Từ mấy tuần qua dư luận trong và ngoài nước lại đã phẫn uất theo dõi vụ nhà nước cộng sản Việt Nam ăn cướp đất dai của dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, tại tổng giáo phận Sài Gòn. Các bản tin và video trên Youtube cho thấy sáng ngày 22 tháng 10, nhà nước cộng sản Việt Nam đã huy động lực lượng hơn 50 người đến đập phá cơ sở trường học của các nữ tu gồm trường Nữ Thủ Thiêm, trường Nam Thủ Thiêm và trường nữ Thánh Anna. Tổng diện tích của ba trường này là 4.000 mét vuông. Các trường này đã bị bó buộc để cho nhà nước cộng sản sử dụng gọi là “hiến tặng” với mục đích giáo dục, nhưng đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của các nữ tu.

Như đã biết, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã đến đây lập nghiệp từ năm 1840, nghĩa là cách đây 175 năm, truớc khi ý thức hệ và chế độ quái thai cộng sản Liên Xô và đảng cộng sản Việt Nam chào đời. Các nữ tu đã lao công khổ nhọc làm việc dành dụm chắt bóp mua thêm đất để phát triển nhà dòng. Ban đầu các nữ tu sống về nghề nông, nhưng từ năm 1875 dòng quan tâm đến việc giáo dục, nên để ruộng đất lại cho dân nghèo canh tác và chia hoa lợi cho nhà dòng. Để chu toàn sứ mệnh giáo dục các nữ tu đã xây các trường học nói trên để dậy dỗ trẻ em và người trẻ. Từ năm 1975 các cơ sở này bị nhà nước bắt hiến tặng cho các mục đích giáo dục, và các nữ tu không được dậy học nữa.

Vào tháng 9 năm 2011 nhà nước đưa ra dự án “xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm”, bắt người dân phải di dời, ba ngôi trường này cũng ngưng không hoạt động nữa. Vì thế nhà dòng viết đơn yêu cầu nhà nước trả lại ba cơ sở này. Tháng 7 năm 2012 Ủy ban nhân dân phường mời nhà dòng lên làm việc. Ông Hứa Ngọc Thảo, lúc đó là phó chủ tịch, nói rằng trường đã công lập rồi, không được lấy lại và không có cơ sở nào chứng minh cho thấy đây là tài sản của dòng. Các trường này nằm trong quy hoạch giải toả, nên ba trường này không được trả lại cho nhà dòng. Thật ra, ngày 15 tháng 10 năm 1975 Linh Mục Nguyễn Thới Hòa, chủ tịch Ủy ban liên lạc giáo dục Công Giáo địa phận Sài Gòn, đã cùng ông Lương Lê Đồng thuộc sở giáo dục thành phố, ký vào thông cáo chung viết rõ là: “Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho nhà nước quyền sử dụng các trường để phục vụ mục tiêu giáo dục. Quyền sở hữu các trường vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Trong trường hợp muốn dành cơ sở phục vụ cho một mục tiêu khác, ngoài mục tiêu giáo dục, cần phải có sự thỏa thuận của đôi bên”. Chính vì chỉ được giao quyền sử dụng, phía nhà nước đã “cam kết trách nhiệm bảo trì cơ sở, cũng như chịu mọi chi phí về việc quản trị, tu bổ và thuế má trong suốt thời gian sử dụng trường”. Nghĩa là chính nhà nước cộng sản Việt Nam đã công nhận “quyền sở hữu các trrường học” của nhà dòng vẫn thuộc về nhà dòng và Giáo Hội Công Giáo.

Tuy nhiên tháng 11 năm 2012 nhà cầm quyền đã đập phá, và san bằng trường Nam Thủ Thiêm nằm bên cạnh nhà thờ, và hiện nay đang là một bãi đất trống bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Các nữ tu đã liên tục làm đơn khiếu nại, nhưng không được trả lời. Ngày 21 tháng 10 năm 2015 nhà cầm quyền địa phương mời nhà dòng lên làm việc với nội dung được lập lại y như năm 2012, và họ đề nghị các nữ tu không được yêu cầu nhà nước đền bù hay bồi thường, mà là nhà nước sẽ hỗ trợ cho nhà dòng, nếu được yêu cầu.

Để cho vụ cướp đất nói trên tiến hành mau chóng, nhiều công an mặc thường phục và sắc phục đã chặn các con đường chính dẫn vào nhà dòng. Trong khi đó lực lượng thi công mang xe cần cẩu vào đập phá các tài sản của trường, bất chấp sự phản đối của các nữ tu. Các hành vi đập phá tài sản này của dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là trái pháp luật và là các hành dộng tội phạm, cố ý hủy hoại tài sản của tổ chức tôn giáo.

Linh Mục Lê Đăng Niêm, cha sở giáo xứ Thủ Thiêm, 79 tuổi, liệt hai chân, và hơn 30 nữ tu của dòng, nhiều chị đã cao tuổi phải ngồi xe lăn, đã tụ họp trước cổng trường đọc kinh cầu nguyện giữa trời nắng oi bức, và cả khi mưa lớn, tay cầm băng rôn, yêu cầu nhà cầm quyền không được đập phá các tài sản của nhà dòng.

Nghe tin nhà nước cộng sản ăn cướp đất của các nữ tu, các thầy bên chùa Liên Trì cũng đã tìm cách qua tỏ tình liên đới, nhưng bị lực lượng công an ngăn chặn, không cho vào nhà dòng. Nhiều giáo dân Thủ Thiêm đã di dời đi nơi khác biết tin, cũng đã về lại quê để liên đới với các nữ tu, vì chính họ và con cháu họ đã được các nữ tu giáo dục trong các trường nói trên. Bất chấp mọi đe dọa của nhà cầm quyền, đại diện Hội đồng liên tôn gồm Linh Mục Đinh Hữu Thoại, hòa thượng Thích Không Tánh và mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã đến chia sẻ niềm đau với các nữ tu.

Vụ ăn cướp đất của dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm chỉ là một trong các vụ cưỡng chiếm đất đai của Giáo Hội Công Giáo tại nhiều nơi, từ bắc chí nam. Thật thế, từ nhiều năm qua đã xảy ra nhiều vụ ăn cướp như vậy. Điển hình như vụ ăn cướp đất Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội, vụ ăn cướp đất của các cha dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà, vụ nhà nước cộng sản huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh ngày 17 tháng 3 năm 2015 đã huy động hàng trăm cảnh sát cơ động, cho xe ủi và máy xúc đập phá nhà thờ Đông Yên, nhà xứ, trường giáo lý và một số cơ sở phụ thuộc khác của giáo xứ, kể cả cây cối và vườn tược. Trưóc đó năm 2010 nhà nước đã ăn cướp đất của giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng để bán cho các tổ chức đa quốc thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân. Đó là chưa kể tới vụ chính quyền tỉnh Quảng Bình đã huy động công an và bọn đầu gấu đánh đập giáo dân Tam Tòa hồi tháng 7 năm 2009. Vào tháng 11 năm 2011 giáo xứ Mỹ Lộc thuộc hạt Văn Hạnh giáo phận Vinh, cũng bị nhà cầm quyền dùng vũ lực tấn công.

Trên vùng cao nguyên hồi tháng giêng năm 2015 hàng ngàn người thuộc các sắc tộc Bahnar, Jơrai, Giẻtriêng, Sơdăng đã bỏ hết công ăn việc làm, đồng loạt kéo đến bảo vệ ngôi nhà thờ tạm thuộc giáo xứ Dắc Jâk huyện Đắc Glei tỉnh Kontum, vì lực lượng công an muốn giật sập ngôi nhà thờ này. Hàng trăm học sinh trong vùng cũng phải nghỉ học để cùng gia đình các em bảo vệ nhà thờ. Người dân không tin cán bộ chuyên lừa đảo, ăn gian, nói dối nữa. Có một phụ nữ còn tuyên bố: “Chúng tôi muốn bình yên. Các anh muốn dỡ nhà thờ, thì ngày nào đầu bọn tôi còn ở trên cổ, các anh sẽ không bao giờ dỡ được nhà thờ ấy”. Vụ công an nhà nước đập phá Thánh Giá Đồng Chiêm cũng đã khiến cho tín hữu Công Giáo phẫn nộ không ít.

Còn có hàng ngàn vụ ăn cướp đất của dân lành. Dã man như vụ ăn cướp ruộng đất của 500 gia đình nông dân tỉnh Bắc Giang năm 2012 để cho tập đoàn nhà nước làm nhà máy sản xuất gạch; vụ ăn cướp 72 héc ta đất của 166 gia đình nông dân xã Xuân Quang, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên để bán cho chủ đầu tư dự án Ecopark. Ngày 24 tháng 4 năm 2012 vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng hàng nghìn công an, bộ đội cùng khoảng 40 máy xúc máy ủi đã được huy động đến "cưỡng chế" cướp ruộng đất ở Hưng Yên. Lực lượng công an đã đánh đập dã man các nông dân nghèo, nổ súng AK, và bắn pháo vào nông dân, khiến cho nhiều người bị thương. Tuy nhiên, tai tiếng nhất là vụ ăn cướp 50 héc ta đất của gia đình ông Đoàn Văn Vuơn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng tỉnh Hải Phòng, ngày mùng 5 tháng giêng năm 2012. Hàng trăm công an và bộ đội trang bị vũ khí đã tấn công khu đất của gia đình ông Vươn, khiến cho gia đình ông phải nổ súng chống trả, làm cho 4 công an và 2 bộ đội bị thương. Nhà nước đã không đền bù cho công khẩn hoang của ông trong 20 năm qua. Căn nhà của ông Vươn không nằm trong khu đất cưỡng chế cũng bị ủi sập. Bẩy người trong gia đình ông bị bắt giam.

Ngày 17 tháng giêng năm 2012 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chủ tịch thành phố Hải Phòng phải “kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn”. Trước đó cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng khẳng định trong vụ cưỡng chế chính quyền đã sai từ xã đến huyện, và dồn dân vào chân tường khiến họ chống lại. Còn trung tướng tư lệnh quân khu 4 Nguyễn Quốc Thước cho đây là sai lầm lớn, và hậu quả của hành động này sẽ tác động đến tình hình chung của toàn đất nước.

Quả thế, nhà nước càng ăn cuớp, quốc gia càng tụt hậu, xã hội càng bất ổn vì không có công lý. Thế nên cho tới khi nào nhà nước cộng sản Việt Nam còn duy trì chính sách ăn cướp đất sống của dân, thì đến một lúc nào đó 90 triệu người Việt Nam cần phải cuơng quyết đồng loạt đứng lên biểu tình khắp nơi để bẻ gẫy ách nô lệ và mở ra một trang sử mới tươi sáng cho quê hương đất nước.