Trong ba tuần vừa qua, các cơ quan truyền thông quốc tế đã loan truyền khả năng Tòa Thánh sắp kết thúc việc đàm phán với Trung Quốc về việc Tòa Thánh sẽ chuẩn nhận 7 Ðức cha được Hội Công Giáo Yêu nước Trung quốc phong chức bất hợp pháp và có vị còn bị vạ tuyệt thông. Tuy nhiên, sự kiện này đã gặp sự bất đồng ý của Ðức Hồng Y Trần Nhật Quân, Giám mục danh dự Giáo phận Hông Kông. Chúng tôi xin trình bày sự vụ, để bắt đầu, về các cơ chế mà đảng cộng sản Tàu đã thành lập để kiểm soát nghiêm ngặt tín hữu Công Giáo, ly khai khỏi Giáo hội toàn cầu…

I./ CÁC CƠ CHẾ GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC.

Sau khi quân cộng sản chiếm toàn thể Hoa lục, Mao Trạch Ðông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ngày 01.10.1949. Sau khi hình thành chính quyền trung ương, đảng cộng sản thành lập ‘Giáo hội Yêu nước’, độc lập với Tòa Thánh và bất tuân Ðức Thánh Cha:

A. Hội Giáo hữu Công Giáo Trung Quốc Yêu nước (Trung quốc Thiên Chúa giáo Ái quốc, được viết tắt trong bài này theo tiếng Anh CPCA (Chinese Patriotic Catholic Association), là một tổ chức tôn giáo cưỡng bách tín đồ Công Giáo Tàu phải gia nhập do Vụ Tôn giáo nhà nước thành lập năm 1957 để kiểm soát mọi hoạt động của đồng bào Công Giáo với ý đồ về một ‘giáo hội’ tách hẳn với Tòa Thánh một cách: tự trị, tự chủ và tự quản, ngoài ra, nó còn mang hoàn toàn màu sắc chính trị cộng sản Tàu. Trong thông điệp Ad Apostolorum Principis ban hành ngày 29.07.1958, Ðức Giáo hoàng Piô XII bày tỏ phản ứng trước hoạt động của hội này và các ‘giám mục thành viên’. Ngài tuyên bố, những tín đồ tham gia vào hoạt động của hội, nhất là việc tự tấn phong ‘giám mục’ chưa có sự chuẩn y của Ðức Thánh Cha sẽ bị rút phép thông công.

Ðây là tổ chức duy nhất các tín đồ Công Giáo được nhà nước Tàu cộng công nhận, và do đó, các tín đồ Công Giáo nước này đều bị buộc phải là thành viên của CPCA, Giáo hội chính thức. Nhưng thực tế, không phải mọi tín đồ Công Giáo tại đây đều chấp nhận và tuân theo chỉ thị của CPCA. Các tín hữu trung thành với Ðức Giáo hoàøng, Ðấng kế vị Thánh Phêrô, được Chúa Giêsu Kitô chỉ định ‘đứng đầu Hội Thánh’, hợp thành Giáo hội hầm trú (hay thầm lặng). Bởi thế, chúng ta không thể tưởng tưởng đến một cuộc hợp tác giữa Thánh Phêrô và bạo chúa Hêrôđê.

Người ta ước lượng hiện nay tại Hoa lục có khoảng từ 10 đến 12 triệu người Công Giáo, trong số đó có khoảng 5 triệu người thuộc Giáo hội Hầm trú, số còn lại theo CPCA. Tại cấp giáo xứ, có nơi, số tín hữu chia làm hai nhóm, một số theo Giáo Hội Công Giáo Rôma và một số theo CPCA.

B. Giám mục đoàn Công Giáo Trung Quốc, tức tên cộng sản bắt chước Hội đồng Giám mục tại các nước tự do, nơi có sự tách biệt các Tôn giáo và Nhà nước (như tại Pháp có ‘Loi de séparation des Églises et de l’État ngày 09.12.1905) là tổ chức tập hợp bắt buộc các Giám mục Công Giáo ở nước này, được nhà nước Tàu thành lập năm 1980 và nuôi ăn. Do đó, nó ly khai với Tòa Thánh để chịu sự điều khiển của đảng cộng sản Tàu, quản lý và lãnh đạo các hoạt động. Tòa Thánh không thừa nhận tổ chức này vì nó mang quá nhiều màu sắc chính trị, can thiệp thô bạo vào các truyền thống Công Giáo Rôma, đặc biệt vấn đề tấn phong Ðức cha không được sự phê chuẩn của Ðức Thánh Cha. Mặc dù chính quyền Trung Quốc và Tòa Thánh nhiều lần thiết lập đối thoại, nhưng quan điểm giáo hội quốc gia là một rào cản lớn, từ nhiều thập niên qua. Do đó, các Ðức cha người Hoa thuộc một trong ba trường hợp:

a. đương sự được tấn phong Ðức cha bất hợp pháp theo ý CPCA, không c ó sự chuẩn nhận bởi Ðức Giáo hoàng. Hậu quả, Tòa Thánh tuyên bố rút phép thông công đương sự và những ai tham gia vào việc tấn phong này, theo điều 1382 Giáo luật ;

b. đương sự được Ðức Giáo Hoàng chuẩn y và được tấn phong Ðức cha khi Bắc Kinh chưa ưng thuận. Phản ứng lại, họ tuyên bố không công nhận đây là Ðức cha, có thể đương sự sẽ gặp nhiều khó khăn từ chính quyền ;

c. được CPCA đề xuất và tấn phong Ðức cha theo ý họ. Lập tức sau đó, đương sự liên lạc với Tòa Thánh để yêu cầu được Tòa Thánh xem xét hòa giải và nối lại sự hiệp thông. Ðây là trường hợp được nhiều Vị chọn, theo thống kê.

II./ SỰ KHÓ KHĂN CHO VIỆC TRUYỀN THÁNH CHỨC ÐỨC CHA.

Vấn đề ‘Giám mục Trung quốc’ vẫn được Tòa Thánh lưu ý từ lâu vì thẩm quyền tôn giáo bị vi phạm.

A. Tìm ứng viên quốc doanh không dễ.

Ngày 06.01.2000, trong bầu không khí hy vọng Hòa bình đ ầu Tân Thiên niên kỷ, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong 12 Ðức cha tại Vatican. Lập tức, CPCA, để đáp trả, tuyên bố cũng sẽ phong chức cho 12 Ðức cha quốc doanh. Nhưng, sau đó, vì không tìm được ứng viên, họ thông báo chỉ còn 6 và cuối cùng chỉ còn 5 vì ứng viên thứ 6 thành công thoát thân trước buổi ‘phong chức’. Một người khác trong 5 vị đó vừa khóc cho biết qua điện thoại là mình đã không thành công trốn thoát. Như vậy, chức tước và quyền lợi quốc doanh vẫn chưa làm hoa mắt các Linh mục can đảm vác Thánh Giá theo chân Chúa.

Trong buổi lễ hội tấn phong này, chú từ (sacristain) nhà thờ Chính tòa, các em giúp lễ đình công và các chủng sinh từ chối vào nhà thờ. Thay vào đó, hiện diện các tai mắt của đảng và nhà nước, nhưng vắng bóng giáo dân Bắc kinh. Như vậy, cũng còn hơn 50% ứng viên bị cưỡng bách làm ‘Giám mục quốc doanh’ biết từ chối việc làm làm của quỷ đỏ.

B. Tấn phong Ðức cha không chuẩn thuận của Ðức Thánh Cha.

Ngày 10.07.2012, Tòa Thánh, qua một thông cáo, cho biết:

1.- Linh mục Nhạc phúc Sanh (Joseph Yue Fusheng) nhận truyền bất hợp pháp thánh chức Đức cha ngày 06.07.2012 tại Cáp nhĩ tân (Harbin, tỉnh Hắc long giang) nên bị vạ tuyệt thông tức khắc theo Giáo luật điều 1382. Do đó, Tòa Thánh không nhìn nhận ông là Giám mục Miền giám quản Tông tòa Cáp nhĩ tân, và không có quyền bính để cai quản các linh mục và Cộng đoàn Công Giáo tại tỉnh Hắc long giang. Từ lâu, linh mục đã được Tòa Thánh cho biết không thể phê chuẩn ông và yêu cầu ông đừng chấp nhận việc truyền chức Đức cha và không được trao sứ nhiệm Giám mục vì không có sự ủy nhiệm của Đức Thánh Cha.

2. Các Giám mục tham dự cuộc truyền chức bất hợp pháp này cũng bị hình phạt như Giáo luật trù định, họ phải tường trình Tòa Thánh về sự hiện diện tại buổi lễ tôn giáo này.

3. Tòa Thánh ca ngợi các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã cầu nguyện và ăn chay để cầu cho linh mục Sanh sớm tỉnh ngộ, cho sự thánh thiện của các Giám mục và cho sự hiệp nhất Giáo Hội Công Giáo tại Tàu, đặc biệt ở Cáp Nhĩ tân.

4. Các tín hữu Công Giáo tại Trung quốc được mời gọi bênh vực và bảo tồn những gì thuộc về đạo lý và truyền thống Công Giáo. Trong những khó khăn hiện nay, hãy tín thác nhìn về tương lai, xác tín rằng Giáo hội được thiết lập trên đá tảng Phêrô và các Đấng kế vị.

5. Tin tưởng nơi ước muốn thực sự của Nhà nước Trung quốc về việc đối thoại với Tòa Thánh, Tòa Thánh cầu mong Nhà nước Trung quốc đừng có những hành vi trái ngược với sự đối thoại như thế, tránh những cuộc truyền chức Ðức cha bất hợp pháp, không có sự ủy nhiệm của Đức Thánh Cha, tạo ra chia rẽ và đau khổ cho cộng đoàn Công Giáo tại đây và Giáo hội hoàn vũ.

1. Các chi tiết cuộc tấn phong bất hợp pháp ‘Ðức cha’.

Linh mục Sinh, 48 tuổi, thuộc giáo phận Hà Bắc, đã được phong chức cho giáo phận Cáp Nhĩ Tân. Tháng 12/2010, ông được tuyển chọn làm một trong ba Phó Chủ tịch CPCA, cùng với hai linh mục Phaolô Lei Shiyin (Giáo phận Lạc Sơn) và Giuse Huang Bingzhang (Giáo phận Sán Đầu). Sau đó, hai vị này trở thành Ðức cha bất hợp pháp. Do đó, ông phải noi gương họ, dù có gây khó khăn cho Tòa Thánh hay đem lại đau buồn cho giáo dân cũng mặc kệ, miễn sao nhà nước Tàu vui lòng, tăng lương (do tiền thuế người dân đóng mà) vì đồng cấp bậc và cùng chức vụ. Hơn nữa, tại Tàu, nhà nước có ‘giám mục quốc doanh’ thì ‘linh mục quốc doanh’ đâu còn giá trị như tại cái gọi là Ủy ban Ðàn két Yêu nước tại Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Ngày 03.07.2012, Thánh Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc phổ biến một văn thư cho rằng ‘Giáo hội hoàn vũ không thể chấp nhận một việc truyền chức như vậy’ vì, như Đức Thánh Cha đã ghi nhận qua Tông thư gửi tín hữu Trung quốc năm 2007, ‘‘quyền hạn chính quyền Trung Hoa là được ‘chú ý’ đến việc lựa chọn các Ðức cha, nhưng khẳng định rằng ‘việc phong chức Ðức cha bởi Đức Thánh Cha đảm bảo cho sự hiệp nhất Giáo hội và sự hiệp thông trong hàng ngũ giáo phẩm’". Những giáo sĩ tự do vâng phục chính quyền để phá vỡ sự hiệp thông này đều bị Giáo Luật ngăn cấm và đưa đến vạ tuyệt thông.

Ngày 04.07.2012, Tòa Thánh ra Thông cáo xác định việc Phong Thánh chức Đức cha và bổ nhiệm Giám mục là những hành vi tôn giáo thuộc thẩm quyền của Đức Thánh Cha vì sự hiệp nhất trong Giáo hội và lên án âm mưu tấn phong trái phép tại tỉnh Hắc Long Giang. Bộ Ngoại giao Trung quốc đã phản kháng Tòa Thánh nói rằng việc tấn phong Giám mục là công việc nội bộ của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Tân hoa xã lên tiếng ngạo mạn rằng vạ tuyệt thông của Tòa Thánh ‘không có tác dụng’ đối với các Ðức cha Trung quốc.

2. Ðồng thời, tối ngày 04.07.2012, Linh mục Giuse Triệu Hoành Xuân (Zhao Hongchun), 39 tuổi, không gia nhập CPCA, được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 cử làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Cáp Nhĩ Tân, nhưng bị các quan chức cộng sản ‘mời làm việc’ vào buổi chiều. Lúc khoảng 19 giờ, một linh mục phụ tá của Cha nhận điện thoại từ Cha cho biết ‘cuộc làm việc sẽ mất vài ngày’ với các quan chức Tôn giáo vụ. Hai linh mục phụ tá của Cha cũng bị bắt sáng ngày 06.07.2012 vì phản đối buổi lễ và việc bắt giam phi pháp Cha Xuân. Buổi chiều, sau ‘nghi lễ tấn phong’, họ đã được trả tự do. Ngoài ra, CPCA cưỡng bách sáu Giám mục hiệp thông với Đức Thánh Cha tham gia việc tấn phong. Văn phòng Tôn giáo vụ cảnh báo các linh mục không được gây trở ngại. Do đó, nhiều linh mục đi khỏi thành phố để tránh bị buộc phải tham dự buổi lễ. Do đó, Nhà thờ Chánh tòa Cáp Nhĩ Tân đã được tân trang và được đặt dưới sự kiểm soát của công an bảo vệ an ninh và mọi sự tiếp cận đều bị ngăn chặn. Trái lại, Ban tổ chức phải ngược xuôi chạy tìm một ca đoàn hát trong buổi ‘phụng vụ thánh hiến’.

C. Một trường hợp thật sự đau đớn.

Tađêô Mã Đạt Khâm (Thaddeus Ma Daqin), sinh năm 1968, là một Ðức cha người Hoa, được bổ nhiệm với sự chấp thuận của Ðức Thánh Cha và sự đồng ý của nhà nước Tàu vào ngày 07.07.2012 với Sứ vụ Giám Mục Phụ Tá Thượng Hải nhưng ngay sau đó lại bị Giám mục đoàn Công Giáo Trung Quốc thu hồi thánh chức Ðức cha và quản thúc tại Chủng viện Xà Sơn.

1. Bầu Ðức cha. Ngày 30.05.2012, CPCA thành phố Thượng Hải (Shanghai) đã tổ chức ‘bầu Ðức cha’, với ứng viên duy nhất là linh mục Tađêô Mã Đạt Khâm được đề nghị bởi CPCA, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của đảng đối với Cha. Cuộc bầu chọn được tiến hành dưới sự chủ toạ của Đức Tổng Giám Mục Aloysius Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian) với 190 người tham dự đầu phiếu. Kết quả : linh mục Mã Đạt Khâm được 160 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 28 phiếu trắng.

Theo đề nghị của Đức cha Hiền, 96 tuổi, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 cử Ðức cha Khâm vào nhiệm vụ Giám Mục Phụ Tá Thượng Hải. Giáo nội ‘chính thức’ Thượng Hải lúc đó có khoảng 150.000 người Công Giáo và một con số đông hơn thuộc cộng đoàn hầm trú dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Giuse Phạm Trung Lương, 94 tuổi, và Đức cha Giuse Hình Văn Chi.

2. Truyền Thánh chức Đức cha hợp thức. Tại Tàu cộng, để tránh làm ‘mất uy phong đảng’, trước các Thánh Lễ tấn phong Đức cha được sự phê chuẩn của Ðức Thánh Cha, các Đức cha và linh mục tham dự Thánh Lễ này tập họp tại nhà nguyện Tòa Giám mục để nghe đọc sắc chỉ tấn phong Ðức cha của Ngài. Trong Thánh Lễ, với sự hiện diện của giáo dân và viên chức nhà nước, chỉ đọc các sắc lệnh phê chuẩn của đảng, nhà nước và Giám mục đoàn Công Giáo Trung Quốc không được Tòa Thánh công nhận.

Ngày 07.07.2012, việc tấn phong Đức cha Mã Đạt Khâm, 44 tuổi, đã không ra ngoại lệ đó, nhưng sau khi sắc chỉ Đức Thánh Cha được đọc, Cha Khâm đã nói với ‘Giám mục trái phép’ Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu), giáo phận Mẫn Đông: « Ông không phải là Giám mục, ông không được đặt tay trên đầu tôi ».

Trong Thánh Lễ tại nhà thờ Chính tòa Thượng Hải, với khoảng 1.200 giáo dân hiện diện, Đức Tổng Giám Mục Kim Lỗ Hiền, chủ tế và chủ phong, đã là người đầu tiên đặt tay cầu nguyện trên đầu vị tân chức, là người sẽ kế nhiệm Ngài trong việc coi sóc Tổng Giáo phận. Kế đến, hai Đức cha phụ phong Từ Hoành Căn (Giáo phận Tô Châu) và Trầm Bân (Giáo phận Hải Môn) lần lượt đặt tay. Hai Đức cha hợp thức khác là Thái Bính Thụy (Giáo phận Hạ Môn) và Lý Tô Quang (Giáo phận Nam Xương) đã đứng tại chỗ chung với ông Chiêm Tư Lộc để ông này không lý do rời chổ đến đặt tay trên đầu vị tân chức. Đức tân Giám mục Thượng Hải cũng từ chối không uống chung chén Máu Thánh với ông Chiêm Tư Lộc.

Đa số 86 linh mục Tổng Giáo phận Thượng Hải không tham dự lễ tấn phong. Chỉ 12 vị đã hiện diện trong tổng số 30 linh mục đồng tế Thánh lễ. Đức cha mới nói rằng Người ‘hiểu lý do sự vắng mặt trong Thánh Lễ tấn phong cho tôi của một số đông các linh mục và nam nữ tu sĩ của Tổng Giáo phận’ và ‘tôi yêu mến anh chị em. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau’ (vỗ tay).

Trong lời tạ ơn, sau khi cám ơn Thiên Chúa đã chọn Đức cha, các Giám mục và tín hữu đã đến góp vui, Tân Đức cha cho biết mình đã ghi hai câu ‘Vì vinh quang Thiên Chúa’ và ‘Chúng ta nên một’ vào huy hiệu Giám mục của mình. Là Giám mục, tôi phải tận dụng sức lực mình cho Sứ Vụ này và công tác Phúc âm hóa. Do có điều phiền hà cho tôi nếu tiếp tục thi hành một vài trách nhiệm. Đó là lý do, từ khi được tấn phong này, tôi chấm dứt là thành viên Hiệp hội yêu nước. Những tràng pháo tay tán đồng và kéo dài của hơn 1.200 tín hữu dự Thánh Lễ và đã gây sững sờ cho các cán bộ tôn giáo vụ cộng sản và họ đã phẩn nộ, chửi thề…

3. Hành động tự do và dũng cảm luôn có một giá phải trả. Vài giờ sau Thánh lễ tấn phong, Đức cha Tađêô Mã Đạt Khâm, Giám Mục Phụ Tá Thượng Hải được ghi nhận là mất tích. Những cử chỉ anh hùng vì Sự Thật ‘Chúng ta nên một vì vinh quang Thiên Chúa’ của Người thu hút được sự đồng ý của mọi Kitô hữu. Do đó, sáng Chúa Nhật 08.07.2012, đông đảo giáo hữu kéo đến nhà thờ Chánh tòa để chào mừng Đức tân Giám mục và hiệp thông dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa để cầu nguyện cho Quê hương và Giáo hội. Tuy nhiên, Đức tân Giám mục đã không còn quyền tự do để hiện diện và chủ tọa Thánh Lễ.

Ngày 11.07.1912, tại Hương Cảng (Hongkong), Ủy ban ‘Công lý và Hòa bình’ Giáo phận đã tổ chức cuộc biểu tình ủng hộ Đức cha Mã Đạt Khâm. Cùng khoảng 20 người, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), Giám mục danh dự Giáo phận, tập hợp trước Văn phòng liên lạc chánh phủ trung ương Trung quốc, đại diện Bắc kinh tại Hương Cảng. Đức Hồng Y sinh tại Thượng Hải năm 1932, người đã Cha Giáo dạy Đức cha tân phong tại Chủng viện Sheshan từ năm 1989 đến năm 1996, nói với thông tấn xã Ucanews : « Chúng tôi biết rõ tình hình tại Trung quốc. Hiện giờ, áp lực [từ nhà cầm quyền] đang đè thật nặng trên Giáo phận Thượng Hải ».

Một thành viên Ủy ban ‘Công lý và Hòa bình’, bà Or Yan-yan, tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực mẩu tin nhắn bằng SMS được cho là của Đức cha Mã Đạt Khâm gửi các linh mục và tu sĩ Thượng Hải giải thích việc Đức cha vắng mặt trong Thánh Lễ tạ ơn, mở tay sau lễ tấn phong vì Người cần nghỉ ngơi và tĩnh tâm tại chủng viện Sheshan. Không lý do gì khiến Người phải vội vã đi tĩnh tâm mà không dâng Thánh Lễ đã dự trù trước từ lâu.

4. Sự không biết điều của người cộng sản. Đảng viên cộng sản, dù là Tàu hay Việt, giáo sĩ hay giáo dân ‘quốc doanh’, trước hết, là những nguời không biết tôn trọng sự độc lập giữa Tôn giáo và Nhà nước (độc lập chứ không là ‘biệt lập’ vì cả hai cùng hợp tác để phục vụ và mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân). Thẩm quyền của Nhà nước thuộc lãnh vực chính trị và việc bổ nhiệm Ðức cha, nhân sự của Giáo Hội Công Giáo, thuộc thẩm quyền tôn giáo (Công Giáo) do Đức Giáo Hoàng hành xử. Điều 1382 Giáo luật hiện hành quy định : « Giám mục nào không có ủy nhiệm thư giáo hoàng mà phong chức Giám mục cho người khác, cũng như người nào được truyền chức do Giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh ».

Bất chấp những ‘dấu hiệu về đối thoại’ đã được Trung quốc và Tòa Thánh mong muốn’, Nhà nước Trung cộng lợi dụng điều 1382 này để gây ‘chia rẽ’, ‘xâu xé’ và ‘căng thẳng’ trong cộng đồng Công Giáo tại Trung quốc. Thực vậy, sáu Giám mục hợp thức bị buộc phải tham dự lễ nghi, ngày 06.07.2012, truyền chức cho một Đức cha không có chuẩn thuận của Đức Thánh Cha để tất cả đều bị mắc vạ tuyệt thông. Do đó, sáu Giám mục hợp thức được Tòa Thánh yêu cầu làm ‘Tờ trình’ về trường hợp riêng mình : tham dự do tự ý hay bị bắt buộc. Sự bắt buộc gây hà tỳ ưng thuận, tức không hành động tự do như ý.

Trái lại, trong Thánh Lễ truyền chức Đức cha, ngày 07.07.2012, cho linh mục Mã Đạt Khâm có chuẩn thuận của Đức Thánh Cha, Nhà nước gởi một Giám mục bị vạ tuyệt thông, nhưng đã bị ‘cô lập hóa’ nên không gây liên lụy ‘vạ tuyệt thông’ đến năm Giám mục hợp thức đồng tế Thánh Lễ.

Ngày 27.04.2013, Đức Tổng Giám Mục Aloysius Jin Luxian qua đời, Ðức cha Tađêô Mã Đạt Khâm không có mặt để tiếp nối Sứ Nhiệm của Ngài.

Theo nhiều nguồn tin thì, vào tháng 06/2016, Ðức cha Tađêô Mã Đạt Khâm đã tái gia nhập CPCA bằng bày tỏ sự ‘hối hận’ trong một bài viết trên blog. Sau đó, tin từ CPCA cho biết : « Ngày 20.01.2017, ‘linh mục’ Mã Đạt Khâm đã được bầu làm ‘thành viên bổ sung’ và giữ chức ủy viên thường trực nhiệm kỳ thứ VIII của CPCA thành phố Thượng Hải. Ðó không phải là điều ngạc nhiên vì Hội đồng Giám mục ‘quốc doanh’ đã thu hồi chức giám mục của Ngài hồi tháng 12/2012. Ngài đã bị giám sát và phải sống ẩn dật ở Chủng viện Xà Sơn (Sheshan) từ sau lễ tấn phong đó.

Có những người Công Giáo bày tỏ thất vọng về bài viết vừa rồi của Ngài khi tôn vinh ‘Hiệp hội Yêu nước’ và việc Ngài tái gia nhập hội này. Họ cho rằng hành động mới của Ngài sẽ làm chia rẽ thêm Giáo hội tại Trung Quốc. Tuy nhiên, không ít những người Công Giáo vẫn hy vọng Ngài sẽ kiên trường và có ảnh hưởng trong Giáo phận. Về bài viết mà Ngài đã đăng trên blog hồi tháng 6/2016 thì nhiều người tự hỏi rằng đó thực sự có phải là ý nghĩ của Ngài hay không.

III./ THẨM QUYỀN PHONG THÁNH CHỨC ÐỨC CHA.

Xin lưu ý : Thánh chức Ðức cha thuộc phẩm trật Giáo sĩ (Phó tế, Linh mục, Ðức cha, Hồng Y và Ðức Thánh Cha). Giám mục là một chức vụ. Linh mục Giuse được phong Ðức cha và được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận… .

Công Giáo, tôn giáo duy nhất, vừa là Giáo hội với 1,3 tỷ tín hữu vừa là một quốc gia. Do đó, Thẩm quyêàn Ðức Thánh Cha được hành xử để lãnh đạo và điều khiển:

a) Giáo Hội Công Giáo, được thành lập từ ngày Ðức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 33, tiếp nối Sứ Vụ từ Thánh Phêrô, Tông đồ trưởng, ủy nhiệm bởi Dức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài thi hành Sứ Vụ với sự cộng tác của Giám mục đoàn, tiếp nối các Tông đồ khác, cai quản các Giáo phận, Giáo Hội Công Giáo địa phương. Ðây là một tương quan tinh thần giữa những tín hữu cùng một Tôn giáo. Bởi thế, việc bổ nhiệm các Giám mục, cộng tác viên của Ðức Thánh Cha, do Ngài quyết định là điều thật chính đáng. Ðối với công dân nước mình, là các lãnh đạo cầm quyền được ủy quyền dân chủ qua các cuộc bầu cử trong sạch để phục vụ Công ích và Công bằng xã hội thì đồng bào đâu có cớ để chống lại nhà nước pháp quyền.

b) Tòa Thánh (Holy See, tiếng Anh, và Saint Siège, tiếng Pháp) là một quốc gia với Quốc trưởng là Ðức Thánh Cha được sự cộng tác của Giáo triều.Với Vatican là Thủ đô, Tòa Thánh góp mặt với Thế giới từ ngày 07.06.1929. Là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, hiện nay, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 183 quốc gia, nhưng chưa có với Trung quốc, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Vì tự do sống đạo và hành đạo của Kitô hữu được Thiên Chúa giao phó, các Ðức Giáo hoàng lần lượt tiếp tục tiến trình lâu dài và khó khăn để thỏa hiệp với Bắc Kinh, qua những cố gắng tiến tới việc thiết lập các liên hệ tôn giáo và ngoại giao nhằm xây dựng một khung luật pháp hợp lý, công bằng và bền vững hơn cho sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc. Với khoảng từ 10 đến 15 triệu người Công Giáo, dù những người này không bị bách hại thể lý, nhưng rõ ràng họ chịu nhiều xách nhiễu và hạn chế về sinh hoạt tôn giáo và bị đối đãi như một công dân hạng nhì. Do đó, Tòa Thánh quyết tâm cải thiện tình trạng này.

Tuy nhiên, việc cải thiện này chỉ có thể thực hiện hiệp thương qua kênh ngoại giao giữa Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ ngót ¼ thế kỷ vừa qua. Ngoài ra, Tòa Thánh biết Trung Hoa là cánh đồng truyền giáo mênh mông, dù đôi khi lao đao không biết phải làm gì trong vấn đề này. Nhiều chuyên gia coi đất nước này là một ‘thị trường thiêng liêng’ thực sự có tính cạnh tranh nhất toàn cầu hiện nay.

Năm 2007, trong một lá thư lịch sử gửi người Công Giáo Trung Hoa, Đức Biển Ðức XVI cho hay việc hoà giải trọn vẹn giữa hai cơ chế Giáo hội là điều không thể một sớm một chiều mà có được, nhưng ‘để Giáo hội phải sinh hoạt hầm trú là một tình thế không bình thường’. Ngài quả quyết: chỉ có một Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa mà thôi và khuyến khích sự hợp nhất trong việc tuyên xưng đức Tin, bằng cách dành cho Công Giáo hầm trú một tính hợp pháp nào đó và cho phép người Công Giáo tham gia Giáo Hội chính thức (được nhà nước công nhận). Thư này không được nhà nước Tàu quan tâm và cấm lưu hành trong nước.

Đã có lúc, hai bên đồng ý với nhau về việc cử nhiệm các Ðức cha cá thể. Tuy nhiên, Chủ Tịch hiện thời là Tập Cẩn Bình đang chủ trương một sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các tôn giáo, qua chính sách ‘Trung Hoa hóa’ họ. Các qui định luật mới nhằm thi hành chính sách tôn giáo này có hiệu lực từ ngày 01.02.2018. Theo đó, việc tham dự Thánh Lễ nơi hầm trú sẽ không còn được dung thứ nữa.

IV./ HIỆP THƯƠNG CÔNG NHẬN CÁC ÐỨC CHA.

Ngày 26.10.2017, Tòa Thánh gởi thư xin Ðức cha Phêrô Trang Kiến Kiên (Zhuang Jianjian), 88 tuổi, Giám mục Giáo phận Sơn Ðầu (Shantou) tỉnh Quảng Đông, từ chức và trao nhiệm vụ Giám mục cho Đức cha Huang Bingzhang, được tấn bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông, 51 tuổi, thành viên Quốc hội, nhưng Ðức cha Trang đã từ chối yêu cầu này. Do đó, tháng 12/2017, Ðức cha bị buộc phải đi Bắc Kinh gặp phái đoàn Tòa Thánh, do Ðức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli (*) làm Trưởng đoàn và ba Linh mục phụ tá, để nhận lần nữa yêu cầu trên, trước sự hiện diện của các lãnh đạo CPCA và các quan chức Cơ quan Quản lý Tôn giáo.

Năm 2006, Toà Thánh đã bí mật chấp nhận việc tấn phong Ðức cha cho Linh mục Zhuang, nhưng nhà nước chỉ công nhận Ngài là linh mục. Do đó, sau khi đã trải qua những thời gian khó khăn nhất trong đời để tránh đổ vỡ cho Giáo hội Sơn Ðầu, nhưng, ngày nay, Ngài cảm thấy bị phản bội và rất buồn, nên đã bác bỏ yêu cầu vì ‘nó sẽ vi phạm các tín điều và nguyên tắc của Giáo hội’. Nếu Đức cha Zhuang đồng ý ‘nhường’, phái đoàn Tòa Thánh cho biết, Ngài có thể đề cử ba Linh mục, và một trong số đó Đức cha Huang sẽ chọn làm Tổng Đại diện của mình. Khi trở thành Giám mục chính tòa, vị này toàn quyền sa thải Tổng Ðại diện.

{Ðiều 401 Giáo luật: Khi đã trọn bảy mươi lăm tuổi, Giám mục Giáo phận được yêu cầu đệ đơn từ chức lên Ðức Thánh Cha, và Ðức Thánh Cha sẽ dự liệu sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, tại một nước, nhà nước vi phạm, cướp quyền Giáo hội, diệt mọi tự do nơi người dân, thì chờ gì Giáo luật được áp dụng ? Do đó, trường hợp Ðức cha Zhuang Jianjian, 88 tuổi, không phải do Ngài ‘tham quyền cố vị’, đã yêu cầu có người kế nhiệm, nhưng không được trả lời từ Tòa Thánh. Một số vị khác, dù người kế vị đã có ‘Bài sai’ với chữ ký của Đức Thánh Cha trong tay, vẫn được lệnh không tiến hành việc tấn phong vì sợ… nhà nước Ðỏ.}

Trường hợp thứ 2 là Ðức cha Giuse Quách Hỷ Tiến (Guo Xijin), 59 tuổi, Giám mục Giáo phận Mân Đông (Mindong) tỉnh Phúc Kiến, cho Ðức cha bất hợp pháp Vinh sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu), 57 tuổi và trở thành Giám mục phóù cho vị này. Theo Asia News, Đức cha Guo bị nhà nước giam cầm một tháng trước Tuần Thánh 2017. Ngài bị yêu cầu ký vào một văn kiện ‘tự nguyện rời Sứ Vụ để được nhà nước công nhận là Ðức cha. Ngày 11.02.2018, Ðức cha Quách cho biết Ngài sẽ chấp nhận yêu cầu từ chức vì ‘Lập trường nhất quán chúng ta là tôn trọng thỏa thuận được đưa ra giữa Tòa Thánh và nhà nước Tàu’ và bày tỏ quan điểm là, trong những năm gần đây, chính phủ đã ‘nới lỏng’ khi nói về vấn đề tôn giáo. Theo Giáo luật, Giám mục phó có quyền kế vị Giám mục chính toà, tức là Đức cha Quách một ngày kia có thể lấy lại quyền lãnh đạo của Ngài tại Giáo phận.

Theo thỏa thuận được hình thành, có 8 Giám mục bất hợp pháp đang chờ được Toà Thánh công nhận, nhưng một trong số đó đã qua đời. Do đó, chỉ còn 7.

V./ HAI QUAN ÐIỂM.

Bàn về thỏa thuận này, dư luận Công Giáo lưu ý nhiều tới vấn đề ‘Ðối thoại giữa Vatican và Trung Quốc’ do việc lên tiếng của hai Ðức Hồng Y, tạm gọi là am tường vấn đề, nhưng am tường ở hai bình diện khác nhau, tuy đều cùng là ‘vì Giáo hội’. Đó là Đức Hồng Y Joseph Zen và Ðức Hồng Y Pietro Parolin (*), Quốc Vụ Khanh, tức Thủ tướng Tòa Thánh, chỉ sau Đức Giáo Hoàng thôi.

A. Ðức Hồng Y Trần Nhật Quân gởi thư ngỏ.

Ngày 29.01.2018, Ðức Hồng Y (ÐHY) Trần Nhật Quân đã có thư gởi đến ‘Các bạn thân mến trong các phương tiện truyền thông’ để chia sẻ những điều sau đây vì AsiaNews đã tiết lộ một số sự kiện gần đây trong Giáo hội tại Trung Hoa. Tháng 10/2017, khi Ðức cha Zhuang nhận được thông tri đầu tiên từ Tòa Thánh đã nhờ ÐHY giúp đỡ, bằng mang thư do Ðức cha viết đến Tổng trưởng Bộ Phúc Âm Hóa các Dân tộc, kèm theo một bản sao đệ trình Đức Thánh Cha. Vì không biết bản sao đính kèm này có đến bàn làm việc Đức Phanxicô hay không. Nhưng may mắn, Đức cha Savio Hon Tai Fai (*), người Hoa, ở Rôma và có thể gặp Ðức Thánh Cha dể chào kính tạm biệt, trước khi đi Hy Lạp nhận nhiệm vụ Sứ Thần. Do đó, ÐHY nhờ Ðức cha Savio trình hai trường hợp của các Giáo phận Sơn Đầu và Mân Đông để Ngài biết. Đức Thánh Cha đã ngạc nhiên và hứa sẽ xem xét vấn đề này.

Ðến khi Ðức cha Zhuang, lần thứ hai, yêu cầu ÐHY mang tới Ðức Thánh Cha câu trả lời thông điệp của ‘Phái đoàn Tòa Thánh’. Ðể chắc thư đến Ðức Thánh Cha, ÐHY nhất quyết phải đi gặp mặt Ngài. Ngày 10.01.2018, ÐHY dự buổi triều kiến chung thứ Tư. Cuối buổi triều kiến, khi các Hồng Y và Ðức cha được phép ‘bacia mano’ (hôn tay) Giáo Hoàng và ÐHY đã thừa dịp này để trao tận tay Đức Thánh Cha một phong bì và thưa rõ rằng ÐHY đến Rôma chỉ vì mục đích duy nhất là mang đến Ngài một lá thư của Đức cha Zhuang, với hy vọng Ðức Thánh Cha có thể tìm ra thời gian để đọc nó (trong phong bì, có một lá thư của Đức cha Zhuang viết bằng Hoa ngữ và bản dịch sang Ý ngữ bởi ÐHY và một bức thư riêng của ÐHY).

ÐHY nhận thức rõ rằng khi làm như vậy Ngài có thể nói về những điều mà, về mặt kỹ thuật, được coi là ‘bảo mật’. Nhưng lương tâm ÐHY nói với Ngài rằng trong trường hợp này, ‘quyền chân lý’ là quan trọng hơn bất cứ ‘nghĩa vụ bảo mật’. Với niềm xác tín như vậy, ÐHY cho biết tiếp : Chiều ngày 10.01.2018, ÐHY nhận được cú điện thoại từ Santa Marta nói với Ngài rằng Đức Thánh Cha sẽ tiếp ÐHY vào buổi triều kiến riêng tối ngày 12.01.2018.

Cuộc trò chuyện kéo dài lối 30 phút và Ngài đã thành công trong việc truyền đạt đến Đức Thánh Cha những lo lắng từ những con cái trung thành của Ngài bên Tàu. Câu hỏi quan trọng nhất mà ÐHY nêu ra với Đức Thánh Cha là Ngài đã có thời gian ‘nhìn vào vấn đề’ (như Ngài đã hứa với Ðức cha Savio Hon). Dù có nguy cơ bị buộc tội vi phạm việc bảo mật, ÐHY quyết định cho biết là Đức Thánh Cha nói: « Có, tôi đã nói với họ (các cộng tác viên của Ðức Thánh Cha tại Tòa Thánh) đừng tạo ra một trường hợp Mindszenty khác! ». Những lời lẽ của Ðức Thánh Cha phải được hiểu như để an ủi và động viên cho các tín hữu Công Giáo hầm trú nhiều hơn ÐHY. ÐHY nghĩ thật là điều có ý nghĩa và thích hợp nhất khi Đức Thánh Cha, dựa vào lịch sử, nhắc đến Đức Hồng Y Josef Mindszenty, một trong những anh hùng Ðức Tin.

{Đức Hồng Y Josef Mindszenty là Tổng Giám mục Budapest, Hồng Y Giáo Chủ Hung Gia Lợi thời cộng sản bách hại. Ngài đã phải chịu đựng nhiều năm tù giam. Trong cuộc cách mạng ngắn ngủi (dập tan nhà nước cộng sản) năm 1956, Ngài đã được những người nổi dậy trả tự do, và trước khi Hồng Quân Liên xô dẹp tan cuộc cách mạng, Ngài tị nạn tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Dưới áp lực của Chính phủ cộng sản mới, Ngài được Toà thánh ra lệnh rời khỏi Quê hương và ngay lập tức người kế nhiệm Ngài được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm theo sở thích của Chính phủ Cộng sản). Sau đó, Ngài phải tị nạn tại Vienna (Aùo quốc) cho đến ngày 06.05.1975, được Chúa gọi ra khỏi thế gian.}

Với việc thổ lộ này, ÐHY hy vọng đã làm hài lòng ‘quyền được biết’ rất hợp pháp của giới truyền thông và của anh em tôi ở Trung Hoa.

(*) Ngày 14.09.2017, tại nhà thờ Hàng Xanh, giáo hạt Gia Ðịnh, Ðức Tổng Giám mục Savo Hon Tai-Fai, với tư cách Thư ký Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc, đã đến dự Lễ khai giảng Học viện Công Giáo Việt Nam. Nay, Ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp. Ngoài ra, Ðức Hồng Y Pietro Parolin và Ðức cha Claudio Maria Celli đã từng là Trưởng đoàn Tòa Thánh đến Việt Nam.

B. Đức Hồng Y Parolin binh vực thương thuyết với Trung Quốc

Ngày 02.02.2018, Radio Vatican Việt ngữ đã cho phát thanh có tựa đề như trên để tường thuật về cuộc phỏng vấn của Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh dành cho thông tin xã ‘Vatican Insider’, truyền đi hôm 31.01.2018, như để trả lời cho những phê bình của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, cho rằng Vatican ‘đầu hàng nhà nước Trung Quốc’. Ngài giải thích là cuộc đối thoại của Tòa Thánh với Bắc Kinh nhằm giúp các tín hữu Công Giáo tại đây ‘cảm thấy mình hoàn toàn là Công Giáo và đồng thời hoàn toàn là Trung Hoa. Tòa Thánh tìm kiếm một tổng hợp chân lý và một con đường có thể thực hành được, điều này cần có thời gian và kiên nhẫn. Trong viễn tượng đó, có thể một số người cần phải hy sinh vì thiện ích của Giáo hội. Tại nước này, không có 2 ‘Giáo Hội Công Giáo’, nhưng có 2 cộng đồng tín hữu được kêu gọi hòa giải với nhau qua những giải pháp mục vụ thực tế. Để được như thế, có thể cần yêu cầu một số người chịu hy sinh, ít hay nhiều. ‘Mặc dù tất cả không rõ ràng hoặc có thể hiểu được ngay, nhưng cần phải hoạt động trong tinh thần vâng phục con thảo đối với Ðức Thánh Cha’.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh không nói rõ đối tượng của sự hy sinh và ai được yêu cầu hy sinh. Nhưng theo báo chí, Ngài ám chỉ rõ ràng tới những lời trách cứ của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân về việc Vatican đã yêu cầu các Giám mục hợp pháp hầm trú đã trên 75 tuổi là tuổi về hưu, nhường chổ cho các Giám mục công khai không được Tòa Thánh nhìn nhận. Ngài khẳng định rằng Ðức Thánh Cha đích thân theo dõi những tiếp xúc với nhà nước Trung Quốc. Tất cả các cộng sự viên liên hệ trong vấn đề này đều hành động hòa hợp với Ðức Thánh Cha.

VI./ ÐỨC Hồng Y GIUSE TRẦN NHẬT QUÂN (陳日君, Joseph Zen Ze-kiun), sinh ngày 13.01.1932, tu sĩ thuộc Dòng Don Bosco, thụ phong Linh mục ngày 11.02.1961, tấn phong Ðức cha ngày 09.12.1996 và thăng Hồng Y ngày 24.03.2006 bởi Ðức Biển Ðức XVI. Nổi tiếng với tính bộc trực về các vấn đề như nhân quyền, tự do chính trị, và tự do tôn giáo, nên thường bị Cộng đảng Tàu chỉ trích và cấm truyền thông Tàu gọi Ngài là ‘Giám mục danh dự’ mà phải là nguyên Giám mục. Rời sứ nhiệm Tổng Giám mục Hồng Kông để nghỉ hưu ngày 15.04.2009, Ngài vẫn linh hoạt, xuất hiện nhiều trên truyền thông để nói về mối quan hệ giữa Hồng Kông và Trung Quốc (Tàu cộng cam đoan với chánh phủ Anh khi Anh trao trả Hồng Kông cho họ là Trung Quốc dành cho người dân Hồng Hông một thể chế tự do mà chúng thường không tôn trọng) và về bang giao giữa Tòa Thánh và Trung cộng.

Tham dự Hội thảo quốc tế PIME (Viện Giáo hoàng về Truyền giáo Hải ngoại) năm 2014 được tổ chức bởi thông tấn xã Asianews với chủ đề ‘Truyền giáo Á châu: ‘Từ Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Ðức Phanxicô’, Đức Hồng Y Quân đã nói: « Tôi hy vọng khi về lại Hồng Kong, sẽ kịp tham gia cùng những người khác để thực hiện các hành động bất tuân dân sự với phong trào Chiếm đóng trung tâm (occupy central). Dù có bị ngăn cấm hay bị bắt thì tôi cũng sẵn sàng để cảnh sát bắt giữ. Tôi hy vọng họ bỏ tù tôi vài ngày, để tôi có thời gian cầu nguyện cho tất cả các bạn sinh viên ».

Tối 28.09.2014, xuống đường biểu tình với học sinh, sinh viên, Ngài đã nói với đồng bào : « Tôi không dám nói cho mọi người Á châu, nhưng tôi tin rằng chủ đích việc truyền giáo tại Trung Quốc chính là Con Người: đó là trung tâm xã hội, xã hội thuộc về Con Người, như những cá thể được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì lý do này, khi phân tích vai trò quan trọng mà Giáo Hội Công Giáo đã có trong việc làm sụp đổ sự cai trị của Cộng sản tại Đông Âu, điều này khiến Bắc Kinh lo sợ việc có tự do tôn giáo ». Ngài tiếp : « Học thuyết vô thần chống đối việc Thiên Chúa đến với Con Người, và Con Người đến với Thiên Chúa. Nếu có một Thiên Chúa, mọi người sẽ thờ phượng Ngài, vì vậy hãy loại bỏ Thiên Chúa ».

Nhắc lời Thánh Gioan Phaolô II nói với Ngài ‘Tôi muốn đến Hoa Lục, tôi muốn đến Hoa Lục!’, Ðức Hồng Y cho biết : « Những gì hiện đang xảy ra tại Hồng Kông là cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo được tiếp tục diễn ra trong Giáo phận của mình: Tôi tự hào để nói rằng, nhờ những việc làm của Ủy ban Công lý và Hòa bình, Giáo hội tại Hong Kong là một người bạn đồng hành của mọi người trong cuộc chiến cho dân chủ hòa bình, trung thành với Giáo huấn xã hội của Giáo hội ». Ngài luôn làm việc để Giáo hội ở Hong Kong trở nên một ‘Giáo hội cầu nối’ đến Hoa Lục. Khi phát biểu, Ngài không chỉ nói đến sự hạn chế bị đặt ra bởi Bắc Kinh trong mối quan hệ với Vatican, mà Ngài còn đưa ra việc tại sao Con Rồng Á châu này lại rất sợ việc có tự do tôn giáo.

Nói với và về Ðức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, vào cuối tháng 10/2014, sau Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội đồng Ngoại thường về Gia đình và tuyên phong Chân Phước cho Ðức Phaolô VI, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói cùng các Hồng Y và Ðức cha khác : « Đây là một trong những người chiến đấu với chiếc ná ». Sau đó, Ðức Hồng Y giải thích: « Đức Giáo Hoàng đã ví tôi với David trong chuyện David đánh bại người khổng lồ Goliath bằng chiếc ná, và khuyến khích tôi ‘Đừng sợ, Thiên Chúa Israel ở với David’ ».

Về kinh nghiệm đối với cộng sản Tàu, ÐHY tự nhận mình là một người bi quan về vấn đề này, nhưng là sự bi quan có nền tảng do kinh nghiệm trực tiếp lâu dài của Ngài với Giáo hội ở nưóc này. Từ năm 1989 đến 1996, Ngài đã dành sáu tháng mỗi năm để dạy trong các chủng viện khác nhau thuộc cộng đồng Công Giáo chính thức. Nhờ đó, Ngài đã có cảm nghiệm trực tiếp về cảnh nô lệ và nhục nhã mà các Giám mục anh em chúng ta từng phải chịu.

VII./ TRUNG QUỐC XÀI RẤT ÐÚNG ‘ÐỒNG TIỀN, BÁT GẠO’.

Đức cha Marcelo Sánchez Sorondo, người Á Căn Đình, Hiệu trưởng Đại học Giáo Hoàng về Khoa Học kiêm Hiệu trưởng Đại học Giáo Hoàng về Khoa học Xã hội tại Vatican vừa đi thăm Trung cộâng về, trả lời phỏng vấn đăng ngày 02.02.2018 trên tờ Vatican Insider, đã ca ngợi quốc gia này là nước thực hiện ‘tốt nhất’ Học thuyết xã hội Công Giáo’. Ca ngợi như vậy khi nhà nước độc tài này tiêu diệt ‘tự do tôn giáo’ và nhân quyền cùng đẻ ra các ‘hội ly giáo’ quái thai gây bao nhiêu chia cách, tranh chấp trong Giáo hội Trung hoa và khiến bao nhiêu vạn tín hữu Công Giáo bị tù vô tội

Với thánh chức Ðức cha và những chức danh khoa bảng của Ngài, giáo dân như chúng ta, chúng tôi không dám góp ý, nên xin nhường cho một giáo sĩ khác đáp trả… Linh mục Bernardo Cervellera, Giám đốc thông tấn xã Công Giáo Asia News của Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo và là cựu Giáo sư Đại học tại Bắc Kinh đã phê bình : « Nhận định này gây ngỡ ngàng, hoang mang, và thậm chí là đau đớn cho nhiều người, nhất là trong bối cảnh có những nhượng bộ quá phi lý với Trung Quốc. Khi cho là nước thực hiện tốt nhất Học thuyết xã hội của Giáo hội. Ðược chở trong xe du lịch bóng láng, Đức Giám Mục hình như không biết đến các khu ổ chuột ở Bắc Kinh, Thượng Hải và những thành phố khác, nơi đã diễn ra các vụ trục xuất người di cư, và áp bức tự do tôn giáo, một trụ cột trong Học thuyết này. Khen họ ở lại trong Hiệp định Khí hậu Paris là điều hợp lý nhưng đừng im lặng về hiện trạng giàu có bất chính, tham nhũng và ô nhiễm. Ca ngợi ý thức hệ Trung Quốc khiến người ta cười vào mặt Giáo hội. (Xin thêm : riêng về người Việt chúng ta, hành động mà Formosa gây thãm họa môi trường tại Miền Trung do Tàu và Việt

cộng che chở và gây bất công bồi thường thì làm gì Ðức cha biết).

Ðó là sự khôn ngoan theo kiểu cộng sản biết chi một ít tiền để mang lợi vĩ đại cho họ và thắng lợi thứ hai cho họ là ‘chia để trị’. Trong trường hợp này là sự chia rẽ giữa những giáo sĩ thấm nhuần ‘người cộng sản’ tận xương tủy và những vị ‘hy vọng người cộng sản như mình’. Kết quả ‘chính sách Ostpolitik’ cũng chỉ là những nhượng bộ của Giáo hội Ðức Kitô để việc sống đạo Kitô hữu được dễ dàng hơn. Trong khi đó, vào năm 1949, Tàu cộng chỉ là một nước kém mở mang và, hiện nay đang là một Ðại cường…

Gần đây, các Kitô hữu ở Hông Kông đã gởi thư trình bày Sự Kiện ‘Hiệp Thương’ này đến Hội đồng Giám mục các quốc gia trên thế giới.

Hà Minh Thảo