Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52

Chúa Nhật 13 tháng 5, Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52. Như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của sứ điệp năm nay là:

“Sự thật sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8:32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”

Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi một nền “báo chí vì hoà bình” để đối phó với mối đe dọa của tin giả, đang “phát triển mạnh vì thiếu vắng sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha chỉ ra bản chất sai trái của tin giả, làm thế nào để nhận ra tin giả, khả năng giải độc của sự thật, và một nền báo chí vì hoà bình đặt con người ở vị trí trọng tâm như thế nào.

Trong số các ngày kỷ niệm trên bình diện thế giới trong một năm, Ngày Truyền Thông Thế giới là lễ kỷ niệm duy nhất đã được chính Công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 4 tháng 12, 1963.

Trong Sắc Lệnh này, các Nghị Phụ của Công đồng Vatican II đã tuyên bố rằng:

“Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, Giáo Hội Công Giáo có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm. Giáo Hội nhận thấy mình có bổn phận dùng cả các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn.

Như thế, Giáo Hội đương nhiên có quyền xử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại.

Ngoài ra, giáo dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhiễm tinh thần nhân đạo và Kitô giáo, để chúng đáp ứng đầy đủ niềm mong đợi lớn lao của xã hội nhân loại và đúng với ý định của Thiên Chúa.”

Ngày Truyền Thông Thế giới được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống, năm nay rơi vào ngày 13 tháng 5. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha thường được công bố trước, vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, để các hội đồng giám mục, các ủy ban có liên quan ở các giáo phận và các cơ quan truyền thông có đủ thời gian để chuẩn bị các tài liệu in ấn, nghe nhìn và các tài liệu khác cho lễ kỷ niệm này ở các quốc gia và các địa phương.

Ngày Truyền Thông Thế giới lần đầu tiên được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, là vị Giáo Hoàng đã muốn thu hút sự chú ý của toàn thể Giáo Hội đến truyền thông và sức mạnh to lớn mà nó có thể đem lại cho những thay đổi sâu xa về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày Truyền Thông Thế giới năm nay là lần thứ 52.

2. Giáo Hội cử hành lần đầu tiên trên toàn thế giới lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5

Giáo Hội Công Giáo thường không thêm các lễ kỷ niệm mới vào lịch phụng vụ đã quá dầy đặc của mình, nhưng năm nay Giáo Hội đã thêm một ngày lễ mới, lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5.

Ở một số nơi trên thế giới, ngày lễ này không mới. Lịch Phụng Vụ của các Giáo Hội Ba Lan, Á Căn Đình, tại Đền Thờ Thánh Phêrô và một số dòng tu đã dành riêng Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống để kính nhớ Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội.

Trong một sắc lệnh được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích công bố hôm thứ Bảy 3 tháng Ba, Đức Hồng Y Robert Sarah viết rằng từ nay trở đi, thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, toàn thể Giáo Hội sẽ cử hành lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng cử hành mới này “sẽ giúp chúng ta nhớ rằng sự tăng trưởng trong đời sống Kitô cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc, nơi Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Chúa”.

Lễ nhớ này sẽ xuất hiện trong tất cả các lịch và sách phụng vụ cho việc cử hành Thánh Lễ và cho các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria đã trở nên phổ biến trong những thập kỷ gần đây. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã long trọng công bố tước hiệu này của Đức Maria vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vatican II. Trước đó, tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14 và Đức Giáo Hoàng Leo thứ 13 sử dụng.

Năm 1975, Tòa Thánh đã chuẩn bị một thánh lễ Ngoại Lịch (Votive Mass) cho danh hiệu này và một số Hội Đồng Giám Mục đã được cấp phép để thêm tước hiệu này vào Kinh Cầu Đức Bà (Litany of Loretto).

Một số quốc gia và các giáo phận đã được cấp phép để thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ địa phương của họ.

Giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ chung của Giáo Hội Hoàn Vũ để “khuyến khích sự gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.”

3. Bắc Kinh hoãn vô hạn định các cuộc đàm phán với Vatican, tăng cường khủng bố tôn giáo

Bắc Kinh đã trì hoãn vô hạn định các cuộc đàm phán với Vatican được dự trù diễn ra trong tháng này, tờ Wall Street Journal đã cho biết như trên.

Bài báo nói rằng, theo những người am tường cuộc đối thoại giữa Vatican và Bắc Kinh, một cuộc họp đã được lên kế hoạch diễn ra tại Rôma vào cuối tháng này. Trong cuộc họp đó các quan chức Vatican sẽ đồng ý công nhận bảy Giám Mục bị vạ tuyệt thông nhưng được nhà cầm quyền Bắc Kinh công nhận. Động thái này sẽ buộc hai Giám Mục thầm lặng phải từ chức.

Nhưng Bắc Kinh cho đến nay đã từ chối không đồng ý ấn định một ngày cụ thể nào cho cuộc họp này.

Tờ Wall Street Journal trích dẫn một nguồn tin thông thạo về Vatican, nói các viên chức Tòa Thánh “lên tiếng bày tỏ sự bất bình vì nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục áp đặt những hạn chế đối với hàng giáo sĩ thầm lặng. Một số vị đã bị giam giữ nhiều ngày trong Tuần Thánh hồi tháng Ba vừa qua”.

Theo tờ Wall Street Journal, Vatican “không nhiệt tình” lắm về các thỏa thuận với Trung Quốc nhưng “miễn cưỡng chấp nhận vì coi đó là khả năng tốt nhất trên bàn thương thảo”. Phía Bắc Kinh thì tham gia vào cuộc đối thoại này “vì những lý do đến nay vẫn chưa được rõ”.

Tờ Corriere della Serra, nghĩa là Tin Chiều, tường thuật vào tháng Hai rằng Vatican đã sẵn sàng để ký một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các Giám Mục. Một nguồn tin từ Vatican nói với tờ báo: “Từ cuối tháng 3 trở đi, ngày nào cũng có thể là ngày để ký thỏa thuận với nhà cầm quyền Trung Quốc về thủ tục bổ nhiệm các Giám Mục Công Giáo.”

Vào cuối tháng Ba lại có tin đồn rằng một thỏa thuận như thế sắp xảy ra. Tuy nhiên, sáu tuần sau, đã chẳng có một thỏa thuận nào như vậy.

Tờ Wall Street Journal nhận xét rằng “Bắc Kinh có lẽ không muốn thiết lập một tiền lệ khi cho một lãnh đạo tôn giáo ở nước ngoài có một thẩm quyền nào đó đối với người Trung Quốc”

Bài báo cũng cho rằng sự đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với các tôn giáo sau khi đưa ra Pháp Lệnh tôn giáo hồi tháng 2 đã làm cho các cuộc đàm phán trở nên phức tạp.

Nữ tu Beatrice Leung, giáo sư tại Đại học Wenzao Ursuline ở Đài Loan, nói: “Đây không phải là thời điểm tốt để thực hiện thỏa thuận.”

4. Các Giám Mục Miến Điện được báo cho biết cuộc đối thoại Vatican – Bắc Kinh đã khựng lại

Đức Hồng Y Charles Maung Bo nói với Catholic News Agency rằng trong một cuộc trò chuyện 90 phút nhân chuyến thăm ad limina, các Giám Mục Miến Điện đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về công việc hòa giải trong nước, vai trò của Giáo Hội trong quá trình đó, cuộc khủng hoảng Rohingya và xung đột ở bang Rakhine.

Đức Hồng Y Bo nói:

“Nhiều điều đã thay đổi tại quốc gia chúng tôi, người Công Giáo có nhiều tự do hơn, nhưng đất nước của chúng tôi vẫn còn quá mong manh,”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các Giám Mục Miến Điện ngày 8 tháng Năm, và một phần của cuộc hội thoại giữa ngài và các Giám Mục Miến Điện cũng bao gồm chuyến thăm quốc gia này của Đức Thánh Cha vào cuối năm 2017.

Đức Hồng Y Bo nói rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng từ ngày 28 đến 30 tháng 11 năm ngoái đã tạo ra một sự phục hồi tích cực trong đời sống của Giáo Hội.

Các Giám Mục Miến Điện cũng hỏi Đức Giáo Hoàng về “vấn đề Trung Quốc”, vì các ngài nói đã đọc rất nhiều thông tin trái chiều về khả năng có một thỏa thuận với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Các Giám Mục của Miến Điện cho biết các ngài rất quan tâm đến các quan hệ Tòa Thánh - Trung Hoa vì điều này cũng có thể ảnh hưởng đến đời sống của Giáo Hội tại Miến Điện. Đức Hồng Y Bo nói Giáo Hội Công Giáo tại Miến Điện có bốn giáo phận dọc biên giới Miến Điện- Trung Quốc, và ngài cũng nhấn mạnh rằng cuộc xung đột ở bang Kachin của Miến Điện có thể bị ảnh hưởng bởi một thỏa thuận như vậy.

Đức Hồng Y Bo cho biết vấn đề đối thoại Vatican Trung Quốc cũng đã được thảo luận trong một cuộc họp giữa các Giám Mục Miến Điện với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Parolin nói với các Giám Mục Miến Điện rằng “quan hệ với Trung Quốc đã được bắt đầu”, nhưng tại thời điểm này “họ đang xem xét thêm về các đề xuất và muốn đưa thêm” các điều kiện. Do đó, tại thời điểm này “mọi thứ bị chựng lại”, đặc biệt còn có những lo ngại của Đài Loan về một thỏa thuận có thể có giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.

5. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Jakarta về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng gây ra bởi các gia đình Hồi Giáo

“Lập kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công tự sát cùng với con cái của họ là một hình thức bạo lực mới. Đó là một bi kịch gia đình”, Đức Cha Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám mục Jakarta và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Dương đã nhận định như trên về cuộc tấn công nổ bom tự sát tại 3 nhà thờ ở Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java, hôm Chúa Nhật 13 tháng 5.

Sau cái chết của Nathanael, một bé gái Công Giáo tám tuổi, số nạn nhân trong vụ tấn công đồng loạt này đã lên tới 28 người và 57 người khác bị thương.

Những kẻ khủng bố thuộc về cùng một gia đình. Người cha, Dita Oeprianto, là một thương gia giàu có, đã là hung thủ tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Ngũ Tuần, trong khi hai đứa con trai đều ở tuổi vị thành niên đã thực hiện cuộc tấn công từ trên một chiếc xe máy, nhắm vào nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người mẹ và hai cô con gái nhỏ, một đứa 9 tuổi và một đứa 12 tuổi, đã thực hiện cuộc tấn công tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Nam Dương.

Cả gia đình này chết hết. Điều khiến người ta ngạc nhiên là gia đình này thuộc loại giàu có, nhà cao cửa rộng, tại sao họ lại đi tìm cái chết thê thảm như thế.

Đức Tổng Giám Mục Suharyo “Tôi tin rằng hai đứa bé gái không biết điều gì sẽ xảy ra. Điều này là không thể hiểu nổi và tôi nghĩ những chuyện như thế này không nên xảy ra nữa, nó tạo ra một đám mây trên tình nhân loại của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục tuyên bố rằng cuộc tấn công tại Surabaya “không đơn thuần là một vấn đề tôn giáo, nhưng vấn đề là sự tồn tại của Cộng hòa thống nhất Nam Dương”.

Ngài nhận xét rằng không chỉ các Kitô hữu, mà cả các nhân viên an ninh cũng bị những kẻ khủng bố nhắm vào. “Cảnh sát thường là những người phá hủy kế hoạch của họ và phát hiện ra âm mưu của họ. Vì lý do này, các nhân viên an ninh nằm trong tầm ngắm của họ”

Một vài giờ sau các cuộc tấn công vào cộng đồng Kitô hữu, ba thành viên của một gia đình khủng bố khác đã bị giết trong một vụ nổ bất ngờ trong một căn nhà ở Sidoarjo, gần Surabaya. Các nhà chức trách nói những kẻ này đang chế bom cho một cuộc tấn công khác.

Sáng thứ Hai 14 tháng 5, một gia đình năm người lái hai chiếc xe máy đến cổng trước của trụ sở cảnh sát Surabaya nổ bom tự sát làm bị thương 10 người

Tướng cảnh sát Tito Karnavian, Chỉ huy trưởng các lực lượng cảnh sát Nam Dương, xác nhận rằng ba gia đình này thuộc cùng một mạng lưới khủng bố và họ biết nhau. Họ nằm trong số 800 người đã từng sang Syria chiến đấu cho bọn IS và nay quay lại Nam Dương.

6. Đức Thánh Cha yêu cầu Đức Hồng Y Dominik Duka tiếp tục cai quản Praha

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Dominik Duka tiếp tục cai quản Tổng Giám phận Praha sau khi nhận được thư từ chức của ngài.

Vào ngày 26 tháng 4 vừa qua, Đức Hồng Y Duka tròn 75 tuổi. Vì thế, ngài đã gửi một lá thư từ chức cho Đức Giáo Hoàng. Tất cả các giám mục đều phải như thế khi đến tuổi này.

Đức Hồng Y Duka đôi khi đã bị giới trẻ Công Giáo tại quốc gia này chỉ trích vì đã quá ủng hộ một số chính trị gia. Ngài gần gũi với cựu Tổng thống Vaclav Klaus và được báo chí tường thuật là có quan hệ tốt với Tổng thống Milos Zeman, là người mà Đức Hồng Y đã chúc mừng khi được tái cử vào tháng Giêng vừa qua.

Tháng Ba vừa qua, một số nhà hoạt động Kitô Giáo đã vận động trình lên Đức Thánh Cha một thỉnh nguyện thư xin ngài bổ nhiệm một người khác thay thế Đức Hồng Y Duka.

Trước diễn biến này, Tổng thống Zeman đã viết một lá thư riêng cho Đức Thánh Cha Phanxicô, có thể là yêu cầu ngài để Đức Hồng Y tiếp tục cai quản Praha.

Những người chỉ trích nói Đức Hồng Y Duka nghiêng về những người theo chủ nghĩa dân tộc và phe cánh hữu cực đoan. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Tiệp và Liên Đoàn Tù Nhân Chính Trị lại ca ngợi ngài đã phá vỡ các hàng rào nghi ngại trong quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước.

26.8% trong tổng số 10,200,000 dân Tiệp là người Công Giáo.

7. Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô phải đi cấp cứu

Các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đã bày tỏ mối quan tâm lo lắng sau khi được tin Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô phải đi cấp cứu. Vị Thượng Phụ đại kết Chính Thống Giáo đã được đưa đến Bệnh viện Hoa Kỳ ở thủ đô Constantinople vào chiều Chúa Nhật, sau khi ngài cảm thấy chóng mặt dữ dội, có thể là triệu chứng của bệnh viêm thần kinh tiền đình.

Ngài ở lại bệnh viện qua đêm để phòng ngừa các biến chứng và sau các xét nghiệm đã được trả về nhà vào ngày hôm sau và hiện đang ở nhà.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô sinh ngày 29 tháng 2 năm 1940 là tổng giám mục thứ 270 và hiện tại của thành Constantinople và cũng là Thượng Phụ đại kết toàn Chính Thống Giáo, kể từ ngày 2 tháng 11 năm 1991. Ngài được coi là vị đứng đầu trong giáo hội Chính Thống, và là nhà lãnh đạo tinh thần của 300 triệu Kitô hữu chính thống trên toàn thế giới.

Đức Thượng Phụ sinh tại Dimitrios Arhondonis trong làng Agios Theodoros trên đảo Imbros, sau khi được thụ phong linh mục, ngài là cha giáo tại Chủng viện Thần học Halki của Tòa Thượng Phụ. Sau đó, ngài đã lần lượt đảm trách các chức vụ Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo tại Philadelphia, Hoa Kỳ và Tổng Giám Mục Chalcedon, Hy Lạp trước khi trở thành một thành viên của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo, và được bầu làm tổng giám mục thành Constantinople, một chức vụ đương nhiên đi kèm với danh xưng Thượng Phụ đại kết toàn Chính Thống Giáo.

8. Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ Chính Thống Giáo toàn hai nước cộng hòa Tiệp và Slovak

Hôm thứ Sáu 11 tháng 5, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Rastislav, là nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo ở cả hai nước cộng hòa Tiệp và Slovak (trước khi tách ra thành 2 nước cộng hòa độc lập như hiện nay, hai nước này hợp nhất thành quốc gia Tiệp Khắc)

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giáo Hoàng và vị Giáo Chủ được bầu vào tháng Giêng, năm 2014.

Ngỏ lời với Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Rastislav đã so sánh hai vị lãnh đạo hai Giáo Hội như là các môn đệ trên đường Emmaus, là những người chỉ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh với họ. Trong khi chúng ta vẫn chưa thể bẻ Bánh Hằng Sống chung với nhau, chúng ta hãy “tiếp tục là các môn đệ cùng đi với nhau” như những người hành hương trên đường.

Trong phần đáp từ, Đức Thánh Cha đã nhắc đến di sản của các Tông Đồ người Slav sống vào thế kỷ thứ 9 là hai thánh Cyrilô và Methôđiô, là hai vị đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố là hai vị thánh đồng bảo trợ cho Âu Châu để vinh danh sứ mạng truyền giáo của các ngài.

Đức Thánh Cha nói rằng hai vị, là hai anh em đã cùng nhau dịch sách Phúc Âm từ tiếng Hy Lạp ra tiếng Slav, nhắc nhớ chúng ta “về di sản bao la chung về sự thánh thiện” của chúng ta. Như cơ man các chứng nhân và các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu, nhiều người đã bị bách hại dưới chế độ cộng sản vô thần và ngày nay vẫn còn bao người tiếp tục bị đau khổ vì đức tin của họ.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng hai Thánh Cyrilô và Methôđiô đã có can đảm dịch sách Phúc Âm ra một thứ tiếng quen thuộc để mọi người trong khu vực, thời ấy gọi là vùng Đại Moravia, có thể đọc.

Đối với chúng ta ngày nay, hai vị Thánh tiếp tục là một mô hình truyền giáo, vì chỉ theo cho sát cách thế hành động đã được vạch ra thì chưa đủ đâu, chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, là Đấng truyền cảm hứng cho chúng ta với những cách thế mới để diễn dịch sứ điệp Phúc Âm cho những người nam nữ đương thời, kể cả những người đang sống trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo nhưng quá thường khi lại ghi đậm những dấu ấn thế tục hóa và thờ ơ.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng hai Thánh Cyrilô và Methôđiô đã có thể vượt qua sự chia rẽ giữa các cộng đồng Kitô có văn hóa và truyền thống khác nhau, để trở thành “những nhà tiên phong đích thực của phong trào đại kết”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, các ngài nhắc nhở chúng ta rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, nhưng đúng hơn là hòa hợp sự đa dạng trong Thánh Linh.

Đức Giáo Hoàng nói rằng chớ gì chứng tá của các Tông Đồ người Slav đồng hành cùng với chúng ta trên con đường hiệp nhất toàn diện, thông qua công việc của ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống.

9. Kitô hữu Iran có thể trở thành những con dê tế thần vì Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố hôm thứ ba rằng Hoa Kỳ đang rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump gọi thỏa thuận này là “khiếm khuyết ở ngay cốt lõi” và tuyên bố sẽ tái tục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Phản ứng quốc tế về lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ rất mạnh mẽ và đa dạng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson bày tỏ cam kết của họ vẫn cố gắng giữ cho thỏa thuận hạt nhân với Iran sống còn và thậm chí đã cố gắng thuyết phục tổng thống Trump đừng rút khỏi thỏa thuận này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại ca ngợi quyết định của tổng thống Trump rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong một bài thuyết trình, Netanyahu nói Iran đã nói dối về tham vọng hạt nhân của mình và vẫn có những kế hoạch bí mật xây dựng các đầu đạn nguyên tử.

Mike Ansari, một Mục Sư Tin Lành Hoa Kỳ nói: “Iran chắc chắn đã vi phạm các thỏa thuận đã ký kết. Iran hứa hẹn mọi thứ và sau đó vi phạm mọi thứ vì quốc gia này thực sự muốn có ảnh hưởng trong khu vực.” Tuy nhiên, ông cảnh cáo rằng việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp ước này và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế có thể sẽ có những tác động tiêu cực tại Iran. “Các dân tộc thiểu số và Kitô hữu ở Iran thường được sử dụng làm vật tế thần. Họ thường bị buộc tội phá hoại lợi ích của Iran và làm gián điệp cho phương Tây.”

10. Cha Aaron Huberfeld tin rằng Đức Mẹ chỉ bảo cảnh sát bắt trộm

Linh mục Aaron Huberfeld của nhà thờ St. Mary, Wiscosin đang rầu gần chết vì nhà thờ của ngài bị mất trộm pho tượng Đức Mẹ đúng vào đầu Tháng Hoa, đã vui mừng khi thấy cảnh sát khệ nệ khiêng pho tượng trả lại cho ngài.

Ngài nói với WSAW-TV rằng khi được các nhân viên cảnh sát tại sở cảnh sát Wausau, Wiscosin báo cho biết cách thức họ đã nhanh chóng bắt được ba tên trộm, ngài đã có một trận cười nghiêng ngả.

Khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện một vài mảnh vụn thức ăn ở gần nơi vẫn đặt pho tượng. Những mảnh vụn thức ăn đó chắc chắn là của bọn trộm, chứ không thể của người giáo dân vì không ai ăn uống trong nhà thờ. Khám nghiệm chi tiết hơn cảnh sát nhận ra đó là những miếng “corn dog”, tức là một loại xúc xích lăn bột chiên dòn, chỉ có cây xăng gần đó mới có bán món ăn này.

Xem xét những đoạn video thu hình tại cây xăng, cảnh sát phát hiện ra hai phụ nữ là Miranda Lindner và Katie Kelly; và một thanh niên là Brian Yonker. Ba tên này đã vào cây xăng mua corn dog rồi đi thẳng về hướng nhà thờ.

Khi cảnh sát ập vào nhà, ba tên ngơ ngác không biết làm sao cảnh sát phát hiện nhanh chóng như thế, nên lập tức nhận tội và chỉ chỗ dấu tượng Đức Mẹ.

Cha Huberfeld nói ngài cười ngất vì chỉ từ mấy mảnh vụn corn dog tí ti mà cảnh sát phăng ra được cả một đường dây trộm cắp.

Tin rằng Đức Mẹ đã linh hứng cho cảnh sát bắt trộm, cha Huberfeld nói với anh chị em giáo dân: “Điều này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Quan Phòng cũng có khiếu hài hước. Ngài làm cho tất cả chúng ta cười bò lăn bò càng với cái vụ này.”

Cha Huberfeld lên tiếng xin cảnh sát tha miễn hình phạt cho ba tên trộm và nói trên WSAW-TV: “Tôi tha thứ cho họ và không mong họ bị giam cầm tù tội.”

11. Đức Tổng Giám Mục Đài Bắc mời Đức Thánh Cha thăm Đài Loan

Hôm thứ Năm 10 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Gioan Hồng Sơn Xuyên, là Tổng Giám Mục Đài Bắc cho biết ngài sẽ mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Đài Loan nhân dịp Đại hội Công Giáo toàn quốc vào năm tới 2019.

“Chưa có vị Giáo Hoàng nào đến thăm đất nước chúng tôi,” Đức Tổng Giám Mục Đài Bắc nói tại buổi tiếp tân tại đại sứ quán Đài Loan cạnh Vatican.

Sau đó, ngài nói với Reuters rằng ngài thích “mơ ước những điều không thể”; và cho biết thêm ngài sẽ trực tiếp ngỏ lời với Đức Giáo Hoàng trong buổi tiếp kiến Đức Phanxicô dành cho các Giám Mục Đài Loan.

Đức Cha Hồng Sơn Xuyên cho biết ngài cảm thấy Đức Giáo Hoàng nên đến thăm hòn đảo này vì những người ở đó “đã phải chịu đựng”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan thuộc về chủ quyền lãnh thổ của họ và coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh bướng bỉnh. Hòn đảo này có khoảng 300,000 người Công Giáo.

Vatican là một trong 19 quốc gia vẫn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập với quốc hiệu chính thức là Cộng hòa Trung Hoa. Bắc Kinh, đến nay không có quan hệ ngoại giao với Vatican, đã nhấn mạnh nhiều lần rằng nếu nước nào muốn có quan hệ với họ, thì phải đoạn giao với Đài Loan.

Tháng trước Cộng hòa Dominica trở thành quốc gia mới nhất chuyển đại sứ quán từ Đài Loan sang Bắc Kinh.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trước đây đã đưa ra mời Đức Giáo Hoàng đến thăm quốc gia này.

12. “Hồng Y dỏm” xuất hiện đầy Rome

Tờ New York Times số ra ngày 9 tháng 5 cho biết trong những ngày này quanh khu vực Vatican người ta thấy các Hồng Y dường như xuất hiện khắp mọi nơi. Họ săm soi lướt web trên điện thoại di động; có khi lại ngồi vắt chân chữ ngũ trên một chiếc xe gắn máy; có khi lại vuốt ve mấy con chó trong khi mũ áo rất là chỉnh tề với cây thánh giá to đeo trước ngực. Có khi người ta lại thấy họ chờ tới giờ ăn trưa tại một nhà hàng bình dân nằm trên một con phố nhỏ bên ngoài Vatican.

Florence Cooper, một khách hành hương đến từ Vancouver, đã tình cờ gặp được các vị Hồng Y này.

“Chụp tấm hình với ngài được không?” Bà Cooper, 69 tuổi, hỏi. Họ gật đầu, nở một nụ cười thân thiện, khoác tay qua vai bà trong khi chồng bà không bỏ lỡ dịp may bấm máy chụp hình liên tục.

Kinh ngạc trước sự quá may mắn của bà, bà cảm ơn các Hồng Y người Ý vì lòng tốt của họ và cởi sợi dây chuyền có thánh giá mới vừa mua xong ở một tiệm sách gần đó xin các ngài làm phép. Đó là lúc Fausto Maria Rivalta, 64 tuổi, can thiệp.

“Xin bà đi chỗ khác chơi đi. Mấy ông Hồng Y này không biết làm phép đâu, biết đóng phim thôi”, nhà đạo diễn người Ý nói.

Rất nhiều người đã bị ngỡ ngàng vậy.

Đức Cha Paul Tighe, Giám Mục thứ thiệt, và là quan chức cao cấp thứ hai tại Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa của Vatican, bước xuống phố với một cuốn sách cầm trên tay kinh ngạc khi nhìn quanh đâu đâu cũng là những chiếc mũ đỏ.

Ngài thú nhận, “Thoạt đầu, tôi đã cố gắng để xem có nhận ra Hồng Y nào quen trong số các vị này không”

Đạo diễn Fausto Maria Rivalta giải thích các Hồng Y dỏm này đang đóng trong một bộ phim của hãng phim Netflix nói về mối quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, do Jonathan Pryce thủ vai; và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, do Anthony Hopkins thủ vai, trong quá trình chuyển đổi ngôi giáo hoàng vào năm 2013.

13. Vatican mở phiên tòa xét xử nguyên giám đốc ngân hàng Vatican

Vatican đã cáo buộc cựu giám đốc của ngân hàng Vatican và luật sư của ông này tội rửa tiền và tham ô, với số tiền lên đến khoảng 57 triệu euro (khoảng 68 triệu Mỹ Kim) thu lợi bất chính từ việc bán các tài sản của Vatican.

Phiên tòa đã được bắt đầu tại tòa án Vatican vào ngày 9 tháng Năm để xét xử Angelo Caloia, từng là giám đốc Viện Giáo vụ, là tên chính thức của ngân hàng Vatican, và luật sư của ông này, là Gabriele Liuzzo.

Vatican đã công bố vào cuối năm 2014 rằng hai người này - cùng với Lelio Scaletti, cựu tổng giám đốc ngân hàng - đang bị điều tra trong một trường hợp liên quan đến việc bán 29 tòa nhà thuộc sở hữu của Vatican ở Rôma và Milan từ năm 2001 đến 2008. Scaletti đã chết sau đó.

Trong cuộc điều tra, Vatican đã đóng băng tổng cộng khoảng 17 triệu euro (20 triệu đô la) trong tài khoản ngân hàng Vatican của ba người này. Vào lúc mở phiên tòa vào ngày 9 tháng 5, Gian Piero Milano, công tố viên của Vatican, nói rằng theo yêu cầu của Vatican, chính phủ Thụy Sĩ đã đóng băng 10 triệu euro (11.8 triệu Mỹ Kim) trong một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của Liuzzo.

Phiên họp đầu tiên của phiên tòa kéo dài gần bốn giờ và bao gồm việc đọc chính thức các cáo buộc, việc trình bày danh sách các nhân chứng dự kiến sẽ được gọi và các thủ tục đưa ra các yêu cầu. Toà án chưa xác định chính xác phiên tòa tiếp theo, nhưng yêu cầu các luật sư bào chữa phải nộp danh sách giản lược các nhân chứng trước ngày 18 tháng Năm; danh sách ban đầu do bên bào chữa đệ trình bao gồm hơn 50 nhân chứng, bao gồm nhiều Hồng Y, là các vị đã từng tham gia trong hội đồng giám sát ngân hàng.

Tòa án cũng đã đồng ý với yêu cầu của bên bào chữa muốn có một bản dịch chính thức bằng tiếng Ý một báo cáo kiểm toán viết bằng tiếng Anh mà ngân hàng Vatican yêu cầu tập đoàn tài chính Promontory của Hoa Kỳ tiến hành. Dựa trên việc kiểm toán, được thực hiện theo yêu cầu của ban lãnh đạo mới của ngân hàng, ủy ban điều tra hình sự của Vatican đã cáo buộc các bị cáo bán tài sản Vatican và báo cáo với mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế họ nhận được, và bỏ túi khoản chênh lệch.

Tòa án Vatican cũng đồng ý với yêu cầu của bên bào chữa muốn mở một cuộc kiểm toán độc lập về các tài sản liên quan.