Ngày 29-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/11: Người Trượng Phu của Tin Mừng – Kính Thánh Anrê Tông Đồ – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:00 29/11/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:32 29/11/2023

3. Trong hoàn cảnh nghịch, con nên nghe lệnh; trong hoàn cảnh thuận, con cũng phải nghe lệnh.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:36 29/11/2023
14. LÀM THƠ NIỆM PHẬT

Thi nhân thời nhà Đường là Trương Tịch rất sùng bái nhà thơ giỏi là Xã Bồ.

Một ngày nọ, ông ta lấy bài thơ của Xã Bồ đốt thành tro bụi trộn với mật và đem ăn, tự mình cầu nguyện:

- “Bụng ruột của tôi từ nay sẽ đổi mới !”

Lại có người tên là Lý Động hâm mộ thơ của Giả Đảo bèn đúc một tượng đồng của Giả Đảo và đối đãi với nó như một tượng thần, lại còn niệm “Phật Giả Cao” mỗi ngày nữa chứ.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 14:

Mê thơ đến nỗi ăn thơ là chuyện bình thường, thích thơ đến nỗi tạc tượng của tác giả để thờ, và mỗi ngày đứng trước tượng để đọc thơ như tụng kinh thì cũng là chuyện không có gì đặc biệt, bởi vì thời nay cũng có những nhà thơ nhà văn được đúc tượng bằng đồng cũng như bằng thạch cao để cho người ta ngó chơi...

Mê thơ đến nỗi ăn thơ mặc dù thơ chẳng làm cho họ được sống lâu thêm vài giây, còn người Ki-tô hữu thì yêu Lời Chúa nhưng lại không muốn muốt Lời Chúa vào trong tâm, dù Lời Chúa sẽ làm cho họ được sống đời đời, đó là chuyện mà người Ki-tô hữu phải suy nghĩ.

Mê thơ đến nỗi đúc tượng nhà thơ dù tượng nhà thơ chẳng làm cho họ được giá trị trước mặt Thiên Chúa, còn người Ki-tô hữu đã có tượng rất thánh là Đức Chúa Giê-su, Đức Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se ở trong nhà thờ, trong gia đình mình, nhưng lại không muốn đọc kinh trước tượng thánh, lại còn tỏ thái độ mắc cở khi cúi đầu trước tượng thánh Đức Mẹ hoặc thánh cả Giu-se.

Người thế gian sùng bái thần tượng bất toàn của họ cách nhiệt thành hơn cả chúng ta là người Ki-tô hữu-

Tại sao vậy? Thưa, là vì đức tin của chúng ta, sự tôn kính Thiên Chúa của của chúng ta chỉ dựa trên thời tiết bốn mùa xuân hạ thu đông để kính mến và thờ phượng Thiên Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vươn tận trùng khơi
Lm. Minh Anh
15:18 29/11/2023


VƯƠN TẬN TRÙNG KHƠI
“Hãy đi theo tôi!”.

“Những người tự mãn thường đạt điểm thấp trong các bài kiểm tra đo lường hạnh phúc. Hãy tìm một điều gì đó cao cả hơn; ‘một Ai đó’ vĩ đại hơn! Đừng chỉ hài lòng với những con cá quèn của ao đầm! Hãy vươn tận trùng khơi cho những gì vô biên hơn!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy ‘vươn tận trùng khơi’ cho những gì vô biên hơn!”. Thật thú vị, ý tưởng của nhà tu đức trên được gặp lại qua Lời Chúa ngày lễ kính thánh Anrê tông đồ.

Trong cái nhìn của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta luôn được nhắm tới cho một điều gì đó cao cả hơn, vĩ đại hơn, và cũng vĩnh cửu hơn. Không chỉ biển hồ Galilê, Chúa Giêsu muốn Anrê, các bạn chài của ông, và mỗi chúng ta ‘vươn tận trùng khơi’ bao la để “lưới người như lưới cá”. Ngoài biển hồ Galilê, còn có một đại dương bao la hơn, mênh mông hơn, có tên là “Thế Giới” đã vẫy gọi Anrê, đang vẫy gọi bạn và tôi. Bởi lẽ, thế giới chúng ta đang sống vẫn là một thế giới mà Thiên Chúa còn khá xa lạ, nếu không nói, một thế giới đang cố loại trừ Ngài.

Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô viết, “Làm sao kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao tin Đấng họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?”. Như Anrê, chúng ta được sai đi từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội; để rồi, cùng Anrê và bao chứng nhân mọi thời, chúng ta ‘vươn tận trùng khơi’ để “lưới người như lưới cá”. Thánh Vịnh đáp ca xác nhận sứ vụ lớn lao này, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

Và dẫu sứ vụ cao cả đến thế, ơn gọi đến với Anrê và các bạn chài xem ra vẫn không mấy ấn tượng. Chúa Giêsu không tỏ mình cho họ cách đặc biệt; thay vào đó, ngay trong nghề nghiệp của họ, Ngài gọi họ. Cũng thế, với mỗi người chúng ta, chính giữa cuộc sống thường nhật của mình, bạn và tôi khám phá Ngài. Ở đó, Ngài tỏ mình và làm cho tình yêu Ngài được cảm nhận trong mỗi trái tim; cũng ở đó, Ngài biến đổi từng trái tim.

Chúa Giêsu không nhìn các môn đệ về mặt thể chất nhưng về mặt tâm linh, không nhìn về ngoại hình nhưng ‘thấy sâu hơn’ tấm lòng. Ngài chọn họ trước tiên không phải vì họ là tông đồ nhưng vì họ có thể trở thành tông đồ; không vì con người thật của họ mà vì con người họ có thể trở thành. Ngài không từ chối những điều tốt đẹp chưa định hình, không chọn những gì họ có, những gì họ là; Ngài chọn những trái tim!

Anh Chị em,
“Hãy theo tôi!”. Đức Phanxicô nói, “Trên bờ hồ Galilê, một vùng đất không thể tin được, cộng đồng môn đệ Kitô đầu tiên ra đời. Ước gì sự hiểu biết về những khởi đầu này khơi dậy trong chúng ta ước muốn mang Lời, tình yêu và sự dịu dàng của Chúa Kitô đến mọi vùng ngoại vi, trong mọi bối cảnh, ngay cả những bối cảnh khó khăn và kháng cự nhất. Mọi không gian sinh hoạt của con người đều là những mảnh đất để gieo hạt Lời, chúng sẽ trổ sinh hoa trái cứu độ!”. Biết bao linh hồn đang ở tận trùng khơi. Đừng hài lòng với những con cá quèn, bạn được kêu gọi cho một điều gì đó cao cả hơn, ‘một Ai đó’ vĩ đại hơn, một biển lớn mất hút chân trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con thường tự mãn với những gì trong ao đầm. Cho con dám ‘vươn tận trùng khơi’, hầu có thể đánh bắt cho Chúa từ mẻ này đến mẻ khác, mẻ các linh hồn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Bắt đầu lại việc mong chờ Chúa đến
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
21:01 29/11/2023

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - B
Bắt đầu lại việc mong chờ Chúa đến
(Mc 13, 33-37)

Năm phụng vụ mới được bắt đầu bằng Mùa Vọng. Mùa mong chờ Chúa đến. Hỏi : Chúa đã đến chưa? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?

Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.

Tâm tình của dân Cựu Ước

Các bài đọc Thánh lễ trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo.

Isaia họa lại cho chúng ta cảnh dân Chúa sau thời lưu đày với kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch nơi đất khách quê người. Họ ý thức về tội của mình. Nay họ ngước mắt trông lên Chúa và thốt lên những lời khẩn nguyện tha thiết : "Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Đấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại. Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống" (Is 63,16-64,7).

Tâm trạng thống hối ăn năn và tha thiết nài xin ơn cứu độ đã giúp dân Chúa nhìn lại ơn gọi của mình để sống trọn vai trò chứng nhân trung thành giữa muôn dân qua thân phận mỏng dòn và hèn yếu của cuộc sống con người. Thật vậy, ngay giữa đêm tối của thử thách, nghi ngờ, phấn đấu, tội lỗi, dân Chúa đã cùng nhau thú nhận những lỗi phạm của mình, quyết tâm sống trung kiên mong chờ ngày Chúa đến trong niềm tin tưởng với thái độ tỉnh thức.

Chờ đợi Chúa trở lại

Chúa Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Con Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa viếng thăm vào chặng cuối đời của mỗi người chúng ta (x. Mc 13, 33-37).

Qua thật, từ khi Chúa Giêsu về trời và ngày Người trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”. Chúng ta có một khoảng thời gian mong đợi, nên có thể nói, tỉnh thức là thái độ cần phải có của Giáo hội, của toàn dân Chúa và của mỗi người chúng ta.

Lời Chúa nói với các môn đệ : "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào" (Mc 13, 33), cũng nói với chúng ta : "Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!" (Mc 13 37). Chúa mách bảo chúng ta phải luôn trong tư thế của người được chủ : "Đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành … và căn dặn …lo tỉnh thức" (Mc 13, 34). Vì chủ về bất ngờ nên “coi chừng và tỉnh thức” là thượng sách.

Vậy để gặp được Chúa Giêsu ngự đến trên mây trời, Người thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ ngày Chúa đến, chúng ta phải tỉnh thức.

Tỉnh thức

Tại sao phải tỉnh thức?

Phải tỉnh thức, vì đó là ý muốn, là mệnh lệnh của chủ nhà. Ðể bảo vệ nhà an toàn, nhiệm vụ của người canh cửa không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà, mà còn phải lưu tâm đến những người sống trong đó.

Ngoài ra, tỉnh thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với người đã tín nhiệm, ủy thác trách vụ cho mình. Và chắc chắn niềm vui của ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được gia nhân trong tư thế đợi chờ và sẵn sàng.

Hơn thế nữa, tỉnh thức cũng là để khỏi rơi vào giấc ngủ! Mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban đêm, trong bóng tối! Theo nghĩa Thánh Kinh, ban đêm, bóng tối, gợi lên cho chúng ta hình ảnh một môi trường đầy nguy hiểm và thử thách. Bóng đêm đối nghịch lại ánh sáng ban ngày. Ðó là chiều kích thử thách của cuộc sống. Nó đưa đến tội lỗi, đau khổ, sự dữ, thậm chí sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người canh cửa có thể bội phản người thân xa vắng, để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của ngẫu tượng đồng lõa với bóng đêm.

Vậy phải tỉnh thức như thế nào?

Phải chăng là cứ thắp đèn ngồi đó mà chờ, là sống trong tâm trạng viển vông? Không. Ðọc lại Thánh Kinh và lịch sử dân Chúa, chúng ta thấy việc tỉnh thức đợi chờ không phải là một thái độ thụ động, nhưng là một hành vi ý thức của người hiểu biết lý do.
Vì thế, tỉnh thức của chúng ta phải sống động và đầy tính chất sáng tạo, không ngừng chiến đấu để sinh tồn, để trung thành với Lời Chúa. Sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên trong tâm hồn mỗi người và trong đời sống Giáo hội một sự giằng co căng thẳng. Ðể tỉnh thức gặp được Chúa đến, chúng ta phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế và dứt khoát với những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, chúng ta mới thực sự đang cầm đèn trong tay sẵn sàng đón Chúa trở lại, cho dù Chúa có đến bất ngờ. Phải, hãy tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ. Điều chắc chắn là Ngài sẽ đến.

Trong lúc này đây, con tim ta đang hướng về điều gì? Chúng ta có tỉnh thức không? Hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Chúa ngự đến lần thứ hai, Người thấy chúng ta đang tỉnh thức vì đã không uổng công trông đợi.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp chúng con sẵn sàng đón Chúa Giêsu Con Mẹ. Amen.
 
Tỉnh thức
Lm. Thái Nguyên
22:45 29/11/2023


Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm B : Mc 13, 33-37
TỈNH THỨC

Suy niệm

Cuộc sống có nhiều điều chúng ta phải chờ đợi. Có những chờ đợi nặng nề, căng thẳng, và làm ta lo âu, sợ sệt, vì không biết sẽ ra sao, có những hệ quả như thế nào? Nhưng cũng có những cuộc đợi chờ đầy thú vị và rất ý nghĩa trong đời, như đợi người yêu trở về từ nơi xa; như cha mẹ chờ con sớm đỗ đạt thành tài. Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ và đợi chờ. Mơ ước càng cao càng phải phấn đấu; đợi càng lâu càng phải kiên trì. Sống là biết chờ đợi, và chờ đợi làm thành cuộc sống.

Mùa Vọng, mùa sống với tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, Chúa đã đến và vẫn đang đến trong mọi nỗi vui buồn, trong mọi biến cố lớn nhỏ của đời sống ta. Nhưng ở đây, việc vô cùng hệ trọng là Chúa sẽ đến trong vinh quang mai ngày. Có lẽ ít ai ý thức về điều này, nhất là giới trẻ, vì thấy ngày giờ Chúa đến quá thiêng liêng, xa xăm, nên chỉ quan tâm những điều thiết thực và cấp bách mà mình đang mong đợi ngay trong cuộc sống này. Khi sống quá thực dụng, nên ta dễ đánh mất mục đích sống của đời mình, không biết mình đang sống cho ai vì ai? Đang đi đâu, về đâu? Chính vì vậy, mà Kitô hữu cần tỉnh thức, canh thức, để đón đợi giờ Chúa đến, vì Ngài đến bất thình lình.

Bổn phận người đầy tớ là phải tỉnh thức thâu đêm để chờ đợi chủ trở về. Chờ đợi không phải là ngồi khoanh tay bó gối một cách thụ động, vô hồn, nhưng là thái độ và tính cách của người đang thi hành sứ mạng được giao phó: sứ mạng là con cái Thiên Chúa, là môn đệ Đức Kitô. Để chu toàn sứ mạng này, thái độ cơ bản là đừng để mình bị ngủ mê trong những lo toan và bon chen danh lợi. Ngoài ra, cuộc sống vẫn đầy những thứ gây nghiện. Ma túy là mối đe dọa giới trẻ hôm nay, nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, hay cần sa, mà còn là tiếng tăm danh giá, tiền bạc của cải và đam mê lạc thú. Những thứ đó dễ gây nghiện nặng nề và biến con người thành nô lệ cho chính mình.

Từ ngữ tỉnh thức được lập lại 12 lần trong Tân Ước, tượng trưng cho con số thập toàn của 12 tháng trong năm, mời gọi ta hãy cảnh giác mình trong từng ngày, trong từng tư tưởng, lời nói, việc làm, để sống thiện hảo bằng tình yêu mến. Như vậy, tỉnh thức là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, là chính bổn phận của mình trong mọi tương quan. Mà tương quan trước tiên là mối liên hệ mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện, để từ đó ta có thể kín múc được sức sống thần linh, và đem lại sự an lành cho những người chung quanh mình hằng ngày.

Tâm trí ta thường lơ đãng, lo nghĩ về nhiều thứ, xác một nơi hồn một nẻo, nên tâm không yên, trí không ổn. Cứ mong cho mọi sự theo ý mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ. Sống như vậy thì khó mà tỉnh thức, vì đã đánh mất tập trung vào hiện tại, khiến cho nguồn lực trong ta bị phân tán, năng lực bị phát tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ kích hoạt trí tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ bị lay chuyển nguy hại hơn, không còn khả năng cảm nếm hay nghe thấy điều gì khác hơn. Khổng Tử nói lên tình trạng đó như sau: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (tâm không yên thì có nhìn cũng không thấy, có nghe cũng không hiểu, có ăn cũng không biết mùi vị). Và như vậy ta không hề sống cuộc đời mình, và có thể đánh mất chính mình.

Hiện tại (present) là một món quà (present) Chúa ban tặng. Đức tin luôn ở thì hiện tại (Dt 11,1), vì Thiên Chúa là Đấng luôn ở trong hiện tại. Vì thế, “Đây là lúc thuận tiện, hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b). Nếu ta đón nhận toàn tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta chân trời mới, khả năng mới, sức sống mới. Hiện tại có thể là vui hay buồn, may hay rủi, hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại… Những điều đó không quan trọng; quan trọng là nhận ra Chúa đang đến, đang có mặt. Hiện tại dù có cam go, khốn khó, ta vẫn cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên Chúa trên những đường cong của cuộc đời. Nhờ đó ta không u mê trước mọi tình cảnh, nhưng sáng suốt trong mọi tình trạng.

“Có hai ngày trong năm ta không thể làm gì cả. Một là ngày hôm qua, hai là ngày mai. Hôm nay chính là ngày bạn hãy yêu, tin, làm, và chủ yếu là sống” (Đạt-lai Lạt-ma). Cuộc sống vật chất ngày càng cao và càng cung ứng cho ta nhiều thứ để hưởng thụ, càng dễ ru ngủ và đưa ta vào cơn mê mà không hay không biết. Là Kitô hữu, chúng ta luôn sống tỉnh thức: là giữ tâm hồn mình sạch tội, say mê phục vụ và sống cao độ tình yêu thương bác ái. Nhờ vậy, lòng trí chúng ta luôn bình an và hân hoan đợi chờ ngày Chúa đến, ngày hoàn tất những gì mà chúng ta đã tận lực sống cuộc đời mình cho Chúa và tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa dạy con phải biết tỉnh thức luôn,
để nhận ra Chúa Đấng thường hay đến,
Đấng cao xa nhưng vẫn ở gần bên,
chính là điều mà con dễ hay quên.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới sáng suốt trong mọi tình thế,
biết xử khôn ngoan trong mọi tình trạng,
biết sống vững vàng trong mọi tình huống,
và biết linh động trong mọi tình hình.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới phát hiện ra Chúa trong đời,
qua mọi người và mọi lúc mọi nơi,
qua vui buồn và sướng khổ hôm nay,
qua đổi thay và biến chuyển từng ngày.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thoát sa lầy và cạm bẫy,
thoát cám dỗ trói buộc của thế gian,
thoát nguy nan và sự ác lan tràn,
để con sống vững vàng và trung tín.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thật vui mừng bắt gặp Chúa,
đang âm thầm đến với cuộc đời con,
làm mới lại cuộc sống đã hao mòn,
để cho lòng tin mến con nên trọn.
Nhưng thực tế con lại dễ ngủ mê,
nhắm tương lai mà quên đi hiện tại
dễ lê thê với những chuyện trần thế,
theo đam mê đến quên mất nẻo về.
Chúa biết thân con nặng nề yếu đuối,
đừng để con lầm lũi trong mê muội,
nhưng tập trung vào Chúa Đấng sẽ tới,
Đấng lòng con khao khát mãi khôn vơi. Amen.








 
Cảnh Tỉnh
Lm Vũđình Tường
23:15 29/11/2023
Mùa Giáng Sinh và Phục Sinh là hai đại lễ mừng kính vào hai dịp khác nhau trong lịch phụng vụ Giáo Hội. Hai đại lễ liên kết mật thiết với nhau. Không có Giáng Sinh sẽ không có Phục Sinh; và Phục Sinh làm sáng tỏ í nghĩa lời Sứ Thần loan báo cho Đức Trinh Nữ Maria là Đức Kitô chính là Thiên Chúa Nhập Thể. Giáng Sinh, nhân loại mừng kính ngày Đức Kitô xuống thế làm người. Cuộc sống mới được trao ban cho nhân loại. Phục Sinh, Đức Kitô sống lại từ cõi chết, ban cuộc sống mới đó cho những ai yêu mến, tin theo Đức Kitô. Đức Kitô xuống trần gian ban sự sống mới và dậy con người nhận biết tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Qua Đức Kitô, nhân loại nhận biết một Thiên Chúa yêu thương. Ngài dậy con người sống yêu thương và tha thứ. Giải thoát con người thoát ách tội lỗi, phá tan bóng tối u mê do thần chết ám ảnh, và ban ơn cứu độ cho những ai bước theo con đường Ngài chỉ dậy. Đức Kitô còn xuống thế lần thứ hai trong vinh quang, đón nhận môn đệ về chung hưởng cuộc sống mới trong nước Chúa.

Dụ ngôn nói về ngày Đức Kitô xuống thế lần thứ hai trong vinh quang. Đức Kitô dùng hình ảnh chủ gia giao gia tài cho gia nhân, tùy theo khả năng của mỗi người. Ngày chủ trở lại là chắc chắn, nhưng vào thời điểm nào thì không xác định rõ. Một điều chắc chắn khi chủ trở lại cũng chính là thời gian chấm dứt mọi sự, được biết đến như là tận thế. Dụ ngôn cho biết chủ gia đây chính là Thiên Chúa, Đấng có quyền cầm quyền sinh tử, quyết định mọi sự sống trên đời. Ngoài liên kết với Thiên Chúa ra; mọi tạo vật đều có thời gian kết thúc. Thời gian sống dài, ngắn, đều nằm trong tay Thiên Chúa. Thiên Chúa quyết định đi xa, và Thiên Chúa quyết định thời gian trở lại. Gia nhân là Kitô hữu có trách nhiệm coi sóc tài sản là Giáo Hội và toàn dân Chúa; trách nhiệm đó kết thúc khi Đức Kitô trở lại lần thứ hai trong vinh quang. Con người có khả năng kéo dài sự sống trong một thời gian ấn định. Tuy nhiên Thiên Chúa là Đấng có tiếng nói sau cùng, quyết định sự sống của con người. Cần nhớ rõ, những gì liên kết với Chúa đều tồn tại bởi chính Thiên Chúa ban sự sống cho chúng. Những gì tồn tại trong nước Thiên Chúa sẽ bền vững muôn đời, bởi không gì có khả năng làm hại chúng.

Bởi Đức Kitô trở lại cách bất ngờ nên cần chuẩn bị để bất cứ khi nào Đức Kitô trở lại, Kitô hữu cũng sẵn sàng đón Ngài. Cách chuẩn bị hữu hiệu nhất, tốt nhất vẫn là cách Đức đề nghị. Ngài đề nghị luôn cảnh tỉnh, tỉnh thức. Điều này không đồng nghĩa với không ngủ. Tỉnh thức đây mang í nghĩa vui vẻ, chăm chỉ thi hành điều Đức Kitô mong đợi nơi Kitô hữu. Kitô hữu nào không sẵn sàng, sốt sắng thi hành trách nhiệm Đức Kitô trao là người lơ là, ngủ mê trong nhiệm vụ. Điều không biết thường gây nên lo lắng, bồn chồn, sợ hãi. Rất có thể nỗi sợ của họ bị mê hoặc, ngủ mê nên họ cảm thấy an tâm. Đây chính là bình an giả tạo, niềm vui tạm bợ, bởi khi chủ trở lại cái tạm bợ đó biến mất và niềm run sợ thực sự xuất hiện đánh gục họ. Kitô hữu thực sự yêu mến Đức Kitô luôn thi hành nhiệm vụ Ngài trao và sống trong hy vọng, bình an, thanh thản. Hy vọng, mong đợi ngày nào đó sẽ gặp lại Đức Kitô. Họ sống trong bình an vì biết rõ Đức Kitô tin tưởng họ và họ tin tưởng Đức Kitô. Họ không sợ khi Đức Kitô về bất tử, bởi họ luôn thi hành trách nhiệm Đức Kitô trao. Họ biết cuộc sống của họ có mục đích rõ ràng, đó là yêu mến, thi hành í Đức Kitô và yêu mến những gì Đức Kitô yêu mến. Như thế tỉnh thức trong dụ ngôn chính là lời mời gọi sống hoạt động cách tích cực; tránh sống tiêu cực. Sống tích cực chính là sống cuộc sống lành mạnh, sinh ích cho tha nhân và cho chính mình. Sống tích cực là chọn sống bảo vệ sự sống, cổ võ cho sự sống. Cuộc sống và vũ trụ ảnh hưởng hỗ trợ nhau vì thế cần bảo vệ trái đất, môi trường, cây cối, và sinh vật, bởi chúng mang lại cho ta chỗ ở, sản xuất thực phẩm nuôi con người. Thiên Chúa tạo dựng chúng cho ta hưởng dùng, bảo vệ, và chăm sóc chúng. Yêu thương và chăm sóc, chân thành và tự trọng, tha thứ và khiêm nhường, là điều Đức Chúa kêu gọi Kitô hữu sống hàng ngày. Trái với sống tích cực là sống tiêu cực. Sống tiêu cực là chọn sống biếng nhác, lười biếng, phung phí sức khoẻ, thời gian và tài năng. Biếng nhác được cổ vũ bởi thú vui vật chất, lôi cuốn bởi văn hoá thác loạn và văn hoá ủy mị. Lối sống thác loạn này không những làm hại chính mình mà còn làm hại đến anh chị em khác. Lối sống thác loạn chối bỏ nhân đức Kitô hữu cổ võ, tán thành. Lối sống thác loạn chối bỏ giáo huấn Đức Kitô hướng dẫn. Coi thường hạnh phúc, bình an thật và cuộc sống vĩnh cửu tương lai. Sống mà không biết mục đích, không quan tâm đến ngày mai thì không thể là lối sống tốt. Đức Kitô nói lối sống thác loạn không thích hợp trong nước Thiên Chúa. Đức Chúa không chối bỏ họ, nhưng chính họ chọn chối bỏ Đức Kitô, giáo huấn của Ngài. Họ chọn con đường trần tục làm mẫu mực sống.

Chúng ta xin ơn khôn ngoan biết từ bỏ giá trị mau tàn, chóng hết; mau mắn đón nhận cuộc sống trường sinh. Chúa là Đấng duy nhất có quyền trao ban.

TiengChuong.org


Watchfulness

The Feasts of Christmas and Easter are inseparable. Without Christmas, there is no Easter, and Easter confirms God's angelic message that Jesus is God- Incarnate. At Christmas, we celebrate the birth of Jesus. A new life is given to the world. Through Easter, Jesus extends his new life to those who have faith in him. He came to the world to live amongst us, to teach us about God's bounty love. He rescues us from the power of sin, and death and finally leads us to our heavenly kingdom. Easter reveals God's gracious saving action: that for those who follow his way, Jesus will come again to gather and bring them to God's Kingdom.

The parable is about the second coming of Jesus. It depicts a house Master. Before going abroad, He leaves his servants to take charge of his house affairs according to the ability of each servant. The time of the Master's return is unspecified. It means He would return at anytime. The parable is about the end of time. It suggests that God alone decides how long the created things of this world will last, and when they will end. Unless they relate to God, all other created things have a time limit. The Master is going abroad by his own will. He decides when He will return. The servants' responsibility to care for God's affairs on earth has a time limit. Their responsibility is completed when they see God face to face. All created things whether they last long or short are in God's hands. We humans can prolong the life of certain things, and for a certain time, but in the end, God alone has the last word. It is also worth noting that things that are related to God will last forever. It is because God gives them life, and in God's house nothing can harm them anymore.

The return of the Master of the house is certain, but the time is unknown. It is best to carry out his orders the best that one can. Those who take it lightly will be caught off-guard. An unknown factor often creates fear, but in this case, fear only happens for those who fail to carry out the Master's expectations. Their fear at times may be dormant or sleeping, but not forever. If you are caught off-guard, there is nowhere to hide. For those who love, and trust the Master, his second coming is the source of hope and joy. They live in the hope of welcoming his return. They labour with joy because they trust the Master, and they know the Master trusts them. This certain hope; and the source of joy make their lives meaningful. They know their lives have a purpose, and that is to live for God and to actively serve God's people. The call to stay awake is the call to live a life of positive action, not an idle or passive one. It means doing something positive, good, and useful for oneself and for others. The Master expects his servant to promote, and protect human life. Because human life and God's creation are related; they are connected to each other. The universe is created for us to enjoy. Therefore, we need to care for God's creation: namely the planet, its ecology, and climate, the earth, and all things in it, because they are created for us to live and find food and enjoy life.

Love and compassion, honesty and integrity, forgiveness and prayer, are what the Master expects his servants to do daily. Through prayers, we communicate to God, and this personal relationship helps us to receive God's grace, and that strengthens our relationship with God even more. An idle life or passive actions are a waste of time and talent. It relates to death in popular culture, which are harmful to oneself and others. Death cultures reject the Christian virtues; and disobey Jesus' teaching. It is an irresponsible way of living, a short-sighted way of life. This way of living fails to see its long-term harmful effects: that life loses its purpose and that people lose eternal life. The Master says this way of life is unsuitable in God's kingdom. It is not the Master who rejects them, but they themselves who reject the Master, His message, and His people.

We pray for the wisdom to let go of worldly, ephemeral things; and hold firm to the everlasting life that God has to offer.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ý cầu nguyện tháng 12 của Đức Thánh Cha: ‘Cầu cho người khuyết tật’
Thanh Quảng sdb
02:43 29/11/2023
Ý cầu nguyện tháng 12 của Đức Thánh Cha: ‘Cầu cho người khuyết tật’

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố ý cầu nguyện trong tháng 12 và mời gọi mọi người cầu nguyện cho người khuyết tật như họ là trung tâm của sự chú ý của chúng ta trong xã hội.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

ĐTC mời gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho người khuyết tật, để họ có thể trở thành trung tâm của sự chú ý của xã hội và các tổ chức cung cấp các chương trình giúp hòa nhập và nâng cao sự tham gia tích cực của họ.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi đó cho các Kitô hữu trong Video cầu nguyện theo ý chỉ của ĐTC được phát hành hôm thứ Ba (28/11/2023), đi kèm với ý cầu nguyện hàng tháng của ngài cho Giáo hội hoàn vũ.

Trong video, Đức Thánh Cha thừa nhận rằng người khuyết tật “nằm trong số những người mong manh mỏng dòn nhất giữa chúng ta”.

Ngài nói thêm: “Một số người trong họ còn bị từ chối, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết hoặc thành kiến, điều này khiến họ bị gạt ra ngoài lề xã hội”.

Đồng hành cùng mọi người bằng ‘trái tim rộng mở’

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tổ chức dân sự thực hiện các dự án mang lại “khả năng tiếp cận giáo dục, việc làm và những nơi mà người khuyết tật có thể thể hiện được khả năng sáng tạo của mình”.

Cùng với việc hòa nhập người khuyết tật vào xã hội, Đức Thánh Cha nói họ cần được đồng hành bằng “trái tim rộng lượng”.

ĐTC nói: “Điều đó có nghĩa là cần thay đổi não trạng của chúng ta để mở lòng đón nhận những khả năng và tài khiếu khác nhau của tha nhân, cả trong xã hội cũng như trong đời sống Giáo hội”.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các Giáo hội địa phương hãy nỗ lực hướng tới việc tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia với tư cách là thành viên tích cực trong đời sống giáo xứ.

ĐTC nói: “Việc một giáo xứ hoàn toàn rộng mở để dễ tiếp cận không chỉ có nghĩa là loại bỏ các rào cản vật chất” mà “Nó còn được giả định rằng chúng ta ngừng nói về ‘tha nhân’ cho bằng bắt đầu nói về ‘chúng ta’.”

Vẻ đẹp của mỗi người

Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, nơi công bố ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha, đã đưa ra một thông cáo báo chí lưu ý rằng ngày 3 tháng 12 kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết tật.

Thông cáo báo chí nhấn mạnh rằng những hình ảnh trong Video của ĐTC cung cấp những ví dụ trực quan về người khuyết tật, hòa nhập hoàn toàn vào xã hội, bao gồm làm việc trong nhà hàng, cử hành Thánh lễ hoặc tập luyện cho các cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật.

Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, cho biết ý cầu nguyện tháng 12 giúp chúng ta nhận ra “mầu nhiệm của mỗi người”.

Như Chúa Giêsu đã nhận ra vẻ đẹp và lời hứa của mỗi người, kể cả những người có nhiều giới hạn mong manh, nhưng Giáo hội luôn nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mỗi người.

Đức Hồng Y Czerny nói: “Các xã hội cần có một cam kết chung và cụ thể hầu noi gương Chúa Giêsu, làm cho phẩm giá của con người được tôn trọng và tình huynh đệ được triển nở”.
 
Các buổi cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong Mùa Giáng Sinh và Năm mới
Thanh Quảng sdb
03:04 29/11/2023
Các buổi cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong Mùa Giáng Sinh và Năm mới

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố lịch trình cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong mùa Giánh sinh, bao gồm Thánh lễ đêm và Thánh lễ Rửa tội tại Nhà nguyện Sistina.

(Tin Vatican)

- Chúa Nhật, ngày 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Lễ đêm Giáng Sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 7:30 tối.

Giáng sinh và Phép lành cho Toàn cầu (Urbi et Orbi)

- Vào ngày hôm sau, Thứ Hai, ngày 25 tháng 12, Ngày Giáng sinh, Đức Thánh Cha sẽ ban Phép lành cho Toàn cầu (Urbi et Orbi) từ Hành lang Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào lúc 12 giờ trưa.

- Chúa nhật, ngày 31 tháng 12, lúc 5 giờ chiều, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự giờ Kinh chiều và Te Deum để tạ ơn bế mạc năm 2023.

Lễ mừng Năm Mới

- Thứ Hai, ngày 1 tháng Giêng, là Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ trọng thể kính Đức Maria, Mẹ Rất Thánh Thiên Chúa, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 10:00 sáng.

- Sau đó, ít ngày sau, ngài sẽ chủ sự Thánh lễ Lễ Trọng Hiển Linh vào lúc 10 giờ sáng ngày 6 tháng Giêng.

- Cuối cùng, vào ngày 7 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ tại Nhà nguyện Sistine nhân dịp Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa lúc 9:30 sáng, trong thánh lễ đó ngài sẽ rửa tội cho một số trẻ em.
 
Nhóm khủng bố Hamas có bắt cóc người Hồi giáo không?
Thanh Quảng sdb
16:59 29/11/2023
Nhóm khủng bố Hamas có bắt cóc người Hồi giáo không



Trong số các con tin bị phiến quân Hamas bắt trong cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10, có một số người Bedouin, trong đó có Aisha, 16 tuổi, bị bắt cóc cùng với cha và hai anh chị em của cô.

(Roberto Cetera – báo L’Osservatore Romano)

Chúng tôi không có tin gì về nơi ở của Aisha, một cô gái Bedouin theo đạo Hồi 16 tuổi, có hộ chiếu Israel. Vào buổi sáng khủng khiếp ngày 7 tháng 10 đó, cô đã theo cha mình là Youssef đi làm cùng với các anh là Hamza và Bilal. Mỗi buổi sáng, ông Youssef thường rời Rahat, thành phố Bedouin ở Negev nơi ông sinh sống, để đến làm việc tại một trang trại ở Holit.

Sáng hôm đó (7/10) ông đưa ba người con cùng đi. Cả bốn người đều bị bọn khủng bố Hamas bắt cóc khi họ đang vắt sữa bò. Họ không phải là người Bedouin duy nhất bị bắt cóc. Theo chính quyền Bedouin, có thể có thêm bảy người nữa, tất cả đều làm việc tại các kibbutzim quanh Gaza.

Có những lo ngại cho sức khỏe của ông Youssef, người mắc bệnh tiểu đường nghiêm trọng và thường xuyên cần chích insulin. Nhưng đáng lo ngại hơn là tình trạng của cô Aisha. Mặc dù việc thả con tin hiện đang được ưu tiên cho các cô gái và phụ nữ, nhưng cô Aisha không nằm trong danh sách đó.

Điều đáng lo ngại là Hamas có thể che giấu dư luận Palestine về sự thật rằng họ phải chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc người Hồi giáo hoặc tệ hơn, họ có thể coi cả gia đình này là “cộng tác viên”, chỉ vì đã từng làm việc tại một trang trại của Israel.

Mặc dù vẫn chưa có gì chắc chắn rằng các con tin đang bị giam giữ trong các đường hầm của Hamas, nhưng liên quan đến cô Aisha và gia đình cô, có một giả thuyết phổ biến cho rằng việc thiếu thông tin là vì Hamas dấu việc họ có bắt cóc người Hồi giáo! Có khoảng 220.000 người Bedouin sống ở Israel, hầu hết họ sống ở vùng sa mạc Negev. Những người khác sống ở phía bắc giữa Galilee và Thung lũng Jezreel, và có những cộng đồng Bedouin nhỏ ở Judea, dọc theo con đường từ Jerusalem đến Jericho.

Hầu hết họ đều có quốc tịch Israel mặc dù trong những năm gần đây, mối quan hệ với Israel ngày càng trở nên thù địch hơn do kế hoạch của chính phủ nhằm tái định cư nhiều cộng đồng vốn sống ở sa mạc về các khu định cư mới gần các đô thị. Trường hợp của cô gái Aisha cũng được Đại sứ Israel tại Azerbaijan, George Deek, nhà ngoại giao Công Giáo duy nhất của Israel, để ý tới thông tin liên quan về cô Aisha.

Nói chuyện với tờ L’Osservatore Romano, Ông Đại sứ Deek nói: “Rõ ràng là, không giống như những đứa trẻ và cô gái trẻ khác, Aisha không được Hamas thả vì họ sẽ xấu hổ khi thừa nhận rằng họ đã bắt cóc người Hồi giáo. Trường hợp của cô phải được để ý vì nó cho thấy sự coi thường mạng sống con người của Hamas còn quan trọng hơn tình đoàn kết tôn giáo. Tôi quyết định công bố lời kêu gọi này cho cô Aisha để sự việc có thể đến tai Hamas, cũng như Israel và toàn thể cộng đồng quốc tế. Chúng tôi muốn cô Aisha trao trả trở về nhà ngay lập tức giống như tất cả các bạn cùng trang lứa với cô ấy”.
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô. Niềm đam mê truyền giáo: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 28. Lời công bố dành cho ngày hôm nay
Vũ Văn An
17:00 29/11/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Đại sảnh Phaolô VI, hôm thứ Tư ngày 29 tháng 11, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về lòng nhiệt thành truyền giáo, nhấn mạnh đến việc lời công bố dành cho ngày hôm nay. Sau đây là bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến,

Một vài lần gần đây chúng ta đã thấy việc công bố Kitô giáo là một niềm vui và nó dành cho tất cả mọi người; hôm nay chúng ta sẽ thấy khía cạnh thứ ba: nó dành cho ngày hôm nay.

Hầu như người ta luôn nghe thấy những điều tồi tệ được nói về ngày hôm nay. Chắc chắn, với chiến tranh, biến đổi khí hậu, bất công và di cư trên toàn thế giới, khủng hoảng gia đình và hy vọng, không thiếu lý do để lo lắng. Nói chung, ngày nay dường như là nơi cư ngụ của một nền văn hóa đặt cá nhân lên trên hết và kỹ thuật là trung tâm của mọi sự, với khả năng giải quyết nhiều vấn đề và những tiến bộ to lớn của nó trong rất nhiều lĩnh vực. Nhưng đồng thời, nền văn hóa tiến bộ kỹ thuật-cá nhân này dẫn đến việc khẳng định một thứ tự do không muốn đặt ra cho mình những giới hạn và thờ ơ với những người bị tụt lại phía sau. Và vì vậy, nó đặt những khát vọng to lớn của con người vào một nền luận lý học thường háu ăn của nền kinh tế, với tầm nhìn về cuộc sống loại bỏ những người không sản xuất và khó khăn trong việc nhìn xa hơn cái nội tại. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang ở trong nền văn minh đầu tiên trong lịch sử đang tìm cách tổ chức một xã hội loài người mà không có sự hiện diện của Thiên Chúa khắp hoàn cầu, tập trung ở những thành phố lớn vẫn là là mặt đất bất chấp những tòa nhà chọc trời cao ngất ngưởng.

Câu chuyện về thành Babel và ngọn tháp của nó hiện lên trong tâm trí (x. St 11:1-9). Nó kể lại một dự án xã hội liên quan đến việc hy sinh mọi cá tính để đạt được hiệu năng của tập thể. Nhân loại chỉ nói một ngôn ngữ - chúng ta có thể nói rằng nó có một "cách suy nghĩ đơn nhất" - như thể được bao bọc trong một loại bùa chú chung có khả năng hấp thu tính độc đáo của mỗi ngôn ngữ vào một bong bóng độc dạng. Khi đó, Chúa làm xáo trộn các ngôn ngữ, nghĩa là Người thiết lập lại những khác biệt, tạo lại các điều kiện để tính độc đáo phát triển, phục hồi tính đa dạng mà ý thức hệ muốn áp đặt cái đơn nhất. Chúa cũng đánh lạc hướng nhân loại khỏi cơn mê sảng muốn toàn năng của nó: “Chúng ta hãy tạo một danh tiếng cho chính chúng ta”, những cư dân cao quý của Babel nói như thế (c. 4), họ muốn vươn lên trời, đặt mình vào địa vị của Thiên Chúa. Nhưng đây là những tham vọng nguy hiểm, tha hóa, mang tính hủy diệt, và Chúa, bằng cách làm tiêu tan những tham vọng này, đã bảo vệ nhân loại, ngăn chặn một thảm họa sắp xảy ra. Câu chuyện này thực sự xem ra mang tính thời sự: ngay cả ngày nay, sự gắn kết, thay vì tình huynh đệ và hòa bình, thường dựa trên tham vọng, chủ nghĩa dân tộc, nói như nhau và các cơ cấu kinh tế-kỹ thuật tin rằng Thiên Chúa là tầm thường và vô dụng: không hẳn vì người ta tìm kiếm nhiều kiến thức hơn, nhưng trên hết họ tìm kiếm thêm quyền lực. Đó là một cơn cám dỗ tràn ngập những thách đố lớn lao của nền văn hóa ngày nay.

Trong Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã cố gắng mô tả những cơn cám dỗ khác (x. các số 52-75), nhưng trên hết tôi kêu gọi “một công cuộc truyền giảng Tin Mừng có khả năng soi sáng những cách thức mới này để liên hệ với Thiên Chúa, với người khác và với thế giới xung quanh chúng ta, và truyền cảm hứng cho những giá trị thiết yếu. Nó phải đến được những nơi đang hình thành những câu chuyện và mô hình mới, đưa lời Chúa Giêsu đến tận tâm hồn các thành phố của chúng ta” (số 74). Nói cách khác, Chúa Giêsu chỉ có thể được rao giảng bằng cách sống trong nền văn hóa của thời đại mình; và luôn ghi nhớ những lời của Thánh Phaolô về hiện tại: “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:2). Do đó, ngày nay không cần phải đối chiếu với những tầm nhìn khác trong quá khứ. Cũng không đủ nếu chỉ nhắc lại những niềm tin tôn giáo đã có, dù đúng đến đâu, cũng trở nên trừu tượng theo thời gian. Một sự thật không trở nên đáng tin cậy hơn bởi vì người ta lên tiếng khi nói ra nó, mà bởi vì nó được làm chứng bằng cuộc sống của mình.

Lòng nhiệt thành tông đồ không bao giờ là sự lặp lại đơn giản một phong cách đã học được, nhưng là làm chứng rằng Tin Mừng vẫn còn sống động ở đây cho chúng ta hôm nay. Do đó, vì ý thức được điều này, chúng ta hãy nhìn thời đại và nền văn hóa của mình như một món quà. Chúng là của chúng ta, và rao giảng Tin Mừng cho chúng không có nghĩa là phán xét chúng từ xa, cũng không phải đứng trên ban công và kêu tên Chúa Giêsu, nhưng đúng hơn là đi xuống đường, đi đến những nơi người ta sống, thường xuyên lui tới những nơi người ta đau khổ, làm việc, nghiên cứu và suy tư, sống ở ngã tư nơi con người chia sẻ những gì có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ. Nó có nghĩa là, với tư cách là một Giáo hội, là men cho “đối thoại, gặp gỡ, hiệp nhất. Suy cho cùng, những công thức đức tin của chúng ta là kết quả của cuộc đối thoại và gặp gỡ giữa các nền văn hóa, cộng đồng và các hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta không được sợ đối thoại: trái lại, chính sự đối đầu và phê phán mới giúp chúng ta bảo vệ thần học khỏi bị biến thành ý thức hệ” (Diễn văn tại Đại hội toàn quốc lần thứ năm của Giáo hội Ý, Florence, ngày 10 tháng 11 năm 2015).

Cần phải đứng ở các ngã ba đường của ngày hôm nay. Việc rời bỏ chúng sẽ làm nghèo Tin Mừng và biến Giáo hội thành một giáo phái. Mặt khác, lui tới với chúng sẽ giúp các Kitô hữu chúng ta hiểu một cách mới mẻ những lý do cho niềm hy vọng của chúng ta, rút ra và chia sẻ từ kho tàng đức tin “điều mới và điều cũ” (Mt 13:52). Tóm lại, ngoài mong muốn hoán cải thế giới ngày nay, chúng ta cần hoán cải việc chăm sóc mục vụ để nó hiện thân tốt hơn Tin Mừng ngày nay (x. Evangelii gaudium, 25). Chúng ta hãy biến ước muốn của Chúa Giêsu thành của riêng mình: giúp những bạn đồng hành không đánh mất lòng khao khát Thiên Chúa, mở lòng họ ra với Người và tìm thấy Đấng duy nhất, vốn ban bình an và niềm vui cho nhân loại hôm nay và mãi mãi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Chúa Kitô Vua Mừng Kính CTTDVN Bổn Mạng Ca Đoàn Chứng Nhân 20 Năm
thaikpham
02:55 29/11/2023
 
Gx Đức Mẹ La Vang Miami_Lễ Tạ ơn và Rước Kiệu các Thánh Tử Đạo Việt Nam
LongK Nguyễn
05:01 29/11/2023
Gx Đức Mẹ La Vang Miami_Lễ Tạ ơn và Rước Kiệu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Thứ Năm 23 Nov 2023

Xem Hình
 
Văn Hóa
Các phép lạ Thánh Thể dưới con mắt một Bác Sĩ Chuyên Khoa Tim
Vũ Văn An
23:15 29/11/2023

Một bác sĩ tim mạch khám nghiệm Chúa Giêsu: Khoa học tuyệt vời đằng sau các phép lạ Thánh Thể


Nguyên tác của BS Franco Serafini, nhà xuất bản Sophia Institue Press, 2021
Vũ Văn An chuyển ngữ



Lời người chuyển ngữ

Như đã thưa trong bài Bác sĩ chuyên khoa tim khảo sát Chúa Giêsu Thánh Thể đăng trên VietcatholicNews ngày 26 tháng 11, 2023 (https://vietcatholic.net/News/Html/287136.htm), cuốn A Cardiologist Examines Jesus của bác sĩ chuyên về tim Franco Serafini đã thu hút được rất nhiều chú ý và xét vì nó ra đời đúng vào dịp ở Hoa Kỳ, Hội đồng Giám mục đang khai mở phong trào phục hưng lòng tôn sùng Thánh Thể, chúng tôi chuyển ngữ cuốn sách giá trị này sang tiếng Việt. Động lực duy nhất là để củng cố niềm tin của mình và của rất nhiều người luôn muốn tìm về Thánh Thể như đỉnh cao và nguồn suối của cuộc sống Kitô hữu. Chứ thực ra, bản thân chúng tôi hoàn toàn mù tịt về văn chương y khoa, nhất là các từ ngữ chuyên môn trong lãnh vực này. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì mặc dù tác giả, Bác Sĩ Franco Serafini, phần lớn có giải thích các từ ngữ y khoa chuyên biệt, nhưng không hẳn tất cả và nguồn tra cứu của chúng tôi vỏn vẹn chỉ có cuốn Từ điển Y học Anh Việt của Nhà Xuất Bản Y Học xuất bản năm 2010. Từ đó đến nay, Y Học đã phát minh ra nhiều từ ngữ khác. Nên đôi lúc, chúng tôi phải vào Google để tra cứu những chữ chưa được liệt kê trong đó. Chúng tôi cũng thú thực không có dịp để tham khảo các bậc thức giả trong lãnh vực từ ngữ này. Nên xin qúi vị cao thâm vui lòng bỏ qua các thiếu sót và vụng về trong phạm vi này và vui lòng chỉ giáo để sửa chữa các thiếu sót và vụng về đó.

Dẫn nhập

Tôi là một bác sĩ - chính xác hơn là một bác sĩ tim mạch. Như chúng ta sẽ thấy, điều này đáng lưu ý.

Tôi cũng nên tuyên bố ngay lập tức về “những xung đột lợi ích” của mình, như thông lệ ngày nay trong các hội nghị y tế và các ấn phẩm khoa học: Tôi là người Công Giáo Rôma. Ban đầu tôi nghĩ mình có thể viết được một điều gì đó “vô trùng” và khách quan. Tôi nghĩ rằng sự thật cao cả và gây bối rối được giả thiết sẽ đến với người đọc bằng cách đơn giản kể lại những sự kiện khoa học mà không cần người kể chuyện đưa ra những bình luận không cần thiết. Tôi không thể kiềm chế được điều này: giống như một cổ động viên bóng đá đứng nhầm góc sân vận động, mỗi khi đội bóng yêu thích của tôi ghi bàn, tôi không thể không hét lên và giơ tay dù bị mọi người xung quanh nhìn chằm chằm. Vì vậy, tôi sẽ không che giấu quan điểm Công Giáo của mình, mặc dù - xin hứa danh dự - đây không phải là lý do để tôi kiểm duyệt, giảm nhẹ, phóng đại hoặc thậm chí sửa đổi một chút dữ kiện được báo cáo có thể kiểm chứng đầy đủ trong các thư mục có chú thích ở cuối mỗi chương.

Trong vài trang tiếp theo, tôi sẽ duyệt qua một số phép lạ Thánh Thể: chỉ có năm phép lạ, cộng thêm một phép lạ mà sau này tôi đã bỏ đi. Điểm chung của những sự kiện này là chúng đều đã trải qua những phân tích khoa học nghiêm ngặt trong thời gian gần đây hoặc rất gần đây. Tôi không phải là một nhà thần học và do đó mong muốn cuộc nghiên cứu nhỏ của tôi chỉ mang tính chất y học.

Tôi đã sàng lọc một cách nghiêm túc qua một cái rây các xét nghiệm lâm sàng, xét nghiệm, mô học và di truyền được thực hiện trên các mô mầu nhiệm và dị thường này có nguồn gốc từ Mình Thánh đã truyền phép.

Điều này có nghĩa là tìm kiếm các bài báo và ấn phẩm gốc cũng như loại bỏ một lượng lớn tài liệu sùng đạo sai lệch và gây hiểu lầm thường tô điểm cho những câu chuyện xung quanh những phép lạ này. Bất cứ khi nào có thể, tôi xua tan những nghi ngờ và làm rõ những điểm không chính xác bằng cách liên hệ trực tiếp với các nhà nghiên cứu Nam Mỹ và Ba Lan, những người đã trực tiếp thực hiện cuộc điều tra. Tôi thậm chí còn đi đến một số nơi này để phỏng vấn các nhân chứng và trực tiếp xác minh chi tiết.

Vâng, ít nhất thì kết quả công việc của tôi cũng đáng ngạc nhiên.

Chúng ta sẽ thấy một mô hình mới xuất hiện tự lặp lại với một sự đúng lúc đáng yên tâm hoặc khó hiểu (tùy theo quan điểm của bạn): một mô hình nhất quán, từ sự kiện này đến sự kiện tiếp theo, bất kể thời gian lịch sử hay vị trí địa lý. Bước tiếp theo sẽ là cố gắng thúc đẩy một số suy tư trong lĩnh vực của bộ môn rất độc đáo này: một bộ môn vẫn chưa có nền tảng, một chủ đề mà chúng ta có thể gọi là “thần học sinh học” [bio-theology], “thần học thực nghiệm và ứng dụng” hay bất cứ tên nào khác mà chúng ta ưa thích. Chúng ta sẽ dấn thân vào một vùng đất chưa được khám phá, nơi diễn ra những hiện tượng gây ngạc nhiên và không thể giải thích được, ngay cả khi được lên tài liệu bằng kỹ thuật tốt nhất mà chúng ta có. Cuộc hành trình này sẽ thực sự thách thức tinh thần cởi mở của chúng ta, sự sẵn lòng của chúng ta để chấp nhận một mầu nhiệm Kitô giáo khó tin, gai góc và gây bối rối đang xâm nhập vào thế giới hàng ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ lang thang trong một khung cảnh trong bóng tối, thỉnh thoảng phải đồng hành với những người bạn đường láu cá: những nhà khoa học vấp váp, những nhà huyền nhiệm điên cuồng, những nhà nghiên cứu UFO lừa đảo. Đôi khi, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng các tín điều và chân lý của Đức tin quả thực giống như những ngọn hải đăng trong đêm. Một cách nghịch lý, chúng sẽ soi sáng ánh sáng mà chúng ta cần để hiểu những hiện tượng mà chúng ta không bao giờ có thể giải thích đầy đủ chỉ bằng lý trí.

Chúng ta phải thừa nhận rằng hàng trăm phép lạ Thánh Thể được Giáo hội công nhận đã xảy ra trong suốt nhiều thế kỷ. Đây rất có thể chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ bị che giấu và bị lãng quên bao gồm hàng nghìn sự kiện. Caesarius thành Heisterbach, một đan sĩ người Đức vào năm 1200, đã liệt kê tới 67 biến cố lạ lùng liên quan đến Bí tích Thánh Thể trong Dialogus miraculorum (Đối thoại về các phép lạ) của ông. Ấn tượng nhất là tất cả các phép lạ này đều diễn ra quanh Cologne, trong suốt cuộc đời của ông, tất cả đều in sâu vào ký ức ông. Đan sĩ người Pháp, Thánh Paschasius Radbertus, đã viết De corpore et sanguine Domini (Về Mình và Máu Chúa) vào thế kỷ thứ chín. Đây có lẽ là tiểu luận đầu tiên về Bí tích Thánh Thể trong lịch sử Giáo hội, và nó liệt kê một số lượng đáng kể các sự kiện phép lạ đã được biết đến. Thánh Tôma Aquinô cũng vậy, trong cuốn Summa theologica [tổng lusận thần học] của mình, đã dành một mục cụ thể (III, q. 76, a. 8) về các hiện tượng phép lạ Thánh Thể, vốn rõ ràng không phải là hiếm vào thời đó.

Rất tốt, chúng ta hãy xóa bỏ sự hiểu lầm này ngay lập tức: cuốn sách này không nói về những truyền thuyết từ sâu thẳm thời Trung cổ.

Các phép lạ Thánh Thể vẫn tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay, trong thời đại chúng ta, với số lượng dồi dào - đến nỗi tôi phải vội viết thêm một chương về một sự kiện vừa diễn ra ở Legnica, Ba Lan, mà vị giám mục địa phương đã đưa ra một tuyên bố chính thức vào ngày 10 tháng 4 năm 2016. Mong người biên tập không chống lại tôi, nhưng cuốn sách này sinh ra đã bị kết án là lỗi thời: nó sẽ luôn yêu cầu các phiên bản cập nhật.

Một do dự cuối cùng

Xin hãy cho phép tôi, trước khi bắt đầu cuộc hành trình đáng kinh ngạc này, được chia sẻ khoảnh khắc do dự cuối cùng, một cái nhìn lùi cuối cùng.

Tại sao chúng ta nên thực hiện các thử nghiệm khoa học về phép lạ Thánh Thể? Nó có thực sự cần thiết không?

Đó không phải là một câu hỏi tầm thường. Đây chắc chắn có vẻ là con đường hợp lý duy nhất dành cho những người như chúng ta, những người sống trong môi trường kỹ thuật. Suy cho cùng, chúng ta tin tưởng - hay đúng hơn là chúng ta nghĩ mình có thể tin tưởng - khoa học và y học là nền tảng cho cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, cách tiếp cận khoa học này có vẻ hiển nhiên, hoặc ít nhất là rất “hợp lý”. Những sự kiện không thể giải thích được đã diễn ra ở Buenos Aires và Sokółka, nhưng chúng ta có các nhà khoa học và phòng thí nghiệm, vì vậy hãy cùng phân tích các phép lạ! Chúng ta có chắc chắn rằng tổ tiên của chúng ta sẽ lý luận cùng một cách nếu họ tiếp cận được các phương tiện của chúng ta không? Chúng ta đang tìm kiếm điều gì?

Thực ra, tất cả những phép lạ này đang nói với chúng ta bằng ngôn ngữ và biểu tượng hoàn toàn dễ hiểu: là người Công Giáo, chúng ta không thể thấy gì khác ngoài Máu - Máu quý giá nhất cứu chuộc và cứu chúng ta khỏi cái chết và Hỏa ngục - khi nhìn vào các tín hữu tôn thờ bánh thánh tiết ra chất lỏng màu đỏ. Việc đếm số lượng tế bào hồng cầu dưới kính hiển vi hay hiện tượng điện chuyển protein trong phòng thí nghiệm có thực sự quan trọng đến vậy không? Khối đen như thạch xuất hiện một cách lạ lùng rõ ràng muốn nhắc nhở chúng ta về Sự Hiện diện Thực sự của Mình Thánh đó. Việc biết rằng chất đó thực sự là mô cơ tim - chứ không phải mô tuyến tụy hay da – có làm tăng thêm sự tôn thờ của chúng ta không?

Ngoài ra, chúng ta nên thực hiện các thử nghiệm nào? Ai sẽ có quyền ra lệnh về chúng? Chúng ta nên dấn thân vào vấn đề này bao xa, và sự tò mò bệnh hoạn sẽ bắt đầu từ đâu?

Tại sao không định lượng mức cholesterol và glucose? Những người phụ nữ ngoan đạo đó đã cho Chúa ăn gì? Còn việc gây xúc tác cho việc chuyển hóa amin [transaminase] của gan thì sao? Họ có bắt Người uống quá nhiều không? Bạn đọc thân mến, bạn có thể hiểu chúng ta nên đi bao xa không?

Tuy nhiên, Giáo quyền vẫn luôn yêu cầu xét nghiệm tất cả các dấu hiệu lạ lùng như vậy trong phòng thí nghiệm trong suốt 20 đến 25 năm qua. Rõ ràng, điều này hiện được coi là thông lệ: đánh giá khoa học là một thành phần đã được thiết lập - và có lẽ là thành phần chính - trong nghi thức mà Giáo hội tuân theo để công nhận một phép lạ. Các giám mục chỉ thừa nhận nguồn gốc siêu nhiên của những sự kiện này sau khi điều tra khoa học kỹ lưỡng.

Toàn bộ chủ đề này gợi lên sự suy tư về vai trò hai mặt của khoa học đối với nhân loại hiện đại. Nó là một công cụ để hiểu thiên nhiên, một sự mở rộng rất mạnh mẽ của đôi mắt và bàn tay của chúng ta, giải phóng khỏi gánh nặng công việc và bệnh tật. Sẽ không ai thắc mắc điều đó! Tuy nhiên, đồng thời, khoa học và kỹ thuật đã trói buộc chúng ta bằng sức mạnh và thẩm quyền không thể nghi ngờ của chúng: chúng tước đi của chúng ta yếu tố tự phát và cuối cùng là tự do.

Phân tích khoa học cũng nổi tiếng mang lại kết quả trái ngược nhau. Thậm chí, đôi khi nó còn gây ra hiệu ứng boomerang phản tác dụng. Ngay cả khi có thiện chí, các nhà nghiên cứu vẫn có thể phạm sai lầm hoặc nói dối một cách thiếu thiện ý. Các cuộc điều tra có thể không có kết luận. Vì vậy, tôi khá đồng cảm với các tu sĩ Lanciano vào sáng ngày 18 tháng 11 năm 1970, khi kết thúc phần đánh giá và lấy mẫu của Giáo sư Linoli về phép lạ ở địa phương của họ. Những tu sĩ Phanxicô đó chắc hẳn đã thắc mắc: “Chúng ta đã làm gì vậy? Có thật là chúng ta đã phá hủy phép lạ mà tổ tiên chúng ta đã truyền lại trong suốt 1300 năm không?”

Tôi nên chỉ ra một yếu tố ít được mong muốn nhưng không phải là không đáng kể trong tình thế tiến thoái lưỡng nan của họ: phân tích khoa học luôn yêu cầu một mảnh chất liệu lạ lùng phải được coi một là xử lý quá nặng hai là thường bị tiêu hủy. Ai dám cắt bỏ một mảnh của điều sẽ được chứng minh là trái tim của Đấng Cứu Chuộc bằng cách cầm một con dao mổ trong một bàn tay vững vàng? Ai có đủ can đảm để làm như vậy khi biết chất liệu được lấy làm mẫu sẽ bị tiêu hủy? Ai muốn hy sinh dù chỉ một giọt Máu của Người? Bạn đọc có đủ can đảm này không? Ngay cả khi mẫu được lấy không lớn hơn vài mili mét thì việc cắt bỏ cũng không thể không gây đau và sẽ để lại dấu vết, mất vĩnh viễn. Ngoài ra, nên rạch ở đâu? Nên lấy bao nhiêu?

Đủ do dự quá rồi! Nếu một phép lạ xảy ra, nếu một dấu hiệu được cho phép nhìn, thì đó phải là vì Trời cho nó hữu ích và thích hợp vào thời điểm đó và ở nơi đó. Phép lạ Thánh Thể thực sự dành cho tất cả chúng ta, và chúng xẩy ra để nâng đỡ đức tin đang lung lay của chúng ta.

Khái niệm về một món quà vị tha vốn có trong ngôn ngữ của Bí tích Thánh Thể, giống như việc bẻ bánh thánh và trao cho chúng ta mà không cần dè dặt. Tương tự như vậy, các phép lạ Thánh Thể cũng trở thành lương thực cho các linh hồn đương thời và trí óc hữu lý của chúng ta. Những phép lạ này “biết chúng ta”; chúng biết chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học và kỹ thuật thống trị, và chúng đã dự ứng rất rõ rằng chúng ta sẽ xem xét chúng dưới kính hiển vi, phân tích chúng bằng các thăm dò di truyền và xé tơi chúng ra bằng thuốc thử hóa học và miễn dịch học. Chúng tự để cho chúng ta tò mò và cuối cùng, kết quả kiểm tra cũng trở thành một phần không thể thiếu của những phép lạ thực sự.

Rõ ràng, việc cho phép thực hiện thử nghiệm khoa học trước hết phải xuất phát từ Thẩm quyền hợp pháp của Giáo hội địa phương: Giám mục giáo phận nơi biến cố diễn ra. Sự cho phép này thường chỉ được ban cấp sau khi cẩn thận đánh giá xác suất về nguồn gốc siêu nhiên của một biến cố, độ tin cậy của các nhân chứng và sự thiếu mâu thuẫn trong giải trình của họ. Giáo hội không để mặc các tín hữu cho chính họ trong những vấn đề tế nhị như vậy và quả thực giữ quyền tối cao để đưa ra những tuyên bố chính thức về bản chất lạ lùng của những biến cố này.

Mối quan hệ giữa khoa học và đức tin

Toàn bộ chủ đề nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể phải được nhìn nhận như một chương mới và độc đáo trong mối quan hệ đôi khi bị dày vò giữa khoa học và đức tin. Đặc biệt trong vài thế kỷ qua, mối quan hệ này hầu như mang tính đối đầu và chúng ta có thể biến mối quan hệ này thành một cuộc thảo luận bất tận. Nhân loại luôn cố gắng điên dại làm chủ chính mình. Tuy nhiên, sự ra đời của khoa học - mặc dù có nhiều lợi ích không thể nghi ngờ - đã làm trầm trọng thêm sự ảo tưởng vĩ đại này của con người. Do đó, nỗi khó chịu dày vò từ xa xưa của tất cả các Kitô hữu - cảm giác hiện hữu trong thế giới mà không thuộc về nó - cũng trở nên trầm trọng hơn. Thành thật mà nói, cùng một sự khó chịu cũng thực sự có thể được cảm nhận trong nhiều bối cảnh xã hội ngoài bối cảnh khoa học, chẳng hạn như bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế.

Thế giới là một cánh đồng nơi lúa mì tốt và cỏ dại cùng chung sống: chúng ta đã thấy điều đó trong nội tâm của mình. Vì vậy, không cần thiết phải thảo luận về các hệ thống thế giới chính. Nhờ đức tin, chúng ta biết rằng cuối cùng chúng ta sẽ hiểu được mọi sự chỉ trong viễn ảnh cánh chung, một kế hoạch thần thiêng.

Khoa học và đức tin sẽ chỉ tìm thấy sự cân bằng đơn giản và sự phân chia vai trò rõ ràng trong một xã hội tốt đẹp hơn nhiều so với xã hội chúng ta đang sống. Đây là điều mà Ortega y Gasset đã hy vọng trong tiểu luận xuất sắc “Nguồn gốc của Nhà nước trong Thể thao” của ông, tiểu luận mà ông bắt đầu bằng tuyên bố đầy khiêu khích nhưng không thể bị phê phán của mình: “Sự thật khoa học có đặc điểm ở những dự đoán chính xác và nghiêm ngặt, mặc dù khoa học thực nghiệm đạt được những tiêu chuẩn đáng khen ngợi này bằng cách tập chú vào các vấn đề có tầm quan trọng thứ yếu, để lại những vấn đề tối hậu và mang tính quyết định nhất không được trả lời.” Quả thực, chỉ cách đó vài dòng, nhà triết học Tây Ban Nha đã khiển trách khoa học vì đã hành động rất giống nhân vật con cáo trong câu truyện “Con cáo và chùm nho” của Aesop. Điều này là do các nhà khoa học có xu hướng coi tất cả các câu hỏi căn bản mà họ không biết cách xử lý là “thần thoại” và do đó nương mình vào thuyết bất khả tri. Về vấn đề này, tôi vui mừng nhớ lại lời mở đầu trang trọng và thi vị của thông điệp Fides et ratio [đức tin và lý trí] của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, dành cho chủ đề này: “Đức tin và lý trí giống như đôi cánh mà trên đó, tinh thần con người vươn lên để chiêm niệm sự thật.”

Hãy nói thẳng điều này: vấn đề không phải là chính khoa học. Tôi là một bác sĩ luôn cập nhật rất nhiều tiến bộ y tế gần đây, đặc biệt là trong chuyên ngành của tôi về bệnh tim mạch. Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp y khoa của mình chỉ vài năm, tôi đã chứng kiến sự ra đời của các phương thức chẩn đoán ngày càng tốt hơn, các loại thuốc mới, hiệu quả hơn và an toàn hơn cũng như các kỹ thuật mới và ít xâm lấn hơn. Tôi thấy bệnh nhân sống cuộc sống tốt hơn hoặc hồi phục hoàn toàn và tôi tự hào về điều đó. Tuy nhiên, tôi không cầu xin y học cho tôi câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống, lý do tại sao chúng ta phải đau khổ và không thể tránh khỏi cái chết dù đã có những tiến bộ vượt bậc về mặt y học. Tôi không mong đợi những câu trả lời này sẽ được công bố trong số tiếp theo của Tạp chí Y học New England, tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới.

Tuy nhiên, tôi tin rằng khoa học hiện đại không chỉ phát triển một cách tình cờ ở phương Tây, cái nôi của Kitô giáo. Một Thiên Chúa hữu lý đã tạo ra một thế giới có trật tự và dễ hiểu để một người có lý trí có thể hiểu được bản chất xung quanh mình để trở thành chủ nhân của nó (Sáng thế 1:28). Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà khoa học giỏi nhất lại xuất thân từ hàng ngũ giáo sĩ Công Giáo, như Copernicus, Spallanzani, Mendel hay Lemaître (người đã “khám phá” ra Vụ nổ lớn), chỉ kể tên một số ít.

Do đó, vấn đề thực sự là chủ nghĩa duy khoa học chứ không phải chính khoa học: Điều này cho rằng khoa học là phương tiện duy nhất được chấp nhận để khám phá sự thật. Chủ nghĩa duy khoa học dụ dỗ con người vào bẫy của nó bằng cách mê hoặc họ bằng những thành tựu kỹ thuật không thể phủ nhận, mặc dù một khi đã mắc bẫy, họ sẽ từ bỏ tâm trí tìm kiếm sự thật và giao phó ngay cả những lựa chọn căn bản nhất trong cuộc sống cho “các chuyên gia khoa học”. Mọi sự đều bắt đầu ở trường: gần như tất cả học sinh Ý - ở một thời điểm nào đó - đã phải chịu đựng một phiên bản sân khấu hoặc điện ảnh nào đó của kiệt tác ý thức hệ thiên vị đó là cuốn Cuộc đời Galileo của Bertolt Brecht. Chúng ta được nhắc nhở rằng khoa học phát sinh từ quyền tự do tư tưởng của con người, như thể đó là cách duy nhất để con người thoát khỏi chủ nghĩa ngu dân áp bức và sự lạc hậu giáo điều do các giáo sĩ tôn giáo áp đặt: có rất nhiều phim tài liệu, sách và tạp chí - mỗi mục tiêu nhắm đến những đối tượng cụ thể - để bảo đảm không có lối thoát nào thoát khỏi chế độ độc tài duy nhất của chủ nghĩa khoa học.

Tôi sẽ dừng ở đây để tránh làm độc giả nhàm chán thêm nữa và quay trở lại chủ đề của chúng ta. Phép lạ Thánh Thể là một trở ngại gây bối rối cho ý thức hệ khoa học: Thịt và Máu xâm nhập vào mảnh đất vô trùng và thánh thiêng của nữ thần Lý trí. Sau bốn thế kỷ, chúng ta đang chứng kiến cảnh kính viễn vọng của Galileo “lộn ngược”. Vào những năm 1600, những người theo trường phái Aristốt lâu đời tại triều đình Cosimo de’ Medici ở Florence coi thường kính viễn vọng và từ chối nhìn qua nó, vì sợ rằng họ phải thừa nhận những khám phá của Galileo: các vệ tinh của Sao Mộc và các miệng hố của mặt trăng. Thay vào đó, khi các phép lạ Thánh Thể được nghiên cứu, những vai trò đó bị đảo ngược: các nhà khoa học khắt khe và khép kín tâm trí - những nhà đấu tranh cho quyền tự do nghiên cứu - là những người từ chối nhìn qua kính hiển vi của chính họ, kẻo họ thấy một mảnh mầu nhiệm của cơ tim “đau khổ”. Thái độ sợ hãi và ghê tởm này - chủ yếu đến từ thế giới khoa học hàn lâm - được minh chứng rõ ràng bằng phép lạ của Sokółka: các giáo sư địa phương về bệnh lý giải phẫu tiến hành các cuộc điều tra đã bị chính trường đại học của họ bức hại và bị công khai tấn công bởi chính các đồng nghiệp hời hợt - nếu không muốn nói là bất tài - của họ. Những người này phát biểu các phán đoán về những mẫu vật lạ lùng mà chưa bao giờ thực sự nhìn thấy chúng.

Những gì được Ron Tesoriero thuật lại trong cuốn Unseen [không thấy] của ông rất thú vị và tiết lộ nhiều điều, và chúng ta sẽ thảo luận sâu hơn về nó trong chương Buenos Aires: vào ngày 15 tháng 12 năm 2005, ông gặp Giáo sư Susanne Hummel tại Đại học Göttingen, Đức, cùng với đồng nghiệp Mike Willesee. Giáo sư Hummel có thể là chuyên gia vĩ đại nhất thế giới về phân tích DNA cổ thời. Không phải ngẫu nhiên mà tôi cũng đề cập đến một trong những tác phẩm sáng tạo và hoàn hảo của bà trong chương nói về các nhóm máu của tôi. Cuộc họp diễn ra vô cùng căng thẳng: Hai nhà nghiên cứu đã mang một mẫu lấy từ bánh thánh ở Buenos Aires, trong đó một phòng thí nghiệm có trụ sở tại California đã xác định được dấu vết DNA của con người mà không cố gắng xác định hồ sơ của nó. Họ yêu cầu sự hợp tác của Giáo sư Hummel và những nghiên cứu bổ sung vô giá của bà, nhưng họ không muốn tiết lộ nguồn gốc của mẫu để bảo đảm bảo tính khách quan cho các xét nghiệm của bà. Tuy nhiên, Giáo sư Hummel khẳng định nếu không được cho biết nguồn gốc của mẫu vật thì bà sẽ không thực hiện nghiên cứu của mình. Hãy đặt mình vào vị trí của bà: Hai người này đang cố che giấu điều gì khi - không tính đến chi phí - họ đã cố tình đến từ Úc để yêu cầu xét nghiệm di truyền? Họ đang cố lôi kéo bà vào cuộc tranh cãi kiểu gì vậy? Cuối cùng cả hai đã nhượng bộ. Họ tiết lộ nguồn gốc lạ lùng bị nghi ngờ, và nụ cười nhã nhặn của nhà khoa học người Đức biến thành vẻ nhăn nhó băng giá. Bà sẽ không thực hiện bất cứ xét nghiệm nào, vì bà đã xác tín rằng chúng sẽ mang lại kết quả âm tính: nhiều nhất chỉ có thể tìm thấy các chất gây ô nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Chẳng cần phải suy nghĩ! Với sự thúc đẩy muốn hạ vũ khí của lòng chân thành, giáo sư kết luận rằng nếu người ta chứng minh được rằng bánh thánh đã biến thành máu hoặc thịt người, điều này sẽ gây ra quá nhiều bối rối cho Đại học Göttingen: thậm chí có thể trường sẽ bị đóng cửa một phần, vì một số chương trình và các hoạt động của trường được thành lập một cách công khai dựa trên chủ nghĩa vô thần.

Để nghe một tuyên bố hợp lý và hoàn toàn trái ngược, chúng ta phải quay sang Giáo sư Sulkowski, một nhà khoa học mà chúng ta sẽ nói đến trong chương về phép lạ Sokółka: “Nếu một vấn đề xã hội quan trọng mới nảy sinh, một vấn đề cần có sự tham gia của nhà khoa học, nếu có nhu cầu cần đến sự hiểu biết của họ thì không những họ có quyền mà còn có nghĩa vụ phải tham gia... Chúng ta có nhiệm vụ điều tra mọi vấn đề khoa học.”

Bốn thế kỷ sau Galileo, cuối cùng chúng ta đã khép lại vòng tròn: định kiến ý thức hệ đã đổi bên và hiện nay là trường phái tư tưởng khoa học thống trị trong các trường đại học danh tiếng nhất. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể đã vạch trần một cách xuất sắc tính kiêu căng, lười biếng trí thức và chủ nghĩa tuân thủ một loại khoa học nào đó.

Một lưu ý cuối cùng, trước khi kết luận: Các phép lạ Thánh Thể cũng cần được bảo vệ khỏi sự chỉ trích thân thiện của nhiều nhà khoa học và nhà phổ biến, những người tiến hành các nghiên cứu và xuất bản các bài báo không chính xác. Ngay cả khi họ làm điều này một cách thiện chí, “công trình” của họ vẫn mang tính thiên vị, không thể chịu được những lời chỉ trích nghiêm túc và hợp lý, và cuối cùng hoàn toàn phản tác dụng. Thí dụ rõ ràng nhất mà cá nhân tôi đã vạch trần là báo cáo đầy lảng tránh của Tổ chức Y tế Thế giới-Liên hợp quốc do Giáo sư Giuseppe Biondini công bố vào năm 1976 nhằm hỗ trợ cho các cuộc điều tra rõ ràng và không thể chối cãi về mặt khoa học của Giáo sư Linoli về phép lạ ở Lanciano. Việc xem báo cáo chỉ cần có sự cho phép của các tu sĩ viện tu ở Lanciano, những người luôn thân thiện và sẵn sàng. Đó là một tài liệu cẩu thả vụng về trộn lẫn dữ kiện khoa học chặt chẽ và được viết khéo - hầu hết được lấy từ xác ướp Ai Cập chứ không phải từ các mẫu mô ở Lanciano - với những lời huyên thuyên ủng hộ phép lạ được viết bằng tiếng Ý mơ hồ và khoa trương. Thiệt hại rất lớn: “Báo cáo của Liên Hợp Quốc” này, trong đoạn trích của nó, có cao vọng trở thành một nghiên cứu nguyên khởi về các thánh tích, cho rằng đã thực hiện 500 phân tích khổng lồ về chính các thánh tích. Bằng cách đó, nó tự trình bầy với những tín đồ ngây thơ, như một cuộc điều tra thậm chí còn vượt trội hơn cuộc điều tra do Linoli thực hiện. Tuy nhiên, những kết luận xa vời của nó dễ dàng bị các chuyên gia vạch trần. Thật không may, tài liệu xa lạ này đã len lỏi vào tài liệu khoa học “chính thức” về phép lạ ở Lanciano: ngay cả ngày nay - bốn mươi năm sau - các ấn phẩm sùng đạo và “chính thức” hơn vẫn tiếp tục nhắc đến sự giả mạo ý thức hệ rẻ tiền này, trình bày nó như thể nó có phẩm chất tương đương với công trình của Linoli.

Thôi, khi đã hiểu như thế, chúng ta hãy luôn mở rộng tầm mắt, chú ý đến những gì chúng ta nghe thấy và luôn cảnh giác. Các bạn hãy thưởng thức việc đọc tác phẩm này!
__________________________________
(1) Mô học là nghiên cứu về vi phẫu [microanatomy]: nghiên cứu và mô tả đặc tính của các loại tế bào và các loại mô cơ thể được thực hiện bằng cách quan sát dưới kính hiển vi.

Kỳ tới: Chương I: Lanciano
 
VietCatholic TV
Bão tuyết bất ngờ, xe tăng thành tủ lạnh, lính Nga tử trận. Kyiv xâm nhập BQP Nga. Tàu Nga đâm nhau
VietCatholic Media
02:39 29/11/2023


1. Nga lúng túng: Tin tặc Ukraine đột nhập Bộ Quốc phòng Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Tin tặc Ukraine đột nhập vào hệ thống quan trọng của Bộ Quốc phòng Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một cộng đồng tình báo đưa tin rằng tin tặc Ukraine đã xâm nhập được vào một hệ thống quan trọng do Bộ Quốc phòng Nga vận hành.

Nhóm này tự gọi mình là Cyber Resistance hay Nhóm Kháng Chiến Mạng, đã chia sẻ chi tiết về hoạt động của mình với ấn phẩm InformNapalm của Ukraine. Các thành viên của nhóm được cho là đã tấn công Cục Thông tin và Truyền thông Đại chúng của Bộ Quốc phòng và có thể truy cập vào hệ thống phân tích và giám sát phương tiện truyền thông Nga có tên Katyusha.

Từ đó, nhóm có thể lấy được tài liệu nội bộ và nhu liệu nghiên cứu được các nhà tuyên truyền quân sự Nga sử dụng.

Nhóm chiến tranh du kích mạng được cho là có thể xem các tài liệu liên quan đến Igor Konashenkov, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga. Bộ Quốc phòng thường tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày do Konashenkov chủ trì. Ông ta là người trình bày tiến trình của cái mà Nga gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Ông đã được truyền thông Nga mô tả là bộ mặt của cuộc chiến.

Konashenkov giữ chức Cục trưởng Cục Thông tin và Truyền thông đại chúng Bộ Quốc phòng từ năm 2017, đến tháng 6/2022, ông được phong cấp bậc trung tướng theo sắc lệnh của Vladimir Putin.

Các tin tặc đã xem các báo cáo của Konashenkov về những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Một báo cáo cho biết rằng chỉ trong vòng một tháng, các lực lượng Nga được cho là đã phá hủy 1.500 xe tăng Ukraine và hơn 1.000 “thiết bị quân sự đặc biệt.” của Ukraine.

Nhóm hack cũng phát hiện ra rằng các nhân viên của bộ này theo dõi cả phương tiện truyền thông phương Tây và Nga hàng ngày, gán cho họ nhãn “tích cực”, “tiêu cực” hoặc “trung lập”, viết báo cáo và gửi chúng đến bàn làm việc của Konashenkov.

Các nỗ lực cũng đã được thực hiện để vô hiệu hóa các blogger quân sự không đáng tin cậy trên ứng dụng nhắn tin Telegram được coi là chỉ trích chiến tranh. Nhóm không thể truy cập vào danh sách các kênh Telegram.

Cyber Resistance phát hiện thông tin về việc quân đội Nga rút khỏi vị trí then chốt ở khu vực Kherson phía nam Ukraine đã được đề cập trong một bức thư đề ngày 14/11. Thông tin đó, được ghi là của Bộ Quốc phòng, đã được hãng truyền thông nhà nước Nga Tass, và RIA Novosti công bố, trước khi họ nhanh chóng phủ nhận sự phát triển đó.

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ những tuyên bố về việc “tập hợp lại” Nhóm Lực lượng Dnipro là một “sự khiêu khích” mà không giải thích thêm.

Thuật ngữ “tập hợp lại” trước đây đã được Điện Cẩm Linh sử dụng trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin để mô tả sự rút lui trên chiến trường của các lực lượng của nước này.

Các hacker cho biết, sau khi các cơ quan thông tấn đưa tin lực lượng Nga đã tập hợp lại ở khu vực Kherson, hệ thống Katyusha đã thu thập các bài đăng trên Telegram được coi là chỉ trích Bộ Quốc phòng.

InformNapalm cho biết: “Nga, đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử của Putin, rất có thể đang bắt đầu làn sóng thanh trừng cuối cùng khỏi bất kỳ biểu hiện không trung thành nào đối với Điện Cẩm Linh”.

2. Chiến tranh Ukraine đột ngột khựng lại bởi trận bão tuyết mạnh. Nhiều lính Nga tử trận vì lạnh giá. Xe tăng Nga đang trở thành những cái tủ lạnh.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 29 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Ukraine, bao gồm cả trận bão tuyết mạnh, đã khiến cuộc chiến Nga-Ukraine đột ngột ngừng lại.

Một trận bão tuyết đã xé toạc khu vực Hắc Hải, bao gồm miền nam Ukraine và bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm vào hai ngày Chúa Nhật và thứ Hai. Chuẩn tướng Oleksii Hromov, ít nhất 14 người đã thiệt mạng, trong khi hơn 2 triệu cư dân không có điện.

Gần 10 inch tuyết tích tụ trên mặt đất và nhiều cộng đồng ven biển phải hứng chịu lũ lụt, làm ngưng hẳn các hoạt động quân sự của cả Nga và Ukraine. Lốc xoáy đã tiếp tục tấn công khu vực vào thứ Ba. Các khu vực khác của Ukraine cũng đang trải qua thời tiết mùa đông.

Trong một video, là video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, hàng loạt xe tăng Nga đã bất động. Chắc chắn có một số đã bị tấn công. Nhưng một số chết vì lạnh giá.

Nhiệt độ ở nhiều nơi đã xuống dưới mức âm 20 độ C vào hôm thứ Tư. Dự báo nhiệt độ sẽ còn xuống thấp hơn nữa trong vài ngày tới.

Glen Grant, chuyên gia quốc phòng cao cấp tại Quỹ An ninh Baltic, người đã cố vấn cho Ukraine về việc cải tổ quân đội cho tờ Newsweek biết: “Một chiếc xe tăng kim loại chỉ là một cái tủ lạnh vào ban đêm nếu bạn không nổ máy. Nhưng nếu nổ máy, chiếc xe chắc chắn sẽ làm mồi cho các loại máy bay không người lái đang lảng vảng trên đầu”.

Ông nói với Newsweek: “Thời tiết lạnh giá sẽ khiến quân đội mất tinh thần hơn nữa và sẽ tạo ra nhiều cái tủ lạnh hơn nữa”.

Grant nói rằng thời tiết sẽ làm tăng thêm các vấn đề hậu cần mà quân đội Nga đang phải đối mặt và ông hy vọng nhiều binh lính sẽ đơn giản là từ bỏ phương tiện của mình.

“Các chàng trai sẽ không chờ đợi. Họ sẽ ra ngoài, bắt đầu đi bộ vào rừng và đào ngũ,” anh nói.

“Bạn không thể nào ngồi một chỗ và chờ đợi bởi vì nếu bạn đang ở trong chiếc xe, bạn đang chờ đợi để bị giết. Họ không ngu ngốc như thế”.

3. Ukraine xác nhận vụ đầu độc vợ giám đốc tình báo

Một quan chức tình báo quân đội Ukraine xác nhận rằng Marianna Budanova, vợ của nhà lãnh đạo tình báo Ukraine, Kyrylo Budanov, đã bị đầu độc và đang được điều trị tại bệnh viện.

Vụ đầu độc cô đã được các phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin trước đó, trong đó trích dẫn các nguồn tình báo giấu tên.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 29 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết:

“Đúng, tôi có thể xác nhận thông tin, thật không may, đó là sự thật”.

Budanova, cố vấn của thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, được cho là đã phải vào bệnh viện sau khi tình trạng của cô xấu đi.

Tuy nhiên, Yusov nhấn mạnh rằng tình trạng của Yusov đang được cải thiện.

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Ông Oleksiy Danilov, trong một bình luận có liên quan đến vụ này nói:

“Chúng tôi đã mắc một sai lầm lớn vào năm 1991 khi không đóng cửa KGB mà chỉ đổi tên thành SBU và di căn của KGB vẫn còn.”

“Thật không may, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi chưa thể dọn sạch tất cả các hệ thống bảo mật. Vì vậy tất nhiên có những kẻ phản bội tồn tại ở đó.”

Danilov cho biết: “Tình huống hoàn hảo cho Nga và Putin là Ukraine quay trở lại tình trạng không thể quản lý và hoàn toàn vô chính phủ mà chúng ta đã trải qua trong những năm từ 1917 đến 1921, khi cuộc chiến diễn ra từ bên trong và bên ngoài.

4. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông sẽ tham gia cuộc họp OSCE ở Bắc Macedonia nếu Bulgaria mở cửa không phận và một số nước phương Tây đã yêu cầu gặp ông.

“ Rõ ràng Bulgaria đã hứa với Macedonia rằng họ sẽ mở không phận – nếu điều đó xảy ra thì chúng tôi sẽ ở đó. Hãy chờ xem”, ông Lavrov phát biểu tại một hội nghị ở Mạc Tư Khoa. “Đã có một số yêu cầu gặp mặt, bao gồm cả từ các đại diện phương Tây.”

Ông đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại G20 năm ngoái. Ông Lavrov nói thêm: “Nếu ai đó tiếp cận chúng tôi, chúng tôi không bao giờ bỏ chạy hoặc trốn tránh”.

Các bộ trưởng ngoại giao của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu sẽ gặp nhau tại Skopje từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12.

Không phận Bulgaria bị đóng cửa đối với máy bay Nga như một phần lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu áp đặt nhằm đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

5. Tổng thống Tiệp cảnh báo về nguy cơ Putin có thể sắp đạt được một bước đột phá lớn nếu viện trợ không đến tay người Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin có thể sắp đạt được bước đột phá lớn trong cuộc chiến Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo Tổng thống Cộng hòa Tiệp Petr Pavel, Putin có thể chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến chống Ukraine trong năm tới nếu các đồng minh phương Tây của Kyiv không tăng cường hỗ trợ quân sự.

Pavel đã được tờ báo Ý Corriere Della Sera phỏng vấn trước chuyến đi dự kiến vào tuần này để gặp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Cuộc trò chuyện, được công bố hôm thứ Hai, tập trung vào cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, mà các quan chức bắt đầu mô tả là “bế tắc” khi Kyiv tiếp tục chiến dịch tấn công để giành lại lãnh thổ do Mạc Tư Khoa xâm lược.

Pavel nói: “Hôm nay với tư cách là tổng thống, tôi phải nhìn nhận tình hình không chỉ từ góc độ chiến trường mà còn từ góc độ các nguyên tắc”. “Và chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần để thành công trong sứ mệnh khôi phục chủ quyền và kiểm soát biên giới của mình: bất cứ điều gì kém hơn sẽ là thất bại của chúng ta.”

Nhà lãnh đạo Tiệp cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ mà các đồng minh của Ukraine cung cấp cho nước này viện trợ quân sự cần thiết để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga. Đầu tháng này, Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ đã sử dụng hết 96% ngân sách được phân bổ cho cuộc chiến ở Ukraine và các quan chức Kyiv trước đó đã phàn nàn về việc cung cấp vũ khí và các hình thức viện trợ khác chậm chạp so với những gì các nước phương Tây đã hứa. Nga cũng bắt đầu dựa vào các đồng minh quân sự của mình, bao gồm cả Bắc Hàn và Iran, để tích trữ pháo và vũ khí trước những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Pavel nói tiếp trong cuộc phỏng vấn: “Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine, năm tới có thể còn thuận lợi hơn cho Mạc Tư Khoa”. “Năm nay rất quan trọng để đặt nền móng cho sự thành công; năm tới sẽ phức tạp hơn.”

“Thật không may, việc cung cấp thiết bị quân sự của chúng ta không đủ để cho phép Ukraine tiếp tục hoạt động cường độ cao”, nhà lãnh đạo Tiệp nói thêm, đồng thời lưu ý rằng các đồng minh Âu Châu đã không giữ “lời hứa” cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Pavel cũng nêu lên mối lo ngại về tốc độ huấn luyện phi công Ukraine trên các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất mà một số quốc gia NATO đã hứa cung cấp cho Kyiv.

Pavel nói thêm: “Điều này tạo ra sự mất cân bằng trong việc giao hàng và sự không chắc chắn về phía Ukraine không phải là cơ sở tốt cho kế hoạch quân sự”.

Bình luận của Pavel được đưa ra trong bối cảnh Nga phải đối mặt với tỷ lệ thương vong cao nhất trong cuộc chiến ở Ukraine cho đến nay trong cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa nhằm chiếm thị trấn phía đông Avdiivka. Tuy nhiên, bất chấp những tổn thất nặng nề, Nga đã đạt được những thành tựu ngày càng tăng đối với thành phố chiến lược này trong những tuần gần đây.

Theo đại diện của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, chỉ trong tháng 10, Nga đã sản xuất “115 hỏa tiễn có độ chính xác cao” để tăng cường kho dự trữ, bao gồm một số hỏa tiễn tầm xa. Tình báo Anh trước đó đưa tin rằng việc Mạc Tư Khoa tạm dừng các cuộc không kích ở Ukraine vào mùa thu năm nay là dấu hiệu cho thấy Nga có thể đang dự trữ pháo binh trong những tháng tới.

Pavel nói thêm trong cuộc phỏng vấn với Corriere Della Sera rằng Putin có thể được hưởng lợi trong những tuần gần đây do cuộc xung đột ở Dải Gaza, nơi cũng thu hút sự chú ý của thế giới phương Tây khi các nước đổ xô ủng hộ cuộc chiến của Israel chống lại nhóm chiến binh Palestine Hamas. Hồi đầu tháng này, Pavel cũng tuyên bố, theo báo Novinky của Tiệp, rằng ông không tin Ukraine có thể đạt được “ưu thế quân sự” so với Nga vào lúc này, đồng thời nói thêm, “Thời gian hiện đang có lợi cho Nga”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Tiệp cho biết trong cuộc phỏng vấn tuần này rằng các đồng minh của Kyiv vẫn “có khả năng thay đổi” cục diện cuộc chiến.

6. Thủ tướng Olaf Scholz nói sự hỗ trợ quân sự dành cho Ukraine có 'tầm quan trọng sinh tồn' đối với Âu Châu

Trong bài phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nhận định rằng:

“Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người Ukraine bao lâu còn cần thiết. Sự hỗ trợ này có tầm quan trọng sinh tồn không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với tất cả chúng ta ở Âu Châu.”

“Không ai trong chúng ta muốn tưởng tượng những hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra với chúng ta nếu Putin thắng cuộc chiến này.”

Scholz cho biết Đức là một trong những nước ủng hộ lớn nhất của Ukraine cùng với Mỹ và cung cấp một số lượng lớn vũ khí cho Kyiv.

Nhưng phán quyết của tòa án hiến pháp vào ngày 15 tháng 11 chống lại việc điều động ngân sách nhằm lách luật chống thâm hụt ngân sách của Đức đã khiến các kế hoạch tài chính của liên minh Scholz rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Nó cũng chỉ ra rằng các chính phủ của ông và các chính phủ tương lai sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn tinh thần luật chống thâm hụt ngân sách, nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách của chính phủ ở mức 0,35% tổng sản phẩm quốc nội, ngay cả khi có nhu cầu tăng chi tiêu một cách hợp lý.

7. Một bảo tàng Ukraine cho biết các đồ tạo tác cổ của người Scythia từ các bảo tàng ở Crimea bị Nga tạm chiếm đã được trả lại cho Ukraine sau một tranh chấp pháp lý về quyền sở hữu trong thời gian chúng ở Hà Lan gần một thập kỷ.

Hơn một nghìn hiện vật, bao gồm một chiếc mũ bảo hiểm Scythia bằng vàng nguyên khối và đồ trang trí trên cổ bằng vàng, đã được cho Bảo tàng Allard Pierson ở Amsterdam mượn khi quân đội Nga chiếm và sáp nhập bán đảo này vào năm 2014. Cả Ukraine và các bảo tàng nằm trên lãnh thổ do Mạc Tư Khoa kiểm soát đều tuyên bố quyền sở hữu khi triển lãm kết thúc, Reuters đưa tin.

“Sau gần 10 năm xét xử tại tòa, các hiện vật từ bốn bảo tàng Crimea được trưng bày tại triển lãm 'Crimea: vàng và bí mật của Hắc Hải' ở Amsterdam đã trở về Ukraine. Bảo tàng Allard Pierson đã bàn giao chúng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Ukraine”, bảo tàng quốc gia Ukraine cho biết.

Họ cho biết bộ sưu tập sẽ được lưu trữ trong bảo tàng quốc gia cho đến khi Crimea giải phóng. Bảo tàng Allard Pierson cho biết các hiện vật đã được trả về Kyiv vào Chúa Nhật.

Cơ quan hải quan Ukraine báo cáo rằng một chiếc xe tải chở “2.694 kg tài sản văn hóa” đã đi vào khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra 980 năm tuổi, nơi sẽ diễn ra quá trình nhận dạng tiếp theo.

Els van der Plas, giám đốc Allard Pierson cho biết: “Đây là một trường hợp đặc biệt, trong đó di sản văn hóa trở thành nạn nhân của sự phát triển địa chính trị”. “Chúng tôi rất vui vì sự rõ ràng đã xuất hiện và giờ đây chúng đã được trả lại.”

Vào tháng 6, Tòa án Tối cao Hà Lan đã ra phán quyết các món đồ này phải được trả lại cho Ukraine. Kyiv coi các hiện vật này là một phần di sản quốc gia, trong khi các bảo tàng do Mạc Tư Khoa kiểm soát cho biết họ phải quay trở lại bán đảo do các điều khoản cho vay.

8. Tai nạn hàng hải kinh hoàng sau khi đánh cắp của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Các tàu Nga vận chuyển ngũ cốc đánh cắp của Ukraine đâm vào nhau ở Hắc Hải.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các tàu Nga được cho là có liên quan đến việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine bị đánh cắp đã va chạm vào nhau ở khu vực Hắc Hải trong một cơn bão lớn.

Kênh truyền thông xã hội Shot cho biết vào tối Chúa Nhật, một “tai nạn hàng hải lớn” đã xảy ra ở eo biển Kerch sau khi tàu Matros Shevchenko va chạm với tàu Matros Pozynich khi nó cố gắng ra khơi.

Hai tàu này còn va chạm với một tàu khác đang neo đậu là Kavkaz-5, dù chưa rõ nguyên nhân vụ va chạm. Shot cho biết các tàu bị hư hại nhẹ nhưng “tránh được sự việc tràn nhiên liệu và ô nhiễm nguồn nước”.

Vào ngày 27 tháng 5, hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp cho thấy Matros Pozynich đã đến Syria với số ngũ cốc được cho là bị đánh cắp từ các trang trại của Ukraine.

Vào tháng 10, kênh Telegram thân Ukraine Crimea Wind đưa tin rằng Matros Shevchenko đã rời thành phố cảng Sevastopol với số ngũ cốc đánh cắp được của Ukraine trong bối cảnh có cáo buộc rằng Nga sử dụng Crimea như một “vùng xám” để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp mà họ đã chiếm giữ trái phép.

Công ty luật nhân quyền quốc tế, Global Rights Compliance, đã công bố một báo cáo trong tháng này cho biết Nga đã lên kế hoạch trước “cướp bóc và vũ khí hóa hơn 1 tỷ Mỹ Kim ngũ cốc của Ukraine mỗi năm” để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của mình.

Họ nói rằng đợt khai thác ngũ cốc hàng loạt đầu tiên được báo cáo vào tháng 3 năm 2022, trong đó lực lượng Nga đã chiếm giữ các cơ sở nông nghiệp và nắm quyền kiểm soát mạng lưới vận tải để tạo điều kiện thuận lợi cho việc “chuyển nhanh” ngũ cốc Ukraine vào Nga.

Yousuf Syed Khan, luật sư cao cấp của Global Rights Compliance, cho biết trong một tuyên bố gửi qua email cho Newsweek rằng Nga đã áp dụng “việc vũ khí hóa ngũ cốc của Ukraine được hệ thống hóa cao” và “có liên quan đến việc lập kế hoạch trước cực kỳ phức tạp”.

Khan nói: “Nga đang làm điều này để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh bất hợp pháp của mình, nhằm làmi giảm nhẹ các lệnh trừng phạt trên trường thế giới”, trong một nỗ lực “thể hiện như mình là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp trên lãnh thổ Ukraine”.

Giữa những cơn bão tàn phá khu vực Hắc Hải, kênh Telegram Mash liên kết với Điện Cẩm Linh đưa tin rằng ít nhất 8 tàu đã bị hư hại khi gió bão và sóng cao 30 foot đổ bộ vào Crimea, nơi sáp nhập vào Nga vào năm 2014.

Các video trên Telegram cho thấy sóng đánh vào bờ biển và cây cối bị đổ trong cơn bão khiến một người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương và khiến ít nhất nửa triệu người không có điện.

9. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov cho biết vào ngày 13/12 Thượng viện Nga sẽ chính thức công bố ngày bầu cử tổng thống vào tháng 3.

Theo luật pháp Nga, thượng viện quốc hội phải công bố ngày chính xác ít nhất 100 ngày trước cuộc bỏ phiếu. Ngày bầu cử được nhiều người cho là ngày 17 tháng 3.

“Theo thông tin của tôi, Hội đồng Liên bang sẽ chính thức tuyên bố bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống vào ngày 13 tháng 12,” Zyuganov nói.

Vladimir Putin, vẫn chưa cho biết liệu ông có kế hoạch tái tranh cử hay không, mặc dù gần như chắc chắn rằng ông sẽ làm như vậy và giành chiến thắng.

Các động thái gần đây của các tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh cho thấy rõ điều đó.

Margarita Simonyan, tổng biên tập của cơ quan truyền thông nhà nước RT, đã đưa ra nhận xét trên các chương trình phát sóng trên kênh Russia-1 rằng California sẽ thuộc về Nga vì trong quá khứ lãnh thổ này ĐÃ TỪNG là của Nga.

Vladimir Solovyov, một trong những nhân vật khét tiếng nhất trong giới truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, còn táo bạo hơn khi cho rằng Bồ Đào Nha nên thuộc về Nga vì trong quá khứ lãnh thổ này CHƯA TỪNG là của Nga.

Bất kể những thất bại trên chiến trường Ukraine, bất kể phải cầu cạnh Bắc Hàn, cả hai nhân vật truyền thông này đang muốn nói với công chúng Nga rằng quân đội của Putin có khả năng muốn đánh chiếm nước nào cũng được.

10. Liên Hiệp Âu Châu đồng ý tăng gấp 4 lần chi tiêu huấn luyện binh sĩ Ukraine

AFP đưa tin, Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý tăng hơn bốn lần chi tiêu để huấn luyện binh lính Ukraine chiến đấu với Nga, đầu tư thêm gần 200 triệu euro.

Khối 27 quốc gia cho đến nay đã đào tạo 34.000 binh sĩ Ukraine cho tiền tuyến, khiến Liên Hiệp Âu Châu trở thành nhà cung cấp đào tạo lớn nhất cho quân đội Ukraine.

Trong một tuyên bố, Brussels cho biết khoản tài trợ mới nhất đã tăng số tiền từ quỹ Cơ sở Hòa bình Âu Châu trung tâm của Liên Hiệp Âu Châu dành cho hoạt động đào tạo thêm 194 triệu euro lên 255 triệu euro.

Các quan chức cho biết họ đặt mục tiêu có 40.000 quân Ukraine do Liên Hiệp Âu Châu huấn luyện trong tương lai gần.

11. Thủ tướng Mark Rutte có nhiều khả năng trở thành Tổng thư ký NATO

Theo AFP, Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, rõ ràng là ứng cử viên hàng đầu để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của NATO - mặc dù kết quả gây sốc của phe cực hữu trong cuộc bầu cử ở Hà Lan có nguy cơ làm hoen ố di sản của ông.

Nhiều nhà ngoại giao cho rằng thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, và nhà ngoại giao hàng đầu của Latvia, Krišjānis Kariņš –cũng có hy vọng thay vị trí tổng thư ký hiện tại của liên minh, Jens Stoltenberg vào năm tới.

Stoltenberg đã hai lần gia hạn nhiệm kỳ kéo dài hàng thập kỷ của mình khi đối mặt với cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Người kế nhiệm dự kiến sẽ được công bố trước hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tại Washington. Rutte, 56 tuổi, trước đây đã tự loại trừ khả năng của mình, nhưng tháng trước đã nói với truyền thông Hà Lan rằng đây là một công việc “rất thú vị” và ông sẽ sẵn sàng đón nhận cơ hội này.

12. Nga thành công trong việc chặn đứng việc xuất bản một cuốn sách phơi bầy những sự thật kinh hoàng về Putin và Điện Cẩm Linh

Một doanh nhân Nga đã thực hiện thành công hành động pháp lý để cấm xuất bản một cuốn sách ở Đức về Điện Cẩm Linh và các cơ quan gián điệp của nước này, trong một vụ việc mà các nhóm tự do ngôn luận mô tả là một cuộc tấn công đáng báo động vào việc đưa tin vì lợi ích công cộng.

Hai nhà báo người Nga có trụ sở tại Luân Đôn, Andrei Soldatov và Irina Borogan, cho biết vào năm 2019, họ đã phỏng vấn doanh nhân Alexey Kozlov cho cuốn sách có nhan đề “Những người đồng hương” vì mối liên hệ lịch sử của gia đình doanh nhân này với tình báo Nga từ thời Liên Xô cho đến nay. Tuy nhiên, giờ đây doanh nhân Kozlov lại không muốn cuốn sách được xuất bản và đã giành được lệnh của tòa án cấm nhà xuất bản tung cuốn sách này ra thị trường.

Các tác giả cho rằng Alexey Kozlov có lẽ đã phải chịu một áp lực rất lớn từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB.

Index on Censorship cho biết trong một tuyên bố rằng họ cảm thấy “các chiến thuật đe dọa” đang được sử dụng để bịt miệng những người chỉ trích chế độ Nga sống ở nước ngoài. Tuyên bố của nó được ủng hộ bởi 15 nhóm tự do ngôn luận khác bao gồm PEN International và Article 19 Europe.

13. Nga pháo kích vào một tòa nhà 5 tầng ở thị trấn phía nam Nikopol

Các quan chức địa phương Ukraine cho biết đạn pháo của Nga đã tấn công một tòa nhà dân cư và nhà riêng hôm thứ Ba, khiến 4 người thiệt mạng và ít nhất 5 người bị thương.

Thống đốc vùng Dnipropetrovsk, Serhiy Lysak, cho biết một tòa nhà 5 tầng đã bị tấn công vào buổi sáng ở thị trấn phía nam Nikopol.

“Một người đàn ông 63 tuổi đã thiệt mạng. Hai phụ nữ 65 và 63 tuổi bị thương. Có thể có người dưới đống đổ nát”, ông cho biết.

Trong một cuộc tấn công khác vào buổi chiều, pháo kích của Nga đã phá hủy ít nhất 5 ngôi nhà tư nhân tại một khu định cư phía bắc ngay biên giới với Nga, các công tố viên khu vực Sumy cho biết, theo Reuters.

Các công tố viên cho biết trên Telegram rằng hai thi thể đã được tìm thấy từ đống đổ nát và một bé gái 7 tuổi đã chết trong bệnh viện sau khi chiếc xe hơi chở cô bé bị cháy.

14. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Quân đội Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và trên không vào Avdiivka kể từ giữa tháng 10, coi đây là tâm điểm của cuộc tấn công qua khu vực Donbas phía đông Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 21 tháng.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến tình hình xung quanh thị trấn Avdiivka.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong những ngày gần đây, lực lượng Nga đã có thêm những bước tiến nhỏ trên trục phía bắc của một chuyển động gọng kìm trong nỗ lực bao vây thị trấn Avdiivka của Donbas.

Kể từ đầu tháng 10 năm 2023, lực lượng Nga đã di chuyển tiền tuyến lên tới 2km trong khu vực này. Mặc dù khiêm tốn nhưng bước tiến này có thể là một trong những lợi ích lớn nhất của Nga kể từ mùa xuân năm 2023. Nó khiến các đơn vị Nga tham gia thiệt mạng hàng nghìn người.

Hoạt động này đang dần đưa quân đội Nga đến gần nhà máy than cốc và hóa chất Avdiivka, nơi lực lượng Ukraine duy trì một trong những vị trí phòng thủ chính của họ.

Mặc dù Avdiivka đã trở thành một điểm nóng hay căng thẳng ở tiền tuyến Ukraine, Ukraine vẫn kiểm soát một hành lang lãnh thổ rộng khoảng 7 km, qua đó nước này tiếp tục cung cấp hàng hóa cho thị trấn.
 
Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Nga, suýt bị bắt sống, vừa trúng mìn, tử trận. Quân Putin bỏ xe tăng chạy
VietCatholic Media
11:11 29/11/2023


1. Tướng Nga Tư Lệnh Sư Đoàn Xe tăng Cận vệ, Tư Lệnh Phó Tập Đoàn Quân tử trận

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Phúc trình cho thấy Thiếu tướng Nga bị nổ mìn ở mặt trận Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một chỉ huy cao cấp của Nga được cho là đã thiệt mạng sau khi bị nổ mìn ở Ukraine, vào hôm Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một.

Cái chết của Thiếu tướng Nga Vladimir Zavadsky đã được báo cáo bởi sĩ quan quân đội Ukraine, Đại tá Anatoly Stefan. Đại Tá Stefan cho biết trên kênh Telegram rằng Zavadsky, Tư Lệnh phó Tập Đoàn Quân 14 của Lực lượng vũ trang Nga, đã thiệt mạng hôm thứ Ba, 28 Tháng Mười Một vì đạp phải một quả mìn.

Các blogger quân sự Nga cho rằng mưa lớn đã di dời một số quả mìn tại khu vực Zaporizhzhia dẫn đến cái chết của Zavadsky. Nói cách khác, Zavadsky chết vì mìn của chính Nga, không phải mìn của Ukraine.

Theo Lữ Đoàn Dù số 80 của quân Ukraine, Thiếu tướng Vladimir Zavadsky đã từng thoát chết một lần. Trong những giờ đầu tiên của ngày 9 Tháng Chín, 2022, Zavadsky đã bị thương vì trúng phải một quả hỏa tiễn của Lữ Đoàn Dù 80. Khi đó, Zavadsky đang là Tư Lệnh Sư Đoàn Taman là một Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới.

Khi quân Ukraine ập vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, Zavadsky đã được quân Nga đưa lên một xe thiết giáp bỏ chạy. Các tù binh Nga bị bắt tại bộ chỉ huy Sư Đoàn Taman đã khai như trên.

Các cuộc tấn công của Kyiv trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin được cho là đã loại bỏ những nhân vật chủ chốt trong số những nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh. Mạc Tư Khoa đã mất đi một lượng lớn tướng lĩnh và chỉ huy hàng đầu trong cuộc xung đột.

Vào tháng 6, BBC Russian Service và hãng tin độc lập của Nga MediaZona đều đưa tin rằng trong tháng đầu tiên của cuộc phản công của Ukraine, từ ngày 4 tháng 6 đến ngày 7 tháng 7, một tướng Nga, hai đại tá và ba trung tá đã thiệt mạng trong trận chiến.

Zavadsky tốt nghiệp Trường Chỉ huy Vũ khí Liên hợp Mạc Tư Khoa, vào năm 2000. Chín năm sau, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Tổng hợp của Lực lượng Vũ trang Nga.

Sau đó, ông phục vụ trong quân đội Nga với chức vụ phó chỉ huy trung đoàn xe tăng huấn luyện, phó trung tâm huấn luyện, tham mưu trưởng lữ đoàn súng trường cơ giới, chỉ huy lữ đoàn súng trường cơ giới, và chỉ huy sư đoàn súng trường cơ giới Taman.

Zavadsky là chỉ huy Sư đoàn xe tăng cận vệ Kantemirovskaya, đóng quân ở khu vực Mạc Tư Khoa, từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 6 năm 2021, và là Tư Lệnh phó Tập Đoàn Quân số 14 khi tử trận.

Viktor Kovalenko, một cựu quân nhân và nhà báo Ukraine, trước đây đã nói với Newsweek rằng đối với quân đội Nga, mỗi sự mất mát của một sĩ quan quân sự hàng đầu sẽ tạo ra một “sự hỗn loạn cục bộ tạm thời” vì các đơn vị của họ “không được huấn luyện và thậm chí không được phép cơ động tự chủ”.

2. Lạnh quá, lính Nga bỏ lại hàng loạt xe tăng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Nghĩa trang xe tăng: Video từ máy bay không người lái ở Avdiivka cho thấy hàng loạt xe Nga bị bỏ lại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Những chiếc xe tăng Nga bị phá hủy và hư hại rải rác khắp khu vực xung quanh thị trấn Avdiivka đang bị bao vây, một đoạn phim mới xuất hiện cho thấy điều đó, khi quân đội Mạc Tư Khoa áp sát khu định cư chiến lược ở miền đông Ukraine.

Một đoạn clip ngắn, dường như là cảnh quay từ máy bay không người lái, cho thấy các phương tiện quân sự của Nga rải rác khắp vùng nông thôn. Các tài khoản mạng xã hội chia sẻ rộng rãi đoạn video cho thấy đoạn clip này nằm ở khu vực xung quanh Avdiivka, điểm nóng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng Nga và Ukraine ở Donetsk.

Thị trấn Avdiivka của Donbas đã trải qua phần lớn thập kỷ qua trên chiến tuyến giữa các lực lượng Ukraine và Nga – hay các lực lượng được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn - ở phía đông đất nước.

Lực lượng của Mạc Tư Khoa bắt đầu một cuộc tấn công lớn xung quanh thị trấn vào đầu tháng 10, với các làn sóng tấn công dường như lúc lên lúc xuống. Avdiivka đã trở thành tâm điểm trong các nỗ lực tấn công chính của Nga sau nhiều tháng Ukraine tấn công dọc theo chiến tuyến phần lớn tĩnh lặng ở phía nam và phía đông đất nước.

Các chỉ huy Ukraine đã báo cáo về một nỗ lực mới xung quanh Avdiivka của quân đội Nga vào tuần trước, mặc dù những nỗ lực này có thể đến từ “khả năng cơ giới hóa yếu hơn so với các đợt tấn công trước đó xảy ra vào tháng 10”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW cho biết.

Tổn thất về xe tăng và xe thiết giáp của Nga được cho là rất đáng kể xung quanh Avdiivka, với những trận chiến ác liệt có tỷ lệ thương vong cao. Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Hai rằng sáu tuần qua “có thể đã chứng kiến một số tỷ lệ thương vong cao nhất của Nga trong cuộc chiến cho đến nay”, đồng thời cho biết thêm rằng điều này là do chiến thuật sai lầm của Nga trên Avdiivka.

Tuy nhiên, Nga đã có những tiến bộ nhỏ xung quanh thị trấn được củng cố nghiêm ngặt. ISW cho biết trong đánh giá mới nhất của mình rằng mặc dù lực lượng Nga không đạt được bất kỳ bước tiến nào được xác nhận vào thứ Ba, nhưng Điện Cẩm Linh vẫn tiếp tục các hoạt động xung quanh Avdiivka.

Vitaly Barabash, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự của Avdiivka, cho biết thêm hôm thứ Ba: “Đối phương đang cố gắng tấn công thành phố từ mọi hướng”. Ukraine đã phải đối mặt với khoảng 30 cuộc tấn công của Nga xung quanh Avdiivka hôm thứ Ba, Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine, nói với truyền thông Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng Nga đang tìm cách tiến theo sáu hướng xung quanh thị trấn.

Hôm thứ Ba, chỉ huy Ukraine Oleksandr Tarnavskyi cho biết các chiến binh Ukraine đang “bảo vệ vững chắc” khu vực phòng thủ xung quanh Avdiivka.

Các lực lượng Nga tiếp tục tấn công Avdiivka với tốc độ chậm lại, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết thêm trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba.

3. Các Ngoại trưởng trong liên minh NATO kêu gọi viện trợ nhanh chóng cho Ukraine

Gabrielius Landsbergis, Ngoại trưởng Lithuania, đã phát biểu trên đường tới cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Brussels. Ông nói:

“Chúng ta phải hỗ trợ chiến lược của họ. Chiến lược của chúng ta là Nga phải thua; vì nền hòa bình trường tồn ở khu vực này.”

Ông nhấn mạnh rằng: “Ukraine đã cho thấy họ thành công như thế nào trong việc đẩy lùi người Nga”.

Landsbergis cho biết việc không cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine không thể là một lựa chọn vì hậu quả sẽ là nhiều cuộc chiến tranh hơn ở Âu Châu.

“Nếu Ukraine buộc phải dừng lại vì lý do này hay lý do khác, vì không… có đủ vũ khí, đạn dược, đột phá công nghệ, thì đó là do lỗi của chúng tôi. Đó là do lựa chọn của chúng ta… Và sau đó chúng ta sẽ phải bắt đầu tính giờ cho cuộc xung đột tiếp theo”, ông nói với các phóng viên.

Trên đường tới cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO tại Brussels, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng cho biết điều quan trọng là Đức và các đồng minh phương Tây khác trong NATO và Liên Hiệp Âu Châu phải tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Cô nói: “Chúng tôi đang nói rõ ở đây và cả tại cuộc họp của NATO ở Brussels rằng an ninh và hòa bình ở Ukraine cũng là sự bảo đảm cho hòa bình ở Âu Châu và đây là lý do tại sao chúng tôi, Đức cũng như tất cả các đối tác khác, tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bởi vì Ukraine không chỉ bảo vệ hòa bình cho người dân của mình mà còn bảo vệ chúng ta ở Âu Châu.”

4. Máy bay phản lực Nga bắn phá từ xa vào thị trấn Avdiivka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine cho biết máy bay phản lực Nga giữ 'khoảng cách' với Avdiivka”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Quân đội Ukraine cho biết máy bay chiến lược của Nga đang giữ khoảng cách với thị trấn Avdiivka ở miền đông Ukraine trong khi Nga cố gắng bao vây khu định cư kiên cố này.

Theo Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của lực lượng Tavria của Ukraine, trong vài ngày qua, lực lượng Nga đã sử dụng máy bay Su-35 để thả bom dẫn đường xung quanh Avdiivka.

Shtupun nói với Newsweek hôm thứ Ba: “Những máy bay này hoạt động từ xa,” đi vòng quanh lực lượng phòng không Ukraine. Ông nói thêm: “Trong hai ngày qua, hơn 20 cuộc không kích như vậy đã được ghi nhận”. Shtupun cho biết ban đầu Nga sử dụng cả máy bay phản lực và trực thăng tấn công để tiến hành các cuộc tấn công vào Avdiivka trong những ngày đầu của cuộc tấn công dữ dội.

Lực lượng Mạc Tư Khoa bắt đầu tấn công phối hợp quanh thị trấn vào ngày 10 tháng 10, và các cuộc tấn công vào Avdiivka đã giảm dần nhưng lại tăng cường trong một tuần gần đây. Khu định cư đã trở thành một điểm nóng của giao tranh dọc theo chiến tuyến phần lớn là tĩnh lặng. Đây sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược quan trọng đối với Nga nếu Điện Cẩm Linh chiếm được.

Avdiivka đã trở thành cái gai đối với Nga kể từ khi lực lượng ủy nhiệm của nước này nổi lên ở Donetsk vào năm 2014 và Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea vào phía nam lục địa Ukraine. Trong 9 năm, Ukraine đã có thời gian xây dựng hệ thống phòng thủ của mình một cách kiên cố.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, Vương quốc Anh, nói với Newsweek rằng Nga “rất khó chiếm được thị trấn này” khi các cuộc tấn công gia tăng vào tháng 10.

Ông Shtupun cho biết, từ ngày 10/10, khi Nga mở cuộc tấn công vào Avdiivka, lực lượng của nước này đã tích cực sử dụng máy bay Su-25, trực thăng Ka-52 và Mi-24. “Tuy nhiên, sau khi mất 8 máy bay tấn công Su-25 gần Avdiivka, việc sử dụng máy bay trên tiền tuyến và trực thăng tấn công đã giảm đáng kể”.

Shtupun đã nói với truyền thông Ukraine hồi đầu tháng này rằng 8 chiếc Su-25 của Nga đã bị bắn hạ quanh Avdiivka kể từ khi Mạc Tư Khoa tấn công thị trấn.

Tổn thất thiết bị và thương vong được cho là ở mức cao đối với Nga xung quanh Avdiivka; Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Hai cho biết, tháng rưỡi vừa qua “có thể đã chứng kiến một số tỷ lệ thương vong cao nhất của Nga trong cuộc chiến cho đến nay”, đồng thời cho biết thêm rằng điều này là do chiến thuật của Nga ở Avdiivka.

“Mạc Tư Khoa đang cố gắng tấn công thành phố từ mọi hướng”, Vitaliy Barabash, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự của Avdiivka, cho biết hôm thứ Ba, theo các phương tiện truyền thông.

5. Những thuyết âm mưu chung quanh vụ đầu độc vợ nhà lãnh đạo tình báo Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Vụ đầu độc vợ nhà lãnh đạo tình báo Ukraine làm dấy lên những thuyết âm mưu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Marianna Budanova, vợ của nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GRU), Kyrylo Budanov, đang được điều trị vì ngộ độc trong vụ việc có thể là mục tiêu nghiêm trọng nhất nhằm vào một thành viên gia đình của giới lãnh đạo Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine từ tháng 2 năm 2022.

Giữa những nghi ngờ rằng đây là một vụ ám sát do Mạc Tư Khoa chỉ đạo nhằm vào Budanov, hãng truyền thông Nga news.ru lại tung ra các suy đoán vô căn cứ rằng nó có liên quan đến đấu đá nội bộ giữa giới tinh hoa Ukraine. Kênh điều tra Telegram tiếng Nga Agentsvo cho biết vụ việc này khác với các vụ đầu độc trước đây được cho là do Nga thực hiện.

Các quan chức Ukraine đã xác nhận thông tin cho rằng Budanova bị ốm do “kim loại nặng”, còn Ukrainska Pravda đưa tin rằng cô “rất có thể bị nhiễm độc qua thực phẩm” nhưng đang hồi phục. Bản thân Trung Tướng Budanov không bị đầu độc, tờ báo này cho biết.

Quan chức GRU Andriy Yusov nói với Đài Âu Châu Tự do do Hoa Kỳ tài trợ rằng Budanova “đang trải qua một quá trình điều trị và quá trình này sắp kết thúc”. RFE cũng đưa tin rằng các quan chức tình báo giấu tên cũng dường như đã bị đầu độc bằng “các chất” “không được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày hoặc cho mục đích quân sự” và chúng có thể “cho thấy một nỗ lực đầu độc đã được tính toán trước”.

Trung Tướng Budanov bị truy nã ở Nga, nơi ủy ban điều tra điều tra tội phạm nghiêm trọng đã cáo buộc ông và các thành viên khác trong ban lãnh đạo quân sự Ukraine liên quan đến các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Được biết, đã có ít nhất 10 vụ ám sát ông kể từ năm 2014, trong đó có một vụ trong cuộc xâm lược toàn diện sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào Cơ quan Quản lý Nhà nước Ukraine ở Kyiv. Budanov nói rằng vợ anh sống cùng anh tại văn phòng, mặc dù cô ấy không làm việc tại GRU.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Elle ấn bản tiếng Ukraine, Budanova, 30 tuổi, một nhà tâm lý học, đã nói về việc sống trong sợ hãi.

Theo một bản dịch, cô nói với cơ quan truyền thông: “Sau tất cả những nỗ lực tấn công vào gia đình chúng tôi, vào chồng tôi, vào tôi, chúng tôi nhìn nhận mỗi ngày trong cuộc sống của mình một cách khác nhau”.

Nguồn tin của BBC Ukraine trong các cơ quan thực thi pháp luật Ukraine cho biết vụ án hình sự vẫn chưa được mở, nhưng có thể một cuộc điều tra chính thức sẽ bắt đầu trong thời gian tới.

Gần đây đã có những sự việc không giải thích được khác làm dấy lên nghi ngờ. Đầu tháng 11, trợ lý chính của Zaluznhy, Thiếu tá Hennadiy Chastykov, đã thiệt mạng khi mở món quà sinh nhật có chứa một quả lựu đạn. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết “vụ nổ bi thảm” xảy ra khi Chastykov giật quả lựu đạn từ cậu con trai 13 tuổi.

6. Bão tuyết Mùa đông cướp đi mạng sống của hàng trăm lính Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Chiến tranh Nga-Ukraine trong điều kiện thời tiết Bão tuyết Mùa đông”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một chiếc xe tăng phủ đầy tuyết được mô tả trong bức ảnh không ghi ngày tháng này. Điều kiện thời tiết lạnh giá, bao gồm cả bão tuyết, đã cướp đi sinh mạng và làm chậm nhịp độ cuộc chiến Nga-Ukraine trong những ngày gần đây.

Báo cáo của tổ chức cố vấn có trụ sở tại Mỹ công bố hôm thứ Hai cho biết: “Bất chấp điều kiện thời tiết đầy thách thức, cả lực lượng Nga và Ukraine vẫn tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ trên khắp Ukraine, mặc dù tốc độ chậm hơn rất nhiều do tuyết, và tầm nhìn kém”.

ISW nói tiếp: “Điều kiện mùa đông đầy thử thách sẽ buộc cả hai bên phải phụ thuộc nhiều hơn vào các cuộc tấn công mặt đất do bộ binh chỉ huy trong trường hợp không có khả năng trinh sát trên không và không thể điều chỉnh pháo binh”.

Báo cáo của ISW cũng trích dẫn tuyên bố của Ukraine rằng các lực lượng Nga từ khu định cư Avdiivka của Donetsk bị bao vây đến vùng Zaporizhzhia đã “giảm việc sử dụng pháo binh xuống một lần rưỡi và giảm việc sử dụng máy bay không người lái xuống đến sáu lần do thời tiết”, trong khi tiếp tục “sử dụng nhiều hơn các loại máy bay” gần Avdiivka.

Cuộc phản công chính của Ukraine đang diễn ra ở phía nam đất nước, trong khi các cuộc tấn công của Nga tập trung vào các khu vực bao gồm Avdiivka. Bộ Quốc phòng Anh nhận định trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Bảy rằng điều kiện thời tiết sẽ khiến “có rất ít triển vọng trước mắt về những thay đổi lớn ở tiền tuyến” khi mùa đông đến.

Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, hôm thứ Hai đã chia sẻ với X, trước đây là Twitter, một đoạn video ngắn cho thấy quân đội Ukraine tiến quân qua một cơn bão tuyết đầy gió. Bài đăng của Gerashchenko bao gồm bình luận, “Những người bảo vệ của chúng tôi đã trấn giữ tiền tuyến trong những điều kiện này.”

Không rõ liệu thời tiết mùa đông khắc nghiệt có mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine hay Nga hay không. Trong khi mặt đất đóng băng – đủ cứng để hỗ trợ các phương tiện như xe tăng – có thể mang lại lợi ích cho lực lượng tấn công, lực lượng Ukraine có thể thành thạo hơn trong việc chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt vì họ ở trên đất nhà.

Phát ngôn nhân quân đội Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov mới đây cho biết “nhiệm vụ chính” của lực lượng Kyiv trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt sẽ là làm gián đoạn các hoạt động của Nga “để họ đói, lạnh và không còn ý chí chiến đấu”, đồng thời cảnh báo rằng “đối phương nên mong đợi những điều bất ngờ từ bầu trời.”

Nga có thể tìm cách lặp lại một số chiến thuật của mình trong cuộc tấn công mùa đông năm ngoái, khi nước này tiến hành các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, dẫn đến tình trạng mất điện trên các vùng rộng lớn. Quân đội của Putin gần đây đã dự trữ một kho lớn hỏa tiễn, máy bay không người lái và các loại vũ khí khác cho mùa lạnh.

7. Các đồng minh NATO đã gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ để cuối cùng chấp thuận nỗ lực gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển đang bị đình trệ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại cuộc họp của các ngoại trưởng liên minh rằng đơn ghi danh của Thụy Điển nên được phê chuẩn “càng sớm càng tốt”.

“Sức mạnh và độ tin cậy của liên minh của chúng ta đang bị đe dọa. Chúng ta không được để mất thêm một ngày nào nữa”, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi là thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn đề xuất của Thụy Điển, hơn 18 tháng sau khi nước này nộp đơn xin gia nhập.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tranh luận trong tháng này về đơn xin gia nhập của Thụy Điển sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đưa ra quy trình này sau một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7.

8. Jens Stoltenberg kêu gọi các đồng minh NATO 'tiếp tục' hỗ trợ Ukraine

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, đã kêu gọi các thành viên của liên minh “tiếp tục” hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga, Reuters đưa tin.

“Nghĩa vụ của chúng ta là bảo đảm rằng chúng ta cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà họ cần”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên khi ông đến dự cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao từ các nước NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels.

“Chúng ta phải đi theo hướng đó. Đây cũng là về lợi ích an ninh của chúng ta.”

Nhận xét của ông được đưa ra trong bối cảnh gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Mỹ do chính quyền Tổng thống Biden đề xuất đang trong tình trạng lấp lửng do sự phản đối của một số thành viên trong Quốc hội.

Trong khi đó, đề xuất của nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, về việc phân bổ tới 20 tỷ euro trong 4 năm để viện trợ quân sự cho Ukraine đã vấp phải sự phản đối của Hung Gia Lợi.

9. Lính Nga mô tả tình hình bi đát của họ trên các đảo Dnipro bị ngập lụt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lính Nga nói về 'cái chết chắc chắn' trên quần đảo Dnipro bị ngập lụt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Trong một video được đăng hôm thứ Ba, là video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, một người lính Nga đã trình bày chi tiết về những điều kiện khắc nghiệt mà anh cho biết đơn vị của anh phải đối mặt tại vị trí của họ trên các đảo trên sông Dnipro ở Ukraine.

Đoạn video cho thấy nước Dnipro dâng cao tràn vào trại quân Nga, và người lính giấu tên chỉ trích các chỉ huy quân sự của anh ta, nói rằng “cái chết chắc chắn” sẽ đến với quân đóng trên quần đảo.

Video của người lính này lần đầu tiên được đăng trên Telegram, nhưng WarTranslation, một dự án truyền thông độc lập chuyên dịch các tài liệu về cuộc chiến Nga-Ukraine sang tiếng Anh, sau đó đã chia sẻ đoạn clip này lên X..

WarTranslation thường xuyên đăng tải video binh lính Nga bày tỏ sự bất bình với Putin hoặc các nhà lãnh đạo quân sự của ông. Tuần trước, tài khoản X của WarTranslation đã chia sẻ một đoạn video từ một nhóm lính Nga cáo buộc chỉ huy của họ giao cho họ một nhiệm vụ với hy vọng họ sẽ bị giết chết hết.

Những người lính trong video đó cáo buộc rằng người chỉ huy muốn họ chết để che đậy những sai lầm trong quá khứ của ông ta khiến những người lính khác thiệt mạng. Họ cho biết nhiệm vụ này là một đợt triển khai tới các đảo Dnipro. Không rõ có người lính nào trong video tuần trước xuất hiện trong clip hôm thứ Ba hay không.

Trong video gần đây hơn, người lính đã đưa túp lều của mình ra trước ống kính, chỉ ra mọi thứ trở nên hỗn loạn như thế nào sau khi nó bị ngập lụt gần đây.

“Tất cả chỗ ngủ đều ở dưới nước,” anh nói, theo phụ đề tiếng Anh của WarTranslation, trước khi chỉ xuống đất. “Bằng cách nào đó, mọi người có thể nằm được ở đó.”

Người lính sau đó thể hiện sự vô vọng mà anh ta cảm thấy về môi trường xung quanh bằng cách nói rằng anh ta không quan tâm đến các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ lực lượng Ukraine.

“Hôm qua tuyết rơi. Đây là tất cả những gì chúng tôi cố gắng cứu được,” anh nói khi máy quay tập trung vào một đống vũ khí nhỏ trên giường.

Sau khi đưa nước tràn đến bên ngoài lều của mình, người lính dường như đang muốn thưa chuyện với những chỉ huy của mình.

“Ồ, chết tiệt. Thật ra thì quý anh đang gửi chúng tôi đi đâu vậy? Đến một cái chết chắc chắn à?” anh ta nói đầy vẻ mỉa mai.

Trong chú thích cho bài đăng gốc trên Telegram nơi video được WarTranslation lấy ra, tác giả chỉ ra rằng những người lính trên đảo đang phải trải qua “những điều kiện khó khăn nhất”.

Chú thích nói thêm rằng thông tin liên lạc và pháo binh trên đảo đã “vô ích” và đề cập đến “vấn đề” đang diễn ra với các tàu của đơn vị.

Bài đăng trên Telegram cũng lưu ý rằng “việc lựa chọn nhân sự cho các hoạt động trên quần đảo cũng đặt ra câu hỏi”, cho biết thêm rằng các chỉ huy Nga thường tuyển dụng “những người họ không ưa” cho những nhiệm vụ như vậy như một hình thức trừng phạt.

10. Phản ứng dữ dội chống lại quyết định cho phép Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự cuộc họp OSCE ở Skopje ngày càng gia tăng.

Trong một tuyên bố chung, ngoại trưởng các nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania cho biết kế hoạch tham dự của ông Lavrov “có nguy cơ hợp pháp hóa nước xâm lược Nga với tư cách là thành viên hợp pháp của cộng đồng các quốc gia tự do của chúng ta”. Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Brussels, Ngoại trưởng Estonia, Margus Tsahkna, cho biết:

Sự tham dự của ông Lavrov đã hợp pháp hóa những tội ác tàn bạo mà Nga tiếp tục phạm phải. Vị trí của ông Lavrov là ở tòa án đặc biệt chứ không phải bàn Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu, gọi tắt là OSCE.

Chính vì thế, cả 3 nước quyết định sẽ không tham dự hội nghị OSCE tại Skopje /skô-pi-a/.

Năm ngoái, nước chủ nhà OSCE Ba Lan từ chối cho ông Lavrov tham dự, khiến Nga phản ứng giận dữ.

Ukraine cho biết họ cũng sẽ tẩy chay cuộc họp OSCE ở thủ đô Skopje của Bắc Macedonia, sau lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ông Lavrov cho biết ông dự định sẽ tham dự.

Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Bulgaria cho biết họ sẽ mở không phận cho Bộ trưởng Nga; đưa ra miễn trừ ngoại giao đối với việc đóng cửa bầu trời Âu Châu đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine của nước này.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Kyiv Oleg Nikolenko nói Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba sẽ “tẩy chay cuộc họp cấp bộ trưởng OSCE vì quyết định cho phép ông Lavrov tham dự”.

Kyiv đã kêu gọi loại Mạc Tư Khoa ra khỏi tổ chức. Nikolenko nói: “Chúng ta phải làm việc cùng nhau để cứu OSCE khỏi tay Nga”. Ông nói rằng Nga nên bị loại khỏi OSCE vì Nga “đã tiến hành cuộc xâm lược vũ trang lớn nhất ở Âu Châu kể từ khi kết thúc Thế chiến II”.

Bắc Macedonia hiện nay giữ chức chủ tịch luân phiên của cơ quan an ninh Âu Châu.

11. Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết ông “tin tưởng” Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, bất chấp sự cản trở chính trị ở Washington

Mỹ đã cung cấp hơn 40 tỷ Mỹ Kim viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược và cam kết hỗ trợ Kyiv trong thời gian cần thiết.

Tuy nhiên, sự phản đối của những người theo đường lối cứng rắn tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã đặt ra câu hỏi về tương lai sự hỗ trợ của Mỹ.

“Tôi tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ vì làm như vậy là vì lợi ích an ninh của Hoa Kỳ và nó cũng phù hợp với những gì chúng ta đã đồng ý”, ông Stoltenberg nói tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Bruxelles.

“Tôi kêu gọi các đồng minh cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ”, ông Stoltenberg nói, đồng thời chỉ ra 10 tỷ euro đã được Đức và Hà Lan cam kết gần đây.

Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng:

“Mặc dù tiền tuyến không di chuyển nhiều nhưng quân Ukraine đã có thể gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Nga.”

12. Phần Lan đã đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga

Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga đối với khách du lịch trong hai tuần tới để cố gắng ngăn chặn dòng người xin tị nạn đến quốc gia Bắc Âu này. Ông coi dòng người xin tị nạn từ Nga là một vấn đề an ninh quốc gia.

Tuần trước, Phần Lan đã đóng cửa tất cả trừ một trong những đồn biên giới còn lại đối với khách du lịch từ Nga, chỉ mở cửa khẩu cực bắc nằm ở Bắc Cực.

Nhưng cửa khẩu này giờ đây cũng sẽ bị đóng cửa, chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa.

Orpo cho biết đất nước của ông dự đoán sẽ có nhiều người xin tị nạn đến biên giới qua Nga và có kế hoạch thực hiện các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn dòng người sau khi đóng cửa tất cả trừ một điểm nhập cảnh trong những tuần gần đây.

Theo Lực lượng Biên phòng Phần Lan, khoảng 900 người xin tị nạn từ các quốc gia bao gồm Afghanistan, Kenya, Maroc, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen đã vào Phần Lan từ Nga trong tháng 11, tăng so với mức dưới một người mỗi ngày trước đó.
 
Tòa Thánh cảnh báo các GM cấp tiến Đức: Kho tàng đức tin không thể mang ra bỏ phiếu YES hay NO
VietCatholic Media
19:43 29/11/2023


1. Thầy Alois Loser Tu viện trưởng Taizé sắp từ nhiệm

Thầy Alois Loser sắp từ nhiệm chức vụ Tu viện trưởng Tu viện Đại kết Taizé bên Pháp, bắt đầu từ Mùa vọng sắp tới và sẽ chuyển sang cộng đoàn ở Cuba.

Thày Alois Loser, là một tín hữu Công Giáo người Đức, đã hướng dẫn tu viện Taizé trong 18 năm qua, sau khi thầy Roger Schutz, sáng lập viên và là Tu viện trưởng Taizé bị một phụ nữ bệnh tâm trí sát hại trong buổi đọc kinh tối hồi tháng Tám năm 2005. Thầy Roger người Thụy Sĩ, thuộc Giáo hội Tin lành Calvin, đã thành lập Cộng đoàn ở Taizé bên Pháp năm 1944.

Tu viện này phát triển với thời gian và hiện nay có 90 tu huynh thuộc các Giáo hội Kitô khác nhau, Công Giáo và Tin lành, đến từ 30 quốc gia. Cộng đoàn này thu hút nhiều người trẻ trên thế giới và hàng năm vẫn tổ chức các cuộc gặp gỡ giới trẻ vào cuối năm tại một thành phố ở Âu châu và thỉnh thoảng ở các đại lục khác, trong chương trình gọi là “Những người lữ hành trên đường hy vọng”.

Ngày 02 và ngày 03 tháng Mười Hai tới đây, Chúa nhật thứ I Mùa vọng, thầy Matthêu 58 tuổi, thuộc Anh giáo, sẽ đảm nhận chức vụ bề trên Taizé. Thầy sinh ngày 10 tháng Năm năm 1965, tục danh là Andrew Thorpe, tại làng Pudsey, gần thành phố Leeds, miền West Yorkshire. Năm 20 tuổi anh đến Taizé lần đầu tiên và gia nhập cộng đoàn này năm sau đó 1986.

Về phần thầy Alois Loser, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức KNA, truyền đi hôm 22 tháng Mười Một vừa qua, thầy cho biết trước hết thầy sẽ đến một cộng đoàn ở miền bắc Ý và lưu lại ba tháng, rồi sẽ di chuyển sang Cuba, trong một cộng đoàn nhỏ của các tu huynh Taizé, tại một thành phố nhỏ, cách thủ đô La Habana khoảng 3 giờ xe hơi.

2. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tông huấn “Niềm vui Tin mừng”

Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định rằng sứ mạng loan báo Tin mừng và đời sống Kitô không thể lơ là với những người nghèo, vì chính họ đánh dấu con đường cứu chuộc. Cần thay đổi não trạng để chấm dứt các cuộc chiến tranh, cuộc khủng hoảng về khí hậu và di cư.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp gửi Hội nghị do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin mừng, công bố hồi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Chỉ khi nào chúng ta lắng nghe tiếng kêu thường bị bóp nghẹt của trái đất và người nghèo, chúng ta mới có thể chu toàn sứ mạng truyền giảng Tin mừng, sống cuộc sống Chúa Giêsu đề nghị và góp phần giải quyết các vấn đề trầm trọng của nhân loại”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại rằng, qua Tông huấn “Niềm vui Tin mừng” mời gọi các tín hữu hãy “khôi phục niềm vui thừa sai của các tín hữu Kitô tiên khởi”, mặc dù họ bị vu khống, xỉ nhục, bách hại, tra tấn và giết hại, nhưng họ chính là mô thức của một Giáo hội đi ra ngoài, biết đưa ra những sáng kiến mà không sợ hãi, ra đi gặp gỡ, tìm kiếm những người ở xa và mời gọi những người bị loại trừ.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Việc loan báo Tin mừng trong thế giới ngày nay tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải kháng cự, theo tinh thần ngôn sứ, như một giải pháp khác về văn hóa, và điều này đứng trước cá nhân chủ nghĩa duy khoái lạc ngoại giáo, chế độ giết hại, loại trừ, hủy hoại phẩm giá con người, và não trạng hải đảo, xa lạ, giới hạn đời sống nội tâm vào những tư lợi của mình, xa cách tha nhân và Thiên Chúa, vì toàn thể con đường cứu chuộc được những người nghèo đánh dấu... Vì thế, không thể không đặt những người nghèo ở trung tâm. Đây không phải là chính trị, cũng chẳng phải là ý thức hệ, nhưng chỉ là đòi hỏi của Tin mừng”.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cần phải thay đổi não trạng, cần suy tư trong tinh thần cộng đồng và dành ưu tiên cho cuộc sống của mọi người, sống tình liên đới như quyết định trả lại cho người nghèo điều thuộc về họ. Trong niềm tôn trọng nền độc lập và văn hóa của mỗi nước, cần luôn nhớ rằng trái đất là của toàn thể nhân loại và dành cho nhân loại. Vì thế, cần phải lắng tai nghe tiếng kêu của các dân tộc khác, hiện cư ngụ tại đất nước chúng ta”.

3. Thư Đức Hồng Y Parolin gửi các giám mục Đức về chức linh mục và vấn đề đồng tính luyến ái

Tuần báo “Die Tagespost” ở Đức đã đăng lá thư dài ba trang của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gửi cho các giám mục Đức để tái khẳng định giáo huấn của Giáo hội về chức linh mục dành cho người nam, và về đồng tính luyến ái. Đây là những vấn đề không thể thương thuyết. Vì thế, không thể chấp nhận con đường riêng cho Giáo hội tại Đức về các đến đề này.

Báo này cho biết Đức Hồng Y Parolin thông báo điều này cho Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Đức, là bà Beate Gilles, trong thư đề ngày 25 tháng Mười vừa qua. Lá thư nói rằng trong cuộc gặp gỡ tới đây với phái đoàn của các giám mục Đức, Tòa Thánh sẽ không thảo luận về Tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”, Truyền chức linh mục, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành hồi năm 1994 khẳng định chung kết rằng chức linh mục chỉ dành cho nam giới. Cũng vậy đối với vấn đề đồng tính luyến ái.

Trang mạng của Hội đồng Giám mục Đức, ngày 24 tháng Mười Một vừa qua, cho biết ông Matthias Kopp, Phát ngôn viên của các giám mục Đức, xác nhận rằng trong khóa họp đầu tuần tới đây, Ban thường vụ Hội đồng Giám mục sẽ thảo luận về lá thư này.

Hồi tháng Sáu năm nay, nhiều vị Bộ trưởng của Đức Thánh Cha đã gặp gỡ, lần đầu tiên, với các đại diện của các giám mục Đức, để bàn về Tiến trình Công nghị của Giáo hội này. Đến tháng Mười tiếp đó, trong dịp tham dự Thượng Hội đồng Giám mục ở Roma, Đức Cha Chủ tịch Georg Bätzing và bốn giám mục Đức đã gặp và nói chuyện với năm vị Bộ trưởng của Tòa Thánh. Các cuộc trao đổi này sẽ tiếp tục trong năm tới. Các vị Bộ trưởng Giáo lý đức tin, Hiệp nhất các tín hữu Kitô, Bộ Giám mục, Phụng tự và kỷ luật bí tích cũng như Bộ Giáo luật sẽ gặp và thảo luận với các giám mục Đức vào tháng Giêng, tháng Tư và tháng Sáu năm tới, những gì không thể thay đổi trong giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội, cũng như những gì có thể thay đổi. Trong số các vấn đề đó có giáo huấn của Giáo hội, hình ảnh con người, luân lý và phụng vụ, các văn kiện của Tiến trình Công nghị.

Thư của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng một con đường đồng nghị (Synodal) đang được thực hiện trên bình diện Giáo hội hoàn vũ, vì thế, cần phải tôn trọng con đường này và tránh gây ra ấn tượng có những sáng kiến song song với Con đường này và tỏ ra dửng dưng đối với ý tưởng cùng đi với nhau”.

Tuy chưa có phản ứng của Hội đồng Giám mục Đức, nhưng giới lãnh đạo Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, đã bày tỏ bất đồng.

Tuyên bố trong Đại hội của Ủy ban này ở thủ đô Berlin, hôm 24 tháng Mười Một vừa qua, bà Chủ tịch Irme Stetter-Karp nói: Parolin cũng đã từng tuyên bố rằng sự tham dự và bỏ phiếu về các quyền của phụ nữ trong Thượng Hội đồng Giám mục hồi tháng Mười là điều “không thể tưởng tượng được và bất hợp pháp”, vì nó không hợp giáo luật và cơ cấu bí tích cơ cấu và lịch sử của Giáo hội”, nhưng Đức Giáo Hoàng của chúng ta đã làm gì? Bất chợt điều đó trở nên hợp pháp, có thể và được đưa vào hành động”! Năng động này trong Vatican và giữa Giáo triều với Đức Giáo Hoàng là điều cần để ý.

Về phần giáo sư Thomas Soeding, Phó chủ tịch Ủy ban ZdK, nhận định rằng lá thư của Đức Hồng Y Parolin chứng tỏ có một cuộc thảo luận giữa Đức và Roma, điều này dĩ nhiên là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, ông chống lại ý tưởng theo đó có những vấn đề trong Giáo hội không thể thương thuyết được. “Đây không phải là thương thuyết. Vấn đề là chúng ta có đương đầu với những vấn đề hiện có trong Giáo hội hay không”. Đây chỉ là vấn đề quyền bính trên thế giới trước tuyên bố của Vatican nói rằng Giáo hội không có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ. Chúng tôi đã nói về điều đó và chúng ta sẽ thấy kết quả.

Còn về vấn đề đồng tính luyến ái, Thượng Hội đồng Giám mục đã tuyên bố Giáo Hội Công Giáo, với nhân loại học truyền thống chưa có mọi câu trả lời, nhưng cần trao đổi với các khoa học nhân văn”.