Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng 8 tháng Giêng, Cha Federico Lombardi, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh nói với báo chí rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ "sự lên án mạnh mẽ nhất đối với cuộc tấn công khủng khiếp gây tang tóc cho thành phố Paris" vào ngày 07 tháng Giêng, "gieo rắc cái chết, làm toàn xã hội Pháp mất tinh thần, và gây ra sự lo ngại cho tất cả mọi người yêu chuộng hòa bình".

Trong khi cầu nguyện cho những người bị thương và gia đình của những người chết, Đức Giáo Hoàng "kêu gọi tất cả mọi người hiệp lực chống lại bằng mọi giá sự lây lan của hận thù và của tất cả các hình thức bạo lực, về thể chất và đạo đức, đang hủy hoại sự sống và vi phạm phẩm giá của con người, phá hoại nền tảng tốt đẹp để chung sống hoà bình giữa các cá nhân với nhau bất kể sự khác biệt về quốc tịch, tôn giáo và văn hóa".

Cha Lombardi nói thêm "Dù động lực của hành động này là gì đi chăng nữa, bạo lực giết người bao giờ cũng đáng kinh tởm. Điều đó không bao giờ là chính đáng. Cuộc sống và phẩm giá của tất cả mọi người phải được quyết tâm bảo đảm và bảo vệ. Mọi kích động hận thù phải bị loại bỏ. Sự tôn trọng lẫn nhau phải được xiển dương. "

Trong thánh lễ sáng 08 tháng 4 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Giáo Hoàng cũng nói rằng cuộc tấn công này "thể hiện cả sự tàn bạo nhân loại đến cùng cực cũng như các chiều kích kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố, cả thứ khủng bố riêng lẻ lẫn chủ nghĩa khủng bố nhà nước."

Đức Thánh Cha than thở: "Con người có thể tàn ác đến là ngần nào! Chúng ta hãy cầu nguyện trong thánh lễ này, cho rất nhiều các nạn nhân của sự tàn bạo này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ tàn ác như vậy, xin Chúa hoán cải con tim của họ."

Trong thông cáo công bố vài giờ sau vụ khủng bố diễn ra tại tòa soạn báo Charlie Hebdo, Đức Hồng Y Jean Pierre Ricard chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp bày tỏ sự xúc động và kinh hoàng trước vụ khủng bố này.

Ngài nói: “Giáo Hội Công Giáo Pháp cũng nghĩ đến các gia đình và người thân của các nạn nhân đứng trước sự kinh hoàng không thể hiểu nổi của vụ tàn sát dã man này. Giáo Hội cũng chia buồn với tòa soạn và các ký giả và nhân viên của báo Charlie Hebdo.”

Ngài khẳng định rằng “Một sự khủng bố như vậy thật là khôn tả. Không gì có thể biện minh cho bạo lực như thế. Nó làm thương tổn đặc biệt là tự do ngôn luận là yếu tố cơ bản của xã hội chúng ta. Xã hội này gồm những khác biệt đa dạng, và chúng ta phải làm việc không ngừng để kiến tạo hòa bình và tình huynh đệ. Sự dã man trong vụ thảm sát này làm thương tổn tất cả chúng ta. Nhưng cả trong tình trạng bi đát này, khi sự thịnh nộ đang xâm chiếm và đè nặng tâm hồn chúng ta, chúng ta càng phải gia tăng tấp đôi sự chú ý đến tình huynh đệ đang trở nên mong manh hơn và đến nền hòa bình ngày càng phải củng cố”.

Tuần báo Charlie Hebdo đã nhiều lần bị những thành phần cực đoan đe dọa sau những lần đăng tải những hí họa mà họ cho là xúc phạm đến ngôn sứ Mohammed của Hồi giáo. Chẳng hạn hồi năm 2011, tòa soạn báo này đã bị ném bom xăng sau khi đăng hí họa ngôn sứ Mohammed.

Lúc 11:25 phút sáng thứ Tư 7 tháng Giêng, khi hoạ sĩ biếm họa Corrine Rey cùng đứa con gái nhỏ đến tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo, cô bị hai tên bịt mặt trang bị tiểu liên tự động AK 47 buộc phải mở cửa vào toà báo bằng mật mã của mình.

Chúng bắt cô dẫn lên phòng họp ở lầu hai. Tại đây chúng bắn chết chủ nhiệm toà báo là Stephane Charbonnier, viên cảnh sát bảo vệ ông và ba hoạ sĩ biếm họa.

Chúng lùng sục vào các phòng khác và giết chết thêm 4 ký giả nữa trước khi rút lui. Sau khi ra tới ngoài đường chúng bắn loạn xạ vào người đi đường giết chết thêm 2 người nữa và làm 12 người bị thương, trong đó 5 người đang trong tình trạng nguy hiểm.

Chúng tẩu thoát trên đường Allee Verte nhưng bị một xe cảnh sát chặn đường. Chúng xuống xe bắn xối xả vào chiếc xe cảnh sát. Người cảnh sát cô đơn và bị thương nhiều chỗ không chống cự nổi đành de xe nhường đường cho chúng rút lui. Vì de quá nhanh và hoảng hốt, anh tông vào một xe hơi đang đậu trên đường. Anh lết ra khỏi xe và giơ tay xin hàng nhưng bọn khủng bố bắn vào đầu anh, giết chết anh tại chỗ. Chúng lao lên xe phóng đi khoảng 3 km sau đó chận cướp một chiếc xe khác và tẩu thoát.

Dựa theo những băng ghi hình tại chỗ, cảnh sát khẳng định những tên khủng bố này là hai anh em Cherif Kouachi (33 tuổi) và Said Kouachi (34 tuổi). Cả hai đều đã từng bị bắt vào năm 2005 vì tham gia trong nhóm Buttes Chaumont, một nhóm chuyên tuyển mộ thanh niên Hồi Giáo sang chiến đấu tại Iraq. Cherif Kouachi bị kết án 3 năm tù giam và 18 tháng tù treo.

Sau vụ khủng bố, người dân Paris đã tụ tập biểu tình với các khẩu hiệu “Je suis Charlie”, “Tôi là Charlie đây” để bày tỏ sự ủng hộ với tòa soạn và với các ký giả bị thảm sát.

Khoảng gần 8 sáng thứ Năm 8 tháng Giêng, theo giờ địa phương, cuộc tấn công thứ hai của bọn khủng bố đã diễn ra tại Montrouge, Paris. Quân khủng bố trang bị tiểu liên tự động M5 bắn chết một nữ cảnh sát khi cô dừng lại để kiểm tra một tai nạn giao thông. Một người phu quét đường bị bắn trọng thương và đang trong tình trạng hiểm nghèo.

Các nhân chứng cho biết bọn khủng bố mặc áo chắn đạn và trang bị hùng hậu. Một tên trong bọn đã thoát đi dễ dàng trên một chiếc xe mầu trắng hiệu Renault Clio. Tên thứ hai được báo cáo là đã bị bắt tại hiện trường.