HOÀNG SA THUỘC TỔ QUỐC VIỆT NAM

Hàng năm từ 1975, cứ đến ngày kỷ niệm cuộc Hải chiến tại Hoàng Sa, chúng tôi tưởng nhớ đến phần đất này của Tổ Quốc cũng như các chiến hữu Hải Quân Việt Nam Cộng hòa đã dũng cảm, đơn phương chống lại Trung cộng xâm lược và bá quyền. Đơn phương vì, khi ký Hiệp định Paris 1973, Hoa kỳ và chính Trung cộng (TC, tức Trung quốc) đã hứa tôn trọng tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Tổng thư ký Liên hiệp quốc và nhiều cường quốc khác cũng đã ký phụ đính cam kết bảo đãm việc thực thi Hiệp định : mực chưa ráo, họ đã nuốt lời hứa. Cộng sản Bắc Việt im lặng trước biến cố tang thương này.

1.- ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.

Việt Nam đã thực hiện chủ quyền thật sự, hòa bình và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi hai quần đảo đó chưa chiếm hữu bởi một quốc gia nào. Từ thế kỷ XVII, Chính quyền Việt Nam đã luôn thi hành các biện pháp để bảo vệ những phần lãnh thổ này và quyền lợi của Tổ Quốc đối với hai quần đảo thiêng liêng của mình.

Tại Hội nghị San Francisco (Hoa kỳ từ 01 đến 08.09.1951), các quốc gia Đồng minh trong Đệ nhị thế chiến để thảo luận tình hình tại Á châu - Thái bình dương và mở ra quan hệ với Nhật bản thời hậu chiến, với sự tham dự của các phái đoàn đến từ 49 nước. Tại đây, ngày 07.09.1951, trưởng phái đoàn Việt Nam, Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu tuyên bố: « Chúng tôi cũng trình bày những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị chứng nhận… Vì cần phải thành thật sử dụng mọi cơ hội để diệt trừ những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ». Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam không gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào từ các quốc gia tham dự Hội nghị.

Trước đó, do tình hình rối ren khi Nhật đầu hàng Đồng minh và việc giải giới quân Nhật theo Hiệp định Postdam 1945, Trung Hoa Dân Quốc (còn gọi là Đài Loan, ngày nay) đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) vào cuối năm 1946. Sau đó, nước này rút quân khỏi Hoàng Sa, và Nhật rút quân khỏi quần đảo này theo Hòa ước San Fransisco 1951 nói trên.

Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị tồn tại trong giai đoạn 1949-1956, ra đời sau Hiệp ước Elysée ngày 08.03.1949 giữa Pháp và Quốc trưởng Bảo Đại, xóa bỏ Hiệp ước Patenôtre và chấp nhận việc sáp nhập Nam kỳ vào Quốc gia Việt Nam ngày 14.06.1949. Do Quốc trưởng bổ nhiệm vào chức Thủ tướng, ngày 07.07.1954, ông Ngô Đình Diệm trình diện Chánh phủ với quốc dân. Nhân cơ hội Cao ủy Pháp Paul Ély mãn nhiệm và về Pháp ngày 20.06.1955, Thủ tướng Diệm yêu cầu Pháp chỉ cử Đại sứ và phải được Việt Nam chấp nhận trước như các nước khác. Ông cũng yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước và quân nhân Pháp cuối cùng rời Việt Nam ngày 28.04.1956. Được sự ủy nhiệm của cử tri qua cuộc Trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955, ông Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống và tuyên bố nền Cộng hòa cho Việt Nam với Hiến pháp ngày 26.10.1956. Năm 1961, Chính phủ VNCH hòa ban hành Sắc lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam.

Trong khi đó, ngày 20.07.1954, Hiệp định Genève chia đôi Quê Hương và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc chủ quyền Quốc gia Việt Nam.

Ngày 04.09.1958, Trung cộng công bố bản Tuyên ngôn Lãnh hải 4 điểm về việc mở rộng vùng lãnh hải lên 12 hải lý, tức chủ quyền họ trên các quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa), Đài Loan, Tây Sa (tức Hoàng Sa), Trung Sa (tức bãi Macclesfield), quần đảo Bành Hồ (Pescadores). Lúc đó, Trung cộng viện trợ cho Bắc Việt chuẩn bị xâm lăng VNCH. Ngày 14.09.1958, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ký Công hàm ‘ghi nhận và tán thành Tuyên ngôn ngày 04.09.1958 của TC và ngày 21.09.1958, Nguyễn Khang, Đại sứ VNDCCH tại Bắc kinh, đã gặp Cơ Bàng-phi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TC để trình công hàm. Ngày 22.09.1958, báo Nhân Dân đăng công hàm này để thông báo cho dân biết, không đại biểu quốc hội hay người cộng sản nào lên tiếng. Năm 1960, Mặt trận giải phóng Miền Nam, do Bắc Việt thành lập, để tiến chiếm VNCH, cướp đi hàng triệu sinh mạng đồng bào vô tội hai Miền Việt Nam. Trong thời gian 1964-1970, hai Hải quân VNCH và TC thường xuyên chạm súng tại hải phận Hoàng Sa nhưng không có thương vong. Trong thời gian đó, VNCH đã thiết lập một phi trường nhỏ tại đảo Hoàng Sa.

Năm 1970, Đô đốc Elmo Zumwalt, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa kỳ tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn Đệ thất Hạm đội Mỹ, cho thấy ‘sự kiện trao đổi giữa Hoa kỳ và TC này là nguy cơ cho VNCH trong việc bảo vệ Hoàng Sa’. Ngoài ra, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến VNCH tại Hoàng Sa được rút về đất liền và một trung đội Địa phương quân trấn giữ nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Ngày 17.02.1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới TC hội kiến Mao Trạch Đông mà vấn đề chính là việc bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước. Nhưng, cuộc chiến tại Việt Nam cũng được đôi bên bàn thảo. Hoa kỳ hy vọng được sự trợ giúp đỡ của TC để sớm chấm dứt cuộc chiến và ‘ra đi trong danh dự’. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Hoa kỳ rút quân và thiết bị khỏi quần đảo Hoàng Sa và họ xem việc bảo vệ quần đảo là việc riêng của VNCH. Đây là điều hiển nhiên.

Ngày 11.01.1974, Bộ Ngoại giao TC ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang thuộc chủ quyền VNCH, là một phần lãnh thổ của họ. Để hậu thuẫn cho lời tuyên bố vô căn cứ, TC phái nhiều tầu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có quân nhân VNCH trấn giữ. Lập tức, ngày 12.01.1974, Ngoại Trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động xâm lăng gây hấn của TC. Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH cho tăng cường chiến hạm tuần tiễu tại vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó, chỉ có một trung đội Địa phương quân thuộc chi khu Hòa vang, tiểu khu Quảng nam, đóng tại đảo Hoàng Sa cùng với 4 nhân viên thuộc đài khí tượng. Trong các ngày kế tiếp, TC tiếp tục đổ người lên các đảo khác. Tính cho đến ngày 15.01.1974, quân TC đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond).

2.- HẢI CHIẾN HOÀNG SA NĂM 1974.

Sáng 15.01.1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 rời bến Tiên Sa, dưới những tia nắng yếu ớt của một ngày cuối đông... đang xuôi Nam kết thúc một chuyến công tác như lịch trình... những người lính biển ước mơ những chiều bách phố Sài gòn bên người yêu... Nhưng, buổi tối, lại nhận lệnh mới: sáng mai, HQ 16 phải chở ra Hoàng Sa một phái đoàn (gồm 1 thiếu tá trưởng đoàn, 1 cố vấn dân sự Mỹ, 2 trung úy và 2 trung sĩ công binh) của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, nhằm khảo sát để thiết lập một phi trường có khả năng tiếp nhận các vận tải cơ hạng nặng C-47 Caribou trên đảo Hoàng Sa để chuyển quân nhanh ra nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Chuyến hải hành phụ trội này được dự trù kéo dài không quá 5 ngày. Chiến hạm đến vùng Hoàng Sa khi trời đã tối. Len lỏi giữa những đảo nhỏ đầy những bãi san hô ngầm bao bọc chung quanh, với tầm nhìn hạn chế, HQ 16 rất thận trọng tiến đến đảo Hoàng sa (Pattle), thả trôi cách đảo 1 hải lý về phía Nam.

Sáng ngày 16.01.1974, sau khi đưa phái đoàn Quân lực VNCH lên đảo để thi hành công tác của họ, HQ 16 trở ra biển khơi để chờ ngày vào đón họ về đất liền. Chiến hạm được thả trôi trong vùng biển yên lặng. Lúc quá trưa, sĩ quan trực phiên 12g-16g, từ đài chỉ huy chiến hạm, khi đưa ống nhòm lên quan sát thì nhìn thấy một chiếc tàu đang lửng lơ đậu bên cạnh đảo Cam tuyền (Robert) và ra lịnh giám lộ viên đánh đèn hỏi và, đồng thời, cho nổ máy tàu, quay mũi, trực chỉ phía Nam. Không nhận được trả lời. Sĩ quan trực phiên, sau khi hội ý với Hạm trưởng, đã cho lịnh khai hỏa khẩu đại liên 30 ly, vừa để gây sự chú ý, vừa có ý đuổi nó đi khỏi đảo. Tiếng súng nổ làm cả tàu địch thức giấc, nhưng vẫn không nhúc nhích. HQ 16 đã đến gần mục tiêu hơn, các ống nhòm nhìn thấy: ‘nền cờ đỏ và 5 ngôi sao vàng ở phía góc: tàu TC’. Lập tức, Hạm trưởng khẩn báo về Trung tâm Hành quân Hải quân Đà nẵng và xin chỉ thị, đồng thời cho nhân viên dùng tay, dùng cờ, dùng máy phóng thanh phát bằng tiếng Tàu để yêu cầu nó ra khỏi hải phận Việt Nam. Nhưng tàu địch không trả lời. Một lúc sau, họ cũng dùng loa phóng thanh cầm tay để yêu cầu ngược lại: ‘HQ 16 phải rời khỏi hải phận TQ’.

Sáng ngày 17.01.1974, thêm một tàu khác xuất hiện cạnh đảo Vĩnh Lạc và cả trăm cờ TC đã được cắm dọc bờ biển trên vùng cát trắng. Đó là hai tàu chiến loại Liệp tiềm đĩnh số 274 và số 271 của Hải quân TC. Lối 14 giờ, Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 nhập vùng tranh chấp với một trung đội người nhái và hành động ngay. HQ 4 từ phía Nam đảo Vĩnh Lạc chạy lên, HQ 16 từ đảo Hoàng sa xuống như hai gọng kềm kẹp chặt hai chiếc tàu TC vào giữa. Hai tàu TQ đành nhượng bộ, mở máy chạy về phía Nam hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Sau đó, HQ 4 cho đổ bộ các người nhái lên đảo Vĩnh Lạc, nhổ cờ TC và cắm cờ VNCH. HQ 16 cho đổ bộ 15 nhân viên cơ hữu lên đảo Quang Hòa. Chiều hôm đó, hai chiến hạm TC loại Konstrat (Tảo lôi hạm) số 389 và số 391 do Liên Sô chế tạo, xuất hiện, lẩn quẩn ở hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng.

Ngay tối hôm đó, các đài truyền thanh và truyền hình phát đi Bản tuyên cáo của Chính phủ VNCH: « Bộ Ngoại giao, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam tuyên bố Hoàng Sa là vùng lãnh thổ không thể chuyển nhượng của mình, căn cứ trên thực tại và các chứng cứ trong lịch sử. Đồng thời, tố cáo trước dư luận quốc tế việc lấn chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng của TC. Để giải quyết vấn đề, Chính phủ VNCH đề nghị cả hai cùng đưa vấn đề ra xét xử trước tòa án quốc tế La Haye ». Dĩ nhiên, phía TC giữ im lặng, không hồi đáp.

Sáng ngày 18.01.1974, Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 nhập vùng và trở thành Soái hạm vì, trên đó, có sự hiện diện của Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Hoàng Sa. Nhập vùng sau cùng là Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10. Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ10 tham chiến với một trên hai máy còn hoạt động. Trong ngày, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 và Quân khu 1 trong kế hoạch hành quân tái chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Lệnh hành quân do Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Hoàng Sa gởi cho các chiến hạm vào những giây phút đầu tiên ngày 19.01.1974. Mục đích: tái chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Mọi sự chuẩn bị phải hoàn tất để sẵn sàng tác chiến trước 6 giờ. Nhiệm vụ chính HQ 4 và HQ 5 là đổ bộ một trung đội người nhái lên đảo và nhiệm vụ HQ 16 và HQ 10 là yểm trợ hỏa lực cuộc đổ bộ. Đúng 7 giờ, trên các chiến hạm VNCH, còi nhiệm sở tác chiến vang lên và tiếng loa phóng thanh mời: ‘Tất cả vào nhiệm sở tác chiến’. Mọi người liền mang áo phao, đội nón sắt chạy đến nhiệm sở tác chiến. HQ 16 và HQ 10 mở máy tiến theo đội hình hàng dọc. Trong vòng một giờ rưỡi sau đó, mọi chuẩn bị diễn tiến tốt đẹp có thể có trên các chiến hạm này. Những báo cáo, chỉ thị và những tiếng nói của các sĩ quan thẩm quyền từ các chiến hạm bạn liên tục được truyền đến từ máy truyền tin PCR 25. Lúc 9 giờ, hai nhóm Biệt Hải VNCH được HQ 4 đổ quân lên đảo Quang Hòa, dưới sự yểm trợ hỏa lực của HQ 16 và HQ 10.

10 giờ 22, hai tàu chiến HQ 16 và HQ 10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm. Khẩu đại bác 20 ly đôi, trên Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16, với hai nồi đạn đang nằm trên giá và nòng súng thì lúc nào cũng chĩa thẳng vào tàu địch đang tiến về phía HQ 16. Khi còn cách nhau khoảng 20 mét, Hạm trưởng HQ 16 ra lệnh: ‘Lấy hết tay lái bên trái’ và tàu địch cũng đang lấy hết tay lái bên phải, khiến hai chiến hạm chạm vào nhau, mũi tàu địch đâm vào một góc nhỏ, quệt dài theo hông bên phải cho đến cuối HQ 16. Mũi nhọn chiếc neo hữu hạm HQ 16 móc vào và làm rơi bè đào thoát của tàu địch xuống biển. Sau đó, HQ 16 và HQ 10 quay mũi trở về hướng bắc vì nhận được tin báo từ một toán Biệt Hải đổ bộ đã đột nhập đảo qua máy truyền tin CR 25. Họ cho biết TC đã xây dựng những công sự phòng thủ kiên cố và một đài quan sát, được bảo vệ bởi một tiểu đoàn quân trú đóng. Lối 10 phút sau, HQ 16 nhận được lệnh của Tư lệnh/LLĐN yêu cầu HQ 16 và HQ 10 chuẩn bị để tác xạ lên đảo để yểm trợ cho toán người nhái đang bắt đầu tiến vào.

Khi được tin toán Biệt Hải bị một đại đội hải quân TC tấn công, cuộc giao tranh trên bộ làm 2 người chết và 2 bị thương, nhóm Biệt Hải được lệnh rút về HQ 5, Hạm trưởng HQ 16 đề nghị Tư lệnh/LLĐN cần làm bất khiển dụng các tàu địch hầu sẽ dể dàng hơn trong việc tái chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Sau khi thảo luận, đề nghị được chấp thuận, HQ 16 yêu cầu HQ 10 khai hỏa. Sau tiếng nổ từ khẩu 76.2 ly của HQ10, Hạm trưởng HQ 16 ra lệnh ‘tác xạ’, cả HQ 16 bị giật lùi vì tiếng khai hỏa của đại pháo 127 ly. Các khẩu đại bác 40 ly đôi trước mũi và 40 ly đơn sau lái hữu hạm và 20 ly nhả đạn liên hồi, làm mờ cả một vùng trời trên chiến hạm. Các tàu TC này di chuyển nhanh và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm HQ 4 và HQ 5 tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía tây nam.

Sau khi bắn viên vài đạn đầu, đại bác 127 ly được điều chỉnh để tác xạ chính xác hơn. Bổng cả đài chỉ huy ồ lên như ong vỡ tổ ‘Trúng rồi’. Từ HQ 16, mọi người nhìn về bên phải mũi tàu, một chiến hạm địch đang bốc khói. HQ 16 cũng đã loang lỗ với hàng trăm viên đạn nổ khắp chiến hạm. Các tàu TC di chuyển thật nhanh và phản kích dữ dội. Sau 30 phút hải chiến, HQ 10 bốc cháy và chìm, HQ16 bị trúng đạn pháo phải rút về phía tây. Hai chiếc HQ 4 và HQ 5 thương tích nhẹ, rút về hướng đông nam. Các tàu phía TC bị hư hại nặng, một tàu phải ủi bãi, một tàu bốc cháy, không đủ sức đuổi theo. Hạm trưởng HQ 10 bị thương và Hạm phó thay quyền chỉ huy. Sau cùng, HQ 10 chìm, Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng, tử trận. Hạm phó, Hải quân Đại úy Nguyễn Thành Trí, hy sinh khi hướng dẫn cuộc đào thoát.

Tối đó, hai chiến hạm HQ 4 và HQ 5 bị hư hại nhẹ lần hồi về Hải quân công xưởng Đà nẵng. Sáng sớm 20.01.1974, HQ 16 vào vịnh Tiên sa, nhưng không vận chuyển cặp cầu được, phải xin tàu dòng từ Ty Thương cảng Đà nẵng, kẹp ngang hông mà cặp cầu quân cảng Đà nẵng. Tại đây, khi kiểm tra thì được biết HQ 16 bị trúng đạn ‘Made in USA’ do hỏa lực bạn là HQ 5 bắn và làm trọng thương, nghiêng 15 độ.

Ngày 20.01.1974, tàu dầu Hòa lan ‘Kopionella’ vớt được 23 người thuộc HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Ngày 29.01.2009, ngư dân Việt-Nam đã vớt được một toán Hải quân VNCH gần Mũi yến (Qui nhơn), gồm 15 chiến sĩ HQ 16 đổ bộ lên đảo Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến. TC đã bắt giữ 48 tù binh Việt Nam và, sau đó, có trao trả tại Hồng Kông qua Hội Hồng thập đỏ.

Trong trận hải chiến, Chính quyền VNCH đã nhiều lần báo cáo tình hình với Đại sứ quán Mỹ nhưng Washington đã không có động thái hỗ trợ nào. Lúc đó,

trên vùng biển Đông, ngoài khơi Việt Nam gần với đảo Hải Nam (TC) và Hoàng Sa có mặt Hải đoàn (Task Force) 77 Hải quân Mỹ gồm hàng không mẫu hạm và các chiến hạm yểm trợ. Hải đoàn này đủ khả năng kiểm soát không và hải phận, tuy nhiên, Mỹ đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc để làm vui lòng TC.

Để được đầy đủ, chúng tôi xin ghi những chi tiết sau đây tìm được trong bài ‘Hải chiến Hoàng Sa 1974’ của Wikipedia:

- Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ tư lệnh Hải quân VNCH nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ tư lệnh Hải quân VNCH sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng phía Mỹ từ chối. Các chiến hạm VNCH được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.

- Hôm sau, 20 tháng 1, 4 phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, và Hoàng Sa. Tiếp đó, quân Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của VNCH trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của VNCH trên các đảo bị mất liên lạc.

3.- KỶ NIỆM 40 NĂM BIẾN CỐ.

Nhân dịp này, đồng bào yêu nước, đặc biệt giới trẻ, phổ biến chi tiết cuộc hải chiến này và mời tưởng niệm 74 chiến sĩ Việt Nam vì Tổ Quốc vong thân cũng như những người lính Việt Nam đã hy sinh ở chiến trường biên giới Việt Trung vào năm 1979 và 1984 tại Trường Sa. Nhiều người trong đồng bào yêu nước này từng bị các ‘trùm’ công an đánh đập và đạp vào mặt khi tham gia các cuộc tuần hành ‘Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam’. Hy vọng, tình trạng sẽ được cải tiến hơn trong ngày 19.01.2014 này.

Số người không biết biến cố lịch sử này thật đông vì các cơ quan truyền thông đều được lãnh đạo bởi đảng cộng sản. Điển hình là Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, sinh tại Rạch Giá và đã phải tập kết ra Bắc năm 1954, lúc 11 tuổi. Năm 2013, bà từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của thủ tướng : « Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm ». Bà cho biết :

- Gần đây, bà mới biết chuyện 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa. Đây là một tệ hại đối với kiến thức bà. Cách đây ba năm giáo sư Tương Lai đã nói công khai trong buổi họp tự tổ chức với nhau tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình TP.HCM.

- Bà vô cùng xúc động, ngưỡng mộ và biết ơn những người lính VNCH đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

- Với bà, những ai đem tính mạng để bảo vệ đất nước đều được coi là anh hùng. Người lính VNCH năm xưa hy sinh bảo vệ biển đảo Hoàng Sa và người lính QĐVN hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc đều cao cả, xứng đáng được tôn vinh.

- ‘Ngụy quân, ngụy quyền, lính ngụy’. Chính bản thân bà cũng từng dùng khi kể chuyện hoặc khi viết lách mà không hiểu rõ ý nghĩa từ ấy. Dùng như một thói quen theo sách báo và các phương tiện truyền thông CHXHCNVN. Về sau một người bạn đàn anh đã giảng cho bà hiểu từ ‘ngụy’. Bà thấy xấu hổ về sự kém hiểu biết của mình và từ đó không bao giờ dám dùng nữa.

- Vừa qua có kỷ niệm chiến tranh biên giới Tây Nam, như là một bước khẳng định trở lại đường lối và vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc. Rồi kỷ niệm ngày Trung quốc (TQ) chiếm Hoàng Sa của VNCH. Đài truyền hình Đồng Nai đã truyền đi bộ phim ‘Hải chiến Hoàng Sa’ do VNCH quay trước 1975. Đây là những động tác có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Nếu được gắn kết vấn đề Dân chủ với động lực lòng yêu nước chống kẻ thù xâm lược, sẽ tạo nên nguồn động lực rất lớn. Trước nay vì sợ mất lòng TQ nên ta đã né tránh sự thật. Đã đến lúc phải có một chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, mới có thể tạo nên động lực mới để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở Sài gòn gởi thư mời thành viên cùng thân hữu tham dự buổi Thánh Lễ cầu nguyện cho tất cả đồng bào và chiến sĩ bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 sẽ được cử hành tại Sài gòn chiều thứ Bảy ngày 18.01.2014. Hồi tưởng lại buổi cầu nguyện ngày 07.11.2013 do Đức Thánh Cha Phanxicô mời và chủ tọa để cầu nguyện Hòa bình cho Syria đã tránh sự trừng trị từ Hoa kỳ và phản công của Tổng thống Bashar Assad giết hại bao nhiêu sinh mạng vô tội.