Linh Mục Cao Văn Luận (1908-1986) Và Lý Tưởng “Lương Sư Hưng Quốc” Trong Đạo Kẻ Sĩ

Nhìn vào lịch sử Việt Nam, Nghệ Tĩnh (cũng có khi gọi là An-Tĩnh, theo các tư liệu của Tạp chí Bulletin Des Amis Du Vieux Hué viết tắt BAVH) là một kết hợp của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói chung là đất của văn hóa và lò lửa của cách mạng, nhất là trong thế kỷ XX. Những con người xuất thân từ vùng đất này sở dĩ nổi tiếng là vì một nguyên tắc phong thủy bất di bất dịch đó là “địa linh” tất phải sinh “nhân kiệt”. Ngày nay vấn đề đô thị hóa tại Việt Nam có thể đã ảnh hưởng phần nào về địa mạch, long mạch, thế đất nên nguyên tắc phong thủy này có thể đã biến dạng hay suy giảm phần nào, tuy nhiên khi đề cập tới một nhân vật khá nổi tiếng của Hà Tĩnh, Linh Mục Cao Văn Luận (1908-1986), Viện Trưởng Viện Đại Học Huế (1957-1964), thiết tưởng không thể không đề cập đến quê hương Hà Tĩnh của Ngài, một vùng đất mà cụ Tôn Thất Đàn khi làm Thượng Thư Bộ Hình, năm 1930, trong quyết tâm tiêu diệt cái gọi là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh của đảng Cộng Sản Đông Dương, đã nói: “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần” 有 乂 静 不 富 , 無 乂 静 不 貧. Dĩ nhiên ngày nay quan điểm nặng phần tiêu cực đó không thể được chấp nhận và sự nghiệp của một con người không thể tách ra khỏi phần lịch sử chung của một địa phương.

1.- Từ bối cảnh không gian văn hóa của một vùng đất địa linh…

Trong bài diễn văn Bergson (1859-1941), triết gia người Pháp, được giải Nobel 1927, đọc tại Đại học đường Birmingham ở Anh ngày 29 tháng 5 năm 1911, và về sau đã xuất bản với mấy bài khác trong quyển Năng lực tinh thần, đã được Linh-mục CAO VĂN LUẬN dịch ra Việt ngữ, bài Ý thức và sự sống, có nêu lên câu hỏi và tự trả lời: “Chúng ta thường căn-cứ vào dấu hiệu nào để nhận biết một người hoạt-động, người đã để lại dấu vết mình trên những biến-cố mà hoàn-cảnh đã làm cho nó xen vào?Há chẳng phải là căn-cứ vào sự người ấy đã bao quát được một khoảng thời gian kế tiếp khá dài trong một cái nhìn chớp nhoáng? Quãng quá-khứ bao hàm trong hiện-tại của người ấy càng lớn, thì cái trọng-khối người ấy đẩy vào tương-lai để thúc-bách các biến-cố lâm-thời đang được chuẩn-bị, lại càng mạnh: hành-động của người ấy giống như một cái tên, quan-niệm về hành-động ấy càng được kéo căng ra về phía sau, thì nó càng được bắn mạnh về phía trước.” (Tạp chí ĐẠI HỌC số 1, năm thứ IV. Tháng 2-1961, trang 169). Tư tưởng triết lý này xem ra khá thích hợp khi được sử dụng làm tiêu chuẩn để khám phá lại phần nào của cuộc đời một nhân vật đã cống hiến những gì là phần tinh hoa nhất của mình cho đất nước.

Thêm nữa, Hippolite Taine (1828-1893), một triết gia, sử gia và là một nhà phê bình Pháp nổi tiếng đã từng nghĩ rằng có thể cắt nghĩa con người bằng những phương pháp khoa học. Theo ông thì những con người thần tài, bất cứ thi sĩ hay chính khách đều được cấu tạo nên bởi những yếu tố như dòng giống, thời thế và hoàn cảnh xã hội (la race, le temps, le milieu). Mà bởi vì những người thần tài đó tạo nên lịch sử, nên lịch sử phải được giải thích theo những yếu tố đó. (Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, Phòng Nghiên cứu sử Viện Đại Học Huế xuất bản, 1964, trang 158).

Ý kiến của Henri Bergson được trích dẫn vắn gọn trong bài diễn văn nêu trên cùng với quan điểm của H.Taine xuất phát từ cảm giác say sưa với bầu khí khoa học của hạ bán thế kỷ 19 ở Âu châu cũng có thể trùm phủ lên quan điểm Đông phương vừa nêu ra ở phần dẫn nhập của bài viết này, có thể cung ứng cho chúng ta một số tiêu chuẩn để tìm hiểu con người và phong cách xử trí công việc của Linh mục Cao Văn Luận, người thầy kính yêu của chúng ta.

Trong Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn, ở mục Đạo Hà Tĩnh, có viết đại cương về cảnh quan địa lý và nhân sinh phong thổ của Hà Tĩnh, vốn là quê hương của Linh Mục Cao Văn Luận, như sau: “Ruộng đất phần nhiều rắn xấu, ít bằng phẳng; ruộng núi thì cao khô mà nước khe không tưới được mấy; ruộng gần biển thì thường bị nước mặn, có đắp đập ngăn cũng khó thành công, vì thế nhân dân yên phận nghèo nàn mà chuộng cần kiệm. Đồng nội phần nhiều trồng khoai củ làm lương ăn, dầu gặp năm mất mùa đói kém mà dân không đến nỗi phải phiêu lưu.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1997, trang 88). Câu chuyện “cá gỗ” được truyền miệng trong dân gian theo lời kể của các cụ ngày trước kể lại nói lên tinh thần chịu khó học hành, khắc phục gian khổ, thiếu thốn của người trí thức Nghệ Tĩnh Bình. Các cụ kể rằng: “Khi thi Hội, phải vào Kinh, tức là Huế, mang theo lều chõng lỉnh kỉnh, đi bộ hết mấy tháng trời, các anh học trò nghèo mỗi lần vào quán nghỉ chân, chỉ dùng độc vị cơm muối vừng (mè). Nhiều khi vì đi đường xa, quá mệt mõi không sao nuốt cơm xuống, nên lấy trong bị ra một con cá óng ánh màu vàng như đã rán (chiên) chín, đặt vào cái đĩa vừa ngắm nghía, vừa ăn ngon lành. Dù vậy có khi vì mệt quá, nuốt cơm không được, bèn đổi món ăn bằng cách kiếm chút nước mắm ruới lên con cá ấy và thêm vài lát ớt, món ăn càng trở nên hấp dẫn, cơm lại thiếu mất! Con cá ấy chính là con “Cá Gỗ” đã được khắc chạm tỉ mỉ, lại còn cẩn thận bôi nghệ vàng chói, xem rất đẹp. Sau khi ăn cơm xong, lấy cá rửa sạch cất vào bị, để khi khác dùng. Nhiều bạn đồng liêu ở các nơi tò mò nhìn thấy cảnh tình ấy cũng nực cười và cho là hữu lý, muốn học đòi, nhưng không được, vì thiếu ý chí, thiếu cần cù và kiên nhẫn. Thành ra anh học trò xứ Nghệ độc quyền món ăn ấy! Mãi về sau hễ gặp dân Nghệ Tĩnh, thì cứ bảo là “Dân Cá Gỗ”. (Hồ Đức Hân, Lược sử Giáo Phận Vinh, Nhóm thân hữu Nghệ Tĩnh Bình phát hành, 1989, trang 31).

Linh mục Phaolô Cao Văn Luận sinh năm 1908, quê quán xã Đông Tràng thuộc Thọ Ninh, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1908 là thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam vì đó là năm xảy ra một biến cố quan trọng mà các nhà sử học gọi là “Trung Kỳ Dân Biến” hay Loạn đồng bào hay đầu bào tức là việc nông dân cùng rất nhiều thành phần khác xuống đường xin giảm sưu thuế khởi đi từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) rồi lan ra ngoài tới Nghệ An và trong tới Bình Thuận. Tinh thần đấu tranh của những vùng đất Miền Trung trong đó có Hà Tĩnh không thể nào không ảnh hưởng đến một nhân vật mà sau này có những hoạt động trong lãnh vực văn hóa, chính trị, tôn giáo ghi những dấu ấn cụ thể để lại cho nhiều người biết tới.

Xét về phương diện địa lý, quê quán Đông Tràng của Linh mục Cao Văn Luận chịu ảnh hưởng “của sông La Giang ở Hà Tĩnh, quen gọi là sông Cái, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nước chảy yếu hơn, chỉ tạo được các bãi nhỏ ở Voi Bổ hoặc ở Ngàn Trươi và bồi đắp cho một số làng ở ven sông, nhưng có nơi đất đai lại bị nước xói lở cuốn trôi mất. Những cánh đồng ở sát bờ sông rất lợi hại là như thế. Những vùng có ảnh hưởng bởi giòng sông này: Đông Tràng, Thọ Ninh, Nghĩa Yên, Kẻ Tùng, Láng Ngạn… Các vùng Nam Đàn, Đức Thọ vì nằm sát bờ sông Lam và sông La rất thích hợp cho nghề trồng mía.” (Hồ Đức Hân, Sách đã dẫn, trang 28).

Về thổ ngữ, theo nhận xét chung của nhiều người trong đó có tác giả Hồ Đức Hân, “Hoan Châu (tức Nghệ Tĩnh) lại có vẻ độc đáo về danh từ ngôn ngữ qua văn chương thi phú. Nhất là ở nông thôn càng được truyền tụng nhiều hơn thành thị. Thường họ dùng những danh từ hóm hĩnh, sâu sắc, châm biếm, linh động và đặc biệt nhà quê. Nhưng khi nào cũng nhằm mục đích uốn nắn rèn đúc con người sống theo nề nếp cha ông và giữ phong cách đạo lý cổ truyền. Nhiều bà ở nông thôn hễ mở miệng nói là dùng ca dao tục ngữ. Điều đó chứng tỏ Nghệ Tĩnh Bình có một nền văn hóa cổ kính đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Thật là một điểm độc đáo đáng quý.” (Hồ Đức Hân, Sđd, trang 25).

Trước đây, những ai từng là học trò của Linh mục Cao Văn Luận, những cộng sự viên của Ngài ở các cơ sở văn hóa giáo dục, chắc không thể nào quên giọng nói của Ngài trong các bài diễn văn, diễn từ, lời chỉ thị dặn dò, các buổi trò chuyện riêng tư. Cái cung giọng đó được một tác giả xuất thân từ Nghệ Tĩnh ghi lại tổng quát như sau: “Ngôn ngữ gồm cung giọng và tiếng nói. Vì là ở miền Trung, cung giọng Nghệ Tĩnh Bình tương tự như Quảng Trị, Huế: Không nhẹ nhàng, không lên bổng xuống trầm, nhưng cũng không nặng chịch như một đôi người nghĩ, và khi muốn nhại tiếng Nghệ Tĩnh Bình thì toàn bỏ dấu nặng. Ở Bắc, cung giọng miền biển nặng hơn cung giọng miền trung châu nhiều. Nhưng ở Nghệ Tĩnh Bình, cung giọng miền biển xem như không khác nhiều lắm đối với cung giọng trung châu, nhưng họ thường nói rất lớn. Có lẽ vì quen nói lớn để làm lấn át tiếng sóng gió từ ngoài khơi vỗ vào bờ, nên mới có câu: Ăn sóng nói gió! Ở Nghệ Tĩnh Bình có mấy loại giọng nói khác nhau, nhưng theo phong tục, họ không thích kẻ khác nhại tiếng nói của mình.” (Hồ Đức Hân, Sđd, trang 20).

2.- Đến bầu khí đạo hạnh của một dòng tộc Công Giáo trí thức nở rộ hoa viên mãn nơi xứ lạ.

Trong cuốn Từ điển Nhân vật Xứ Nghệ của Ninh Viết Giao có ghi Linh mục Cao Văn Luận quê xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ An, rõ ràng là có sự sai lầm vì huyện Hương Sơn vốn thuộc đất Hà Tĩnh. Còn cái tên Sơn Mỹ không biết ngày nay có phải là tên hành chánh của giáo xứ Đông Tràng ngày trước hay không? (Ninh Viết Giao & Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An, Từ điển Nhân vật Xứ Nghệ, Nhà xb Tổng Hợp TPHCM, 2006, trang 114).

Như đã nói ở trên, linh mục Cao Văn Luận sinh năm 1908, quê quán xã Đông Tràng, thuộc Thọ Ninh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong tài liệu của Hồ Đức Hân, xã Đông Tràng thuộc Hạt Nghĩa Yên gồm các xứ: Nghĩa Yên, Thọ Ninh, Đông Tràng, Kẻ Mui, Kẻ Đọng, Đông Cường, Cam Lâm, Tràng Đình. (Hồ Đức Hân, Sđd, trang 64). Xứ là xứ đạo hay giáo xứ; Hạt gồm nhiều giáo xứ hay cũng gọi Giáo hạt. Vị linh mục đứng đầu Giáo hạt thì gọi là Hạt trưởng. Tác giả kê đầy đủ các xứ đạo trong Giáo phận Vinh gồm 14 Hạt và cho biết vì viết bằng trí nhớ nên có thể sai một vài chi tiết.

Trong cuốn Lịch sử Giáo phận Vinh, Linh mục Cao Hữu Phan đã cung cấp một bài thơ lục bát gồm 135 tên xứ trong đó có kể đến xứ Đông Tràng như sau:

Đông Tràng, Nhượng Bạn, Làng Truông

Kẻ Mui, Kẻ Đọng, Đồng Cường, Tam Đa

(L.M. JBT. Cao Hữu Phan, Lịch sử Giáo phận Vinh, 1996, trang 466)

Giáo xứ Đông Tràng được thành lập năm 1888, dưới thời Đức Cha Pineau Trị với con số giáo dân ghi nhận trước ngày 30-4-1975 là 1404 người. Đây là thời mà Giáo phận Vinh được hoàn toàn yên ổn, cảnh lương giáo không còn tương tàn nữa.

Theo Linh mục Cao Hữu Phan thì nguyên gốc đời ông nội, bà nội ở giáo xứ Thọ Ninh, hạt Nghĩa-Yên, tỉnh Hà-Tĩnh. Đến đời cha thì di cư lên lập nghiệp ở giáo xứ Đông Tràng. Ông nội của Ngài là anh ruột của linh mục Phêrô Cao Văn Phong (1838-1904). Thân sinh là cụ Cao Văn Trí, em ruột linh mục Phêrô Cao Thiên Đạt (1850-1931) du học Pénang, nổi tiếng thông minh.

Cũng theo Linh mục Cao Hữu Phan, lúc thiếu thời cậu Luận ở với cha già Lê Văn Minh tại xứ Đông Tràng, sau một năm được gửi ra ở với cha Cao Thiên Đạt bị mù, hưu dưỡng ở Xã Đoài (về sau chết tại Hà Tĩnh).

Năm 1922, cậu Cao Văn Luận nhập Tiểu chủng viện Xã Đoài (giáo phận Vinh) dưới thời Thừa-sai Le Gouriérec làm Giám-Đốc. Năm 1928, qua sáu năm học hành xuất sắc, đến hạn đi giúp xứ. Nhưng may mắn ngài không phải đi, vì theo chương trình cải tổ Chủng Viện, Thừa-Sai Văn can thiệp được với Đức Cha Bắc (Eloy) cho hai người tên là Cao Văn Luận và Trương Cao Khẩn đi học ở Pellerin Huế. Về sau có thêm một số thầy cùng đi và sau trở thành linh mục, đó là các cha Trần Văn Sáng, Vũ Minh Khiêm và Bùi Đình Đề. Qua năm 1933, cả hai tốt nghiệp ban Thành chung, rồi tiếp nhập vào Đại Chủng Viện Xuân-Bích Hà Nội. Trong thời gian học tại đây, ngài dọn hai chương trình đạo đời cùng một lúc và đến cuối năm 1935, ngài đậu Tú Tài II. Theo phong tục thời đó, đáng lẽ ngài phải làm lễ vinh qui bái tổ, nhưng ngài không chịu cho ai tổ chức gì. Đến ngày 8.6.1939, ngài và thầy Trương Cao Khẩn cùng thụ phong linh mục.

Cũng năm 1939, theo LM Cao Hữu Phan, nhờ nhà nước Bảo hộ thay đổi chính sách kỳ thị giáo sĩ nên Giáo phận Vinh được ưu tiên một học bổng du học Pháp. Bề trên Giáo phận đã dành cho Linh mục Cao Văn Luận học bổng này và ngài ghi danh vào học ở Sorbonne, theo khoa Triết và Văn chương, trọ ở Institut Catholique. Năm 1942 ngài đậu Cử nhân Triết học và Văn chương. Từ năm 1942-1943, ngài chuẩn bị gia nhập Hội dòng Xuân Bích, nhưng rồi bất thành.

Qua năm 1944 ngài ghi danh làm luận án Tiến sĩ và theo học trường Sinh ngữ Á châu ở Paris, tốt nghiệp năm 1945. Cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ và ngài bỏ luôn việc làm luận án Tiến sĩ. (LM Cao Hữu Phan, Lịch sử Giáo phận Vinh, từ trang 420-421 và Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo phận Huế, từ trang 389-390).

3.- Những sinh hoạt và tiếp xúc với các chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo ở hải ngoại.

Năm 1971, Linh mục Cao Văn Luận cho xuất bản cuốn hồi ký được quảng cáo mà theo ý ngài là hơi khoe khoang “Hồi ký lột mặt nạ lịch sử” trên báo chí lúc bấy giờ, nên sau đó đổi là “Bên Giòng Lịch Sử, hồi ký 1940-1965”, phát hành tại Miền Nam Việt Nam và được đánh giá là một tập hồi ký giá trị.

Qua hồi ký đó trước hết phải ghi nhận rằng Linh mục Cao Văn Luận là người có lập trường quốc gia chân chính. Tại Pháp, ngài sống liên hệ mật thiết với các tổ chức sinh viên VN và Việt kiều, thành lập Hội Liên hiệp những người Đông Dương (Fédération Des Indochinois de France) với chủ tịch đầu tiên là Trần Hữu Phương và các hội viên sáng lập như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, hai anh em Hoàng Xuân Mãn, Hoàng Xuân Nhị (em Hoàng Xuân Hãn). Ngài tiếp xúc với Đại Tá Paul Arnoux từng làm chánh mật thám tại Đông Dương. Sau khi hội này tan rã, ngài lập Hội Những Người Công Giáo Việt Nam tại Pháp (Association des catholiques Vietnamiens de France). Các lãnh tụ của hội mới này cũng bị bắt trong đó có Nguyễn Hy Hiền (em Linh mục Nguyễn Văn Thích ở Huế). Theo linh mục Cao Văn Luận, người Công Giáo VN có thể không chấp nhận chủ nghĩa CS nhưng lại ở cái thế bắt buộc phải ủng hộ việc đòi hỏi độc lập cho đất nước. Ngài cũng hy vọng chút ít ở bài diễn văn của De Gaulle đọc tại Brazzaville ngày 30-1-1944 trong đó có những đoạn hứa hẹn để các dân tộc tại các lãnh thổ thuộc địa tiến bộ dần đến có thể tự quản trị.

Ở Paris cũng có Linh mục Trần Thanh Giản, gốc làng Phú Ninh, Đồng Hới, trở lại Công Giáo và đi tu làm linh mục, qua Pháp rất sớm và lo cho sinh viên VN du học ở đây. Ngài là người thành lập Giáo xứ Việt Nam và mới chết cách đây vài năm.

a) Cuộc hội kiến hi hữu giữa Linh mục Cao Văn Luận với Cựu Hoàng Duy Tân.

Khi nói về cuộc gặp gỡ này thiết tưởng cũng nên nhắc lại đôi điều về Cựu Hoàng Duy Tân. Vua Duy Tân sinh ngày 19.9.1900, con vua Thành Thái. Là người có khí tiết từ nhỏ lúc mới lên ngôi, vua Duy Tân không ưa người Pháp. Nhiều giai thoại về vị vua này phổ biến bên ngoài khiến ông được sự cảm mến, kính trọng của nhân dân. Thí dụ có hôm ngồi câu cá ở Cửa Tùng, Quảng Trị, vua Duy Tân có đọc một câu: “Ngồi trên nước không ngăn được nước, Chót buông cần phải lỡ vì câu.” Một lần khác, thấy tay vua nhơ, một vị quan múc nước cho ngài rửa tay. Vua hỏi: “Tay nhớp lấy nước mà rửa. Nước nhớp lấy chi mà rửa?”. Do sự liên hệ mật thiết với các nhà chí sĩ yêu nước, vua bí mật tán thành cuộc khởi nghĩa năm 1916 của Thái Phiên và Trần Cao Vân. Cuộc khởi nghĩa bất thành, vua bị bắt và ngày 3-11-1916 bị đày sang đảo Réunion. Trong thế chiến 2, ông gia nhập kháng chiến quân Pháp chống lại phe quốc xã Đức. Ông là hội viên của Hội Tam Điểm và có chút ít giao thiệp với Tướng De Gaulle. Từ năm 1936 đến 1940 nhiều lần ông gửi thư xin phục vụ trong Quân đội Pháp nhưng đều bị Bộ Thuộc Địa Pháp bác đơn vì tờ khai lý lịch bị phê là “…parait difficile à acheter, extrêmement indépendant…, intrigue pour quitter la Réunion et rétablissement trône d’Annam.” (Có vẻ khó mua chuộc, rất độc lập, mưu đồ rời khỏi đảo Réunion để tái lập ngôi báu ở An Nam). (Lâm Lễ Trinh,Việt Nam trong thế bí: De Gaulle và vua Duy Tân qua những tiết lộ của Hoàng tử Vĩnh San, Tạp chí Định Hướng, số 43- Mùa Hè 2005, trang 54 ). Trong tập Hồi ký Chiến tranh, chính Tướng De Gaulle nhận xét vắn gọn về vua Duy Tân: “… Đó là một nhân vật đầy cương nghị. Mặc dù bị lưu đày ròng rã 30 năm trời, hình ảnh của ông không hề phai mờ trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam.” (Lâm Lễ Trinh, bài đã dẫn, trang 46).

Lần thứ nhất vào mùa đông 1944, Cựu Hoàng Duy Tân, trong bộ quân phục của Pháp với cấp bậc chuẩn úy đã tìm tới gặp Linh mục Cao Văn Luận tại nhà riêng, cho biết ông muốn trở lại hoạt động chính trị nhưng chưa bộc lộ hẳn theo chiều hướng nào. Cựu hoàng cho biết ông gia nhập lực lượng kháng chiến chống quốc xã Đức và Pháp đưa ông đến Madagascar. Ông nói: “Tôi được mang cấp bậc chuẩn úy, như ngài thấy. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta giúp nước Pháp trong hoạn nạn, hay ít ra tỏ lòng hào hiệp với nước Pháp trong lúc đó, thì có thể gây cho họ sự kính nể đối với ta về sau họ phải nghĩ lại nhiều hơn khi tái chiếm Đông Pháp.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 34). Cựu hoàng nhờ linh mục thu xếp để được gặp sinh viên và Việt kiều trong một cuộc tiếp tân tổ chức sau đó chừng một tuần.

Trong lần gặp thứ hai này, Cựu hoàng Duy Tân tới thăm với vẻ mặt trầm ngâm xen vẻ băn khoăn. Qua câu chuyện, khi có người đặt vấn đề hợp tác với Pháp cũng được nhưng hợp tác như thế nào? theo cương vị nào? Cựu hoàng Duy Tân trả lời: “Người Pháp đang cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Pháp. Họ có thể chấp nhận cho ta thành một quốc gia tự trị trong Liên hiệp Pháp. Thiết tưởng điều đó cũng không trái với quyền lợi quốc gia. Dần dà chúng ta đòi thêm quyền hành về cho chúng ta. Trước binh lực hùng hậu của Pháp, và hậu thuẫn của đồng minh Tây phương, chúng ta biết làm gì hơn? Chống Pháp. Chúng ta đã thấy những tấm gương chống Pháp, và tôi đây là nạn nhân của một lối chống Pháp nóng nảy vụng về. Rồi đất nước chúng ta sẽ phải chịu một cảnh chiến tranh tàn khốc mà kết quả chưa biết là thắng hay bại.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 41-42).

Khoảng hơn hai tuần sau, có lẽ vào cuối năm 1944, vua Duy Tân trở lại gặp Linh mục Cao Văn Luận và các anh em Việt kiều, sinh viên. Cuốn hồi ký cho biết: “Lần này tôi thấy ông thay đổi nhiều. Trước hết là y phục. Ông mặc quân phục sang trọng đúng một loại áo thẳng nếp và lại là loại quân phục dạo phố. Ở cầu vai ông mang cấp hiệu Đại-Tá bộ binh Pháp. Tôi linh cảm như có một sự thay đổi quan trọng hơn ở vua Duy Tân, trọng đại gấp mấy lần sự thay đổi hình thức y phục.”

Tác giả “Bên Giòng Lịch Sử” viết tiếp: “ Vua Duy Tân cho biết rằng, ông được người Pháp giúp đỡ thành lập một đạo quân toàn người Việt Nam, với mục đích sẽ đi tiền phong trong cuộc hành quân tái chiếm Đông Pháp. Hiện nay đạo quân này do ông cầm đầu, và tuyển mộ được một tiểu đoàn. Tiểu đoàn này được đem sang đóng ở Constance, bên Đức. Phần lớn quân số tiểu đoàn này là những lính thợ, lính khố đỏ, và một ít người Việt gia nhập kháng chiến ở Madagascar và các thuộc địa khác.”

Linh mục Cao Văn Luận nói rõ suy nghĩ của mình: “Tôi bắt đầu thấy rõ mưu mô của người Pháp. Họ muốn dùng vua Duy Tân như một lá bài. Chính vua Duy Tân biết điều đó, nhưng lại chấp thuận hợp tác với người Pháp.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 43)

Vua Duy Tân đề xướng ra phong trào Cờ Tự Trị, dự định tổ chức các Việt kiều ở Pháp thiện cảm với ông thành môt đảng. Linh mục Cao Văn Luận từ đó không tiếp xúc với vua Duy Tân nữa. Ít lâu sau nghe nói vua Duy Tân tử nạn máy bay khi sang Algérie thăm vua Hàm Nghi. Vua Duy Tân hưởng dương 45 tuổi và ngày 2-4-1987, hài cốt ông được đưa từ đảo Réunion về Huế, cải táng tại An-lăng, Huế bên cạnh vua cha là Thành Thái.

Lúc này khuôn mặt một minh chủ rất cần thiết, đó là điều dĩ nhiên nhưng ai sẽ là minh chủ xứng đáng để qui tụ quần thần, tả hữu, toàn dân. Đó là vấn nạn bắt đầu xuất hiện trong đầu Linh mục Cao Văn Luận. Cũng lúc này, qua hồi ký (trang 47) linh mục cho biết “Tôi chưa có một dự tính nào về một vai trò cho mình trong lịch sử Việt Nam, hay cạnh những người có hy vọng làm lịch sử Việt Nam”.

Tháng giêng năm 1946, De Gaulle rút lui và Bidault thuộc Mouvement Républicain Populaire (MRP – Phong Trào Cộng Hòa Bình Dân) lên làm Thủ tướng Pháp chủ trương chiếm lại xứ Đông Pháp bằng mọi giá. Trước những khó khăn sắp xảy tới, Linh mục Cao Văn Luận tỏ ra sáng suốt là khuyên các sinh viên VN và Việt kiều nên tập họp nhau lại trong một đoàn thể có tổ chức, có sinh hoạt và sau đó Hội Fédération Des Indochinois De France được thành lập với Bửu Hội làm chủ tịch, Trần Hữu Phương tổng thư ký.

b) Các cuộc gặp gỡ với Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc đời đã đưa đẩy linh mục Cao Văn Luận gặp nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và đây là ba lần Linh mục Cao Văn Luận đã trực tiếp gặp Hồ Chí Minh.

Lần thứ nhất tại Pháp, khi Hồ Chí Minh từ Biarritz đến phi trường Bourget vào sáng 22-6-1946 thì Nguyễn Mạnh Hà trước đó đã cho linh mục biết Việt Minh đang có chủ trương đòi tách rời Giáo Hội Việt Nam ra khỏi Tòa thánh Vatican. Trong buổi gặp lần thứ nhất tại Hôtel Royal, Hồ Chí Minh gợi ý cho Linh mục Cao Văn Luận là các linh mục trẻ như linh mục phải cùng với chính phủ ta, tranh đấu đòi lại quyền tự trị cho các địa phận đạo ở Việt Nam. Linh mục Cao Văn Luận, minh nhiên đứng về lập trường chân chính của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đã trả lời điềm này như sau:

-Thưa cụ chủ tịch, đây là điều tôi muốn thưa với cụ Chủ tịch hôm nay, tôi có nghe ở bên nước nhà có phong trào đòi lập Giáo Hội tự trị. Thưa cụ, những người Công Giáo Việt Nam chúng tôi cũng muốn tự lập theo một nghĩa nào đó. Chúng tôi đều mong cho các địa phận Việt Nam có đầy đủ những giám mục đều là người Việt Nam. Đó cũng là đường lối mà Vatican luôn luôn chủ trương là theo đuổi. Thưa cụ chúng tôi không thấy có gì phải phản đối, nếu những người Công Giáo Việt Nam muốn tự đảm nhiệm lấy sự cai quản việc đạo trong nước mình. Nhưng thưa cụ, tôi thiết nghĩ cách tiến đến sự tự lập cho Giáo Hội Việt Nam phải được suy xét và thực hiện đúng cách.

Rồi ngài gợi ý Hồ Chí Minh nên đến Rôma xin yết kiến Đức Giáo Hoàng đề nghị Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm thêm các Giám mục VN để cai quản các địa phận VN. Hồ Chí Minh có vẻ không bằng lòng và trả lời “Đó không phải là việc chính phủ”.

Cũng lần này Hồ Chí Minh lại đưa ra ý kiến làm sao cho các giáo dân Việt Nam đừng đi cầu kinh với các cố đạo Pháp vì làm như vậy thì có vẻ còn nô lệ Pháp.

Linh mục Cao Văn Luận trả lời: “Thưa cụ Chủ tịch, người Công Giáo đi cầu nguyện ở đâu, có ai xướng kinh thì cũng chỉ cầu nguyện với Chúa chớ không hề có chuyện cầu nguyện với người Pháp. Vả lại theo tinh thần Công Giáo, thì chúng tôi coi mọi người giống nhau, các linh mục ngoại quốc, hay linh mục Việt Nam về phần đạo không có gì đặc biệt cả. Nếu chúng tôi còn phân biệt người Pháp với người Việt trong việc đạo, thì Tòa thánh sẽ cho rằng người Công Giáo Việt Nam còn ấu trĩ, thiếu kỷ luật đạo, và sẽ không thể xúc tiến việc trao quyền cai quản các địa phận và các họ đạo cho các giám mục và các linh mục Việt-Nam được” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 81)

Khi Hồ Chí Minh hỏi như vậy không phải ông ta không biết rõ là người Công Giáo phải đọc kinh cầu nguyện với Chúa và trung thành với Tòa Thánh Vatican, nhưng ý ông ta là muốn lung lạc tinh thần Linh mục Cao Văn Luận, và nếu Cha Luận không cứng rắn thì sẵn đà Hồ sẽ tiến tới luôn, nhưng khi Hồ nhận thấy đề tài này có thể gây rắc rối nên vội lánh sang chuyện khác. Chính sách tự trị tôn giáo trong câu hỏi thứ nhất của họ Hồ cũng là sự rập khuôn chính sách quốc tế của người Cộng Sản từ Liên Xô qua Trung Quốc đối với tôn giáo, thấy rõ nhất sau khi Mao Trạch Đông chiếm Hoa Lục năm 1949.

Lần thứ hai Linh mục Cao Văn Luận gặp Hồ Chí Minh là trong một buổi tiếp tân tại khách sạn Hôtel Royal có lúc còn được gọi là Hôtel Royal-Monceau, khách mời có khoảng 30 người trong đó có cha Nguyễn Văn Lập (sau này là Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt), cha Hoàng Trọng Tiến. Giữa câu chuyện có lúc Hồ Chí Minh nói:

-Chính phủ bên nước nhà đang theo đuổi mục tiêu tranh thủ độc lập, đem hạnh phúc lại cho toàn dân. Nhưng muốn đem hạnh phúc cho toàn dân, thì phải thực hiện xã hội chủ nghĩa. Giả sử mà chúa Giêsu sinh ra đời vào thời đại này, trước sự đau khổ của người đời như lúc này, mà Chúa muốn cứu vớt, thì chắc là cũng phải theo xã hội chủ nghĩa. (Bên Giòng Lịch Sử, trang 89)

Linh mục Cao Văn Luận viết tiếp:

“Tôi và các cha mỉm cười vì cái lối so sánh kỳ cục của cụ Hồ, tôi trả lời cụ:

-Thưa cụ Chủ tịch, về việc tranh thủ độc lập, thì mọi người Việt-Nam Công Giáo hay không Công Giáo đều sẵn sàng tham gia. Nhưng về việc thực hiện xã hội chủ nghĩa, thì chúng tôi thiết nghĩ có nhiều người không đồng ý rằng đó là giải pháp duy nhất để đem hạnh phúc lại cho con người.

Cụ Hồ vỗ vai tôi, cười:

-Cha lại tuyên truyền rồi.

Có lẽ lúc đó tôi còn trẻ, nên tôi có hơi long trọng trong câu chuyện một cách quá đáng. Tôi không cười, thưa lại:

-Thưa cụ Chủ tịch, tôi đâu có ý tuyên truyền. Tôi nói ra ai nghe thì nghe, ai không thì thôi, tôi chẳng bao giờ chủ trương bắt những người không nghe theo lời nói của mình vào trại tập trung cả. (Bên Giòng Lịch Sử, trang 90).

Trong lần gặp thứ hai này câu chuyện giữa Hồ Chí Minh với linh mục Cao Văn Luận cũng là sự tương khắc trong vấn đề tôn giáo. Hồ Chí Minh nửa đùa nửa thật khuyên các linh mục có mặt trong buổi tiếp tân: “Các chú còn trẻ và đẹp trai cả sao không chịu lấy vợ đi? Các chú không lấy vợ, xã hội, đất nước thiệt thòi biết bao nhiêu?” Lời khuyến cáo này của họ Hồ không còn nhuốm màu sắc chính trị mà chuyển sang sắc thái xã hội và chút ít nhân bản nhưng linh mục Cao Văn Luận đã cũng dùng giọng bông đùa để trả lời: “Xin lỗi cụ Chủ tịch, thế tại sao cụ không lấy vợ để làm lợi cho xã hội?”.

Ông Hồ đáp: “Tôi độc thân được, nhưng các chú còn trẻ, độc thân sao nổi. Trông thấy hoa, sao khỏi muốn hái được.

-Thưa cụ, bây giờ cụ đã già, nhưng trước kia cụ cũng trẻ như chúng tôi, mà cụ vẫn độc thân được, thì chúng tôi cũng có thể độc thân được: chúng tôi cũng có thể trông thấy hoa mà không muốn hái vì bận theo một lý tưởng khác.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 92).

Trong hai lần gặp gỡ này, rõ ràng Linh mục Cao Văn Luận đã lưu ý Hồ Chí Minh về những điều tinh tế của vấn đề tôn giáo, nhất là của Công Giáo với những lời lẽ bộc trực, đúng đắn mà rất thẳng thắn về cái mà người Cộng Sản coi là thuốc phiện của nhân dân. Cũng may cho Linh mục Cao Văn Luận là lúc bấy giờ Hồ Chí Minh đến nước Pháp trong tư thế hạ phong (1946) chứ nếu như là năm 1954, nghĩa là khi Hồ mới từ chiến khu trở về Hà Nội trong tư thế của kẻ chiến thắng thì chắc chắn linh mục thân yêu của chúng ta cũng đã gặp khó khăn không ít.

Cuốn hồi ký của Linh mục Cao Văn Luận có nói đến cuộc tiếp tân của Hồ Chí Minh vào ngày 25 tháng 6 với người tham dự rất đông gồm các chính khách, trí thức, nhân sĩ, báo giới Pháp bên trong khách sạn. Bên ngoài có khoảng trên ba trăm Việt kiều xen lẫn cán bộ Việt Minh kéo tới hoan hô, ủng hộ. Linh mục Cao Văn Luận mô tả: “Trong buổi tiếp tân này một đảng viên cộng sản Pháp, thuộc hệ phái Trostsky, tức là Đệ tứ Quốc tế, có hỏi trường hợp cái chết của Tạ Thu Thâu. Cụ Hồ làm mặt buồn rầu, thiểu não, đã trả lời rằng: Ông Thâu là một nhà ái quốc lớn, và chúng tôi rất buồn lòng khi hay tin ông mất. Bị hỏi dồn, ai là thủ phạm thủ tiêu ông Thâu, cụ Hồ trả lời gắng gượng: Tất cả những ai đi sai con đường tôi đã vạch, đều phải bị tiêu diệt. Con người cộng sản giáo điều ở cụ Hồ hiện rõ trong câu nói đó, và câu nói tàn bạo đó giải thích được những hành động sau này của chính phủ Việt Minh ở vùng gọi là giải phóng.”

Đây là một phát giác khá quan trọng về thực trạng sắt máu trong chính sách của ông Hồ Chí Minh, hình như cũng được sử gia Pháp Daniel Hémery có mặt trong buổi tiếp kiến đó ghi lại về sau.

Lần gặp gỡ thứ ba với Hồ Chí Minh là tại nhà ông Raymond Aubrac cùng với khá đông Việt kiều. Hồ Chí Minh cho biết một khi thương thuyết không có kết quả thì không còn có cách nào khác là phải đánh. Ông Hồ có nhờ Linh mục Cao Văn Luận viết một lá thư cho các Giám mục VN nhưng ngài tìm cách thoái thác.

Phương cách ứng xử của Linh mục Cao Văn Luận đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc lộ sự thông minh, mẫn tiệp của một nhà trí thức, mẫu hình của một bậc lương sư, ưu tư đối với vận nước và tiền đồ của Giáo Hội Công Giáo Việt nam, không quá khắt khe trong khuôn mẫu tôn giáo, nhưng cũng thẳng thắn trình bày quan điểm của mình trước một vị nguyên thủ quốc gia.

c) Cuộc triều yết Đức Giáo Hoàng PIÔ XII của Linh mục Cao Văn Luận.

Khoảng đầu năm 1947, Linh mục Cao Văn Luận thu xếp cùng một số các linh mục khác như cha Mai, cha Khiết, cha Bồng sang Ý bằng xe lửa xin yết kiến Đức Giáo Hoàng lúc bấy giờ là Đức Giáo Hoàng Piô XII. Lý do là ngài muốn hiểu thêm trách nhiệm cũng như vai trò của một người Công Giáo, của một linh mục Công Giáo đối với số phận đất nước mình. Hồi ký “Bên Giòng Lịch Sử” cho biết các linh mục đồng hành đã giao hết cho cha Luận trách nhiệm và vinh dự hầu chuyện với Đức Thánh Cha… Trước đó các ngài đã gửi thư xin yết kiến Đức Thánh Cha lên Bộ Truyền Giáo của Tòa thánh Vatican , nên trong ngày đó, các linh mục đã đến gặp Đức Hồng Y và lấy giấy giới thiệu… Được biết Đức Thánh Cha đang nghỉ mát tại biệt điện Castel Gondolpho, hôm sau, các ngài đi xe buýt đến nơi đó, vào lúc 8 giờ…Tất cả ngồi trong phòng Đức Hồng Y phụ trách nghi lễ và tiếp khách một lúc, được dặn dò những cách thức quỳ lạy hôn tay Đức Thánh Cha. Một lát sau, tất cả được dẫn đến cửa văn phòng, và từ trong văn phòng, Đức Thánh Cha bước ra nhìn thẳng vào các ngài, mỉm cười hiền từ và nói chuyện với các vị nầy bằng tiếng Pháp: “Cha yêu mến dân tộc Việt Nam của chúng con nhiều lắm và cha rất sung sướng được gặp các con. Cha còn nhớ một người Việt Nam hiền đức mà cha thương mến, là Đức Nam Phương Hoàng Hậu… Tôi trình Đức Thánh Cha những thắc mắc của tôi, của những người Công Giáo, và nhất là của những linh mục Công Giáo trong tình thế mới:

Kính tâu Đức Thánh Cha, chúng con muốn xin Đức Thánh Cha soi sáng cho chúng con một vài niềm băn khoăn. Hiện nay bên nước Việt Nam của chúng con có một phong trào đang nổi lên dành độc lập, đánh Pháp. Phong trào Việt Minh như một làn gió mạnh thổi từ Nam chí Bắc, nung nấu tâm chí mọi người Việt Nam, nhưng chúng con biết rằng phong trào đó đã bị cộng sản chi phối, mặc dầu mục tiêu đấu tranh của nó là mục tiêu chung của dân tộc Việt Nam chúng con. Chúng con là người Công Giáo lại là linh mục Công Giáo, chúng con không biết nên có thái độ như thế nào trước phong trào này.

Đức Thánh Cha có vẻ trầm ngâm, nghĩ ngợi một phút, giọng ngài chậm rãi, từ tốn, dè dặt:

-Cha biết rằng những người Công Giáo Việt Nam đang làm bổn phận người yêu nước của họ.

Tôi nhớ rõ nguyên văn câu nói bằng tiếng Pháp của Đức Thánh Cha: (Nous savons que les Catholiques Annamites font leur devoir de patriotes). Sau câu nói đó, Đức Thánh Cha im lặng nhìn chúng tôi, ánh mắt có vẻ nhiều buồn phiền, đau thương, xót xa. Ngài ban phép lành cho chúng tôi, và theo lệ thường, gửi phép lành về cho những người thân, cho đất nước chúng tôi. Câu nói của Đức Thánh Cha làm tôi suy nghĩ mãi từ đó không dứt. Câu nói có thể hiểu nhiều cách, không chê trách, không bắt buộc, không dạy bảo phải hành động như thế này hay thế kia, mà để toàn quyền lựa chọn và quyết định cho người trong cuộc. “Những người Công Giáo Việt Nam chỉ làm bổn phận người yêu nước”. Khi họ theo Việt Minh, dù biết Việt Minh là cộng sản, khi họ chiến đấu chống Pháp, họ cũng làm bổn phận người yêu nước.”

Sau cuộc triều yết này với Đức Thánh Cha Piô XII, Linh mục Cao Văn Luận cho biết: “Tôi cảm thấy như trút được gánh nặng. Giáo Hội không lên án người Công Giáo Việt Nam làm bổn phận người yêu nước. Quyền lựa chọn và quyết định là ở mọi người. Và riêng tôi đã có sự lựa chọn, quyết định. Tôi không thể dửng dưng, đứng ngoài, trốn tránh cuộc chiến tranh máu lửa trên đất nước tôi. Tôi phải về nước, mặc dù chưa biết sẽ làm gì, sẽ làm được gì. (Bên Giòng Lịch Sử, trang155-156).

4.- Con đường xây dựng và phục vụ chính nghĩa quốc gia thời Đệ I Cộng Hoà.

Tháng tám năm 1947, Linh mục Cao Văn Luận cùng 15 cha Việt Nam khác lên chiếc tàu Felix Roussel về nước. Tàu ghé Vũng Tàu rồi ngược giòng sông lên Sài Gòn. Từ đây ngài lấy vé tàu thủy ra Hải Phòng rồi từ đó lên Hà Nội, gặp Hoàng Bá Vinh cầm đầu một nhóm cán bộ của ông Ngô Đình Diệm đang hoạt động cho một giải pháp quốc gia thuần túy, nghĩa là không theo Việt Minh mà cũng không hợp tác với Pháp. Ít lâu sau, một số nhà trí thức không hợp tác với người Pháp, từ vùng Việt Minh trốn về đã đến gặp linh mục như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Dương Đôn v.v… Ngài cũng có gặp Nguyễn Thế Truyền là người từng viết tựa cuốn sách của Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh), cuốn Le procès de la colonization francaise, nhưng không thấy gì xuất sắc ở nhân vật này.

Khoảng cuối năm 1947, ông Trần Văn Lý cầm đầu Hội Đồng Chấp Chính Trung Việt từ Huế ra Hà Nội, có đến gặp Linh mục và mời ngài về Huế, ngài nhận lời. Ngài cũng nhắc chuyện có một người tên là Nguyễn Khuê được Hoàng Bá Vinh đưa đến giới thiệu với ngài và trong lần gặp thứ hai Khuê ca tụng ông Ngô Đình Diệm và trao cho Linh mục một tập giấy viết tay, chữ ông Diệm trình bày cái giải pháp và chủ nghĩa của ông. Nguyễn Khuê này có lẽ là Hồ Sĩ Khuê sau này có viết quyển Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Hồi ký “Bên Giòng Lịch Sử” ghi lại như sau: “Khuê trao cho tôi một tập giấy viết tay, chữ của ông Diệm, đoạn thì viết bằng tiếng Pháp, đoạn thì bằng tiếng Việt trong đó ông Diệm trình bày các giải pháp và cái chủ nghĩa của ông. Trên phương diện một người khảo sát văn chương hay triết lý thì tôi không thể nào phục cái gọi là chủ nghĩa Xã hội quốc gia gì đó của ông Diệm được. Lập luận đôi khi lúng túng vấp váp chẳng có gì khúc chiết vững chắc. Đại để thì tôi hiểu là ông Diệm chủ trương xây dựng một lực lượng quốc gia thuần túy, không phải cộng sản, mà cũng không theo Pháp, nhưng cũng lại không chủ trương đánh Pháp, mà hình như là chủ trương một sự thương thuyết nào đó với Pháp, trên căn bản Pháp phải công nhận đương nhiên và trước hết nền độc lập, thống nhất, chủ quyền của Việt Nam từ Cà Mâu đến Nam Quan. Lý thuyết thì không làm cho tôi phục được, nhưng cái tâm huyết của một người muốn tìm một đường đi cho quốc gia Việt Nam trong hoàn cảnh đặc biệt này thì làm cho tôi thấy thương mến, kính trọng ông.” (trang 167). Đối với một bậc “lương sư” như linh mục Cao Văn Luận, vốn được đào luyện kỹ càng trong môi trường chữ nghĩa và lý luận (triết học), dĩ nhiên ngài có thừa nhận thức và hiểu biết để đánh giá một lý thuyết, một chủ nghĩa, nhưng cái tâm của ngài vẫn là cái tâm bao dung, khoáng đạt trong cách nhìn người và nhìn sự việc.

Cuối năm 1947, Cha Luận vào Huế gặp Ngô Đình Cẩn, Trần Điền (khuynh hướng Đại Việt), được Trần Văn Lý đề nghị làm Giám đốc Nha Văn hóa Miền Trung, rồi từ Huế đi ra Đồng Hới (ngụ tại Giáo xứ Tam Tòa) rồi từ đây đi ca-nô ra Quảng Khê lên Ba Đồn và về xứ Đan Sa trông coi giáo xứ này. Lúc bấy giờ một số giáo xứ đã liên lạc với người Pháp xin súng để rào làng chống Việt Minh. Từ tháng tư 1948 nghe nói Bảo Đại về nước. Linh mục Cao Văn Luận từ Quảng Khê vào Đồng Hới và mua vé máy bay vào Huế. Bửu Lộc đánh điện mời Linh mục Cao Văn Luận lên Đà Lạt ý chừng nhờ ngài thuyết phục ông Ngô Đình Diệm lúc đó đang ở Đà Lạt ra thành lập một chính phủ nhưng khi gặp, ông Diệm lắc đầu.

Trong lần gặp đầu tiên, ông Ngô Đình Diệm đã tỏ ra có những nhận định chính trị rất chính xác và sắc bén:

-Vùng Cao nguyên này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm ở giữa ba quốc gia Việt Miên Lào. Ai chiếm giữ được cao nguyên này có thề gây áp lực được đối với cả ba quốc gia đó. Người Pháp gọi vùng Cao nguyên là Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá hình trên thực thể, chủ tâm của họ là biến vùng này thành thuộc địa Pháp. Về mặt kinh tế, thì vùng Cao nguyên hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai. Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam. Rồi còn vấn đề thể diện quốc gia, chủ quyền nữa. Không thể bỗng dưng nhường cho Pháp một vùng đất quan trọng như thế, nằm ngay giữa lãnh thổ quốc gia, người Việt Nam nào muốn lên lại phải xin thông hành!

Linh mục Cao Văn Luận tiếp lời:

-Cụ nói đúng. Tôi có đọc một cuốn sách đại ý rằng Pháp muốn ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam về phía Tây, muốn để dân tộc Việt Nam dừng lại ở các miền duyên hải, còn Pháp thì phải giữ vững vùng Cao Nguyên Trường Sơn, vừa để ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam, vừa canh phòng phía Lào. Như vậy khi lập Hoàng Triều Cương Thổ, đặt trực thuộc Pháp, thì Pháp đã bắt đầu thi hành đúng cái chính sách đó rồi.

Lần đó ông Ngô Đình Diệm cho biết đường lối chính trị của ông qua lời tâm sự với cha Luận như sau: -Trong một vài trường hợp, mình có thể tính chuyện hợp tác với người Pháp trên căn bản thỏa hiệp vịnh Hạ Long, với một điều kiện: Bảo Đại không phải là Bảo Đại. (Bên Giòng Lịch Sử, trang 179-180).

Trong dịp này, Linh mục Cao Văn Luận cũng được mời hội kiến với Cựu Hoàng Bảo Đại tại biệt điện sang trọng của ông nằm trên một đồi thông. Cựu Hoàng cho biết sở dĩ ông về nước làm việc cho quốc gia vì thấy nước Pháp chịu nhượng bộ khá nhiều theo thỏa ước vịnh Hạ Long. Bảo Đại cũng cho biết các nhân vật quốc gia chân chính phần nhiều đều từ chối hợp tác hoặc có vị đòi hỏi những điều kiện quá lý tưởng. Linh mục Luận cho biết Bảo Đại trông có vẻ chán chường và mệt nhọc khi có lúc nằm chuồi dài trên ghế bành mà nói chuyện.

Sau đó Linh mục Cao Văn Luận về Huế rồi trở lại Hướng Phương là một xứ đạo lớn của tỉnh Quảng Bình. Năm 1949, ngài rời Hướng Phương và vào Huế mở lớp Triết đầu tiên tại trường Quốc Học Huế mà theo ngài cho biết người học trò chăm nhất là Âu Ngọc Hồ. Các tác phẩm ngài biên soạn lúc đó gồm: Triết học đại cương, Tâm lý học, Luận lý học, Đạo đức học tất cả đều thuộc loại giáo khoa triết học biên soạn bằng tiếng Việt dùng để đi thi Tú Tài II. Ngoài ra ngài cũng phiên dịch các bộ sách khác như : Phương pháp luận (Discours de la méthode) của Descartes, Vật chất và Ký ức (Matière et Mémoire) của Bergson, Năng lực tinh thần (Énergie spirituelle) của Bergson, Hai nguồn mạch của đạo đức và tôn giáo (Les deux sources de la morale et de la religion) của Bergson.

Cũng từ đó, Linh mục Cao Văn Luận bắt đầu liên lạc với linh mục Emmanuel Jacques Houssa, người Bỉ, từng sống ở Phát Diệm từ 1939 đến 1945 là người đã tổ chức cho nhiều sinh viên du học nước ngoài và nhất là giới thiệu ông Ngô Đình Diệm để được tiếp đón tại dòng tu Maryknoll thuộc tiểu bang Maryland (có lẽ linh mục Luận nhớ lầm, dòng tu này thuộc tiểu bang New Jersey). Cũng cần nói thêm ở đây một chút. Theo Linh mục AntônTrần Văn Kiệm, trong cuốn hồi ký có tên Sự Thực Có Sức Giải Phóng , Đức Giám Mục Ngô Đình Thục, bào huynh của ông Ngô Đình Diệm là bạn học cùng lớp với Đức Hồng Y Francis Spellman khi ở Rô ma nên Đức Hồng Y New York đã bảo lãnh cho ông Ngô Đình Diệm khi sang Mỹ và giới thiệu nên ông Ngô Đình Diệm được các Giám Mục và Linh Mục thuộc dòng Maryknoll đón rước vào các tu viện của họ. Các vị này có hai cơ sở, một sở Ossining tiểu bang Nữu Ước, một ở Lakewood tiểu bang New Jersey. Trong thời kỳ làm tân khách, ông Diệm lui tới cả hai cơ sở: lúc thì ở Ossining, lúc khác ở Lakewood. (Hồi ký, 2013, trang 26). Các thanh niên ưu tú lúc bấy giờ như Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Thị Quýt, Võ Thị Hồng Phúc, Phạm Đăng Tải, Phùng Viết Xuân được gửi sang Mỹ gặp cha Houssa. Về việc gửi các sinh viên trẻ đi du học nầy, Giáo sư Nguyễn Văn Trường, Giáo sư khoa học Đại Học Sư Phạm trong bài viết có tên “Huế, Viện Đại Học, Cha Luận và chúng tôi…” (trên mạng Namkyluctinh.org) đã viết: “Cha Viện Trưởng, vài năm trước khi thành lập Viện Đại Học Huế, đã có kế hoạch trồng người. Cha gởi nhiều học trò giỏi đi du học. Muốn là giáo chủ, khai đạo, phải có tông đồ. Nhưng tông đồ của cha, người đi thì có, người về không mấy ai. Cha tự an ủi: “Ở Sài Gòn, tức là thủ đô thời bấy giờ, quí vị ấy giúp Cha nhiều hơn.”Cũng vì thế, cha phải tuyển các hộ pháp, thời quân, sứ giả của cha ở nhiều nguồn khác nhau: tại chỗ, Sài gòn, Pháp, Anh, Đức, Bĩ… và đa số thì rất trẻ. Bên những bậc cha anh – như cụ Nhu, Cha Thích - bọn trẻ học hỏi và trưởng thành. Tôi bỗng dưng trở thành thời quân của Cha. Cũng tội cho tôi. Nhưng tôi đã được đền bù. Cuộc đời tôi nhờ đó mà đi lên”

Thời gian này ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh lên án tử hình và cơ quan Mật thám Pháp tỏ ý không đủ sức bảo vệ an ninh cho ông Diệm nên ông phải tìm cách lánh ra nước ngoài bằng cách xin đi dự Năm Thánh (1950) ở Rôma.

Tháng sáu 1953, Linh mục Cao Văn Luận, do sự thúc đẩy của ông Ngô Đình Cẩn, sang Pháp gặp ông Ngô Đình Diệm ở đây, và giữa những khó khăn do ông Diệm nêu ra, đã gợi ý ông Diệm nên nắm công an cảnh sát trước, quân đội sẽ tính sau. Cha Luận cũng gặp Nguyễn Đệ là Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại, vận động cho ông Ngô Đình Diệm bằng cách lưu ý Nguyễn Đệ rằng “Quốc dân lúc này không còn tin được vào ai nữa ngoài ông Diệm”. Trong dịp này, cha Luận cũng có cuộc hội kiến với một lãnh tụ Cộng Sản là Nguyễn Khắc Viện, con cụ Nguyễn Khắc Niêm từng là Thượng Thư Bộ Hình triều Nguyễn, sang Pháp học Y khoa từ năm 1936. Gặp cha Luận, Viện cố thuyết phục cha đừng ủng hộ ông Diệm vì đằng sau ông Diệm có Mỹ, và nếu có Mỹ nhúng tay vào thì cuộc nội chiến ở Việt Nam sẽ khốc liệt hơn. Cha Luận phản bác ý kiến của Viện, cho rằng với Mỹ, chế độ thực dân cũ đã cáo chung điển hình là Mỹ thắng Nhật rồi lại giúp Nhật phục hưng kinh tế mạnh mẽ. Mỹ vào Âu châu rồi cũng lại giúp Âu châu. Áp lực của Mỹ, nếu có theo chân ông Diệm dồn vào Việt Nam, cũng chỉ là một thứ áp lực kinh tế. Còn bên Viện, con đường nguy hiểm hơn nhiều vì sau lưng Cộng Sản Việt Nam là Trung Cộng. Năm 1953, cụ Nguyễn Khắc Niêm bị Việt Minh bắt đấu tố trong một đợt Cải Cách Ruộng Đất, chịu muôn phần sỉ nhục vì bị qui là địa chủ gian ác. Chịu không nổi nhục hình, cụ Niêm treo cổ tự tử chết trong chuồng trâu. Em ruột của Nguyễn Khắc Viện là Giáo sư Nguyễn Khắc Dương dạy ở Đại Học Đà Lạt cho người qua Pháp thông báo với Viện về cái chết của cha. Viện nói: “Về một phương diện nào đó thì cha cũng có tội với nhân dân.” Vì quyền lợi của Tầu, Mao Trạch Đông sẽ phải thôn tính Đông Nam Á. Cha Luận lưu ý Viện là dân chúng ủng hộ ông Ngô Đình Diệm, mong muốn ông về chấp chánh.

Những lần tiếp xúc sau đó với ông Ngô Đình Diệm, cha Luận khuyên ông nên gặp gỡ nhiều với các chính khách Pháp.

Từ Pháp, linh mục Cao Văn Luận sang Mỹ gặp cha Houssa, từ New York về New Jersey trú lại ở một nhà dòng các nữ tu, dịp này cha Luận làm quen với Linh mục Trần Văn Kiệm sang Mỹ từ nhiều năm trước. Cha Luận cũng gặp Phan Quang Đán lúc bấy giờ là một chính khách đang lên. Ông Đán tỏ ý muốn hợp tác với ông Diệm nếu được mời. Theo cha Luận, lúc này, “ông Diệm đang được lòng dân, ít ra là trong thành phần trí thức, tức là thành phần có ảnh hưởng lớn nhất trong một xã hội” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 236).

Trong một đại hội các du học sinh VN ở Chicago, Linh mục Cao Văn Luận tới đây để thăm viếng cha Houssa và các sinh viên được ngài gửi đi học, ngài cũng phân tích tình hình chính trị trong nước. Khi có nhiều người vẫn tin tưởng rằng “cụ Hồ là một người yêu nước chỉ mượn sức mạnh cộng sản quốc tế để giải phóng quốc gia khỏi ách đô hộ của Pháp”, Linh mục nói: “Tôi giải bày với các anh em đó rằng cộng sản là một tổ chức quốc tế chặt chẽ, cũng như lý thuyết cộng sản có một sức quyến rũ lớn, làm cho ai đã gia nhập khó mà thoát khỏi. Tôi vẫn thán phục cụ Hồ, nhưng không tin rằng cụ có thể coi cộng sản như một cơ hội, một sức mạnh vay mượn, và về sau xong việc có thể mang trả được.” Việc tìm hiểu lập trường của ông Hồ không chỉ có những người thanh niên, sinh viên của Linh mục Cao Văn Luận lúc bấy giờ nêu ra (khoảng 1949-1950) mà sau này từ 1962, khi Bernard Fall vốn là một sử gia luôn đi sát Hồ Chí Minh khi gắng gượng hỏi Hồ Chí Minh về một đôi điều xem ra bí mật, đã được Hồ yêu cầu là cho ông ta giữ một ít bí mật về ông ta. Gần đây một sử gia Nhật Bản, Yoshiharu Tsuboi (Bình Tỉnh Thiện Minh, chữ của Giáo sư Trần Văn Toàn trong cuốn Đạo Trung Tùy Bút, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, trang 15)) tác giả cuốn sách nổi tiếng, “Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa” (L’Empire Vietnamien face à là France et à la Chine, 1847-1885) cũng đã nêu quan điểm riêng, đọc thấy trên mạng một vài năm trước đây, khi cho rằng ông Hồ là cộng hòa hơn là cộng sản (sic). Tựu trung, có lẽ chỉ nhận định của Linh mục Cao Văn Luận nêu trên là chính xác hơn cả.

Từ Hoa Kỳ, Linh mục Cao Văn Luận sang Paris gặp thăm ông Ngô Đình Diệm. Bảo Đại lúc này đã đưa Bửu Lộc ra làm thủ tướng thay cho Nguyễn Văn Tâm. Ông Diệm vẫn tiếp tục đưa ra những điều kiện cũng giản dị: được toàn quyền điều hành chính phủ VN, đối phó trực tiếp với người Pháp dĩ nhiên vẫn nhân danh Bảo Đại trong khi ở bên nhà ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn tiếp tục củng cố tổ chức đảng, thu phục thêm đảng viên, lôi cuốn nhân tài. Ông Diệm nói tuy lúc này không thể về trong những điều kiện chưa thuận tiện nhưng nếu bên nước nhà có một phong trào nhân dân mạnh mẽ đòi hỏi ông Diệm về chấp chánh thì Bảo Đại và Pháp phải chấp nhận những điều kiện của ông Diệm.

Ngày 7-7-1954, ông Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng. Ngày 20-7, đất nước VN bị chia đôi theo hiệp định Genève, và hàng vạn người Miền Bắc lũ lượt di cư. Nhiều khó khăn xảy đến cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về phía Pháp, Bình Xuyên, quân đội do Nguyễn Văn Hinh cầm đầu khiến cho vị Thủ Tướng mới này chán nản, thất vọng có ý định bỏ nước ra đi. Giữa cảnh khó khăn đó, Linh mục Cao Văn Luận sau khi được ông Ngô Đình Cẩn mời gặp, đã vào Sài Gòn, tìm ngay đến Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trấn tỉnh ông, khuyên ông nên ở lại chấp nhận cuộc đấu tranh. Trong quan hệ được coi như “lương tể” đối với “minh quân”, Linh mục nhấn mạnh trách nhiệm của cụ Diệm đối với quốc gia Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nhất là trách nhiệm đối với hàng trăm ngàn dân di cư đã tin tưởng nơi cụ mà kéo vào đây. Linh mục Cao Văn Luận cũng lưu ý cụ Ngô Đình Diệm rằng : “Đồng bào di cư Bắc và Nghệ Tĩnh Bình là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một sức mạnh, cụ đã nghĩ đến chuyện nhờ đến sức mạnh đó chưa? Những đồng bào di cư hiện đang sống khốn khổ, bấp bênh trong các trại tạm cư chen chúc nhau hàng chục người trong một căn phòng vài thước vuông vức, cụ có thể nỡ lòng bỏ họ trong tình trạng đó sao?... Cụ nên tập trung mọi phương tiện, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề đồng bào di cư trước. Một khi cụ định cư họ được thì chính họ sẽ là lực lượng hậu thuẫn nồng cốt cho cụ.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 271). Linh mục Cao Văn Luận cũng giải bày cho cụ Diệm về thực chất yếu ớt của nhóm nhỏ người theo Tây, theo Bình Xuyên, việc bỏ đi lúc này là mắc mưu Pháp, Bảo Đại và bọn Tâm, Hinh nhờ đó cụ Diệm thay đổi lập trường, trở nên sáng suốt và cứng rắn hơn. Trong câu chuyện, cụ Diệm nói ông đã có cách để đối phó với bọn Bình Xuyên, Tâm Hinh. Ngày hôm sau ,linh mục trở về Huế và vài hôm tiếp ngài đã thấy cái cách cụ Diệm giải quyết nạn Bình Xuyên và Tâm Hinh đó là dùng mọi cách chuyển các tiểu đoàn Bảo Chính Đoàn, Bảo An Đoàn, các lực lượng quân sự Việt Nam từ Bắc và Trung vào Sài Gòn bằng những phương tiện nhanh nhất. Cụ Diệm cũng cho thành lập hệ thống công an cảnh sát riêng và giao cho Mai Hữu Xuân trông coi. Cái sắc sảo của linh mục Cao Văn Luận là đã gợi ý cho cụ Diệm nhớ đến một sức mạnh chưa sử dụng, hàng chục vạn dân di cư và gia đình họ. Số người đông đảo này đang ở trong một thế kẹt, đang bị dồn vào đường cùng, và sẵn sàng liều mạng để chiếm một đất sống. Chính Linh mục Cao Văn Luận từng viết: “Tôi nghĩ rằng chính số người di cư lúc bấy giờ đã làm sống bừng dậy tinh thần dân tộc, lòng thương yêu rộng lớn, tình đoàn kết chân thật, và tạo được một khối quần chúng thuần nhất ủng hộ ông Diệm.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 275).

Về sau, khi đã ổn định được tình hình, TT Ngô Đình Diệm nói chuyện với Linh mục Cao Văn Luận để nhờ nói với Đức Cha Phạm Ngọc Chi giải tán phong trào Tập Đoàn Công Dân của ngài, chỉ để có Phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao hoạt động thôi. Theo linh mục Cao Văn Luận, Phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao không có cơ hội thử thách để trưởng thành và trở thành một đảng chính trị đúng nghĩa của nó. Lý thuyết Nhân vị được dùng làm nền móng tinh thần cho Đảng và Phong trào cũng vấp vào nhiều khuyết điểm không có sức sinh động mạnh để thu hút quần chúng, những căn bản triết lý của nó cũng quá mập mờ, vá víu, và không bắt nguồn từ những truyền thống sâu xa của dân tộc Việt Nam. Ông Ngô Đình Nhu cũng có lần đề cập thuyết nhân vị với Linh mục Cao Văn Luận nhưng ngài cố tránh để khỏi có ý kiến. Dù thuyết Nhân vị có nhiều điều bất cập nhưng theo ngài ít ra nó cũng giúp cho người hành động một vài tiêu chuẩn hướng dẫn và một vài cách biện hộ.

Thời gian sau năm 1954, nhóm Lê Trọng Quát ở Huế có xin thành lập một chính đảng lấy tên đảng Cộng Hòa Xã Hội và có nhờ linh mục Luận nói chuyện với ông Ngô Đình Cẩn và cụ Diệm. Ông Cẩn giải thích rằng quan niệm đối lập của người Việt Nam mình thật thô sơ và sai lạc khi nói đến đối lập là chỉ nghĩ đến việc cướp chính quyền bằng mọi cách, bất chấp hiến pháp luật lệ và những thủ tục dân chủ hợp pháp. Theo nhận định của cha Luận, cái chủ trương độc đảng của ông Diệm trong giai đoạn đầu có thể chấp nhận được, nhưng về sau khi đã củng cố được chính quyền mong ông Diệm mềm dẻo hơn đối với các tổ chức chính trị, cho phép hoạt động đối lập chính trị công khai và hợp pháp.

Linh mục Cao Văn Luận cũng phát biểu ý kiến bất đồng về Luật gia đình của bà Ngô Đình Nhu trong đó có khoản cấm đa thê và cấm ly dị. Trước khi dự luật được đưa ra biểu quyết, cha Luận đã gặp TT Ngô Đình Diệm và nói lên sự phản bác đứng đắn của mình. Cha Luận nói lời ngài trình với TT Ngô Đình Diệm:

-Thưa cụ tôi thiết nghĩ là cụ không nên để bà Nhu đưa ra Quốc Hội cái dự luật gia đình đó, vì nước mình không cần phải làm luật cấm đa thê và cấm ly dị. Những biến chuyển kinh tế, văn hóa dần dà sẽ dẫn xã hội đến tình trạng một vợ một chồng, chớ mình không cần làm luật cấm đoán người ta làm gì, vả chăng luật lệ chỉ hợp pháp hóa phong tục trong xã hội, mà không tạo ra phong tục. Còn về cái điều cấm ly dị thì tôi cũng cho rằng không ích lợi gì mà có thể tạo nên nhiều phản ứng chống đối bất lợi cho chính phủ.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 295).

TT Ngô Đình Diệm đã không nghe lời trần tình này.

Thật ra không phải ai cũng có ý kiến phản bác như cha Luận đối với Luật Gia đình của bà Ngô Đình Nhu, chẳng hạn nhà văn Thế Uyên đã khen ngợi và viết trong cuốn sách có tên Sài Gòn sau mười hai năm, như vầy:

“Nhưng cũng như miền Bắc, miền Nam cũng phải đợi đến sau 1954, có độc lập có chủ quyền rồi, việc thực hiện bình đẳng nam nữ mới trở thành dứt khoát trên thực tế. Bộ luật gia đình, do một phụ nữ, lúc đó làm dân biểu, là bà Trần Lệ Xuân đưa ra, đã được nhanh chóng chấp nhận ở những điểm căn bản nhất: chấm dứt chế độ đa thê, trả quyền tự do kết hôn cho trai gái từ hai mươi mốt tuổi trở lên, xác nhận phụ nữ bình đẳng với nam giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội…Bộ luật này tuy vậy lại có nhược điểm là bà Trần Lệ Xuân, vốn là tín đồ Công Giáo, muốn đưa quan niệm thanh giáo của Tây phương thế kỷ 18 và 19 vào xã hội Việt Nam, thí dụ như cấm ly dị, cấm những trò vui chơi hội hè truyền thống của dân miền Nam. Nhưng dù có những nhược điểm đó, bộ Luật Gia đình này cũng đã chính thức chấm dứt tình trạng nam tôn nữ ty thời trước.” (Thế Uyên, Nhà xuất bản Xuân Thu, Cali, 1989, trang 178).

Năm 1956, khi đã ổn định tình hình, có lúc nhân dịp Linh mục Cao Văn Luận đi Mỹ, TT Ngô Đình Diệm nhờ ngài theo dõi quan sát một số tòa đại sứ nước ngoài xem họ làm việc ra sao để tùy nghi chấn chỉnh. Lúc này Linh mục và cả TT Ngô Đình Diệm đã có những lưu tâm đến các công cuộc phát triển văn hóa giáo dục ở Miền Nam, coi như một cuộc thi đua với Miền Bắc của Hồ Chí Minh.

5.- Viện Đại Học Huế, niềm ước mơ trăm năm và những nỗi thăng trầm của một con người sống chết vì văn hóa.

Trong đời vua Tự Đức (1829-1883), có lẽ một trong những ước mơ ông muốn thực hiện ở chốn kinh sư đó là xây dựng một trường đại học kiểu Âu châu, vào năm 1867 ở Huế, nhưng ước mơ đó đã không thể thực hiện được.

Tháng 3-1867, vua Tự Đức đã cử một phái đoàn sang Pháp gồm Giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu), linh mục Nguyễn Điều, linh mục Nguyễn Hoằng và Joannes Vị, với hai vị quan của Triều đình là Nguyễn Tăng Doãn và Trần Hiếu Đạo đáp tàu L’orne đi Pháp. Trong số các công việc phải xúc tiến ở Pháp, phái đoàn này còn có nhiệm vụ tìm phương tiện để thành lập ở Huế một trường Đại Học. Công việc nầy được tạp chí Missions Catholiques kể lại chi tiết như sau: “Đức Cha Gauthier Giám-mục Giáo-phận Vinh được Vua Tự-Đức giao trọng trách thành lập tại Thủ-đô Huế một viện đại-học để hướng dẫn người dân Việt-Nam đi vào các ngành khoa-học kỹ-thuật, Người đã về Pháp với đoàn tùy tùng gồm hai vị quan lại công-giáo để tìm nhân sự và tài chánh, vật liệu cần thiết. Người đã được chính quyền nước Pháp yểm trợ rộng rãi mọi mặt. Người từ giã nước Pháp ngày 25.11.1867 để trở về Giáo-phận của Người. Nhưng kết quả như thế nào thì chính bức thư Người viết đề ngày 31/3/1868 dưới đây sẽ cho thấy rõ hơn:

Mấy hôm sau, ngày tôi đến kinh đô Huế, 29/2/1868, Vua Tự Đức có hỏi chương trình của chúng tôi và bản chiết tính tỉ mỉ vật liệu, máy móc cần thiết cho viện đại học. Đức Vua có vẻ ưng ý những gì được mang từ Pháp-quốc qua để giúp đỡ Ngài và muốn thấy tận mắt những gì ông bộ-trưởng hàng-hải gởi cho chúng tôi. Đức Vua cũng đề cập đến vấn đề thù lao các giảng-sư. Thù lao tuy không bao nhiêu nhưng cũng tạm vừa việc. Chúng tôi cũng biết Vua Tự-Đức đang chuẩn bị ban phép cho Đức Cha Sohier Bình (Giáo-phận Huế) xây đại-học nầy trên phần đất Người chọn nằm khoảng giữa nhà thờ chánh-tòa và tòa Giám-mục.

Kể ra lúc đầu hứng khởi lắm. Tôi chỉ cần chờ phản ứng mạnh về phía Triều-đình để xem họ nghĩ như thế nào nữa mà thôi. Công việc đã được tiến hành một tháng, Kết quả như vậy là khả quan lắm, nếu người ta biết nghĩ đến những bận rộn của Triều-đình Huế lúc bấy giờ đang lo gởi một phái bộ qua Pháp và thói quen chậm chạp cố hữu của một quốc gia không biết coi trọng thời giờ.

Như vậy mới biết nhà Vua đêm ngày hằng ước mong cho đại-học thành hình và sinh hoạt như dự liệu…”

Về địa điểm xây dựng Viện Đại Học nầy, triều đình dự tính lấy sứ quán làm cơ sở của trường học, nhưng Giám mục Gauthier và Giám mục Sohier cho rằng sứ quán quá ẩm thấp, không bảo quản được dụng cụ máy móc và cũng không tiện cho việc học tập nên đề nghị xây dựng cơ sở mới trên một khu đất rộng chừng hai mẫu ở xã Vạn Xuân, nằm giữa nhà thờ Kim-Long và Tòa Giám mục Huế (Xem tờ trình của Giám mục Gauthier và Sohier, Phụ lục VI 9.- Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 1988, trang 50).

Tuy nhiên dự án thành lập Viện Đại Học Huế này đã không thành. Theo các thư của Giám mục Gauthier viết về Pháp, sở dĩ việc thực hiện dự án mở trường tại Huế đã không thành là do sự cản trở của Nguyễn Tri Phương và Võ Trọng Bình là hai vị quan có thế lực trong Triều đình. Trong một bức thư gửi cho Hội Truyền Giáo Paris (MEP) đề ngày 31-3-1868, Giám mục Gauthier viết: “Công việc sẽ tiến triển nhanh hơn nếu không có việc cử sứ bộ đi Pháp và những sự chậm chạp của xứ này… Trong các quan thượng thư, có hai vị cựu trào tìm cách cản trở quyết tâm của nhà vua.”. Cũng trong thư đó, Giám mục Gauthier lại viết: “Chính phủ đã nói với một trong những linh mục của tôi là tôi sẽ góp ích cho xứ sở này, nếu tôi tìm được người có khả năng khai thác mỏ than và thiết lập các lò luyện thép như ở châu Âu. Điều mà tôi đã làm năm 1867, nhưng những người tôi đem từ Pháp về theo yêu cầu của nhà vua đã bị Võ Trọng Bình lúc đó đuổi về…” (Annales de la Propagation de la Foi, tập 43, trang 242-243, trích dẫn lại theo Trương Bá Cẩn, Sđd, trang 52).

Theo sử gia Trương Bá Cẩn, có lẽ không phải chỉ có Nguyễn Tri Phương hay Võ Trọng Bình, mà có cả một luồng dư luận khá rộng rãi, trong Triều đình cũng như ở các tỉnh, tỏ ra dè dặt, lo sợ trước ảnh hưởng của các giáo sĩ người Pháp: Một trường đào tạo nhân tài đầu tiên hoàn toàn do giáo sư người Pháp, đặt ngay bên cạnh Tòa Giám mục, dưới sự giám sát của Giám mục.

Theo giáo sư Yoshiharu Tsuboi, ở Nhật Bản, Triều Tiên, hay Trung Hoa lúc bấy giờ có những khẩu hiệu tương tự nhau. Hòa hồn Dương tài (Tinh thần Nhật và kỹ thuật Tây Âu) ở Nhật, Đông đạo Tây khí (Đạo lý phương Đông vả thực hành phương Tây) ở Triều Tiên, Trung thể Tây dụng (Thể chất Trung Hoa và công dụng phương Tây). Những khẩu hiệu chứng tỏ nhu cầu có tính thực tế nhất định và do đó, có sự cố gắng thích nghi với những thay đổi của môi trường và với công cuộc hiện đại hóa của đất nước. Ngoài ra, theo vị giáo sư Nhật Bản này, người Việt Nam không phát triển một luận thuyết độc đáo nào khả dĩ chống lại được luận thuyết của Âu Tây; họ không đề ra khẩu hiệu nào khả dĩ vạch ra một đường lối riêng cho dân tộc, một khẩu hiệu có thể làm bật dậy sự thức tỉnh chung vì công việc đề kháng dân tộc,và về mặt này, có thể nói nước Việt Nam của Tự Đức tỏ ra bảo thủ hơn các nước theo Nho giáo khác. Chính sự thiếu mềm dẻo về hệ tư tưởng, hay, nói cách khác, tính chính thống quá cứng nhắc của các nho sĩ đã ngăn cản triều Nguyễn thích nghi với điều kiện mới. (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (L’Empire Vietnamien face à la France et à la Chine 1847-1885) Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh, bản dịch Nguyễn Đình Đầu, in lần thứ ba, 1998, trang 208-209).

Nếu dự án xây dựng Viện Đại học Huế năm 1867 do nhiệt tâm của Giám Mục Gauthier (Ngô Gia Hậu) và một số nhân vật trong đó có những người thuộc đất Nghệ Tĩnh như linh mục Nguyễn Hoằng, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điều v.v… thì chín mươi năm sau, năm 1957 Viện Đại Học Huế lại được trao vào tay một người con dân đất Nghệ Tĩnh đó là Linh mục Cao Văn Luận, và niềm ước mơ trong thế kỷ XIX lần này đã trở thành hiện thực trong hạ bán thế kỷ XX với một vị lãnh đạo quốc gia có quyết tâm và có viễn kiến hơn vua Tự Đức đó là Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Cuối tháng giêng năm 1957, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra Huế dự lễ giỗ cụ Ngô Đình Khả nhân đó gặp Linh mục Cao Văn Luận và đưa ra ý kiến thành lập một Đại học tại Huế với lý do Huế từ trước đã là một trung tâm văn hóa của đất nước, có truyền thống văn hóa sâu đậm, giúp cho dân Miền Trung vốn hiếu học có môi trường tiến thân. Về phương diện chính trị, TT Diệm muốn chứng tỏ quyết tâm bảo vệ Huế để thách đố với bọn Cộng Sản. Nhân đó TT Diệm mời Linh mục Cao Văn Luận giúp ông thực hiện dự án quan trọng này. Cha Luận rất vui mừng trước đề nghị đó và một tháng sau một phái đoàn từ Sài Gòn ra gồm ông cố vấn Ngô Đình Nhu, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Dương Đôn, Viện trưởng Đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình và một số giáo sư, chuyên viên khác. Một cuộc họp ở tòa Tỉnh trưởng có thêm một số trí thức và thân hào nhân sĩ Huế tham dự . Hội nghị thảo luận và đi tới quyết định là vì những hoàn cản đặc biệt, những khó khăn trong ngành giáo dục, chưa nên làm việc vội vàng hấp tấp và nói rằng Huế chỉ nên lập một chi nhánh của Viện đại học Sài gòn tùy thuộc hoàn cảnh vào Viện Đại học Sài Gòn và Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Như vậy Đại Học Huế sẽ không thành một đơn vị độc lập mà chỉ là một số các phân khoa đặt dưới quyền Viện Đại học Sài Gòn mà thôi. Linh mục Cao Văn Luận được cử làm đại diện cho ông Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình để tổ chức. Dĩ nhiên Linh mục Cao Văn Luận không đồng ý nhưng đành khuất phục trước quyết định của đa số.

Về việc sáng lập Viện Đại Học Huế, giáo sư Nguyễn Văn Hai có viết:

“Số là sau khi mới về Việt Nam nhậm chức, ông Ngô Đình Diệm ra Huế. Lẽ tất nhiên ông ấy cần một sự tiếp đón nồng hậu của dân Huế nói chung và của học sinh Huế nói riêng. Linh Mục Cao Văn Luận lúc bấy giờ là giáo sư Triết học tại Trường Quốc học. Ngài năn nỉ tôi tổ chức diễn hành đón tiếp. Tôi bàn với một số giáo sư, trưởng lớp và trưởng ban sinh hoạt của trường. Tất cả đồng ý đặt điều kiện là Ông Diệm phải hứa sau này có quyền hành thời phải mở một Đại Học tại Huế để con em miền Trung nghèo có cơ hội cầu tiến. Lời yêu cầu cũng vừa hợp ý ông Diệm. Sau khi được đoan chắc như vậy, chúng tôi mới mặc đồng phục quần trắng có thắt cà vạt xanh lơ mang biểu ngữ đòi mở Đại Học Huế đi hang lối chỉnh tề diễn hành chào đón. Sau đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm giữ lời hứa cho mở Đại Học Huế mặc dầu có sự phản đối dữ dội của các vị khoa bảng ở Sài gòn. Đại học Huế được thành lập, con em miềnTrung có chỗ trau dồi chuyên môn, và nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp đã góp công xây dựng nước Việt Nam.” (Nguyễn Văn Hai, Giai phẩm kỷ niệm 100 năm Trường Quốc Học, 1997, Hồi tưởng Trường Quốc Học, trích dẫn theo Nguyễn Văn Trường, bài viết “Huế, Viện Đại Học, Cha Luận và chúng tôi” trên mạng Namkyluctinh.org).

Giáo sư Nguyễn Văn Trường cũng cho biết “giáo sư Nguyễn Quang Trình là ông Viện trưởng đầu tiên, có công hóa giải sự chống đối việc thành lập Viện Đại Học Huế…”

Trước những khó khăn vì xa xôi, cái gì cũng phải phúc trình về Viện, về Bộ khiến cho công việc chậm trễ nên Linh mục Cao Văn Luận vào thẳng Sài gòn gặp TT Diệm trình bày những khó khăn và xin TT Diệm dành cho Đại Học Huế quy chế riêng biệt và ý kiến này được chấp thuận. TT Diệm đồng ý ra nghị định thành lập Viện Đại Học Huế và cử cha Luận làm Viện Trưởng đầu tiên Viện Đại Học Huế.

Viện Đại Học Huế thành lập do sắc lệnh ngày 1 tháng 3-1957 (SL 45/GD, do Bộ Trưởng Nguyễn Dương Đôn ký) và khai giảng vào tháng 9, 1957.

Lúc bấy giờ Linh mục Cao Văn Luận xúc tiến nhanh việc tìm trụ sở, lớp học, địa điểm, đồng thời mời các giáo sư ở Huế, Sài Gòn và ngoại quốc về hợp tác. Trong giai đoạn đầu ban giáo sư gồm có mấy người như Lê Văn, Lê Tuyên, Lê Khắc Phò, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Trường. Vài tháng sau thêm Lê Thanh Minh Châu và vợ là Tăng Thị Thành Trai. Ngay niên khóa 1957, Đại học Huế mở các chứng chỉ dự bị như Năng lực Luật-khoa, Văn-Khoa, Khoa-Học. Ngoài ra nhận thấy việc đào tạo giáo sư Trung-học và giáo viên Tiểu học rất cần thiết cho tình trạng phát triển giáo dục mạnh mẽ hiện nay và tương lai, Linh mục Cao Văn Luận chú trọng đặc biệt vào Đại-Học Sư-Phạm nhằm đào tạo các giáo sinh hệ ba năm thuộc các bộ môn Anh văn, Pháp văn, Sử Địa, Việt Hán, Toán, Lý Hóa, Vạn Vật.

Theo Giáo Sư Nguyễn Văn Trường “Triều đình của Cha lúc bấy giờ có: Lê Khắc Phò, “Tổng Bí Thơ” và một “Ban Bí Thơ Trung Ương” gồm toàn những hiền tài, quí ông, bà: Đỗ Ngọc Châu, Trần Đinh, Mệ Viễn Dung, Đinh Văn Kinh, Trần Thị Như Chương, Bùi Trí, Nguyễn Văn Thùy, Tôn Thất Quỳnh Thọ, Paul Vogle, Lương Hoàng Phiệt, Nguyễn Bính.”

Trực thuộc Viện có Viện Hán Học, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và các Khoa: Văn Khoa, Khoa Học, Sư Phạm, Luật Khoa, Y Khoa.

Sau đây là danh sách của quý vị Khoa Trưởng và Giám Đốc đầu tiên của Viện Đại Học Huế:

Văn Khoa: Ông Lê Văn Diệm

Khoa Học: Bs. Vũ Đình Chính, Ông Trần Văn Bé.

Sư Phạm: Ông Lê Văn.

Luật Khoa: Bà Tăng Thị Thành Trai, Ông Phan Văn Thiết.

Y Khoa: Ông Lê Tấn Vĩnh, Ông Lê Khắc Quyến.

Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật: Ông Tôn Thất Đào.

Viện Hán Học: LM Nguyễn Văn Thích, (Võ Như Nguyện làm Giám Đốc).

Ban Giảng Huấn của những năm đầu của các khoa, trường, viện: Trần Văn Bé, Nguyễn Thị Bảo Xuyến, LM Urbain, Lê Thanh Minh Châu, Tôn Thất Đào, Lê Văn Diệm, Sư Huynh Ferdinand, Nguyễn Văn Hai, , Trần Kinh Hòa, Tôn Thất Hanh, Hồ Thị Hường, Lê Hữu Mục, Bùi Nam, Trần Quang Ngọc, LM Nguyễn Phương, Cụ Nguyễn huy Nhu, Lê Đình Phòng, Lê Khắc Quyến, Phan Xuân Sanh, Krainick, Trần Nhật Tân, Trần Văn Tấn, LM Nguyễn Văn Thích, Bùi Hòe Thực, Nguyễn Toại, Tăng Thị Thành Trai, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Trường, Lê Tuyên, Lê Văn, Lê Bá Vận, Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Trọng Vinh, Trương Đình Ý, Lê Yên…

Ban Thỉnh Giảng của những năm đầu: Đặng Đình Áng, Nguyễn Chánh, Trương Văn Chình, LM Trần Thái Đỉnh, Âu Ngọc Hồ, Phạm Hoàng Hộ, trương Bửu Lâm, LM Lê Văn Lý, Lê Tôn Nghiêm, Từ Ngọc Tỉnh, Nguyễn Quảng Tuân, Thái Công Tụng, Bùi Quang Tung, Phạm Việt Tuyền, LM Thanh Lãng, Lê Tài Triển. (Theo tư liệu của GS Nguyễn Văn Trường).

Về sau có các vị sau đây: Cô Martin Piat, Pierre Đỗ Đình, LM Nguyễn Hòa Nhã, GS Nguyễn Thế Anh, LM Lefas, LM Oxarango, Đại Đức Thích Thiện Ân…

Cuối năm 1957, Linh mục Cao Văn Luận cùng Tổng Thư Ký là Giáo sư Lê Thanh Minh Châu đi ngoại quốc nghiên cứu cách thức tổ chức đại học đồng thời vận động sự giúp đỡ của các quốc gia Đồng Minh đó là tới Âu châu, sang Mỹ và Gia Nã Đại. Tại Mỹ có tổ chức IRC là cơ quan tài trợ đầu tiên và nhiều nhất rồi cơ quan thứ hai là Asia Foundation kế đến là tổ chức New Land Foundation. Một số Đại học Hoa Kỳ khuyến khích và đón tiếp rất nồng hậu. Trở về Sài Gòn, Linh mục Cao Văn Luận trình bày kết quả chuyến đi với TT Ngô Đình Diệm khiến ông rất mừng rỡ. Công việc tìm kiếm thêm đất đai để xây dựng trường sở, cư xá giáo sư, cư xá sinh viên với các họa đồ thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đều được trình lên TT Diệm phê duyệt. Mỗi lần ra Huế TT Diệm đều có đến thăm Viện Đại Học Huế và chứng kiếnkết quả việc làm của Linh mục Cao Văn Luận.

Linh mục Nguyễn Phương tốt nghiệp ở Đại Học San Francisco, California được mời từ Đà Nẵng ra Huế để dạy môn Lịch sử, đã cho chúng tôi biết, khi ra thăm Viện Đại Học Huế năm 1962, TT Ngô Đình Diệm đã tới Trường Đại Học Văn Khoa Huế, thăm Phòng Nghiên Cứu Sử và dừng lại rất lâu ở khu vực trình bày các luận văn nghiên cứu sử học của các giáo sinh Đại Học Sư Phạm để đọc xem các công trình nghiên cứu, nhất là những tập văn của Giáo sư Nguyễn Hữu Châu Phan lúc bấy giờ là Giáo sinh ĐHSP.

Tháng 10 năm 1959, sau hai năm điều hành thành công Viện Đại Học Huế, Linh mục Cao Văn Luận lại đượcTổng Thống Ngô Đình Diệm giao nhiệm vụ thành lập Viện Hán Học trực thuộc Viện Đại Học Huế với sắc lệnh 389-GD ngày 18/10/1959. Đây là mỹ ý của TT Diệm muốn bảo vệ nền cổ học và văn hóa đạo đức của nước nhà do tổ tiên để lại. Nghị định tổ chức mang số 1505 – GD ngày 9-12-1959 do Bộ Quốc Gia Giáo Dục ban hành quy định thể chế sinh hoạt của Viện Hán Học trao cho Linh mục Cao Văn Luận nhiệm vụ Giám Đốc và một chủ sự để điều hành công việc của Viện. Giáo sư Nguyễn Tuấn Cường thuộc Viện Đại Học Harvard, cho rằng với sự thành lập Viện Hán Học tại Huế, Miền Nam Việt Nam đã đi trước Miền Bắc trong lãnh vực bảo tồn nền cổ học trên ba mươi năm.

Trong sách Trung Dung, Khổng Tử đã từng viết về cốt lõi của Đại học rằng : “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” 大 學 之 道 在 明 明 德 , 在 新 民 , 在 止 於 至 善 . Linh mục Séraphin Couvreur, S.J. một nhà Trung Hoa Học nổi tiếng, đã dịch ra tiếng Pháp là “La voie de la Grande Étude, (c-à-d. ce que l’homme dès l’adolescence doit apprendre et pratiquer) consiste en trois choses, qui sont de faire briller en soi-même les vertues brillantes que la nature met dans l’âme de chacun, de renouveler (c-à-d. de reformer) les autres hommes, et de se fixer pour terme la plus haute perfection. (Séraphin Couvreur, Lea quatre Livres de Confucius, De l’école Francaise en Extrême-Orient, A PARIS, au 7 du faubourg St-Honoré, 1981, page 2. Sách Nho Giáo của cụ Trần Trọng Kim trích lại câu trên, dùng chữ thân dân thay cho tân dân và dịch là: “Cái đạo của bậc đại học là ở sự làm sáng cái đức sáng, ở sự thân-yêu người, ở sự đến chí thiện mới thôi.” (Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Bộ Giáo Dục & Trung Tâm Học Liệu xuất bản, 1971, quyển thượng, trang 177). Theo một số nhà nghiên cứu, chữ thân dân 親 民 có lúc được dùng thay cho chữ tân dân 新 民 (có lẽ vì tự dạng hơi giống nhau và ý nghĩa cũng san qua sẻ lại với nhau được). Cái ý niệm làm mới (renouveler) hay đổi mới (réformer) con người chính là cốt lõi của hai chữ Đại Học đã được Linh mục Cao Văn Luận và hàng ngũ giáo sư cộng sự viên tích cực phát huy tại Viện Đại Học Huế, một cơ sở văn hóa trọng yếu của Việt Nam Cộng Hòa ở một đất văn vật của Miền Trung. Tinh thần đổi mới và tự trị Đại Học chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Viện Đại Học Huế trong những năm dưới quyền Viện Trưởng Cao Văn Luận. Viện Đại Học Huế bắt đầu áp dụng chế độ chuyển ngữ bằng quốc ngữ thay cho tiếng Pháp mà theo nhiều vị giáo sư đó là cách giúp cho giáo dục Đại học làm trọn vẹn chức năng của mình.

Một vị giáo sư có mặt với Viện Đại Học Huế từ những ngày đầu, Giáo sư Nguyễn Văn Trường đã viết như sau:

“Sáu niên học ở Viện Đại Học Huế (1957-1963), bể dâu lắm chuyện. Nhưng đặc thù cho giai đoạn “lập quốc” này, thiết nghĩ các việc sau đây là nổi bật nhất: Trong một chừng mực nào đó, Viện Đại Học độc lập đối với các đảng phái chính trị, tôn giáo và tự trị đối với chính quyền. Tự trị và độc lập là hai từ lớn. Nếu không nói rõ nghĩa thì hoặc chúng trống nghĩa hoặc có nhiều nghĩa nên dễ ngộ nhận.

Theo văn bản, thì Viện Đại Học tùy thuộc Bộ Giáo Dục. Cụ thể như sau đây:

“Về học vụ, sự thành lập các khoa, trường, ngành học, văn bằng, chứng chỉ phải do Bộ Giáo Dục chấp thuận.

Về nhân viên, việc tuyển dụng, lương bổng, thăng thưởng, sa thải phải do Bộ Giáo và Tổng Nha Công Vụ chấp thuận.

Về ngân sách: Quyền chuẩn chi được ủy nhiệm cho Viện Trưởng.

Như vậy, về hành chánh, Viện Đại Học trực thuộc Bộ Giáo Dục, và có thể bị chi phối bởi Bộ Giáo Dục và Tổng Nha Công Vụ.

Tuy nhiên, trong thực tế, chúng tôi không cảm thấy một sức ép nào từ những cơ quan nêu trên. Sự duyệt y các kết quả thi cử, các văn bản thành lập phòng ban v.v… có khi là cần thiết. Tự trị không có nghĩa là không luật pháp. Nhà nước cung cấp ngân sách cho Viện, sự biện minh các chi tiêu, sự kiểm soát đương nhiên là cần thiết. Có điều là khi mình thấy thong dong trong luật pháp, mình không cảm nhận bị ràng buộc, gọi như thế là tự trị, một sự tự trị thực tế, chủ quan và tương đối.

Viện đứng ngoài mọi đảng phái chính trị kể cả đảng chính quyền, các tổ chức tôn giáo. Gọi như thế là độc lập. Nhưng trên hết, tự trị và độc lập của nền giáo dục đại học nằm ở chỗ tự do truyền bá, phát huy, và thu nhận của giáo chức và sinh viên. Lẽ dĩ nhiên là trong một giới hạn khả chấp. Điều này là một giá trị hiễn nhiên của nền giáo dục Miền Nam, và là một điểm son của chế độ.

Sứ mạng, nhiệm vụ, mục tiêu, đường lối của Viện Đại Học được minh định rõ trong những văn bản mà đôi bên, Chính quyền và Viện Đại Học đều nghiêm túc tôn trọng.”

Những điều giáo sư Nguyễn Văn Trường nêu trên có lẽ xuất phát từ ý niệm đại học của Karl Jaspers, một triết gia hiện sinh nổi tiếng của Đức khi ông cho rằng ý niệm đại học gồm ba nhân tố đó là sự thống nhất luôn mới mẻ của các ngành khoa học, định chế đại học và mối quan hệ giữa đại học và nhà nước trong đó Jaspers nhận ra sự hỗ tương căng bức : đại học vừa thuộc nhà nước, vừa tự trị không mang tính nhà nước. Thành hay bại là ở chỗ xây dựng được cơ chế hợp tác bền vững, ổn định và tôn trọng lẫn nhau. (Bùi Văn Nam Sơn, Ý niệm đại học: Linh hồn của giáo dục cấp cao. Tư liệu đăng tải trên mạng, Sept. 14, 2015).

Cuối năm 1958, Viện Đại Học Huế đã trưởng thành với các phân khoa hoạt động đều đặn, linh mục Cao Văn Luận nghĩ đến việc mở thêm Đại Học Y Khoa vì số bác sĩ ở Việt Nam quá ít. Cha Luận vào Sài Gòn đưa ý kiến đó ra thuyết phục TT Diệm và được TT có vẻ lưu tâm, nhưng khi TT đưa ra nội các thì các ông bộ trưởng đều bác bỏ. Chờ lâu không thấy quyết định của TT Diệm, cha Luận lại vào Sài Gòn và cuối cùng cũng xin được sắc lệnh thành lập Đại Học Y Khoa Huế. Có được sắc lệnh ấy, Linh mục Cao Văn Luận đi gặp các tòa đại sứ mà người thứ nhất là ông Costler, Phó Giám Đốc Cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ, toà đại sứ Pháp rồi tới Tòa đại sứ Đứ gặp ông Von Wenland. Ông Jacob, cố vấn văn hóa Tòa đại sứ Đức rất thiện cảm với chương trình của cha Luận đã ra Huế gặp cha và hai tháng sau bác sĩ Krainick, giáo sư thạc sĩ từng giảng dạy Đại học đường Y khoa Freiburg được phái đến Huế. Cha Luận vào Sài Gòn xin TT Diệm tài trợ bằng cách cho lấy tiền lời xổ số kiến thiết trong 8 kỳ rồi ngài cùng bác sĩ Lê Khắc Quyến đi Đức, gặp Thủ tướng tiểu bang Baden Baden là ông Keisinger. Ngài cũng gặp Tổng giám mục Freiburg là người có ảnh hưởng trong giới đại học. Lúc bấy giờ đại học Y khoa Freiburd đồng ý bảo trợ cho đại học Y khoa Huế. Ngài cũng ghé Thụy Sĩ nhưng không có sự giúp đỡ nào đáng kể. Cha Luận đi Ba Lê tìm Bác sĩ Lê Tấn Vĩnh là một người rất nổi tiếng đang làm việc với giáo sư Lelong. Bác sĩ Vĩnh về Huế làm Khoa trưởng Y khoa được vài tháng nhưng gặp sự đố kỵ của giới Y khoa Sài Gòn nên ông từ bỏ đất Huế vĩnh viễn.

Niên khóa 1959, lớp dự bị y khoa đầu tiên của Đại học Y khoa Huế khai giảng với dàn giáo sư tạm đủ nhưng trường sở còn quá thiếu. Linh mục Luận tìm đến ông Seabern, đại sứ trưởng phái bộ Gia-Nã-Đại trong Ủy hội Kiểm soát Đình chiến, và được cấp 25 triệu cho Đại học Y khoa, 6 triệu cho Đại học Khoa học. Về phía Hoa Kỳ mãi đến khoảng năm 1961 họ mới giúp trang bị các phòng thí nghiệm và cấp 60 triệu xây cất thêm trường Đại học Sư phạm và trường Trung học Kiểu mẫu. Trong những năm từ 1957-1962, Viện Đại Học Huế tuần tự phát triển làm cho các nước Đồng Minh tin tưởng vào tương lai Việt Nam và sẵn sàng giúp VN mà không sợ phí.

So sánh ngành giáo dục của Miền Nam trong đó có sự đóng góp của Viện Đại Học Huế cùng với toàn bộ các địa phương khác ở Miền Nam so với Miền Bắc, Joseph Buttinger, một sử gia Hoa Kỳ đã phải viết rằng:

Progress in the field of education, primary as well as higher, was equally remarkable. The number of students enrolled in universities rose from 2,451 in 1954-55 to 7,496 four years later. During the same period, community “pilot schools”increased from 577 to 5,123 and the number of students in primary schools from 400,865 to 1,110,556. About 2,000 young students studied abroad. The National Institute of Administration which in 1954 had at most 25 students, in 1957 trained about 300 officials in its day progam and 3,540 in evening courses.

In conclusion, the historian made a comparison, saying, “Education was one field in which the Diem regime was a match for its Northen rival.”12

Tạm dịch: “Sự tiến bộ trong lãnh vực giáo dục cơ bản là cao hơn thật đáng lưu ý. Con số sinh viên ghi danh vào các trường đại học đã tăng từ 2,451 trong các năm 1954-55 đã lên con số 7,496 trong bốn năm sau. Cũng trong thời kỳ đó cộng đồng những trường công đã tăng từ 577 lên 5,123 và con số học sinh trong các trường tiểu học từ 400,865 lên 1,110, 556. Có khoảng 2,000 sinh viên du học ngoại quốc. Trường Quốc Gia Hành Chánh trong năm 1954 có chừng 25 sinh viên, năm 1957 đã huấn luyện được khoảng 300 viên chức theo chương trình học lớp ngày và 3,540 theo học các lớp đêm.” Trong phần kết, sử gia này làm một cuộc đối chiếu khi nói rằng “Giáo dục là một lãnh vực mà chế độ ông Diệm đã thi đua với đối thủ miền Bắc.” (Nguyễn Phương, A parade of the American puppets, A story of South Vietnam from 1954 to 1975, bản thảo 1978, trang 61).

Ngoài ra một cơ quan rất cần nhắc lại ở đây đó là Tạp chí Đại Học vốn là cơ quan ngôn luận và nghiên cứu do Linh mục Cao Văn Luận thành lập cùng với nhà in Đại Học (GS Nguyễn Văn Trường cho biết là do ông Đại sứ Ngô Đình Luyện tặng) đã để lại nhiều bài viết rất giá trị cho đến ngày nay. Tạp chí Đại Học xuất bản từ năm 1957, do giáo sư Nguyễn Văn Trung làm chủ bút, bài vở do các giáo sư thuộc viện Đại Học Huế hay Sài Gòn hoặc nhiều nơi khác trong nước viết. Năm 1961, Giáo sư Nguyễn Văn Trung chuyển vào Sài Gòn và công việc điều hành Tạp chí Đại Học được giao lại cho Giáo sư Trần Văn Toàn. Giáo sư Trần Văn Toàn, ngoài việc viết bài dẫn nhập từng kỳ báo, còn đóng góp nhiều bài vở và nhất là mời các nhóm cộng tác như nhóm của Linh mục Nguyễn Phương, Giáo sư Trần Kinh Hòa (Chen Ching-Ho thuộc Đại học hương Cảng) và lien lạc với một số người viết qua ông Nguyễn Anh (trước đây được linh mục Cao Văn Luận biệt phái ra lo việc hành chánh cho tờ Tạp chí này) là người liên lạc thẳng với Linh mục Cao Văn Luận để lo trả tiền nhuận bút cho các tác giả có bài đăng báo. Sau đó ít lâu khi Gioá sư Bùi Xuân Bào ở Pháp về, nhóm học trò cũ của ông Bào (cũng là học trò cũ của cha Luận; vì thế trước khi cha Luận đi khỏi Huế, họ có tặng cha 4 chữ Nho đầy ý nghĩa: Sư sinh đại nghĩa) là Lê Tuyên, Lê Văn, Lê Khắc Phò v.v… bàn với nhau và với cha Luận là để Giáo sư Bùi Xuân Bào làm chủ trương biên tập thay Giáo sư Toàn, nhưng sau không thấy gì vì Giáo sư Bào ở lại Sài Gòn. Sau khi Linh mục Cao Văn Luận đi khỏi Viện Đại Học Huế (1964) không còn tiền nhuận bút nữa và Tòa Viện trưởng lại đưa ông Nguyễn Anh về làm ở Tòa Viện trưởng, Tạp chí Đại Học phải đình bản. Sau đó là nhóm Lập Trường (chủ yếu là Lê Tuyên, Hoàng Văn Giàu dựa thế Phật Giáo ở Huế) nắm lấy nhà in Đại Học coi như là của riêng của họ. (Trao đổi với Giáo sư Trần Văn Toàn, tháng 10-2005, lúc đó sống ở Lambersant, Pháp).

Về phương diện củng cố và phát triển Đại Học Huế, Linh mục Cao Văn Luận nhận xét về TT Ngô Đình Diệm rằng: “Trong phạm vi phương tiện và khả năng của ông, tôi nhận thấy ông Diệm đã không ngần ngại một việc gì để giúp cho Đại Học Huế lớn mạnh. Ông có thể sai lầm về chính trị, nhưng những nỗ lực phát triển văn hóa điển hình là việc thành lập và mở mang Đại Học Huế, thì tôi thấy cần phải công tâm và nhận định rằng ông Diệm đã có công đáng kể. Biết bao nhiêu người quyền hành trong tay đã không làm được như ông Diệm.”(Bên Giòng Lịch Sử, trang 322).

Sau khi ở Huế xảy ra vụ treo cờ Phật Giáo, rồi vụ nổ ở Đài phát thanh Huế khiến có người chết và bị thương, cuộc đấu tranh của Phật giáo chính thức bùng nổ. Linh mục Cao Văn Luận cho biết : “Ở cương vị một Viện Trưởng Đại Học, với truyền thống tự trị của Đại Học mà tôi đã thâm nhiễm từ Pháp, tôi không thể nào đi ngược lại các phong trào sinh viên mà tôi biết chắc trước sau cũng bùng lên.” (Bên Giòng Lịch Sử, trang 337). Trung tuần tháng 5-1963, cha Luận cùng GS Âu Ngọc Hồ đi Mỹ, có tiếp xúc rất nhiều giới chính trị như TNS Mike Mansfield thuộc đảng Dân Chủ, TNS Dirksen thuộc đảng Cộng Hòa, cả hai đều tỏ ra thất vọng về chế độ của TT Diệm. Ngài cũng có gặp Robert Kennedy là người chỉ trích rất mạnh chế độ VNCH cùng với báo chí Hoa Kỳ. Một nhân vật tình báo, ông Fishell gặp cha Luận và cho biết nếu cụ Diệm không thay đổi đường lối thì nội trong năm 1963 Mỹ phải tìm cách loại bỏ cụ khỏi sân khấu chính trị VN. Khoảng đầu tháng 6-1963, linh mục Luận từ Nữu Ước được lệnh triệu hồi về Sài Gòn gặp TT Diệm. TT Diệm định cách chức một số khoa trưởng, giáo sư, vì họ không kiểm soát được sinh viên. Linh mục Luận vội ngăn lại và hứa cố gắng dàn xếp đã, sau đó được chăng hãy tính. Cha Luận về Huế rồi sau đó không lâu vào Sài Gòn gặp riêng TT Diệm cho biết nếu cụ có những thay đổi chính trị thì Mỹ có thể tiếp tục ủng hộ VN để chiến thắng Cộng sản, nếu không nội cuối năm 1963 Mỹ sẽ dùng Phật giáo làm cái cớ để lật đổ chế độ của cụ.

Lúc bấy giờ người Mỹ xâm phạm quá đáng vào chủ quyền dân tộc của Miền Nam Việt Nam, muốn đem quân vào nhưng việc đó sẽ làm mất chính nghĩa của chúng ta. Cabot Lodge đã hành xử y hệt một tên thái thú Trung Hoa ngày trước vì họ nghĩ nhiều đến câu châm ngôn “ai chi tiền thì người đó cai trị” (qui paye, gouverne).

Khoảng giữa tháng 8 năm 1963, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục vào Sài Gòn đề nghị với TT Diệm bãi chức Viện trưởng Đại Học Huế của Linh mục Cao Văn Luận vì ngài đã không tích cực trong việc vận động sinh viên phật tử, hoặc ít ra im lặng để cho sinh viên phật tử tham gia các cuộc đấu tranh Phật giáo. Đức Cha Thục đề nghị đưa ông Trần Hữu Thế lên thay cha Luận và chiều ngày 14-8 Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Nguyễn Quang Trình ra Huế thông báo quyết định bãi chức với cha. Sáng hôm sau ngài được lệnh bàn giao chức vụ Viện Trưởng, có mặt ông Nguyễn Quang Trình, Trần Hữu Thế và một ít khoa trưởng và giáo sư tham dự. Trong diễn văn ứng khẩu ngắn, Linh mục Cao Văn Luận xin chuyển lời cám ơn TT Ngô Đình Diệm đã cất cho ngài khỏi gánh nặng làm Viện Trưởng Viện Đại Học Huế trong giai đoạn khó khăn và đầy trách nhiệm này. Ngài cũng mừng được trở lại đời sống tu hành và nhất là mừng vì ngọn đuốc văn hóa mà ngài và các cộng sự viên đã cố gắng nhóm lên ở Huế nay được trao cho một bàn tay khác hy vọng đủ khả năng làm bừng sáng lên…

Tin linh mục Cao Văn Luận bị bãi chức loan truyền tại Huế rất nhanh vào buổi trưa và hàng ngàn sinh viên kéo đến tư thất của Ngài để yêu cầu ngài trở lại chức vụ cũ nhưng ngài vào Đà Nẵng rồi sau đó vào Sài gòn, không nhận chức đại diện VNCH tại cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Sau ngày lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, những xáo trộn và hỗn loạn chính trị xảy ra đúng như sự lo sợ của linh mục Cao Văn Luận. Đối với TT Diệm, dù sao Linh mục Cao Văn Luận cũng có mối tình tri ngộ, tình bằng hữu, và ngài không khỏi bùi ngùi cho số phận một dân tộc nhược tiểu, mang tiếng độc lập, nhưng mối dây cai trị đều trong tay một thế lực ngoại quốc. Ngài không mong cho ông Diệm và chế độ của ông sụp đổ mà chỉ mong sao cho ông và chế độ của ông tránh được những lỗi lầm để tồn tại.

Thời gian không lâu sau, một Ủy ban đại diện sinh viên và Giáo sư Viện Đại Học Huế vào Sài Gòn mời Linh mục Cao văn Luận ra Huế giữ chức Viện Trưởng lại, ngài từ chối, nhưng sau đó khi ông Nguyễn Ngọc Thơ, rồi Dương Văn Minh mời ngài vào gặp và khẩn khoản xin ngài nhận lại chức vụ cũ, cha Luận đồng ý sau khi cân nhắc kỹ càng khi có quyết định của Dương Văn Minh.

Linh mục Cao Văn Luận nghĩ rằng nếu trở lại chức vụ Viện trưởng Đại Học Huế, ngài có thể chứng minh được rằng trước cũng như bây giờ đạo Công Giáo không hề có chủ trương kỳ thị tôn giáo. Trong những câu chuyện ông Nguyễn Ngọc Thơ cũng tỏ lo lắng rằng nếu sinh viên Huế không có một vị Viện trưởng có uy tín hướng dẫn thì có thể tham gia vào những phong trào kỳ thị tôn giáo gây ra không biết bao nhiêu tang thương cho đất nước và khó khăn cho chính phủ. Tướng Dương Văn Minh cũng có những lo lắng tương tự. Hơn nữa vì tinh thần trách nhiệm và một số công việc còn dở dang và đó là những yếu tố ảnh hưởng trên quyết định trở lại chức vụ Viện trưởng của cha Luận.

Cái chết của TT Diệm, theo linh mục Cao Văn Luận, làm cho tương lai Việt Nam trở nên đen tối hơn. Đại sứ Đức, Ông Von Wenland rất phàn nàn về cái chết của hai anh em TT Diệm và ông Nhu, đã từ chức và trở về Đức. Cái chết của TT Diệm và ông Nhu đã làm cho một số người Mỹ xúc động và quay lại có cảm tình với TT Diệm hơn trước. Bộ mặt của những người thay thế TT Diệm cũng dần dần hiện rõ và người Mỹ thấy bộ mặt thật đó chẳng đẹp đẽ gì hơn.

Cha Luận cũng nêu ra những việc làm quá lố của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.

Trung tuần tháng 8-1964, nhóm Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên, Hoàng Văn Giàu, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh thành lập Phong Trào Nhân Dân Cứu Quốc ở Huế, gán cho Công Giáo là Cần Lao, tiến hành các hoạt động kỳ thị tôn giáo, dùng Viện Đại Học Huế làm cơ sở đấu tranh, tổ chức đốt hai làng Công Giáo Thanh Bồ Đức Lợi ở Đà Nẵng, đập phá Trường Nguyễn Bá Tòng, đốt tòa báo Xây Dựng của Lm Nguyễn Quang Lãm…Là con người “uy vũ bất năng khuất” Linh mục Cao Văn Luận đã cương quyết chống đối lại chủ trương chính trị này. Ngài hằng duy trì chủ trương Đại học chỉ duy nhất có một thiên chức là phát huy văn hóa thuần túy. Chính trị không thể tự do vào tung hoành hoặc lũng đoạn trong lãnh vực Đại học dưới quyền ngài điều khiển. Ngay thời đấu tranh chống chế độ Ngô-Đình ngài cũng không bao giờ chấp nhận cho các giáo sư và sinh viên chọn Đại học làm địa điểm tập trung sách động.

Chính Linh mục Cao Văn Luận đã từng thẳng thắn nói với Lê Khắc Quyến: “Anh dư biết mơ ước của tôi là phát huy văn hóa dân tộc. Trước đây tôi đã nhiều lần nói với các anh rằng chính trị là nhất thời văn hóa mới trường cửu. Nếu Đại học muốn trường cửu, Đại học không nên làm những chuyện nhất thời…Tôi không muốn cho Đại học có Đảng phái chính trị. Chẳng phải lúc này tôi mới có chủ trương lập trường nầy mà ngay từ khi Đại học mới khai sinh, tôi cũng đã nhấn mạnh đến lập trường của tôi. Khi nào tôi còn giữ chức coi sóc Đại-học Huế. Tôi còn tranh đấu đến cùng, để Đại-học chỉ là khu vực thuần túy văn hóa thôi, Không ngờ lúc này các anh đặt văn phòng của phong-trào ở Đại học mà không cho tôi hay. Lại khám xét sinh viên trước khi họ vào trường nữa. Đó là chuyện trái ngược với không khí của Viện Đại học nầy. Nếu các anh tiếp tục hoạt động, các anh gắng tìm chỗ khắc đặt văn phòng, xin trả Đại học lại cho tôi ngay.”

Giáo sư Lê Khắc Quyến lớn giọng:

-Cha đuổi chúng tôi hả?

Tôi lắc đầu:

-Không phải đuổi. Anh nói quá. Tôi chỉ yêu cầu các anh trả lại không khí trầm mặc cho Đại-học. Tôi chưa hiểu rõ lắm về phong trào của các anh, nhưng có đi phố và nhìn thấy nhiều khẩu hiệu đả đảo tướng lãnh, đồng hóa người Công Giáo với Cần-lao. Tôi là Công Giáo, nhưng không phải bất cứ người công-giáo nào cũng là đảng viên Đảng Cần-lao của chế độ cũ. Tập thể Cần-lao không xấu, chỉ có cá nhân xấu mà thôi. Cho nên các anh đừng lẫn lộn…”(Bên Giòng Lịch Sử, trang 446).

Ngày 18-9-1964, một số giáo sư, trong đó chủ chốt là Lê Tuyên - học trò của Linh mục Cao Văn Luận và cũng là tay chân thân tín của TT Thích Trí Quang - người mới đây vài ngày đã tặng Linh mục Luận bức hoành phi ghi bốn chữ Hán sơn son thiếp vàng “Sư sinh đại nghĩa” (Thầy trò nghĩa lớn) thì nay cùng với sinh viên họp tại Viện Đại học Huế yêu cầu Linh mục Cao Văn Luận từ chức để khỏi trở ngại cho chiến dịch bài trừ Cần Lao của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc. Lúc này họ ra một tờ báo có tên Lập Trường vạch mặt chỉ tên những người mà họ cho là Cần Lao ác ôn, tay sai hoặc công an mật vụ của chế độ cũ. Dĩ nhiên lúc này Linh mục Cao Văn Luận là cái gai trước mắt cần phải nhổ, vì ngài là một linh mục Công Giáo giữa khối đông Phật Giáo ở Huế.

Ở Sài Gòn giáo sư Lý Chánh Trung là một tay thân Cộng thấy rõ, đã ủng hộ Phật Giáo trong cuộc tranh đấu chống chính phủ Ngô Đình Diệm, nhưng nay thấy cảnh học trò phản bội thầy rất đỗi chướng tai gai mắt nói trên, đã viết bài “Loạn để trị” trong tạp chí Tìm Hiểu số 2 tháng 10 năm 1964 như sau: “Một nhóm Giáo chức Đại Học họp lại, đánh điện tín là ông Viện Trưởng phải từ chức, vì sự hiện diện của ông “không cần thiết nữa”. Rồi người ta thấy Bộ Giáo Dục chấp nhận ngay sự từ chức đó, rồi ông Thủ Tướng bổ dụng ngay chính ông Tổng Trưởng Giáo Dục kiêm nhiệm chức Viện Trưởng Viện Đại Học Huế. Ôi, con rùa hành chánh sao bỗng dưng lại đi nhanh thế!” Cũng hay là lúc bấy giờ có nhiều sinh viên Đại Học Huế không đồng ý quan điểm của một số giáo sư nói trên, đã làm kiến nghị phản đối nhưng họ bị các phần tử quá khích đe dọa. Một giáo sư đại diện cho phe Phật Giáo đấu tranh đã trả lời rằng Cha Luận giống như một “ung thư” phải cắt đi để khỏi làm tê liệt thân thể. Giáo sư Lý Chánh Trung đã vạch trần thủ đoạn của nhóm kia về cái “ung thư” đó như sau:

“Cái ‘ung thư’ Cao Văn Luận đã mọc từ trong bào thai của Viện Đại Học Huế. Nó đã khai sinh và làm cho trưởng thành cái bào thai đó. Cái “ung thư” đó đã lê cái thân già đi khắp cùng trái đất, xin tiền, kiếm người, khẩn khoản mời mọc từng người về giúp Viện Đại Học Huế, không phân biệt chính kiến, địa phương, tôn giáo. Và kết quả sau 7 năm trời xem cũng “được” lắm chứ. Cái trường Y Khoa của Bác Sĩ Quyến, nếu không có niềm tin, cái gan lì và công cuộc vận động của Cha Luận, thì làm sao thành hình?”

Sau khi nói về những bất mãn của nhiều giới, giáo sư Lý Chánh Trung viết tiếp: “Thật ra các anh đã “cách chức” Cha Luận vì Cha không đồng ý với các anh về mặt chính trị. Như vậy Viện Đại Học Huế đã biến thành một đảng chính trị rồi đó. Và ai không đồng ý với các anh đều là “ung thư” phải mổ phăng đi cho…”dễ làm việc” có phải vậy không?”

“Các anh đòi hỏi dân chủ. Đòi hỏi dân chủ bằng cách bắt đầu độc tài, độc đoán; bắt đầu khệnh khạng, huênh hoang; bắt đầu làm chủ nhân chân lý, “xếp sòng cách mạng.” (Lý Chánh Trung, Ba năm xáo trộn, Nam Sơn xb. 1966, trang 108-112).

Sau đó Linh mục Cao Văn Luận vĩnh biệt Huế và ở mãi tại số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn là trụ sở của Giáo Phận Vinh. Ngài dạy các Trường Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn về môn Pháp văn. Năm 1971, Ngài làm Cha Chính giáo phận (Vicarius Generalis) thay thế cha Trương Cao Khẩn. Ngài là thành phần nồng cốt và chủ tịch của một trong những ban quan trọng thuộc Hội đồng nghiên cứu thành lập Hàn Lâm Viện Quốc Gia Việt Nam.

Trước ngày 30-4-1975, Linh mục Cao Văn Luận di tản ra nước ngoài, sống ở Vương quốc Bỉ, làm cha xứ Saint-Martin tại Acoz (Charlerois) một thời gian. Sau đó linh mục sang Hoa Kỳ, hưu dưỡng tại Dòng Đồng Công và qua đời tại Petaluma, California ngày 20-7-1986 trong chuyến viếng thăm thân nhân tại vùng này. Linh mục Cao Văn Luận thọ 78 tuổi, 47 năm làm linh mục.

Đôi điều “cái quan định luận”…

Nhận định về một nhân cách lớn như Linh mục Cao Văn Luận, Giáo sư Nguyễn Văn Trường viết rằng: “Tôi có cảm tưởng rằng Cha là cây dù lớn. Cha có quyền, có thế. Nhưng không lấy quyền thế ấy mà bao che cho những điều xằng bậy. Ông đã dùng quyền thế ấy để tạo một không khí thích hợp với cái nhìn chung của đông đảo anh em chúng tôi về giáo dục và riêng về giáo dục đại học. Ông đã biết sử dụng vị thế hết sức đặc biệt của mình để đối thoại với các thế lực chính trị, tôn giáo, đoàn thể. Chính quyền đương thời cũng hiểu sức khỏe mong manh của một tổ chức đại học mới đâm chồi, và biết trân trọng đối với những thành quả đầu tiên.”

Nói về việc trở lại Viện Đại Học Huế của Linh mục Cao Văn Luận sau biến cố lật đổ chế độ của TT Diệm, Giáo sư Nguyễn Văn Trường đã viết những lời thật thấu đáo tới căn để ruột gan: “Nhiều người trách cha sao không biết cái thế, cái thời, cái tiến, cái lui, ham chi chút đỉnh chung mà trở về tại Huế sau Cách Mạng 11-63. Sao Cha không làm một Bá Di, Thúc Tề, để tiếng cho người sau? Trách thì cứ trách, chê thì cứ chê. Vì người chê, kẻ trách ai cũng có lý. Nhưng nói đi thì cũng phải nghĩ lại. Nghĩ cho cùng, ơn mưa móc nhà Ngô, Cha đã hưởng được gì. Cũng những bữa cơm đạm bạc, cũng chiếc áo choàng nhà tu. Lụa là, nem công chả phượng gì cho cam.” Cái quyền, cái thế Cha có được, Cha cũng đã chỉ đem ra gầy dựng cho Viện Đại Học Huế.

Lại nói, khi Cha trở về sau tháng 11-63, không ai không thấy quyết định nông cạn của Cha. Nhưng cũng nên nghĩ lại mà thương Cha. Cha là cha triều mà không có họ đạo, có khác chi kẻ vô gia cư. Cả cuộc đời, Cha lo công việc giáo dục, lấy học trò làm con, lấy ngôi trường làm nhà ở. Nhà ở của Cha, cuộc đời của Cha là Viện-Đại-Học Huế. Hành động của Cha cũng nên được nhìn như là một lần trở về với gia đình, với mái nhà của Cha, để tìm ở đó một chút thân thương cuối cùng trong cuộc sống. Cha đã không tìm được điều đó, điều mong ước độc nhất trong cuộc đời Cha. Và người ta đã đuổi Cha đi, đuổi Cha ra khỏi mái ấm gia đình của Cha. Sao lại nở trách Cha, mà không hiểu cho Cha!”

Vị giáo sư người Nam nầy đã viết tiếp: “Có một thời dân cư xứ Huế, thân hào nhân sĩ, học giả, công nhân viên chức, ở mọi giai từng xã hội, cùng với một bọn trẻ, động cơ khác nhau, từ những nguồn gốc khác nhau, có người ngoại quốc, cùng nhau sát cánh với Linh Mục Cao Văn Luận xây dựng một Viện Đại Học cho con em hiếu học. Viện Đại Học này, trong phạm vi khả thể, đã làm tròn trách vụ của mình. Bao nhiêu người trẻ hiếu học đã có cơ hội học hỏi thăng tiến…”

Linh mục Cao Văn Luận xuất thân từ môi trường giáo dục trí thức Công Giáo sống cuộc đời một bậc lương sư đúng vào thời điểm có thể đem kiến thức tài năng ra chấn hưng đất nước, phụng sự dân tộc trong trách nhiệm của mình, mặc dù thời gian ngắn ngủi qua lãnh vực giáo dục chỉ có bảy năm. Tuy nhiên thời gian những năm sống và du học ngoại quốc và nhất là những nỗ lực vận động cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi trở về trong nước, với tinh thần ái quốc dạt dào, Linh mục Cao Văn Luận cũng đã tỏ rõ hết trách nhiệm của mình trước thế nước lòng dân. Với tâm thức của một kẻ sĩ, Linh mục Cao Văn Luận là người luôn cố gắng “tận nhân lực tri thiên mệnh” nên trong những khó khăn vẫn cố làm hết sức mình dù phải vất vả ngược xuôi và chịu tiếng thị phi. Đức Cha Ngô Đình Thục đã có lần gán cho ngài tĩnh từ không mấy đẹp là “prétentieux” (người tự phụ) nhưng thật ra đó cũng là lời khen vì tự phụ là ngoại biên của tự tin, bởi lẽ trong những quyết định về văn hóa, giáo dục kể cả chính trị, không có tự tin (lẫn tự phụ) sẽ không làm được gì. Vả lại nơi con người xứ Nghệ Tĩnh đức tính tự tin là một trong những nét độc đáo của họ vốn là khả năng tạo nên lịch sử như đã từng được chứng minh.

Linh mục Cao Văn Luận là một mẫu người trí thức dấn thân vì trách nhiệm tự đặt ra cho mình hay vì thời cuộc sắp xếp, đúng với câu nói của Nguyễn Lộ Trạch, người Thừa Thiên một nhân sĩ yêu nước thế kỷ XIX, tác giả bản chính luận nổi tiếng “Thiên Hạ Đại Thế Luận”:

“Có trách nhiệm với đời một ngày thì cũng có việc làm của một ngày. Người quân tử rất ghét những kẻ lấy cớ thời vận để thoái thác trách nhiệm.”

Là một Viện Trưởng có nhiều công lao nhất của Viện Đại Học Huế nói riêng và là một nhà văn hóa nổi tiếng nói chung, linh mục Cao Văn Luận đã thật sự có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng các môn sinh của ngài; chỉ tiếc rằng lý tưởng “lương sư hưng quốc” của một bậc sĩ phu yêu nước như ngài chưa thực hiện được dài lâu, tuy vậy sự nghiệp văn hóa giáo dục của ngài cũng đã để lại dấu ấn bất hủ trong lịch sử văn hóa dân tộc.



NGUYỄN ĐỨC CUNG

Philadelphia ngày 20-9-2015