Ngày 14-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đấng hổ trợ tinh thần
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
00:05 14/05/2024
CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG NĂM B : GA 20,19-23

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : 23 “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

ĐẤNG HỖ TRỢ TINH THẦN

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Ân huệ tuyệt hảo nhất mà Thiên Chúa có thể ban tặng cho loài người (x. Lc 11,13), điều hứa hẹn quý giá nhất mà Đức Giê-su đã từng đưa ra (x. Ga 7,39), Đấng Bảo Trợ mạnh mẽ mà Tôn Sư từng tiên báo với môn đệ là sẽ đến (x. Ga 14,16-17; 16,7-12), Thần Khí chân lý mà các Tông đồ mong giáng xuống để đưa mình tới sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13-15), Người nay đã đến thật rồi, đến một cách dư tràn trên nhân loại, qua hơi thở của Chúa Phục Sinh.

1. Thời Cựu Ước

Kể từ khi loài người -hữu thể duy nhất trên thế gian được Thiên Chúa phú ban tinh thần vì muốn coi họ là con cái­- để cho ma quỷ bên ngoài và bản năng bên trong lợi dụng con dao hai lưỡi là tự do mà xúi giục lôi kéo họ phạm tội, làm cho tinh thần họ sa ngã, xa lìa Tạo Hóa-Hiền Phụ, chìm vào hố sâu ích kỷ, gây ra biết bao đổ vỡ giữa thế giới tạo vật, thì như thể Thiên Chúa bị đặt trước một thế tiến thoái lưỡng nan : hoặc rút lại tinh thần, cất mất tự do khỏi con người, biến họ trở thành một con vật xinh đẹp thật đấy nhưng vẫn chỉ là một con vật, một nô lệ của Đấng Sáng Tạo, để Người có thể ăn ngon ngũ kỹ trên chốn trời cao, hết sợ họ dùng lý trí, ý chí và tự do để quậy phá… Mà như thế cũng có nghĩa là phản lại tình yêu ở nơi Người, một tình yêu luôn phát sinh những ngôi vị có khả năng đối thoại : các thần vị nơi chính Người là Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần, các linh vị thụ tạo là 9 phẩm thiên thần phục dịch, cũng như các nhân vị thụ tạo mà mới chỉ có hai là A-đam và E--va. Hoặc ngược lại vẫn phải để cho con người là con người, với tinh thần và do đó tự do đầy đủ, với bao nhiêu chuyện bấp bênh bất ngờ tích cực lẫn tiêu cực sẽ có thể xảy ra, mà phần lớn hẳn là tiêu cực, vì tinh thần con người từ nay đã bị thương tổn : ý chí đã ra yếu nhược và lý trí đã ra mù quáng. Nhưng có như thế Thiên Chúa mới bảo toàn được tình yêu của mình, tình yêu của một người cha đối với những đứa con ngỗ nghịch nhưng vẫn là con. À phải ! Cứ để nguyên tinh thần cho họ nhưng sẽ ban thêm cho họ chính Tinh thần của Người. Tinh Thần này sẽ soi sáng cho lý trí họ để họ tìm đến Sự Thật và củng cố cho ý chí họ để họ tìm đến Sự Thiện, hầu họ biết dùng tự do mà yêu Chúa và yêu nhau, sống cho phải đạo làm con của Người.

Thế là Thiên Chúa bắt đầu thực hiện kế hoạch sửa chữa cho tinh thần. Người chọn một dân tộc, ban Thần khí xuống trên các thủ lãnh trong dân (vua chúa, ngôn sứ, tư tế) : trên Mô-sê (“Giavê lấy một phần Thần khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục” Ds 11,25), trên Giô-suê (“Ngươi hãy đem theo Giô-suê, con của Nun, là người có thần khí nơi mình” Ds 27,18), trên Sam-sôn (Tl 14,6), trên Đa-vít (“Thần khí Thiên Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi” 1Sm 16,13), trên Ê-li-a và Ê-li-sa (“Thần khí của ông Ê-li-a đã ngự xuống trên Ê-li--sa” 2V 2,15), trên Ê-dê-ki-en (Ed 2,2)… để qua họ, Người hướng dẫn dân tới chỗ ngày càng thoát khỏi tội lỗi hơn, ý thức sự thật và theo đuổi sự thiện hơn, khám phá và thực hành tình yêu hơn. Người cũng loan báo sẽ đổ dư tràn ân huệ của Thần khí trên một nhân vật Người sẽ sai tới tên là Đấng Mê-si-a (“Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này : thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” Is 11,2), là Người Tôi Trung (“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó” Is 42,1), cũng như trên dân tộc thời cánh chung để biến hình đổi dạng họ (Ge 3,1-5)… Thần khí đó là Thần khí hướng dẫn (“Xin Thần khí tốt lành của Chúa dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu” Tv 142,10), Thần khí tác sinh (“Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” Tv 103,30), Thần khí thúc đẩy (x. Ed 1,12), Thần khí soi sáng (“Ông được đầy Thần khí, nên đã nhìn thấy trước những sự việc thời cuối cùng” Hc 48,24), Thần khí quy tụ (Is 34,16)… Việc mạc khải và thông ban Thần khí tiến dẫn tới với việc dạy dỗ dân về sự thật và sự thiện, về Đấng Chân thật và Thánh thiện, về niềm tin và tình yêu.

2. Thời Tân Ước

Rồi đến một ngày, như lời tiên báo, Thần Khí đã đến với Đấng Mê-si-a. Người trước hết đã dùng sức mạnh sáng tạo thân xác cho Nhân vật đợi trông này trong cung lòng một trinh nữ (x. Lc 1,35). Thần Khí đã chiếm hữu Đấng Mê-si-a mang danh Giê-su ấy cách toàn diện ngày Người được công bố là Con Thiên Chúa (x. Mc 1,10-11). Trong Người, Thần Khí thành quyền năng hướng dẫn (“Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê” Lc 4,14), thành dòng nước hằng sống (“Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đó là Thần Khí mà những kẻ tin Người sẽ lãnh nhận” Ga 7,38). Ngược lại, Đức Giê-su cũng muốn cho đoàn dân mới của Thiên Chúa biết được Thần Khí đang tràn ngập mình như thế (và sẽ tràn ngập họ). Người dạy họ gọi đó là Ơn cao vời (x. Lc 11,13), là Thần chân lý (x. Ga 16,13), là Đấng Bảo trợ (x. Ga 16,7). Người sẽ dùng cái chết và cuộc phục sinh để rộng ban cho họ sức mạnh bởi trên này (x. Cv 1,8).

Người đã giữ lời vào chính chiều ngày Phục sinh, bởi lẽ Người đã trao ban Thần Khí khi gục đầu xuống trong giây phút sau hết (“Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” Ga 19,30). Qua cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã ban tinh thần cho loài người, khiến họ trở nên “con người”. Qua cuộc tái tạo, Thiên Chúa nay ban Thánh Thần cho loài người, khiến họ trở thành “con Chúa” (“Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Abba ! Cha ơi !” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” Rm 8,15). Cuộc sống con người là cuộc sống trong/bằng/nhờ tinh thần; nay cuộc sống con Chúa là cuộc sống trong/ bằng/nhờ Thánh Thần.

Vì thần trí con người (tinh thần, esprit humain) đã bị thần khí ma quỷ (tà thần, esprit malin) đẩy vào tội lỗi, nên nay Thần Khí Thiên Chúa (Thánh Thần, Esprit sainte) thực hiện công việc trước hết là kéo khỏi tội : “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,23). Rồi Người đổ tràn tình yêu thay cho ích kỷ (“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần” Rm 5,5), mạc khải khôn ngoan để phá ngu cho trí lòng (“Không ai có thể nói rằng : “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí… Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy… ơn hiểu biết để trình bày” 1Cr 2,3.8). Vì Người là ngọn lửa soi sáng lý trí (x. Cv 2,3), là cơn gió thúc đẩy ý chí (x. Ga 3,8), là nguồn mạch của sự sống và tự do đích thực (“Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết….” Rm 8,2).

Thánh Thần sẽ tràn ngập trên Thân Thể Đức Ki-tô, trên mọi chi thể của Người : “Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ chiêm điềm mộng” (Cv 2,17; x. Ge 3,1). Thánh Thần sẽ khai sinh một lối sống mới : “Hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Ga 5,22). Thánh Thần sẽ làm phát xuất những hoạt động mới để cộng đoàn sống trọn cho tình yêu : “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin, kẻ thì được Thần Khí ban cho ơn để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri…” (1Cr 12,4.8-10). Thánh Thần quả là Đấng hỗ trợ tinh thần của con người, là nhà điều phối vĩ đại của Giáo hội vậy !

Félix Mendelssohn Bartholdy là một thiên tài âm nhạc nước Đức đầu thế kỷ 19 (1809-1847). Lần nọ, thăm viếng một đại giáo đường cổ có một chiếc phong cầm rất quý giá, ông đã xin người giữ chìa khóa đàn cho mình được đánh một lúc. Thấy là một chàng thanh niên lạ mặt, ông lão giữ đàn nhất định không cho. Sau cùng, vì Meldelssohn nài nỉ, ông miễn cưỡng chấp nhận. Thế rồi ông đứng sững sờ, mắt mở lớn, miệng nín thở, tai căng ra để nghe. Từ bàn tay khách lạ, tiếng nhạc thoạt tiên êm ái như luồng gió hiu hiu, rồi dần dần dồn dập như bão tố nổi dậy, như sấm chớp vang rền, như gió mưa vần vũ... Cuối cùng, nghe ríu rít như tiếng hót của đàn chim, êm đềm như hơi thở của đứa bé trong lòng mẹ... Khi khách lạ cám ơn, cụ già mới đánh bạo hỏi : “Anh là ai? Tên là gì?” - “Thưa cụ, cháu tên là Felix Mendelssohn Bartholdy” - “Ôi, suýt nữa kẻ phàm phu tục tử như lão đã phạm một đại tội là ngăn cản một thiên tài”.

Cây đàn chúng ta hôm nay là lòng ta, gia đình, Giáo hội đang thiếu mất những hòa khúc tuyệt diệu chỉ vì chúng ta còn ngăn cản Chúa Thánh Thần, vị nhạc sĩ đại tài, không trao chìa khóa lòng mình để Người chiếm hữu và toàn quyền sử dụng, chẳng để Người hỗ trợ tinh thần ta.
 
Ngày 15/05: Điều chua chát nhất trong lời cầu nguyện của Chúa – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:01 14/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an,

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

“Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:46 14/05/2024

8. Nếu là người không suy niệm thì không nhìn thấy tật xấu của mình, cho nên họ không tự mình hối hận.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:49 14/05/2024
55. TÓC ĐỔI RƯỢU

Có người nhìn thấy tóc có thể đổi được đường mật nên nghĩ rằng có thể đổi được các thứ khác.

Một hôm, hắn ta nhổ một nắm tóc đi uống rượu, uống xong, đưa nắm tóc cho chủ tiệm và cất bước đi ra khỏi quán, chủ quán hay tay nắm chặt hắn ta, cười nói:

- “Nắm tóc này làm sao có thể dùng để thế tiền hử?”

Hắn ta nổi giận nói:

- “Người ta dùng nó để đổi đường mật, còn tôi tại sao không thể dùng nó để đổi rượu sao?”

Nói xong, kéo tay chủ quán xuống, chủ quán vội nắm tóc hắn ta không buông cho hắn đi.

Hắn ta càng nổi giận:

- “Tóc đã cắt thì không muốn, sao lại muốn nắm tóc ở trên đầu, đâu có như thế được !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 55:

Trên đời, mọi thứ đều có thể đổi chác cho nhau với điều kiện là hai bên cùng có lợi, nhưng không phải thứ gì cũng có thể đổi được: một nhúm tóc không thể đổi được rượu.

Có những người Ki-tô hữu đem chỗ của mình trên thiên đàng đổi lấy chỗ trong hỏa ngục khi họ sống sa đà trong tội lỗi; có những người Ki-tô hữu vì thích hưởng thụ mà đem lương tâm của mình đổi lấy vật chất xác thịt, nên họ trở nên gương mù cho anh em chị em...

Có những người Ki-tô hữu chân chính thì biết lấy sự giàu sang của thế gian để đồi lấy sự nghèo hèn của Thiên Chúa nên họ được gọi là “người nghèo của Thiên Chúa”; có những người Ki-tô hữu biết coi sự hưởng thụ vật chất phú quý ở đời này là chuyện tạm bợ, nên đã không ngần ngại phục vụ tha nhân trong tình yêu của Thiên Chúa...

Lấy tóc để đổi rượu là chuyện của người khù khờ không hiểu chuyện nhân tình thế thái, nhưng đem tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình để đổi lấy sự nuông chiều của thế gian, thì là chuyện của người đại ngu vậy...

Ai có tai thì nghe !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
VietCatholic TV
Kyiv bất ngờ dội trận mưa bom xuống Crimea, Tư Lệnh Phòng Không Nga tử trận. Chung cư 10 tầng sụp đổ
VietCatholic Media
02:32 14/05/2024


1. Các báo cáo cho biết chỉ huy Nga ở Crimea tử trận trong cuộc tấn công của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Commander in Crimea Killed in Ukraine Attack: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Một chỉ huy Nga được tường trình đã thiệt mạng ở Crimea trong một trận mưa bom đạn của Ukraine vào bán đảo Crimea.

Hôm thứ Hai, hãng tin độc lập Astra của Nga cho biết một căn cứ phòng không của Nga nằm gần Núi Ai-Petri ở Crimea đã bị lực lượng Ukraine tấn công bằng hỏa tiễn vào sáng sớm.

“Tư lệnh Trung Đoàn đã bị giết,” Astra đưa tin. “Trên núi có một căn cứ phòng không quân sự 'bí mật' của trung đoàn kỹ thuật vô tuyến số 3 của Lực lượng Vũ trang Nga.”

Tờ báo này xác định Tư Lệnh Trung Đoàn là Đại Tá Alexander Kulakov. Một số lớn binh sĩ Nga khác cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công hỏa tiễn và những người khác bị thương.

Sáng thứ Ba, 14 Tháng Năm, Tư Lệnh lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk, cho biết:

“Một số hỏa tiễn của Ukraine đã tấn công căn cứ radar phòng không chiến lược của đơn vị quân đội 85683 của Nga trên núi Ai-Petri ở phía nam Crimea. Các cuộc tấn công xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng ngày Thứ Hai, 13 tháng 5 năm 2024.”

Ông không nêu rõ loại hỏa tiễn nào đã được dùng để tấn công vào bán đảo Crimea. Hãng tin Astra cho rằng đó có thể là một số hỏa tiễn Storm Shadows được phóng ra từ trên máy bay. Tuy nhiên, căn cứ vào các tường thuật của các binh sĩ Nga về một trận mưa bom đạn, một số blogger quân sự Nga cho rằng đó là ATACMS tầm xa bắn đạn chùm. Loại hỏa tiễn này khi gần chạm mục tiêu phóng ra hàng trăm quả bom nhỏ. Điều này xem ra phù hợp hơn với các tường thuật của lính Nga.

Trong một diễn biến khác, Thống đốc Artem Lysohor của Luhansk cho biết một kho đạn pháo của Nga ở thị trấn Sorokyne bị tạm chiếm ở tỉnh Luhansk đã trúng hỏa tiễn của quân Ukraine. Kho đạn dược này nằm gần biên giới với Nga, và cách tiền tuyến đến 130 km. Xa như thế, chỉ có hỏa tiễn ATACMS tầm xa mới có thể đánh trúng. Kho đạn pháo này của Nga là kho đạn pháo quan trọng cung cấp cho các chiến trường Donbas và Zaporizhzhia. Nó được phòng thủ rất kỹ lưỡng. Không quân Ukraine đã từng phóng hỏa tiễn Storm Shadow từ trên các chiến đấu cơ nhưng thất bại.

Trung tướng Mykola Oleshchuk cho biết các radar của Bờ biển phía Nam là cơ sở quân sự nổi tiếng nhất ở khu vực Yalta, đó là một lãnh thổ dài hơn 70 km, bao gồm các thành phố Yalta, là trung tâm hành chính, Alupka và một số khu định cư khác.

Trong thời kỳ Xô Viết, Trung tâm Kỹ thuật Vô tuyến Trinh sát và Hướng dẫn Tầm xa của Lực lượng Phòng không được thành lập trên đỉnh núi Ai-Petri. Những mái vòm hình quả bóng của hệ thống phòng thủ radar thường thu hút sự chú ý của khách du lịch. Việc lắp đặt radar được giấu dưới những mái vòm này, như Crimea.Realities, một dự án liên quan đến Crimea của Radio Liberty, đã đưa tin trước đó. Ngoài ra còn có một căn cứ quân sự dành cho lực lượng bảo trì các cơ sở này.

Người Nga đã thành lập Trung đoàn Vô tuyến số 3 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tại đó. Đơn vị quân sự này là một phần của lực lượng kỹ thuật vô tuyến của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga được triển khai trên căn cứ cũ của Lữ đoàn Kỹ thuật Vô tuyến số 40 của Không quân Ukraine.

Trước đó vào hôm thứ Hai, Astra đưa tin rằng Nga đã thực hiện một số cuộc tấn công bằng bom phóng từ trên không. Tuy nhiên, thay vì phóng vào tỉnh Kharkiv của Ukraine, nó lại phóng vào khu vực biên giới của Belgorod. Theo hãng tin này, trong hai tháng rưỡi qua, Nga đã thả nhầm ít nhất 33 quả bom trên không xuống lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận và các khu vực do Mạc Tư Khoa kiểm soát ở Ukraine.

Kể từ khi Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào năm 2022, Hoa Kỳ đã tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật viện trợ nước ngoài được thông qua tại Quốc hội nhằm cung cấp cho Kyiv khoản viện trợ 60,8 tỷ Mỹ Kim để chống lại sự xâm lược của Nga.

“Chúng ta đã vươn lên đến thời điểm hiện tại, chúng ta cùng nhau hợp tác và chúng ta đã hoàn thành nó…Bây giờ chúng ta cần phải tiến nhanh và chúng ta đã làm được điều đó,” Tổng thống Biden nói tại Tòa Bạch Ốc vào tháng trước sau khi ký dự luật.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đáp lại việc Tổng thống Biden ký dự luật viện trợ nước ngoài khi nói chuyện với Newsweek vào tháng trước.

Antonov nói với Newsweek: “Mỹ đã chọn con đường chiến tranh và trì hoãn một cách đau đớn trước sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Zelenskiy. Với quyết định của họ, các chính trị gia địa phương thực sự đang quyết định số phận của cả một đất nước, nơi đang được sử dụng như một 'công cụ đập phá' chống lại Nga.”

Đại sứ cũng cáo buộc Tổng thống Biden đã phát động “một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại” Nga.

2. Blinken đến Ukraine để thể hiện tình đoàn kết của Mỹ trước các cuộc tấn công của Nga

Thông tấn xã Reuters cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Reuters: Blinken arrives in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Kyiv hôm thứ Ba trong chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine của một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ kể từ khi Quốc hội thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ Mỹ Kim cho nước này vào tháng trước sau thời gian bị trì hoãn gần 7 tháng trời.

Chuyến đi không được tiết lộ trước này nhằm mục đích thể hiện tình đoàn kết của Mỹ với Ukraine khi nước này đấu tranh chống lại sự bắn phá nặng nề của Nga ở biên giới phía đông bắc.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với các phóng viên đi cùng Blinken rằng, ông Blinken, người đã đến Kyiv bằng tàu hỏa vào sáng sớm thứ Ba, hy vọng sẽ “gửi một tín hiệu trấn an mạnh mẽ tới người Ukraine, những người rõ ràng đang ở trong thời điểm rất khó khăn”.

Quan chức này cho biết: “Nhiệm vụ của Bộ trưởng ở đây thực sự là nói về cách thực hiện hỗ trợ bổ sung của chúng tôi theo cách giúp củng cố khả năng phòng thủ của họ, và cho phép họ nhanh chóng giành lại thế chủ động trên chiến trường”.

Pháo binh, hỏa tiễn tầm xa ATACMS và các hệ thống đánh chặn phòng không được Tổng thống Joe Biden phê duyệt vào ngày 24 Tháng Tư đã đến tay lực lượng Ukraine.

Trong các cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Blinken sẽ trấn an các quan chức Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelenskiy về sự hỗ trợ lâu dài của Hoa Kỳ và sẽ có bài phát biểu tập trung vào tương lai của Ukraine.

Kyiv đã ở thế yếu trên chiến trường trong nhiều tháng khi quân đội Nga, lợi dụng tình trạng thiếu nhân lực và đạn pháo của Ukraine, đã tiến lên chủ yếu ở khu vực Donetsk ở phía nam. Lực lượng Nga nắm giữ lợi thế đáng kể về nhân lực và đạn dược.

Hôm thứ Hai, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Washington đang cố gắng đẩy nhanh “tiến độ giao” vũ khí cho Ukraine để giúp nước này đảo ngược tình thế bất lợi.

“Sự chậm trễ đã đẩy Ukraine vào một cái hố và chúng tôi đang cố gắng giúp họ thoát khỏi cái hố đó nhanh nhất có thể”, ông Sullivan nói và cho biết thêm rằng một gói vũ khí mới sẽ được công bố trong tuần này.

Ông cho biết Nga hiện kiểm soát khoảng 18% diện tích Ukraine và đã giành được vị thế kể từ thất bại trong cuộc phản công năm 2023 của Kyiv trong việc xâm nhập nghiêm trọng vào quân đội Nga đào sâu sau các bãi mìn.

Quân đội Mạc Tư Khoa tiến vào Ukraine gần thành phố lớn thứ hai Kharkiv hôm thứ Sáu, mở ra một mặt trận mới ở phía đông bắc trong cuộc chiến kéo dài gần hai năm chủ yếu diễn ra ở phía đông và phía nam. Cuộc tiến công có thể thu hút một số lực lượng đang suy kiệt của Kyiv rời khỏi phía đông, nơi Nga đang tiến tới.

Jake Sullivan nhận định “Người Nga rõ ràng đang ném mọi thứ họ có ở phía đông”.

Ông cũng nhận định rằng những cải cách kinh tế và chính trị đang được Kyiv thực hiện sẽ mở đường cho nước này gia nhập Liên minh Âu Châu và cuối cùng là NATO.

Trong khi liên minh quốc phòng do Mỹ đứng đầu khó có thể sớm kết nạp Ukraine, các thành viên riêng lẻ đang đạt được các thỏa thuận an ninh song phương với Kyiv. Quan chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận Mỹ-Ukraine đang “ở giai đoạn cuối” và sẽ kết thúc trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Washington.

Nhóm Bảy quốc gia giàu có đã ký một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7 năm ngoái cam kết thiết lập “các cam kết và thỏa thuận an ninh lâu dài” với Ukraine sẽ được đàm phán song phương.

Kyiv nói rằng các thỏa thuận này phải bao gồm các cam kết an ninh quan trọng và cụ thể, nhưng các thỏa thuận này sẽ không thể thay thế được mục tiêu chiến lược của nước này là gia nhập NATO. Liên minh phương Tây coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một trong 32 thành viên của mình đều là cuộc tấn công nhằm vào tất cả các nước theo điều khoản Điều 5 của liên minh.

3. Vụ nổ xé toạc tòa nhà chung cư 10 tầng ở Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Explosion Rips Through 10-Story Russian Apartment Building”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Sau khi một tòa nhà chung cư ở vùng Belgorod của nước này bị sập vào hôm Chúa Nhật, Nga đã ráo riết đổ lỗi cho các cuộc tấn công của Ukraine qua biên giới.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật cho biết Ukraine đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật Tochka-U và các vũ khí khác để tấn công “các khu dân cư của thành phố Belgorod” vào khoảng 11h40 sáng Chúa Nhật theo giờ Mạc Tư Khoa.

Mạc Tư Khoa cho biết lực lượng phòng không Nga đã phá hủy 12 hỏa tiễn và “các mảnh vỡ của một trong những hỏa tiễn Tochka-U bị bắn rơi đã làm hư hại một tòa nhà dân cư” ở Belgorod. Báo cáo này gây ra một sự ngạc nhiên lớn cho những chuyên viên quốc phòng của cả phương Tây và Nga. Một tòa nhà dân cư lớn như thế hỏa tiễn phóng thẳng vào chưa chắc đã làm nó sụp đổ, một vài mảnh vỡ của hỏa tiễn thì ăn thua gì. Một blogger quân sự Nga không ngại đặt ra giả thuyết là chi phí xây dựng tòa nhà đã bị tham ô, phẩm chất quá kém, một ngày nào đó tự nhiên nó cũng đổ, không cần hỏa tiễn nào cả.

Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod, sau đó cho biết mái của tòa nhà đã bị sập một phần trong quá trình di tản người dân. Ít nhất 19 người đã bị thương, Gladkov cho biết. Có những báo cáo chưa được xác nhận về số trường hợp tử vong tại địa điểm này. Một báo cáo xuất hiện vào chiều Chúa Nhật 12 Tháng Năm, nói rằng có đến 13 người chết khi ngôi nhà này đổ sập xuống.

Đoạn phim được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội dường như cho thấy khoảnh khắc một phần của tòa nhà bị sập. Gladkov đã đăng một đoạn video ngắn mà ông cho biết cho thấy mức độ thiệt hại từ tầng một đến tầng mười của tòa nhà dân cư.

Vùng Belgorod của Nga nằm ở biên giới với phía đông bắc Ukraine và thường xuyên hứng chịu các vụ pháo kích và lan tỏa trong hơn hai năm chiến tranh toàn diện ở nước này. Nó nằm ở phía bắc khu vực Kharkiv của Ukraine.

Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa đã phát động chiến dịch tấn công Kharkiv vào đầu ngày thứ Sáu, đồng thời cho biết thêm họ đang nhanh chóng chuyển các nguồn lực bổ sung cho khu vực mới này của tiền tuyến. Nga hôm thứ Bảy cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát một số khu định cư ngay sát biên giới Ukraine.

Trong một tuyên bố riêng hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai máy bay không người lái của Ukraine đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt vào khoảng 13:30 chiều giờ Mạc Tư Khoa trên khu vực Belgorod.

Các nguồn tin ủng hộ Ukraine cho rằng vụ sập tòa nhà dân cư có thể là một hoạt động giả mạo của Nga nhằm biện minh cho việc tăng cường hoạt động ở đông bắc Ukraine. Ủy ban điều tra Nga cho biết họ đã mở một cuộc điều tra hình sự, đổ lỗi cho việc pháo kích của Ukraine gây ra thiệt hại cho tòa nhà.

Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga cho biết trên mạng xã hội rằng công việc cấp cứu đã bị tạm dừng và sau đó được tiếp tục lại do lo ngại về các cuộc tấn công hỏa tiễn tiếp theo ở Belgorod. Ba nhân viên cấp cứu bị thương tại hiện trường, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin.

Gladkov hôm thứ Bảy cho biết “thành phố Belgorod và vùng Belgorod đã hứng chịu đợt pháo kích lớn từ Lực lượng Vũ trang Ukraine”. Ông cho biết trong một tuyên bố rằng một phụ nữ đã thiệt mạng và 29 người bị thương.

4. Nhận định của tờ Politico về việc Putin thay thế bộ trưởng quốc phòng và an ninh Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC đã đưa ra các nhận định về diễn biến này trong bài tường trình nhan đề “Putin replaces Russian defense and security chiefs”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Putin tuyên bố ông sẽ thay thế các quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu của đất nước, khi các lực lượng của Mạc Tư Khoa chạy đua giành lãnh thổ trên khắp Ukraine trước khi một làn sóng vũ khí mới của phương Tây đến Kyiv.

Trong một tuyên bố tối Chúa Nhật, Putin cho biết ông sẽ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, người đã giám sát các lực lượng vũ trang Nga từ năm 2012. Người thay thế ông sẽ là Andrei Belousov, một nhà kinh tế không có kinh nghiệm quân sự. Shoigu được bổ nhiệm làm thư ký Hội đồng An ninh Nga, cơ quan tư vấn cố vấn cho Putin về các vấn đề quân sự và chiến lược.

Giám đốc tình báo Nikolai Patrushev đã bị cách chức khỏi vị trí đó mặc dù được nhiều người coi là một trong những người thân tín nhất và diều hâu nhất của Putin.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dimitry Peskov từ chối cung cấp thông tin chi tiết về số phận của Patrushev mà chỉ nói rằng thông tin chi tiết sẽ được công bố trong những ngày tới. Con trai ông, Dmitry Patrushev, đã được thăng chức làm phó thủ tướng từ bộ trưởng nông nghiệp như một phần của cuộc cải tổ tương tự.

Việc bổ nhiệm Belousov, một cố vấn kinh tế kỳ cựu, vào vị trí lãnh đạo quốc phòng hàng đầu được hiểu là dấu hiệu cho thấy Putin đang tìm cách chuyển hướng sau hơn hai năm xâm lược Ukraine và chỉ chưa đầy một năm sau cuộc binh biến thất bại của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin.

Philip Ingram, cựu đại tá tình báo quân đội Anh và nhà hoạch định NATO, cho biết: “Động thái này cho phép Putin giữ Shoigu ở bên cạnh, đồng thời đưa vào một người có thể giải quyết tác động của tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Nga”.

Bình luận về logic đằng sau việc bổ nhiệm Belousov, Peskov nói với các nhà báo rằng: “Ai cởi mở hơn với sự đổi mới là người chiến thắng trên chiến trường”.

Các đồng minh quan trọng khác của Putin, bao gồm Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, cho đến nay vẫn giữ vai trò của mình trong cuộc cải tổ diễn ra ngay sau khi Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm chưa từng có trong lịch sử Nga.

Trong bài phát biểu từ phòng ngai vàng ở Điện Cẩm Linh, Putin tuyên bố việc tái đắc cử của ông là bằng chứng cho thấy người dân Nga “đã xác nhận tính đúng đắn của đường lối đất nước” và thừa nhận rằng “chúng ta đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng”. Cuộc bỏ phiếu toàn quốc vào tháng 3 đã bị hủy hoại bởi các báo cáo về gian lận phiếu bầu trên diện rộng, việc cấm các quan sát viên quốc tế và thực tế là các chính trị gia đối lập đã bị cấm ứng cử, bị buộc phải lưu vong hoặc, trong trường hợp của nhà vận động chống tham nhũng Alexei Navalny, đã chết sau song sắt chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử.

Bình luận về sự ra đi của Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps viết trên mạng rằng di sản của vị quan chức lâu năm này là “đã chứng kiến hơn 355.000 thương vong trong số binh lính của mình và hàng loạt dân thường phải chịu đau khổ vì một chiến dịch bất hợp pháp ở Ukraine”.

Cuối tuần qua, lực lượng Nga đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ qua biên giới hướng tới thành phố Kharkiv của Ukraine - nơi đã được quân đội Kyiv giải phóng chỉ sáu tháng sau khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện.

Một lượng nhỏ vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự bổ sung đã bắt đầu đến tay quân đội Ukraine trong những tuần gần đây sau khi Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu ký kết các gói viện trợ được chờ đợi từ lâu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết sẽ là chìa khóa để bảo vệ đất nước.

5. Đồng minh của Putin đe dọa các nước NATO bằng 'đạn dược đặc biệt'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Threatens NATO Countries With 'Special Ammunition'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Hai đã cảnh báo các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, rằng phản ứng của Nga trước những tuyên bố như của Ngoại trưởng Vương quốc Anh David Cameron sẽ là những “đạn dược đặc biệt”.

Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra, căng thẳng giữa liên minh quân sự và Điện Cẩm Linh vẫn tiếp tục gia tăng khi các nhà lãnh đạo NATO ngày càng cảnh báo rằng xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa là một mối nguy hiểm thực tế. Điều này xảy ra sau khi Putin và các quan chức cao cấp của Nga liên tục đe dọa leo thang hạt nhân chống lại Kyiv và các đối tác phương Tây kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và đồng minh thân cận của Putin, đã trả lời những bình luận của Ngoại trưởng Cameron, người từng giữ chức thủ tướng Anh từ năm 2010 đến năm 2016, khi ông cho rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Vương Quốc Anh viện trợ để tấn công trên lãnh thổ Nga.

“Một ông Cameron nào đó đã kêu gọi đấu tranh với Putin đến cùng... Hãy nhớ rằng những người đề cập đến hỏa tiễn hành trình Storm Shadow/SCALP-EG không phải là những kẻ ngu ngốc mặc áo sơ mi thêu, mà là người Anh và người Pháp. Trong một số trường hợp nhất định, phản ứng sẽ không chỉ được chuyển tới Kyiv và nó sẽ không chứa chất nổ thông thường mà còn cả đạn dược đặc biệt”, Medvedev nói.

Ông ta nhấn mạnh rằng: “Đối với việc chống lại Putin, nói cách khác, chống lại Nga...Tôi không có câu trả lời nào khác ngoại trừ câu trả lời này. David, tốt nhất anh nên cẩn thận những gì anh nói. Nếu không... Không, tôi sẽ không nói điều đó vì nghe cũng có vẻ tục tĩu.”

Mặc dù không rõ những tuyên bố nào của Cameron mà Medvedev đề cập cụ thể đến, nhưng Ngoại trưởng đã nói về cuộc chiến Nga-Ukraine hôm thứ Năm trong một bài phát biểu, nói rằng cần có lập trường cứng rắn hơn trước những nỗ lực của Putin.

“Chúng ta cần áp dụng một khía cạnh cứng rắn hơn cho một thế giới khó khăn hơn. Nếu cuộc xâm lược bất hợp pháp của Putin dạy chúng ta điều gì, thì đó hẳn là điều này: việc làm quá ít, và quá muộn chỉ khuyến khích kẻ xâm lược. Chuyện này không thể tiếp tục được. Chúng ta cần phải cứng rắn và quyết đoán hơn”, Ngoại trưởng Cameron nói.

Trong khi đó, để đáp lại nhận xét của Medvedev, một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết trong email gửi Newsweek vào tối Chúa Nhật rằng chính phủ nước này sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để “ngăn chặn và phòng thủ” trước mọi mối đe dọa đến từ Nga.

“Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta. Chính phủ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ con người, địa điểm và các giá trị của chúng ta một cách hết sức nghiêm chỉnh. Chúng tôi sẽ tích cực ngăn chặn và phòng thủ trước toàn bộ các mối đe dọa xuất phát từ Nga, hợp tác với các đồng minh của chúng tôi”, phát ngôn nhân nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga nhắm vào những bình luận của Cameron về cuộc chiến Nga-Ukraine.

Tuần trước, Điện Cẩm Linh đáp trả Anh vì những tuyên bố của Cameron trong chuyến thăm chính thức tới Kyiv, trong đó ông đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí mới được Anh cung cấp vào các mục tiêu bên trong Nga.

“Ukraine có quyền đó. Giống như việc Nga đang tấn công bên trong Ukraine, bạn hoàn toàn có thể hiểu tại sao Ukraine cảm thấy cần phải bảo đảm rằng họ có thể tự vệ”, Ngoại trưởng Cameron nói.

Vương quốc Anh là một trong những nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine trong cuộc chiến ở Âu Châu. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiv “trong chừng mực cần thiết”.

Đáp lại, Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Putin, nói với RIA Novosti, hãng thông tấn nhà nước của Nga, đề cập đến nhận xét của Cameron, rằng đó là “một tuyên bố rất nguy hiểm khác”.

“Chúng tôi nhận thấy sự leo thang bằng lời nói như vậy từ phía các đại diện chính thức. Chúng tôi cũng thấy ở cấp độ nguyên thủ quốc gia - khi liên quan đến Pháp và ở cấp độ chuyên gia hơn - khi liên quan đến Vương quốc Anh. Đây là sự leo thang căng thẳng trực tiếp xung quanh cuộc xung đột Ukraine, có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh Âu Châu, cho toàn bộ cấu trúc an ninh của Âu Châu”, ông nói thêm.

Trong khi đó, Andriy Sadovyi, thị trưởng thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine, nói trên X rằng nhận xét của Cameron về việc sử dụng vũ khí của Anh ở Nga “củng cố hy vọng của chúng tôi”.

6. Kyiv cho biết Nga mất hơn 8.000 quân và gần 80 xe tăng trong một tuần

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Loses Over 8,000 Troops and Nearly 80 Tanks in a Week: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo số liệu từ quân đội Ukraine, Nga đã mất hơn 8.000 binh sĩ và gần 80 xe tăng trong tuần qua, khi một cuộc tấn công mới của Nga đang được tiến hành ở phía đông bắc của đất nước.

Theo thống kê từ quân đội Kyiv, lực lượng Mạc Tư Khoa đã mất 8.030 chiến binh và 79 xe tăng trong 7 ngày qua. Lực lượng vũ trang Kyiv cho biết Nga đã hứng chịu 1.260 thương vong trong ngày qua.

Có sự biến động về số lượng thương vong được báo cáo, thường phù hợp với các trận chiến căng thẳng nhằm giành các khu định cư quan trọng. Theo thống kê của Kyiv, thương vong của người Nga đã tăng vọt trong trận chiến giành thành phố Bakhmut ở phía đông Donetsk vào đầu năm 2023 và trước khi Mạc Tư Khoa nắm quyền kiểm soát thành trì Avdiivka trước đây của Ukraine vào tháng 2 năm nay.

Hôm thứ Sáu, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã “cố gắng mở rộng hoạt động” chống lại lực lượng Ukraine ở phía đông bắc đất nước. Tổng thống cho biết Kyiv đã nhanh chóng gửi quân tiếp viện tới các vị trí ở khu vực Kharkiv, giáp biên giới với Nga.

Trong cuộc xâm lược đầu tiên vào đầu năm 2022, Nga đã tuyên bố chủ quyền các vùng lãnh thổ ở phía đông bắc Ukraine, bao gồm các phần của khu vực Kharkiv. Trong cuộc phản công vào cuối năm đó, Kyiv đã chiếm lại nhiều khu vực do Nga nắm giữ.

Các báo cáo trong những tuần gần đây cho thấy Nga đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công có thể xảy ra ở vùng đông bắc Ukraine.

Hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã chiếm được một loạt thị trấn ở biên giới, bao gồm các khu định cư Borysivka, Ohirtseve và Pletenivka.

“Đối phương đang tích cực tấn công các đơn vị của chúng tôi theo nhiều hướng với mục đích tiến sâu vào lãnh thổ bang chúng tôi”, Tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi cho biết hôm Chúa Nhật. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết hôm thứ Bảy rằng lợi ích ở các làng biên giới ít có ý nghĩa vì thành phố Kharkiv nằm gần lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận.

Các quan chức khu vực Kharkiv cho biết các vụ pháo kích và tấn công tăng cường, bao gồm cả ở thành phố biên giới Vovchansk, phía đông bắc thành phố Kharkiv. Đây là thành phố lớn thứ hai của Ukraine và đã hứng chịu gánh nặng từ các cuộc tấn công của Nga trong những tuần gần đây.

Mỹ cho biết “chắc chắn có khả năng” Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn vào Kharkiv, mặc dù các quan chức Ukraine cho rằng Nga có thể không có khả năng duy trì các cuộc tấn công ở phía đông và chiếm Kharkiv.

7. Ngoại trưởng Blinken: Chắc chắn đã có 'những tổn thất do trì hoãn viện trợ cho Ukraine kéo dài hàng nhiều tháng'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Blinken: No doubt there has been ‘cost in months-long delay’ of aid for Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với CBS News hôm Chúa Nhật 12 Tháng Năm rằng chắc chắn người Ukraine đã phải trả giá đắt cho “sự chậm trễ kéo dài nhiều tháng trong việc phê duyệt yêu cầu ngân sách bổ sung và gửi thiết bị tới Ukraine”.

Bất chấp những thất bại, Blinken cũng cho biết ông tin rằng Ukraine có thể “giữ phòng tuyến ở phía đông” khi quân đội Nga phát động một chiến dịch tấn công mới nhắm vào tỉnh Kharkiv trước đó vào ngày 10 tháng 5.

“Tôi tin rằng Ukraine có thể giữ vững phòng tuyến ở phía đông một cách hiệu quả,” Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. “Ukraine có thể tiếp tục phát huy những lợi thế đã đạt được ở Hắc Hải, nơi tàu vận tải Ukraine đã có thể đi qua Hắc Hải nhiều hơn, nuôi sống thế giới như trước khi Nga tái xâm lược Ukraine, cũng như khiến các lực lượng Nga gặp nguy hiểm, kể cả ở Crimea nhằm gây khó khăn hơn cho quân xâm lược trong việc tiếp tục hành động gây hấn này”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã cung cấp các hệ thống để thực hiện điều đó, nhưng đây là thời điểm đầy thử thách”.

Sau sáu tháng đấu tranh chính trị và trì hoãn, gần đây Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim được chờ đợi từ lâu, trong đó phần lớn là viện trợ quân sự. Ngày hôm sau, Ngũ Giác Đài tuyên bố sẵn sàng chuyển số vũ khí trị giá 1 tỷ Mỹ Kim từ kho dự trữ của Mỹ tới Kyiv.

Nhưng trong thời gian sáu tháng ngừng tài trợ, Ukraine đã mất thành phố tiền tuyến quan trọng Avdiivka vào tháng 2 trong bối cảnh thiếu đạn dược trầm trọng.

Blinken cho biết họ đang “làm mọi thứ có thể để gấp rút hỗ trợ” cho Ukraine và nói thêm rằng Âu Châu cũng đang làm như vậy.

Ông nói: “Chỉ trong tuần này, chúng tôi đã rút khoảng 400 triệu Mỹ Kim thiết bị quốc phòng cho Ukraine từ nguồn bổ sung.

Trước đó vào ngày 10 Tháng Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn gói viện trợ quốc phòng trị giá 400 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, cụ thể là đạn dược cho lực lượng phòng không Patriot và NASAMS, hỏa tiễn phòng không Stinger, hệ thống và đạn dược HIMARS, đạn pháo 155 ly và 105 ly cùng thiết bị hỗ trợ quân sự. tích hợp các bệ phóng, hỏa tiễn và radar của phương Tây với các hệ thống của Ukraine.

“Chúng tôi sẽ không đi đâu cả và hơn 50 quốc gia đang ủng hộ Ukraine cũng vậy. Điều đó sẽ tiếp tục, và nếu Putin nghĩ rằng ông ta có thể tồn tại lâu hơn Ukraine, tồn tại lâu hơn những người ủng hộ nước này. Hắn ta đã sai,” Blinken nói.

8. Truyền thông đưa tin Tổng thống Zelenskiy tới Tây Ban Nha ký thỏa thuận an ninh song phương với Sanchez

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Media: Zelensky to visit Spain to sign bilateral security agreement with Sanchez”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đang lên kế hoạch tới Tây Ban Nha trong những ngày tới để ký thỏa thuận an ninh song phương, tờ El Pais đưa tin hôm 13 Tháng Năm, dẫn nguồn tin giấu tên trong chính phủ nước này.

Chuyến thăm của Tổng thống Zelenskiy cho thấy Kyiv không hoảng hốt trước cuộc tấn công của Putin ở phía Bắc Kharkiv. Mọi chuyện vẫn diễn ra như bình thường.

Cho đến nay, hơn 30 quốc gia đã tham gia Tuyên bố chung về hỗ trợ Ukraine của Nhóm G7 (G7). Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Ý, Canada, Hà Lan, Phần Lan và Latvia đã ký các thỏa thuận song phương với Kyiv.

Ukraine đang chuẩn bị các thỏa thuận an ninh song phương với bảy quốc gia nữa, trong đó có Tây Ban Nha.

Theo các phương tiện truyền thông, Zelenskiy sẽ ký một thỏa thuận với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Madrid trong chuyến thăm của ông. Hai nước đã hoàn tất đàm phán về văn bản của thỏa thuận an ninh song phương vào tuần trước.

Tổng thống Ukraine đã từng đến thăm Tây Ban Nha vào tháng 10 năm 2023 để tham gia Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu lần thứ ba tại Granada.

Các thành viên G7 đã trình bày kế hoạch của họ về các cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào đầu tháng 7 năm ngoái.

Theo kế hoạch này, từng quốc gia sẽ cung cấp hỗ trợ song phương để giúp Kyiv đẩy lùi cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga và ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược nào trong tương lai.

Các bảo đảm an ninh sẽ đòi hỏi những nghĩa vụ rõ ràng và lâu dài, đồng thời củng cố khả năng của Ukraine trong việc chống lại sự xâm lược của Nga. Các bảo đảm cũng sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt, hỗ trợ tài chính và tái thiết sau chiến tranh.

9. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Putin phát động cuộc tấn công Kharkiv với tình trạng thiếu nhân lực 'nguy hiểm'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Launched Kharkiv Offensive With 'Risky' Manpower Shortages: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, các lực lượng Nga đã phát động một cuộc tấn công “mạo hiểm” vào khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine vào cuối tuần trước mà không tính đến viện trợ quân sự mới từ Mỹ, khi các quan chức địa phương vội vã di tản hàng ngàn người khỏi khu vực.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã “cố gắng mở rộng hoạt động” chống lại lực lượng của ông và Kyiv đang củng cố các vị trí của mình ở khu vực Kharkiv, giáp biên giới với Nga.

Các quan chức khu vực Kharkiv cho biết các vụ pháo kích và tấn công tăng cường, bao gồm cả ở thành phố biên giới Vovchansk, phía đông bắc thành phố Kharkiv. Tưởng cũng nên biết thêm Kharkiv là thành phố lớn thứ hai của Ukraine và đã bị tấn công dữ dội bởi các cuộc tấn công của Nga trong những tuần gần đây.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW hôm Chúa Nhật 12 Tháng Năm, cho biết lực lượng Nga hiện đang tấn công trong khu vực với nguồn lực hạn chế, đồng thời cho biết đây là một “quyết định mạo hiểm” nếu Điện Cẩm Linh và các chỉ huy của họ tin rằng Kyiv có thể bị đe dọa vì điều này và rút các lực lượng thay vì tăng cường sự hiện diện ở phía đông bắc Ukraine.

“Các hoạt động tấn công hạn chế của Nga ở phía bắc Kharkiv cho thấy rằng việc nối lại hỗ trợ an ninh của Mỹ không làm thay đổi tính toán của Putin. Cũng có thể nhà độc tài đã phát động nỗ lực ở Kharkiv mà không đánh giá lại các giả định cơ bản của hoạt động về khả năng viện trợ dành cho Ukraine được nối lại.”

ISW cho biết, cho đến nay, Nga “chỉ đưa một lực lượng với sức mạnh chiến đấu hạn chế vào các hoạt động tấn công trong khu vực”.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm thứ Sáu cho biết Nga đã thả bom dẫn đường xung quanh Vovchansk và đã cố gắng chọc thủng các tuyến phòng thủ bằng xe thiết giáp vào khoảng 5 giờ sáng giờ địa phương. Kyiv cho biết thêm lực lượng dự bị đã được điều tới Kharkiv.

Nga cũng đã dành nhiều tháng để tập trung nỗ lực vào khu vực phía đông Donetsk, dần dần giành được lợi thế ở phía tây các thành phố Bakhmut và Avdiivka mà Ukraine đã chiếm được.

“Tuần này, tình hình ở khu vực Kharkiv đã gia tăng đáng kể”, Tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi cho biết hôm Chúa Nhật. Tình hình rất khó khăn nhưng Lực lượng phòng vệ Ukraine đang làm mọi cách để duy trì biên giới và các vị trí phòng thủ”.

Các nhà lập pháp Mỹ đã bật đèn xanh cho khoản viện trợ quân sự mới đáng kể cho Ukraine sau nhiều tháng do dự vào cuối tháng trước. Kyiv phụ thuộc rất nhiều vào nguồn viện trợ của phương Tây và Nga đã tấn công vào cơ sở hạ tầng quốc phòng trong nước của Ukraine.

Washington cho biết vào thời điểm đó, viện trợ sẽ bắt đầu tới chiến trường càng sớm càng tốt.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cho biết lực lượng của họ đã giành quyền kiểm soát 5 khu định cư ở khu vực Kharkiv, bao gồm các làng Borysivka, Ohirtseve, Pletenivka nằm ở biên giới với Nga, sau “các hành động tấn công”.

Oleh Syniehubov, nhà lãnh đạo chính quyền khu vực Kharkiv, cho biết hôm Chúa Nhật rằng hơn 4.000 người đã được di tản khỏi khu vực cho đến nay. Ukraine đã và đang thực hiện các hoạt động phản công dọc biên giới, Zelenskiy cho biết hôm thứ Bảy.

ISW cho biết các lực lượng Nga có thể sẽ rút quân dự bị để “tăng cường các hoạt động tấn công đang diễn ra trong khu vực trong những ngày tới”.

“Tuy nhiên, theo tất cả các báo cáo hiện có, lực lượng Nga thiếu nhân lực cần thiết để thực hiện một chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm bao vây, hoặc chiếm giữ thành phố Kharkiv”. ISW cho biết thêm, Mạc Tư Khoa có thể hy vọng sẽ rút nguồn lực của Ukraine ra khỏi các điểm khác trên chiến tuyến cũng như mong muốn tiến gần hơn đến thành phố Kharkiv.

ISW cho biết, Nga có thể sẽ phải đối mặt với “sự phản kháng mạnh mẽ hơn” khi tiến sâu hơn vào Ukraine và hướng tới các khu định cư biên giới lớn hơn, như Vovchansk.