Ngày 06-12-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:14 06/12/2015
73. SỢ LUẬT MÀ ĐẾN.
N2T

Tư Mã Cảnh vương đông chinh, lệnh cho Lý Hỷ làm tùng sự trung lang.
Tư Mã Cảnh vương hỏi ông ta:
- “Trước đây, tiên công đã mời ông, nhưng ông lại từ từ không muốn ra làm quan, bây giờ ta mời ông, thì ông lại rất nhanh tới, là duyên cớ gì ?”
Lý Hỉ cười nói:
- “Tiên công lấy lễ tiếp đãi, thì tôi lấy lễ để tiến lùi, còn ngài thì công minh sáng suốt lấy pháp lệnh để ràng buộc, tôi vì sợ pháp lệnh, cho nên phải đến”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 73:
Người hay dùng luật, thì ta lấy luật mà nói; người hay dùng lễ nghĩa, thì ta lấy lễ nghĩa mà đối đãi, đó chính là người thức thời.
Nhưng trong đời sống linh đạo tu đức của người Ki-tô hữu thì không phải như thế, nhưng như thế này :
- Người lấy thái độ kiêu căng để đối xử với ta, thì ta dùng khiêm tốn đối đãi họ; người dùng quyền uy để tiếp đãi ta, thì ta dùng sự đơn sơ chất phác đối đãi họ; người dùng bạo lực đối xử ta, thì ta dùng sự hiền lành đối đãi họ... Bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi đứng trước mặt Phi-la-tô và Hê-rốt.
Thiên Chúa đã dùng tình yêu để đối đãi với tôi, thì tôi cũng sẽ dùng yêu thương để đền đáp tình yêu của Ngài, mà cách đền đáp hay nhất chính là yêu thích nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của tôi.
Đó mới đúng là “thức thời” nhất vậy, cái thức thời này làm cho chúng ta được thêm nhiều bạn bè và nhất là được trở nên bạn hữu thân thiết của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:16 06/12/2015
N2T

5. Con đừng quên, từ ngày con tuyên khấn dâng hiến cho Thiên Chúa, thì con không còn là con nữa, thân xác và tất cả những gì của con đều thuộc về Thiên Chúa, nếu con tùy tiện dùng lung tung theo ý nghĩ của con, thì coi như con đã ăn trộm của Thiên Chúa.

(Thánh Basilius Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Điều phải làm để hối cải
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
20:42 06/12/2015
Chúa Nhật III MÙA VỌNG, năm C
Lc 3, 10-18

ĐIỀU PHẢI LÀM ĐỂ HỐI CẢI

Hôm nay bước vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, nên bầu khí có vẻ rộn ràng hơn dù rằng những ngày này là những ngày bà con giáo dân đang xét mình để lãnh nhận bí tích giao hòa. Thực tế, có nhiều người sợ phải nhìn lại mình, sợ phải đến tòa giải tội bởi vì họ sợ phải quay về quá khứ. Tuy nhiên, những ngày này phải là những ngày vui hơn, rộn ràng hơn bởi vì màu tím không phải là màu ảm đạm như nhiều người lầm tưởng, nhưng giữa mùa tím lại có màu hồng gợi lên niềm hy vọng. Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật hồng giữa mùa tím vì giữa sự ảm đạm của chờ đợi, nhân loại lại bừng lên niềm vui hy vọng…

Các bài đọc Chúa Nhật III mùa vọng, đặc biệt là bài Tin Mừng của thánh Luca cho thấy sau khi Gioan Tẩy Giả rao giảng về việc ăn năn hối cải và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trong ngày chung thẩm thì mọi người, nhất là những người bị coi là tội lỗi đều thành tâm hỏi Gioan xem họ phải làm gì để gọi là hối cải theo lời Gioan Tẩy Giả kêu mời ? Thánh Luca đã trình bầy cho chúng ta thấy Gioan đã đưa ra những việc làm cụ thể cho từng hạng người.

Đối với mọi người, Gioan nói rằng họ phải chia sẻ. Chia sẻ là điều phải làm : chia sẻ cơm ăn, áo mặc là quan tâm tới những nhu cầu thực tế của những ai đang thiếu thốn, khó nghèo. Đối với những người làm nghề thu thuế, Gioan đòi hỏi họ không được thu thuế quá mức ấn định. Đọc Tin mừng, chúng ta nhận ra những người thu thuế thường không được người dân thiện cảm vì họ tiếp tay với ngoại xâm để bóc lột dân chúng, hà khắc, lợi dụng nghề để hái ra tiền làm giầu bất chính. Do đó, họ bị ghép vào hạng tội lỗi. Đối với các binh lính, Gioan buộc họ không được hiếp đáp, cáo gian cho dân, không được gian tham, ỉ quyền, ỉ thế vv...

Rao giảng hối cải theo thánh Gioan là điều cần thiết, là ưu tiên để đi vào thời cứu chuộc, là thực hiện sự công bằng, tình huynh đệ giữa mọi người với nhau.

Thánh Luca trong phần hai của đoạn Tin mừng này đã cho các môn đệ của Ông hay rằng những việc làm của Ông chỉ để dọn đường cho Đấng Cứu Thế bởi vì Gioan Tẩy Giả là người của Cựu Ước. Ông đã trả lời cho các thắc mắc cho các môn đệ của Ông, đã từ lâu nay nghi ngờ trong lòng không biết Gioan Tẩy Giả có phải là Đấng Cứu Tinh hay không ? Đấng sẽ đến trong thời Tân Ước là Đấng đến đầy quyền uy, Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa, đồng thời lại là Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết : Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, là Đấng Mêsia.

Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa mới là nền tảng của sự sám hối, ăn năn. Bài đọc I trích sách ngôn sứ Sophonia cho hay :” Thiên Chúa là Đấng đầy lòng yêu thương, Ngài rút lại lời kết án và đẩy lui quân thù, đẩy lui sự dữ, Ngài là Đấng cứu độ và ở giữa dân Ngài với sức mạnh và tình thương vô biên của Ngài “. Đấng cứu độ chính là Đức Kitô Giêsu. Ngài đến để mạc khải tình thương của Ngài và chỉ cho con người cách thức đáp trả lại tình thương của Ngài.

Sám hối ăn năn chính là đi vào đường lối yêu thương của Chúa bởi vì Ngài đến để yêu thương, chỉ bảo con người sống yêu thương như Ngài. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta, yêu thương nhân loại đến tận cùng. Hãy yêu thương như Chúa. Đó là toàn bộ giáo huấn của Chúa. Đó là nội dung xuyên suốt của toàn bộ Tin Mừng.

Giáo Hội đang đưa con người đi trên hành trình yêu thương để thực hiện lời Chúa dạy “ Anh em hay yêu thương nhau…Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau “.

Chúa Giêsu đã sống và đã thực hiện yêu thương bằng cái chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, cứu độ con người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết chia sẻ, biết xây dựng tình huynh đệ hiệp nhất, yêu thương như lời Chúa dạy. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Gioan rao giảng gì ?
2. Phép rửa của Gioan Tẩy Giả khác với phép rửa của Chúa Gie6su thế nào ?
3. Chúa đòi gì nơi mọi người ?
4. Cốt lõi của Tin mừng là gì ?
5. Tại sao OBACE lại phải siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa ?
 
Đường đi ngập sắc hoa qùy
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:29 06/12/2015
ĐƯỜNG ĐI NGẬP SẮC HOA QUỲ

(Chúa Nhật II MÙA VỌNG NĂM C 2015)

Trong những ngày vừa qua dư luận thế giới ồn ào và lo lắng nhiều về viễn cảnh chiến tranh Nga-Thổ sau sự kiện rắc rối mới nhất là Thổ Nhĩ Kỳ đã làm khó dễ các tàu thuyền Nga đi qua eo biển Bosphore và Dardanell do Thỗ Nhĩ Kỳ quản lý và kiểm soát, sau sự cố khơi mào thù địch đó là máy bay chiến đấu đấu SU 24 của nga bị F.16 của Thổ bắn hạ với lý do xâm phạm con đường biên giới.

Bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc từ các địa phương cục bộ cho đến phạm vi quốc gia và thế giới, hầu hết cũng khởi đi từ rắc rối của những con đường : đường biên giới, đường vận chuyển, đường giao thương, đường chiến lược…Nhưng có lẽ tất cả mọi lý do đều quy về một con đường duy nhất : con đường của lòng người. Vâng, một khi mối tương quan con người bị gãy đỗ, thì mọi con đường khác trở thành chông chênh, thù địch và trước sau gì cũng dẫn tới chiến tranh, hận thù, tai họa…

Ở giữa khung trời Mùa Vọng, hình ảnh “con đường”, “dọn đường”… luôn thấp thoáng âm vang trong ca kinh lời nguyện của mọi tín hữu : “Có tiếng kêu từ nơi hoang vắng mau dọn đường cho Chúa…”, “dọn đường cho Chúa đi, dọn đường cho Chúa đi”…

Có một điều chắc chắn, “con đường” của phụng vụ Mùa Vọng gọi mời, “con đường” mà các sứ ngôn ngày xưa như Barúc, I-sa-i-a, hay Gioan Tẩy Giả réo gọi phải sửa sang, phải dọn dẹp “đồi nỗng hãy bạt xuống, hố sâu hãy lấp đầy…” chủ yếu là khơi dậy, gọi mời xây đắp, trùng tu, sửa dọn một con đường nội tâm, con đường của lòng người…

Lời Chúa hôm nay sẽ thuyên giải cho chúng ta rõ hưn nội dung ý nghĩa này.

1. Một con đường mới : mở ra để đón nhận Tin Mừng.

Ở giữa bối cảnh một Giêrusalem hoang tàn đang bị ngoại bang Babylon giày xéo, giữa một đoàn dân cúi đầu trước kiếp khổ nhục lưu đày, lời của Sứ ngôn Barúc vang lên như một Tin Mừng vĩ đại : “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang chế khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu…Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao…phải lấp đầy thung lũng…để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa…” (BĐ 1).

Sau những lời sấm ngôn đó, đã có gì hiện thực ? Đã có đấy : Khoảng năm 539 trước công nguyên, Vua Kyrô của Ba-Tư chiếm Ba-by-lon và đã ra sắc chỉ cho phép đoàn dân Do Thái lưu đày được hồi hương, Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Dân Do Thái lưu vong đã phấn khởi vui mừng đón nhận “tin vui” và lũ lượt đứng lên hành hương về Đất Thánh. Hồi đó, một nỗi vui tràn trào dâng ngập lòng dân Ít-ra-en, mà đáp vịnh ca trong thánh lễ hôm nay đã đọc lại với thánh vịnh 125:

“Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về

ta tưởng mình như giữa giấc mơ.

Vang vang ngoài miệng câu cười nói,

rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Nếu lời của ngôn sứ Barúc bị bỏ ngoài tai, nếu dân Ít-ra-el cứ chấp nhận “ngồi lỳ, ở yên’ trong kiếp sống nộ lệ tha hương, thì làm gì có được cuộc lên đường vĩ đại để “Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa…”

Một con đường nội tâm trước hết cần phải xây dựng, thiết lập đó chính là “mở lòng ra đón nhận Lời Chúa” và sẵn sàng “lên đường trong ánh sáng chân lý của Ngài”.

Trong khi đó, cũng tại vùng đất Palestina khô cằn sỏi đá, vào những năm đầu Công Nguyên, Philatô, tên tổng trấn Rôma đang cai trị Ít-ra-en bằng độc tài khát máu, thì Gioan Tẩy Giả, trong vóc dáng của một “đạo sĩ rừng xanh”, một tiên tri lập dị đã lặp lại lời rao giảng của I-sa-ia : “Có tiếng người hô trong hoang mạc : hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (TM).

Sau những lời Gioan Tẩy giả loan báo bên bờ sông Gio-đan, đã có một “Giê-su người Na-gia-rét” xuất hiện với “quyền năng trong lời nói cũng như việc làm” và cũng xuất hiện một “cuộc hành hương mới” – hành hương đến với một địa chỉ mới không phải là cố đô Giêrusalem vang bóng một thời, mà là một Ngôi Vị, một con người : Cả một đoàn dân là những kẻ điếc, kẻ câm, kẻ mù, kẻ què, những người phung cùi, những tên bị quỷ ám, những kẻ bất toại, hàng ngàn người nghèo khố rách áo ôm …tất cả đã ào ạt nhào đến với Thầy Giêsu và đã nhận được một cuộc “tái thiết mới” : điếc nghe được, mù thấy được, câm nói được, phung cùi được sạch, chết sống lại, tội nhân hoàn lương, những người đói khát được no nê…và nhất là, toàn dân đuợc nghe một “TIN MỪNG” : “Tin mừng Nước Thiên Chúa” đã đến, “Tin mừng Thiên Chúa là Cha yêu thương”, “Tin mừng về một Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta”, tin mừng về một cuộc tái sinh vào đời sống mới, tin mừng về một cuộc sống phục sinh sau cuộc đời dở dang tại thế nầy, Tin mừng về một thế giới được qui tụ thành một gia đình con cái Thiên Chúa…’

Con đường mà Lời Chúa hôm nay khơi gợi đó chính là con đường dẫn tới Chúa Giêsu, con đường mở rộng con tim để đón nhận những giá trị Nước Trời, đón nhận và bước đi trên nẻo đường Bát Phúc.

Hơn bao giờ hết, thế gới hôm nay cần những con đường như thế, con đường đón nhận Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, Tin Mừng của Ngài vào đời sống, vào cộng đoàn, vào xã hội. Bởi vì, quả thật, dấu vết của nô lệ, của lưu đày, của què quặt, của đui mù, của cùi phung, của đói khát, của một thế giới như một “Giê-ru-sa-lem hoang tàn vắng bóng Thiên Chúa”, vắng bóng những giá trị nhân bản và Tin Mừng đích vẫn đầy dẫy trong thế giới hôm nay ; một thế giới thay vì hòa bình an vui là bạo lực, khủng bố, chiến tranh, thay vì yêu thương, huynh đệ hiệp nhất, lại là ích kỷ, hận thù, cá nhân chủ nghĩa, thay vì được xây dựng trên nền tảng là các gia đình chung thủy, thánh thiêng, lại là các cuộc ly dị, ly thân, phá thai, suy đồi luân lý… Trong một thế giới như thế, cần phải thiết lập một con đường mới : đó chính là “đón mời Đức Kitô đến”, mở lòng để cho Tin Mừng của Ngài, Tin Mừng Tám Mối Phúc thật với những giá trị anh hùng độc đáo : tinh thần khó nghèo, yêu thương, xây dừng hòa bình, hiền lành, trong sạch…có chỗ trong cuộc sống, trong gia đình, trong cộng đoàn và trong thế giới. Lời đầu tiên của Đức Gioan-Phaolô II khi lên ngôi Giáo Giáo hoàng, và cho đến mãi hôm nay Ngài vẫn lặp lại đó là : “Anh chị em đừng sợ…Hãy mở toang mọi cánh cửa để đón nhận Đức Kitô”. Sứ điệp Mùa Vọng hôm nay đang gọi mời ta như thế.

2. Một con đường mới : hoán cải để gặp gỡ :

Tuy nhiên, nếu cuộc hành trình từ chốn lưu đầy về lại Giê-ru-sa-lem là cả một cuộc xuất hành nhiêu khê, đòi hỏi nhiều gian nan, từ bỏ, khó nhọc, phấn đấu…Cũng vậy, để đón nhận Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, cần có “cuộc xuất hành mới” cũng đầy cam go, thử thách, nhọc mệt. Vì trong cuộc lên đường để gặp gỡ Ngài không chỉ phải “bạt xuống nhưng đồi núi của kiêu căng, hợm hĩnh, của tham vọng ngông cuồng”, mà còn phải “lấp đi những hố sâu của hận thù chia rẽ, ghen ghét giận hờn, đố kỵ, cách ngăn”. Có nghĩa là để đón nhận Đức Kitô và sứ điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chúng ta phải “vác thập giá”, phải “đổi đời” (metanoia), phải sửa dọn con đường nội tâm thích hợp. Chúng ta cần sửa dọn “con đường tâm hồn” ta, “con đường cuộc sống” ta. Chúng ta cần sửa dọn những con đường đến với anh em, những con đường là các tương quan người với người trong gia đình, trong cộng đoàn, trong môi trường xã hội quanh ta…

Nếu ai đã từng đi lên thành phố mộng mơ Đà Lạt, chắc chắn sẽ không quên những đoạn đường ấn tượng hai bên ngập sắc hoa quỳ vàng xinh.

Cũng từ cái nét đẹp của “nẻo đường quỳ hoa” nầy mà linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự đã xúc cảm và sáng tác nhiều bài thơ in dáng đứng hoa quỳ. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 40 năm linh mục, ngài đã thu gom vào một tập thơ với nhan đề “NẺO QUỲ HOA”, để như một chút tâm tình ngài nhắn gởi các anh em linh mục được ngài gói ghém ngay trong lời mở đầu “chúng ta vẫn gần gũi bên những thảm hoa mặt trời, trong cõi lòng của chính Mặt Trời yêu dấu”, hay như trong 4 câu thơ của bài thơ ngắn Lưng Đèo :

Lưng đèo Ngài dẫn tôi lên,

Nắng về đường đã hai bên vàng quỳ.

Chúa ơi con biết nghĩ gì,

Gió lên đông chớm lòng thì xuân sang.

Sở dĩ muốn nhắc đến “NẺO QUỲ HOA” trong bài chia sẻ Lời Chúa hôm nay vì tôi cũng ước mong sao con đường Mùa Vọng, con đường chúng ta sửa dọn để đón Chúa đến trong những ngày nầy, và con đường mà đức tin đang gọi mời chúng ta lên đường tiến bước phải luôn đầy ắp hoa xinh, những bông hoa của tình Chúa, tình người. Bởi vì đó chính là con đường cần thiết cho thế giới và nhân loại hôm nay, một thế giới đang bị chiến tranh, hận thù, dục vọng, tội lỗi…làm biến dạng, hoang vu và sỏi đá không biết bao nhiêu con đường, nhất là những con đường băng qua những trái tim và nối kết với Thiên Chúa…

LM. Giuse Trương đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khía cạnh tôn giáo của vụ thảm sát tại San Bernadino, California
Vũ Văn An
17:08 06/12/2015
Mãi một ngày sau khi vụ thảm sát tại San Bernadino xẩy ra, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Mỹ mới cho hay: cuộc điều tra của họ đang hướng theo chiều khủng bố vì có những chứng cớ cho thấy một trong hai người tình nghi từng liên lạc với nhóm ISIS.

Trong khi đó, có những chứng cớ rõ ràng hơn chứng tỏ vụ thảm sát này có mầu sắc tôn giáo. Thực vậy, một trong 14 nạn nhân bị thảm sát là Nicholas Thalasinos, một Kitô hữu Tin Lành gốc Do Thái theo giáo phái gọi là Messianic Judaism (Do Thái Giáo Xức Dầu). Đây là một hệ phái Thệ Phản nhằm kết hợp Kitô Giáo, nhất là tín điều Chúa Giêsu là Đấng Messiah (Đấng Kitô hay Đấng Được Xức Dầu), với các yếu tố của Do Thái Giáo và truyền thống Do Thái. Hình thức này xuất hiện trong hai thập niên 1960 và 1970 và tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Được Xức Dầu của Do Thái và là “Chúa Con” (một Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa) và Thánh Kinh Do Thái và Tân Ước đều là các sách có thế giá. Phần lớn các tín hữu của giáo phái này là người gốc Do Thái. Có lẽ vì thế, phần lớn tín hữu của giáo phái này thích được gọi là yehudim (Do Thái), chứ không notzrim (Kitô hữu). Huy hiệu của họ gồm cây nến 7 ngọn, ngôi sao Đavít và con cá. Tuy nhiều yếu tố Do Thái (2 chọi 1: nến 7 ngọn + ngôi sao Đavít chọi con cá), nhưng họ đích thực là Kitô Giáo. Nhà nước Israel cũng coi họ như vậy.

Từ năm 2003 tới năm 2007, ở Mỹ, giáo phái này tăng từ 150 nhà thờ phượng lên 438 nhà, với 100 nhà ở Israel và nhiều nơi trên thế giới. Năm 2012, con số tín hữu của họ ở Mỹ trong khoảng từ 175,000 tới 250,000 người; ở Israel từ 10,000 tới 20,000 người. Khắp thế giới, con số này vào khoảng 350,000 người.

Có thể gọi các tín hữu này là Do Thái Tin Chúa Giêsu (Jew for Jesus). Và Nicholas Thalasinos quả là một người Do Thái Tin Chúa Giêsu điển hình. Vợ ông, Jennifer Thalasinos, mô tả ông như một “thanh tra lịch thiệp” luôn ăn mặc chỉnh tề khi đi làm: với dây đeo quần mầu đỏ, kim gài cravat có hình Sao Đavít và tua dải quần truyền thống Do Thái.

Điều đặc biệt có liên quan, theo lời người vợ kể với tờ Los Angeles Times, “chồng tôi là một tín hữu rất sùng đạo. Anh ấy trở thành người tái sinh cách nay mấy năm và vì thế tôi tin tưởng rất mạnh, tôi biết rõ anh ấy hiện đang ở một nơi tốt hơn nhiều”.

Bà cho biết chồng bà truyền giảng Tin Lành rất nhiều. “Anh ấy muốn phụng sự Chúa và mang nhiều người về với Chúa”.

Theo bà, chồng bà biết Farook, kẻ tình nghi hiện đã bị cảnh sát bắn gục, là người Hồi Giáo, nhưng chưa bao giờ nhắc đến việc người đồng nghiệp này có bất cứ quan điểm quá khích nào. Tuy nhiên, bà cho biết: có nghe việc, trước khi xẩy ra vụ thảm sát, rất có thể đã có một cuộc tranh luận tại buổi liên hoan. Bà mô tả chồng như một người ăn nói thẳng thắn về chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo, với khuynh hướng bảo thủ về chính trị. Bà nhận định: “tôi biết chắc anh ấy sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ người ta”.

Jennifer Thalasinos quả quyết: "để việc này xẩy ra, người đàn ông này, dù tôi biết anh ta nhắm bất cứ người nào trong nhóm, nhưng tôi biết chắc anh ta nhắm chồng tôi vì đức tin của anh và tôi thực sự cảm thấy chồng tôi tử vì đạo”.

Tờ Times of Israel của Do Thái thêm một số chi tiết về Nicholas Thalasinos: ông là người say mê bênh vực Israel, và tích cực tranh luận về tôn giáo trong các diễn đàn trên mạng và đích thân… Chỉ mới hai tuần trước, Thalasinos đã có một cuộc tranh luận rất sôi nổi tại sở làm về bản chất của Hồi Giáo với Syed Rizwan Farook…

Người bạn của Thalasinos là Kuuleme Stephens nói với Associated Press rằng bà có dịp thăm ông lúc ông đang làm việc với Farook và ông mời bà tham gia cuộc tranh luận, lớn tiếng tuyên bố rằng Farook “không chịu đồng ý rằng Hồi Giáo không phải là một tôn giáo hòa bình”. Bà nghe Farook phản công cho rằng người Mỹ không hiểu Hồi Giáo, và Thalasinos đáp lại mà cho rằng “tôi không biết phải nói với anh ta ra sao”.

Stephens cho biết lúc ấy bà không cảm thấy có gì bạo động sẽ xẩy ra cả và chính Thalasinos cũng nghĩ rằng Farook không bao giờ bạo động.

Tuy nhiên, nhận định của Jennifer Thalasinos với CNN có hơi khác khi bà nhấn manh tới cố gắng truyền giảng Tin Lành của chồng. Dĩ nhiên việc truyền giảng tin lành đối với một người có thể là cố gắng cải đạo xấu xa đối với người khác. Nhiều người hễ nghe tới cố gắng truyền giảng Tin Lành là nghĩ tới những cuộc tranh luận nóng bỏng trong đó một người nói liên miên, biến cuộc gặp gỡ thành một vụ kình chống gây xúc phạm.

Việc trên có thực sự xẩy ra trong trường hợp này hay không, không nhà báo nào trả lời được câu hỏi này. Trong cuộc phỏng vấn của CNN, tuy Jennifer quả quyết rằng bà không biết có tranh luận gì gắt gao trước khi xẩy ra thảm sát hay không, nhưng bà tin rằng chồng bà có “giảng đạo” cho Farook, cũng như cho mọi người khác ông gặp. Và chồng bà rất thẳng thắn trong các nhận định về Hồi Giáo quá khích.

Cảnh sát cũng như FBI đang tiếp tục cuộc điều tra của họ để xác định đây có thực sự là một cuộc khủng bố hay không. Theo truyền thống, khủng bố khác với các hình thức giết người tập thể khác ở nét chính trị của nó. Luật liên bang của Hoa Kỳ định nghĩa khủng bố là hành vi nguy hiểm nhằm mục đích gây hoảng sợ nơi dân chúng, gây ảnh hưởng đối với chính sách của chính phủ hay thay đổi tác phong của chính phủ “bằng hủy diệt, ám sát hay bắt cóc hàng loạt”.

Lịch sử Hoa Kỳ không lạ gì khủng bố. Ngay sau Chiến Tranh Nội Chiến, đã có bọn Ku Klux Klan, rồi bọn Weather Underground trong hai thập niên 1960 và 1970, và gần đây vụ ném bom toà nhà liên bang ở Oklahoma City bởi bọn dân quân cánh hữu. Nhưng từ cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín năm 2001, hạn từ này được hoàn toàn liên kết với các nhóm ở ngoại quốc như Al Qaeda và gần đây ISIS, nghĩa là Hồi Giáo quá khích.

Cho nên, vì vậy, như thường lệ, Tổng Thống Obama rất do dự trong việc sử dụng hạn từ khủng bố để chỉ những kẻ bị nghi ngờ gây ra vụ thảm sát ở San Bernadino. Ông tuyên bố vào hôm thứ Năm rằng: “Có thể biến cố này liên quan tới khủng bố, nhưng chúng ta không biết (chắc). Nó cũng có thể chỉ liên quan tới chỗ làm việc”.

Tưởng cũng nên biết năm 2012, Đảng Cộng Hòa mạnh mẽ chỉ trích Ông Obama vì đã không lập tức sử dụng hạn từ khủng bố để mô tả cuộc tấn công vào tòa đại diện của Mỹ tại Benghazi, Libya, sát hại 4 người Hoa Kỳ.

Điều bất nhất, theo Peter Baker của New York Times, nhiều nhóm phò phá thai đang áp lực Bộ Tư Pháp phải xác định các cuộc tấn công vào các trạm xá phá thai là hành vi khủng bố; áp lực này đang gia tăng với cuộc tấn công tại trung tâm Phá Thai Planned Parenthood tại Colorado. Thống Đốc Tiểu Bang này, John W. Hickenlooper, không ngần ngại gọi đó là “một hình thức khủng bố”. Ông này thuộc cùng Đảng Dân Chủ với ông Obama.

Nhưng tháng Sáu vừa rồi, khi tên kỳ thị da trắng sát hại 9 giáo dân Da Đen ở một nhà thờ tại Charleston, S.C., Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta E. Lynch của chính phủ Obama không truy tố hắn tội khủng bố. Vị bộ trưởng này, Thứ Năm vừa qua, chỉ gọi biến cố San Bernadino là “tội ác không thể nói được” chứ không gọi nó là một hành động khủng bố.
 
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật II Mùa Vọng
Vũ Đức Anh Phương
16:25 06/12/2015
06/12/2015 VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 06.12.2015, Đức Thánh Cha đã nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ăn năn sám hối, cũng như lời mời gọi lên đường mang Tin Mừng đến cho người chưa nhận biết Chúa. Đức Thánh Cha cũng bày tỏ những mong chờ của ngài với Hội nghị về việc biến đổi khí hậu đang được nhóm họp tại Paris.

Trong bầu không khí se lạnh của tiết trời mùa Đông, hàng chục ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh truyên tin với Đức Thánh Cha Phanxicô. Đúng 12 giờ, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa của những bài đọc trong Chúa Nhật II mùa Vọng.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha:

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Chúa Nhật thứ hai mùa Vọng, phụng vụ của Giáo Hội cho chúng ta nghe lời rao giảng của Gioan Tẩy giả, kêu gọi “người ta chịu phép rửa tỏ lòng ăn năn sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Chúng ta cũng phải hỏi mình rằng: “Tại sao chúng ta phải ăn năn sám hối? Hành vi hoán cái khiến một người từ vô thần trở thành người có niềm tin, từ kẻ tội lỗi trở thành người biết làm những việc tốt lành, thánh thiện. Nhưng không phải chúng ta đã là những Kitô hữu rồi sao? Như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhận ra hệ quả tất yếu của giả định mà tôi vừa nêu ra: phải ăn năn sám hối. Đừng cho rằng mọi sự đều ổn và chúng ta không cần phải hoán cải. Tuy nhiên, chúng ta thử hỏi mình xem trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau của cuộc sống, chúng ta có hành xử như Đức Giêsu chưa? Khi phải chấp nhận những điều sai trái, không công bằng hay khi bị lăng nhục, chúng ta có thể hành xử mà không mang trong lòng sự hận thù nhưng lại sẵn sàng tha thứ cho người nài xin chúng ta? Khi được mời gọi chia sẻ niềm vui và đau khổ, chúng ta có biết chân thành khóc với những ai đang than khóc và biết vui cười với những ai đang vui cười không? Khi chúng ta diễn tả đức tin của mình, chúng ta có biết diễn tả với sự can đảm và đơn sơ chứ không cảm thấy xấu hổ về Tin Mừng không?

Ngày hôm nay, tiếng hô của Gioan Tẩy Giả vẫn còn mãi vang vọng trong những hoang địa nhân sinh, khi người ta có một não trạng luôn đóng kín và những con tim chai cứng. Chúng ta cũng phải khỏi mình rằng liệu trong thực thế chúng ra có đang bước đi trên con đường ngay chính, có đang sống theo Tin Mừng hay không. Ngày hôm nay, Gioan Tẩy Giả cảnh tính chúng ta với những lời của tiên tri Isaia: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi.” Đây là một lời mời gọi cấp bách, thúc dục mở cửa tâm hồn và đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, vì muốn tất cả chúng ta được tự do khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Ơn cứu độ được trao ban cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi dân tộc, không trừ một ai, vì Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian Duy Nhất.

Do đó, mỗi người chúng ta được mời gọi để làm cho nhưng người chưa biết Đức Giêsu được nhận biết Ngài: khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9,16), thánh Phaolo đã tuyên bố như thế. Còn với chúng ta, Đức Giêsu đã biến đổi cuộc đời chúng ta, thì tại sao chúng ta lại không cảm thấy say mê để làm cho những người mà chúng ta gặp gỡ nơi làm việc, nơi trường học, công sở, bệnh viện…được nhận biết Đức Giêsu? Nếu để ý xung quanh, chúng ta sẽ thấy rất nhiều người luôn sẵn sàng để bắt đầu hoặc bắt đầu lại hành trình đức tin của mình nếu người đó gặp được những Kitô hữu thật sự yêu Đức Giêsu. Chúng ta không phải và không thể là những Kitô hữu đó sao? Chúng ta phải can đảm bạt cho thấp những núi đồi ngạo mạn và ghanh ghét, lấp cho đầy những thung lũng thờ ơ và lãnh đạm, sửa cho thẳng những con đường biếng nhác và thỏa hiệp.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta phá vỡ những hàng rào ngăn cách và chướng ngại cản trở chúng ta ăn năn hoán cải, cản trở chúng ta bước đi trên con đường gặp gỡ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Đức Giêsu mới có thể lấp đầy những hy vọng của con người mà thôi.”

Sau khi cùng mọi người đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thành, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đang chăm chú theo dõi những diễn biến của Hội nghị về biến đổi khí hậu được tổ chức ở Paris, và tôi được nhắc nhớ về một câu hỏi mà tôi nêu ra trong Thông Điệp Laudato sì: “Chúng ta muốn trao cho thế hệ mai sau, cho các trẻ em đang phát triển một thế giới như thế nào?” (số 160). Vì lợi ích của ngôi nhà chung, lợi ích của tất cả chúng ta và của các thế hệ tương lai, Hội nghị diễn ra ở Paris đang nỗ lực để nhắm đến việc làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời, cũng tìm cách để xóa bỏ nghèo đói và làm triển nở phẩm giá con người. Chúng ta cùng cầu nguyện để Thánh Thần soi sáng cho tất cả những ai được mời gọi đưa ra những quyết định quan trọng như thế, và ban cho họ sự can đảm để luôn giữ vững những tiêu chuẩn chọn lựa cho những lợi ích tốt đẹp hơn của toàn thể gia đình nhân loại.

Ngày mai cũng là ngày kỷ niệm lần thứ 50 của một sự kiện đáng nhớ giữa Công Giáo và Chính Thống giáo. Vào ngày 7.12.1965, đêm trước khi kết thúc Công đồng Vaticano II, với một Tuyên bố chung của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI và của Đức Thượng Phụ Atenagora, những kết án phạt vạ tuyệt thông Giữa Giáo Hội Roma và Giáo Hội Costantinopoli vào năm 1054 đã được xóa bỏ. Những hành vi của sự hòa giải ấy đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho một cuộc đối thoại mới giữa Chính Thống và Công Giáo trong tình yêu và sự thật. Đặc biệt, biến cố này lại được kỷ niệm ngay trước thềm Năm Thánh Lòng Thương Xót. Không có một cuộc hành trình chân thành hướng tới sự hiệp nhất mà không đòi hỏi sự tha thứ của Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau về những lỗi lầm chia rẽ, phân cách. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Bartolomeo cũng như những vị Thượng Phụ khác của Giáo Hội Chính Thống. Chúng ta nài xin Thiên Chúa để tình liên đới giữa Công Giáo và Chính Thống giáo luôn được gợi hứng bằng tình yêu thương huynh đệ.

Ngày hôm qua (05.12) ở Chimbote (Peru), Giáo Hội cũng đã tôn phong ba chân phước Michele Tomaszek, Zbigniew Strzałkowski và Alessandro Dordi. Các ngài đã bị xử tử trong cuộc bách hại đạo năm 1991. Sự trung thành của các vị tử đạo trong việc bước theo Đức Giêsu sẽ thêm sức cho mỗi người chúng ta, đặc biệt những Kitô hữu đang bị bách hại tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, can đảm làm chứng cho Tin Mừng

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ khắp nơi trong nước Italia và trên thế giới đã tụ họp trong buổi đọc kinh truyền tin này.
 
Thương Xót và Thống Hối
Vũ Văn An
21:31 06/12/2015
Không gì sai lầm bằng công bố lòng thương xót mà đồng thời không công bố lòng thống hối. Những ai chỉ công bố lòng thương xót mà thôi là những người lừa đảo, lừa người và lừa mình. Đó là nhận định của nhiều nhà thần học.

Theo họ, chỉ khi nào ta biết và nhìn nhận tội lỗi của ta, những lời nài nỉ “xin Chúa thương xót” mới chân thực và có ý nghĩa. Ấy thế nhưng, thời nay, lòng thương xót rất hay bị truyền giảng một cách biệt lập, tách rời, đến nỗi, người nghe quên khuấy tội là điều có thực, hay tuy có thực nhưng chả quan trọng chi, vì Thiên Chúa đâu có để ý gì tới việc ta làm, vì dù thế nào, Người vẫn là Đấng hay thương xót. Trái lại, những ai nói tới tội bị người ta coi là những kẻ không có lòng thương xót!

Nhiều nhà thần học luân lý vì thế nhấn mạnh rằng ta chỉ có thể được Thiên Chúa thương xót, thương xót một cách đầy kinh ngạc, nếu ta chịu thống hối. Chính lòng thống hối đã mở cửa dẫn vào lòng thương xót, tha thứ và khoan nhân.

Đức Ông Charles Pope của Tổng Giáo Phận Washington D.C. đưa ra một thí dụ về y khoa: Một người rất yếu về sức khỏe vì mắc đủ chứng như cao huyết áp, cao mỡ và tiểu đường. Nền y khoa hiện đại có rất nhiều phương tiện giúp những người như ông: từ thuốc uống tới giải phẫu, thông tin về dinh dưỡng v.v… Nhưng để được giúp đỡ, ông cần hiểu rõ và nhìn nhận mình có vấn đề, cần xin hẹn gặp thầy thuốc, giữ đúng hẹn, dùng thuốc và theo lời khuyên nhận được.

Chỉ khi nào ông sẵn sàng làm những việc như thế, thì giúp đỡ y khoa mới có thể thực hiện được với ông mà thôi. Ông phải thực hiện một thay đổi, phải thực sự vươn tay ra và khai triển một mối liên hệ với cộng đồng y khoa. Ông phải thực sự sử dụng y khoa. Ca ngợi y khoa và vui mừng vì việc chữa chạy có đó mà thôi không đủ, phải hành động và đặt ra một hướng đi mới cho đời mình.

Cuộc sống thiêng liêng cũng thế: Thiên Chúa ban cho ta lòng thương xót và tình yêu hàn gắn của Người; Người ban chúng cho mọi người. Nhưng những ơn phúc này phải được tiếp nhận bằng lòng thống hối.

Thống hối trong nguyên ngữ Hy Lạp là metanoia và chữ này không phải chỉ có nghĩa là rửa sạch hành vi của ta mà thôi. Đúng hơn nó có nghĩa tiến tới một tâm tư mới, một lối suy nghĩ mới. Tiền từ “meta” trong metanoia có nghĩa thay đổi. Thành thử thống hối không phải chỉ là ăn năn. Nó bao hàm việc thay đổi thực sự hay tiến bước theo hướng đúng. Và nhờ thế, metanoia tháo mở mọi ơn phúc: chữa lành, thương xót, và cứu rỗi. Ta phải để ơn thánh Chúa tương tác với tự do của ta để thực hiện sự thay đổi thực sự, thực hiện sự quyết tâm thay đổi lối suy nghĩ, lối hành động, và đặt ta vào mối liên hệ cứu rỗi với Thầy Thuốc Thần Thánh là Chúa Giêsu.

Thánh Kinh luôn cho lòng thương xót “cặp kè” với lòng thống hối:

* Isaia từng viết: “Đấng Cứu Chuộc sẽ đến Sion, đến với những người trong nhà Giacóp biết thống hối tội lỗi, Đức Chúa phán như thế” (Is 59:20).

* Chúa Giêsu thì nói với các Môn Đệ trên đường Emmau: “Sự thống hối để được tha tội sẽ được rao giảng cho mọi dân nước nhân danh Người, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24:46-48).

* Thánh Phaolô cảnh báo: “Trong quá khứ, Thiên Chúa bỏ qua sự ngu dốt ấy, nhưng nay Người truyền mọi người ở mọi nơi phải thống hối” (Cv 17:30).

Mọi người phải hóan cải

Như đã nói, thống hối không có nghĩa chỉ hối hận về tội mình đã phạm mà điều quan trọng hơn là cần phải hóan cải. Đây là điều đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh hôm Chúa Nhật vừa qua khi đọc kinh Truyền Tin với 30,000 tín hữu tại công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, như một lời giáo đầu mời gọi mọi người bước vào Năm Thánh Thương Xót.

Ngài nói: nhiều người thắc mắc, tôi đâu cần hóan cải; hoán cải chỉ áp dụng cho các người vô thần muốn trở thành tín hữu, các người tội lỗi muốn trở thành công chính thôi chứ, còn chúng tôi há đã chẳng là Kitô hữu cả rồi hay sao? Như thế mọi sự đều tốt đẹp cả rồi.

Với những người tự mãn như thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “ta hãy tự hỏi xem: có thật là trong một số tình huống và hoàn cảnh đời sống, ta đều có cùng các tâm tư như Chúa Giêsu không? Thí dụ, khi ta phải chịu một đau khổ nào hay một nhục mạ nào, chúng ta có phản ứng lại bằng cách không hận thù trong lòng và tha thứ cho những người tạ lỗi với chúng ta không? Khi ta được mời gọi chia sẻ vui buồn, ta có thành thực khóc với người khóc và vui với người vui không? Khi biểu lộ đức tin của mình, ta có biểu lộ nó một cách can đảm và đơn sơ, mà không thấy xấu hổ vì Tin Mừng không?

“Ta có thể hỏi mình nhiều câu hỏi lắm. Ta đâu có mọi sự đều tốt đẹp cả. Ta phải luôn có cùng các tâm tư như Chúa Giêsu”.

Kết luận, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay: “Ơn cứu rỗi được cung hiến cho mọi con người, không trừ ai, cho từng người chúng ta. Không ai trong chúng ta có thể nói ‘tôi thánh thiện rồi, tôi hoàn hảo rồi, tôi đã được cứu rỗi rồi’. Không. Một lần nữa, ta phải tiếp nhận ơn cứu rỗi này, và vì thế, hãy dùng Năm Thánh Thương Xót để tiến xa hơn trên con đường cứu rỗi này, con đường mà Chúa Giêsu vốn dạy chúng ta, vì Thiên Chúa muốn mọi con người được cứu rỗi nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất (xem 1Tm 2:4-6)”.

Sai lầm nếu chỉ nói tới tội

Dĩ nhiên, cũng sẽ sai lầm lớn nếu chỉ nói tới tội. Vì nói như thế là quên khuấy sứ điệp nền tảng này của Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thương ta cả lúc ta vẫn đang sống trong tội, Chúa Giêsu Kitô chết cho ta trước khi ta thống hối! Chính đáp ứng biết ơn và tín thác của ta vào lòng thương xót này đã giúp ta trở thành tạo vật mới, để tội lỗi và chết chóc lại sau lưng. Tin Mừng là thế này: không phải ta phải tự nâng ta lên bằng chính nỗ lực của ta, nhưng Thiên Chúa yêu thương dẫn ta vào sự sống mới. Bởi thế, chỉ cần tiếp nhận và lớn lên trong tình yêu này, các vết thương sâu hoắm của ta sẽ được chữa lành và các khát vọng sâu xa nhất của ta được nên trọn. Chúa Giêsu không muốn điều gì khác cho bằng làm cho ta lành lặn trở lại nhờ lòng thương xót của Người, bằng cách lôi kéo ta vào tình yêu bất tận của Người.

Có cả hàng chục, thậm chí hàng trăm, biểu thức nói tới thực tại trên trong Tân Ước. Nhưng đoạn nổi tiếng hơn cả là thư gửi tín hữu Rôma của Thánh Phaolô:

“Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:1-8).

Rồi trong một bài giảng, Thánh Phaolô tuyên bố: “"Vậy thưa anh em, xin biết cho điều này: chính nhờ Đấng ấy mà ơn tha tội được loan báo cho anh em; và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ tuân giữ Luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13: 38-39).

Ngài cũng kể cho Vua Agrippa nghe điều Chúa nói với ngài lúc ngài trở lại, nghĩa là lúc ngài còn đang có tội: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại. Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Do-thái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xa-tan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến" (Cv 26:16-18).

Thánh Phêrô thì viết rằng: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2:24). Còn đây là Thánh Gioan: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4:10).

Chính Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nói những câu như thế này: “Những người khỏe mạnh không cần y sĩ, nhưng những người bệnh mới cần; Tôi đến không để gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2:17). Và “Nếu các ông yêu người yêu các ông, thì nào có công chi? Vì ngay kẻ tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ” (Lc 6:32). Còn nữa “Tôi bảo thật các ông, tội lỗi của cô ấy, tuy rất nhiều, nhưng đều đã được tha, vì cô ấy đã yêu nhiều; còn ai được tha ít, là vì yêu ít” (Lc 7:47). Khi những người đau khổ tín thác nơi Người để được chữa lành, Người thường nói: “hãy an tâm, tội lỗi của con đã được tha” (Mt 9:2).

Lẽ dĩ nhiên câu Chúa Giêsu phán với người đàn bà tội lỗi “chị hãy đi, và đừng phạm tội nữa” nhấn mạnh tới thống hối ăn năn. Tác phong luân lý chắc chắn là phần rất quan trọng của việc thực hiện ý Thiên Chúa. Nhưng trọng điểm ở đây là thứ tự ưu tiên. Với Kitô Giáo, lòng thương xót bao giờ cũng đi trước lòng thống hối: câu “chị hãy đi và đừng phạm tội nữa” đã được nói sau câu: “tôi cũng không kết án chị” (Ga 8:11). Người cha không chạy ra đón con trước, đứa con nào dám “thống hối” theo nghĩa đúng đắn nhất của nó, mà chỉ là biết tính toán “cho đỡ đói”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Bắc Hà TGP Sài Gòn: Mừng lễ bổn mạng
Văn Minh
21:38 06/12/2015
Giáo xứ Bắc Hà TGP Sài Gòn: Mừng lễ bổn mạng

“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi, ta cùng nhau trẩy lên Đền Thánh Chúa”(Tv 122-1).

Xem Hình

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cộng đoàn giáo xứ Bắc Hà, giáo hạt Phú Thọ cùng quý khách xa gần đã quy tụ về ngôi thánh đường để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Vào chiều thứ Bảy ngày 05.12.2015, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục Giáo phận Phú Cường - đã long trọng dâng Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - bổn mạng giáo xứ Bắc Hà và kỷ niệm 5 năm cung hiến thánh đường. Đồng tế với ngài có cha Giuse Phạm Bá Lãm - hạt trưởng hạt Phú Thọ, cha xứ Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, cha phó Giuse Hoàng Đình Hải, quý cha trong và ngoài giáo hạt. Tham dự ngoài bà con giáo dân trong giáo xứ Bắc Hà còn có sự hiện diện của quý vị ân nhân, quý khách mời xa gần và đông đảo cộng đoàn ngoài giáo xứ.

Trước Thánh lễ, đại diện quý chức đứng thành hàng rào hai bên chào đón quý Đức Cha, quý cha, quý soeur cùng quý khách ngay trước cổng sân nhà thờ.

Đúng 17g00, đại HĐMVGX, các em Ban Lễ sinh, rước đoàn đồng tế từ dưới hội trường vào trong ngôi thánh đường trong sự chào đón hân hoan của cộng đoàn giáo xứ.

Đầu lễ, Cha xứ Anphongsô thay mặt cộng đoàn giáo xứ ngỏ lời chào mừng quý Đức Cha, quý cha, quý soeur, cùng quý khách đã đến hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn chiều nay bằng một tràng pháo tay rộn rã của cộng đoàn. Đồng thời, ngài cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là Đấng bảo trợ ban cho cộng đoàn giáo xứ Bắc Hà luôn được sống trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương.

Trong phần giảng lễ, Đức Cha Giuse chia sẻ: “Trong cuộc sống nơi trần thế, mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ là người sinh ra ta, cho ta bú mớm, vỗ về, an ủi; mẹ là người dạy ta tiếng nói đầu đời và lo cho ta hạnh phúc trong cuộc sống nơi trần gian. Tuy nhiên, chúng ta còn có một người mẹ vượt trổi trên mọi bà Mẹ thế trần. Đó là Mẹ Maria. Tại sao Mẹ Maria lại Vô Nhiễm Nguyên Tội? Bởi vì, ngay từ khi còn nằm trong cung lòng của người mẹ thì Mẹ đã không mắc tội nguyên tổ. Vì Thiên Chúa đã chọn Mẹ là trung gian vào trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Thiên Chúa đã sai Thiên sứ Gabrien đến gặp Trinh Nữ Maria và nói lên ý định tuyệt vời của Thiên Chúa, Người đã chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Và Mẹ đã chấp nhận nói lời xin vâng: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’”.

Đức Cha diễn giảng: “Nhìn lại 5 năm xây dựng ngôi thánh đường giáo xứ Bắc Hà, ngoài những trang trí, cấu trúc, tô đẹp vật chất bên ngoài giúp cho chúng ta có được nơi thờ phượng Thiên Chúa được tốt hơn, thì chính cuộc đời của chúng ta cũng phải trở nên đền thờ sống động cho Chúa ngự trị và đáp lời ‘xin vâng’ giống như Mẹ Maria mà chúng ta mừng kính hôm nay. Chúng ta luôn ý thức, gìn giữ, tâm hồn và cùng nhau xây dựng giáo xứ ngày một hợp nhất, yêu thương, chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng nơi môi trường xung quanh. Đặc biệt, là cho những người còn chưa nhận biết Chúa”.

Thánh lễ tiếp nối, được quý vị đại diện giáo xứ đọc lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ vật hèn mọn lên Thiên Chúa.

Sau phần hiệp lễ, vị đại diện thay mặt cộng đoàn giáo xứ lên cảm ơn Đức Cha, cha hạt trưởng, quý cha, quý soeur, quý khách và chính quyền địa phương. Để tỏ lòng tri ân, vị đại diện dâng lên quý Đức Cha bó hoa tươi thắm cùng món quà nhỏ gói ghém tình cảm thân thương của những người con trong giáo xứ.

Thánh lễ khép lại lúc 18g45. Sau Thánh lễ, Đức Cha, quý cha, quý soeur, quý khách cùng giáo xứ chung vui bữa cơm thân mật tại hội trường.
 
Gx Đức Mẹ La Vang Houston được chỉ định là nơi cho khách hành hương nhận Ơn toàn xá Năm Thánh
LM Nguyễn văn Vượng
10:10 06/12/2015
TIN VUI GIÁO XỨ ĐỨC MẸ LA VANG

ĐƯỢC CHỌN LÀ NƠI TIẾP ĐÓN VÀ HÀNH HƯƠNG, LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ, NĂM THÁNH

“KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA". (12/2015-12/2016).


Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Houston 01/12/2015

Kính thưa quý Cha, quý Thầy Sáu, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Cụ quý Ông Bà và Anh Chị Em xa gần.

Vào lúc 3 giờ chiều thứ Tư, ngày 11/11/2015. Đức Hồng Y Daniel DiNardo đã gọi đến chọn Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang là nơi cho khách hành hương khắp nơi đến đón nhận ƠN TOÀN XÁ trong năm “ Kính Lòng Thương Xót Chúa 2016”

Nay chúng con kính báo: Đức Giám Mục Phụ tá George Sheltz chủ tế dâng Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang vào lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật ngày 20/12/2015 thay cho Tổng Giáo Phận Galveston, và là nơi bắt bắt đầu tiếp đón và qua các thánh lễ, giờ chầu trong cả năm tính từ ngày 20/12/2015 – 20/12/2016, sẽ được hưởng ơn toàn xá để xóa các hình phạt của chính mình và ơn toàn xá này có thể dành cho những người đã qua đời là thân bằng quyến thuộc hay những ai chúng ta muốn dành cho.

Điều kiện lãnh ơn Toàn Xá là xưng tội, viếng nhà thờ, nhà nguyện đọc 1 kinh lạy Cha, một kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, Kinh tin kính, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Kính thưa quý vị, đây là hồng ân đặc biệt qua Thư Đức Hồng Y Daniel NiDardo Tổng Giám Mục Giáo Phận Galveston Houston dành cho Giáo Xứ. Chúng con xin kính báo và mời gọi Quý Vị cùng hưởng ứng để hưởng ƠN TOÀN XÁ mà Giáo Hội ban chvo.

Kể từ ngày 20/12/2015 cho đến ngày 20/12/2016, mỗi ngày đều có quý thành viên trong ban tổ chức hướng dẫn từng người hay nhóm từ xa tới sau khi viếng nhà thờ, có hướng dẫn viên đưa đi tham quan từng khu vực của Giáo xứ sau 30 năm thành lập. Nếu nhóm nào muốn dùng cơm trưa hay tối đều được ban tổ chức phục vụ chu đáo. Mọi hình thức hành hương trong năm Thánh này xin liên lạc trực tiếp với Bà Nguyễn thị Kim Oanh theo địa chỉ email kimoanhhouston@yahoo.com. Hay số phôn (281) 854-4787. Hoặc Văn phòng giáo xứ lavangchurch@yahoo.com (281) 9991672.

LỄ HỘI MỪNG 30 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ ĐỨC MẸ LA VANG (1986-2016).

Giáo xứ Đức Mẹ La Vang ngày 15/11/2015.

Kính thưa quý Đức Cha, quý Bề Trên, quý Cha, quý Thầy Sáu, quý Tu Sĩ Nam Nữ cùng toàn thể quý Cụ, quý Ông Bà và Anh Chị Em đồng hương Cộng Đồng Người Việt.

Giáo xứ Đức Mẹ La Vang mừng kỷ niệm 30 năm Giáo Xứ được thành lập (1986-2016). Nay, chúng con rất vui mừng được kính mời và chào đón Quý Vị đến cùng mừng Đại Lễ với Giáo Xứ chúng con với “ Buổi Lễ, Hội 30 Năm Hồng Ân thành lập Giáo Xứ”.

Thánh Lễ Tạ ơn lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 02/01/2016. Do Đức Cha Vincete Nguyễn Mạnh Hiếu Giám Mục Phụ tá Giáo Phận Toronto Canada chủ tế. Cha Giuse Trần Trung Liêm O.P, Bề Trên Miền Dòng Đa Minh Việt Nam tại Hải Ngoại Giảng Thuyết. Ngay sau Thánh lễ sẽ có nghi thức Châm Lửa Truyền Thống và rước Đuốc từ Thềm Nhà Thờ đến Hội Trường Lớn. Tại Lễ Đài, bắt đầu Bài Hát: Maria Mẹ La Vang do Ca Đoàn Tổng Hợp 150 Ca Viên, 40 nhạc công và Nhạc Sự Phạm Đức Huyến điều khiển, tiếp theo là Trống và Võ Thuật Truyền Thống, Chào Quốc Kỳ, Phút Mặc Niệm, Diễn Văn Khai Mạc và Cắt Bánh, Ngâm Thơ Về Mẹ, Do Đức Cha Vincente Nguyễn Mạnh Hiếu sau đó là chương trình Ca, Múa, Nhạc, Kịch, Tốp Ca, quan họ La Vang được bắt đầu với nhạc bản Ta Về La Vang 30 Năm Qua, do Các Ban Ngành, Đoàn Thể, Hội Đoàn, Gia Tộc, các Ca Sĩ Vương Phùng Sơn, Phượng Hoàng, Y Phương, Hoàng Quân, Quang Lộc, Nguyễn Hoàng Nam, Hoàng Hiệp, Quý Cha, Quý Sơ Dòng Đa Minh, Ca Đoàn Tổng Hợp với Bài “La Vang Chúng Con Cùng Mẹ Ra Khơi và được kết thúc Bên Mẹ La Vang, mọi người với Ánh Lửa Trên tay”, Đức Cha Ban Phép Lành để kế thúc. ( giữa chương trình, có bữa ăn tay cầm), với sự hiện diện và điều khiển của Những MC Nhà Văn Nguyễn Ngọc Ngạn, MC Michell và MC Quang Vũ cùng Đạo Diễn Trần Quang Mỹ Tâm.

Đây là dịp để tri ân Chúa, cám ơn Quý Đức Cha, quý Cha Tiền Nhiệm, quý Ân Nhân, quý Thành Viên trong ngoài Giáo Xứ đã từng giúp góp nhiều hình thức khác nhau để xây dựng Giáo Xứ và tạo niềm vui chung cho Hành Trình Xa Quê Hương 40 Năm của Cộng Đồng Người Việt.

Thay mặt cho toàn thể Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, quý Cha và Giáo xứ Kính mời
 
Cung hiến nhà thờ giáo xứ Sơn Lộc – giáo phận Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
12:30 06/12/2015
Hôm nay thứ bảy ngày 5/12/2015, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước- Giám Mục Giáo Phận Phú Cường đã về giáo xứ Sơn Lộc, hạt Củ Chi để dâng lễ tạ ơn - cung hiến ngôi nhà thờ mới và mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ. Hiệp dâng thánh lễ có cha Tổng đại diện Micae Lê Văn Khâm, cha Simon chánh xứ Sơn Lộc, cũng là cha quản hạt Củ Chi, cùng khoảng 70 quý cha trong giáo phận. Tham dự thánh lễ có nhiều tu sĩ nam nữ và đông đảo quý khách mời là những ân nhân xa gần và toàn thể giáo dân giáo xứ Sơn Lộc, ước khoảng 2000 người.

Khi đoàn đồng tế và kiệu xương thánh đã bước lên 33 bậc thang để tiến lên sảnh chính, Đức Cha Giuse, cha tổng đại diện Micae và cha Simon đã cắt băng khánh thành nhà thờ mới trong tiếng vỗ tay của cộng đoàn.

Mở đầu là nghi thức làm phép nhà thờ, 3 chiếc chuông đồng trên tháp cùng được kéo vang, đồng thời Đức Giám Mục đọc lời nguyện và trao chìa khóa cửa nhà thờ cho linh mục quản xứ là cha Simon. Cha Simon đã mở cửa và cả cộng đoàn lần lượt tiến vào bên trong nhà thờ.

Khi mọi người đã ổn định, Đức Giám Mục làm phép nước và rảy lên cộng đoàn cùng bàn thờ. Sau đó, cộng đoàn cùng hát: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra….). Tiếp theo là phần đọc các bài đọc, công bố Tin mừng và bài giảng của Đức Cha Giuse: Khi nhìn lên ngôi nhà có tháp chuông cao, chúng ta đều biết đó chính là ngôi nhà thờ, chúng ta vui mừng vì điều này. Không phải vì nó cao to nhưng vì nơi đó có Thiên Chúa ngự trị, mỗi người chúng ta phải là ngôi nhà của Thiên Chúa. Để được Thiên Chúa ngự trị, chúng ta cũng cần phải cung hiến.Cung hiến bên ngoài là nhà thờ, cung hiến bên trong là bàn thờ. Nhà ta mục nát khi tâm hồn ta trống vắng tình Chúa, ta cần phải làm lại và làm thật chắc chắn, chắc như trên nền đá tảng. Xin Chúa giúp chúng ta.

Sau kinh tin kính, kinh cầu các thánh, Đức Giám Mục đặt hài cốt thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần vào vị trí dưới bàn thờ. Thánh Nguyễn Bá Tuần quê ở làng Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên, đã tuyên xưng đức tin khi tuổi đã cao, ngài đã chịu nhiều cực hình mà nhiều người không chịu được và đã được phong thánh 27 năm trước đây.

Trở lại bàn thờ Đức Giám Mục dang tay đọc lời Cung hiến và lời nguyện: Xin Chúa dùng quyền năng của Người thánh hoá bàn thờ và thánh đường này khi chúng con làm phận sự xức dầu, để chúng trở nên dấu hiệu hữu hình diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh Người.

Xức dầu bàn thờ và các trụ cột nhà thờ. Đức Cha Giuse và cha Micae đã đổ dầu lên các góc bàn thờ và lau thật kỹ, điều này có ý nghĩa là bàn thờ đã trở nên tinh tuyền. Đồng thời cha cựu chánh xứ là cha Vinh Sơn Hoàng Trung Đoàn và cha xứ Simon đã xức dầu cho các trụ cột nhà thờ với cùng một ý nghĩa như trên.

Xông hương bàn thờ và nhà thờ với ý nghĩa Nhà thờ Thiên Chúa luôn luôn thơm tho dịu dàng cho những ai đến với đền Thánh của Ngài. Sau đó, Đức Giám Mục đã làm phép lửa. Lửa là ánh sáng tượng trưng cho sự sống, xóa tan đi bóng tối sự dữ.

Nghi thức Cung hiến kết thúc và mọi người bước vào phụng vụ Thánh Thể.

Xin Thánh Thần Thiên Chúa xuống trên bàn thờ này, xin Ngài thánh hóa những lễ vật của dân Chúa và thanh tẩy tâm hồn những người lãnh nhận, chúng con cầu xin Chúa.
Cung hiến nhà thờ giáo xứ Sơn Lộc – giáo phận Phú Cường

Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Cha Giuse cho biết: Trong Năm Thánh mừng Kim khánh Giáo phận, nhà thờ Sơn Lộc được chỉ định cử hành các thánh lễ đặc biệt và hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ cũng rất đặc biệt, chúng ta cũng nhận được phép lành toàn xá nữa. Mọi người cúi đầu nhận phép lành toàn xá.

Xem Hình

Một vài cảm tưởng:

Ngày nay có nhiều nhà thờ được thiết kế trên tầng lầu, tầng trệt được tổ chức các buổi sinh hoạt, đặt biệt cho các em Thiếu nhi Thánh thể, vì các em là tương lai của Giáo Hội. Khi thiết kế nhà thờ trên cao có được ưu điểm là mọi người dễ tập trung cầu nguyện hơn, tránh được ồn ào chia trí hay đi cho có lệ. Bên cạnh đó cũng có những băn khoăn của các ông bà lớn tuổi vì không đi được bậc thang lên lầu, cha xứ đã biết điều đó và cha đã đặt làm một thang máy tốt nhất đủ để phục vụ các ông bà và người đau yếu. Hôm nay dự lễ Cung hiến, nhiều ông bà đã tỏ ra rất vui vì từ trước tới nay, đây là lần đầu tiên được đến Nhà Chúa với tâm trạng thoải mái, an vui nhất.

Đứng trước Cung thánh cao rộng, ánh sáng màu vàng ấm, tượng Chúa chịu nạn như rõ nét trong buổi chiều xưa. Ngước mắt nhìn lên Chúa, mỗi người cảm thấy mình thật nhỏ bé, thật yếu đuối thật bất toàn. Nhìn sang hai bên, Đức Maria, Thánh Giuse sáng chói trong ánh hào quang đã khiến cho mọi người hãy đến và hãy học cùng Maria và Giuse.

Thiên đàng là đâu, thiên đàng là đây, hãy cảm nhận, cảm nhật thật sâu sắc để bước thật vào nơi ấy ngay nơi trần gian này.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Sơn Lộc, có khoảng trên 3200 người, cả định cư và tạm cư. Giáo xứ được chia làm 4 khu, khu I và II có số giáo dân sống tập trung chung quanh nhà thờ và đông nhất; khu III và IV giáo dân sống rải rác trong bán kính 3 km. Ngày Chúa Nhật có 4 thánh lễ, riêng thánh lễ II dành cho thiếu nhi. Ngoài cha xứ Simon, hàng ngày có một cha trong Hội thừa sai đến dâng lễ sáng hoặc chiều.

Nhà thờ mới được xây dựng trên nền nhà thờ cũ, chiều dài 56 mét, chiều ngang 24 mét. Có 100 ghế dài có bàn quỳ. Nhà thờ nằm trên tầng lầu, tầng trệt để làm nơi sinh hoạt hàng tuần cho các em thiếu nhi hoặc diễn nguyện trong các dịp lễ lớn.

Bên trong nhà thờ được trang trí các vật dụng bằng gỗ. Hai tượng Đức Maria và thánh Giuse được làm từ gỗ nguyên khối, bàn thờ cũng vậy. Đặc biệt sàn cung thánh và các đường biên được lắp ghép từ các mảnh gỗ của cây giá tỵ, những cây giá tỵ này được các cha cựu chánh xứ trồng từ những năm 1972-1980, nay sử dụng để tưởng nhớ đến các ngài.

Có một điều làm mọi người cảm động, Thánh giá và tượng Chúa chịu nạn được đưa từ miền bắc vào và đã hiện diện với giáo xứ 60 năm qua, nay vì không hợp với cảnh quan nên giáo xứ đã thuê tạc một tượng lớn hơn nhưng cùng một họa tiết xưa, nghĩa là giống hệt tượng Chúa chịu nạn cũ, để khi nhìn lên tượngảnh, mọi người cảm thấy Chúa thật gần gũi.

Hang núi đá Đức Mẹ được xây từ năm 1958, gần 60 năm qua, ngày ngày con cái Mẹ đến kính viếng và coi đó như một nguồn an ủi những lúc tâm hồn cô đơn, nguội lạnh. Như bao lần ngước trông lên Mẹ, giờ đây ai ai cũng cảm thấy có điều gì không phải. Những viên đá nhỏ được chồng chất kết dính lên nhau bởi những đường hồ ximăng nay đã có nhiều khe nứt, cây cỏ từ đó mọc lên che khuất những viên đá, khe nứt ngày một rộng làm thiếu đi tính an toàn. Cây cỏ bao phủ tạo cảnh âm u, thiếu ánh sáng, rêu xanh phủ đầy…

Và! Mẹ ơi, chúng con sẽ xây cho Mẹ một nơi ở mới nhé Mẹ.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Thánh lễ tạ ơn – Khánh thành Nhà thờ Giáo họ An Khang, GP Thái Bình
BTT Thái Bình
16:33 06/12/2015
Thánh lễ tạ ơn – Khánh thành Nhà thờ Giáo họ An Khang, GP Thái Bình

Sáng Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng (06.12.2015), cộng đoàn Giáo họ An Khang thuộc Giáo xứ Văn Lăng, Giáo hạt Kiến Xương hân hoan chào đón Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ và quý cha về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp cắt băng khánh thành ngôi Nhà thờ mới.

Xem Hình

Bầu khí cả thôn Tiền Phong hôm nay thật là tưng bừng và nhộn nhịp. Đi trên Quốc lộ mới Tiền Hải và Thái Thụy chúng ta đã có thể nhìn thấy ngôi Nhà thờ mới của Giáo họ với tháp chuông vút cao. Ngay từ lối rẽ, dọc con đường chạy dài cánh đồng là những lá cờ tung bay phất phất để đưa dẫn mọi người tiến về Nhà thờ.

Khi phái đoàn Đức Cha đặt chân tới đầu thôn Tiền Phong, cha quản nhiệm, đội trống, hai đội kèn của Giáo xứ Văn Lăng và cộng đoàn Giáo họ An Khang đã đứng sẵn chờ đón. Vừa xuống khỏi xe, cha quản nhiệm Micael Phạm Văn Tuân và ông Chủ tịch Hội đồng giáo họ đã kính tặng và khoác lên Bề trên vòng hoa tươi thể hiện lòng yêu mến của đoàn chiên. Bước đi trong tiếng kèn, tiếng trống và niềm vui của cộng đoàn, Đức Cha tiến về Nhà thờ và nghỉ ngơi ít phút.

Hồi 9g00 là cuộc rước từ sân cạnh phía đầu nhà thờ tiến về quảng trường phía cuối. Tại lễ đài cuối nhà thờ, cha quản nhiệm đã sơ qua đôi nét về lịch sự hình thành và phát triển của Giáo họ An Khang để Bề trên và mọi người được biết. Đồng thời, cha và vị đại diện Giáo họ đã dâng lên Đức Cha tấm ảnh ngôi Nhà thờ và những lãng hoa tươi thắm.

Sau nghi thức chào mừng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ và cha quản nhiệm Micael Phạm Văn Tuân cùng quý cha và vị đại diện Giáo họ tiến lên cắt băng khánh thành ngôi nhà thờ mới của Giáo họ An Khang, trước sự chứng kiến và niềm vui của mọi người.

Kết thúc nghi thức cắt băng, Đức Cha mở cửa Nhà thờ và ngài đưa dẫn đoàn chiên vào để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa. Bước vào thánh lễ, sau phần chào chúc và ngỏ lời cùng cộng đoàn, Đức Cha cử hành nghi thức làm phép ngôi Nhà thờ.

Chia sẻ trong thánh lễ hôm nay, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của ngôi Nhà thờ này. Ngài cho thấy, mặc dù ngôi Nhà thờ này không to lớn và hoành tráng như các công trình khác, nhưng nó mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt, hệ tại ở việc nó được dâng kính lên Đấng mà cộng đoàn tin thờ, Đấng ấy chính là Thiên Chúa.

Khi đề cập đến việc tin thờ Thiên Chúa, Đức Cha đã vận dụng hình ảnh cụ thể trong xã hội loài người để diễn tả cho cộng đoàn dễ hiểu, đó là việc thờ cúng Tổ tiên. Dù chưa bao giờ con người được nhìn thấy các cụ tổ của mình, nhưng vẫn tin phải có các ngài thì mới có cha ông mình và tỏ lòng hiếu kính với các ngài. Đây là việc làm tự nhiên và hợp đạo đức đối với mọi người, vì lẽ con người ai cũng có Tổ tiên và ai cũng cần phải thể hiện lòng hiếu kính tổ tiên qua các nghi lễ. Từ đó, Đức Cha mời gọi mọi người hướng lòng thờ kính Tổ tiên đầu tiên của loài người là Đấng đã tạo thành vũ trụ vạn vật, đó là Đấng Tạo Thành, là Chúa Trời, là Thiên Chúa, và Đức Giêsu Kitô chính là hiện thân của Ngài.

Sau phần tuyên xưng đức tin và lời nguyện tín hữu, Đức Cha long trọng làm phép bàn thờ mới, là nơi dành để tế lễ.

Kết thúc lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện Giáo họ bày tỏ tâm tình cám ơn Đức Cha, quý cha và cộng đoàn.

Sau thánh lễ, mọi thành phần cùng chung chia niềm vui với Giáo họ An Khang qua bữa cơm thân tình tại tầng trệt và khuôn viên Nhà thờ.

Được biết, cha Nguyên chánh xứ Đaminh Đặng Văn Cầu và cộng đoàn Giáo họ An Khang đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ này từ năm 2012. Ngôi Nhà thờ được xây 2 tầng, tầng 1 làm nơi hội họp và dạy giáo lý, tầng 2 làm nơi dâng lễ và cầu nguyện. Chiều dài của ngôi Nhà thờ là 30m, rộng 9m, cao 15m, tháp chuông cao 30m. Số giáo dân hiện nay là 144 nhân danh.

Ban Truyền thông Giáo phận
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Năm Thánh lòng thương xót.
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:05 06/12/2015
Năm Thánh lòng thương xót.

Trong nếp sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo, bốn tuần lễ mùa Vọng năm phụng vụ mới là thời gian người tín hữu Chúa Kitô sửa soạn tâm hồn mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người ngày 25.12.

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đấng là ánh sáng ơn cứu chuộc thánh của Thiên Chúa từ trời cao đến đi vào đêm tối tội lỗi trần gian. Ánh sáng Ngài mang vào trần gian có sức chiếu soi xóa tan bóng tối tội lỗi bao phủ tâm hồn con người do hậu qủa tội nguyên tổ Adong Evà cùng tội cá nhân mỗi người gây ra.

Ánh sáng Chúa Giêsu là ơn tha thứ làm hòa của Thiên Chúa cho con người, của Trời cao với trần thế.

Vào những ngày đầu năm phụng vụ mới của Giáo Hội, chính xác vào ngày 08.12. 2015, ngày lễ mừng kính Đức mẹ Maria không vướng mắc tội tổ tông, Đức Thánh Cha Phanxico khai mạc Năm Thánh lòng thương xót 2016 trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Năm Thánh kéo dài từ ngày 08.12. 2015 tới ngày 20.11.2016.

Năm Thánh là gì?

Năm Thán
h là tập tục nếp sống của Đạo Do Thái, để kỷ niệm năm hồng ân, thông thường cứ mỗi 50 năm có năm kỷ niệm như vậy.

Trong Giáo Hội Công Giáo thời Đức Giáo Hoàng Bonifatius VIII. năm 1300 đã làm sống lại truyền thống Năm hồng ân kỷ niệm, và ấn định cứ 100 năm tổ chức năm thánh.

Từ năm 1475 Giáo Hội ấn định lại, cứ 25 năm lại có năm Thánh hồng ân kỷ niệm này. Và ngoài ra cũng có những Năm Thánh ngoại lệ không đúng vào chu kỳ kỷ niệm 25 năm hay 50 năm được tổ chức trong Giáo Hội nữa. Năm Thánh ngoại lệ được tổ chức vào những dịp có kỷ niệm đặc biệt khác thường trong đời sống Giáo Hội, như năm 1983 dịp kỷ niệm 1900 năm ơn cứu chuộc, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô.

Cho tới hôm nay, có tất cả 26 lần những Năm Thánh kỷ niệm trong Giáo Hội đã được tổ chức theo tập tục đúng chu kỳ và ngoại lệ.

Kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican I I., 08.12.1965 - 08.12.2015, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã kêu gọi mở Năm Thánh 2016 Lòng thương xót Chúa.

Chủ đề đạo đức thần học năm Thánh 2016

Chủ đề năm Thánh dựa trên câu Kinh Thánh trong thư của Thánh Phaolo gửi Giáo đoàn Epheso: „Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta.“ ( Epheso 2,4).

Lòng thương xót Chúa cũng là trọng tâm khẩu hiệu đời Giám Mục của Đức Giáo Hoàng Phanxico „Miserando atque eligendo - Thương xót và lựa chọn.“ ( Mt 9,9-13)

Không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa.

Từ ngữ Lòng thương xót theo nguyên ngữ Do Thái „rachum“, có căn rễ từ chữ „cung lòng mẹ“, nơi cung lòng mẹ thân thể sự sống con người cũng như thú vật tìm được nơi cư ngụ trước hết trong giai đoạn phát triển từ khi còn là một bào thai. Kinh Thánh nói đến khung hình hài các cơ quan phủ tạng sự sống là nơi chốn của cảm giác cũng như sự suy nghĩ của trí khôn, mà trung tâm là trái tim.

Kinh Thánh không phân chia suy nghĩ và cảm giác ra riêng nhau, nhưng cho đó là một. Theo Kinh Thánh lòng thương xót ở vị trí điểm chính giữa của thân thể, tạo nên trung tâm trật tự cho tất cả. Chính vì thế, Thiên Chúa để cho chúng ta nhìn vào tận trái tim của người . Bản tính, tình yêu của Thiên Chúa biểu hiện qua lòng thương xót.

Lòng thương xót là là tấm gương soi chiếu của Thiên Chúa, nhìn vào đó khám phá ra trung tâm điểm sự sống, sự thánh thiện, sự công chính cùng lòng nhân ái.

Chính Chúa Giêsu Kitô đã sống tin mừng lòng thương xót của Thiên Chúa, mà Ngài mang đến loan báo nơi trần gian cho con người.

Nơi những người gặp vướng mắc vào hoàn cảnh khốn khó cùng cực trong đời sống, con người tìm gặp được chính Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa.

Lòng thương xót là hình ảnh của Thiên Chúa .

„ Lòng Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng Thương Xót: là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta.“ ( Misericordiae vultus Nr. 2.)

Cánh cửa Năm Thánh

Đức Thánh Cha Phanxico theo tập tục nếp sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo, nghi thức mở cửa Thánh có từ thời Đức Giáo Hoàng Alexander VI. 1499, sẽ lần lượt mở cánh cửa Năm Thánh ở đền thờ Thánh Phero, đền thờ Laterano, đền thờ Đức Bà cả và đền thờ Thánh Phaolo ở Roma từ ngày 08.12.2015.

Cửa Năm Thánh ở bốn đền thờ lớn bên Roma là hình ảnh biểu tượng cho Cửa ban ân đức của Chúa. Vì thế trong năm Thánh đi hành hương bước qua cửa thánh nơi bốn đền thờ này, lãnh nhận được ơn toàn xá, như Giáo Hội ấn định.

Ngoài ra ở các Giáo phận Công Giáo trên thế giới do Đức Giám Mục quy định cũng có những thánh đường có cửa năm thánh, để người tín hữu đến hàng hương bước qua cửa năm thánh lãnh nhận ơn toàn xá trong năm thánh lòng từ bi thương xót Chúa.

Bước qua ngưỡng Cửa Thánh muốn nói lên ý nghĩa đạo đức, như chính Chúa Giêsu đã nói: „Thầy là cửa. Ai qua Thầy mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. ( Ga 10,9)

Lòng thương xót và cánh cửa rộng mở

Lòng thương xót là đặc tính Thiên Chúa ( Xh 34,6). Dụ ngôn người cha nhân lành với người con hoang đàng trở về (Lc 15,11-32) nói lên đặc tính của Thiên Chúa. Người cha luôn mở rộng cánh cửa đón con mình trở về. Cánh cửa rộng sẵn sàng cho người con về vào nhà trở lại cùng chung sống trong mọi hoàn cảnh dù gặp khó khăn khốn cùng, gặp hoàn cảnh đổ vỡ thất bại.

„ Giáo Hội được gọi là nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một trong những dấu chỉ của việc mở rộng này chính là ngôi giáo đường của chúng ta nên luôn luôn mở rộng cửa, để mà nếu ai đó, được Chúa Thánh Thần tác động, đến đó tìm kiếm Thiên Chúa, người ấy sẽ không gặp thấy cửa đóng then cài. Có những cánh cửa khác cũng không nên đóng kín. Mỗi người có thể tham dự theo cách nào đó vào đời sống Giáo Hội; mỗi người có thể là phần tử của cộng đồng, các cửa của các Bí Tích cũng không được đóng kín vì bất cứ lý do nào. Bí Tích Rửa Tội tự nó thật sự đặc biệt là “cánh cửa”. Bí Tích Thánh Thể, dù là sự viên mãn của đời sống bí tích, không phải là một giải thưởng cho những người hoàn thiện, mà là thần dược và thần lương cho những người yếu nhược…( Evangelii Gaudium Nr. 47).

Năm Thánh lòng thươmg xót Chúa 2016.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trường Sơn Cao Vời
Richard Drysdale
22:06 06/12/2015
TRƯỜNG SƠN CAO VỜI
Ảnh của Richard Drysdale
Những đỉnh núi cao vời,
Thể hiện quyền năng Ngài.
Ngọn cỏ gió đùa chơi,
Nói lên lòng lành Ngài.
(Trích thơ của Bùi Hữu Thư)