(Theo Mary Rezac, CNA / EWTN News Ngày 9 tháng 5, 2018 ) . Mới đây không lâu, người ta cố gắng đưa thêm công nghệ vào lớp học, đến nỗi khuyến khích cả các em nhỏ mới học lớp 3 chơi 15 phút một trò chơi điện tử như trò Oregon Trail trong giờ giải lao.

Gần đây hơn vào khoảng năm 2012, sau sự xuất hiện của điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác, thì nhiều trường học đã khuyến khích mỗi em nên có một iPad và mang máy vi tính xách tay vào lớp.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã bắt đầu báo động về những bất lợi khi các em dành quá nhiều giờ vào màn hình, đặc biệt là báo động về những tác động tiêu cực cho sự phát triển não bộ và cho việc giáo dục. Ngay cả những hãng khổng lồ trong ngành công nghệ cũng bắt đầu nói một cách công khai về những nguy hiểm khi bị nghiện internet và việc cần thiết phải theo dõi số thời gian sử dụng màn hình của trẻ em.

Riêng đối với các trường Công Giáo ở Mỹ, theo lời một số vị hiệu trưởng, thì đây là một vấn đề cấp bách, bởi vì trường Công Giáo quan tâm đến sự giáo dục nhân bản và tinh thần của học sinh.

Ông Michael Edghill, hiệu trưởng trường Công Giáo Notre Dame ở Wichita Falls, Texas, nói rằng mối quan tâm lớn nhất của ông là xu hướng công nghệ đang trở thành động lực chính cho nền giáo dục, chứ không phải chỉ là một công cụ hỗ trợ cho giáo viên và học sinh.

"Đối với một trường Công Giáo, đó là một mô hình xấu bởi vì việc giáo dục một đứa trẻ đòi hỏi phải có một nhà giáo được đào tạo đúng đắn, và đó là nhiệm vụ của nền giáo dục Công Giáo," ông nói. "Không có máy móc hoặc công cụ công nghệ nào có thể gọi là đủ cho sự hình thành một linh hồn."

Bà Jean Twenge, một nhà nghiên cứu tâm lý học và là tác giả của tác phẩm “iGen: Tại sao những đứa trẻ ‘siêu kết nối với màn hình’ ít nổi loạn hơn, âm thầm hơn, ít hạnh phúc hơn - và hoàn toàn không sẵn sàng để trưởng thành”.

Bà Twenge nói rằng nghiên cứu của bà tìm thấy một "điểm ngọt" cho việc sử dụng màn hình cuả thanh thiếu niên là khoảng 2 giờ mỗi ngày, số thời gian đó "thì vẫn tốt cho tâm thần, hạnh phúc và ngủ được. Ngoài ra, rủi ro tăng lên, càng cao thì càng rủi ro cao.”

Điều đáng quan tâm, nhưng không đáng ngạc nhiên, là hầu hết thanh thiếu niên Mỹ báo cáo rằng số thời gian sử dụng màn hình trung bình hàng ngày là cao hơn hai giờ nói trên nhiều lắm.

Vào năm 2015, nhóm nghiên cứu Common Sense Media báo cáo rằng hơn một nửa số thanh thiếu niên Mỹ đã dành ít nhất là bốn giờ mỗi ngày trên màn hình, trong đó thì có tới 25% thanh thiếu niên báo cáo việc sử dụng cao hơn - hơn 8 giờ mỗi ngày - là số giờ có nhiều khả năng gây ra tổn thương (detriment).

"Ví dụ, thanh thiếu niên sử dụng thiết bị điện tử từ 5 giờ trở lên mỗi ngày có khả năng tự tử cao, 71% hơn so với những đứa sử dụng dưới một giờ mỗi ngày", bà Twenge nói. “51% bọn chúng cũng không ngủ đủ. Những đứa lên trực tuyến 5 giờ mỗi ngày có khả năng bất mãn nhiều gấp hai so với những đứa dùng ít hơn một giờ. ”

Tác động vào giáo dục, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng cái điện thoại thông minh làm cho một người lười suy nghĩ khi có nó ở gần, ngay cả khi chúng đã bị tắt . Một nghiên cứu khác cho thấy rằng các sinh viên được dạy trong các lớp dùng ít máy tính thì khi đi thi được thành công hơn là các đứa trẻ học trong lớp học có iPad và máy tính.

Những quan tâm về nhân bản, quan hệ và giáo dục là lý do tại sao một số trường Công Giáo đang cố gắng hạn chế, nếu không hoàn toàn cấm, việc sử dụng điện thoại thông minh và iPad trong lớp học.

Trường Tiểu học St. Benedict ở Natick, Mass. Là một trường đã áp dụng phương pháp không sử dụng công nghệ điện tử trong lớp học, ngoại trừ cho phép một cách rất hạn chế ở các lớp cao.

Ông Jay Boren, hiệu trưởng trường St. Benedict, nói rằng họ áp dụng phương pháp cổ điển như thế bởi vì các bậc phụ huynh ở đây mong muốn rằng trường của họ khá hơn các nơi khác.

“Có những nghiên cứu cho thấy rằng bộ nhớ cuả não bộ trở thành tốt hơn khi người ta viết bằng tay thay vì gõ vào máy. Ngoài ra còn có một lợi ích nữa là các em học được cách viết chữ đẹp, ” ông Boren nói.

“Ngoài ra, một môi trường không bị tràn ngập với công nghệ và nhịp độ nhanh ... cho phép học sinh trau dồi khả năng chú ý, phát triển sự tập trung tư tưởng và hiểu rõ giá trị cuả sự im lặng, đó là những điều cần thiết để suy ngẫm về những điều Chân Thiện Mỹ. Chúng tôi cảm thấy rằng những kỹ năng tinh thần đó thì quan trọng hơn ở độ tuổi này, hơn là việc làm chủ một màn hình mà các em chắc chắn có thể học vào những lúc khác trong suốt một cuộc đời của chúng. ”

Tuy nhiên ở một nơi khác, Cha Nicholas Rokitka, dòng Phan Sinh, dạy trường Archbishop Curley High School ở Buffalo, New York, thì áp dụng một chương trình dùng iPad cho mỗi sinh viên từ bốn năm trước.

"Mối quan tâm lớn của tôi khi cho phép công nghệ vào trong lớp học là việc học sinh có thể không tập trung vào chủ đề và lắng nghe giáo viên," Cha Rokitka nói. "Nó chắc chắn thay đổi cách tương tác giữa giáo viên và học sinh."

Cha Rokitka cho biết các trò giải trí trong các máy vi tính luôn luôn là một tiềm năng gây ra sự phân tâm cho các em. Cho nên Cha đã thiết kế phòng học làm sao để ngài có thể theo dõi chặt chẽ việc sử dụng iPad của học sinh, việc theo dõi như vậy “chiếm rất nhiều năng lượng của tôi”.

Nhưng đã có một số điều tích cực xảy ra, Cha Rokitka cho biết – như là việc nhà trường tiết kiệm rất nhiều giấy khi cho các em những bài tập về nhà và khi tổ chức thi cử và chấm bài bằng kỹ thuật vi tính, và mức độ tiến triển cuả các em có thể nhanh chóng và dễ dàng được nhận ra và giải quyết.

Tuy nhiên, ngài nói thêm rằng nếu không có một ý định rõ ràng đằng sau việc sử dụng công nghệ , thì nó sẽ đem đến nhiều tiêu cực cho việc các sinh viên liên hệ với nhau và với thế giới.

“Điều rất cơ bản là, công nghệ thay đổi cách thức mà mọi người tương tác với nhau. Nếu công nghệ được chấp nhận cách không đắn đo gì cả và không có chủ đích nào, thì nó sẽ làm hại nhiều hơn lợi. Khi kỹ thuật truyền thông xã hội thay thế sự tương tác mặt đối mặt, thì các sinh viên mất đi khả năng giao tiếp, ”ngài nói. “Vấn đề này là một vấn đề lớn hơn là trường học, nhưng cuối cùng thì giáo viên và trường học vẫn có thể ghi vào một dấu ấn về cách trẻ em học và sử dụng công nghệ”.

Trở lại với bà Twenge, bà đề nghị các trường nên cấm sử dụng điện thoại di động không chỉ trong các lớp học, mà còn trong cả giờ nghỉ trưa nữa, để cho các học sinh có cơ hội tương tác với nhau mà không cần màn hình.

Trên báo New York Daily News bà Twenge viết rằng trong lúc phỏng vấn với các sinh viên cho việc nghiên cứu của mình, bà đã phát hiện ra nhiều sinh viên trong những giờ nghỉ trưa, đã bị rơi vào một tình trạng chán nản và cảm thấy bị bỏ rơi vì bạn bè cuả chúng làm ngơ để ưu tiên vào chiếc điện thoại.

“Quy tắc không dùng điện thoại ở trường sẽ giúp thanh thiếu niên phát triển các kỹ năng xã hội vô giá. Có nhiều giám đốc hãng xưởng đã nói với tôi rằng những người trẻ đi xin việc đã không giám nhìn thẳng vào mắt họ và dường như không thoải mái khi nói chuyện trực tiếp với một người khác. Nếu sinh viên của chúng ta muốn thành công tại nơi làm việc, họ cần thực hành cách giao tiếp trực tiếp nhiều hơn,” bà viết.

"Chúng có thể học được điều đó ngay tại trường học- nếu chúng không liên tục dùng chiếc điện thoại của chúng."

Trở lại với ông Edghill ở Texas, ông nói rằng đó chính xác là cái lý do tại sao nhà trường cấm sử dụng điện thoại di động trong ngày học.

"Đó là một quyết định có chủ ý dựa trên một thực tế là có rất ít hoặc không có lợi ích nào cả mà còn mang lại một loạt các vấn đề khó khăn thực sự", ông nói.

“Một hiệu ứng phụ bất ngờ là ngày nay trước giờ học vào mỗi buổi sáng, các học sinh đã thực sự nói chuyện với nhau thay vì chỉ nhìn chằm chằm vào màn hình cá nhân của họ.”

Là một người cha có bốn đứa trẻ từ 3 đến 14 tuổi, ông Edghill lưu ý rằng ông và bà vợ đã cố gắng thực hiện cách thức đó ở nhà, là đề ra các giới hạn cho việc sử dụng công nghệ, làm sao cho phù hợp với họ, mặc dù ông cũng thừa nhận đã phải tập tành nhiều rồi mới quen.

“Tôi nghĩ rằng người ta càng xem màn hình nhiều hơn thì họ càng kém sáng tạo và ít tò mò hơn. Nhưng đây là một trận chiến kéo dài. Nó có thể là một thứ cải cách văn hóa mà chúng ta có thể làm cho con cái của chúng ta, ”ông nói. "Nếu không nói đó là một điều gì đó cuả một người Công Giáo."

Cũng cần lưu ý rằng công nghệ đơn giản là một công cụ, nó "không phải là một điều ác", ông nói.

“Đức Giáo Hoàng đang rất năng động trên truyền thông xã hội. Đức Giám Mục của tôi cũng đang viết trên Twitter. Nhưng đó là vì lợi ích lớn hơn, là sự tiếp cận với mọi người để tạo ra một cơ hội cho cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô, ”ông nói.

“Nếu công nghệ thay thế con người thay vì được sử dụng như một công cụ để giúp con người, thì đó là vấn đề… Nếu chúng ta bỏ qua yếu tố con người của giáo viên, là đối thoại và tranh luận giữa người và người, thì chúng ta đã không làm phận sự cuả mình trong việc hình thành con người cuả các em. ”