và khi nhìn thành Giêrusalem trong những ngày cuối cùng của cuộc sống dương thế. Theo thánh Caterina nước mắt của các thánh trộn lẫn với Máu của Chúa Kitô, và thánh nữ khuyên mọi người nhớ tới Chúa Kitô chiu đóng đanh, chạy đến ẩn náu nơi các vết thương ấy và chết chìm trong máu của Chúa Kitô chịu đóng đanh (Epistulario, Letttera n. 16: Ad uno il cui nome si tace).

Từ đó chúng ta có thể hiểu được tại sao, mặc dù ý thức được các thiếu sót nhân loại của các linh mục, thánh Caterina vẫn luôn luôn có lòng kính trọng rất lớn đối với các vị: vì qua các Bí Tích các linh mục phân phát Lời Chúa và sức mạnh cứu độ của Máu Chúa Kitô. Thánh nữ cũng luôn mời gọi các linh mục và cả Đức Giáo Hoàng, mà chị gọi là ”Chúa Kitô hiền dịu dưới thế”, trung thành với các trách nhiệm của các vị, chỉ vì chị được thúc đẩy bởi tình yêu mến sâu xa và liên lỉ đối với Giáo Hội. Từ cuộc sống của thánh nữ Caterina thành Siena Đức Thánh Cha rút tỉa ra bài học như sau:

Như thế, từ thánh Caterina chúng ta học được khoa học cao siệu nhất: hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội Ngài. Trong cuốn ”Cuộc đối thoại của Chúa Quan Phòng”, với một hình ảnh đặc biệt chị miêu tả Chúa Kitô như là một chiếc cầu bắc giữa trời và đất. Cầu được làm thành bởi ba chiếc thang bác từ chân, từ cạnh sườn và từ miệng của Chúa Giêsu. Khi bước lên trên ba chiếc thang đó, linh hồn bước qua ba chặng của mọi cuộc sống nên thánh: xa rời khỏi tội lỗi, thực hành nhân đức và tình yêu thương, kết hiệp dịu ngọt và trìu mến với Thiên Chúa. Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học nơi thánh nữ Caterina yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội với lòng can đảm, một cách sâu xa và chân thành. Và chúng hãy lấy lại làm của mình các lời thánh nữ viết trong phần kết luận cuốn ”Đối thoại của Chúa Quan Phòng” như sau: ”Vì lóng thương xót, Chúa đã cứu vởt chúng con trong Máu, vì lòng thương xót, Chúa đã muốn chuyện vãn với các thụ tạo. Ôi, Đấng Diên Dại vì tình yêu! Nhập thể cũng chưa đủ, Chúa lại còn muốn chết... Ôi lòng thương xót! Tim con nghẹt thở khi nghĩ đến Chúa: bởi vì con có quay hướng nào để suy nghĩ đi nữa, cũng chỉ tìm thấy lòng xót thương” (cap 30, tr.79-80).

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau. Ngài nhắc tới lễ thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tư đạo Việt Nam và mời gọi người trẻ hiên ngang làm chứng cho các giá trị kitô, luôn luôn trung thành với Chúa. Ngài xin các bệnh nhân tín thác nơi Chúa trong moi hoàn cảnh cuộc sống, và cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới tạo dựng một gia đình kitô đích thực, bằng cách kín múc sức mạnh cần thiết từ Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, để thực hiện chương trình tình yêu trong đời hôn nhân.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhân Ngày Hiến Chương Nhà Giáo: Đạo đức người thầy trong xã hội
Nguyễn Hoàng Thương
09:30 24/11/2010
Nhân Ngày Hiến Chương Nhà Giáo: Đạo đức người thầy trong xã hội

“Dẫu mai đi mọi phương trời

Những lời thầy dạy đời đời khắc ghi”


Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời của dân tộc, bởi khi nhắc đến nghề giáo, trong tâm khảm người Việt thường xem đây là nghề cao quý, nghề của những người tâm huyết đóng góp công sức quý báu vào sự nghiệp trồng người bằng tất cả phẩm chất đạo đức của mình, nên không thể đặt nghề giáo ngang hàng với việc tính toán, mưu cầu danh lợi. Với nền kinh tế tiêu thụ, với nền giáo dục được gọi là xã hội hóa vốn có quá nhiều điều phải bàn như Việt Nam hiện nay, liệu điều đó còn đúng?

Xem hình

Đồng hành với những vấn đề thời sự, với những trăn trở của xã hội, nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo, 20/11/2010, Chương trình Chuyên đề của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện với đề tài “SẮC MÀU ĐEN TRẮNG QUA HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY HÔM NAY” do Thầy Giuse Mai Thanh Hoài - Giám Đốc Trung Tâm Đào Tạo Nguồn Nhân Lực BizPower thuyết trình. Đến với buổi thuyết trình, ngoài các tham dự viên đăng ký tham dự như thường lệ còn có các học viên lớp kỹ năng sống đến để tham gia hoạt náo và để cám ơn người thầy đã huấn luyện họ các kỹ năng làm người trong xã hội ngày nay.

Mở đầu buổi thuyết trình, thầy Giuse lượt qua lịch sử ngày Hiến chương Nhà giáo, theo đó tháng 01 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ đã được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Vào năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Warsaw, thủ đô Ba Lan, FISE đã xây dựng bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Warsaw, Hội nghị FISE, có 57 nước tham dự, trong đó có cả Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Tại Việt Nam, đến năm 1982, ngày 20/11 được chọn làm ngày Nhà giáo Việt Nam, và từ đó dến nay, đây là ngày để học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng của mình đối với thầy giáo, cô giáo, những người đã dày công vun đắp cho xã hội những cây đời mãi mãi xanh tươi.

Đối với sự tương phản của hai màu đen – trắng, hình ảnh cao đẹp của người thầy tựa như sắc màu trắngqua tấm gương của bao thế hệ ông cha từ thời phong kiến đến thời hiện đại, từ khi chịu ảnh hưởng của nho giáo cho đến thời tây hóa không gạn lọc như hôm may.

Đó là hình ảnh của cụ Chu Văn An (1292-1370) với triết lý giáo dục là đem nhiệt tình và tài năng của mình cống hiến cho đất nước, chủ trương giáo dục không phân biệt đối xử. Đối với nội dung giáo dục, ông chủ yếu truyền đạt tư tưởng Nho gia. Việc ông giảng giải và viết “Tứ thư thuyết ước” đã chứng tỏ cho mục đích cao nhất của ông là “giáo kính, giáo trung, giáo văn”, nghĩa là dạy sự cung kính, dạy sự trung hậu, dạy sự văn nhã. Trong giáo dục và đào tạo học trò, ông quan tâm đến việc biên soạn sách để giúp cho người học có được tài liệu học tập. Đây là một điểm mới trong cách quan niệm về nội dung và phương pháp giáo dục của ông. Không chỉ chú trọng nội dung giáo dục về đạo làm người theo tinh thần Nho gia, ông còn biên soạn cả những tài liệu về y học trị bệnh cứu người - “Y học yếu giải tập chu di biên”. Ông cũng viết hai tập thơ “Quốc ngữ thi tập”“Tiều ẩn thi tập” để bồi bổ thêm tinh thần và kiến thức sâu rộng, toàn diện cho học trò. (Theo bài viết của ThS. Nguyễn Bá Cường đã được đăng trên Bản tin Trường ĐHSPHN và Tạp chí Giáo dục - Bộ GD&ĐT)

Một người thầy được được các sĩ phu miền Nam cùng thời tôn là "Thái sơn Bắc đẩu","Gia Định xử sĩ" chính là cụ Võ Trường Toản (? - 1792). Trong thời chiến tranh Tây Sơn - chúa Nguyễn, ông mở trường dạy học ở Hòa Hưng (thuộc huyện Bình Dương; nay thuộc quận 10, Sàigòn), không tham gia vào chính sự. Học trò của ông khá đông và nhiều người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Phạm Ðăng Hưng, Lê Bá Phẩm, Phạm Ngọc Uẩn v.v...

Đối với người Công Giáo, ắt hẳn nhiều người biết đến cụ Trương Vĩnh Ký (6/12/1837 – 1/9/1898), ông có tên thánh là Jean - Baptiste Pétrus, nên còn gọi tắt là Pétrus Ký. Ông là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn và là nhà bác học Việt Nam, thông thạo 26 ngôn ngữ, được ghi trong Bách khoa Tự điển Larousse và là một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ 19. Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật.

“Nhớ câu kiến ngãi bất vi;

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.


Đây là hai câu thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên, một tác phẩm tiêu biểu, được nhiều người bết đến của cụ Nguyễn Đình Chiểu, trong đó ông đề cao những con người trung hiếu, trọng nghĩa. Cụ Đồ Chiểu sinh năm 1822, mất năm 1888 tại làng An Đức, tỉnh Bến Tre, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) ông đậu Tú tài trường Hương thí Gia Định và ra Huế thi cử nhân cùng thi Hội, nhưng được tin mẹ mất phải bỏ thi về chịu tang. Dọc đường, do thương khóc quá nên mù cả hai mắt. Sau đó ông dạy học và làm thuốc, vì thế người dân gọi là cụ Đồ Chiểu. Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận.Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu.

Người Công Giáo Việt Nam ngày nay không ai không biết đến một người thầy với nhiều bài thuyết giảng, nhiều tác phẩm dạy sống đạo, dạy sống trong lòng xã hội bằng con đường của đức tin, đó là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Có thể kể các tác phẩm của ngài như: Đường Hy Vọng, Niềm Vui Sống Đạo, Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, Cầu Nguyện, Hãy Trao Tặng Tuổi Trẻ Nụ Cười, và đặc biệt là Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo.

Đức Hồng Y được biết đến nhiều trên cương vị là Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hoà bình nhưng ngài còn là một người thầy trong chủng viện. Ngài đã đậu bằng Tiến sĩ Giáo luật năm 1959 với luận án “Tuyên uý Quân đội trên thế giới” tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Roma - Italia. Về nước, ngài dạy học tại Tiểu Chủng viện Phú Xuân, sau đó đổi tên là Tiểu Chủng viện Hoan Thiện - Huế. Là cha giám đốc nhưng ngài luôn hỏi han, tươi cười với các chú, thông cảm cho sai sót tuổi trẻ. Không thấy Ngài to tiếng hay quở mắng ai bao giờ, đến nỗi Cha quản lý thốt lên: “Cha bề trên hiền quá, chẳng có chú nào sợ…”. Thật ra, ngài chủ trương giáo dục đặt nền tảng trên yêu thương và gương sáng chứ không phải lề luật và trừng phạt.

Ngày ngày 22-10-2010 vừa qua, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đã chính thức mở Án phong Chân phước cho Ngài. Nói đến Đức Hồng y, nhiều người biết đến Ngài như là con người của hoà bình, niềm vui và hy vọng bởi gương sống đức tin, cuộc đời mục tử với phong thái bình dị, lạc quan, xác tín và hy vọng của ngài trong mọi hoàn cảnh tình huống, dẫu đó là tù đày nghiệt ngã. (tham khảo từ bài viết ĐHY. P. X. Nguyễn Văn Thuận - Con người của Hoà bình, Niềm vui và Hy vọng, Giáo phận Nha Trang).

Trong bối cảnh của nền giáo dục hôm nay với những ta thán của chương trình dạy học nặng nề, của xã hội hóa giáo dục, nghĩa là chuyện giáo dục được cân đong, đo đếm bằng tiền, bằng con số, bằng thành tích, bằng số lượng chứ không bằng chất lượng, có thể nói uy tín của người thầy đang bị giảm sút trước xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tấm gương các thầy cô giáo tận tụy với nghề, tìm tòi nghiên cứu những phương pháp dạy học đem lại hiệu quả cao cho học sinh, đó là những người truyền thụ kiến thức cho học sinh bằng tất cả cái tâm, bằng đạo đức của người thầy, bằng sự nhiệt tình và không thiên vị đối với học sinh. Bên cạnh đó là những thầy cô dám hy sinh, dám dấn thân vì những người nghèo khó để mong đem lại kiến thức cho những trẻ cơ nhỡ khó khăn nơi những lớp học tình thương, những mái ấm, nhà mở…

Một trong những tấm gương dấn thân vì xã hội có thể kể đến một thầy giáo mù vượt 420 km mở lớp học 'du mục'. Đều đặn 2 ngày cuối tuần, bằng kinh phí tự túc, thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện lại vượt hơn 400 km đi về, từ TP HCM đến Mũi Né (Bình Thuận), để dạy miễn phí cho trẻ em nghèo mưu sinh ở đồi cát. Hình ảnh bình dị, thân thương đó đã trở thành quen thuộc với người dân và khách du lịch ở khu đồi cát Mũi Né gần 2 năm nay. (vnexpress.net)

Hôm 16/11/2010 vừa qua VietCatholic cũng đã có bài viết về mái trường tình dành cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ được duy trì tại giáo xứ Phan Rí Cửa (Thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận) trong 10 năm qua. Nơi đây, cô giáo hết lòng tận tâm với đám học trò nghèo với tâm nguyện “yêu thương và phục vụ”. Các em đến trường được học miễn phí từ lớp 1 đến lớp 5. Trải qua năm tháng, cô trò gắn bó với nhau không chỉ vì cái chữ mà còn bằng cả tấm lòng yêu thương quý mến nhau.

Trường Tình Thương tại Phan Rí Cửa hiện đang là nơi học tập của gần 100 em học sinh nghèo. Trường được bố trí khá nghiêm túc từ lớp 1 đến lớp 5. Từ năm 2006, trường dạy theo chương trình phổ thông hiện hành hệ 12 năm. Theo lời thuật lại của Linh mục Âu-tinh Nguyễn Văn Lạc, cha xứ Phan Rí Cửa đồng thời là Hiệu trưởng trường, thì trường Tình Thương khởi đầu được hình thành từ nỗi khắc khoải về cái học của một nữ giáo dân đối với những trẻ em nghèo, trẻ em cơ nhỡ ở đây. Người đó là cô Nguyễn Thị Phương Anh, hiện là Hiệu Phó của trường.

Nhắc đến nghề giáo, chúng ta thường nghĩ đến những người thầy, người cô tận tụy, hết lòng với học sinh, sinh viên nhưng vẫn còn đó những vệt đen trong bức tranh cao đẹp về hình ảnh người thầy. Bên cạnh vấn nạn dạy thêm, không phải để truyền thụ kiến thức mở rộng hay kèm cặp những học sinh không theo kịp bài vở ở trường mà là để bù đắp những kiến thức dạy học trò qua loa nơi trường học để kiếm tiền, vẫn còn đó những người sẵn sàng ra tay bạo lực với học trò hay sử dụng các em để thỏa mãn nhu cầu bản năng của mình.

Đau lòng lắm những vụ việc nhan nhản trên báo chí, có thể kể đến vụ cô "tra tấn" trẻ trong thang máy do trong bữa ăn, thấy bé Vinh không chịu ăn nên cô giáo bế bỏ vào thang máy, đóng cửa lại rồi nhấn nút. Giải thích về việc làm này, cô Nữ cho rằng vì muốn làm bé Vinh sợ mà không lường trước được hậu quả. Hậu quả là bé Vinh bị đa chấn thương với nhiều thương tích nghiêm trọng. Suốt thời gian hơn 1 tháng bé Vinh liên tiếp phải trải qua các đợt mổ cắt lọc da đầu, cắt lọc vết thương tay, truyền kháng sinh. (Phununet.com)

Tại môi trường giáo dục nhưng một thầy giáo đề nghị “ôn bài... sung sướng”! khi mới học xong buổi đầu, thầy giáo nhắn tin cho cô lớp trưởng: “Em có muốn ôn bài với thầy không? Làm em sung sướng là được...”. Câu chuyện xảy ra tại lớp ĐH mầm non chuyên tu (khóa 6) do Khoa Giáo dục Mầm non (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phối hợp với trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương III mở. Ngay sau buổi học đầu tiên, 126 SV đã đồng loạt ký tên trong đơn xin thay đổi giảng viên PGS.TS Nguyễn Văn Lộc, dạy môn “Phương pháp nghiên cứu khoa học” vì cách “ôn bài sung sướng...” mà ông đã “truyền đạt” cho lớp trưởng. (VietnamNet)

Kế đến, có thể nhắc một câu chuyện ồn ào công luận rất lâu, đó là những cuộc "săn" trinh nữ của hiệu trưởng Sầm Đức Xương, hay câu chuyện thầy giáo dâm ô với trẻ em, để rồi lãnh án 9 tháng tù. Thầy giáo đánh học sinh rạn xương đùi, giáo viên dán băng keo vào miệng học sinh, đánh học sinh gãy sống mũi, giáo viên nhờ học sinh này đánh học sinh khác hoặc nhờ dân quân đánh học sinh... là những câu chuyện bạo lực học đường đáng báo động. Thầy giáo nghiện ma tuý, nhận phong bì, chạy trường, chạy điểm, thậm chí quấy rồi tình dục học sinh... đã không còn là chuyện lạ. Lại thêm một nỗi nhức nhối về đạo đức người thầy khi vụ “gạ tình lấy điểm” của ông Đỗ Tư Đông - Phó trưởng khoa Báo chí Trường Cao đẳng PT-TH TƯ 1 - bị lôi ra ánh sáng.

Những chuyện trên dù chỉ rất ít nhưng đã tác động lớn đến đời sống xã hội và làm hoen ố hình ảnh của một nghề cao quý được cả xã hội tôn vinh. Đó còn là sự xúc phạm ghê gớm đến những nhà giáo chân chính, đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Trong ngành giáo dục ngày nay có thể nói có 2 loại giáo viên là thầy dạy và thợ dạy. Thầy dạy là những người có nền tảng đạo đức vững chắc với khả năng sư phạm và nhân cách tốt đẹp, có cách ứng xử đúng đắn, khéo léo trong mọi tình huống nhằm tuyền thụ không chỉ kiến thức cho học trò mà còn dạy trò cách học làm người bằng lòng yêu thương con người của chính người thầy. Còn thợ dạy là những người chỉ xem nghề giáo đơn giản là một nghề kiếm sống thông thường chứ không phải vì yêu thích và đeo đuổi nghiệp làm thầy.

Tại sao có những sắc đen trong bức tranh giáo dục? Bằng cách phân tích Nhu cầu và Mong muốn theo Thang Nhu Cầu của MASLOW thầy Giuse Mai Thanh Hoài đã đưa ra phân tích:

- Nhu cầu sinh lý học: Ngành giáo dục ngày nay đã không chú trọng đến nhu cầu cơ bản của giáo viên khi nhu cầu cơ bản nhất của con người là làm sao được no bụng. Chính cuộc mưu sinh mà xã hội đã biến người thầy mất đi tâm huyết của nghề giáo vì không phải ai cũng cam chịu cảnh sống thiếu thốn để giữ vững đạo làm thầy.

- Nhu cầu an toàn: cả về tinh thần và vật chất là làm sao để người ta sống mà không phải sợ, như lo sợ về thu nhập, lo sợ về thất nghiệp. Đối với người thầy nhu cầu an toàn chính là hình ảnh người thầy trước mắt học trò.

- Nhu cầu xã hội: Người ta thường truyền nhau rằng: “thầy giáo, tháo giày”, vì hai nhu cầu trước không được đáp ứng đầy đủ, người thầy không được chỉnh tề trong cách đi đứng, ăn mặc nên địa vị người thầy mất đi trong mắt học trò.

- Nhu cầu lòng tự trọng: món quà 20/11 mất đi ý nghĩa khi vấn nạn quà cáp tràn lan, đôi khi người thầy không được tôn trọng trong suy nghĩ của học trò, của phụ huynh qua hành động tặng quà.

- Nhu cầu tự thể hiện mình: nhân cách, giá trị, những tiềm năng và khát vọng của người thầy không được phát huy trong chính môi trường giáo dục.

Là người Công Giáo, chúng ta cần Noi Gương Chúa Giêsu, Người Thầy tuyệt vời nhất bằng cách suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu để nhận ra nhiều bài học sống, đọc và tìm hiểu Kinh Thánh, luôn bám chặt Đức Tin – Đức Cậy – Đức Mến cùng với việc đọc và thực hành giáo lý căn bản: Mười điều răn, Tám mối phúc thật, Kinh Lạy Cha …

Trong đời sống hàng ngày, trước tiên gia đình phải là cái nôi của giáo dục: “Hãy là Người thầy đầu tiên đối với con bạn: không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy con bạn làm người ““Hãy là người Thầy về Giáo Lý đầu tiên hướng dẫn con bạn trong đời sống đức tin”. Có như vậy, cha mẹ mới theo sát và chăm lo cho con cái để chúng có thể học thành tài nhằm giúp ích cho xã hội, cho Giáo Hội, chứ không chỉ đơn thuần học để có được một nghề kiếm sống.

Sài gòn, ngày 24 tháng 11 năm 2010
 
Đại chủng viện Hà Nội mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam
PV ĐCV
11:31 24/11/2010
HÀ NỘI: Sáng ngày 24 tháng 11 năm 2010, Đức Cha Giám đốc Lôrensô, Quý Cha trong Ban đào tạo và hơn 300 chủng sinh đã cùng hiệp dâng thánh lễ mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam – Quan thầy đệ nhị của Đại Chủng Viện Hà Nội. Thánh lễ được cử hành long trọng vào lúc 10h00 tại Nhà thờ chính toà Hà Nội cùng với sự tham dự của cộng đoàn dân Chúa.

Xem hình ảnh

Ngỏ lời với công đoàn đầu Thánh lễ, Đức cha chủ tế đã nói lên lý do và ý nghĩa của ngày lễ. Theo đó, việc Đại chủng viện Hà Nội chọn các thánh Tử đạo Việt Nam, đặc biệt là thánh An-rê Dũng Lạc làm đấng bảo trợ, trước là để tỏ lòng yêu mến và tôn kính, sau là muốn mỗi thành viên của nhà Trường cũng noi gương thánh nhân để sống chứng tá trong thời đại hôm nay. Đức cha cũng mời gọi cộng đoàn cùng tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đức tin mà Ngài đã ban cho Giáo hội Việt Nam; cám ơn các bậc tiền nhân – đặc biệt các thánh tử đạo Việt Nam – đã can đảm sống và làm chứng cho niềm tin của mình. Đặc biệt, Đại chủng viện cũng dâng Thánh lễ này để cầu nguyện cho các đấng bậc, các ân, thân nhân đã âm thầm cách này hay cách khác cộng tác, giúp đỡ Đại chủng viện.

Với sự soi sáng của Lời Chúa “hạt lúa rơi xuống đất có chết đi, mới trổ sinh nhiều bông hạt”, Đức cha chủ tế đã mở đầu bài chia sẻ bằng việc ngỏ lời với tất cả cộng đoàn. Theo đó, Lời Chúa ngay từ khi được gieo vãi trên quê hương Việt Nam đã không ngừng bị bách hại và cấm cách. Với khoảng hơn 100.000 người đã chết để minh chứng cho niềm tin, Giáo hội Việt Nam tự hào vì đã có những hạt giống mục nát đi. Chính vì thế, người tín hữu hôm nay cũng phải can đảm sống và làm chứng cho niềm tin của mình. Đó không chỉ là lời mời gọi nhưng còn là bổn phận của mỗi người.

Hướng tới riêng các chủng sinh, Đức cha mời gọi mọi người cùng ôn lại tiểu sử của thánh An-rê Dũng Lạc. Thánh nhân là con người đạo đức, thánh thiện và chấp nhận chịu bách hại trong tâm tình vui tươi, lạc quan. Theo đó, ngài mời gọi mỗi chủng sinh cũng hãy trở nên một “Dũng Lạc” nhỏ để rồi có thể trở thành những linh mục gương mẫu, thánh thiện cho cánh đồng truyền giáo mai ngày.

Đặc biệt, cuối bài chia sẻ, Đức cha cũng nói đến tinh thần sống tử đạo hôm nay. Ngày nay, người ta không còn bắt chúng ta phải chết vì đạo, nhưng vẫn còn đó những dò xét, những cấm cản cách này cách khác. Cũng đó có những giọt nước mắt, nhũng trái tim bị xé rách, những giọt máu bị ứa ra…Vậy, noi gương các Thánh tử đạo, chúng ta hãy sống chứng nhân cho niềm tin của mình.

Sau bài chia sẻ, Đức cha mời gọi cộng đoàn cùng đứng và hát chung bài “Đây Bài Ca Ngàn Trùng” để nói lên niềm tin của mình.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Cha chủ tế, quý cha đồng tế và toàn thể cộng đoàn đã cùng hướng về di ảnh các Thánh tử đạo và hát bài ca “Hồi Chiêng Dứt Tiếng”. Thánh lễ đã kết thúc trong niềm vui thánh thiện của mọi người.

Sau Thánh lễ, Đức cha giám đốc, quý Cha giáo, quý khách và toàn thể anh em chủng sinh đã cùng chung vui trong bữa tiệc gia đình tại Hội trường Đại chủng viện Hà Nội.

Theo truyền thống, cứ vào ngày lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hàng năm, Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội đều có những hoạt động Mừng lễ. Những hoạt động đó được bắt đầu từ nhiều ngày trước đó và bao gồm cả chiều kích thiêng liêng và nhân bản. Theo đó, Đại chủng viện tổ chức Tam nhật mừng các Thánh tử đạo Việt Nam, những buổi chia sẻ, học hỏi về gương chứng nhân của các ngài. Ngoài ra, Đại Chủng viện cũng tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ với các đoàn khách mời và chương trình giao lưu thể thao giữa các khối.
 
Cao đoàn Cecilia GX Hòa Nghĩa mừng sinh nhật 40 năm
Ca Đoàn Cêcilia
11:37 24/11/2010
NHA TRANG -- “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời. Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng…”

Trong niềm nao nức đón mừng 40 năm ngày thành lập ca đoàn, từ ban tổ chức đến các thành phần tham dự, ai nấy đều dốc sức hoàn thành công việc được phân công giữa những cơn mưa dầm dề không ngớt… Bằng những trái tim nhiệt thành và niềm tin vào ơn Chúa qua lời cầu bàu của Thánh nữ Quan thầy Cécilia, quả thật như một ơn lạ: từ chiều tối thứ bảy 20.11 trời đã ngưng mưa và 9 g 30 ngày Chúa nhật 21.11 những tia nắng ban mai rực rỡ trên bầu trời Hòa Nghĩa, báo hiệu phút khởi đầu chan hòa hồng ân Chúa. Khắp giáo xứ rộn vang khúc tạ ơn mừng 40 năm thành lập ca đoàn 1970-2010.

Xem hình ảnh

Hòa vào bầu khí tưng bừng của ngày đại lễ, các nhóm cựu ca viên và những đứa con Hòa Nghĩa từ khắp nơi lần lượt kéo về với tâm tình:

“Đi ta đi thôi đi về miền quê nhà.
Đi ta đi thôi đi về Hòa Nghĩa xa.

Đi ta đi thôi đi về hiệp nhất một mái nhà
…”

- Đúng chương trình 13g30 bắt đầu dựng trại, các trại viên theo danh sách về khu vực của mình, phút chốc 8 trại đã hoàn thành với nhiều kiểu dáng đầy sáng tạo.

- 14 g 30 LM Giuse Nguyễn Thành Khải, trại trưởng tuyên bố khai mạc trại, những tràng pháo tay và tiếng reo vui rộn rã vang lên. Dưới tài điều khiển sinh động của anh Gioankim Võ Thanh Sơn và Phaolô Trịnh Quang Thảo, các trò chơi mang tính khởi động sinh hoạt … lần lượt diễn ra thật vui nhộn trong tình anh em một nhà không phân biệt tuổi tác, nam nữ. Khép lại buổi sinh hoạt

là bửa ăn tối thật ngon miệng, thơm ngát hương yêu thương giữa những anh chị em sau 40 năm hội ngộ

- 19g30, sau những bài trống rộn ràng chào mừng, đêm Thánh ca tạ ơn được Cha chính xứ Phêrô Nguyễn Thời Bá tuyên bố khai mạc.

Tiết mục đầu tiên “Lên đường” (sáng tác: Lê Đăng Ngôn; hòa âm: Ngọc Linh) do ca đoàn Cêcilia thể hiện, ca trưởng Phaolô Vũ Thái Lộc điều khiển mở đầu chương trình thật hoành tráng.

Đặc biệt còn có sự tham gia của ca đoàn giáo xứ Hòa Yên với tác phẩm “Thắp sáng lên” và “Gọi lời yêu thương”; Ca đoàn Giáo xứ Hòa Bình với bài “Tìm lại màu xanh” đã thể hiện tinh thần giao lưu và hiệp thông tốt đẹp giữa các ca đoàn giáo xứ với nhau.

Đại diện anh chị em cựu ca viên ở xa về là các tiết mục của nhóm Sài Gòn: “Chúa ơi con tạ ơn Ngài” (Hồ Ngọc Linh), “Hòa Nghĩa hành trang ngày về” (Phan Châu Thảo), “Hành trang người trẻ” (Hoàng Đức) với hòa âm và cách thể hiện sôi nỗi, trẻ trung thắm tình những đứa con đi xa trở về đã đem đến cho mọi người sự thích thú trong tâm tình nồng ấm yêu thương.

Các tiết mục múa của cộng đoàn MTG Nha Trang, hài kịch tự biên tự diễn của ca đoàn Cêcilia đem đến nhiều tiếng cười vui nhộn nhưng cũng không kém ý nghĩa nhằm xây dựng nề nếp sinh hoạt ca đoàn.

Hợp xướng “Bài ca yêu thương” (tác giả Ngọc Linh) do ca trưởng Gioankim Võ Hải Trưng điều khiển đã thể hiện nổ lực rèn luyện trong tâm tình tạ ơn 40 năm thành lập và phát triển ca đoàn đã khép lại trong niềm vui của cả giáo xứ.

Giờ giao lưu giữa các ca đoàn bạn và các thế hệ ca viên của ca đoàn Cêcilia diễn ra trong bầu khí ấm áp chân tình. Những kinh nghiệm phong phú trong đời phục vụ được chia sẻ cùng với những kỷ niệm đầy hương vị ngọt, bùi, chua, cay… khiến thơì gian trôi nhanh đến nỗi nhiều anh chị em còn “thòm thèm” khi phải bước vào phần cuối ngày hội trại lúc 22 g 30: Giờ thắp nến cầu nguyện!

Giữa không gian lắng đọng của đêm đen, từng lời tâm sự trầm lắng với Chúa qua những tháng ngày phục vụ hòa với từng lời ca tha thiết vang xa… rồi hằng trăm ánh nến bừng lên từ cây nến Phục sinh do Cha Trại trưởng mang đến. Tất cả đã hướng lòng toàn trại về với đích cao là ngợi khen, cảm tạ “Tình Chúa Bao La”. Kết thúc ngày đầu hội ngộ được vây phủ trong bóng cánh Chúa Tình Yêu.

NGÀY 22-11: Một ngày mới lại bắt đầu, sau giờ vệ sinh cá nhân, kinh sáng và điểm tâm, tất cả các trại viên tập trung về Nghĩa trang của giáo xứ để cầu nguyện cho các bậc Tiền Nhân, Ân nhân và đặc biệt cho các ca trưởng, cựu ca viên và ca viên của ca đoàn đã về Nhà Cha. Giữa đất trời mênh mông với cái nắng chói chang, giữa những hàng huyệt mộ tăm tắp, giữa nghi ngút khói hương và tiếng hát lời kinh tha thiết vang lên… từng khuôn mặt thương yêu của những người thân được gợi nhớ, những giọt nước mắt chứa chan ân tình tuôn rơi… vẽ nên một bức tranh chan hòa yêu thương trong tâm khảm mọi người tham dự.

Trở về đất trại, những trò chơi vui nhộn: “Đua bong bóng”, “đập niêu”, “Thổi bột tìm tăm”; thi “Nấu cơm chạy” … diễn ra thật sôi nỗi, tiếng hò reo cổ vũ từng lúc vang lên hòa với những giọt mồ hôi thơm hương tình mến nồng nàn trên các khuôn mặt rạng rỡ niềm vui… lại “kiến bò bụng”… lại rộn rã tiếng ca “Giờ ăn đến rồi…” lại món ăn nóng sốt được nấu bằng “Lửa Yêu” thơm lừng bên nhau, chan, húp ngon lành tưởng không thể nào ngon hơn, tuyệt vời hơn.

Sau giờ nghỉ trưa, mùi vị chia tay đã nhè nhẹ tỏa lan… các bác phó nháy, quay phim toát mồ hôi phục vụ hơn 200 trại sinh. Tiếng ơi ới gọi nhau, ai cũng muốn lưu lại hình ảnh những giờ phút hạnh phúc ngắn ngủi, hiếm hoi được sống bên nhau nhưng đồng hồ đã điểm 14 g 30, giờ tổng kết trại đã đến.

Sau lời phát biểu của Ban điều hành trại, phần công bố điểm thi đua và phát thưởng của Ban tổ chức. Bài hát múa tập thể “Ra khơi” được tất cả trại viên nồng nhiệt hưởng ứng. Bài hát cứ được lập đi lập lại như hàm ý biểu hiện tấm lòng của mọi người chưa muốn dừng lại dù thời gian bế mạc đã đến.

Đúng 15g00 các trại viên giải tán về nhà để chuẩn bị cho tâm điểm của lễ mừng 40 năm thành lập và phát triển: Thánh Lễ Tạ Ơn mừng Bổn mạng ca đoàn.

Thánh lễ kính Thánh Cêcilia bổn mạng ca đoàn bắt đầu lúc 17g30 do cha Phêrô Nguyễn Thời Bá chủ tế, đồng tế có các Cha: JB Ngô Đình San (cựu chính xứ), Phêrô Mai Tính (cựu Phó xứ), Phanxicô Xavie Trần Quang Láng (cựu phó xứ), Giuse Đặng Xuân Hương (nguyên phụ trách ca đoàn) và Cha Giuse Nguyễn thành Khải, phó xứ đặc trách ca đoàn diễn ra thật long trọng và sốt sắng với sự tham dự đông đảo của cộng đoàn Giáo xứ.

Sau Thánh Lễ là tiệc mừng liên hoan.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Ngài vì biết bao hồng ân Ngài đã ban. Thánh lễ mừng 40 năm thành lập và phát triển ca đoàn Cêcilia đã kết thúc, nhưng Thánh lễ cuộc đời mỗi chúng con vẫn còn đang tiếp diễn. Chỉ khoảnh khắc nữa thôi, chúng con sẽ mỗi người một nơi, nhưng dẫu cho ở nơi đâu và làm gì, chúng con vẫn ước mong cho “Danh Cha cả sáng” bằng chính đời sống của chúng con. Xin Chúa chúc lành cho chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.
 
Triển lảm nghệ thuật mừng Đại hội Dân Chúa Việt Nam
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
12:04 24/11/2010
SAIGÒN - Trong Năm Thánh 2010, cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam, mọi thành phần Dân Chúa của Tổng Giáo phận Sài Gòn cùng nhau nhìn lại quá trình xây gia đình Giáo phận thành Giáo Hội Mầu Nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ để sống Tin Mừng mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Với tinh thần đó, vào dịp cử hành Đại Hội Dân Chúa từ ngày 21-11 đến ngày 25-11-2010, Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn có tổ chức một cuộc triển lãm Tranh, Tượng và Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Công cuộc xây dựng Giáo Hội Mầu Nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ của Tổng Giáo phận Sài Gòn – Thành Phố Sài Gòn trong quá khứ, hiện tại và tương lai”, qua việc xây dựng Giáo Hội Mầu Nhiệm: gặp gỡ và tạo tương giao với Cha trên trời; xây dựng Giáo Hội Hiệp Thông: gặp gỡ và giao lưu giữa các thành phần Dân Chúa; xây dựng Giáo Hội Sứ Vụ: mở rộng tình huynh đệ và tình liên đới với anh em đồng bào, đồng loại …

Từ giữa tháng 6-2010, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - Tổng Giám mục Giáo phận đã có thư ngỏ gửi các họa sĩ và nhiếp ảnh gia, mời gửi tác phẩm đến tham dự, như món quà nghệ thuật trao nhau trong dịp Đại Hội Dân Chúa của Năm Thánh 2010. Tất cả đều nhằm làm vinh danh Thiên Chúa, làm chứng cho tình thương của Ngài, và để cảm tạ muôn hồng ân Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam, và ban cho từng người trong chúng ta. Sau nhiều lần chọn lọc, có 35 họa sĩ với 66 tranh sơn dầu, 5 nghệ sĩ với 9 tượng, phù điêu và 13 nhiếp ảnh gia với 80 ảnh nghệ thuật được giới thiệu tại triển lãm. Một tác giả cho biết đã gửi 40 ảnh tham dự, được Ban Tổ chức sơ tuyển 5 ảnh và cuối cùng được chọn 2 ảnh để triển lãm: 1 ảnh minh họa trong phần Giáo Hội Hiệp Thông và 1 ảnh minh họa trong phần Giáo Hội Sứ Vụ.

Chiều ngày thứ hai 22-11-2010, tại Nhà Truyền thống Tổng Giáo phận (số 6 bis Tôn Đức Thắng, quận 1, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã cắt băng khai mạc triển lãm. Đức Hồng Y, các Đức Giám mục, Đức Giám quản và các linh mục cùng đông đảo các đại biểu Đại Hội Dân Chúa đã vào thưởng lãm. Triển lãm tiếp tục mở cửa đón bà con giáo dân xa gần đến tham quan cho đến hết ngày 02-01-2011. Được biết, Ban Tổ chức triển lãm sẽ vận động bán các tranh, ảnh nghệ thuật này. Một phần tiền thu được sẽ dành cho công việc truyền giáo, giúp xây dựng các giáo điểm ở vùng sâu, vùng xa…
 
Đại hội Dân Chúa: tham luận Giáo hội Việt Nam và sứ mạng Loan báo Tin Mừng
+ GM Vinhsơn Nguyễn Văn Bản
12:13 24/11/2010
SỨ VỤ: GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Tham luận của GM Vinhsơn Nguyễn Văn Bản

Như được sự phân công của HĐGMVN, cho phép tôi được đọc lại chương III của Tài Liệu Làm Việc Đại Hội Dân Chúa Việt Nam theo cách vừa làm sáng tỏ, vừa phân tích những chi tiết cần thiết, để chúng ta hiểu rõ hơn cách diễn đạt của bản văn, rồi từ đó nêu ra những câu hỏi gợi ý cho đại hội thảo luận, đóng góp những ý kiến cần thiết cho Sứ Vụ của Giáo Hội Việt Nam trong hiện tại, cũng như trong thời gian tới.

Trước hết, trong tiêu đề của chương III: « SỨ VỤ: GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG », có hai điều cần để ý:

a/ Nói đến « Giáo Hội Việt Nam », nghĩa là Giáo Hội đang hiện diện tại Việt Nam, trong một môi trường cụ thể và cá biệt. Một Giáo Hội địa phương không phải là một phần của Giáo Hội phổ quát, nhưng là Giáo Hội phổ quát hiện diện trong một hoàn cảnh cụ thể, với những con người, tập tục và nếp nghĩ riêng biệt. Vì thế, khi nói đến « Giáo Hội Việt Nam » trong sứ vụ của mình, TLLV nhấn mạnh đến sự ý thức về vai trò của Giáo Hội phổ quát hội nhập vào hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam.

b/ Sứ mạng Loan Báo Tin Mừng là bổn phận nằm trong bản chất của Giáo Hội, không có biệt lệ cho bất cứ Giáo Hội nào. Tuy nhiên, một Giáo Hội cụ thể thi hành một sứ mệnh chung cho toàn thể Giáo Hội, thì phải đi theo đường hướng chung của cả Giáo Hội, dẫu cho theo cách thế diễn đạt riêng của mình. Để làm được điều này, Giáo Hội cần phải có một phương pháp làm việc cụ thể dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, trong tình hiệp thông với Giáo Hội phổ quát và toàn thể Giáo Hội địa phương.

Số 18: Trong phần dẫn nhập vào chương III, TLLV nhấn mạnh đến những công tác đa dạng của việc loan báo Tin Mừng: « không chỉ đơn thuần là loan báo Tin mừng cho những người chưa biết Chúa, nhưng còn đòi hỏi cả việc phúc âm hóa chính bản thân người tín hữu cũng như môi trường xã hội, văn hóa họ đang sống[1]. » Ở đây, chúng ta thấy TLLV dựa vào Tông huấn Loan Báo Tin Mừng để trình bày với toàn thể dân Chúa về tầm quan trọng của việc Tin Mừng hóa bản thân người kitô hữu, để rồi anh chị em kitô hữu, như là những công dân sống Tin Mừng, làm cho môi trường và văn hóa mình đang sống được thấm nhiễm tinh thần của Tin Mừng. Đây là điều mà dụ ngôn « men trong bột » (Lc 13, 21) muốn diễn tả. Từ « Tin Mừng » ở đây không chỉ được hiểu như là Lời Chúa được viết thành văn bản (Kinh Thánh), hay là lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh (kérygma), nhưng còn là sự gặp gỡ giữa con người và Lời, giữa người rao giảng và người nghe, và chắc chắn là còn với những kết quả tích cực của sự hoán cải (1 Tx 1, 9-10). Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy rằng Loan Báo Tin Mừng không phải là quảng cáo về một mặt hàng, nhưng là chia sẻ niềm vui mà mình đã có được khi nhận biết Đức Giê-su Kitô và hoán cải theo lời Ngài mời gọi. Trong khi loan báo Tin Mừng, người kitô hữu tiếp tục viết lên chính cuộc sống thường ngày của mình bằng hoa trái của Tin Mừng.

Số 19: Trong mục 1 của chương III: « Thi hành Sứ Mạng Yêu Thương và Phục Vụ của Chúa Kitô trên Quê Hương Việt Nam Ngày Nay », TLLV cụ thể hóa « Sứ mạng loan báo Tin Mừng » thành « Sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô ». Vấn đề đặt ra là « đời sống yêu thương phục vụ » có phải là toàn bộ nội dung của công việc loan báo Tin Mừng không ? Và trong hoàn cảnh hiện nay, đó có còn là « công tác đặc thù của những người môn đệ Chúa Kitô » nữa không ? Chúng ta có thể nói được rằng « đời sống yêu thương phục vụ » là một dấu hiệu tích cực của một tôn giáo biết quan tâm đến con người và có tổ chức; và ngày nay, điều này đã được hầu hết các tôn giáo lớn quan tâm thực hiện[2]. Xét bề ngoài, hành vi yêu thương của mọi đoàn thể đều có ý hướng chung là tạo nên tình liên đới và xoa dịu nỗi đau thương của đồng loại. Tuy nhiên, trong đức ái kitô giáo, hành vi yêu thương phục vụ vượt lên trên ý nghĩa của việc xoa dịu nỗi đau của đồng loại; đó còn là sự chia sẻ những ân huệ mình đã lãnh nhận. Cụm từ « của Chúa Kitô » nói lên sắc thái độc đáo trong việc yêu thương và phục vụ của người kitô hữu: Chúa Kitô là suối nguồn, là mẫu mực của yêu thương và phục vụ. Vì thế, hành vi yêu thương phục vụ này không chỉ hàm nghĩa luân lý (moral), mà còn mang nghĩa tinh thần (spirituel) và thần bí (mystique). Ý thức được rằng mọi điều tôi có trong cuộc đời là do hồng ân Chúa ban tặng, và Chúa ban cho tôi một tài năng nào đó, là để tôi thăng hoa chính đời sống của mình và giúp cho anh chị em đồng loại có điều kiện sống xứng đáng ơn gọi làm người. Điểm làm cho « đời sống yêu thương phục vụ » của người kitô hữu trở nên độc đáo và có ý nghĩa là họ tập yêu thương như Thầy đã yêu thương. Hình ảnh của Người Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ là mẫu gương yêu thương phục vụ cho các môn đệ qua mọi thế hệ (Ga 13, 15). Mầu nhiệm Nhập Thể cho chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su không chỉ sống để chia sẻ với con người thân phận sống trên trần thế, nhưng là còn mời gọi con người sống đúng với phẩm giá làm con cái Chúa và tìm được niềm hạnh phúc được sống trong Ngài.

Hành vi yêu thương phục vụ thực sự không bị lệ thuộc vào màu cờ sắc áo. Nó có khả năng vượt qua mọi định kiến, mọi ranh giới phe nhóm, để phục vụ con người. Vì thế, TLLV nhấn mạnh «.. không bao giờ có một tình trạng mà trong đó người ta lại không cần tới bác ái của mỗi kitô hữu »[3].

Ngay từ khi hiện diện trên đất nước Việt Nam, Giáo Hội đã không ngừng chọn con đường yêu thương và phục vụ con người. Dẫu cho trong các thời kỳ khó khăn, thời kỳ mà người kitô hữu bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội, Giáo Hội vẫn luôn trung thành với lựa chọn căn bản của mình. Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta đã thực sự sống tinh thần yêu thương phục vụ như thế, tại sao lại bị loại trừ ? Có thể là do bị hiểu lầm ? Có thể là người kitô hữu đã bị dùng như là những « con vật tế thần » của những người có thế lực ? Tuy nhiên, sự kiện là ngay cả những người lương dân hiền lành, đôi lúc cũng có những thành kiến không hay với người công giáo trong quá khứ, cũng làm cho chúng ta phải xét lại về cung cách sống yêu thương phục vụ của chúng ta. Có thể là do cuộc sống của người kitô hữu chưa được thấm nhiễm tinh thần của Tin Mừng; cũng có thể là do cách thế chúng ta hiểu về nhóm từ « yêu thương, phục vụ » khá chủ quan chăng !

Quyết tâm của Giáo Hội tại Việt Nam, một lựa chọn có tính cách định hướng trong lúc này và trong tương lai, muốn cụ thể hóa việc « yêu thương phục vụ » của mình trong việc « cần quan tâm hơn nữa đến việc phục vụ sự sống và sự phát triển con người toàn diện »[4].

Trong câu này, chúng ta thấy 3 điểm cần giải thích rõ hơn:

a/ Phục vụ sự sống không chỉ giới hạn vào con người như là đối tượng duy nhất, nhưng còn bao gồm luôn cả những điều kiện môi truờng trong đó con người sinh sống. Như vậy, việc phải quan tâm đến thiên nhiên, môi trường, những yếu tố có liên quan đến sự sống của con người, không thể là một lựa chọn nhiệm ý, nhưng có tính cách bắt buộc.

b/ Sự sống của con người phải được hiểu như là sự sống của một tạo vật được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Vì thế, sự sống con người cần phải được tôn trọng từ khi hình thành trong lòng mẹ, cho đến khi từ giã cõi đời một cách tự nhiên. Đồng thời sự sống con người bao hàm nhiều chiều kích: thể lý, tâm lý, tinh thần, thiêng liêng. Nguy cơ của con người thời nay là chỉ quan tâm đến chiều kích thể lý và tri thức mà thôi.

c/ Sự phát triển của con người toàn diện nhắm đến việc giúp con người được sống một cách triển nở và hạnh phúc trong ơn gọi làm người của mình, không phân biệt hệ tư tưởng hoặc tôn giáo. Cùng với sự phát triển con người toàn diện là sự phát triển của mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, chính trị.. .

Quyết tâm phục vụ « con người toàn diện » được TLLV cụ thể hóa qua 4 điểm sau đây:

1/ « Tổ chức và tham gia những công tác bác ái từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khổ, thiếu thốn, đặc biệt những ai đang gặp thiên tai hoạn nạn ».

2/ « Những người có trách nhiệm cũng phải đặc biệt quan tâm tìm cách nâng cao đời sống của dân chúng nhờ những chương trình giáo dục tri thức và đạo đức, nhằm cổ võ lối sống liên đới, nhân ái, ngay thẳng, có trách nhiệm, biết hy sinh và cần mẫn thay cho bạo lực, ích kỷ, hận thù, gian dối, hưởng thụ và phóng túng ».

3/ « Giáo Hội cũng cũng cần hổ trợ nhiều hơn nữa cho những chương trình giáo dục nhân bản, tạo thêm điều kiện cho những giao lưu sinh hoạt lành mạnh, xây dựng nhóm bạn bè tốt, vận dụng các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao cho nhiều thành phần dân chúng trong xã hội ».

4/ « Giáo Hội cũng mời gọi mọi thành phần dân Chúa « dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng »[5].

Chúng ta có thể nhận định quyết tâm này qua mấy điểm sau đây:

Những điều được nói đến trong điểm 1/ là những hoạt động bác ái trong cộng đoàn kitô hữu, được thực hành ngay từ thời gian đầu của Giáo Hội Tiên Khởi (Cv 4, 34). Dần dần tình liên đới trong cộng đoàn khép kín của những người Do-thái được mở rộng ra với những anh chị em kitô hữu đến từ những nhóm người khác nhau (Cv 6, 1). Quan tâm đến mọi người đau khổ, không phân biệt phe nhóm, tư tưởng, là một tiến bộ của sự gặp gỡ giữa Tin Mừng và suy tư của con người. Ngày hôm nay, sự tương thân tương trợ trong cộng đồng nhân loại đã vượt ra khỏi ranh giới cộng đoàn, trở thành sự biểu lộ của đời sống nhân bản. Đây là điều đáng vui mừng cho người kitô hữu, vì những điều được thực hành trong cuộc sống của người kitô hữu dưới ánh sáng Tin Mừng, dần dần đã có ảnh hưởng cụ thể trong cách suy nghĩ của con người. Vì thế, người kitô hữu cần phải tích cực tham gia vào những hoạt động từ thiện này.

« Những người có trách nhiệm » được đề cập đến ở điểm 2/, chắc chắn không phải là những người đứng đầu Giáo Hội tại Việt Nam, nhưng là những người có trách nhiệm trong xã hội dân sự. « Những chương trình giáo dục tri thức và đạo đức » phải là những hoặch định có tầm cỡ quốc gia, và cộng đồng kitô hữu là những cộng tác viên tích cực. Đây không phải chỉ là những điều ao ước hoặc lời nhắn gởi, nhưng đòi hỏi Giáo Hội phải có ý kiến, cũng như những đóng góp cụ thể, vì tương lai của cả dân tộc.

Điểm 3/ nói đến sự đóng góp về mặt đạo đức của Giáo Hội cho xã hội. Giáo Hội Công giáo Việt Nam là một trong những tổ chức tôn giáo trên đất nước này, vì thế, chúng ta cần phải tạo điều kiện để những giá trị kitô giáo có thể giúp cho xã hội và con người được phát triển. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, Giáo Hội có thể bắt đầu sự đóng góp tích cực của mình qua việc giáo dục người kitô hữu trong môi trường giáo xứ và các đoàn thể.

Điều được đề cập đến trong điểm 4/ mới đích thực là lời của Mẹ Giáo Hội nhắn nhủ đến những người con yêu dấu của mình. Ở đây, TLLV lấy lại lời Đức Thánh Cha Bê-nê-dic-tô XVI ngỏ với các giám mục Việt Nam trong chuyến ad limina 2009. Ngài nhấn mạnh đến « sự hợp tác lành mạnh » giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị. Tuy nhiên, có một vài điểm cần làm sáng tỏ trong câu nói này: « Giáo Hội mời gọi các phần tử của mình dấn thân một cách lương thiện để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế các nhà trách nhiệm của Chính Phủ, nhưng chỉ mong rằng Giáo Hội có thể, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia, vào việc phục vụ tất cả người dân[6] ». Từ lời nhắn nhủ này, một vài câu hỏi được nêu lên:

« Các phần tử của mình » là những ai ? Có phải là mọi thành phần dân Chúa ? Và như thế, lời mời gọi này có miễn trừ cho hàng giáo sĩ không ? Thông điệp « Thiên Chúa là Tình Yêu » cho chúng ta một hướng dẫn: « Hội Thánh trong vấn đề này chỉ có trách nhiệm gián tiếp thuộc về mình là việc thanh luyện lý trí và gợi lên những động lực đạo đức mà không can dự vào việc xây dựng những cơ cấu công bằng và lo cho các cơ cấu này hoạt động lâu dài. Trái lại, trách nhiệm trực tiếp để hoạt động cho một trật tự công bằng trong xã hội, là điều đặc thù của người giáo dân[7].»

« Dấn thân một cách lương thiện » là dấn thân như thế nào ? Hành vi chính trị có phải là một hành vi lương thiện không ? Thông điệp TCLTY cho chúng ta biết: « Công bằng là mục đích và từ đó cũng là tiêu chuẩn nội tại của mọi thứ chính trị. Chính trị không phải chỉ là kỹ thuật cho việc thiết lập các trật tự công cộng: nguồn gốc và mục đích của chính trị là sự công bằng và công bằng thuộc bản chất đạo đức »[8].

« Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế các nhà trách nhiệm của Chính Phủ » có nghĩa là gì ? Đồng ý là Giáo Hội không tham gia tích cực vào đời sống chính trị, không làm thay Chính Phủ, nhưng Giáo Hội vẫn có những phương thức để giúp người tín hữu chọn lựa đúng đắn nhất những vị lãnh đạo đất nước của mình chứ ? Để xây dựng một « xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng » thì sự góp ý mà thôi có đủ chưa ? Ý thức về vai trò của người kitô hữu trong xã hội hiện nay, có lẽ Giáo Hội Việt Nam cần phải có những dấn thân tích cực hơn.

Để có thể xây dựng một « xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng », thiết nghĩ rằng Giáo Hội phải giúp cho anh chị em kitô hữu ý thức về quyền của một người công dân sống trong một xã hội được xây dựng trên pháp luật. Luật pháp được ban hành để bảo vệ quyền lợi của người dân. Và không chỉ những người dân mới phải tuân giữ luật pháp, nhưng ngay cả những người thi hành luật pháp cũng phải biêt tôn trọng pháp luật. Người kitô hữu sống trên đất nước Việt Nam là người công dân Việt Nam. Đạo Công giáo là một tôn giáo đã hiện diện lâu năm ở Việt Nam, và đã được Nhà Nước Việt Nam công nhận là một tổ chức tôn giáo hợp pháp. Vì thế, ngay cả những người kitô hữu di dân, sống tại những vùng kinh tế mới nghèo nàn, vẫn phải được hưởng quyền tự do tôn giáo như những công dân Việt Nam sống trong các thành phố lớn. Đây là điều mà Giáo Hội cần phải bảo vệ. Giáo Hội cần phải nói thay những con người không có tiếng nói. Vì thế, trong Giáo Hội cần phải có những chuyên viên về luật pháp để giúp cho đồng bào công giáo sống trên mọi miền đất nước hiểu được quyền lợi và bổn phận của mình, chứ không chỉ hoàn toàn nghe theo những giải thích tùy tiện của những cá nhân làm công tác tôn giáo tại các địa phương.

Số 20: Mục 2 của chương III trình bày việc « Thi hành Sứ vụ trong tinh thần đối thoại và cộng tác ». Sự đối thoại nhắm đến 3 đối tượng để qua đó, Tin Mừng được thực sự có ảnh hưởng và bám rễ sâu trong môi trường xã hội Việt Nam.

Sự đối thoại với các « tôn giáo bạn » vừa giúp cho xã hội đa tôn giáo được sống hài hòa, vừa là dịp để giới thiệu với các tôn giáo bạn chiều kích mạc khải nơi Đức Giê-su Kitô, Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến.

Số 22: Sự kiện người công giáo Việt Nam phải ưu tiên « đối thoại và cộng tác » với nền văn hóa dân tộc làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Nếu tôi là người công giáo Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam, thì đương nhiên là tôi đang sống trong dòng chảy của truyền thống dân Việt. Tôi đang hít thở nền văn hóa của dân tộc tôi, tại sao tôi phải ưu tiên đối thoại với « nền văn hóa dân tộc » ? Câu hỏi đưa chúng ta tiếp cận với 3 vấn đề:

a/ Hoặc là trong thời gian qua, trong cách trình bày và sống Tin Mừng của người Công giáo Việt Nam có bị ảnh hưởng nhiều do cách suy nghĩ và cách thực hành của người phương tây; hậu quả là chúng ta cảm thấy cách loan báo Tin Mừng của chúng ta chưa diễn tả và phát huy hết được những nét đẹp của nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, do đó chưa thực sự đụng chạm được tâm hồn của người Việt. Vì thế, để có thể hội nhập hơn nữa trong cộng đồng dân Việt, chúng ta phải trở về với truyền thống văn hóa của dân tộc, để có thể rao giảng cho đồng bào của mình một cách hiệu quả hơn. Nếu như vậy, thì lời mời gọi này hình như muốn nhấn mạnh đến tính cách kỹ thuật trong việc loan báo Tin Mừng.

b/ Điểm quan trọng hơn nữa, là trong khi đồng hành cùng nền văn hóa của dân tộc, người công giáo Việt Nam hiểu được điều gì giúp cho mình sống Tin Mừng cách tích cực hơn, hoặc điều gì làm ngăn cản bước tiến của Tin Mừng. Đối thoại với nền văn hóa, nghĩa là quan sát, lắng nghe, phân tích và tổng hợp những yếu tố của nền văn hóa đó, với những con người sống trong xã hội đó. Tin Mừng của Chúa Giê-su Kitô sẽ giúp thanh luyện nền văn hóa để giúp phát triển đúng hướng. Hơn nữa, trong thời đại thông tin toàn cầu phát triển, Giáo Hội cũng phải góp phần quan trọng để hướng dẫn dư luận trong việc sử dụng thông tin và các phương tiện một cách đúng đắn và có trách nhiệm. Có lẽ đây là điểm mà TLLV muốn nhắm đến.

c/ Trong khi cố gắng đối thoại với nền văn hóa, Giáo Hội cũng phải can đảm đối thoại với những tác nhân có ảnh hưởng quan trọng tới nền văn hóa, đó là những người đang được trao cho trách nhiệm lãnh đạo xã hội dân sự. Nếu các vị này đưa ra những đường hướng hoặc để xảy ra những tình trạng đi ngược lại với những điều thuộc về truyền thống tốt đẹp của dân tộc[9], thì Giáo Hội cần phải lên tiếng nói. Ở đây, Giáo Hội lên tiếng nói không chỉ để bảo vệ những giá trị của đạo Công giáo, nhưng là để nói lên « tiếng nói của những người không có tiếng nói hoặc chưa được lên tiếng »[10]. Vai trò tiên tri được thể hiện trong tiếng nói chân thật và đầy trách nhiệm.

Số 23: Trong khi phục vụ anh chị em sống trong hoàn cảnh nghèo khó, Giáo Hội không chỉ xoa dịu những nỗi đau khổ của con người, nhưng còn phải đối thoại với con người để hiểu được những nguyên nhân đưa con người vào hoàn cảnh nghèo khổ. Nhờ hiểu được con người và những nguyên nhân gây ra nghèo khổ, Giáo Hội có thể phục vụ con người tốt hơn và cũng thanh tẩy mình một cách có hiệu quả hơn.

Số 24: Để có thể thi hành công việc phục vụ của mình, Giáo Hội cần quan tâm đến nhiều lãnh vực có liên quan như: truyền giáo, đào tạo nhân sự, giáo dục, truyền thông xã hội và môi sinh. Tuy nhiên, các lãnh vực trên đều tập trung vào mối ưu tư quan trọng hơn cả là loan báo Tin Mừng: « Giáo Hội cũng cần đặt việc loan báo Tin Mừng thành trọng tâm của mọi nỗ lực trong việc đào tạo cũng như trong các sinh hoạt mục vụ, tu đức, bác ái... và mong muốn huy động thêm nhiều nhân lực và tài lực hơn nữa cho công cuộc loan báo Tin Mừng »[11].

Dựa trên lời khuyên của thánh Phaolô và tông huấn Loan Báo Tin Mừng của ĐGH Phaolô VI, TLLV nhấn mạnh: « Loan báo Tin Mừng là loan báo chính Chúa Giê-su và Tin Mừng của Ngài ». Đối tượng của lời loan báo là « chính Chúa Giê-su và Tin Mừng của Ngài », và mục đích của lời loan báo là giúp người nghe có tâm tình thống hối và tin vào Tin Mừng để được ơn tha tội (Cv 3, 19). Như vậy, trong công việc loan báo Tin Mừng, sự tiếp cận giữa người nghe và Lời Chúa đóng một phần quan trọng để có thể đưa đến hành vi đức tin. Tuy nhiên, như lời thánh Phaolô nói « Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? » (Rm 10, 14-15), chúng ta thấy vai trò của người rao giảng rất quan trọng. Vì thế, TLLV nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân sự, và đặc biệt, trước hết, nhắm đến việc đào tạo anh chị em giáo dân, « giúp họ sống đạo với một trình độ nâng cao về giáo lý, kinh thánh và mục vụ, kể cả về nghiệp vụ chuyên môn trong các lãnh vực xã hội, để khuôn mặt Chúa Kitô phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội tại quê hương này được thêm sinh động hấp dẫn »[12]. Vai trò của người giáo dân được đề cao, vì họ có thể hiện diện trong mọi nơi và trong mọi lãnh vực. Vì thế, sự cộng tác của họ hổ trợ rất nhiều cho công việc mục vụ của hàng giáo sĩ.

Số 25: Tiếp đến, TLLV nhấn mạnh về việc đào tạo linh mục và tu sĩ. Là những người dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa và Giáo Hội, các linh mục và tu sĩ cần được huấn luyện để « có trái tim mục tử với lòng yêu mến sâu xa đối với Chúa Kitô, được bộc lộ ra bằng nhiệt tình phục vụ Giáo Hội, một đam mê dành cho việc cứu rỗi các linh hồn, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, kết hợp với lương tâm trong sáng và đời sống tu đức vươn đến trọn hảo »[13]. Thật là tốt đẹp nếu các linh mục và tu sĩ biết hết lòng tận tụy phục vụ đàn chiên theo gương Thầy Chí Thánh. Tuy nhiên, mẫu « người mục tử theo lòng Chúa mong ước » không chỉ là điều ao ước hoặc khuyến khích với các linh mục, nhưng còn phải là một mệnh lệnh. Hoàn cảnh của xã hội hôm nay và sự ý thức về quyền được chăm sóc mục vụ của dân Chúa, đòi hỏi Giáo Hội phải có những định hướng và những biện pháp cụ thể giúp cho các linh mục sống đúng với bổn phận của mình.

Vấn đề đặt ra là nếu người giáo dân không dấn thân trực tiếp vào công việc truyền giáo, họ có thể giữ đạo một cách thụ động, và điều này không gây cản trở nhiều lắm cho công việc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, khi một linh mục thiếu nhiệt tình tông đồ và tâm hồn mục tử, thậm chí đôi khi có những tính khí và cách sống đi ngược với những giá trị của Tin Mừng, chúng ta phải làm thế nào ? Bởi vì đây là một trong những điều làm cản trở ánh sáng của Tin Mừng. Có lẽ công tác đồng hành với các bạn trẻ được chuẩn bị trước khi vào chủng viện, học viện cần phải được các vị có trách nhiệm quan tâm nhiều hơn nữa, để giúp các bạn trẻ khám phá ra được ơn gọi đích thực của mình.

Kinh nghiệm truyền giáo của Giáo Hội cho thấy đời sống cầu nguyện, chiêm niệm đóng một phần quan trọng trong việc truyền giáo. Nói một cách đơn giản, một người trình bày về Chúa Giê-su mà thiếu sự liên kết với Ngài, thì chỉ là những chiếc thùng rỗng, kêu to nhưng không có sức thuyết phục (1 Co 13, 1).

Một kinh nghiệm nữa của việc truyền giáo cũng là một lời nhắc nhở không kém phần quan trọng, đó là « xây dựng sự hiệp nhất và hòa giải, cổ võ tình liên đới và tinh thần đối thoại, loại bỏ những thành kiến và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau, tất cả đều là những yếu tố quan trọng trong việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng »[14]. Giáo Hội ý thức rằng trong khi loan báo Tin Mừng mình đang đi trên con đường của tinh thần hòa bình. Làm thế nào để trong khi rao giảng cũng như khi đón nhận, người trình bày và người nghe, trong khi đặt Tin Mừng làm điểm tham chiếu, có thể giải quyết được những xung đột, mâu thuẫn trong nội tâm cũng như trong cộng đoàn (gia đình, nhóm người cũ), để có thể đi đến chỗ thống nhất đời sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Để có thể làm được điều này, con đường khiêm hạ, biết mở lòng lắng nghe, hoàn toàn tựa nương vào Chúa là con đường chúng ta phải đi theo.

Kính thưa toàn thể đại hội,

Sứ vụ của Giáo Hội Việt Nam là « loan báo chính Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người ». Để lời loan báo trở nên khả tín và được đón nhận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, thiết nghĩ Giáo Hội Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong vai trò chứng nhân của mình. Một Giáo Hội thánh thiện, hiệp nhất, yêu thương, sẵn sàng phục vụ cộng đồng nhân loại theo gương Thầy Chí Thánh, là một điều mà tất cả mọi người con cái Chúa tại Việt Nam đều mơ ước. Thế nhưng làm sao có thể đạt được điều đó ? TLLV đã gợi lên cho chúng ta những hướng đi tích cực, phát từ lòng yêu mến Giáo Hội và thao thức trước sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, vẫn còn có những thiếu sót và góc nhìn phiến diện. Chúng ta cần có nhiều ý kiến đóng góp từ những góc nhìn khác nhau của mọi thành phần dân Chúa. Hy vọng Giáo Hội tại Việt Nam sẽ có dịp sống lại kinh nghiệm của ngày lễ Ngũ Tuần, để có thể bước vào một giai đoạn mới giữa lòng quê hương Việt Nam.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Giám mục Giáo phận Buôn Mê Thuột

[1]Tài liệu làm việc tr. 29.
[2]Những tổ chức từ thiện, cứu trợ của anh chị em Phật giáo và Hồi giáo được nhiều người biết đến bên cạnh những tổ chức bác ái Công giáo.
[3]Tài liệu làm việc tr. 30.
[4]TLLV, tr. 32.
[5]Ibidem,tr. 32.
[6]Huấn từ của ĐTC Bê-nê-dic-tô XVI trong chuyến ad limina 2009, tr. 3. Bản dịch của ĐÔ. P. B. Trần Văn Khả.
[7]Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, tr. 44
[8]Thông điệp TCLTY, tr. 41.
[9]“Văn hóa dân tộc vốn coi trọng nghĩa đồng bào, đạo hiếu trung, đồng thời cũng đề cao lòng hiếu khách, đức hy sinh vị tha, tình nhân ái hài hòa, và đặc biệt luôn quí trọng đời sống tâm linh”. TLLV, tr. 34.
[10]Tài liệu làm việc, tr. 35.
[11]Ibidem, tr. 36.
[12]Tài liệu làm việc, tr. 37.
[13]Ibidem, tr. 38.
[14]Ibidem, tr. 36.
 
Đại hội Dân Chúa: tham luận Về việc giáo dục lương tâm trong bối cảnh truyền giáo tại Việt Nam
+ GM Matthêu Nguyễn Văn Khôi
12:15 24/11/2010
Về việc giáo dục lương tâm trong bối cảnh truyền giáo tại Việt Nam
Tham luận của GM Matthêu Nguyễn Văn Khôi

Trong chương III, về sứ vụ số 26, Tài liệu làm việc chỉ nhắc đến “giáo dục lương tâm” mà không triển khai gì thêm. Thực ra việc giáo dục lương tâm là điều hết sức quan trọng và cần thiết trong việc truyền giáo. Quả thế, việc giáo dục lương tâm dẫn đưa con người đến sự trưởng thành luân lý là một thành phần cốt yếu của sự trưởng thành đức tin, bởi vì có một mối liên hệ chặt chẽ giữa luân lý và đức tin, cũng như giữa luân lý và việc truyền giáo.

Đặc biệt trong bối cảnh truyền giáo tại Việt Nam hiện nay, việc giáo ‎‎‎‎‎‎dục lương tâm càng trở nên cần thiết và khẩn thiết hơn bao giờ hết, vì xã hội chúng ta đang sống đầy dẫy những cách sống, những chủ trương và khuynh hướng phản đạo đức đang góp phần làm méo mó bộ mặt của lương tâm, dẫn đến sự lu mờ hay đánh mất cảm thức tôn giáo nơi nhiều người.

“Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19,16). Câu hỏi của chàng thanh niên trong Tin Mừng phản ánh một lương tâm đang tìm kiếm điều thiện để được ơn Cứu Độ, qua đó chúng ta có thể thấy mối liên hệ giữa việc giáo dục lương tâm với sứ vụ truyền giáo, vì việc truyền giáo có mục đích dẫn đưa con người đến ơn Cứu Độ. Khi bắt đầu sứ vụ công khai Chúa Giêsu cũng kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17). Sám hối là hành vi của lương tâm, được coi như điều kiện cần thiết để có thể đón nhận Tin Mừng Nước Trời.

Việc giáo dục lương tâm đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền giáo, bởi vì việc đón nhận đức tin là một hành vi của lương tâm và tự do tôn giáo cũng là tự do lương tâm. Người ta chỉ đón nhận đức tin sau khi đã xem xét và đánh giá ‎ý nghĩa của việc đón nhận ấy đối với việc thể hiện cuộc sống của mình. Điều đó có nghĩa là một đức tin không phát xuất từ một quyết định của lương tâm thì chỉ là hời hợt hoặc mê tín. Hơn nữa, quyết định của lương tâm nơi một người không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo của người đó, mà còn ảnh hương đến đời sống tôn giáo và luân lý của người khác, bởi vì khi quyết định sống tốt, người ta sẽ gửi đến cho kẻ khác một thông điệp mời gọi họ cũng quyết định sống tốt.

Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay đã dạy: “Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ” (MV 16). Do đó với một lương tâm được giáo dục tốt người ta có thể nhận ra tiếng Chúa từ đáy sâu tâm hồn mình, để thực hành điều thiện và tìm kiếm chân lý. Người nào quyết tâm tìm kiếm chân lý sẽ dễ dàng đón nhận đức tin hoặc ít ra cũng bắt đầu trên đường tiến về đức tin. Chính trong ý nghĩa này mà Chúa Giêsu đã nói: “Ai thực hành chân lý thì đến với ánh sáng” (Ga 3,21). Ngược lại, một Kitô hữu sẽ dễ dàng mất đức tin nếu người ấy từ chối hay xao nhãng bổn phận thường xuyên đào tạo lương tâm theo những tiêu chuẩn luân lý của Tin Mừng.

Để có được một lương tâm đúng đắn, người ta phải tìm mọi cách có thể để hiểu biết chân lý. Một thái độ tìm kiếm chân lý khách quan hoàn toàn trái ngược với thái độ chủ quan khép kín trên chính mình, để rồi cuối cùng rơi vào thuyết tương đối luân lý và tôn giáo. Vì thế, con người không thể đạt đến chân lý khách quan nếu không biết đối chiếu với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội, cũng như đối thoại với kẻ khác và với những kinh nghiệm đạo đức của họ.

Để thực hiện sứ vụ truyền giáo, việc giáo dục lương tâm không chỉ giới hạn nơi các Kitô hữu mà còn phải được thực hiện đối với những người ngoài Kitô giáo, qua những cuộc gặp gỡ và đối thoại chủ thể, liên văn hóa và liên tôn giáo. Chính lương tâm là mẫu số chung, là nơi gặp gỡ dễ dàng nhất giữa những người không cùng tôn giáo. Khởi đi từ nnhững cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn trên căn bản của mẫu số chung ấy, người Kitô hữu có thể từ từ dẫn đưa người khác đến việc nhận biết Thiên Chúa là chân lý và là sự thiện tối thượng, nhất là khi người Kitô hữu xuất hiện trước mắt mọi người như là kẻ luôn sống ngay thẳng và hành động theo tiếng lương tâm, vượt trên mọi cám dỗ và những xu hướng xấu xa hay lệch lạc của thời đại.

Giám mục Phó Giáo phận Qui Nhơn
 
Đại hội Dân Chúa: tham luận về Giáo Hội Sứ Vụ “Nước Trời Như Tấm Lưới”
+ GM Giuse Châu Ngọc Tri
12:18 24/11/2010
Về Giáo Hội Sứ Vụ “Nước Trời Như Tấm Lưới” (Mt 13,47)
Tham luận của GM Giuse Châu Ngọc Tri

Trong khuôn khổ một bài tham luận nhỏ, hỗ trợ cho bài thuyết trònh của ngày làm việc thứ ba của Đại Hội Dân Chúa với đề tài Giáo Hội Sứ Vụ, tôi xin được chia sẻ cùng Đại Hội vài ‎ý tưởng cụ thể liên quan đến sứ mạng loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay. Từ lệnh truyền của Chúa Giêsu, trở thành bản chất của Giáo Hội, sứ vụ loan báo Tin Mừng không ngừng được Giáo Hội nhắc nhở và thực thi. Đại Hội Dân Chúa đang diễn ra, và mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây cũng không ngoài mục đích này.

I. Nhiệm vụ truyền giáo là của toàn Dân Chúa

Công đồng Vatican II đã mở ra một trang sử mới với Sắc lệnh về Truyền giáo, Ad Gentes - Đến Với Muôn Dân, đặc biệt là chương VI, nói về sự cộng tác của các thành phần Dân Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Số 36 của chương này đã xác định và mời gọi: “Nhiệm vụ truyền giáo của toàn Dân Thiên Chúa. Tất cả các Kitô hữu vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sồng, được sáp nhập và nên giống Người nhờ Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay”.

Đã qua rồi hình ảnh những con tàu căng buồn vượt trùng dương mang theo các nhà truyền giáo, rời bỏ quê hương xứ sở, đến với những vùng đất xa xôi. Số 37 của tập Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa chúng ta đang sử dụng, đã đề nghị như một ưu tiên, là làm thế nào để “gây ‎ý thức thừa sai nơi người tín hữu và các cộng đoàn tín hữu Việt Nam, để họ không chỉ bằng lòng với việc chu toàn các việc đạo đức, nhưng còn quan tâm đến việc làm chứng cho Chúa và Tin Mừng”. Như vậy, mỗi thành viên trong gia đình Giáo Hội trở thành những nhà thừa sai tại chỗ, là “muối”, như “men” giữa lòng đời.

Cần thay đổi quan niệm xem truyền giáo chỉ là một trong những hoạt động của Giáo Hội, dành cho một số người, nhưng tinh thần truyền giáo cần thấm nhập vào tất cả mọi lãnh vực trong đời sống Giáo Hội và từng thành phần Dân Chúa, trở thành tiêu chí hàng đầu cho những chương trình và đường hướng mục vụ.

II. Những “dấu chỉ của thời đại”

Chúng ta có thể quan sát một vài hiện tượng trong Giáo Hội Việt Nam chúng ta hôm nay, và có thể nhận ra nơi đây là những “dấu chỉ của thời đại”, để xây dựng một nền mục vụ mới thích ứng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tôi xin đề cập đến hai hướng mục vụ cần xây dựng và định hình, đó là “mục vụ nhà trẻ” liên quan đến các nữ tu và “mục vụ nhà đất” liên quan đến các cộng đoàn Giáo Hội. Hai vấn đề này xem ra không liên quan với nhau, nhưng đều gợi mở cho chúng ta thấy sự thay đổi trong lòng xã hội và con người Việt Nam hôm nay, và đòi hỏi Giáo Hội phải thích thời.

1. “Mục vụ Nhà trẻ”: Hầu như ngày nay, ít có một tu viện nào của các nữ tu dòng, lại không có một cơ sở nuôi dạy trẻ. Tu viện lớn, nhà trẻ lớn, tu viện nhỏ, nhà trẻ nhỏ. Có khi tu viện thì nhỏ, nhà trẻ lại lớn. Trước hiện tượng này, có nhiều nhận định khác nhau. Có người khắt khe cho rằng các nữ tu chỉ lo làm ăn, ít dành thời gian cho việc mục vụ. Thậm chí có vị hữu trách tôn giáo còn sẵn sàng trợ cấp cho các nữ tu để các chị khỏi phải giữ trẻ nữa, mà dành trọn thời gian cho việc mục vụ thông thường trong xứ đạo. Thế nhưng, trong giòng duy tư ngày nay về một Giáo Hội Sứ Vụ tổng quát, tại sao chúng ta lại không thể nghĩ đến một nền “mục vụ nhà trẻ”?

Không biết đã có ai thông kê ngày nay trên toàn quốc Việt Nam có bao nhiêu trường mẫu giáo, mầm non hay nhà trẻ do các dòng nữ phụ trách, và con số các cháu là bao nhiêu ? Chắc hẳn là nhiều lắm, và đại đa số các cháu thuộc về các gia đình lương dân. Họ tin tưởng, tự hào và tìm mọi cách để có thể an tâm k‎ý thác cho các nữ tu những đứa con, cháu cưng của mình, mà họ tin rằng các cháu sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt nhất. Trong một bối cảnh tôn giáo đặc biệt như tại Việt Nam, đây không phải là một “dấu chỉ thời đại” đáng chúng ta suy gẫm sao? Phần các nữ tu, đây quả là cơ hội lớn để các chị “đến với muôn dân”.

Với lương tâm của một nhà giáo, lại được sự hỗ trợ đắc lực của tinh thần và l‎ý tuởng đời tu, chắc hẳn các nữ tu không thể đơn giản xem đây là kế sinh nhai đơn thuần. Hình ảnh của một nữ tu như người mẹ hiền. luôn yêu thương và tận tình chăm sóc những con người bé nhỏ yếu đuối nhất. Các chị được đụng chạm đến tâm hồn non nớt của các em, và khắc ghi vào đó những âm thanh và hình ảnh tốt lành sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nhân cách sống của các em sau này.

Không những chỉ các cháu, mà qua mối liên hệ cần thiết giữa nhà trường và gia đình, bằng việc thăm viếng và tiếp xúc tư vấn, các nữ tu còn có thể trực tiếp quan tâm chăm sóc đến cuộc sống của các gia đình trẻ, với hạnh phúc gia đình cần được bảo vệ, ngăn ngừa trước bao nhiêu nguy cơ bất hạnh đỗ vỡ có thể đang rập rình…Bên cạnh các nữ tu, còn có một đội ngũ các cô nuôi dạy trẻ giúp việc, làm thế nào để huấn luyện lương tâm nghề nghiệp của họ, trang bị cho họ tinh thần yêu thương phục vụ theo nền tảng bác ái Kitô giáo, thì nền “mục vụ nhà trẻ” ẩn tàng bao nhiêu là kết quả tâm linh tốt đẹp, vùng đất màu mỡ cho hạt giống Tin Mừng sinh sôi nảy nở vào đúng ngày mùa.

2. “Mục vụ Nhà đất”: Nhà đất là lãnh vực đầy tế nhị và rất nóng bỏng hiện nay trong đất nước chúng ta, không những giữa chính quyền và nhân dân, mà còn giữa người dân với nhau, với bao nhiều là những tranh chấp, thậm chí dẫn đến xô xát hằng ngày.

Nhưng tế nhị và quan trọng hơn cả vẫn là tranh chấp nhà đất giữa nhân dân và chính quyền. Với chính sách không công nhận quyền tư hữu đất đai lâu dài của người dân như hiện nay, chắc chắn chính quyền trên khắp đất nước này còn phải đối mặt với những khó khăn liên tiếp và có thể ngày càng trầm trọng hơn, khi có đến 70% đơn kiện tụng gửi lên trung ương là liên quan đến tranh chấp nhà và đất.

Đất nước đang từng ngày đổi mới, người dân có quyền trông chờ và tích cực thúc đẩy cho một tiến trình thay đổi luật đất đai cho hợp với lẽ công bằng và hợp với lòng dân hơn. Giáo Hội xét như là một pháp nhận trong xã hội công dân cũng có bổn phận và quyền lợi tham gia vào cuộc vận động chính trị này, bằng việc “quan tâm đến các vấn đề xã hội, nhất là công lý và công ích vốn là nền tảng của lòng bác ái chân thật” (x. Caritas in veritate).

Chuyện nhà đất cũng trở thành những sự kiện nóng bỏng trong Giáo Hội hôm nay, theo nhịp chuyển mình chung của đất nước. Đứng trên góc nhìn mục vụ, những cuộc tranh chấp nhà đất có liên quan đến Tôn giáo đã xảy ra nơi này nơi khác, với những l‎ý do và hoàn cảnh ít nhiều khác biệt, nhưng đều có chung một hậu quả là đã để lại những ảnh hưởng và hình ảnh không mấy sáng sủa về một Giáo Hội Sứ Vụ, vốn là hiện thân cho bình an, hoan lạc, công chính và thánh thiện.

Nghĩ đến một hướng mục vụ cho vấn đề nhà đất hiện nay, gọi nôm nay là “mục vụ nhà đất”, không hề là một ‎ý tưởng đùa nghịch, thậm chí còn phải đặt lên hàng đầu, để mỗi chúng ta cùng suy tư, cầu nguyện. Đây cũng được xem như một “dấu chỉ thời đại” quan trọng được gửi đến cho từng thành phân Dân Chúa trong Giáo Hội Việt Nam ngay trong thời điểm này. Những biến cố vừa qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam, đã và đang tiếp tục gây ra bao nhiêu sóng gió, đau thương và cả những đổi thay trong lòng Mẹ Giáo Hội, gây hoang mang chia rẽ và làm thương tổn nặng nề cho tình hiệp thông, làm lu mờ tính cách mầu nhiệm của Giáo Hội, và chắc chắn đã tạo ra không ít bất lợi cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội giữa lòng đất nước dân tộc mình.

Trong những biến cố phức tạp của cuộc sống Giáo Hội hôm nay, bên cạnh những giải pháp hành chánh đối với chính quyền, Dân Chúa mong ước được lắng nghe tiếng nói chính thức của các mục tử, cần được soi sáng hướng dẫn bằng những đường hướng mục vụ thích hợp. Để xây dựng đường hướng mục vụ này, chắc chắn một điều là chúng ta không thể hành xử hoàn toàn như người không có đức tin, lấy quyền lợi vất chất làm cứu cánh, nhưng còn phải qui chiếu vào những giá trị của Tin Mừng. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn phải là chứng nhân can đảm và trung thành nhất cho sự thật, lẽ phải với công tâm xây dựng đất nước trên nền tảng công l‎y và hòa bình. Đây chính là thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng “lúc thuận cũng như lúc nghịch”. Trách nhiệm này không chỉ dành riêng cho những mục tử, mà còn là nguyên tắc hành động của mỗi thành phần Dân Chúa, như là những chứng nhân của Tin Mừng trong đời sống hằng ngày. Nhưng để tạo được sự đồng thuận trong những biến cố phức tạp này là cả một vấn đề tế nhỉ và nan giải. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề nghị cho Giáo Hội Việt Nam một giải pháp, đó là con đường “đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành”.

“Mục vụ nhà đất” càng quan trọng và tế nhị hơn, khi ảnh hưởng đến toàn xã hội dân sự mà chúng ta là thành phần, cũng như các tôn giáo khác, chứ không riêng gì cho Giáo Hội Công Giáo chúng ta.

III. “Nước Trời như một tấm lưới”

Những vấn đề đặt ra trên đây không phải chỉ nhắm vào các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, nhưng là cho toàn Dân Chúa, những người được mời gọi tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng trong mọi môi trường, hoàn cảnh sống của mình. Vì thế, chúng ta không phải chỉ là những người thụ động thực thi, nhưng cũng được mời gọi tích cực tham dự vào việc xây dựng đường hướng mục vụ truyền giáo của Giáo Hội với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Một Giáo Hội Mầu Nhiệm đầy tình Hiệp Thông và cùng nhau thi hành Sứ Vụ loan báo Tin Mừng, chính là hình ảnh Nước Trời tại thế mà chúng ta đang xây dựng. “Nước Trời như một tấm lưới thả xuống biển”. Vâng, mỗi người chúng ta như một mắt lưới cũng vững chắc đan kết vào nhau làm thành tấm lưới thả xuống biển đời. Đừng ai tiêu cực nghĩ rằng mình chẳng quan trọng gì trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, vì “không có mợ, chợ cũng đông”. Như một mắt lưới bị rách, mẻ lưới sẽ thất thu; nhiều mắt lưới bị thủng, mẻ lưới chẳng còn con cá nào. Phải vá lưới ngay thôi.

Sự hiện diện của các đại biểu đến từ Hoa Kỳ trong Đại Hội Dân Chúa lần đầu tiên này nhắc chúng ta hướng về đông đảo các linh mục và anh chị em tu sĩ giáo dân Việt Nam đang sinh sống và thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng rải rác khắp trên thế giới. Tôi nghĩ đến tấm lưới truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam không chỉ thả xuống biển quê Việt Nam này.

IV. Kết luận:

Việc xây dựng Giáo Hội được bắt đầu với việc “đến với muôn dân”. Những suy nghĩ, cử chỉ, lời nói phản Tin Mừng của chúng ta trong đời sống hằng ngày đối với mọi người, là những trở ngại lớn cho Giáo Hội trong việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Giám mục Giáo phận Đà Nẵng
 
Đại hội Dân Chúa: tham luận Giới Y tế Công Giáo góp phần xây dựng nền văn minh tình thương
Bs. Phạm Thị Chi Lan và Bs. Nguyễn Đăng Phấn.
12:20 24/11/2010
Tham luận của giới y tế Công giáo
Giới Y tế Công Giáo góp phần xây dựng nền văn minh tình thương

Trong vai trò đại diện, chúng con xin được trình kết quả góp ý cho ĐHDC của một số tín hữu ngành y Sài Gòn.

1. Kính thưa quý đại biểu Đại Hội Dân Chúa,

Khi nhìn lại suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh Việt Nam, ta có thể đọc ra những đóng góp của tín hữu ngành y ngay từ cuối thế kỷ 16: Thừa sai kiêm thầy thuốc, dì phước kiêm bà bán thuốc cao đơn hoàn tán. Lương y cũng phải chết vì đạo. Đầu thế kỷ 20, Hội Thánh đã phục vụ người phong và lập bệnh viện trạm xá nhà hộ sinh. Thời chinh chiến khói lửa thì tín hữu ngành y cũng bị chết trên đường chăm sóc. Hết chiến tranh năm 1975 thì cũng chia nỗi đau với Hội Thánh khi phải bàn giao các cơ sở y tế và trường học cho nhà cầm quyền. Nhưng chỉ vài năm sau thì Hội Thánh lại tìm ra các giải pháp mới trong hoàn cảnh mới để giúp đỡ người bệnh, nhất là những bệnh bị nhiều người sợ hãi lây lan như phong, lao, HIV hoặc khó trị như bệnh tâm thần. Hội Thánh còn có mặt ở vùng sâu vùng xa qua các đợt khám từ thiện. Từ năm 2000, Hội Thánh lại lập những trạm xá, phòng khám từ thiện.

2. Thế rồi lại xuất hiện những vấn đề mới của thời mở cửa với đặt ra những thách đố tín hữu ngành y: Việt Nam là cường quốc về phá thai! Thống kê ước lượng có 1, 4 đến 2 triệu ca nạo phá thai hàng năm ở VN, đó là chưa tính đến các ca nạo phá thai ở khối dịch vụ tư nhân. Nếu gộp chung thì phải lên tới xấp xỉ 3 triệu ca, nghĩa là cứ hơn 6 giây lại có một thai nhi bị giết ngay từ trong lòng mẹ. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã xếp hạng Việt Nam chúng ta là 1 trong 3 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới !

Nhiều Giáo Xứ, nhiều Dòng Tu và cả nhiều nhóm anh chị em Giáo Dân, đã âm thầm thu tập xác các thai nhi để chôn cất thành rất nhiều nghĩa trang Anh Hài trải dài trên mọi miền đất nước. Nhiều Mái Ấm, nhiều Gia Đình Tình Thương cũng đã được mở ra để tiếp đón các chị em lỡ lầm, cứu lấy được hàng ngàn cháu bé.

Tuy nhiên, con số phá thai vẫn không ngừng tăng lên, độ tuổi người đi phá thai ngày càng thấp xuống, và số người Công Giáo phạm vào tội ác này không nhỏ.

Là người Công Giáo, lại hành nghề y, bản thân chúng con không thể nhắm mắt làm ngơ, lại càng không thể dính líu trực tiếp hay gián tiếp đến các ca nạo phá thai. Chúng con thiển nghĩ mọi thành phần Dân Chúa cũng biết rõ thảm họa này đã đến mức báo động.

Chúng con tha thiết kính xin Đại Hội Dân Chúa, sau những ngày tràn đầy hồng ân này, hãy cùng có một tiếng nói chung, mạnh mẽ xác tín, rằng Sự Sống con người là quà tặng vô giá Thiên Chúa đã trao ban, không ai được quyền hủy hoại hoặc gây tổn thương.

Xin Đại Hội Dân Chúa bằng những văn kiện của Hội Thánh, với những giáo huấn của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bật lên lời kêu gọi trước hết với người Công Giáo, sau nữa đến toàn thể cộng đồng xã hội, hãy Bảo Vệ Sự Sống, dứt khoát nói không với phá thai.

Chúng con xin báo một tin vui: chính Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI sẽ chủ trì một buổi cầu nguyện cho Thai Nhi toàn thế giới ngay tại quảng trường Thánh Phêrô, Rôma vào buổi tối Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, ngày 28 tháng 11 tới đây. Xin toàn thể Đại Hội Dân Chúa cùng hiệp thông cầu nguyện cho việc Bảo Vệ Sự Sống trên toàn cầu và riêng tại quê hương Việt Nam chúng ta, được tiến triển, giảm được tệ nạn phá thai và cứu được thật nhiều cháu bé.

3. Sự kiện Nhà nước cho phép tư nhân và ngoại quốc mở bệnh viện khiến cho giới y chúng con cũng mong mỏi có một bệnh viện Công Giáo để thi thố năng lực phục vụ của mình nhưng tới nay vẫn chưa xuất hiện bệnh viện Công Giáo mà chỉ có một vài phòng khám đa khoa tư nhân do người Công Giáo lập nên.

Với tư duy đổi mới của xã hội hôm nay đã quan tâm cả đến lợi ích kinh tế bên cạnh chăm lo sức khoẻ của bệnh nhân. Liệu người tín hữu ngành y còn giữ được tâm tình phục vụ như Chúa mong muốn là quan tâm đến người nghèo, người bị bệnh truyền nhiễm, tâm thần và có còn chân thành, khiêm tốn phục vụ anh chị em bệnh nhân không ?

Thật vậy, từ khi Nhà nước chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường, bắt đầu với thí điểm thực hiện chính sách tự thu tự chi, và nay thì gần hết các bệnh viện trong thành phố Sài Gòn đã áp dụng chính sách này, nghĩa là bệnh nhân phải thanh toán toàn bộ các chi phí khám điều trị bệnh trừ những người đã có bảo hiểm y tế.

Nên với chính sách mới, do kinh phí nhà nước cấp rất thấp, các bệnh viện phải ra sức tìm mọi cách thu nhập cho bệnh viện, để có thể trả lương công nhân viên và mọi chi phí khác, lấy tiêu chí như nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, tất cả cho bệnh nhân…., bệnh viện trở thành nơi cung cấp dịch vụ nhiều hơn là phục vụ.

Nhờ vậy, đời sống của nhân viên có khá hơn, nhưng điều đó lại ảnh hưởng đế tư tưởng con người, muốn sống an nhàn hơn, ít suy tư về đời sống tinh thần.

Dân số thành phố ngày càng tăng cao, bệnh viện trở nên quá tải, nhân viên y tế không còn đủ kiên nhẫn, để vui vẻ, hoà nhã trả lời các thắc mắc của bệnh nhân. Khó mà sẵn lòng có thái độ đón tiếp bệnh nhân ân cần như người Samaritano nhân hậu nữa.

Như vậy làm sao tín hữu ngành y thể hiện được văn minh sự sống, tin mừng tình thương trong môi trường được gọi là nhà thương ?Khi khám bệnh là dịch vụ, bệnh nhân là khách hàng, có còn chỗ cho hai chữ “phục vụ” nữa không ?

Và do tình trạng quá tải của các bệnh viện, các phòng khám tư được phép mở ra, thu hút các bác sĩ có trình độ chuyên môn, nên các bác sĩ làm không hết việc, chạy từ bệnh viện này qua clinic nọ, rồi qua phòng khám khác…. Hậu quả là các bác sĩ thời nay bị cuốn vào cơn lốc thị trường, không có thời gian để ngơi nghỉ….., còn thì giờ đâu để tham gia sinh hoạt, học hỏi ? Liệu tâm của bác sĩ còn đủ vững để nhìn thấy Chúa nơi bệnh nhân không, hay chỉ thấy bệnh nhân như một khách hàng trôi nổi trên thị trường?

4. Kết luận

Như vậy, với xã hội đổi mới, tư duy đã thay đổi, tâm tình biến động

Giới y tế Công Giáo cần được huấn luyện, nuôi dưỡng, giúp củng cố đời sống đức tin mới có thể nhìn thấy bệnh nhân là hình ảnh của Chúa được.

Phải chăng cần kín múc thường xuyên hơn lửa mến nơi Thiên Chúa?

Phải chăng mỗi ngày cần để dành năm phút đón nhận lòng thương xót của Chúa để có thể thương xót thật bệnh nhân mình gặp hằng ngày ?

Vậy hôm nay, trước mặt Đại Hội Dân Chúa, giới y chúng con xin được mọi người cầu nguyện, góp ý để nhóm tông đồ chuyên biệt này được vinh dự cùng với Giáo Hội bước theo Đức Kitô, sẵn sàng nói “xin vâng” khi nghe tiếng Chúa, tiếng Giáo Hội, tiếng nhân dân kêu mời.

Cụ thể, giới YTCG sẽ:

+ Họp nhau mỗi tháng, cùng dâng thánh lễ để hiệp thông chiều thẳng đứng vươn lên Thiên Chúa. Đồng thời lấy chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm sống sứ vụ Kitô hữu làm trục ngang giữ gìn vã phát triển nhóm.
+ Có những hoạt động chung để cùng nhau khơi dậy tâm tình phục vụ và truyền giáo như Chúa mong muốn.
+ Cần phối hợp các giới các ngành cùng với ngành y phục vụ người nghèo

Và xin được đề xuất:

+ Có tiếng nói danh chính ngôn thuận từ hàng Giáo phẩm để liên kết, kêu gọi mọi người tham gia vào Bảo Vệ Sự Sống, xây dựng nền văn minh tình yêu
+ Khi chưa có bệnh viện Công Giáo, cần chăng một cơ cấu, phương thức liên kết hoạt động các nhóm thiện nguyện, nhóm y xã hội với các phòng khám từ thiện, các phòng khám có nhiều nhân viên Công Giáo, để cùng chung sức nâng đỡ, hổ trợ nhau xây dựng nền văn minh tình thương.
+ Do chưa có sự phát triển đồng bộ giữa đời sống tâm linh và đời sống văn hóa xã hội của nhân viên y tế công giáo, giới y chúng con cần được linh hướng, dẫn dắt sâu sát hơn để khơi dậy lòng tin mến, giúp anh em biết nạp năng lượng thường xuyên từ Chúa mới có thể hiệp thông liên đới để phục vụ.

Vì thời gian có hạn nên chúng con xin cám ơn quý đại biểu đã hiệp thông với giới YTCG. Xin luôn nhớ đến các anh chị em bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, nha tá, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên cận lâm sàng là những Kitô hữu đang cần đến sự nâng đỡ của quý vị.

(Thay mặt giới Y Tế Công Giáo)
 
Đại hội Dân Chúa: Hội thảo ngày 24.11: Giáo hội Việt Nam và sứ vụ loan báo Tin Mừng
Đại hội Dân Chúa
17:54 24/11/2010
Ngày Thứ Hai 24 -11-2010
Buổi chiều


Chủ đề: GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

14g30: Đọc Kinh Chiều chung, sau đó các nhóm thảo luận theo các câu hỏi của phần 3 về Sứ Vụ với nhiều chủ đề khác nhau:

1. Khi nói về sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội Việt Nam phải thực thi, trong hiện trạng Giáo Hội và xã hội tại Việt Nam, anh chị nhận thấy phải nhấn mạnh hơn điểm gì?

2. Chủ đề truyền giáo
- Tài liệu làm việc xác định truyền giáo không phải là một hoạt động thêm vào những hoạt động khác, nhưng là yếu tố thấm nhập và chuẩn mực lượng giá mọi hoạt động và mọi lãnh vực. Anh chị có đề xướng nào để đưa tinh thần truyền giáo vào trong chương trình đào tạo nhân sự từ cấp địa phương đến địa phận và quốc gia?
- Để rao giảng Tin Mừng tại Á châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng được hữu hiệu, nhất thiết phải gắn kết với đối thoại văn hóa, đối thoại liên tôn và đối thoại với người nghèo. Anh chị có những đề xuất gì về điều này?

3. Chủ đề giáo dục
- Làm thế nào để việc giáo dục nhân bản, tri thức, thiêng liêng và tông đồ cho các thanh thiếu niên trở thành quan tâm mục vụ thiết yếu trong Giáo Hội tại Việt Nam (địa phương, giáo phận và quốc gia)?
- Chất lượng của một nền phúc âm hóa sâu xa và vững chắc đi liền với việc giáo dục. Vậy, mỗi cộng đoàn Kitô hữu tại Việt Nam có thể tạo nên những ‘sân chơi’ lành mạnh nào cho các thanh thiếu niên?
-Giáo Hội tại Việt Nam có thể đóng góp gì cho nền giáo dục tại Việt Nam (thí dụ: hội thầy cô Công Giáo, tái lập quỹ khuyến học giáo xứ, vốn đã có từ thời xa xưa, v.v.)?

4. Chủ đề gia đình: Cộng đoàn Giáo Hội (giáo xứ, giáo phận, quốc gia) có thể đề ra những kế hoạch mục vị nào về gia đình, nhất là các gia đình trẻ, trong bối cảnh xã hội tục hóa hiện nay?

5. Chủ đề bác ái: Mặc dù những đáp ứng cấp thời trước những nhu cầu thiết yếu của dân nghèo luôn cần thiết, anh chị có đề nghị gì về một kế hoạch lâu dài trong việc thực thi bác ái của Giáo hội VN trên bình diện giáo xứ, địa phận và quốc gia?

6. Chủ đề công bằng xã hội
- Giáo hội tại Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ phẩm giá và quyền của con người, nhất là của những người nghèo và bất hạnh?
- Làm thế nào để đào luyện lương tâm người tín hữu Việt Nam biết quan tâm đến công bằng và công ích?

7. Chủ đề di dân: Theo ‎ anh chị, Giáo hội tại Việt Nam nên có đường hướng chung và kế hoạch thống nhất nào cho việc mục vụ di dân trong nước và hải ngoại?

8. Chủ đề Truyền thông xã hội: Giáo hội phải sử dụng những phương tiện truyền thông Chúa ban như một tăng phẩm qu‎í giá để loan báo tin mừng và xây dựng văn hóa tình thương. Giáo hội Việt Nam có thể làm gì để cung ứng một nền giáo dục về truyền thông cũng như giúp giới trẻ sử dụng tốt đẹp các phương tiện truyền thông này? Gia đình và các công đoàn Giáo hội có thể cộng tác với nhau như thế nào trong sứ vụ cấp bách này?

Đại hội Dân Chúa: Chiều & tối 24.11.2010

17g30: Đúc kết chung, mỗi nhóm cử một người lên đúc kết ngắn gọn trong 3 phút.

Nhóm 1: Giáo Hội cần mạnh dạn hơn về giáo dục. (Sau khi phát biểu, Nhóm 1 đã tặng quà cho Đức cha Tôma Hiệu là GM Đặc trách UB Giáo dục của HĐGMVN).

Nhóm 2: Giáo Hội Việt Nam còn thiếu sự hiệp nhất trong một số lãnh vực. Cần lưu tâm hơn các vấn đề:
- Phụng vụ
- Giáo luật
- Tôn trọng bảo vệ sự sống

Nhóm 3: nhóm có 2 điểm nhấn:
- Cần có kế hoạch đường hướng xuyên suốt
- Chú trọng truyền giáo ad-intra: Tái Phúc Âm hoá, ad-extra: các nhóm dấn thân xã hội.

Nhóm 4: Nhấn mạnh sự hiệp thông: canh tân bí tích Giao hoà, linh mục cần trực tiếp dạy giáo lý. Cần “Mục vụ bà bầu” để bảo vệ sự sống... Chôn cất thai nhi (khoảng 42 nghĩa trang anh hài công giáo). Cần có các phòng đọc thiếu nhi, lưu xá sinh viên, mục vụ tù nhân, ban mục vụ hoà giải, mục vụ di dân… những đóng góp xây dựng gia đình Giáo Hội này là trách nhiệm của toàn dân Chúa.

Nhóm 5: Cần quan tâm mục vụ gia đình, xây dựng những cộng đoàn gia đình cơ bản, ủng hộ các sáng kiến. Xã hội / Công bằng: triển khai học thuyết Xã Hội Công Giáo. Cần các Văn phòng mục vụ di dân – phổ biến sách báo công giáo.

Nhóm 6: Nhất trí với Tài Liệu Làm Việc, nên nhấn mạnh thêm giáo dục lương tâm. Đề nghị cụ thể: giáo dục nhân bản, quan tâm huấn luyện tu sinh, chủng sinh, mở nhà lưu xá. Cấp giáo xứ: tận dụng đoàn thể, phong trào. Cấp gia đình: chú ý trách nhiệm và tự do, giáo dục lương tâm từ nhỏ, cổ võ các chương trình truyền thông lành mạnh, thi sáng tác thi ca, nghệ thuật…

Nhóm 7: Xác định truyền giáo tại Việt Nam là loan báo Chúa Giêsu bằng đời sống yêu thương. Cần đưa tinh thần truyền giáo vào gia đình: quỹ truyền giáo, cầu nguyện và hy sinh, đối thoại với người nghèo, quan tâm đồng bào sắc tộc. Về giáo dục: kiến nghị để tham gia phục vụ giáo dục + y tế, quỹ khuyến học, quy tụ thầy cô giáo dạy thêm cho các em phối hợp với giáo lý. Có lớp huấn nghệ, tổ chức quỹ tín dụng, để giáo dân đứng. Cần đào luyện lương tâm: thành thật và công bằng, dạy trong gia đình và giáo lý hôn nhân. Mục Vụ di dân: kết hợp nơi đi + nơi đến.

Nhóm 8: Nên đặt ra những ưu tiên để thực hiện, có lượng giá cụ thể ở các cấp. Nhóm đề nghị 5 ưu tiên:
• lên tiếng về các vấn đề bảo vệ sự sống + môi sinh,
• lên tiếng về các vấn đề công lý hoà bình,
• huấn luyện lương tâm,
• cẩm nang hướng dẫn hội nhập văn hoá,
• chú trọng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại / huấn luyện đức tin và luân lý cho giới trẻ.

Nhóm 9: Điểm nhấn công bằng xã hội.
- Ưu tiên phục vụ: người nghèo và bất hạnh.
- Đào tạo và chương trình mục vụ thăng tiến con người, dấn thân trăn trở hơn, mạnh mẽ bênh vực công lý cả những vấn đề nhạy cảm.
- Trao đổi thông tin tạo hiệp nhất trong Giáo Hội.

Nhóm 10: Đề nghị sứ điệp kết thúc Đại hội nhắc đến vấn đề thiên tai, quyên góp lũ lụt cuối Đại hội. Nhóm mạnh dạn đưa ra các đề nghị:
1. Đề nghị Nhà Nước để Công giáo đóng góp trong giáo dục.
2. Đại hội cần lên tiếng về vấn đề đất đai. GM địa phương lên tiếng về vấn đề công bằng xã hội, và trao đổi với Uỷ Ban GM liên hệ, đồng thời cần có chuyên viên cố vấn.
3. Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể cần có quy chế và chương trình chung.
4. Truyền giáo bằng Loan báo Tin Mừng + cầu nguyện hy sinh, ý thức quyền tự do tôn giáo.
5. Truyền thông: dự án phần mềm quản lý nhân sự chung cho các giáo phận.

Nhóm 11: Sứ vụ có 2 ý nghĩa:
1. Dấn thân phục vụ như cha ông đã làm và rất thành công.
2. Ngày nay sứ vụ được hỗ trợ bằng những nguyên tắc mới: Thiên Chúa là tình yêu – bản chất Giáo Hội là đời sống phụng tự, hoạt động bác ái và sứ vụ truyền giáo.
Bác ái dựa vào sự thật. Hiện nay còn nhiều người nghèo... Xã hội bất an, người Việt Nam nhiều tật xấu, muốn sửa cần giới thiệu các giá trị Tin Mừng, phản ánh Thiên Chúa nguồn chân thiện mỹ. Đề nghị soạn Cẩm nang hướng dẫn.

Nhóm12: Truyền giáo của Giáo Hội trong bối cảnh hiện nay: tinh thần đồng trách nhiệm, mỗi gia đình liên kết với 1 gia đình ngoài Công giáo, hội nhập cùng thao thức vui buồn. Truyền giáo là trách nhiệm của mọi Kitô hữu.

Nhóm 13: Quan tâm nhiều giáo dục thiếu nhi: mở ra các sân chơi lành mạnh, câu lạc bộ, phòng internet... Cần có kế hoạch tìm việc cho sinh viên ra trường. Làm những câu chuyện hoạt hình, minh hoạ giúp hiểu Kinh thánh. Giáo dục việc làm dấu thánh giá. Làm Karaokê thánh ca giúp giới trẻ hiểu Kinh thánh. Lập Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể trong mọi Giáo phận.

Nhóm 14: Chủ đề giáo dục nhân bản từ gia đình, đào tạo nhiều giáo lý, có bộ sách giáo lý chung cho toàn quốc, tạo sân chơi cho người trẻ, quyền mở trường, có phát ngôn viên về công lý hoà bình, tìm chuyên viên các lãnh vực, đặc biệt về pháp luật cần thông thạo luật. Về thông tin xã hội: nên thiết lập mạng lưới truyền thông mạnh mẽ hướng dẫn dư luận

Nhóm 15: Quan tâm sứ vụ Loan báo Tin Mừng nhấn mạnh tái Phúc Âm Hoá: cần hiểu Lời Chúa, thực hiện bác ái Kitô giáo, tông đồ giáo dục, xin các linh mục tin tưởng giao việc, cung cấp kiến thức. Gây ý thức trách nhiệm truyền giáo cho mọi thánh phần dân Chúa, đối thoại văn hoá và đối thoại liên tôn, trực tiếp tiếp cận Lời Chúa, bổ sung các phương tiện tinh thần vật chất cho người tham gia làm việc. Cần hỗ trợ chuyên môn cho giới giáo chức, tránh xa những tiêu cực, dạy vì lương tâm đạo đức, không là phản chứng cho các giá trị Tin Mừng. Tận dụng các phương tiện truyền thông, xây dựng tài nguyên dùng chung, phần mềm chuyên môn dạy nhân bản...

Nhóm 16: Lưu ý giáo dục, cần nhấn mạnh song hành giáo dục nhân bản và đức tin cho mọi lứa tuổi: nhà trẻ, thiếu nhi thiếu niên cần đoàn ngũ hoá, thanh niên nên tạo sân chơi lành mạnh, thống nhất nội dung giáo lý các cấp toàn quốc tránh những hiểu lầm do không đồng bộ. Giáo dục chỉ hiệu quả khi nối kết chặt chẽ với gia đình. Những đề nghị trên cần cộng tác giữa gia đình và giáo xứ mà vai trò cha xứ rất quan trọng.

18g15: ĐTGM Stêphanô tổng kết: chúng ta cảm nghiệm được tình gia đình hiệp thông, các đại biểu đóng góp con tim khối óc, nhiều tâm nguyện thao thức trăn trở biểu lộ lòng yêu mến Giáo Hội, ước mong xây dựng Giáo Hội cách tích cực. Chúng ta cử hành ĐHDC, chứ không chỉ dự họp, trao đổi trong bầu khí suy tư và cầu nguyện, lắng nghe và chia sẻ huynh đệ. Chúng ta cám ơn Chúa, cám ơn nhau, đặc biệt TGP Sài gòn.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: “Ngày hôm nay mỗi nhóm đúc kết, dự kiến hết 1g 30 phút, nhưng không ngờ lại nhanh hơn mấy ngày trước. Đức cha Nha Trang nhiều lần chưa kịp lắc chuông người báo cáo đã nói xong rồi. Người vui nhất là Đức cha Tôma Hiệu, vì không ai được quà trừ ngài...”

Sau đó Phêrô mời Đức Cha Giuse Thống hát một bài tặng Đại hội. Bài hát “Tôi mơ” là bài ca rất dễ thương, Đức Cha Giuse đã hát tặng cho Đại hội...

18g40: Mọi người hân hoan tham dự Hội Chợ ẩm thực. Nhiều người đã tận dụng cơ hội này để giao lưu chia sẻ kết nối tình thân.

(Nguồn: daihoidanchua.net, November 24, 2010)
 
Đại Hội Dân Chúa chia sẻ xúc động trong nước mắt!
Đại Hội Dân Chúa
23:55 24/11/2010
Đại hội “vỡ òa” trong nước mắt

Dù không có trong chương trình làm việc, sáng nay ban tổ chức dành thời gian cho các đại biểu nói lên những trăn trở, tâm tình còn lại sau khi đã trình bày trong những ngày làm việc vừa qua.

Thời gian chỉ có hạn, nhưng nhiều bàn tay vươn cao để nhận micro phát biểu. Vậy mà đến khi được cơ hội, các chia sẻ đó lại ngất ngẹn trong nước mắt và cảm động.

Một phụ nữ đại biểu giáo phận Hà Nội nói, tuy đã sống 50 năm trong môi trường xã hội miền bắc lâu năm, tham gia nhiều cuộc đại hội, họp hành, vậy mà chưa một đại hội nào như đại hội này. Tình hiệp thông, linh thiêng và thánh thiện toát lên trong đại hội. Và những điều này không phải khi nào cũng có. Chị cảm thấy xấu hổ khi mình là thành viên Giáo phận Thủ Đô mà vẫn chưa làm được điều đại hội này làm.

Đáp lại lời chị là lời Đức cha Phêrô, điều phối chương trình rằng, hy vọng trong tương lại đại hội Dân Chúa sẽ tổ chức tại Hà Nội.

Một đại biểu giáo phận Bùi Chu phát biểu, trước khi đi tham dự đại hội này, chị đã được đại diện nhà nước ở cấp tỉnh và huyện đến thăm chúc mừng. Chị cảm thấy hãnh diện và xúc động khi mình được đại diện nhiều thành phần giáo dân ở đó và Chúa đã “soi sáng” lãnh đạo nhà nước cùng hiệp thông đại hội. Ước gì trong tương lai, chính quyền tạo nhiều điều kiện hơn để Hội đồng Giám mục và giáo dân có cơ hội sống tình hiệp thông của Giáo hội.

Linh mục giáo phận Kontum ngạc nhiên với cách tổ chức đại hội, từ những công việc chi tiết đón tiếp, đến quà tặng của Đức Hồng Y dành cho các linh mục và đại biểu. Ngài nói sẽ đem tất cả tâm tình tại đại hội, quà tặng của Đức Hồng Y - trưởng ban tổ chức, và cả hình Đức Hồng Y về giáo phận của ngài.

Một thanh niên đại biểu tại Sài Gòn cho biết, thông qua đại hội anh hiểu biết thêm nhiều về giáo hội, và giáo hội quả là một mầu nhiệm và sự hiệp thông. Tại đại hội, anh hiểu được rằng các vị lãnh đạo Giáo hội không còn là hàng giáo phẩm, giáo sĩ nữa, mà là người cha hiền, anh cả của một đàn em đông đúc.

Nhiều bàn tay vẫn tiếp tục dương cao, nhạc sĩ Đức Dũng được “ân huệ” là người phát biểu cuối cùng. Theo anh, đại hội quả là một phép lạ Chúa ban chứ không phải là sức con người. Ân lộc này quả là một phép lạ cho Giáo hội Việt Nam.

Khép lại buổi trao đổi là những ý kiến đề xuất cuối cùng của Đức Hồng Y dành cho sứ điệp Đại hội gởi cho Dân Chúa. Ngài gởi tặng đại biểu tượng Đức mẹ Việt Nam và phương thức cầu nguyện kinh mân côi theo hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Cá nhân ngài đã thực hành hướng dẫn đó từ năm 2002, và nay ngài mong muốn giới thiệu đến các giáo phận khác trong toàn thể Giáo hội tại Việt Nam. Ngài nhấn mạnh, đây là ơn Chúa ban chứ không phải của riêng cá nhân ngài cầu nguyện, mà đặc biệt là sự cầu nguyện của toàn giáo phận ngài cho việc tổ chức Đại hội này.
 
Văn Hóa
Tinh Thần Lễ Hội
Nguyễn Trần Phương Dung
05:01 24/11/2010
Tinh Thần Lễ Hội

Bạn,

Tôi yêu vô cùng cái không khí cuối năm ở nước Mỹ. Khi đất trời chuyển mình vào thu, mùa lễ hội bắt đầu và kéo dài cho đến sau Tết tây. Bất cứ nơi nào bạn đi, từ thương xá, chợ búa, trường học, nhà thờ, đường phố.. bạn không thể không cảm nhận cái không khí tưng bừng nhộn nhịp của những sinh hoạt cuối năm. Suốt năm tôi nao nức trông chờ mùa này để được hòa mình vào tinh thần lễ hội của nước Mỹ.

Bắt đầu từ tháng 10, cơn nóng cuối hè đã thôi gay gắt, thời tiết dễ chịu dần với những cơn nắng nhạt màu và gió thoảng dịu dàng. Mặt trời đi ngủ sớm và ngày ngắn dần để rồi một buổi sáng khi thức dậy, bạn sẽ giật mình nhận ra cỏ cây đã khoác lên mình chiếc áo thu rực rỡ. Vùng tôi ở chỉ có hai mùa mưa nắng nên thu đến không có lá vàng rơi. Đây là một điều đáng buồn vì tôi rất yêu mùa thu. Tôi đành trang trí nhà cửa với lá vàng, với hoa đỏ, với bí cam để có không khí thu. Chút lãng mạng trong tâm hồn thường kéo chân tôi đến những vùng có lá thu rơi xào xạc để đi tìm con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô…

Trung tuần tháng 10 năm nay, vợ chồng tôi có dịp lên vùng Hoa Thịnh Đốn và được một số bạn trong nhóm Việt Bút hướng dẫn đi xem mùa thu ở Shenandoah National Park. Sáng hôm đó nắng ấm, trời trong xanh. Con đường Skyline Drive dài mấy chục miles với rừng phong tràn ngập lá vàng ở hai bên. Có những khúc xe chạy quanh sườn núi, mở ra phía dưới một thung lũng ngút ngàn sắc vàng, đỏ, cam. Thật tôi không biết làm sao mà mô tả được hết vẻ đẹp của rừng thu dưới nắng vàng, chỉ biết cúi đầu cảm phục bàn tay huyền diệu của tạo hóa. Buổi trưa, tại đỉnh cao nhất, Big Meadow post, mặt trời trốn đằng sau những đám mây, gió lạnh tê cắt thịt da, cả bọn co ro đứng bên nhau, ấm lòng với ly cà phê nóng và những lời tâm tình. Lúc chạy ngược xuống núi để ra về, chúng tôi dừng lại ở các điểm Overlooks dọc theo con đường để ngắm cảnh, vui cười và chụp hình. Cám ơn tất cả cho một ngày thu không thể tuyệt vời hơn.

Tháng 10 còn có lễ hội Halloween, mừng vào ngày cuối cùng của tháng. Đây là ngày dân Mỹ đi xem những nhà ma, gọt đẽo những trái bí đỏ với mắt, mũi, miệng rồi bỏ đèn cầy vào bên trong thành jack-o -latern, đọc sách hay xem những phim kinh dị, đi xin kẹo Trick-or-Treating hoặc dự những buổi tiệc hóa trang. Halloween là tập tục người di dân Irish đem qua Mỹ vào thế kỷ 19 mà bây giờ đang rất thịnh hành ở các nước Âu và Á. Người Việt ở Mỹ cũng rất thích thú với lễ hội này. Vào đêm Halloween, rất nhiều bé con Việt trong bộ đồ hóa trang, cầm giỏ hình trái bí đi xin kẹo cùng khắp. Các em nhỏ thường được hóa trang thành những nàng công chúa và chàng hoàng tử của phim huyền thoại Disney. Các em lớn thì hóa trang thành những nhân vật trong các phim đang thịnh hành hay truyền thống hơn thì đeo mặt nạ ma quỉ rùng rợn. Tôi yêu những trang phục có cánh như thiên thần, nàng tiên, bướm, bọ cam.. và thích thú mỗi lần bắt gặp tà áo dài hay bà ba trong đoàn diễn hành. Năm nay nhà tôi có một cô công chúa bướm, một nàng thổ dân da đỏ Pokahontas, một chú bé lái xe đua, và một chú choai choai tự cho mình quá lớn để hóa trang nhưng vẫn nhỏ đủ để cùng mẹ dẫn em đi diễn hành trong shopping mall và xin kẹo xung quanh xóm. Cám ơn nước Mỹ có một ngày lễ hội thật dễ thương để cả gia đình cùng vui với nhau.

Qua tháng 11 là bước vào mùa thu hoạch - harvest season và lễ Tạ Ơn - Thanksgiving. Lễ Tạ Ơn được mừng vào thứ năm cuối cùng của tháng nhưng người Mỹ có những hội chợ mùa thu - fall festivals - rãi rác ở các cuối tuần trong tháng 11. Ở những nơi khí hậu lạnh và mưa gió, hội chợ mùa thu được tổ chức sớm hơn vào tháng 9 hoặc tháng 10. Sau những tháng ngày vất vả trồng trọt, đến mùa thu hoạch, nông dân ăn mừng và chia sẻ những hoa lợi của mình với gia đình bạn bè. Dù nông nghiệp không còn phổ thông, người Mỹ vẫn giữ truyền thống tổ chức hội chợ mùa thu. Đây là dịp cho gia đình bạn bè có một ngày vui ngoài trời, với các trò chơi cho trẻ con, với triển lãm hội họa art and crafts, với rượu và hoa quả đầu mùa, với ca nhạc và nhảy múa.

Năm nay cộng đồng nơi tôi ở tổ chức hội chợ mùa thu vào tuần thứ ba của tháng 11. Xóm tôi không có nông dân nên các doanh nhân bảo trợ cho những gian hàng trò chơi và đồ ăn. Vào cửa không tốn tiền, vậy mà con nít được chơi games, ăn kẹo bánh, tặng bong bóng, vẽ mặt vẽ mũi cả ngày. Người lớn thì được uống bia và ăn gà ta, gà tây cuốn thả giàn. Có chương trình rút thăm trúng thưởng, tôi may mắn bê về giải nhất gồm một giỏ to dụng cụ làm đẹp. Cám ơn một ngày hội chợ mùa thu nhộn nhịp để hàng xóm láng giềng có dịp làm thân với nhau.

Rồi đến tuần lễ Tạ Ơn, nhà nhà tưng bừng chuẩn bị cho một trong những ngày lễ ý nghĩa nhất của năm. Vì nhà có con nít nên chúng tôi thường mở sách ôn lại lịch sử của ngày lễ. Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ trước thời lập quốc. Vào thế kỷ thứ 17, người Tin Lành ở Anh Quốc bị chính quyền ép bỏ đạo, buộc lòng rời bỏ đất nước bằng tàu Mayflower để đi tìm một vùng đất mới nơi họ có thể tự do thờ phượng theo ý muốn. Những người hành hương -pilgrims - này đến Plymouth, tiểu bang New England tại Bắc Mỹ, và ở lại lập nghiệp. Với sự trợ giúp của người thổ dân da đỏ, họ gặt hái thắng lợi trong mùa thu hoạch đầu tiên và tổ chức một buổi tiệc mừng để cảm tạ thượng đế. Họ quay những con gà rừng, còn được gọi là gà tây, để ăn mừng. Gà tây từ đó trở thành một món ăn truyền thống trong ngày lễ Tạ Ơn. Mặc dầu rất ghiền những món ăn Việt thuần túy với mắm muối đậm đà, mỗi năm một lần vào ngày lễ Tạ Ơn, để giữ truyền thống, gia đình tôi dùng gà tây quay, thịt "ham" ướp mật ong, salad khoai tây, đậu que xanh nướng với hành tây phi, bánh pumpkin pie... Cám ơn những người hành hương đã khởi xướng một ngày lễ rất ý nghĩa để gia đình bạn bè có dịp xum họp và Tạ Ơn Trời cho tất cả những phúc lộc đã nhận được.

Ngay sau lễ Tạ Ơn là khởi đầu cho mùa Giáng Sinh. Radio phát nhạc Giáng Sinh suốt 24 giờ một ngày. Tivi chiếu liên tục các chương trình ca nhạc hay phim Giáng Sinh nổi tiếng. Những cây thông cao chọc trời được kéo về làm đẹp cho trung tâm thành phố. Những trái ornament vĩ đại treo lấp lánh trên cành thông làm cảnh cho du khách và dân địa phương ngắm ngía và chụp hình. Phố xá, nhà cửa được giăng đèn và trang hoàng rực rỡ. Thương xá tấp nập người mua sắm, người người vội vã chụp hình, gửi thiệp, chuẩn bị những món quà cho nhau. Những đứa bé háo hức leo lên đùi ông già Noen tóc trắng, thầm thì vào tai ông những điều ước cho mùa Giáng Sinh. Những lá thư ngây ngô gửi đến địa chỉ miền bắc cực North Pole xa xôi... Bao nhiêu háo hức, bao nhiêu chuẩn bị, bao nhiêu đợi chờ cho một Đêm Thánh Vô Cùng.

Giáng Sinh chính là cao điểm của mùa lễ hội đối với người Công Giáo. Gia đình tôi thường đi dự Thánh Lễ ở nhà thờ vào đêm 24, để trở về với mục đích thật sự của ngày lễ Giáng Sinh: mừng ngày Thiên Chúa giáng thế làm người.

Đêm nay Noen về

Nào ai hãy vui lên

bình an cho dương thế

người người sống tin yêu.

Từ nhà thờ trở về, chúng tôi đốt nến, mở nhạc Giáng Sinh rồi cùng ăn khuya với nhau. Trước khi đi ngủ, lũ nhỏ làm bánh cookies và gingerbread man để ăn tráng miệng. Chúng không quên để dành vài cái bánh và ly sữa cho ông già Noen để ông lấy lại sức vì phải leo lên leo xuống ống khói của bao nhiêu nhà. Sáng sớm ngày 25, tôi luôn được đánh thức bởi tiếng reo hò của lũ trẻ, khi chúng chạy ra từ các phòng ngủ trong bộ đồ pijamas và nhìn thấy những gói quà dưới gốc cây thông và trong stockings treo lủng lẳng trên lò sưởi. Sau đó thì đương nhiên là bóc quà và cám ơn nhau, một kết thúc thỏa đáng cho tất cả những chuẩn bị và mong chờ.

Một tuần sau lễ Giáng Sinh là đến Tết tây. Người Mỹ kết thúc năm cũ với buổi tiệc cuối năm, với rượu champagne, với countdown và những nụ hôn và vòng tay ôm đón mừng năm mới. Hãy bỏ tất cả phiền muộn và những điều không vừa ý của năm cũ qua một bên và bắt đầu năm mới với một tâm hồn mới, một sức sống mới, một ý chí mới.

Farewell to the old year,

The people are singing

To bring in the new year

The bells are ringing

Ding Dong

Ding Dong.

Bạn mến.

Đọc đến đây chắc có lẽ bạn đã hiểu vì sao tôi yêu cái không khí cuối năm tại Mỹ. Nó có những sinh hoạt, sắc thái độc đáo mà tôi nghĩ không tìm được ở một mùa hay nơi khác. Nhưng có lẽ sẽ là một thiếu sót nếu tôi không đề cập đến một khía cạnh đặc biệt khác của mùa lễ hội. Đây thật sự là thời gian dành cho sự bình an, tình yêu thương và lòng tử tế. Vì vậy, bạn có biết, tinh thần lễ hội the spirit of the holidays - còn đồng nghĩa với tinh thần cho đi - the spirit of giving? Mọi người không chỉ bầy tỏ lòng yêu thương một cách đặc biệt với gia đình người thân vào mùa này, họ còn rất rộng lượng và đối xử tử tế với những người xung quanh, những người lạ, những người nghèo.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy các cơ quan từ thiện bận rộn nhất vào mùa này. Người nghèo sống thiếu thốn quanh năm, nhưng cái lạnh, cái đói, hiển nhiên nhất vào những ngày cuối năm. Với tấm lòng quảng đại, người Mỹ muốn những người nghèo được bữa ăn Tạ Ơn no đủ và trẻ em nghèo được món quà vào đêm Giáng Sinh. Vì vậy, đóng góp cho các hội từ thiện và đi làm công tác thiện nguyện trở thành một truyền thống hằng năm cho nhiều người, nhiều gia đình, hội đoàn và hãng xưởng.

Vào khoảng tháng 11 hay sớm hơn, trùng với thời điểm với mùa Thu Hoạch, mùa quyên góp bắt đầu cho các cơ quan từ thiện, food banks, soup kitchens hoặc homeless shelters. Các nhà thờ, trường học, hãng xưởng, đài truyền hình và radio... kêu gọi mọi người bước vào tinh thần cho đi bằng cách đóng góp tiền, thức ăn, quần áo đồ vật, thời giờ và tài năng cho người nghèo.

Thường thường tặng tiền là tiện nhất vì cơ quan từ thiện có thể dễ dàng chuyển xuống những chi nhánh địa phương để dùng vào những việc thiết thực. Giá thức ăn họ mua cũng rẻ hơn bên ngoài rất nhiều. Theo thông tin của hội Feeding America, một cơ quan chuyên cứu đói trong nước Mỹ, thì với mỗi đô la quyên góp, họ giúp chuyển 20 lbs lương thực đến cho người nghèo. Trong khi đó, chúng ta cầm một đô la ra chợ thì chỉ mua được một lon soup.

Nếu tặng thức ăn thì họ chỉ nhận đồ hộp và đồ khô. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì từ khi đưa đồ mua từ chợ về nhà, từ nhà đến thùng quyên góp, từ thùng quyên góp đến cơ quan từ thiện để được chia loại và phân phát cho người nghèo là một quá trình dài. Nếu cho đồ tươi thì chắc chắn sẽ bị hư thối trước khi đến tay người nhận.

Chăn mền và quần áo ấm luôn là nhu cầu vào mùa này. Thường thì họ chỉ nhận đồ mới hay còn mới. Những vật dụng vệ sinh cá nhân chưa từng dùng qua như kem đánh răng, lược, khăn mặt... cũng hay được yêu cầu. Các cơ quan từ thiện thường có danh sách của những thứ cần hay nên cho.

Gần Giáng Sinh thì có những chương trình Toys Drive hay Giving Tree quyên đồ chơi cho trẻ em và Shoes Box quyên dụng cụ cần thiết cho những người cao niên trong viện dưỡng lão. Họ chỉ xin những món đồ mới và, vì lý do an toàn, chưa gói (unwrapped) để dể dàng kiểm soát.

Những người không góp của có thể góp công. Các cơ quan từ thiện Mỹ đều có nhân viên làm việc ăn lương, nhưng cung bao giờ cũng ít hơn cầu, cho nên tài năng và thời giờ của những người thiện nguyện luôn được trân trọng. Vào mùa lễ, cần nhiều thiện nguyện viên làm các công việc như chia loại các thực phẩm quyên góp được ở các food banks, múc đồ ăn và dọn dẹp ở các soup kitchens, sơn phết sửa chửa phòng ốc ở các homeless shelters, hay gói quà ở các shopping malls. Những công việc này thoạt nghe có vẻ tỉ mỉ nhàm chán, nhưng rất cần thiết và được cảm kích.

Bạn thân mến,

Có lẽ vì cá nhân tôi và gia đình đã từng được hưởng lợi ích của các chương trình từ thiện cho nên tôi rất qúy cái tinh thần cho đi của người Mỹ trong mùa lễ hội.

Nhớ lúc đến Mỹ từ trại tị nạn Phi Luật Tân, mới cuối tháng 9, trời chưa vào thu mà thời tiết San Francisco đã lạnh cóng. May sao có hội từ thiện Catholic Charities phát cho mỗi người một cái áo lạnh ngay tại phi trường. Những chiếc áo lạnh dầy cộm đó, phía trong bằng lông thú giả, phía ngoài bằng nylon, đã giúp gia đình tôi qua được mùa đông đầu tiên ở Mỹ.

Rồi mùa lễ Tạ Ơn, những người Việt qua trước dẫn bố mẹ tôi đến một xe chở hàng, không nhớ của hội từ thiện nào, đậu trong sân parking của một siêu thị, để nhận gà tây miễn phí. Họ chẳng xét giấy tờ lợi tức gì cả, ai muốn lấy bao nhiêu con cũng được. Năm đó nhà tôi được 2, 3 con gì đó, nướng lên ăn hôm lễ Tạ Ơn không hết, làm chà bông cất dành ăn dần.

Đến mùa Giáng Sinh, không hiểu ai nói với ban xã hội ở nhà thờ trong vùng rằng gia đình tôi mới qua mà họ mang đến cho anh em tôi một lô đồ chơi còn mới nguyên, được gói giấy màu, cột nơ đẹp đẽ. Tôi nhớ mãi con búp bê Barbie xinh xắn với mái tóc vàng óng ả và đôi mắt xanh biếc.

Tôi giữ mãi kỷ niệm của những quà tặng đầu tiên đó trong lòng. Lớn lên một chút, tôi hiểu ra rằng đằng sau các cơ quan từ thiện là chính phủ và bao nhiêu mạnh thường quân - không có sự trợ giúp của chính phủ và đóng góp của mọi người, các hội từ thiện không thể hoạt động và tồn tại được. Tôi khâm phục tấm lòng, tầm nhìn và chiến lược cùng cách tổ chức những chương trình cứu tế của người Mỹ vô cùng.

Những năm còn đi học, tôi hay cùng các bạn đi giúp food banks và soup kitchens vào mùa lễ hội. Mới đầu tôi làm một phần vì ham vui, một phần vì muốn cho lại phần nào những gì đã nhận được. Người Mỹ hay nói pay it forward - khi ai làm điều gì tốt cho mình, họ không cần được nhận lại, chỉ cần mình tốt với những người khác, để các hành động tốt được lan rộng. Nhưng sau vài lần tình nguyện, tôi cảm thấy thích thật sự. Thời gian này tôi quen nhiều người thiện nguyện mà sau này trở thành những người bạn thân quý, hiểu biết thêm về cách hoạt động của hội từ thiện địa phương, gặp gỡ những mảnh đời đáng thương và nhờ đó, có được trái tim biết cảm thông và trắc ẩn. Có những lúc nhìn những cặp vợ chồng con cái lem luốc dang díu nhau đi vào soup kitchens ăn tối, tôi thầm nghĩ nếu như gia đình tôi không thoát được trong chuyến vượt biên cuối cùng, thì đời sống chắc cũng chẳng hơn gì họ. Mà ở Việt Nam làm gì được giúp đỡ như bên này - chính phủ không màng đến dân, dân thì đói khổ nên có ai giúp được ai! Qua Mỹ đời sống tuy cực, nhưng đầy dẫy cơ hội cho mình vươn lên. Nhìn lên tuy không bằng ai, nhưng nhìn xuống thấy mình cũng may mắn hơn nhiều người, ly nước của mình tuy không lớn nhưng đã đầy, phải đổ bớt ra để còn nhận được thêm. Tạ ơn trên và cố gắng san sẻ chút ít với người khác.

Khi lớn hẳn, có nghĩa là đã học xong, đi làm, lập gia đình, giấc mơ làm triệu phú, cứu vớt gái bơ vơ và giúp đỡ người nghèo tàn lụi dần. Nào là không có thì giờ, nào là quá nhiều trách nhiệm, nào là nợ cơm áo, ôi thôi thì đủ thứ lý do để biện hộ. Nhưng có lẽ vì đã từng chứng nhiều kiến cảnh khổ, ở Việt Nam sau 1975 cũng như ở Mỹ trong những năm sinh hoạt với các cơ quan từ thiện, tôi luôn cảm thấy bất ổn khi ngồi trước bàn tiệc thừa mứa thức ăn. Những đêm trời trở lạnh, quấn mình trong chăn đệm ấm êm, thấy lòng nao nao khi nghĩ đến những người trong cảnh màn trời chiếu đất. Có hôm đi mua sắm quà Giáng Sinh một mình, tay xách nách mang những giỏ đồ bước ra cửa tiệm, tôi được một người mặc áo đỏ đứng phía ngoài giữ cửa cho, nhìn kỹ thì ra là ông cụ chuyên đứng ngoài cổng ra vào shopping mall, một tay mở cửa cho người ra vào, một tay cầm cái chuông rung rung để lạc quyên. Nhìn người tuy già yếu nhưng vẫn đứng giữa trời lạnh để xin bạc cắc cho người nghèo, nhìn lại mình trẻ trung khỏe mạnh nhưng không làm gì cho người khác ngoài chút lòng trắc ẩn, thấy xấu hổ vô cùng.

Bạn ơi,

Bình tâm mà nói, nếu muốn, chúng ta có thể dể dàng đi vào tinh thần lễ hội - tinh thần cho đi của người Mỹ, không phải chỉ vào dịp lễ mà quanh năm, vì nhu cầu có bao giờ dừng lại bởi sự thay đổi của thời tiết và mùa đâu. Những chữ từ thiện hay thiện nguyện nghe có vẻ to tát và... tốn kém, nhưng thật ra, nó đơn giản hơn mình nghĩ. Chúng ta có thể sống tinh thần lễ hội - tinh thần cho đi - này trong cuộc sống bình thường hằng ngày mà không phải mất mát tốn kém gì nhiều, lắm khi mình còn được lời thêm nữa là khác.

Trường học của lũ nhóc nhà tôi quanh năm khởi xướng nhiều chương trình với mục đích tốt: nhảy dây cho hội bệnh tim, đi bộ cho người bệnh tiểu đường, đánh vần cho quỹ học bổng, làm đẹp công viên hay hát cho một viện dưỡng lão hay bịnh viện nào đó. Lũ nhóc dĩ nhiên thích tham gia cùng chúng bạn, vợ chồng tôi cũng ráng dành thì giờ đi theo cổ võ cho con. Vậy là cả gia đình có được sinh hoạt cuối tuần lành mạnh, khỏi lo chúng ở nhà coi Tivi, chơi video game lười người, mệt mắt.

Mùa thu nhà trường kêu gọi đóng góp cho Second Harvest Bank, một cơ quan chuyên quyên góp đồ hộp để phân phát cho những gia đình nghèo. Bà hiệu trưởng tuyên bố lớp nào quyên góp được nhiều nhất thì được đãi một chầu cà rem. Vậy là mấy tuần trước lễ Tạ Ơn, cả đám háo hức kéo nhau theo mẹ đi chợ. Mẹ đẩy một xe, các con đẩy một xe. Mẹ bỏ vào xe bốn lon bắp cho gia đình, các con bỏ vào xe bốn lon cho người nghèo. Mẹ hai hộp bột khoai tây, các con vẫn bốn hộp. Mẹ hai lon gravy, các con lấy tám vì hai lon gravy mới đủ cho một hộp bột. Khi thấy mẹ lấy gà tây thì các con lắc đầu, cô giáo nói chỉ góp những đồ nào không bị hư. Mẹ thở phào, vậy cũng hay, vì cứ cái đà này thì mẹ sẽ lủng túi. Lũ nhóc cũng tỏ ra hiểu biết, hè nhau xin mẹ mỗi đứa 10 món thôi. 40 lon đồ hộp đổi lấy bài thực tập cho các con biết nghĩ đến người khác, tính ra mẹ vẫn còn lời.

Hãng xưởng ở Mỹ rất tích cực trong công tác từ thiện và xây dựng cộng đồng. Những công ty lớn thường thành lập một cái quỹ tư - foundation - để tài trợ cho các cơ quan từ thiện. Công ty tôi đang làm việc có cả một khối chuyên về tổ chức phúc thiện - corporate philanthropy và quan hệ cộng đồng - community relations. Họ khuyến khích và tạo cơ hội cho nhân viên đóng góp. Khi nhân viên quyên góp một phần tiền cho cơ quan từ thiện, quỹ tư của công ty cũng góp vào một phần. Vào mùa lễ hội, để khuyến khích nhân viên, ông cựu tổng giám đốc bỏ vào thêm một phần nữa. Tỉ dụ như tôi cho hội Hồng Thập Tự $500 thì quỹ tư của công ty cho $500 và ông cựu tổng giám đốc cho $500, vị chi hội Hồng Thập Tự được $1,500. Khi nhân viên đóng góp thời giờ, công ty vẫn tính ra tiền và góp vào một phần. Tỉ dụ như tôi đến giúp một Soup Kitchen ở địa phương tổng cộng 2 tuần và lương của tôi là $4,000 một tháng, thì thời giờ tôi giúp tương đương với $2,000, vậy là quỹ tư của công ty đưa cho Soup Kitchen $2,000. Nhờ cái công thức rộng lượng này mà mình cho thì ít mà cơ quan từ thiện lại nhận được nhiều. Ấy là chưa kể số tiền mình cho còn được khấu trừ thuế, cuối năm tính lại để khai thuế mới thấy cái lợi tài chánh của đóng góp cho hội từ thiện.

Có những thú vị và lợi lộc bất ngờ khi chúng ta làm việc thiện. Trong nhóm tôi có anh chàng kỹ sư trẻ, rất mê đá banh, mỗi tuần hai buổi chiều làm huấn luyện viên cho đám vị thành niên trong vùng. Anh khoe, "Dạy đá banh cho tụi nhỏ, được làm về sớm, được hoạt động thể thao, được phụ huynh quý, lại được cấp chỉ huy khen có lòng, thật không gì bằng!" Phía ban lãnh đạo thì có thể dùng công tác thiện nguyện như một sinh hoạt xây dựng tình đồng đội cho nhân viên. Bình thường chúng tôi phải mướn những chuyên viên bên ngoài vào hướng dẫn nhân viên các trò chơi tạo tình thân để họ dễ dàng cộng tác với nhau trong công việc. Điều này cần thiết nhưng rất tốn kém. Có một năm department tôi thay thế bằng cách cùng đi làm công tác thiện nguyện. Vậy là mấy chục người, từ vice president trở xuống, bỏ nguyên một ngày thứ sáu đến dọn dẹp và sơn phết một homeless shelter dành cho người vô gia cư tạm trú. Chúng tôi chia thành từng nhóm nhỏ và phân công để mọi việc được nhịp nhàng. Sau một ngày làm việc mệt nhoài mà vui bên nhau, tất cả cảm thấy gắn bó và thân thiện với nhau hơn, nhất là những người bình thường không có dịp làm việc chung. Sau đó nhiều nhóm nhỏ cứ theo mô hình này để sinh hoạt - đơn giản, hiệu quả, đỡ tốn kém mà lại làm được một việc tốt.

Làm từ thiện cũng đem lại niềm tự hào vô giá. Những năm gần đây, vào mùa lễ hội, ở bắc Cali có cuộc thi đua giữa các công ty để vận động cho chương trình cứu đói toàn cầu - Global Hunger Relief Campaign. Các công ty thi đua với nhau xem công ty nào quyên góp được nhiều nhất cho chương trình. Vậy là từ trên xuống dưới hô hào nhau đóng góp. Năm ngoái đám nhân viên chúng tôi góp được $1.2 triệu, thêm phần quỹ tư của công ty và ông cựu tổng giám đốc, tổng cộng được hơn $3 triệu cho chương trình. Vậy là chúng tôi thắng cuộc, tên và nhãn hiệu của công ty được phô bầy trên những chiếc xe hàng của hội từ thiện này suốt năm, một niềm tự hào chung của mọi người. Năm nay chúng tôi lại thi đua quyên góp tiếp. Để cổ động nhân viên, ban giám đốc khuyến mãi: 20 người góp nhiều tiền nhất sẽ được ông tổng giám đốc cho vé đi xem football, ngồi trong hộp VIP đàng hoàng. Rồi rút thăm, trong số những người đóng góp, 6 người và 6 người bạn cũa họ sẽ được đi chơi một cuối tuần ở Las Vegas bằng máy bay riêng - private jet - của tổng giám đốc. Thời buổi kinh tế khó khăn, nghe nói cho hội từ thiện không cần biết bao nhiêu mà có cơ hội đi vacation free, ai cũng ráng nhín một chút góp vào vì biết đâu mình chẳng... tới số? Vậy là công ty có hy vọng giữ chức vô địch!

Rồi trong mối tương quan hằng ngày với gia đình, bạn bè, hàng xóm, thậm chí người dưng, chúng ta có bao nhiêu cơ hội để sống tinh thần cho đi mà không tốn một xu cắc nào Một nụ cười, một hành động tử tế đơn giản có thể đem lại niềm vui và có ảnh hưởng không nhỏ cho người đối diện. Hôm nọ tôi đi shopping vào ngày thứ sáu sau lễ Tạ Ơn. Thứ sáu đen - black Friday - là ngày khởi đầu chính thức cho mùa mua sắm lễ hội - holiday shopping. Các cửa tiệm đại hạ giá ngày này nên người ta đi khá đông và cái hàng trả tiền thường dài lê thê. Có một bà cụ đứng hoài ở quầy trả tiền, móc hết ngăn này đến ngăn kia trong cái ví to tướng. Bà móc, moi, đếm, móc, moi, đếm cả mấy lần mà vẫn không đủ tiền. Đến khi bà lôi cái ví bạc cắc đổ ra đếm thì những người đứng sắp hàng đằng sau bồn chồn thấy rõ, có người còn thở dài thườn thượt rồi lầm bầm rủa bà. Chợt cô gái đứng đằng trước tôi chạy lên đưa cho bà cụ cái phiếu hạ giá 20%. Vậy là tổng số tiền bớt xuống, bà cụ đủ tiền trả, cái hàng nhích lên được chút xíu, mọi người thở phào. Bà cụ bẻn lẻn, "Tôi mua đồ chơi cho Toys Drive để tặng cho trẻ em thuộc gia đình lợi tức thấp, không ngờ không đủ tiền, tưởng phải bớt lại một món. Cám ơn cô nhiều lắm." À, thì ra vậy, tội nghiệp bà cụ chưa. Cô gái cười tươi, "Không có gì đâu bà ạ. Cháu in những coupons này trên mạng, đem dư mấy tờ lỡ có ai cần. Cháu vui lắm vì có thêm một em bé được quà Noen năm nay." Bà cụ cười, vẫy vẫy bước đi. Tôi nhìn theo bà, nhìn lại cô gái, lòng nghĩ tới con búp bê Barbie tóc vàng năm xưa...

Bạn thân mến,

Tôi thấy lòng thật xao xuyến mỗi năm khi mùa lễ hội trở về. Bên cạnh vẻ đẹp của mùa thu, không khí ấm cúng của mùa Tạ Ơn, sự tưng bừng nhộn nhịp của mùa Giáng Sinh là hoài niệm về chiếc áo ấm, con gà tây và những món quà mà tôi và gia đình đã nhận được Mỹ 25 năm về trước. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự tử tế vào lúc ban đầu khó khăn này đã gieo một ấn tượng không phai vào lòng con bé 11 tuổi.

Bạn ơi,

Người Việt tị nạn chúng ta thật sự đã nhận được quá nhiều từ cái tinh thần cho đi của nước Mỹ và người Mỹ. Họ đã mở rộng vòng tay đón chúng ta, đã giúp đỡ chúng ta hết lòng trong quá trình hội nhập vào đời sống mới. Sau hơn 30 năm, cộng đồng chúng ta đã lớn mạnh và nhiều người đã thành đạt. Chúng ta học trường Mỹ, làm việc ở công ty Mỹ, vào quốc tịch và hưởng những quyền lợi của công dân Mỹ. Chúng ta có tên Mỹ, sống và sinh hoạt gần như người Mỹ. Vào mùa lễ hội, chúng ta cũng ăn mừng như người Mỹ. Nhưng, tôi không biết, rằng chúng ta đã thật sự có được tinh thần lễ hội của người Mỹ chưa?

Hiện tại với sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, các cơ quan từ thiện báo động về sự thiếu hụt trầm trọng của ngân quỹ cứu trợ. Tiền quyên góp giảm nhiều so với những năm trước trong khi nhu cầu vọt hẳn lên. Các kệ đồ ăn tại food banks, food kitchens trống trơn trong khi danh sách những người có nhu cầu dài thoòng. Các homeless shelters phải từ chối giúp đỡ nhiều người vì không đủ khả năng.

Bạn ơi,

Những ân huệ mà chúng ta đã nhận được từ nước Mỹ, có phải đây là lúc chúng ta bước tới và pay it forward? Tôi đọc ở đâu đó nói rằng người Việt là dân tộc biết ơn và có lòng. Tôi tin điều này vì đã được biết qua báo chí những đóng góp của người Việt cho các quỹ cứu trợ sau trận khủng bố 9/11, thiên tai Katrina, v.v. Tôi cũng biết rất nhiều cá nhân và đoàn thể chuyên đi làm việc thiện nguyện tại cộng đồng. Nhưng hình như con số này còn quá ít? Tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ cùng mở lòng đón nhận tinh thần cho đi của người Mỹ, và không phải chỉ trong thời điểm kinh tế khó khăn và mùa lễ hội, vì nhu cầu không dừng lại ở đây.

Cầu chúc bạn có được sự bình an và yêu thương trong mùa lễ này và suốt năm.

Bây giờ, mời bạn, chúng ta cùng bước vào tinh thần lễ hội, tinh thần cho đi.
 
Cánh hạc bay xa!
Jos Nguyễn Hữu Đạt
10:52 24/11/2010
“Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”

Cánh hạc bay vút lên trời
Anh em tiễn biệt ngậm ngùi nhớ thương
Bi ai nghẹn nấc thơ hương
Khói trầm sao cứ vấn vương thế này !

Cánh hạc xa tít hôm nay
Ân tình ở lại buồn say khướt mềm
Một lần chưa được ở bên
Mà sao khóe mắt nối liền giọt châu !

Cha về cõi ấy ban đầu
Thiên đàng thuở nọ bấy lâu xa lìa
Hết rồi, mãn hạn bể kia
Ê đen vườn cũ sớm khuya cạnh Người.

Còn nghe thoang thoảng tiếng cười
Cha nhận mục nát đầy vơi cuộc tình
Tan đi tạm bợ, hy sinh
Trĩu bông “ Dũng lạc, Đồng xanh” vào đời

Cha Tường ơi, Cha Tường ơi !
Vĩnh hằng hạnh phúc nước trời thiên thu.
 
Gương một người phụ nữ Việt: dấn thân phục vụ và thành đạt trong học vấn
Nguyễn Công Chính
11:00 24/11/2010
CHICAGO - Một phụ nữ Việt Nam tại Chicago đậu thủ khoa trên tổng số 250 sinh viên người Mỹ cùng lớp tốt nghiệp ngành Trợ Y (Medical Asistant) tại Đại Học Everet Chicago, Illinois trong Lễ Tốt
Nghiệp mùa Thu được tổ chức trong tháng qua (10/2010). Đó là cô Nguyễn Ngọc Lan. Cô đã lập gia đình, có hai cháu -- một trai và một gái. Cả hai vợ chồng đã hỗ trợ cho nhau trong việc làm cũng như trong việc học và cùng nhau sinh hoạt trong ca đoàn nhà thờ và tham gia các công tác xã hội phục vụ cộng đồng.

Sau khi tốt nghiệp Trường Clemente Community Academy of Chicago với hạng danh dự, Nguyễn Ngọc Lan đã được tuyển chọn vào đại học ngành Trợ Tá bệnh viện. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành nầy, Ngọc Lan đã đi làm để nuôi gia đình và tiếp tục ghi danh theo học ngành Trợ Y (Medical Assistant) tại Đại Học Everet at Chicago.

Dù đã lập gia đình và phải lo dưỡng dục hai người con còn nhỏ, Ngọc Lan vẫn quyết định vừa đi làm và vừa tiếp tục học lên nữa. Ngành nghề kế tiếp mà cô lựa chọn là Phụ Tá Bác Sĩ (Physician Assistant). Và nếu mọi việc đều trôi chảy thì Ngọc Lan sẽ học để trở thành Bác Sĩ Y Khoa (Doctor of Medicine). Ngọc Lan nói: “Đó là một ước mơ rất lớn ngoài khả năng của mình, nhưng nếu Chúa muốn thì việc gì cũng có thể.”

Ngọc Lan đã luôn tham gia các công tác xã hội phục vụ cộng đồng như giúp Hội Người Việt gây quỹ từ thiện, giúp Nhóm Thân Hữu Clemente trong chương trình văn nghệ họp mặt kết thân, giúp Hội Nghĩa Sinh tổ chức Lễ Tạ Ơn. Vào các ngày thứ Bảy, Ngọc Lan dạy giáo lý cho thiếu nhi tại Giáo xứ Trinh Vương ở ngoại ô thành phố Chicasgo. Vào các ngày Chúa nhật, cô đã cùng với chồng tham gia Ban Thánh Ca của Cộng Đồng Công Giáo Chicago: Chồng thì đàn, vợ thì hát, còn hai con thì ngồi trong thánh đường nhìn gương sáng của ba mẹ để noi theo.

Vào các ngày thứ Bảy tại Giáo xứ Trinh Vương ở ngoại ô thành phố Chicasgo, Ngọc Lan đã đến dạy giáo lý cho thiếu nhi tại Giáo xứ Trinh Vương (hình trái phía trên). Vào các ngày Chúa nhật, Ngọc Lan đã cùng với chồng tham gia Ban Thánh Ca của Cộng Đồng Công Giáo Chicago: Chồng thì đàn, vợ thì hát, còn hai con thì ngồi trong thánh đường nhìn gương sáng của ba mẹ để noi theo. Hình Ca Đoàn Cecilia trong lễ bổn mạng và hình gia đình Nguyễn Ngọc Lan.
 
Xin cám ơn anh
Nguyễn Ngọc Sáng
11:45 24/11/2010
Anh đao phủ! Anh lính!
Cám ơn anh!
Nhưng trước hết xin có lời thán phục
Bởi anh làm chuyện chẳng dễ mấy ai
Dẫu bắt buộc cũng khó mà ra tay
Còn như tôi thì ngàn năm xin bái

Nếu ở chiến trường thì là mình phải
Bảo vệ mình lo đánh trước đỡ sau
Ai chậm thì chết phải làm thật mau
Bởi vì đó chính là nơi sinh sát

Không giết người thì sẽ bị người giết
Như xưa kia, khi chống giặc ngoại xâm
Ông cha chúng ta cũng đã phải làm
Khi đối diện người, ta gọi là giặc

Cứ chém giết không cần phải biết mặt
Đó là chuyện phải làm lúc chiến tranh
Còn đằng này, đứng trước mặt các anh
Là những người không phải là thù địch

Anh vung gươm, những vị ấy chỉ biết
Đưa cổ ra mà đón nhận nhát gươm
Ai cũng biết là việc anh đã làm
Là thi hành những lệnh từ thượng cấp

Trước tiên là anh lo đi lùng bắt
Những người được gọi theo đạo “Hoa Lang” (1)
Họ đâu phải trộm cướp hay quân gian
Mà là người tuân lệnh vua phép nước

Nhưng quan sai anh đi bắt cho được
Khó gì đâu bởi ngay giữa xóm làng
Họ đã sống và làm người lương dân
Họ đã sống như mọi người dân khác

Còn như khi lệnh trên quá gay gắt
Họ đã phải rời xa, bỏ xóm làng
Họ đã trốn đi sâu ở trong rừng
Anh không dại mà tìm những nơi đó

Bởi anh biết ở đó có thú dữ
Làm gì mà không có đám cọp beo
Anh cũng khôn, đâu có dám đuổi theo
Giết người có đạo, mượn tay hùm dữ

Khi êm thắm họ trở về làng cũ
Anh lại liền được lệnh phải ra tay
Những cực hình ghê gớm kể từ đây
Đi sau những lời khuyên răn cảnh cáo

Chỉ cần nhận là mình không có đạo
Sẽ được tha cho về với gia đình
Để được hưởng một cuộc sống an bình
Nhưng khổ nổi họ không chịu chối Chúa

Quan bắt phải bước qua cây thánh giá
Họ đã lùi lại hoặc co cong chân
Là hành động tỏ ý không thuận làm
Thì quan quân tiếp tục hình thức khác

Không còn phải khuyên răn hay dọa nạt
Anh ra tay đánh đập theo lệnh quan
Bởi với anh đó là những tội nhân
Và đánh đập thì đâu cần phải kể
Đâu cần biết nơi nào trên thân thể
Miễn là nơi anh có thể thẳng tay
Chuyện đánh đập như là chuyện thường ngày
Mặc cho nạn nhân có rên la đau đớn

Anh đánh đập như là trò đùa giỡn
Bụng lưng ngực hay tay chân đầu mình
Anh đánh đập nghe phụp phụp phình phình
Cứ việc đánh, miễn sao cho đủ số

Có một nơi mà tôi thấy ghê sợ
Đó là nơi ống quyển, chỗ để đi
Vậy mà như trường hợp thánh Inê
Anh đánh vô ống chân nghe rốp rốp

Nghe nói mà thấy thật là tội nghiệp
Còn cái vụ giết chết bằng cách đâm
Cây giáo dài anh đâm thấu qua thân(2)
Từ sau lưng đâm thấu ra trước ngực

Thấy chưa chết, cái đầu anh chặt bứt
Còn chuyện khác nghe mà nổi da gà
Thịt người ta anh xắt từng miếng ra
Đó là khi anh chơi trò tùng xẻo

Còn cái trò kẹp bằng kềm nướng đỏ
Hay đem người bỏ lên đống than hồng
Thịt cháy, người la anh có nghe không!
Nhìn thấy hình mà tôi muốn chết điếng

Còn hình phạt phanh thây ra từng miếng
Khi anh làm anh có sợ không anh?
Tôi nghe thôi mà đã thấy phát rùng mình
Thân thể người chia ra từng miếng nhỏ

Còn hình phạt nữa là đem thắt cổ
Hai người nắm sợi dây ở hai bên
Siết thật mạnh cho đến khi “tội nhân”
Thấy không còn có một chút cử động

Anh lơi tay, thân người ngả ập xuống
Còn hình phạt phổ biến là chém đầu
Ai chịu tiền, anh giúp cho chết mau
Bằng cách chỉ chém một nhát là đủ

Rồi sau khi đầu đứt rời khỏi cổ
Anh xách đầu nạn nhân chạy băng đồng
Để đem đầu mà đi ném xuống sông
Theo như lệnh phải “đầu trí vu hải” (3)

Anh làm vậy nhưng nếu ai chận lại
Để xin “chuộc đầu” anh cho chuộc liền
Vì như vậy, anh có được chút tiền
Để đem về uống rượu cho thỏa thích

Kiểm điểm lại những người anh đã giết
Từ mười hai cho đến hơn bảy mươi
Cả trăm ngàn khiến anh chẳng ngơi tay
Không kể gì nữ nam hay già trẻ

Việc anh đã làm cũng có lý lẻ
Vì do lệnh vua quan đã ban ra
Bọn tà đạo thì dứt khoát không tha
Bởi vì đó thuộc loại đạo quốc cấm

Khi xử án, quan cũng có ngự đến
Để quan đọc bản án của triều đình
Rồi ngồi đó mà xem anh thi hành
Bản án các cấp vua quan tuyên phạt

Quan chỉ ngồi đó thôi mà quan sát
Còn anh mới chính là người ra tay
Và nếu không có anh thì lấy ai
Vì chưa chắc gì mà các quan dám

Nên một khi phải thi hành bản án
Quan ra lệnh, còn anh, anh ra tay
Nếu không anh, thì chắc phải chờ hoài
Có án phạt mà không có ai chết

Bởi thi hành bản án là phải giết
Nhưng chắc là quan cũng thấy ớn tay
Nên phải có người khác để làm thay
Mà người đó là anh, anh đao phủ

Nay ngồi nhớ, nhắc lại đây chuyện cũ
Xin cúi đầu nói lời cám ơn anh
Anh đã giúp ông bà tôi hoàn thành
Lòng trung kiên và quyết tâm thờ Chúa

(1): người bình dân thường gọi người Bồ Đào Nhà là người “Hoa Lang” (theo “Dòng Máu Anh Hùng” của Lm Vũ Thành)
(2): trường hợp thánh Anrê Dũng Lạc
(3): đầu trí vu hải: đầu ném xuống biển

 
Dâng lời cảm tạ
Trần Hiếu
12:44 24/11/2010
Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày,
lấy đầy bát cơm,
lấy rơm đun bếp…”
(Ca dao)

Ngày lễ Tạ Ơn theo truyền thống các di dân khai phá Mỹ quốc là dịp để dâng lên Thượng Đế lời cảm tạ. Ngày nay, cuộc lễ vẫn còn mang ý nghĩa truyền thống đó và đã được phổ thông hóa thành ngày lễ nghỉ của cả nước và là dịp gia đình đoàn tụ, bạn bè hàn huyên.

Truyền thống kể lại trong gia đình vào bữa ăn tối mừng Lễ Tạ Ơn, người ta có tập tục đặt các hạt bắp trên một chiếc dĩa rồi bắt đầu từ người cha, mẹ, đến con cái mỗi người nhặt một hạt, đặt trong lòng bàn tay và nói lên lời biết ơn về những điều họ cảm nhận.

Biết bao điều trong cuộc sống khiến chúng ta dâng lên lời cảm tạ. Khi còn ở Việt Nam, dấu hiệu gia đình sung túc là có của ăn, quần áo tươm tất, con cái được học hành… bây giờ ở Mỹ đây không những các nhu cầu đó được chu cấp đầy đủ mà các nhu cầu về trí thức, tinh thần cũng được hưởng dồi dào.

Khi ngẫm nghĩ về các ơn huệ đó, tôi biết ơn các ân nhân đã thi ân cho mình, và trên hết tất cả, tôi tạ ơn Đấng Tối Cao, cội nguồn của mọi điều thiện hảo. Vì vậy, năm nay tôi cũng muốn cầm một hạt bắp trong tay, ngước mắt lên trời và dâng lên lời nguyện:

Lạy Đấng Toàn Năng là Cha ở trên trời,
Chúng con cảm tạ Cha đã ban của ăn cho chúng con,
Xin Cha nhớ đến những người nghèo khổ;
Cảm tạ Cha đã cho chúng con nhà ở và các tiện nghi,
Xin Cha nhớ đến những kẻ không nhà, túng thiếu;
Cảm tạ Cha đã cho chúng con cơ hội tiến thân,
Xin Cha nhớ đến những kẻ lao tâm, khắc khoải kiếm tìm;
Cảm tạ Cha đã cho chúng con tình yêu thương của những người thân,
Xin Cha nhớ đến những kẻ đơn côi, cô quạnh;
Cảm tạ Cha đã cho chúng con dân chủ tự do,
Xin Cha nhớ đến những người đang bị tù đày đàn áp.

Lạy Cha, vì những ân huệ Cha đã ban,
Xin cho chúng con lòng quảng đại và can đảm dấn thân giúp đỡ mọi người.
Amen!

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cổng Trời
Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD
12:40 24/11/2010
CỔNG TRỜI

Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD

Cổng Trời mở rộng, hồn bước tới,

Một cõi thiên thu, bước chân về.

Thương tiếc và kính tặng Linh hồn LM. Trần Cao Tường

(Nguyễn Trung Tây, SVD)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n