MINH NIÊN MÙNG MỘT TẾT

THÁNH LỄ TẠI HỌ ĐẠO SAANG VÀ KOHTIÊU


Sáng Mùng Một Tết Đinh Dậu, chúng tôi khởi hành từ họ đạo Kohtiêu trực chỉ hướng thủ đô Nam Vang…. tiếp tục cuộc hành trình trên con đường đầy bụi bặm và gồ ghề nhức nhối cho những hành khách đến từ phương xa … Nhìn nhiều chiếc xe Honda, xe đạp trên con đường chúng tôi cảm thấy thương tâm đối với dân nghèo Cambốt… không nón bảo hiểm an toàn, không khẩu trang…nhiều người dân trên trục lộ chính nầy đi chân đất, những em bé áo quần lem luốt… hai bên đường là nhà sàn… phía trước sân nhà là những con bò trắng ốm yếu đang ngậm rơm khô hay cỏ… trên đường phố đôi lúc các em lùa bò đi ăn ngoài đồng cản cả lối giao thông công cộng… nhiều xe vận tải lớn bé đủ loại, chuyên chở quá tải đồ đạc và ngay cả hành khách cũng thặng dư trong xe… dường như ở Cambốt đó là chuyện ‘bình thường’. Kèn xe bóp liên tục… trên đường… người tránh xe hơn là xe tránh người.

Phật Giáo trên đất Cambodia là Quốc Giáo cho nên khắp nơi từ thành thị đến thôn quê… Chùa Chiền lớn nhỏ… đủ loại… dễ dàng được cấp giấy phép xây dựng tùy ‘Lòng Hảo Tâm’ của dân làng hay của khu vực… hoặc do những nhà tài trợ giàu có... Nhiều khu Chùa rộng thênh thang, Am Nhỏ Am Lớn, Khu Trị Sự, Nhà Vãng Lai… chiếm hằng mẫu tây, nhưng không có bao nhiêu Sư trụ trì… Vì là Quốc Giáo, Các Sư Sãi, Tăng Ni được kính trọng… chẳng bù lại ‘Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam’ trên đất Cambodia đếm trên đầu ngón tay. Vừa nhà thờ, nhà xứ, một dãy trường học cũ… vỏn vẹn trên một khu đất khoảng 2.000 mét vuông, tính luôn nhà của giáo dân sống chung quanh mồ mả gọi là Đất Thánh của họ đạo… Không chọn lựa nào khác hơn… vì nghèo và không hộ khẩu… Có những nhà thờ xây trên thổ cư hơn 10 hay 15 năm đã được Đức Cha đến làm phép và thánh hiến mà chưa có giấy phép công nhận của chính quyền địa phương là nơi Phượng Tự, như đã trình bày trong một bài viết trước đây. Chúng tôi sẽ trở lại đề tài Chùa Chiền, Nhà Thờ hay Họ Đạo chính thức Công Giáo của người Cambốt trong quốc gia Cambodia và Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam trên đất Cambodia trong một bài viết sau.

Trên quãng đường dài 40 cây số… chúng tôi thấy một vài tai nạn… xe cán chó, đụng bò... nếu xe cán chết người… phải chờ cảnh sát giao thông đến giải quyết khá lâu... như cơm bữa, xe cứ nằm ụ đó, cản trở giao thông… là chuyện thường, dân chúng tụ họp đứng xem làm nghẽn lối lưu thông là chuyện nhỏ đối với họ. Các xe vận tải có bảo hiểm… nhân mạng con người được đền bù với giá rẻ mạc, cho nên có những tài xế vô lương tâm đôi lúc không quan tâm đối với những khách bộ hành hay những người đi bộ dọc trên trục lộ giao thông chính. Đặc biệt là những em bé đi bộ hay cưỡi những chiếc xe đạp cũ kỹ, với những tiếng còi đinh tai nhức óc, có thể làm các em hoảng sợ té ngã vào chiếc xe đang chạy sát bên hay các em đang hối hả qua cầu sắt một chiều… lo sợ hoảng hốt vì chiếc xe tải đang chạy sau em với tíếng còi thôi thúc… hoặc các em nhìn thấy phía bên kia cầu đoàn xe đang đợi để qua cầu (một chiều) rồ máy inh ổi như hối hả chờ chạy ngược chiều với em…

Ngồi trên xe quãng đường từ Kohtiêu đến Saang khoảng 40 cây số, nhưng phải hơn 1 tiếng 30 phút chúng tôi mới đến họ đạo Saang. Nhà thờ Saang nằm bên dòng sông nhỏ phía sau. Vì nhà thờ cất quá sát bờ sông lại nằm theo chiều nước xoáy cho nên mỗi năm nuớc cuốn dần một số đất phía sau nhà thờ… cho nên nếu có tầm nhìn xa, thì một lúc nào chắc chắn nhà thờ sẽ sụp lỡ. Một vài căn nhà lụp sụp gần mé sông đã phải chống cừ hay làm cột ximăng chống đỡ…

Trừ nhà thờ họ đạo chính là Bình Di (Chrey Thom) nằm trên trục lộ chính, các nhà thờ khác trong hạt Basac đều nằm trong những ngõ hẻm cụt của khu phố hay làng xã, huyện… sát bờ sông. Có thể hiểu là đa số dân Việt làm nghề đánh cá…. với ghe thuyền bè là nhà lưu chuyển trên sông…. vô gia cư - không có giấy thường trú.

Giáo dân của họ đạo Saang đông hơn Kohtiêu gấp đôi. Khoảng 130 gia đình cả lương lẫn giáo với số giáo dân khoảng… Nhìn trang phục thì có thể đoán ra là vì họ sống gần thành phố Nam Vang hơn những họ đạo Việt Nam khác cho nên có công ăn việc làm ‘tương đối’ khá hơn Kohtiêu. Dùng danh từ ‘khá hơn’ chứ không nói họ ‘giàu hơn’. Đa số người Việt Nam Công Giáo có thể tự hào là ‘rộng rãi-quảng đại’ với Giáo Hội-Cộng Đoàn Họ Đạo. Đặt vào trường hợp họ đạo Saang nầy so với họ đạo Kohtiêu… dân số đông hơn gấp 2 Kohtiêu. Tiền dâng cúng mỗi Chúa Nhật (nếu có thánh lễ) khoảng $10 USD. Như vậy cả hai họ đạo đều giống nhau về ‘lòng quảng đại’ khi so sánh số dân Công Giáo.

Vì chỉ có một linh mục Việt Nam duy nhất trông coi 6 họ đạo trong một hạt lớn Basac. Ngài làm lễ luân phiên tiếng Việt trong 6 họ đạo… có khi 1 tháng một lần… thỉnh thoảng có một vài linh mục trong một họ đạo Cambốt đến dâng lễ bắng tiếng Khmer và cộng đoàn đối đáp bẳng tiếng Khmer, nhưng các bài đọc và thánh ca bằng 2 ngôn ngữ Việt-Khmer xen kẽ lẫn nhau. Cũng giống như hơn 30-40 năm về trước, các cộng đoàn CG.VN ở hải ngoại chưa có nhiều linh mục VN như ngày nay, các cộng đoàn CG.VN tại các nước như Mỹ, Canađa, Đức, Úc mời các cha sở địa phương dâng thánh lễ bằng ngôn ngữ của quốc gia và các bài đọc và thánh ca bằng tiếng Việt.

Riêng tại Quốc Gia Cambodia nầy Đấng Bản Quyền có một quy tắc rất ‘Nghiêm Nhặt’ trong vấn đề cử hành Thánh Lễ Tiếng Việt và Thánh Lễ Tiếng Khmer trong các Nhà Thờ Việt Nam trên đất Cambốt. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề Lễ Tiếng Việt trên đất Cambốt trong một bài viết sau. Chúng ta trở lại với Thánh Lễ - Phụng Vụ tiếng Việt.



Chúng tôi có dịp đến thăm viếng và dâng lễ tiếng Việt trong ít nhất là 4 nhà thờ trong hạt Basac và vài nhà thờ Việt Nam khác như Ván Ép, Đức Mẹ Mekong (Bãi Cải) đôi lần… Nghi Thức Thánh Lễ Rôma có nơi dùng Nghi Thức Thánh Lễ Cũ, có nơi dùng Nghi Thức Thánh Lễ Mới của Sách Lễ Rôma. Có nơi dùng Sách Các Bài Đọc của Ban Phụng Vụ (Xuất Bản 1973) và có nơi dùng Sách Các Bài Đọc Mới… như một vài họ đạo trên đất Cambốt. Chính vì điểm không ‘đồng nhất’ nầy mà trong phần đối đáp giữa Chủ Tế và “Cộng Đoàn Phụng Vụ” hay gọi cách khác là ‘Cộng Đoàn Dân Chúa’ cũng rất là ‘lung tung’ như giữa ‘giao thời’. Thực ra Phụng Vụ Mới đã thay đổi bao nhiêu năm rồi mà phần áp dụng cũng chưa áp dụng đúng như ‘Luật Phụng Tự Buộc’ hay là ‘Luật Tùy Thích?’

Trong những thánh lễ được cử hành trong dịp Tết trên đất ‘Cambodia’ chúng tôi thấy được một điểm son nổi bậc là các bạn trẻ trong các ca đoàn. Họ cố gắng tập luyện các bài hát hay thánh ca bằng tiếng Việt hay tiếng Khmer. Họ hát rất hay, nhuần nhuyển cả hai ngôn ngữ. Đặc biệt tiếng Việt…. tôi rất đỗi kinh ngạc khi nghe tâm sự của một ‘Ca Trưởng’ là trong số các ca viên có những em ‘không biết đọc và viết tiếng Việt … các em hát ‘thuộc lòng’. Như chúng tôi đã trình bày không hộ khẩu - không là thường trú dân - chỉ được học hết lớp 2 trên đất Cambodia mà thôi. Chính vì thế các gia đình Việt Nam phải sống ‘từng cụm nhỏ’ với nhau. Nếu không có giấy tờ ‘tùy thân’ cấp do chính quyền xã huyện như giấy ‘CMND’ ở Việt Nam. Khi lái xe Honda ra đường bị công an chận lại ‘xét hỏi’… là người Việt sống bất hợp pháp trên đất Cambodia, bạn phải nộp tiền mãi lộ… chưa dám nói đến vấn đề có thể bị giam giữ xe… và người…

Trên đường về lại Kohtiêu, chiều đến, chúng tôi đi xuồng ‘ba lá’ hay ‘tác rán’ với chiếc máy đuôi tôm sang thăm ‘một cụm’ gia đình Việt Nam khoảng 12 gia đình bên kia sông với địa danh là ‘Bến Phân’… có thể đây là bến ‘phà nhỏ’ dựa phân súc vật để ghe tàu ghé mua hay trao đổi hàng hóa chăng???

Trên chiếc nhà sàn chúng tôi nhìn thấy một cụ già đang nằm trên chiếc chiếu cũ thoi thóp. Cụ già nầy chúng tôi đã gặp trước đây mấy hôm khi chúng tôi đi Honda qua phà nhỏ tặng Quà Xuân cho ‘cụm gia đình nghèo này’ cả lương lẫn giáo. Cụ đã ngoài 85 tuổi… đã lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu vả Của Ăn Đi Đàng. Vợ và đông đảo con cái cháu chắt cùng quỳ gối xung quanh và cùng với linh mục cầu nguyện cho cụ được ơn chết lành nếu Chúa gọi cụ trong Mùa Xuân Đinh Dậu nầy về vui hưởng một Mùa Xuân Vĩnh Cửu trên chốn Vĩnh Hằng. Cầu nguyện vả hy vọng cụ vẫn còn sống…

Về lại Kohtiêu trên chiếc ‘tác rán’, tôi thầm nghĩ lại, phải phục các cha ‘Thừa Sai Ngoại Quốc’ khi đến quê hương Việt Nam. Các ngài xây dựng các họ đạo ở sát hay gần ‘kinh-rạch-sông’ đó là những phương tiện giao thông độc nhất thời bấy giờ… và trồng nhiều cây ‘SAO’ để ‘SAU’ một ‘Niên Kỷ-Trăm Năm’ Nhà thờ họ đạo sẽ mục nát. Giáo dân đốn ‘SAO’ xây dựng nhà thờ mới cho thế hệ ’SAU’. Thật tuyệt vời ‘Bái Phục’ những bước chân kiên cường và kiêu hùng của Những Tiền Nhân đã xây dựng Nền Mống Vững Chắc cho Toà Nhà của Giáo Hội Việt Nam và cũng có thể cho Tòa Nhà của Giáo Hội Campuchia nầy nữa.

Đang mãi mê suy nghĩ về ‘Những Bước Chân Anh Dũng…’ chiếc thuyền ‘ba lá’ đã cập bến ‘Xóm Giáo Kohtiêu… bên cạnh vài chiếc thuyền hay bè mà những người Việt đang sinh sống như Căn Nhà Của Họ Trên Đất Cambốt nầy. Tài sản vốn liếng của họ chỉ có ‘Bằng Ấy’. Con đường ẩm ướt và bẩn thiểu từ bờ sông lên tới nhà thờ khoảng 200 mét nầy sẽ được đổ gạch, đất, cát sau những ngày Xuân. Đó là niềm ước mơ của cụ già đồng hương Việt Nam và gia đình nhỏ bé của bà đang sống giữa những gia đình Công Giáo trong họ đạo nhỏ bé Kohtiêu. Niềm ước mơ của chúng tôi… con đường cụ thể nầy biết đâu sẽ là con đuờng bà sẽ đi lên nhà thờ, đi ra đầu phố đón xe đi Nam Vang Thủ Đô của Nước Cambodia cũng sẽ là con đường Chúa sẽ dẫn đưa Bà và gia đình con cháu duy nhất trong xóm đạo về Nước Trời qua con đường Công Giáo của chúng ta.

Thánh lễ chiều Mùng Một Tết ở Kohtiêu… thật êm đềm… cuối ngày Tân Niên Đinh Dậu. Thánh lễ thật dễ thương ca đoàn ‘tổng hợp’ gồm già trẻ, lớn bé…biết chữ cũng như không biết chữ qua sự cố gắng tập luyện của hai Dì Chợ Quán... hát cũng hay qua sự cố gắng của ca viên mới được thành lập khoảng hai tháng nay. Thánh lễ được kết lại, vài gia đình tổ chức bữa ăn đạm bạc của dân làng trước sân nhỏ ngoài khuôn viên nhà thờ - sân sinh hoạt độc nhất của cả làng - ngoài khuôn viên nhỏ trong nhà thờ. Cá…hấp, cá chiêng là sản phẩm chính với thịt heo kho với cá kho và dưa giá. Muốn ăn củ kiệu với tôm khô và bánh tét… ở đây không có bán hay ai làm những món ‘hạp khẩu’ đó. Họ cho biết là phải đi Honda 15 cây số qua phà nhỏ sang chợ Long Bình bên tỉnh An Giang mới có bán củ kiệu và tôm khô. Giáo dân nói với chúng tôi. Hẹn ngày Mùng Ba Tết, họ sẽ đi chơ Long Bình mua củ kiệu-tôm khô đãi chúng tôi để chia tay. Đó là Tiệc Mừng Năm Mới Đinh Dậu. Dù sao cũng tạm gọi là đã chia sẻ Tiệc Mừng Tân Xuân trên ‘Đất Cambodia’ năm nay.