Ngày 18-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 19/05: Giữ Giới Răn của Chúa – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS.
Giáo Hội Năm Châu
02:49 18/05/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

Đó là lời Chúa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV trong Thánh lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh: Đây là giờ của tình yêu
J.B. Đặng Minh An dịch
03:50 18/05/2025

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã cử hành Thánh lễ nhậm chức vào lúc 10h sáng Chúa Nhật, 18 Tháng Năm, theo giờ địa phương, tức là 3h chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, trong thánh lễ đại trào tại Quảng trường Thánh Phêrô. Thánh lễ này sẽ đánh dấu sự khởi đầu chính thức của triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV, vị giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tân Giáo Hoàng nói:

Thưa các anh em Hồng Y, các anh em Giám mục và Linh mục, các vị Thẩm quyền và Thành viên của Ngoại giao Đoàn, cùng những người đã đến đây để tham dự Năm Thánh của các Hội đoàn, thưa tất cả anh chị em:

Tôi chào tất cả anh chị em với một trái tim tràn đầy lòng biết ơn khi bắt đầu sứ vụ được giao phó cho tôi. Thánh Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và trái tim chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa” (Tự thú, I: 1,1).

Trong những ngày này, chúng ta đã trải qua những cảm xúc mãnh liệt. Cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lấp đầy trái tim chúng ta bằng nỗi buồn. Trong những giờ phút khó khăn đó, chúng ta cảm thấy giống như đám đông mà Phúc âm nói rằng “như bầy chiên không có người chăn” (Mt 9:36). Tuy nhiên, vào Chúa Nhật Phục sinh, chúng ta đã nhận được phép lành cuối cùng của ngài và, dưới ánh sáng của biến cố phục sinh, chúng ta đã trải qua những ngày tiếp theo trong niềm xác tín rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, nhưng quy tụ họ khi họ bị phân tán và bảo vệ họ “như người chăn chiên bảo vệ đàn chiên của mình” (Gr 31:10).

Trong tinh thần đức tin này, Hồng Y đoàn đã họp Cơ Mật Viện. Xuất thân từ nhiều hoàn cảnh và kinh nghiệm khác nhau, chúng tôi đặt vào tay Chúa ước muốn bầu lên Người kế vị mới của Thánh Phêrô, Giám mục Rôma, một mục tử có khả năng bảo tồn di sản phong phú của đức tin Kitô và đồng thời hướng đến tương lai, để đối mặt với những vấn nạn, những mối quan tâm và thách thức của thế giới ngày nay.

Nhờ lời cầu nguyện của anh chị em, chúng tôi có thể cảm nhận được sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng có thể đưa chúng tôi vào sự hòa hợp, như những nhạc cụ, để dây đàn của trái tim chúng tôi có thể rung lên trong một giai điệu duy nhất. Tôi đã được chọn, không có bất kỳ công trạng nào của riêng tôi, và bây giờ, với sự sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em, người mong muốn trở thành người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, đồng hành cùng anh chị em trên con đường tình yêu của Chúa, vì Người muốn tất cả chúng ta được hợp nhất trong một gia đình.

Tình yêu và sự hiệp nhất: đây là hai chiều kích của sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Phêrô. Chúng ta thấy điều này trong Tin Mừng hôm nay, dẫn chúng ta đến Biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh mà Người đã nhận được từ Chúa Cha: đó là trở thành “người đánh cá” của nhân loại để kéo họ lên khỏi dòng nước của sự dữ và sự chết. Khi đi dọc bờ biển, Người đã gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên khác, trở nên giống như Người, là “những người đánh cá người”.

Bây giờ, sau biến cố phục sinh, họ phải tiếp tục sứ mệnh này, thả lưới liên tục, mang hy vọng của Phúc Âm vào “mặt nước” của thế giới, vượt qua biển cả cuộc sống để tất cả mọi người có thể trải nghiệm được vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa.

Làm sao Phêrô có thể thực hiện được nhiệm vụ này? Thưa: Phúc Âm cho chúng ta biết rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được vì chính cuộc đời của thánh nhân đã được tình yêu vô hạn và vô điều kiện của Thiên Chúa chạm đến, ngay cả trong giờ phút Phêrô thất bại và chối Chúa. Vì lý do này, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô, Phúc Âm sử dụng động từ tiếng Hy Lạp agapáo, ám chỉ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đến sự hiến dâng chính mình mà không giữ lại và không tính toán. Trong khi động từ được sử dụng trong câu trả lời của Phêrô mô tả tình yêu trong tình bạn mà chúng ta dành cho nhau.

Do đó, khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô, “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21:16), Người đang ám chỉ đến tình yêu của Chúa Cha. Như thể Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, “Chỉ khi con biết và trải nghiệm tình yêu này của Thiên Chúa, tình yêu không bao giờ mất đi, thì con mới có thể chăn dắt chiên con của Thầy. Chỉ trong tình yêu của Chúa Cha, con mới có thể yêu thương anh chị em mình bằng cùng một trọng lượng “nhiều hơn” đó, nghĩa là bằng cách hiến dâng mạng sống mình cho anh chị em mình.”

Như vậy, Phêrô được giao phó nhiệm vụ “yêu thương nhiều hơn” và hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Sứ vụ của Phêrô được phân biệt chính xác bởi tình yêu hy sinh này, vì điều mà Giáo hội Rôma chủ trì trong đức ái và thẩm quyền thực sự của mình chính là đức ái của Chúa Kitô. Không bao giờ là vấn đề nắm bắt người khác bằng vũ lực, bằng tuyên truyền tôn giáo hoặc bằng quyền lực. Thay vào đó, luôn luôn và chỉ là vấn đề yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu.

Chính Thánh Tông Đồ Phêrô đã nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “là tảng đá mà anh em là thợ xây loại bỏ, và đã trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4:11). Hơn nữa, nếu tảng đá là Chúa Kitô, Phêrô phải chăn dắt đàn chiên mà không bao giờ khuất phục trước cám dỗ trở thành một kẻ độc đoán, thống trị những người được giao phó cho mình (x. 1 Pr 5:3). Ngược lại, ngài được kêu gọi phục vụ đức tin của anh chị em mình và đồng hành cùng họ, vì tất cả chúng ta đều là “những viên đá sống động” (1 Pr 2:5), được kêu gọi qua phép rửa tội để xây dựng ngôi nhà của Thiên Chúa trong sự hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong sự chung sống của sự đa dạng. Theo lời của Thánh Augustinô: “Giáo hội bao gồm tất cả những ai hòa hợp với anh chị em mình và yêu thương người lân cận” (Bài giảng 359,9).

Anh chị em thân mến, tôi muốn rằng ước muốn lớn đầu tiên của chúng ta là một Giáo hội hiệp nhất, một dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, trở thành men cho một thế giới hòa giải. Trong thời đại này, chúng ta vẫn thấy quá nhiều bất hòa, quá nhiều vết thương do hận thù, bạo lực, định kiến, sợ khác biệt và một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên của Trái đất và gạt những người nghèo nhất ra bên lề.

Về phần chúng tôi, chúng tôi muốn trở thành một chất men nhỏ của sự hiệp nhất, hiệp thông và tình huynh đệ trong thế giới. Chúng tôi muốn nói với thế giới, với sự khiêm nhường và niềm vui: Hãy nhìn lên Chúa Kitô! Hãy đến gần Người hơn! Hãy chào đón lời Người soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe lời Người đề nghị yêu thương và trở thành một gia đình của Người: trong một Chúa Kitô, chúng ta là một. Đây là con đường để cùng nhau bước theo, giữa chúng ta nhưng cũng với các giáo hội Kitô chị em của chúng ta, với những người theo các con đường tôn giáo khác, với những người đang tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người nam nữ thiện chí, để xây dựng một thế giới mới, nơi hòa bình ngự trị!

Đây là tinh thần truyền giáo phải thúc đẩy chúng ta; không khép mình trong những nhóm nhỏ của chúng ta, cũng không cảm thấy mình cao hơn thế giới. Chúng ta được kêu gọi trao tặng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để đạt được sự hiệp nhất không xóa bỏ sự khác biệt nhưng coi trọng lịch sử cá nhân của mỗi người và văn hóa xã hội và tôn giáo của mọi dân tộc.

Anh chị em thân mến, đây là giờ yêu thương! Trọng tâm của Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau. Cùng với vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: Nếu tiêu chuẩn này “thống trị thế giới, thì chẳng lẽ mọi xung đột lại không chấm dứt và hòa bình không trở lại sao?” (Rerum Novarum – Tân Sự, 21).

Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội được thành lập trên tình yêu của Thiên Chúa, một dấu chỉ của sự hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo mở rộng vòng tay với thế giới, công bố lời Chúa, để cho lịch sử làm cho mình “bất an”, và trở thành men hòa hợp cho nhân loại. Cùng nhau, như một dân tộc, như anh chị em, chúng ta hãy tiến về phía Thiên Chúa và yêu thương nhau.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Bài giảng của Đức Leo XIV trong Cử Hành Thánh Thể Khởi Đầu Thừa Tác Vụ Phêrô Của Giám Mục Rôma
Vũ Văn An
05:01 18/05/2025

Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Leo XIV
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2025




Thưa các Hồng Y anh em,
Các anh em trong hàng Giám mục và trong hàng Linh mục,
Kính thưa các vị quan chức và thành viên của Đoàn ngoại giao
!

Xin chào những người hành hương đã đến nhân dịp Năm Thánh của các Huynh đoàn!

Thưa anh chị em, tôi xin chào tất cả anh chị em với lòng biết ơn khi bắt đầu sứ vụ được giao phó cho tôi. Thánh Augustinô đã viết: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Tự thú, 1, 1.1).

Trong vài ngày qua, chúng ta đã trải qua một thời gian đặc biệt căng thẳng. Cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến trái tim chúng ta tràn ngập nỗi buồn, và trong những giờ phút khó khăn đó, chúng ta cảm thấy mình giống như đám đông mà Tin mừng nói rằng họ "như bầy chiên không người chăn dắt" (Mt 9:36).

Vào đúng Ngày lễ Phục sinh, chúng ta đã nhận được phép lành cuối cùng của ngài, và dưới ánh sáng của sự Phục sinh, chúng ta đối diện với khoảnh khắc này với niềm tin chắc rằng Chúa không bao giờ từ bỏ dân Người, Người tập hợp họ lại khi họ bị phân tán và "bảo vệ họ như người mục tử chăm sóc đàn chiên của mình" (Gr 31:10).

Trong tinh thần đức tin này, Hồng Y đoàn đã tập trung để tham dự Mật nghị; Đến từ những lịch sử và con đường khác nhau, chúng tôi đã đặt vào tay Thiên Chúa mong muốn bầu người kế vị mới của Thánh Phêrô, Giám mục Rôma, một mục tử có khả năng bảo vệ di sản phong phú của đức tin Kitô giáo và đồng thời, có tầm nhìn xa để giải quyết những câu hỏi, mối quan tâm và thách thức của ngày nay. Nhờ lời cầu nguyện của anh chị em, chúng tôi đã cảm nhận được tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng có thể lên dây các nhạc cụ khác nhau, khiến dây đàn trong tim chúng ta rung lên thành một giai điệu duy nhất.

Tôi được chọn mà không có công trạng gì, và với lòng sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em muốn trở thành người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, đồng hành cùng anh chị em trên con đường tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn tất cả chúng ta hiệp nhất trong một gia đình.

Tình yêu và sự hiệp nhất: đây là hai chiều kích của sứ mệnh mà Chúa Giêsu trao phó cho Phêrô.

Điều này được kể cho chúng ta trong đoạn Tin Mừng dẫn chúng ta đến Hồ Tiberias, chính nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh được Chúa Cha trao phó: “đánh cá” nhân loại để cứu họ khỏi dòng nước của sự dữ và cái chết. Khi đi dọc bờ hồ, Chúa đã gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên khác trở nên giống như ngài “những người đánh cá người”; và giờ đây, sau khi phục sinh, họ phải tiếp tục sứ mệnh này, tung lưới liên tục để dìm niềm hy vọng của Tin mừng xuống dòng nước thế giới, lèo lái qua biển đời để mọi người đều có thể tìm thấy chính mình trong vòng tay của Thiên Chúa.

Làm sao Phêrô có thể thực hiện được nhiệm vụ này? Tin mừng cho chúng ta biết rằng điều này chỉ có thể xảy ra khi người ta đã trải nghiệm trong cuộc sống của mình tình yêu vô hạn và vô điều kiện của Thiên Chúa, ngay cả trong giờ phút thất bại và chối bỏ. Vì lý do này, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô, Tin mừng dùng động từ tiếng Hy Lạp agapao, ám chỉ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đến việc Người hiến dâng chính mình mà không giữ lại và không tính toán, khác với động từ được dùng để đáp lại Phêrô, thay vào đó mô tả tình yêu thương của tình bạn mà chúng ta trao đổi với nhau.

Do đó, khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" (Ga 21:16), Người có ý ám chỉ tình yêu của Chúa Cha. Giống như Chúa Giêsu đang nói với ông: chỉ khi nào con biết và trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu không bao giờ thất bại, thì con mới có thể chăn dắt chiên con của Ta; chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa Cha, con mới có thể yêu thương anh em mình bằng điều gì đó “hơn thế nữa”, nghĩa là bằng cách hiến dâng mạng sống mình cho anh em mình.

Vì thế, Phêrô được giao phó nhiệm vụ “yêu thương nhiều hơn” và hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Sứ vụ của Phêrô được đánh dấu chính xác bằng tình yêu hy sinh này, bởi vì Giáo hội Rôma chủ trì bằng đức bác ái và thẩm quyền thực sự của giáo hội là đức bác ái của Chúa Kitô. Vấn đề không bao giờ là bắt giữ người khác thông qua áp bức, tuyên truyền tôn giáo hay phương tiện quyền lực, mà luôn luôn và chỉ là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương.

Chính Thánh Tông Đồ Phêrô đã nói: “Người là viên đá mà anh em là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4:11). Và nếu tảng đá là Chúa Kitô, thì Phêrô phải chăn dắt đoàn chiên mà không bao giờ khuất phục trước cám dỗ trở thành một người lãnh đạo đơn độc hay một thủ lĩnh được đặt lên trên những người khác, biến mình thành chủ của những người được giao phó cho mình (x. 1Pr 5:3); ngược lại, ngài được yêu cầu phục vụ đức tin của anh em mình, cùng bước đi với họ: thực ra, tất cả chúng ta đều được lập thành "những viên đá sống động" (1Pr 2:5), được kêu gọi qua Bí tích Rửa tội để xây dựng tòa nhà của Thiên Chúa trong sự hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong sự chung sống của sự đa dạng. Như Thánh Augustinô đã nói: "Giáo hội bao gồm tất cả những ai hòa thuận với anh chị em mình và yêu thương người lân cận" (Bài giảng 359, 9).

Thưa anh chị em, Tôi tin rằng đây là mong muốn lớn lao đầu tiên của chúng ta: một Giáo hội thống nhất, dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, trở thành men cho một thế giới được hòa giải.

Ngày nay, chúng ta vẫn chứng kiến quá nhiều bất hòa, quá nhiều vết thương do lòng thù hận, bạo lực, định kiến, nỗi sợ hãi những người khác biệt và mô hình kinh tế khai thác tài nguyên Trái Đất và đẩy những người nghèo nhất ra bên lề. Và chúng ta muốn trở thành, trong khối bột này, một chút men của sự hiệp nhất, của tình hiệp thông, của tình anh em. Chúng tôi muốn nói với thế giới, với sự khiêm nhường và niềm vui: hãy hướng về Chúa Kitô! Hãy đến gần Người hơn! Chào mừng Lời Chúa soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe lời đề nghị yêu thương của Người để trở thành gia đình duy nhất của Người: trong một Chúa Kitô, chúng ta là một. Và đây là con đường chúng ta phải cùng nhau bước đi, giữa chúng ta với nhau nhưng cũng với các Giáo hội Kitô chị em, với những người theo các con đường tôn giáo khác, với những người nuôi dưỡng sự bồn chồn tìm kiếm Chúa, với tất cả những người đàn bà và đàn ông thiện chí, để xây dựng một thế giới mới trong đó hòa bình ngự trị.

Đây chính là tinh thần truyền giáo cần phải thôi thúc chúng ta, mà không khép mình trong nhóm nhỏ của mình hay cảm thấy mình vượt trội hơn thế gian; chúng ta được kêu gọi trao ban tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để có thể đạt được sự hiệp nhất không xóa bỏ những khác biệt, nhưng đúng hơn là nâng cao lịch sử cá nhân của mỗi người và nền văn hóa xã hội và tôn giáo của mỗi dân tộc.

Thưa anh chị em, đây là giờ phút của tình yêu! Lòng bác ái của Thiên Chúa khiến chúng ta trở thành anh chị em với nhau chính là trọng tâm của Tin mừng, và cùng với vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nếu tiêu chuẩn này "thống trị thế giới, thì mọi bất đồng chẳng phải sẽ chấm dứt ngay lập tức và hòa bình có lẽ sẽ quay trở lại sao?" (Thông điệp Rerum novarum, 21).

Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội được thành lập trên nền tảng tình yêu của Thiên Chúa và dấu chỉ hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo mở rộng vòng tay với thế giới, loan báo Lời Chúa, để cho lịch sử làm xáo trộn mình và trở thành men hòa hợp cho nhân loại.

Cùng nhau, như một dân tộc, như tất cả anh em, chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía Thiên Chúa và yêu thương lẫn nhau.
 
Thánh lễ Khởi đầu Sứ vụ Phêrô của Đức Leo XIV: Tôi đến với anh chị em như một người anh em, người mong muốn phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em.
Vũ Văn An
05:50 18/05/2025

Luke Coppen và J.D. Flynn của The Pillar, Ngày 18 tháng 5, từ Rôma đánh đi bản tin sau đây về Thánh Lễ cầu nguyện cho Thừa Tác Vụ Phêrô của đức Tân Giáo Hoàng Leo XIV:

Đức Giáo Hoàng Leo XIV cho biết Thánh Phêrô được giao nhiệm vụ “yêu thương nhiều hơn” và “hiến dâng mạng sống mình cho đàn chiên” khi ngài cử hành Thánh lễ nhậm chức vào Chúa Nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng cho biết, thừa tác vụ Phêrô “luôn luôn và chỉ là vấn đề yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương”.

Đức Giáo Hoàng Leo XIV nâng cao Thánh Thể trong Thánh lễ nhậm chức của mình tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 18 tháng 5 năm 2025. Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube @VaticanNews.


Giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ đã suy gẫm trong Thánh lễ ngày 18 tháng 5 về sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa các tông đồ của Người sau khi Người Phục sinh — và suy ngẫm ngắn gọn về mật nghị đã bầu ra ngài.

Đức Giáo Hoàng cho biết, tại mật nghị bầu giáo hoàng, “Chúa Thánh Thần đã có thể đưa chúng tôi đến sự hòa hợp”. "Tôi được chọn mà không có công trạng gì của riêng tôi. Và giờ đây, với sự sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em, người mong muốn trở thành người phục vụ cho đức tin và niềm vui của anh chị em."

Ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng “tình yêu thương và sự hiệp nhất” là hai chiều kích trong sứ vụ của Thánh Phêrô, vì Chúa Giêsu “gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên khác trở nên giống như ngài: Những người đánh cá người”.

"Họ phải tiếp tục sứ mệnh này — liên tục tung lưới. Mang hy vọng của Tin mừng đến với thế giới."

“Làm sao Thánh Phêrô có thể thực hiện được nhiệm vụ này?” Đức Giáo Hoàng hỏi. “Tin mừng cho chúng ta biết rằng điều đó chỉ có thể xảy ra vì chính cuộc đời của ngài đã được tình yêu vô hạn và vô điều kiện của Thiên Chúa chạm đến, ngay cả trong giờ phút thất bại và chối bỏ của ngài.”

Đức Leo XIV, trước đây được gọi là Hồng Y Robert Francis Prevost, đã trở thành Giáo hoàng thứ 267 của Giáo Hội Công Giáo ngay khi ngài chấp nhận cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 5 tại Nhà nguyện Sistine. Nhưng thánh lễ nhậm chức 10 ngày sau đó mới đánh dấu lễ nhậm chức chính thức của ngài. Trước Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng mới đã lần đầu tiên diễu hành quanh Quảng trường Thánh Phêrô bằng xe giáo hoàng, đi qua hàng chục ngàn người hành hương trong tiếng hô vang “Viva il Papa!”

Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Giám mục Rôma, theo tên gọi chính thức, bắt đầu lúc 10 giờ sáng giờ địa phương với Đức Giáo Hoàng Leo XIV.

Sau khi dừng lại để cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng cầm lư hương và xông hương vào trophaeum, một đài tưởng niệm đánh dấu nơi chôn cất của vị tông đồ đã tử đạo tại Rome vào khoảng năm 64 sau Công nguyên. Trong khi đó, hai phó tế đã lấy dây pallium, nhẫn ngư dân và Sách Phúc Âm của Giáo hoàng và cùng nhau mang chúng đi rước.

Dây Pallium — một dải len nguyên chất, thêu sáu cây thánh giá màu đen và giữ cố định bằng ba chiếc ghim — được các Giám mục Rome đeo như một biểu tượng cho trách nhiệm mục vụ của họ đối với người Công Giáo trên toàn thế giới.

Như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã giải thích trong Thánh lễ nhậm chức của ngài năm 2005, đó là “hình ảnh ách của Chúa Kitô, mà Giám mục của Thành phố này, Người Tôi tớ của các Tôi tớ Chúa, gánh lấy trên vai mình”, với lông cừu tượng trưng cho “con chiên lạc lối, bệnh tật hoặc yếu đuối mà người chăn chiên đặt lên vai mình và mang đến nguồn nước sự sống”.

Chiếc nhẫn ngư phủ, một chiếc nhẫn có dấu ấn bằng vàng khắc hình Thánh Phêrô ở bên ngoài với tên và huy hiệu của Đức Leo XIV bên trong, là biểu tượng thứ hai được sử dụng để phát biểu lễ nhậm chức của một vị giáo hoàng.

Trong bài giảng năm 2005, Đức Giáo Hoàng Benedict đã liên kết chiếc nhẫn với lời Chúa Giêsu kêu gọi Thánh Phêrô trở thành “người đánh cá người”, sau khi Người Phục sinh và kỳ diệu bắt được 153 con cá tại Biển Galilê.

Chiếc nhẫn đánh cá của Giáo hoàng Leo XIV. Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube @VaticanNews.


Sau khi lên Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Leo đã tham gia vào đoàn rước tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô ngập tràn ánh nắng, trong đó có các Hồng Y đội mũ miện bằng vải gấm trắng, cũng như rất nhiều giám mục đội mũ miện trắng đơn giản. Hàng loạt linh mục ngồi ở khu vực dành riêng của quảng trường, đeo khăn choàng màu trắng, cùng với một số lượng lớn các phó tế.

Một tấm thảm thêu mô tả cảnh đánh bắt cá kỳ diệu được treo ở cổng trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Gần bàn thờ là bức ảnh Đức Mẹ Chỉ bảo Lành từ đền thánh Đức Mẹ Genazzano của Ý, nơi Đức Giáo Hoàng Leo đã viếng thăm vào ngày 10 tháng 5, trong chuyến công du đầu tiên ra khỏi Rome.

Thánh lễ khánh thành có sự tham dự của hơn 150 phái đoàn chính thức, bao gồm hàng chục nhà lãnh đạo thế giới, trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. Hoa Kỳ được đại diện bởi Phó Tổng thống JD Vance và Bộ trưởng ngoại giao là Marco Rubio.

Do Đức Giáo Hoàng Leo mang cả quốc tịch Hoa Kỳ và Peru nên phái đoàn Hoa Kỳ được ngồi ở hàng ghế đầu cùng với phái đoàn Peru, do Tổng thống Dina Boluarte dẫn đầu. Các phái đoàn khác được sắp xếp chỗ ngồi theo thứ tự bảng chữ cái tên quốc gia của họ bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ ngoại giao truyền thống.

Vua Charles III của Anh được đại diện bởi em trai út của ông, Hoàng tử Edward, Công tước xứ Edinburgh. Đại diện cho Tây Ban Nha là Vua Felipe VI và Hoàng hậu Letizia, họ mặc trang phục màu trắng, một đặc ân chỉ dành cho một số ít thành viên nữ trong hoàng gia. Các nguyên thủ quốc gia có mặt bao gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Israel Isaac Herzog, Tổng thống Argentina Javier Milei và Tổng thống Nigeria Bola Tinubu. Đại diện của Nga là Bộ trưởng Văn hóa Olga Lyubimova. Các đại diện chính phủ khác bao gồm Thủ tướng Canada mới đắc cử Mark Carney, Thủ tướng mới của Đức Friedrich Merz và Thủ tướng tái đắc cử Anthony Albanese của Úc.

Các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo tham dự bao gồm Đức Thượng phụ Bartholomew của Constantinople, nhà lãnh đạo tinh thần của Chính thống giáo Đông phương trên thế giới. Ngài dự kiến sẽ có cuộc gặp riêng với Đức Giáo Hoàng vào thứ Hai, tại đó họ có thể thảo luận về kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm chung 1,700 năm Công đồng Nicaea tại địa điểm diễn ra công đồng đại kết đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Đại diện của các tôn giáo Do Thái, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo cũng có mặt.

Đoàn rước dài tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô được đệm bằng tiếng hát “Laudes Regiae,” một bài thánh ca La-tinh cổ ca ngợi chiến thắng của Chúa Kitô và cầu khẩn danh sách dài các vị thánh.

Khi Đức Giáo Hoàng Leo đến bàn thờ ở hành lang trước Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, ngài làm Dấu Thánh Giá trước khi ban phước và rảy nước, theo phong tục vào các ngày Chúa Nhật trong mùa Phục Sinh.

Sau kinh Vinh danh và kinh Cầu nguyện, bài đọc đầu tiên được thực hiện bằng tiếng Tây Ban Nha, phản ánh công tác truyền giáo và mục vụ giám mục của Đức Giáo Hoàng Leo tại giáo phận Chiclayo của Peru. Bài đọc trích từ Công vụ 4:8-12, mô tả lời tuyên bố đức tin của Thánh Phêrô vào Chúa Giêsu trước Thượng Hội Đồng, hội đồng và tòa án tối cao của người Do Thái dưới sự cai trị của La Mã.

Thánh vịnh đáp ca được hát bằng tiếng Ý, tiếp theo là bài đọc thứ hai, 1 Phêrô 5:1-5, 10-11, bằng tiếng mẹ đẻ của Đức Leo XIV là tiếng Anh, do một giáo dân cũ của Đức Giáo Hoàng mới ở Indiana công bố. Bài đọc nêu ra những phẩm chất cần có ở người chăn chiên của Chúa.

Bài đọc Tin mừng bằng tiếng La-tinh là Gioan 21:15-19, trong đó Chúa Kitô Phục Sinh yêu cầu Phêrô “chăn dắt chiên của Thầy”. Bài đọc này được hát bằng cả tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, trong đó tiếng Latinh được hát bởi Phó tế Nicholas Monnin thuộc Giáo phận Fort Wayne-South Bend, Indiana.

Sau phần đọc kinh, Đức Hồng Y Dominique Mamberti, vị Hồng Y-phó tế cao cấp người Pháp, đã trao dây pallium cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo người Congo, thuộc dòng Hồng Y-linh mục, đã đọc một lời cầu nguyện xin Chúa ban phước lành cho Đức Giáo Hoàng mới.

Tiếp theo là lễ trao nhẫn ngư phủ bởi Đức Hồng Y-Giám mục người Philippines, Hồng Y Luis Antonio Tagle, Phó Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, Phân bộ Truyền giáo đầu tiên và các Giáo hội địa phương mới của Thánh bộ.

Đức Giáo Hoàng lặng lẽ ban phước cho công chúng bằng Sách Tin mừng trong khi lời “Lạy Chúa, muôn năm cho Chúa” (“Ad multos annos, Domine”) được công bố bằng tiếng Hy Lạp. Đức Giáo Hoàng trông thực sự xúc động và gần như rơi nước mắt khi ca đoàn hát, và tiếng vỗ tay tự phát vang lên tại Quảng trường Thánh Phêrô.



Sau đó, Đức Leo XIV đã tiếp 12 đại diện của Giáo hội từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các giáo sĩ, tu sĩ, một cặp vợ chồng và những người trẻ tuổi — một cử chỉ tượng trưng cho lòng vâng phục của con cái.

Sau khi ca đoàn hát bài “Tu es Petrus”, Đức Giáo Hoàng Leo bắt đầu Bài giảng của ngài.

Đức Giáo Hoàng nói rằng: “Sứ vụ của Thánh Phêrô được phân biệt rõ ràng” bởi “tình yêu hy sinh, bởi vì Giáo hội Rôma chủ trì trong đức bác ái và thẩm quyền thực sự của giáo hội là đức bác ái của Chúa Kitô”.

Nêu rõ phong cách lãnh đạo mà mình mong muốn, Đức Giáo Hoàng nói rằng, "Thánh Phêrô phải chăn dắt đàn chiên mà không bao giờ khuất phục trước cám dỗ trở thành một nhà độc tài, thống trị những người được giao phó cho mình."

“Ngược lại, ngài được gọi để phục vụ đức tin của anh chị em mình, và đồng hành cùng họ, vì tất cả chúng ta đều là 'những viên đá sống', được kêu gọi qua phép rửa tội để xây dựng ngôi nhà của Thiên Chúa trong sự hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong sự chung sống của sự đa dạng.”

Đức Giáo Hoàng kêu gọi Giáo hội trở thành dấu chỉ của “sự hiệp nhất và hiệp thông”, như men trong một thế giới đang cần đến Phúc Âm.

"Chúng ta muốn nói với thế giới bằng sự khiêm nhường và niềm vui: Hãy hướng về Chúa Kitô! Hãy đến gần Chúa Giêsu hơn", Đức Giáo Hoàng nói. Chào mừng lời soi sáng và an ủi của Người! Hãy lắng nghe lời đề nghị yêu thương của Người và trở thành một gia đình của Người: trong một Chúa Kitô, chúng ta là một.”

“Đây là tinh thần truyền giáo phải thôi thúc chúng ta,” Đức Giáo Hoàng nói tiếp. “Trái tim của Tin mừng là tình yêu của Thiên Chúa khiến chúng ta trở thành anh chị em với nhau.”

“Đây chính là giờ phút của tình yêu!”

Trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Đức Giáo Hoàng đã hỏi: “Nếu tình yêu này lan tỏa trên thế giới, thì mọi xung đột sẽ chấm dứt và không bao giờ quay trở lại nữa sao?”

Đứng tại quảng trường nơi diễn ra thánh lễ tang của người tiền nhiệm vào ngày 26 tháng 4, Đức Giáo Hoàng Leo đã nhắc lại sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngài nhắc lại rằng “vào Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta đã nhận được phép lành cuối cùng của [Đức Phanxicô] và, dưới ánh sáng của sự phục sinh, chúng ta đã trải qua những ngày tiếp theo với niềm xác tín rằng Chúa không bao giờ từ bỏ dân Người, nhưng quy tụ họ khi họ bị phân tán và bảo vệ họ 'như người chăn chiên bảo vệ đàn chiên của mình.'”

“Cùng nhau, như một dân tộc, như anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía Thiên Chúa và yêu thương lẫn nhau,” Đức Giáo Hoàng kết thúc bài giảng của mình, khi ngài phát biểu với bối cảnh là Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng 69 tuổi kết thúc bài giảng của mình bằng một phút mặc niệm kéo dài, sau đó toàn thể giáo dân đọc Kinh Tin Kính bằng tiếng Latinh, tiếp theo là Kinh Cầu Nguyện bằng tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, tiếng Ba Lan và tiếng Trung, phản ánh tính phổ quát của Giáo hội.

Trong phần dâng lễ, ca đoàn đã hát “Tu es pastor ovium” (“Ngài là Đấng chăn chiên”), một bài thánh ca nhấn mạnh đến thẩm quyền mà Chúa Kitô đã trao cho Thánh Phêrô.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã đọc Kinh nguyện Thánh Thể đầu tiên (Kinh điển La Mã), là kinh nguyện dài nhất trong bốn kinh nguyện Thánh Thể.

Sau khi trao Mình Thánh Chúa, Đức Giáo Hoàng đã có bài phát biểu ngắn, cảm ơn những người hành hương đã tham dự Thánh lễ “từ Roma và từ khắp nơi trên thế giới”, đặc biệt ghi nhận những người đã đến Roma để tham dự Năm Thánh của Giáo hội.

“Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em đã duy trì việc sống đức tin Kitô giáo,” ngài nói.

“Chúng ta không bao giờ có thể quên những anh chị em của mình đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh”, ngài nói, đặc biệt lưu ý đến các cuộc xung đột ở Myanmar và Ukraine. Khi Thánh lễ kết thúc, Vatican thông báo với báo chí rằng Đức Leo đã gặp Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra trước Thánh lễ, và dự kiến sẽ gặp Volodymyr Zelenskyy, tổng thống Ukraine.

Đức Giáo Hoàng Leo sau đó đã cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Chỉ Bảo Lành, đặc biệt là để “chúng ta có thể trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết.”

Sau bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng, mọi người cùng hát bài Regina Caeli, lời kinh cầu nguyện với Đức Mẹ trong Mùa Phục Sinh.

Sau đó, Đức Leo long trọng ban phước lành, cầu xin Chúa ban phước lành cho Giáo hội của ngài.

Sau khi ban phước, ngài vào Vương cung thánh đường để chào đón các thành viên của Hồng Y đoàn và những người đứng đầu 150 phái đoàn chính thức.

Trong những ngày sau Thánh lễ khởi đầu thừa tác vụ, Đức Giáo Hoàng Leo sẽ tiếp quản ba Vương cung thánh đường giáo hoàng khác tại Rome.

Vào thứ Ba, ngày 20 tháng 5, ngài sẽ viếng thăm mộ Thánh Phaolô Tông đồ tại Vương cung thánh đường Giáo hoàng Thánh Phaolô Ngoại thành.

Vào Chúa Nhật, ngày 25 tháng 5, ngài sẽ cử hành thánh lễ và chính thức nhậm chức tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, nhà thờ chính tòa của Giáo phận Rome.

Ngài cũng sẽ viếng thăm Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, nơi chôn cất người tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và tôn kính biểu tượng Đức Mẹ Salus Populi Romani (Đấng Bảo vệ dân Rôma)
 
VietCatholic TV
Thánh lễ đại trào Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh: Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự
VietCatholic Media
02:51 18/05/2025
Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ cử hành Thánh lễ nhậm chức vào Chúa Nhật, 18 Tháng Năm, trong một buổi lễ dự kiến thu hút một số lượng lớn các nhà lãnh đạo thế giới, các chức sắc và các nhân vật tôn giáo đến Quảng trường Thánh Phêrô. Thánh lễ sẽ đánh dấu sự khởi đầu chính thức của triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV, vị giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ.

Sinh ra tại Chicago và từng phục vụ tại Lagos trong những năm 1980, Đức Giáo Hoàng Lêô đã nhanh chóng trở thành nhân vật được thế giới quan tâm đáng kể, không chỉ vì quốc tịch của ngài mà còn vì lời kêu gọi ưu tiên hòa bình, công lý và đối thoại liên tôn. Việc bầu ngài diễn ra sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời vào tháng trước.

Thánh lễ sẽ được truyền hình trực tiếp bởi Vatican Media và được phát sóng trên các kênh truyền hình lớn trên khắp Âu Châu, Bắc Mỹ và Úc.

Thánh lễ nhậm chức sẽ được tổ chức lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật theo giờ địa phương tại Rôma, hay 4 giờ sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, và 3 giờ chiều theo giờ Việt Nam. Phụng vụ này đánh dấu sự khởi đầu chính thức triều đại Giáo hoàng Lêô với tư cách là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Rôma. Đây là sự kiện nghi lễ quan trọng nhất sau Cơ Mật Viện bầu chọn ngài, và có lễ phục truyền thống, lễ trao dây pallium của giáo hoàng và lễ trao nhẫn Ngư phủ chính thức.

Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và chức sắc toàn cầu dự kiến sẽ tham dự Thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, phản ánh tầm quan trọng quốc tế của vị giáo hoàng mới. Dưới đây là danh sách những người tham dự đáng chú ý và mối quan hệ của họ:

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, tổng thống Ukraine
JD Vance, phó Tổng thống Hoa Kỳ
Marco Rubio, Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Mark Carney, thủ tướng Canada
Anthony Albanese, thủ tướng Úc
François Bayrou, thủ tướng Pháp
Isaac Herzog, tổng thống Israel
Bola Ahmed Tinubu, tổng thống Nigeria
Dick Schoof, thủ tướng Hòa Lan
Nữ hoàng Máxima của Hòa Lan
Hoàng tử Edward, đại diện cho Hoàng gia Anh

Một số khách mời đã đưa ra những bình luận công khai gần đây về Giáo Hội Công Giáo và chức giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Leo. Vance, khi trả lời các bài đăng được đăng lại của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV chỉ trích chính sách nhập cư của Hoa Kỳ, đã nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 9 tháng 5 với Hugh Hewitt: “Tôi chắc chắn rằng ngài sẽ nói rất nhiều điều mà tôi thích và tôi chắc chắn rằng ngài sẽ nói một số điều mà tôi không đồng ý, nhưng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho ngài và Giáo Hội bất chấp tất cả và trong suốt tất cả.”

Rubio phát biểu tại một cuộc họp báo: “Tôi không coi sứ vụ giáo hoàng là một chức vụ chính trị. Tôi coi đó là một sứ vụ tâm linh”, ông nói thêm, “Chúng tôi cũng có lòng trắc ẩn đối với người di cư. Tôi cho rằng không có gì là lòng trắc ẩn trong việc di cư hàng loạt”.

Carney, một người Công Giáo, sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo bản địa bao gồm Chủ tịch Hội đồng quốc gia Métis Victoria Pruden, theo CBC/Radio-Canada.

Trong bài phát biểu trước Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Leo nhấn mạnh đến sự tiếp cận và đoàn kết, ngài nói rằng, “Tôi tin rằng các tôn giáo và đối thoại liên tôn có thể đóng góp cơ bản vào việc thúc đẩy bầu không khí hòa bình.... Nếu không có nó, sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, mang lại sự thanh lọc trái tim cần thiết để xây dựng các mối quan hệ hòa bình”.

Sau Thánh lễ Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng Leo dự kiến sẽ bắt đầu gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới tham dự trong một loạt các phiên họp song phương tại Vatican. Vatican chưa công bố thông tin chi tiết về bất kỳ thông điệp sắp tới, nhưng các bài phát biểu đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Lêô cho thấy một triều Giáo Hoàng tập trung nhiều vào công lý xã hội và hòa giải.


Source:Newsweek
 
TT Trump sẽ nói chuyện với Putin và TT Zelenskiy vào thứ Hai. Ukraine mất thêm một chiến đấu cơ F-16
VietCatholic Media
02:59 18/05/2025


1. Tổng thống Trump sẽ nói chuyện với Putin, Tổng thống Zelenskiy vào thứ Hai

Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ hội đàm với Putin — và sau đó với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy — khi ông tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Các cuộc đàm phán về cuộc chiến mà Tổng thống Trump hứa sẽ chấm dứt vào “Ngày đầu tiên” nhiệm kỳ của ông đã kéo dài trong bốn tháng qua, trong khi sự kiên nhẫn của chính quyền ngày càng cạn kiệt thì hoạt động trên bộ của Nga tại Ukraine vẫn tiếp tục càng ngày càng khốc liệt bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu.

Hiện tại, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ nói chuyện với cả hai phía và các nhà lãnh đạo chủ chốt khác của NATO vào sáng thứ Hai để chấm dứt “cuộc tắm máu”.

“HY VỌNG ĐÂY SẼ LÀ MỘT NGÀY HIỆU QUẢ, MỘT NGỪNG BẮN SẼ DIỄN RA, VÀ CUỘC CHIẾN RẤT BẠO LỰC NÀY, MỘT CUỘC CHIẾN KHÔNG NÊN XẢY RA, SẼ KẾT THÚC,” Tổng thống Trump viết trên Truth Social vào thứ Bảy.

Tổng thống Trump nói thêm rằng ông cũng sẽ thảo luận về thương mại với Putin trong cuộc gọi. Một số đảng viên Cộng hòa bao gồm Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã thúc đẩy tổng thống áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga vì từ chối ngồi vào bàn đàm phán.

Tổng thống Trump đã từng đe dọa Nga trước đây - nói rằng ông có thể áp dụng thêm lệnh trừng phạt nếu ông tin rằng Putin đang lừa ông và không chịu thỏa thuận.

“Tôi sẽ sử dụng điều đó nếu cần thiết, tôi không muốn sử dụng điều đó”, Tổng thống Trump nói với Bret Baier trên Fox News vào thứ sáu.

Đầu tuần này, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ “duy trì cam kết” đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, ủng hộ lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày mà các nhà lãnh đạo Âu Châu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Zelenskiy đang gây áp lực buộc Nga chấp nhận.

Tổng thống Zelenskiy, cùng với các nhà lãnh đạo NATO chủ chốt và Ngoại trưởng Marco Rubio, đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Sáu để tham dự các cuộc đàm phán hòa bình mà Putin được cho là đã tham dự trước khi cử một đại diện từ Điện Cẩm Linh. Vài giờ sau, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga ở miền bắc Ukraine đã giết chết gần một chục người.

Rubio dự đoán sẽ không có “bước đột phá lớn” nào tại các cuộc đàm phán hòa bình - đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức từ các quốc gia đang có chiến tranh kể từ năm 2022.

“Cách duy nhất để chúng ta có thể đạt được bước đột phá ở đây là giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin,” Rubio nói với các phóng viên ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thay vì chỉ trích Putin, Tổng thống Trump đã nhắm vào Tổng thống Zelenskiy và chỉ trích Ukraine vì không làm nhiều hơn để chấm dứt cuộc chiến mà Nga đã khởi xướng. Ông và Phó Tổng thống JD Vance đã khiển trách Tổng thống Zelenskiy trong chuyến thăm Phòng Bầu dục của ông vào tháng 2 sau khi gọi ông là “kẻ độc tài không có bầu cử”. Tổng thống Trump cũng đã khơi dậy nỗi sợ hãi ở Âu Châu về tình bạn của ông với Putin, dẫn đến lo ngại rằng một thỏa thuận giữa hai nước có thể bao gồm việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ quan trọng ở Ukraine.

Tuần này, Tổng thống Trump vẫn lạc quan về cơ hội đạt được thỏa thuận khi phát biểu trên Fox News rằng Putin đang chuẩn bị đàm phán.

“ Tôi chán ngấy việc người khác phải đi gặp gỡ và mọi thứ khác,” Tổng thống Trump nói hôm thứ sáu. “Tôi nghĩ tôi là người duy nhất có thể làm được điều đó. Và tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ làm nhanh thôi.”

[Politico: Trump to speak with Putin, Zelenskyy on Monday]

2. ‘Tôi có nhiệm vụ phải từ chức’ - Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine xác nhận việc từ chức vì chính sách của Tổng thống Trump

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Bridget Brink đã công khai xác nhận vào ngày 16 tháng 5 rằng bà từ chức vì định hướng sai lầm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, bà viết trong bài xã luận ngày 16 tháng 5 cho tờ Detroit Free Press.

Brink, người giữ chức vụ này từ năm 2022, cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump ưu tiên gây áp lực lên Ukraine - nạn nhân của cuộc xâm lược toàn diện của Nga - thay vì đối đầu với Điện Cẩm Linh.

“Tôi vừa trở về Michigan sau ba năm làm công việc khó khăn nhất trong cuộc đời mình,” Brink viết. “Tôi không còn có thể thực hiện chính sách của chính quyền một cách thiện chí nữa và cảm thấy mình có nhiệm vụ phải từ chức.”

Cựu đại sứ cho biết thêm rằng nếu bà vẫn giữ chức vụ này, bà sẽ trở thành đồng lõa trong một hành động mà bà coi là nguy hiểm và vô đạo đức.

“Tôi không thể đứng nhìn khi một đất nước bị tạm chiếm, một nền dân chủ bị ném bom và trẻ em bị giết mà không bị trừng phạt,” bà viết. “Hòa bình bằng mọi giá không phải là hòa bình chút nào — đó là sự ve vãn.” Brink cảnh cáo sự ve vãn như thế không đem lại hòa bình, nó chỉ khiến Putin càng ngày càng hung hăng và chung cuộc chính quân đội Mỹ sẽ phải trả giá cho sai lầm ngày hôm nay.

Tổng thống Trump, người nhậm chức vào tháng Giêng, đã cam kết chấm dứt chiến tranh trong vòng 100 ngày — một thời hạn đã trôi qua mà không có thỏa thuận. Ông đã thay đổi giữa việc đổ lỗi cho cả hai bên về cuộc xung đột và tuyên bố rằng vẫn có thể đạt được đột phá.

Brink cảnh báo rằng “lịch sử đã dạy chúng ta nhiều lần rằng sự ve vãn những kẻ hiếu chiến không dẫn đến sự an toàn, an ninh hay thịnh vượng. Nó dẫn đến nhiều chiến tranh và nhiều đau khổ hơn”.

Bà gọi cuộc chiến đang diễn ra của Nga ở Ukraine là “cuộc xâm lược có hệ thống, lan rộng và kinh hoàng nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến II”.

Brink chỉ trích những gì bà mô tả là sự xói mòn rộng rãi hơn về quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ, nói rằng cách Hoa Kỳ giải quyết cuộc chiến ở Ukraine “sẽ nói lên rất nhiều điều với cả bạn bè và đối phương của chúng ta”.

Vào tháng 4, mối quan hệ giữa giới lãnh đạo Ukraine và đại sứ quán trở nên xấu đi sau phản ứng im lặng trước cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Kryvyi Rih khiến 20 thường dân thiệt mạng.

“ Kinh hoàng khi đêm nay một hỏa tiễn đạn đạo đã tấn công gần một sân chơi và nhà hàng ở Kryvyi Rih,” Brink đăng trên X sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga. “Đây là lý do tại sao chiến tranh phải kết thúc.”

Tổng thống Zelenskiy phản đối việc Brink từ chối lên án Nga về cuộc tấn công, bao gồm một hỏa tiễn đạn đạo Iskander có gắn bom chùm rơi xuống một sân chơi.

“Thật không may, phản ứng từ Đại sứ quán Hoa Kỳ lại gây thất vọng một cách đáng ngạc nhiên — một đất nước mạnh mẽ như vậy, một người dân mạnh mẽ như vậy, nhưng lại phản ứng quá yếu ớt,” Tổng thống Zelenskiy đã tweet để đáp lại vào ngày 5 tháng 4.

Sau lời quở trách của Tổng thống Zelenskiy, Brink đã quyết liệt nộp đơn từ chức và khẳng định vẫn là người bạn chiến đấu của người Ukraine.

Julie S. Davis, Đại biện lâm thời mới của Hoa Kỳ tại Ukraine, đã đến Kyiv vào ngày 5 tháng 5, Đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo, sau khi Brink từ chức.

Kyiv và các đồng minh tiếp tục kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện, có hiệu lực từ ngày 12 tháng 5, nhưng Mạc Tư Khoa đã phớt lờ đề xuất này.

Bất chấp việc Tổng thống Trump liên tục bày tỏ sự thất vọng với nhà độc tài Vladimir Putin, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa áp đặt lệnh trừng phạt mới hoặc thực hiện các bước khác để gây áp lực với Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Detroit Free Press, Brink cho biết bà dự định viết hồi ký về những gì mắt thấy tai nghe về cuộc chiến bảo vệ đất nước của người dân Ukraine anh hùng.

[Kyiv Independent: 'It was my duty to step down' — Former US Ambassador to Ukraine confirms resignation over Trump's policy]

3. Ukraine mất thêm một chiến đấu cơ F-16

Ukraine vừa mất thêm một chiếc F-16 sau khi tình huống khẩn cấp buộc phi công phải phóng ra ngoài trong khi đang thực hiện nhiệm vụ đẩy lùi cuộc tấn công của Nga. Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng Thứ Bẩy, 17 Tháng Năm.

Đây là vụ mất máy bay F-16 thứ ba được biết đến của Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Hai vụ khác được báo cáo vào tháng 8 năm 2024 và tháng 4 năm 2025.

Lực lượng của Kyiv đang chịu áp lực ngày càng tăng từ những bước tiến của Nga trong một cuộc chiến kéo dài từ tháng 2 năm 2022, lâu hơn nhiều so với dự kiến ban đầu sau khi Ukraine tổ chức phòng thủ mạnh mẽ, với sự hỗ trợ của viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu.

Nhưng vẫn còn hy vọng về một lệnh ngừng bắn sắp xảy ra và thậm chí là hòa bình khi Nga và Ukraine gặp nhau tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ sáu cho cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau hơn ba năm.

Đại Tá Yurii Ihnat cho biết liên lạc với máy bay đã bị mất vào khoảng 3:30 sáng giờ địa phương hôm thứ sáu Thứ Sáu, 16 Tháng Năm.

Ông cho biết: “Theo dữ liệu sơ bộ, phi công đã phá hủy ba mục tiêu trên không và tiêu diệt mục tiêu thứ tư bằng pháo trên máy bay”.

“Tuy nhiên, tình huống khẩn cấp đã xảy ra trên máy bay. Phi công đã đưa máy bay ra khỏi thị trấn và phóng ra thành công.

“Nhờ sự hành động nhanh chóng của đội tìm kiếm cứu nạn, phi công đã nhanh chóng được tìm thấy và di tản.

“ Sức khỏe của phi công đã ổn định, anh ta đang ở nơi an toàn, tính mạng và sức khỏe không bị đe dọa.”

Các quan chức đang điều tra những gì đã xảy ra.

Lô máy bay F-16 đầu tiên từ các đồng minh Âu Châu đã đến Ukraine vào tháng 7 năm 2024 và người ta hy vọng chúng sẽ giúp thay đổi cán cân trong cuộc chiến của Nga.

Máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất tiên tiến hơn so với máy bay thời Liên Xô mà lực lượng Ukraine từng sử dụng trước đây.

Những tổn thất trước đây của F-16 Ukraine

Vào tháng 4, Không quân Ukraine xác nhận rằng một phi công Ukraine lái máy bay phản lực F-16 Viper đã thiệt mạng trong một nhiệm vụ chiến đấu. Anh ta được xác định là Pavlo Ivanov, 26 tuổi.

Không quân Ukraine không tiết lộ địa điểm hoặc nhiều chi tiết về vụ việc trong tuyên bố trên Telegram, bắt đầu bằng “tin buồn thật không may”.

Bài báo nói rằng Ivanov đã hy sinh trong trận chiến “bảo vệ quê hương khỏi những kẻ xâm lược”.

Tuyên bố cho biết các phi công F-16 của Ukraine thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu gần như hàng ngày “trong những điều kiện vô cùng khó khăn”, yểm trợ cho các nhóm tấn công trên không và tấn công các mục tiêu của đối phương.

Báo cáo cũng cho biết các phi công đang làm việc hết khả năng của con người và kỹ thuật, luôn mạo hiểm tính mạng của mình.

Tháng 8 trước đó chứng kiến tổn thất F-16 đầu tiên của Ukraine khi phi công Oleksii “Moonfish” Mes thiệt mạng khi đang phản ứng với một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga.

Bộ Tư lệnh Không quân miền Tây của Ukraine khi đó cho biết: “Oleksii đã phá hủy ba hỏa tiễn hành trình và một máy bay điều khiển từ xa tấn công trong khi đẩy lùi một cuộc tấn công kết hợp bằng hỏa tiễn và trên không quy mô lớn của Nga”.

“Oleksii đã cứu người Ukraine khỏi hỏa tiễn chết người của Nga. Thật không may, phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.”

[Newsweek: Ukraine Loses Another F-16 Fighter Jet]

4. Máy bay điều khiển từ xa của Nga tấn công xe buýt dân sự ở Sumy khiến 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương

Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Tỉnh Sumy vào sáng sớm ngày 17 tháng 5, khiến chín người thiệt mạng và bốn người khác bị thương.

Máy bay điều khiển từ xa đã nhắm vào một xe buýt đưa đón dân thường gần thành phố Bilopillia lúc 6:17 sáng giờ địa phương, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết như trên trong cuộc họp báo chiều Thứ Bẩy, 17 Tháng Năm.

Tỉnh Sumy là vùng đông bắc giáp với các tỉnh Kursk, Belgorod và Bryansk của Nga.

Yurii Zarko, nhà lãnh đạo Bilopillia, gọi ngày này là “Thứ Bảy đen tối” trong lịch sử thành phố và tuyên bố ba ngày để tang từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 5.

“Chiếc xe buýt này chở người ra khỏi thành phố để di tản,” Đại Úy Alyona Lyutnytska nói. “Những người bị thương được điều trị tại hiện trường và sau đó được chuyển đến một bệnh viện ở Sumy. Hiện chúng tôi đang thu hồi các thi thể. Một số nạn nhân vẫn chưa được xác định danh tính. Hầu hết là phụ nữ lớn tuổi, cùng với hai hoặc ba người đàn ông.”

Các dịch vụ khẩn cấp và cảnh sát hiện đang làm việc tại hiện trường.

Người dân địa phương thường xuyên phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công mỗi ngày, trong đó các khu vực biên giới bị pháo kích và bom lượn tấn công, còn trung tâm khu vực Sumy thì bị hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa tấn công.

Gần đây nhất, Nga đã điều động các nhóm tấn công nhỏ để xâm nhập khu vực này nhằm mở rộng tiền tuyến.

Vụ tấn công mới nhất vào Sumy diễn ra sau các cuộc đàm phán hòa bình gần đây ở Istanbul, nơi Nga bác bỏ lệnh ngừng bắn và tái khẳng định các yêu sách tối đa trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

[Kyiv Independent: Russian drone strike on civilian bus in Sumy kills 9, injures 4]

5. Đức Giáo Hoàng Lêô đề nghị Putin và Tổng thống Zelenskiy đàm phán tại Vatican

Một trong những quan chức cao cấp của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV cho biết, ngài đề nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Putin dùng Vatican làm địa điểm tổ chức cuộc họp song phương Nga-Ukraine.

Theo tờ báo Ý La Stampa, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã đưa ra bình luận này với các phóng viên vào sáng thứ Sáu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng cho biết ông đã được Vatican thông báo như trên. Cho đến nay, chưa có bình luận nào từ phía Mạc Tư Khoa.

Đức Hồng Y Parolin gọi thảm họa xung quanh các cuộc đàm phán ở Istanbul là “thảm kịch vì chúng ta hy vọng rằng một tiến trình có thể được bắt đầu, có thể chậm nhưng với giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhưng thay vào đó, chúng ta lại quay trở lại điểm xuất phát”. Nhà độc tài Vladimir Putin đã cử một phái đoàn cấp rất thấp đến Istanbul khiến người ta tin rằng Putin không thực sự muốn có hòa bình.

Đức Hồng Y Parolin cho biết Vatican “sẽ xem xét phải làm gì nhưng tình hình hiện nay rất khó khăn và nghiêm trọng”, tờ La Stampa đưa tin, đồng thời nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời đề nghị với cả Ukraine và Nga về việc Vatican sẽ là địa điểm cho một cuộc gặp trực tiếp giữa hai bên.

Vatican là bối cảnh cho cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelenskiy, hai người đã ngồi lại với nhau tại lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô và đạt được tiến triển trong việc thiết lập các cuộc đàm phán ở Istanbul bằng cách tăng cường áp lực của Tổng thống Trump lên Putin.

Nhận xét của Đức Hồng Y Parolin được đưa ra khi các phái đoàn từ Nga và Ukraine ngồi lại với nhau để tiến hành vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên sau hơn ba năm, với hy vọng rằng cuối cùng họ có thể thống nhất chấm dứt tình trạng thù địch, ít nhất là tạm thời.

Nhưng Putin đã từ chối lời đề nghị đàm phán trực tiếp của Tổng thống Zelenskiy và thay vào đó cử một phái đoàn cấp thấp đến Istanbul, làm tiêu tan hy vọng về một bước đột phá lớn dẫn đến lệnh ngừng bắn hoàn toàn ban đầu trước khi đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Các cuộc đàm phán ở Istanbul đã kết thúc trong sự cay đắng, ít nhất là đối với phía Ukraine.

Một quan chức cao cấp giấu tên của Ukraine tham gia các cuộc đàm phán hòa bình đã cáo buộc Mạc Tư Khoa đưa ra “những yêu cầu không thể chấp nhận được” mà trước đó chưa từng được thảo luận, hãng tin The Associated Press đưa tin.

Điều này bao gồm lời kêu gọi lực lượng Kyiv rút khỏi các khu vực lãnh thổ rộng lớn mà họ kiểm soát để lệnh ngừng bắn hoàn toàn được thực hiện.

Vị quan chức này cho biết có vẻ như phái đoàn Nga “cố tình muốn đưa ra những điều không thể đạt được để có thể rời khỏi cuộc họp hôm nay mà không đạt được kết quả nào”.

Ông cho biết phía Ukraine tái khẳng định họ vẫn tập trung vào việc đạt được tiến triển thực sự - lệnh ngừng bắn ngay lập tức và con đường dẫn đến ngoại giao thực chất, “giống như Hoa Kỳ, các đối tác Âu Châu và các nước khác đã đề xuất”, vị quan chức này nói thêm.

Nga hài lòng với các cuộc đàm phán với Ukraine

Vladimir Medinsky, trợ lý của Putin và là nhà lãnh đạo phái đoàn Nga, cho biết ông hài lòng với các cuộc đàm phán, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin.

Medinsky cho biết việc trao đổi tù nhân đã được thống nhất và cả hai bên sẽ đưa ra viễn cảnh về lệnh ngừng bắn, sau đó các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục.

Ông cho biết Ukraine cũng đã yêu cầu một cuộc gặp giữa Putin và Tổng thống Zelenskiy.

Medinsky hiện nay là cố vấn cho Vladimir Putin về các vấn đề tuyên truyền, một chức vụ rất thấp tại Điện Cẩm Linh. Trong một diễn biến có liên quan, Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập người Nga cho biết trước đây Medinsky là cố vấn cho Putin về các vấn đề ẩm thực, ăn uống hàng ngày. Ông chỉ ra một video cho thấy Medinsky đang thảo luận với hai bà nội trợ về nữ công gia chánh.

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ gặp Putin “ngay khi chúng tôi có thể sắp xếp được”, trong bình luận đưa ra trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, gọi tắt là UAE.

“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải hành động thôi,” Tổng thống Trump nói.

Tổng thống Mỹ đã nói rằng sẽ không có chuyện hòa bình giữa Nga và Ukraine xảy ra cho đến khi ông và Putin gặp nhau.

“Chúng ta phải chấm dứt việc giết chóc,” Tổng thống Trump phát biểu tại UAE, than thở về cái chết của trung bình 5.000 binh lính mỗi tuần và gọi cuộc xung đột này là “một cuộc chiến không đi đến đâu cả”.

“Chúng ta sẽ thực hiện được điều đó. Chúng ta phải thực hiện được điều đó,” ông nói về việc bảo đảm hòa bình.

[Newsweek: Pope Leo Offers Vatican to Putin, Zelensky for Talks]

6. ‘Chúng ta phải tăng áp lực’ — Von der Leyen tuyên bố sẽ trừng phạt Nga sau khi Putin bỏ qua các cuộc đàm phán hòa bình

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã kêu gọi áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Nga sau khi nhà độc tài Vladimir Putin không tham dự các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine-Nga tại Istanbul, bà phát biểu vào ngày 16 tháng 5 tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu.

Ủy ban Âu Châu đang chuẩn bị một gói lệnh trừng phạt mới, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với đường ống Nord Stream 1 và 2, danh sách bổ sung các tàu trong đội tàu ngầm của Nga, mức giá dầu thấp hơn và lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực tài chính của Nga, von der Leyen tuyên bố.

Sự vắng mặt của giới lãnh đạo cao cấp của Nga trong các cuộc đàm phán ở Istanbul - do Điện Cẩm Linh đề xuất nhưng chỉ có sự tham dự của các phụ tá cấp thấp - được nhiều người coi là tín hiệu cho thấy Mạc Tư Khoa vẫn không muốn tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa.

Trong khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đồng ý tham dự và kêu gọi Putin gặp mặt trực tiếp, Nga đã cử một phái đoàn do trợ lý của Putin, Vladimir Medinsky, dẫn đầu. Ngoại trưởng Sergey Lavrov và các quan chức cao cấp khác đã vắng mặt.

“ Tổng thống Zelenskiy đã sẵn sàng gặp, nhưng Tổng thống Putin không bao giờ xuất hiện,” von der Leyen nói. “Điều này cho thấy Tổng thống Putin không muốn hòa bình. Vì vậy, chúng ta phải tăng áp lực.”

Những phát biểu của Von der Leyen nhắc lại những cảnh báo trước đó của Thủ tướng Đức Friedrich Merz, người đã phát biểu vào ngày 13 tháng 5 rằng nếu Nga không cho thấy tiến triển thực sự trong các cuộc đàm phán hòa bình, Liên Hiệp Âu Châu sẽ thúc đẩy “thắt chặt đáng kể” các lệnh trừng phạt.

Các phái đoàn Ukraine và Nga đã kết thúc các cuộc đàm phán tại Istanbul vào ngày 16 tháng 5 sau chưa đầy hai giờ mà không đạt được thỏa thuận nào về lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày.

Các biện pháp được đề xuất được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về khả năng Nga tiếp tục lách lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng đội tàu ngầm của mình - những tàu chở dầu cũ kỹ hoạt động dưới quyền sở hữu không rõ ràng và có gắn cờ để xuất khẩu dầu bị trừng phạt.

Gần đây, Ukraine đã trừng phạt các thuyền trưởng hoạt động trong mạng lưới này.

Mặc dù Nord Stream 2 chưa bao giờ được kích hoạt và Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động sau khi bị nghi ngờ phá hoại vào năm 2022, động thái này mang tính biểu tượng. Nó nhằm mục đích đóng lỗ hổng và ngăn chặn các nỗ lực trong tương lai nhằm khôi phục xuất khẩu năng lượng của Nga sang Âu Châu.

Tại Washington, Thượng viện Hoa Kỳ đang chuẩn bị phản ứng theo một cách khác.

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã thúc đẩy “Đạo luật trừng phạt Nga năm 2025”, bao gồm các biện pháp toàn diện như thuế quan 500% đối với các quốc gia tiếp tục mua các sản phẩm năng lượng của Nga. Có ít nhất 72 thượng nghị sĩ được cho là ủng hộ dự luật này.

Bất chấp sự thất vọng ngày càng tăng từ các đồng minh, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa áp đặt lệnh trừng phạt mới hoặc thực hiện các bước trực tiếp để trừng phạt Nga vì từ chối ngừng bắn.

Chính phủ Kyiv và Âu Châu tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn vô điều kiện, mà Ukraine đã chấp nhận vào tháng 3. Mạc Tư Khoa đã phớt lờ lời đề nghị và tăng cường các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine.

[Kyiv Independent: 'We have to increase the pressure' — Von der Leyen vows new Russia sanctions after Putin skips peace talks]

7. Nga và Ukraine đồng ý trao đổi 1.000 tù nhân — nhưng không có lệnh ngừng bắn

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul đã kết thúc với việc hai bên cam kết trao đổi 1.000 tù binh chiến tranh nhưng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện.

Đây sẽ là đợt hoán đổi lớn nhất kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022.

Trước cuộc họp vào thứ sáu, Ukraine đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn hoàn toàn, vô điều kiện trong ít nhất 30 ngày, một cuộc trao đổi tù binh chiến tranh “tất cả đổi tất cả” và một cuộc gặp giữa tổng thống Ukraine và Nga - thời điểm mà các cuộc đàm phán hòa bình thực sự sẽ bắt đầu một cách nghiêm chỉnh miễn là lệnh ngừng bắn được duy trì.

“Quan điểm của chúng tôi — nếu người Nga từ chối lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện và chấm dứt giết chóc, các lệnh trừng phạt cứng rắn phải theo sau,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một bài đăng trên X sau khi các cuộc đàm phán kết thúc. “Áp lực đối với Nga phải được duy trì cho đến khi Nga sẵn sàng chấm dứt chiến tranh.”

Trong khi các phái đoàn đang phát biểu tại Istanbul, những người ủng hộ Ukraine ở Âu Châu - nhiều người trong số họ đang ở Albania để tham dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu - đã điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Sau đó vào thứ Sáu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Tổng thống Trump đã lên kế hoạch thực hiện các cuộc gọi riêng của mình “trong vài giờ tới hoặc vài ngày tới” với “phía Nga để làm rõ những gì đã xảy ra [ở Istanbul] và tiến về phía trước”.

Tổng thống Trump đã nói vào thứ năm rằng “sẽ không có gì xảy ra cho đến khi Putin và tôi gặp nhau”.

Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết sau cuộc gọi: “Rõ ràng là lập trường của Nga là không thể chấp nhận được và không phải là lần đầu tiên, vì vậy, sau cuộc gặp với Tổng thống Zelenskiy và cuộc thảo luận với Tổng thống Trump, hiện chúng tôi đang liên kết chặt chẽ và phối hợp các phản ứng của mình”.

“Người Nga ở Istanbul trên thực tế đã ngừng đàm phán và từ chối ngừng bắn”, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, người cũng tham gia cuộc gọi, cho biết trong một tuyên bố. “Đã đến lúc tăng áp lực”.

Nhưng bất chấp mọi lời bàn tán, các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn vẫn chưa được thống nhất.

“Phái đoàn Nga hài lòng với kết quả đàm phán với phía Ukraine”, Vladimir Medinsky, trợ lý của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và là nhà lãnh đạo phái đoàn, nói với các phóng viên sau cuộc họp. Ông nói thêm rằng việc trao đổi tù binh chiến tranh sẽ diễn ra “sớm”.

Tại các cuộc đàm phán, cả hai bên đều đồng ý xác định rõ tầm nhìn của mình về lệnh ngừng bắn trong tương lai, cam kết rằng sau đó, các cuộc đàm phán sẽ được nối lại — mặc dù chưa có thời hạn cụ thể nào được đưa ra.

Người Nga cũng đồng ý xem xét cuộc gặp giữa Tổng thống Zelenskiy và Putin. Tuần này, nhà lãnh đạo Nga đã từ chối người đồng cấp Ukraine của mình, người đã bay đến Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng đàm phán trực tiếp.

Phái đoàn Ukraine, do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dẫn đầu, muốn có đại diện của Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp. Họ đã thống nhất các vị trí trước với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio và đặc phái viên Ukraine Keith Kellogg, những người cũng có mặt tại Istanbul vào thứ Sáu, và sắp xếp cho Michael Anton, Giám đốc Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tham dự các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, phái đoàn Nga vào phút chót đã đưa ra yêu sách không có đại diện Hoa Kỳ, một quan chức quen thuộc với các cuộc đàm phán nói với POLITICO. Cuối cùng, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bàn đàm phán với tư cách là bên thứ ba.

Umerov tỏ ra thất vọng rõ ràng khi rời khỏi nơi đàm phán.

“Phía Nga đã đưa ra một số yêu cầu không thể chấp nhận được, nhưng phía Ukraine vẫn bình tĩnh và giữ vững lập trường của mình”, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết tại một cuộc họp báo. “Chúng tôi cần thấy nhiều áp lực hơn đối với Mạc Tư Khoa để khiến họ sẵn sàng thực hiện các bước hướng tới hòa bình”.

Trong các cuộc đàm phán, Medinsky đã đe dọa những người đồng cấp Ukraine của mình rằng người Nga đã sẵn sàng chiến đấu trong một thời gian dài và “người Ukraine có thể mất nhiều hơn những người thân yêu của họ”, một quan chức am hiểu các cuộc đàm phán nói với POLITICO.

Mạc Tư Khoa đã bác bỏ lệnh ngừng bắn. Họ không tỏ ý muốn nhượng bộ bất kỳ mục tiêu chiến tranh ban đầu nào của mình là giải trừ toàn bộ vũ khí của Ukraine, đầu hàng lãnh thổ, từ bỏ tham vọng NATO và khôi phục lại sự thống trị của tiếng Nga, Chính Thống Giáo Nga và văn hóa Nga trong xã hội của họ.

[Politico: Russia and Ukraine agree on 1,000-prisoner exchange — but no ceasefire]

8. Đàm phán Ukraine-Nga tại Istanbul kết thúc, Mạc Tư Khoa yêu cầu Kyiv rút khỏi 4 khu vực, không có thỏa thuận ngừng bắn

Các phái đoàn Ukraine và Nga đã kết thúc các cuộc đàm phán tại Istanbul vào ngày 16 tháng 5 sau khi nói chuyện chưa đầy hai giờ mà không đạt được thỏa thuận nào về lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày và Mạc Tư Khoa yêu cầu Kyiv rút quân hoàn toàn khỏi bốn tỉnh của Ukraine mà nhà độc tài Vladimir Putin tuyên bố đã sáp nhập.

Một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine được thông báo về các cuộc đàm phán đã xác nhận với tờ Kyiv Independent rằng phái đoàn Mạc Tư Khoa đã yêu cầu Ukraine rút lui khỏi các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, mặc dù Nga không kiểm soát toàn bộ bất kỳ tỉnh nào trong số này.

Điện Cẩm Linh đã tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh này một cách bất hợp pháp sau cuộc trưng cầu dân ý giả mạo vào cuối năm 2022, đưa chúng vào hiến pháp Nga — một động thái không có giá trị quốc tế.

Bất chấp những yêu cầu này, nguồn tin cho biết “phái đoàn Ukraine có ấn tượng là (phái đoàn Nga) không có thẩm quyền thực sự nào”.

“ Bây giờ họ cần phải quay trở lại Mạc Tư Khoa, chỉ để tìm ra điều họ có thể nói để đáp lại những gì họ nghe được ở đây,” họ nói thêm.

Theo nguồn tin, trong các cuộc đàm phán, Ukraine đã đề xuất lệnh ngừng bắn ngay lập tức, trao đổi tù nhân toàn diện và tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Putin.

Trong một diễn biến tích cực, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù binh chiến tranh, gọi tắt là POW theo tỷ lệ 1.000 đổi 1.000, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, người dẫn đầu phái đoàn Ukraine, phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm vào ngày 16 tháng 5.

“Chúng tôi biết ngày cụ thể, nhưng chúng tôi chưa thể tiết lộ ngay bây giờ”, ông nói.

Ngay sau đó, Vladimir Medinsky, nhà lãnh đạo phái đoàn Nga, đã xác nhận cuộc trao đổi đã được thống nhất trong các bình luận với phương tiện truyền thông nhà nước Nga.

Sau khi các cuộc đàm phán kết thúc, Tổng thống Zelenskiy và một số nhà lãnh đạo hàng đầu Âu Châu đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhà lãnh đạo Ukraine thông báo trên Telegram.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã tham gia cuộc gọi cùng Tổng thống Zelenskiy.

“Ukraine sẵn sàng thực hiện các bước nhanh nhất có thể để đạt được hòa bình thực sự và điều quan trọng là thế giới phải giữ vững lập trường”, Tổng thống Zelenskiy viết.

“Nếu người Nga từ chối ngừng bắn và giết chóc hoàn toàn và vô điều kiện, phải có lệnh trừng phạt mạnh mẽ. Áp lực lên Nga phải được duy trì cho đến khi Nga sẵn sàng chấm dứt chiến tranh.”

Ngay sau đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã lên án việc Nga không muốn chấm dứt giao tranh.

“Người Nga ở Istanbul đã thực tế cắt đứt các cuộc đàm phán và từ chối ngừng bắn”, Tusk nói. “Đã đến lúc tăng cường áp lực”.

Không có thông tin chi tiết nào được cung cấp về nội dung hoặc thời lượng của cuộc gọi.

“Tổng thống Trump vẫn hy vọng có thể làm được điều gì đó”, nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống cho biết.

Theo nguồn tin, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio và Đặc phái viên Keith Kellogg nhìn nhận tình hình như hiện tại. Nguồn tin tương tự cho biết Đặc phái viên Steve Witkoff, ngược lại, “hứa hẹn quá mức”.

Sau đó vào ngày 16 tháng 5, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã kêu gọi áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Nga, bà phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu.

Ủy ban Âu Châu đang chuẩn bị một gói lệnh trừng phạt mới, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với đường ống Nord Stream 1 và 2, danh sách bổ sung các tàu trong đội tàu ngầm của Nga, mức giá dầu thấp hơn và lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực tài chính của Nga, von der Leyen tuyên bố.

Theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố Ukraine và Nga đã đồng ý về nguyên tắc sẽ tổ chức một cuộc họp tiếp theo.

Fidan cho biết: “Các bên đã đồng ý về nguyên tắc sẽ lại gặp nhau”.

Sau khi Mạc Tư Khoa đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần này, Tổng thống Zelenskiy đã đồng ý và mời Putin đến gặp mặt trực tiếp. Nhà lãnh đạo Nga đã từ chối tham dự và chỉ định trợ lý của mình, Medinsky, dẫn đầu các cuộc đàm phán.

Phái đoàn Nga bao gồm các thứ trưởng và trợ lý cấp dưới và loại trừ các quan chức cao cấp như Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Tổng thống Zelenskiy bình luận rằng Mạc Tư Khoa đã cử một “phái đoàn giả mạo”, trong khi các quan chức phương Tây trình bày động thái này như một dấu hiệu cho thấy Putin không nghiêm chỉnh về các nỗ lực hòa bình.

Mặc dù Tổng thống Zelenskiy đã đi Albania, một phái đoàn Ukraine, bao gồm nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Ngoại trưởng Andrii Sybiha và Umerov, đã đến Istanbul để gặp các đại biểu Nga.

Phái đoàn Ukraine cũng đã có cuộc họp với các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm cả Ngoại trưởng Marco Rubio vào đầu ngày.

Kyiv và các đồng minh đã thúc giục Mạc Tư Khoa áp dụng lệnh ngừng bắn vô điều kiện bắt đầu từ ngày 12 tháng 5 như bước đầu tiên hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình — một đề xuất mà Nga đã bỏ qua.

Trong khi các quan chức Ukraine cho biết họ hy vọng sẽ thảo luận về một lệnh ngừng bắn có thể có tại Istanbul, Nga lại coi cuộc họp này là sự tiếp nối của các cuộc đàm phán năm 2022 và nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết những gì mà họ coi là “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc chiến.

[Kyiv Independent: Ukraine-Russia talks in Istanbul end, Moscow demands Kyiv withdraw from 4 regions, no ceasefire agreement]
 
Thánh lễ đại trào Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh: Bài giảng hôm nay quan trọng thế nào?
VietCatholic Media
03:47 18/05/2025

Mọi ánh mắt đều tập trung vào Chúa Nhật này: Những lời đầu tiên của Đức Lêô XIV có thể định hình hình ảnh của Ngài về tương lai của Giáo hội

Các bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Giáo hoàng từ lâu đã đóng vai trò là những khoảnh khắc làm rõ, đó không chỉ khai mạc một triều Giáo Hoàng mà còn báo trước hướng đi của triều đại đó.

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài đã đưa ra lập trường trên trong bài phân tích nhan đề “All Eyes on Sunday: Leo XIV’s First Words May Cast His Image on Church’s Future”, nghĩa là “Mọi ánh mắt đều tập trung vào Chúa Nhật này: Những lời đầu tiên của Đức Lêô XIV có thể định hình hình ảnh của Ngài về tương lai của Giáo hội” đăng trên tờ National Catholic Register ngày 16 tháng 5 năm 2025.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ long trọng Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh vào ngày Chúa Nhật, 18 Tháng Năm, Chúa Nhật thứ năm sau Lễ Phục sinh, cũng là ngày lễ Thánh Gioan, Giáo hoàng tử đạo, cai quản Giáo Hoàng từ 523 đến 526, và là ngày sinh của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Toàn thể Giáo hội và phần lớn thế giới sẽ háo hức chờ đợi những gì ngài sẽ nói. Các bài giảng Khai Mạc Sứ Vụ Giáo Hoàng gần đây đã nhận được sự chú ý cẩn thận.

Đức Hồng Y Robert Prevost đã trở thành giáo hoàng ngay sau khi chấp nhận cuộc bầu cử ngài tại Nhà nguyện Sistina và đã thực hiện chức vụ của mình kể từ đó. Tuy nhiên, Thánh lễ vào Chúa Nhật là sự khởi đầu trọng thể. Cho đến năm 1963, đó là lễ “đăng quang” của Đức Tân Giáo Hoàng, người sẽ được đội vương miện của giáo hoàng. Nghi lễ kéo dài năm giờ (!) vào năm 1958 đối với Thánh Gioan XXIII, nhưng đã được đơn giản hóa phần nào đối với Thánh Phaolô Đệ Lục vào năm 1963.

Chân phước Gioan Phaolô I đã từ chối đội vương miện vào năm 1978, và những vị kế nhiệm ngài cũng đã làm theo. Ngày nay, người Công Giáo không còn gọi là Lễ đăng quang Giáo Hoàng nữa nhưng gọi là lễ “Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh” và bao gồm việc trao dây pallium (biểu tượng phụng vụ của một tổng giám mục) và trao Nhẫn Ngư phủ.

Sau khi được trao tặng huy hiệu cho sứ vụ của ngài, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ nhận được “sự vâng phục” của một số “đại diện của dân Chúa”. Khoảnh khắc này đã được sử dụng một cách hiệu quả trong quá khứ. Năm 1978, Đức Gioan Phaolô II đã nói với người chủ trì nghi lễ rằng Thánh lễ phải kéo dài ba giờ — đó là thời gian mà đài truyền hình nhà nước Ba Lan đã phân bổ cho Thánh lễ, và ngài không muốn để lại bất cứ thời gian nào sau đó cho những lời tuyên truyền của cộng sản. Sau đó, mỗi Hồng Y sẽ cúi mình chào riêng. Bài giảng dài nhưng bao gồm những khoảnh khắc xúc động trong lịch sử khi Đức Gioan Phaolô ôm Chân phước Stefan Wyszynski, Hồng Y giáo chủ Ba Lan, và Đức Hồng Y trẻ tuổi Joseph Ratzinger của Munich.

Trong Thánh lễ đó, ngày 22 tháng 10 năm 1978, Đức Gioan Phaolô đã có bài giảng nổi tiếng nhất của thời đại truyền thông đại chúng: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô!” Sức mạnh của những lời này lớn đến mức ngày 22 tháng 10 hiện là ngày lễ của Đức Gioan Phaolô. Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã tự phát thêm câu nói đặc trưng của Đức Gioan Phaolô vào bài diễn văn đầu tiên của ngài lúc hát kinh Regina Caeli.

Các bài giảng nhậm chức trong thời gian gần đây đã định hình nên các triều Giáo Hoàng sau này. Vì lý do đó, những lời của Đức Giáo Hoàng Lêô sẽ được xem xét một cách cẩn trọng.

Thánh Gioan XXIII

Năm 1958, Đức Giáo Hoàng Gioan đã có toàn bộ bài giảng của mình bằng tiếng Latinh, thông lệ vào thời đó cho những dịp trọng đại. Hôm đó là ngày 4 tháng 11, đúng ngày lễ thánh Charles Borromeo, ngày mà Đức Gioan XXIII đã viết một nghiên cứu nhiều tập trong tác phẩm học thuật của mình về lịch sử Giáo hội.

Gợi lên hình ảnh Người chăn chiên nhân lành, Đức Gioan XXIII đã chọn nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã nói về “những con chiên không thuộc đàn chiên này”. Những động lực đại kết và truyền giáo sẽ định hình nên Công đồng Vatican II đã hiện diện trong bài giảng của ngài.

Vào đầu Công đồng, Đức Giáo Hoàng Gioan đã chào đón một nhóm các nhà lãnh đạo Do Thái đến Vatican. Vào một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong triều Giáo Hoàng của mình, ngài đã chào họ: “Tất cả chúng ta đều là con của cùng một Cha trên trời. … Tôi là Giuse, anh em của các bạn”.

Giuse — Giuseppe — là tên rửa tội của Đức Gioan XXIII.

Đức Gioan XXIII đã sử dụng cùng một cụm từ trong bài giảng nhậm chức của ngài:

“Giáo hoàng mới có thể được so sánh, qua những thăng trầm của cuộc đời, với người con trai của Tổ phụ Jacob, người đã đón tiếp anh em mình trong sự đau khổ tột cùng, thể hiện tình yêu thương và than khóc cho họ, nói rằng: ‘Tôi là Giuse, anh em của các người.’” (Sáng thế ký 45:4).

Thánh Phaolô Đệ Lục

Được trao vương miện vào ngày sau lễ trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô năm 1963, Đức Phaolô Đệ Lục là giáo hoàng cuối cùng đội vương miện. Ngay sau đó, ngài đã cất nó sang một bên như một sự đơn giản hóa nghi lễ của giáo hoàng, chuyển từ ý tưởng về một cung điện hoàng gia sang ý tưởng về “nhà nguyện giáo hoàng” và “gia đình giáo hoàng”.

Đức Phaolô đã nói trong bài giảng nhậm chức của mình rằng ngài sẽ tiếp tục Công đồng Vatican II. Đó là thời điểm của hy vọng lớn lao, nhưng Đức Phaolô Đệ Lục đã có thể thấy những đám mây giông trên đường chân trời.

“Chúng ta sẽ bảo vệ Giáo hội Thánh khỏi những sai lầm về giáo lý và phong tục, những thứ bên trong và bên ngoài biên giới của Giáo hội đe dọa đến sự toàn vẹn của Giáo hội và che giấu vẻ đẹp của Giáo hội,” ngài đã thuyết giảng vào năm 1963, một chủ đề mà ngài thường nhắc lại, bao gồm trong bài giảng cuối cùng của ngài, cho Phêrô và Phaolô năm 1978.

Đức Phaolô Đệ Lục bắt đầu bằng tiếng Latinh, nhưng sau đó đã thuyết giảng các phần bằng tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ba Lan và tiếng Nga, báo trước rằng ngài sẽ trở thành vị giáo hoàng hành hương đầu tiên, tận dụng lợi thế của việc đi lại bằng máy bay để đến mọi nơi trên thế giới.

Việc ngài nói một vài từ bằng tiếng Nga vào thời điểm đó thật xúc động — diễn ra chỉ tám tháng sau Cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba và chỉ hai tháng sau thông điệp cuối cùng của Đức Gioan XXIII, Pacem in Terris hay Hòa Bình Tại Thế.

Chân phước Gioan Phaolô I

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I tiếp nối Đức Phaolô Đệ Lục, bắt đầu bằng tiếng Latinh rồi chuyển sang các ngôn ngữ khác, mặc dù chỉ bằng tiếng Ý và tiếng Pháp. Ngài đã có một bài giảng rất ngắn trong dịp này, và gần một nửa bài giảng dành để chào đón những người có mặt; phần còn lại bao gồm những suy gẫm không đáng chú ý về chức vụ Phêrô.

Bài giảng, vô tình, báo hiệu triều Giáo Hoàng ngắn ngủi sắp tới.

Thánh Gioan Phaolô II

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II không hề giảng bằng tiếng Latinh mà bằng tiếng Ý với các đoạn văn bằng nhiều ngôn ngữ khác — trong đó xúc động nhất là tiếng Ba Lan. Ngài cũng đã nói ngắn gọn bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tiệp, tiếng Nga, tiếng Ukraine và tiếng Lithuania.

Ngài thừa nhận rằng vị Giám mục mới của Rôma “là một người con của Ba Lan… nhưng từ thời điểm này, ngài cũng trở thành một người Rôma”.

Trong khi “Đừng sợ hãi” là phần nổi tiếng nhất của bài giảng, thì phần đó cũng chỉ ra chủ nghĩa nhân bản của Kitô giáo, vốn sẽ là chủ đề chính trong triều Giáo Hoàng lâu dài của Đức Gioan Phaolô.

“Đừng sợ hãi. Chúa Kitô biết ‘những gì trong con người.’ Chỉ mình Người biết điều đó. Ngày nay, con người thường không biết những gì bên trong mình, trong sâu thẳm tâm trí và trái tim mình.

Con người thường không chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống của mình trên trái đất này. Họ bị tấn công bởi sự nghi ngờ, một sự nghi ngờ biến thành sự tuyệt vọng. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu anh chị em, chúng tôi cầu xin anh chị em với sự khiêm nhường và tin tưởng, hãy để Chúa Kitô nói với con người. Chỉ mình Người có những lời ban sự sống, vâng, đó là những lời ban sự sống vĩnh cửu”.

Đây là một văn kiện hiếm hoi của Đức Gioan Phaolô không đề cập đến Gaudium et Spes, giáo huấn của Công đồng Vatican II rằng Chúa Giêsu Kitô cho con người biết ý nghĩa của việc trở thành con người trọn vẹn.

Đức Gioan Phaolô kết luận bằng chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo đó: “Tôi cũng kêu gọi mọi người — mọi người (và với sự tôn kính như thế nào mà tông đồ của Chúa Kitô phải thốt ra từ này: ‘con người’!) — hãy cầu nguyện cho tôi!”

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16

Mặc dù Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 có thể nói được nhiều thứ tiếng, và có lẽ là vị giáo hoàng cuối cùng có thể điều hành các cuộc họp bằng tiếng Latinh, nhưng ngài đã đọc bài giảng nhậm chức hoàn toàn bằng tiếng Ý.

Trong một dấu hiệu chắc chắn về các ưu tiên của mình, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 bắt đầu bằng một bài học từ phụng vụ, hát Kinh cầu các thánh tại tang lễ của Đức Gioan Phaolô, tại Cơ Mật Viện và tại Thánh lễ Khai Mạc Sứ Vụ Giáo Hoàng. Sau đó, ngài ngay lập tức sử dụng một cụm từ mà ngài sẽ quay lại với lòng sùng kính ngày càng tăng, “những người bạn của Chúa”.

Tình bạn với Chúa sẽ là đề xuất liên tục của ngài với thế giới. Trong một bài suy tư sâu sắc và đẹp đẽ về kỷ niệm 60 năm ngày thụ phong, năm 2011 với tư cách là giáo hoàng, Đức Bênêđíctô bắt đầu bằng những lời trong nghi lễ thụ phong năm 1951: Tôi không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu (Ga 15:15).

Vào ngày 24 tháng 4 năm 2005, Đức Bênêđíctô đã dệt nên một bài suy tư phong phú về Kinh thánh về các biểu tượng phụng vụ của ngày này — dây pallium bằng len và chiếc nhẫn, biểu tượng của người chăn chiên và người đánh cá. Ngài đã dựa vào các nguồn giáo phụ để nhắc nhở chúng ta rằng đối với loài cá, lưới của người đánh cá là một mối đe dọa. Trong một đoạn văn minh họa Đức Bênêđíctô như nhà thuyết giáo giáo hoàng vĩ đại nhất kể từ thời các Giáo phụ, đã rao giảng:

Đây là những gì các Giáo phụ nói: đối với một con cá, được tạo ra để sống dưới nước, thì việc bị bắt khỏi biển, bị tách khỏi yếu tố quan trọng của nó để phục vụ như thức ăn cho con người là điều tai hại. Nhưng trong sứ mệnh của một người đánh cá, thì điều ngược lại mới đúng. Chúng ta đang sống trong sự xa lánh, trong vùng nước mặn của đau khổ và cái chết; trong biển bóng tối không có ánh sáng. Lưới của Tin mừng kéo chúng ta ra khỏi vùng nước chết chóc và đưa chúng ta vào sự huy hoàng của ánh sáng Thiên Chúa, vào cuộc sống đích thực.

Thật sự đúng: Khi chúng ta theo Chúa Kitô trong sứ mệnh trở thành những người đánh cá của con người, chúng ta phải đưa những người nam và nữ ra khỏi biển mặn với rất nhiều hình thức xa lánh và đến vùng đất của sự sống, vào ánh sáng của Thiên Chúa. Thật sự là như vậy: Mục đích của cuộc sống chúng ta là mặc khải Thiên Chúa cho con người. Và chỉ khi nào nhìn thấy Thiên Chúa thì cuộc sống mới thực sự bắt đầu. Chỉ khi chúng ta gặp được Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Kitô, chúng ta mới biết cuộc sống là gì.

Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của quá trình tiến hóa. Mỗi người chúng ta là kết quả của một ý nghĩ của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều được mong muốn, mỗi người chúng ta đều được yêu thương, mỗi người chúng ta đều cần thiết. Không có gì đẹp hơn là được ngạc nhiên bởi Tin mừng, bởi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Không có gì đẹp hơn là biết Người và nói với người khác về tình bạn của chúng ta với Người.

Kết thúc bài giảng, Đức Bênêđíctô thừa nhận rằng ngài sẽ luôn là vị giáo hoàng đến sau “Đức Gioan Phaolô vĩ đại”, như ngài đã nói trong lần đầu tiên xuất hiện trên ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô sau khi đắc cử.

Ngài đã quay lại với “Đừng sợ” năm 1978, nhưng đã đưa ra một cách diễn giải mới. Nó sẽ trở thành đoạn văn được trích dẫn nhiều nhất trong triều Giáo Hoàng của ngài:

Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô!’ Đức Gioan Phaolô cũng đang nói với mọi người, đặc biệt là những người trẻ. Có lẽ chúng ta đều sợ hãi theo một cách nào đó? Nếu chúng ta để Chúa Kitô bước vào cuộc sống của chúng ta trọn vẹn, nếu chúng ta mở lòng hoàn toàn với Người, thì chúng ta không sợ Người có thể lấy đi điều gì đó của chúng ta sao? Có lẽ chúng ta không sợ từ bỏ điều gì đó quan trọng, điều gì đó độc đáo, điều gì đó làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp sao? Khi đó, chúng ta không có nguy cơ bị suy yếu và mất đi sự tự do sao?

Và một lần nữa Đức Gioan Phaolô đã nói: Không! Nếu chúng ta để Chúa Kitô bước vào cuộc sống của mình, chúng ta không mất gì cả, không mất gì cả, hoàn toàn không mất gì cả những gì làm cho cuộc sống tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Không! Chỉ trong tình bạn này, cánh cửa cuộc sống mới mở rộng. Chỉ trong tình bạn này, tiềm năng to lớn của sự tồn tại của con người mới thực sự được bộc lộ. Chỉ trong tình bạn này, chúng ta mới trải nghiệm được vẻ đẹp và sự giải thoát.

Và vì vậy, hôm nay, với sức mạnh to lớn và niềm tin lớn lao, trên cơ sở kinh nghiệm sống cá nhân lâu dài, tôi nói với các bạn, những người trẻ thân mến: Đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy đi điều gì cả, và Người ban cho các bạn mọi thứ. Khi chúng ta trao tặng bản thân mình cho Người, chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm lần. Vâng, hãy mở, mở rộng cánh cửa đón Chúa Kitô — và bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực. Amen.

Bài giảng của Đức Bênêđíctô có lẽ sẽ là bài giảng Khai Mạc Sứ Vụ Giáo Hoàng đẹp nhất từng được đưa ra.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Vào ngày lễ trọng kính Thánh Giuse, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã Khai Mạc Sứ Vụ Giáo Hoàng của mình vào năm 2013. Ngài chủ yếu giảng về các bài đọc, xếp lễ Khai Mạc Sứ Vụ Giáo Hoàng xuống vị trí thứ hai. Đó sẽ là mô hình của ngài trong 12 năm tiếp theo, tập trung vào các bài đọc, trong khi chỉ đề cập thoáng qua về ý nghĩa của buổi cử hành, ví dụ, các vị thánh được tuyên thánh hoặc sự kiện đang được cử hành.

Đó là một bài giảng ngắn, khoảng 1,400 chữ, và đề cập đến vai trò của Thánh Giuse như custos hay “người bảo vệ”.

“Thánh Giuse thực hiện vai trò bảo vệ của ngài như thế nào?” Đức Phanxicô đã giảng. Vai trò đó chủ yếu là bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và Thánh Giuse là hình mẫu của việc “luôn chú ý đến Thiên Chúa, cởi mở với các dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa và tiếp thu các kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không chỉ đơn thuần là kế hoạch của riêng mình”.

Sau đó, Đức Phanxicô đã phác thảo những chủ đề nổi bật trong triều Giáo Hoàng của ngài, cụ thể là bảo vệ những người dễ bị tổn thương và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô cho biết: “Ơn gọi trở thành ‘người bảo vệ’ không chỉ liên quan đến riêng chúng ta, các Kitô hữu. Nó cũng có một chiều kích nhân bản, liên quan đến tất cả mọi người. Nó có nghĩa là bảo vệ toàn bộ tạo vật, vẻ đẹp của thế giới được tạo ra, như Sách Sáng thế đã nói với chúng ta và như Thánh Phanxicô thành Assisi đã chỉ cho chúng ta. Nó có nghĩa là tôn trọng từng tạo vật của Chúa và tôn trọng môi trường mà chúng ta đang sống. Nó có nghĩa là bảo vệ con người, thể hiện sự quan tâm yêu thương đối với từng người, đặc biệt là trẻ em, người già, những người đang cần sự giúp đỡ, những người thường là người cuối cùng chúng ta nghĩ đến”.

“Xin anh chị em vui lòng, tôi muốn yêu cầu tất cả những người có trách nhiệm trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội, và tất cả những người nam nữ có thiện chí: Chúng ta hãy trở thành ‘người bảo vệ’ tạo vật, người bảo vệ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, người bảo vệ lẫn nhau và môi trường”.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ đến lượt ngài vào Chúa Nhật. Ngài sẽ nói gì? Nếu ngài noi gương những người tiền nhiệm của ngài, Giáo hội sẽ hiểu rõ những gì triều Giáo Hoàng của ngài sẽ mang lại.
 
Thánh lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh: Bài giảng cảm động của ĐTC Lêô XIV
VietCatholic Media
05:19 18/05/2025


Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã cử hành Thánh lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh vào lúc 10h sáng Chúa Nhật, 18 Tháng Năm, theo giờ địa phương, tức là 3h chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, trong thánh lễ đại trào tại Quảng trường Thánh Phêrô. Thánh lễ này sẽ đánh dấu sự khởi đầu chính thức của triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV, vị giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ.

Bài giảng của ngài gây ra một sự xúc động mạnh khi ngài tỏ lộ rằng chương trình nghị sự của ngài là cổ vũ sự hiệp nhất và tình yêu thương các tín hữu phải dành cho nhau và dành cho thế giới đau khổ của chúng ta.

Thưa các anh em Hồng Y, các anh em Giám mục và Linh mục, các vị Thẩm quyền và Thành viên của Ngoại giao Đoàn, cùng những người đã đến đây để tham dự Năm Thánh của các Hội đoàn, thưa tất cả anh chị em:

Tôi chào tất cả anh chị em với một trái tim tràn đầy lòng biết ơn khi bắt đầu sứ vụ được giao phó cho tôi. Thánh Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và trái tim chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa” (Tự thú, I: 1,1).

Trong những ngày này, chúng ta đã trải qua những cảm xúc mãnh liệt. Cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lấp đầy trái tim chúng ta bằng nỗi buồn. Trong những giờ phút khó khăn đó, chúng ta cảm thấy giống như đám đông mà Phúc âm nói rằng “như bầy chiên không có người chăn” (Mt 9:36). Tuy nhiên, vào Chúa Nhật Phục sinh, chúng ta đã nhận được phép lành cuối cùng của ngài và, dưới ánh sáng của biến cố phục sinh, chúng ta đã trải qua những ngày tiếp theo trong niềm xác tín rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, nhưng quy tụ họ khi họ bị phân tán và bảo vệ họ “như người chăn chiên bảo vệ đàn chiên của mình” (Gr 31:10).

Trong tinh thần đức tin này, Hồng Y đoàn đã họp Cơ Mật Viện. Xuất thân từ nhiều hoàn cảnh và kinh nghiệm khác nhau, chúng tôi đặt vào tay Chúa ước muốn bầu lên Người kế vị mới của Thánh Phêrô, Giám mục Rôma, một mục tử có khả năng bảo tồn di sản phong phú của đức tin Kitô và đồng thời hướng đến tương lai, để đối mặt với những vấn nạn, những mối quan tâm và thách thức của thế giới ngày nay.

Nhờ lời cầu nguyện của anh chị em, chúng tôi có thể cảm nhận được sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng có thể đưa chúng tôi vào sự hòa hợp, như những nhạc cụ, để dây đàn của trái tim chúng tôi có thể rung lên trong một giai điệu duy nhất. Tôi đã được chọn, không có bất kỳ công trạng nào của riêng tôi, và bây giờ, với sự sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em, người mong muốn trở thành người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, đồng hành cùng anh chị em trên con đường tình yêu của Chúa, vì Người muốn tất cả chúng ta được hợp nhất trong một gia đình.

Tình yêu và sự hiệp nhất: đây là hai chiều kích của sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Phêrô. Chúng ta thấy điều này trong Tin Mừng hôm nay, dẫn chúng ta đến Biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh mà Người đã nhận được từ Chúa Cha: đó là trở thành “người đánh cá” của nhân loại để kéo họ lên khỏi dòng nước của sự dữ và sự chết. Khi đi dọc bờ biển, Người đã gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên khác, trở nên giống như Người, là “những người đánh cá người”.

Bây giờ, sau biến cố phục sinh, họ phải tiếp tục sứ mệnh này, thả lưới liên tục, mang hy vọng của Phúc Âm vào “mặt nước” của thế giới, vượt qua biển cả cuộc sống để tất cả mọi người có thể trải nghiệm được vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa.

Làm sao Phêrô có thể thực hiện được nhiệm vụ này? Thưa: Phúc Âm cho chúng ta biết rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được vì chính cuộc đời của thánh nhân đã được tình yêu vô hạn và vô điều kiện của Thiên Chúa chạm đến, ngay cả trong giờ phút Phêrô thất bại và chối Chúa. Vì lý do này, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô, Phúc Âm sử dụng động từ tiếng Hy Lạp agapáo, ám chỉ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đến sự hiến dâng chính mình mà không giữ lại và không tính toán. Trong khi động từ được sử dụng trong câu trả lời của Phêrô mô tả tình yêu trong tình bạn mà chúng ta dành cho nhau.

Do đó, khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô, “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21:16), Người đang ám chỉ đến tình yêu của Chúa Cha. Như thể Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, “Chỉ khi con biết và trải nghiệm tình yêu này của Thiên Chúa, tình yêu không bao giờ mất đi, thì con mới có thể chăn dắt chiên con của Thầy. Chỉ trong tình yêu của Chúa Cha, con mới có thể yêu thương anh chị em mình bằng cùng một trọng lượng “nhiều hơn” đó, nghĩa là bằng cách hiến dâng mạng sống mình cho anh chị em mình.”

Như vậy, Phêrô được giao phó nhiệm vụ “yêu thương nhiều hơn” và hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Sứ vụ của Phêrô được phân biệt chính xác bởi tình yêu hy sinh này, vì điều mà Giáo hội Rôma chủ trì trong đức ái và thẩm quyền thực sự của mình chính là đức ái của Chúa Kitô. Không bao giờ là vấn đề nắm bắt người khác bằng vũ lực, bằng tuyên truyền tôn giáo hoặc bằng quyền lực. Thay vào đó, luôn luôn và chỉ là vấn đề yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu.

Chính Thánh Tông Đồ Phêrô đã nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “là tảng đá mà anh em là thợ xây loại bỏ, và đã trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4:11). Hơn nữa, nếu tảng đá là Chúa Kitô, Phêrô phải chăn dắt đàn chiên mà không bao giờ khuất phục trước cám dỗ trở thành một kẻ độc đoán, thống trị những người được giao phó cho mình (x. 1 Pr 5:3). Ngược lại, ngài được kêu gọi phục vụ đức tin của anh chị em mình và đồng hành cùng họ, vì tất cả chúng ta đều là “những viên đá sống động” (1 Pr 2:5), được kêu gọi qua phép rửa tội để xây dựng ngôi nhà của Thiên Chúa trong sự hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong sự chung sống của sự đa dạng. Theo lời của Thánh Augustinô: “Giáo hội bao gồm tất cả những ai hòa hợp với anh chị em mình và yêu thương người lân cận” (Bài giảng 359,9).

Anh chị em thân mến, tôi muốn rằng ước muốn lớn đầu tiên của chúng ta là một Giáo hội hiệp nhất, một dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, trở thành men cho một thế giới hòa giải. Trong thời đại này, chúng ta vẫn thấy quá nhiều bất hòa, quá nhiều vết thương do hận thù, bạo lực, định kiến, sợ khác biệt và một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên của Trái đất và gạt những người nghèo nhất ra bên lề.

Về phần chúng tôi, chúng tôi muốn trở thành một chất men nhỏ của sự hiệp nhất, hiệp thông và tình huynh đệ trong thế giới. Chúng tôi muốn nói với thế giới, với sự khiêm nhường và niềm vui: Hãy nhìn lên Chúa Kitô! Hãy đến gần Người hơn! Hãy chào đón lời Người soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe lời Người đề nghị yêu thương và trở thành một gia đình của Người: trong một Chúa Kitô, chúng ta là một. Đây là con đường để cùng nhau bước theo, giữa chúng ta nhưng cũng với các giáo hội Kitô chị em của chúng ta, với những người theo các con đường tôn giáo khác, với những người đang tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người nam nữ thiện chí, để xây dựng một thế giới mới, nơi hòa bình ngự trị!

Đây là tinh thần truyền giáo phải thúc đẩy chúng ta; không khép mình trong những nhóm nhỏ của chúng ta, cũng không cảm thấy mình cao hơn thế giới. Chúng ta được kêu gọi trao tặng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để đạt được sự hiệp nhất không xóa bỏ sự khác biệt nhưng coi trọng lịch sử cá nhân của mỗi người và văn hóa xã hội và tôn giáo của mọi dân tộc.

Anh chị em thân mến, đây là giờ yêu thương! Trọng tâm của Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau. Cùng với vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: Nếu tiêu chuẩn này “thống trị thế giới, thì chẳng lẽ mọi xung đột lại không chấm dứt và hòa bình không trở lại sao?” (Rerum Novarum – Tân Sự, 21).

Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội được thành lập trên tình yêu của Thiên Chúa, một dấu chỉ của sự hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo mở rộng vòng tay với thế giới, công bố lời Chúa, để cho lịch sử làm cho mình “bất an”, và trở thành men hòa hợp cho nhân loại. Cùng nhau, như một dân tộc, như anh chị em, chúng ta hãy tiến về phía Thiên Chúa và yêu thương nhau.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana