Về tác giả Nguyễn Du



Nhà thơ Nguyễn Du có chánh quán làng Tiên Điền (nay là Xuân Tiên), xưa thuộc trấn Nghệ An, nay là tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng ông được sinh ra năm 1766 tại kinh đô Thăng Long (phường Bích Câu, gốc của tác phẩm ‘Bích Câu kỳ ngộ’ kể về cuộc tình Tú Uyên-Giáng Ngọc), trong lúc cha ông làm quan vào thời chúa Trịnh Sâm (nhà Trịnh lấn quyền vua Lê). 20 năm sau, vì thời thế, ông về sống tại Tiên Điền, rồi ra làm quan nhà Nguyễn (để có dịp đi sứ qua Tầu năm 1813). Thiên hạ tin rằng lòng ông vẫn hướng về nhà Lê cho tới ngày tạ thế vào năm 1820.

Ông có tên ‘chữ’ là Tố Như, khi viết thì lấy hiệu là Thanh Hiên. Cha ông là Nguyễn Nghiễm, lấy vợ tên Trần thị Tân, gốc Kinh Bắc (Bắc Ninh). Trước khi viết truyện ‘Kiều’ bằng chữ Nôm, ông đã nổi tiếng với ‘Thanh Hiên thi tập’, ‘Bắc hành tạp lục’ và ‘Nam Trung tạp ngôn’ bằng chữ Hán. Chưa kể một số văn thi phẩm lớn nhỏ khác.

‘Truyện Kiều’ là tên gọi thông thường theo tên nhân vật chính trong tác phẩm của ông; còn lúc sáng tác, Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình là ‘Đoạn trường tân thanh’, nghĩa là ‘Tiếng nói mới về một nỗi đau đến đứt ruột’. Đoạn trường tân thanh được sáng tác không phải do nhà thơ đơn thuần tưởng tượng, hư cấu để viết ra, mà ông viết dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết ‘chương hồi’ bằng văn xuôi của Trung Quốc, có tên là ‘Kim Vân Kiều truyện’ (truyện về Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều) của một tác giả hiệu là ‘Thanh Tâm Tài Nhân’( sống vào thế kỷ 16 đời Minh ).

Trong thời đại của Nguyễn Du các nhà thơ sáng tác thường dựa theo một tác phẩm của Trung Quốc như thế. Nói chung Nguyễn Du dựa khá sát vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân khi viết lại Truyện Kiều : cụ thể là những nhân vật trong Truyện Kiều của ông đều là những nhân vật lấy từ Kim Vân Kiều truyện; những tình tiết, biến cố, cốt truyện trong Truyện Kiều hầu hết đều có trong Kim Vân Kiều truyện. Nhưng cái đặc sắc của Nguyễn Du là tuy dựa vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng lại hết sức sáng tạo, ở chổ Nguyễn Du không phải nhằm chuyển dịch tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân sang tiếng Việt, mà ông tái tạo, bổ sung vào đó những điều mà ông từng day dứt, trăn trở, và với tài năng nghệ thuật tuyệt vời của mình, ông đã thể hiện lại bằng ngôn ngữ và thể thơ dân tộc Việt Nam, cho nên tại quê nhà,tác phẩm của Nguyễn Du có sức sống mãnh liệt hơn và có chiều sâu trí tuệ mà nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân không có được.

Hiểu với Nguyễn Du về truyện Kiều :



Truyện Kiều là truyện về cuộc đời của một người con gái bất hạnh, có tên là Vương Thúy Kiềụ. Người con gái ấy có tài, có sắc, xuất thân trong một gia đình bình thường, lớn lên nàng yêu một chàng trai là Kim Trọng, nhưng rồi tai họa đã xảy đến cho gia đình : cha và em của nàng bị bắt, bị đánh đập, nhà cửa bị cướp phá sạch sành sanh. Thúy Kiều không có cách nào để cứu nguy cho gia đình, nàng buộc lòng phải bán mình cho người khác để lấy tiền chuộc cha và em; từ đó cuộc đời nàng trải qua không biết bao nhiêu là tai họa : nàng bị lừa lọc phải hai lần làm kỹ nữ ở nhà chứa, làm lẽ, đi ở...

Có thể nói một câu truyện thê thảm về vận mệnh của một người con gái như thế, bản thân nó đã có sức gây xúc động lớn. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Du, câu chuyện thê thảm ấy lại không thuần túy là vận mệnh của một người con gái, hay nói cách khác là, thông qua vận mệnh của một người con gái, nhà thơ đã nói lên vận mệnh của con người nói chung. trong một xã hội bất công tàn bạọ. Nhà nghiên cứu Hoài Thanh cho rằng vấn đề đặt ra trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là vấn đề quyền sống của con người trong xã hội phong kiến. Nhà thơ Chế Lan Viên thì viết : “Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc, Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên...”

Nói cho đúng, khi viết tác phẩm của mình Nguyễn Du không hoàn toàn ý thức hết những điều ông đã trình bày. Với một quan niệm truyền thống, ông cắt nghĩa những bất hạnh của Thúy Kiều chính là do mâu thuẩn giữa Tài và Mệnh : Thúy Kiều nhiều tài, nên số phận của Thúy Kiều bi thảm. Tuy quan niệm là như thế, nhưng khi tái hiện cuộc sống vào tác phẩm, Nguyễn Du đã hết sức trung thực, nên vấn đề đặt ra trong tác phẩm của ông có ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều so với những gì mà ông đã phát biểụ. Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là cảm hứng về thân phận con người : Con người sẽ sống như thế nào giữa một xã hội bất công, tàn bạo. Khi xây dựng nhân vật Thúy Kiều, nhà thờ muốn thể hiện ở nhân vật này tất cả những gì là ưu tú, là tinh hoa của con ngườị Thúy Kiều, không phải chỉ có tài sắc khác thường như các cô gái khác trong văn học cổ, mà Thúy Kiều là tuyệt đỉnh của tài sắc; và không phải chỉ có tài sắc, mà Thúy Kiều còn có ý thức sâu sắc về cuộc sống của mình và của xung quanh. Có thể nói Nguyễn Du muốn xây dựng nhân vật Thúy Kiều như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp, là tinh hoa của con người. Một nhân vật như thế lẽ ra phải được sống một cuộc đời tốt đẹp, hạnh phúc, nhưng vì nàng sống trong một xã hội bất công, tàn bạo nên cuối cùng những phẩm chất cao qúy nhất của nàng lại trở thành những tai họa đối với nàng. Do có tài có sắc, Thúy Kiều đã trở thành miếng mồi ngon cho cái xã hội đó xâu xé.

Độc giả đánh giá rất cao Nguyễn Du :



Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc, ông hết lòng thương yêu và trân trọng con người, mà phải thể hiện những cảnh con người bị vùi dập trong tác phẩm, nên ngòi bút của ông nhiều khi phẫn nộ và nhiều khi lại cay đắng, chua xót. Có người nhận xét: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy”. Cố nhiên đã yêu thương con người thì phải chống lại những lực lượng chà đạp con người. Về phương diện này có thể nói Truyện Kiều là một bản cáo trạng lên án đanh thép tất cả những lực lượng chà đạp con người. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chà đạp Thúy Kiều không phải một vài con người cá biệt nào, mà là cả một xã hội, từ kẻ đại diện cho cái xã hội ấy như bọn quan lớn, quan bé, gia đình quan lại, đến bọn thừa hành như đám nha lại, rồi những kẻ sống bằng nghề buôn bán nhan sắc của phụ nữ… Trong cái xã hội này, sau thế lực của bọn qúy tộc là thế lực của đồng tiền. Đồng tiền thực sự đã trở thành một tai họa đối với con người. Đồng tiền chi phối việc xử kiện của bọn quan lại; đồng tiền đã biến những nho sĩ như Mã Giám Sinh, Sở Khanh thành những tên ma cô dắt gái; đã biến Thúc Sinh thành một kẻ ăn chơi trác táng… Đồng tiền có thể mua bán cả cái trinh tiết thiêng liêng của người phụ nữ…

Sống trong một xã hội như vậy những kẻ xấu, bất lương thì tha hồ lộng hành, còn người tốt, lượng thiện thì không có chỗ để tồn tại. Thúy Kiều bị dày vò đủ đường, mà chỉ có một người duy nhất dám bênh vực nàng là Từ Hải, thì cái xã hội ấy lại coi Từ Hải là giặc, và cuối cùng bằng một sự phản bội xấu xa đã giết chết Từ Hải. Trong Truyện Kiều, Từ Hải bị giết và sau đó Thúy Kiều tự tử trên sông Tiền Đường là những kết thúc bi thảm nhưng không thể khác được. Việc Thúy Kiều được cứu sống, rồi được tái ngộ Kim Trọng với biết bao chua xót, bẽ bàng ở cuối truyện không hề làm giảm ý nghĩa ‘tố cáo’ của tác phẩm, mà đúng như nhà thơ Xuân Diệu nhận xét, nó là “bản cáo trạng cuối cùng” của tác phẩm này.

Một số người còn nói Nguyễn Du chọn đề tài ‘Kim Vân Kiều truyện’ là vì ông thấy số phận của Thuý Kiều có phần giống cảnh ngộ của ông. Thuý Kiều vì gia biến mà phải bán mình chuộc cha, đem thân làm vợ người khác nên không trọn lời nguyền với Kim Trọng. Nguyễn Du mượn cảnh đó để nói lên nỗi lòng của mình, vì vận nước thay đổi mà phải đem thân làm bề tôi cho một triều đại khác nên không trọn đạo trung quân với nhà Lê. (việc Kiều bán mình chuộc cha đã nhân danh chữ ‘Hiếu’, rồi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng đã nhân danh chữ ‘Trung’; và trong mười lăm năm lưu lạc, không lúc nào không nhớ thương Kim Trọng, Kiều vẫn nghĩ mình giữ vẹn chữ ‘Trinh’ với chàng). Mặt khác, ông cũng không thể đưa thực trạng xấu xa của xã hội phong kiến Việt Nam vào trong tác phẩm của mình. Vì vậy, ông mượn câu chuyện của Trung Quốc để viết là để tránh khỏi bị triều đình nhà Nguyễn bắt tội.

Truyện Kiều không những có nội dung sâu sắc, mà nghệ thuật của nó cũng đạt đến một thành tựu rực rỡ. Nói đến thành công trong nghệ thuật Truyện Kiều, trước hết người ta thường nói đến thành công của nhà thơ trong việc vận dụng tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc, với tất cả 3254 câu. Nói cho rõ, giá trị của tập truyện này nằm chính ở căn bản văn chương, ở kỹ thuật miêu tả, tự sự và diễn đạt tình cảm của tác giả. Trong Truyện Kiều có sự kết hợp sức nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Truyện Kiều có không ít từ Hán Việt và điển cố lấy trong sách vở, với lối diễn đạt đài các, qúy phái, nhưng tất cả đều được sử dụng có liều lượng, đúng nơi, đúng lúc, nên đều hợp lý. Mặt khác trong Truyện Kiều lại có nhiều lời ăn tiếng nói hằng ngày, ca dao tục ngữ nhưng tất cả cũng được sử dụng có chọn lọc tinh vi, khéo léo, kết hợp hài hòa với ngôn ngữ bác học. Thể thơ lục bát trong Truyện Kiều được nhà thơ khai thác triệt để khả năng biểu hiện của nó, tinh tế, giản dị mà có âm vang, có thể diễn đạt được nhiều sắc thái của cuộc sống và những nét tinh vi, tế nhị trong tình cảm của con người.

Đứng về mặt nghệ thuật, cho đến nay Truyện Kiều vẫn là hòn ngọc sáng nhất và là đỉnh cao chói lọi nhất của tiếng nói Việt Nam, của văn học dân tộc. Thiên tuyệt bút này của Nguyễn Du là sự kết tinh tinh hoa của cả quá trình mấy trăm năm hình thành và phát triển nền văn học cổ điển viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Nó cũng được xem là hòn đá tảng, đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật văn học dân tộc sau này. Nếu như thi hào Nguyễn Du khiêm tốn cho rằng những "lời quê chắp nhặt" của ông chỉ đủ "mua vui một vài trống canh", thì giờ đây, thế hệ con cháu hôm nay đã biết phát huy, sáng tạo với nhiều hình thức thể hiện đa dạng, phong phú để Truyện Kiều ngày càng lan tỏa, ăn sâu vào đời sống, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người.

Xin nhắc lại : người ta thán phục Nguyễn Du với nghệ thuật dẫn truyện, đi kèm nghệ thuật miêu tả, bao gồm miêu tả con người lẫn miêu tả thiên nhiên, cảnh vật. Nhà thơ thường miêu tả rất tiết kiệm. Chỉ cần một vài câu thơ ông đã có thể khắc họa rõ nét được ngoại hình của một nhân vật hay dựng lên được một bức tranh phong cảnh. Nhưng tuyệt diệu nhất của nghệ thuật miêu tả trong Truyện Kiều là miêu tả nội tâm nhân vật. Có thể nói trong văn học cổ không có một nhà thơ thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nội tâm của nhân vật như Nguyễn Du, nhất là nội tâm của nhân vật Thúy Kiều. Có thể nói chính nhờ chiều sâu nhân bản ở nội dung của tác phẩm lại được thể hiện với nghệ thuật tuyệt vời, nên Truyện Kiều của Nguyễn Du trở nên bất hủ, sống mãi với thời gian. Việc đọc và tìm hiểu Truyện Kiều là một đường tắt đi vào văn hóa truyền thống Việt Nam. Thành ra học giả Phạm Quỳnh đã thốt lên “Truyện Kiều còn thì tiếng nước ta còn; mà tiếng nước ta còn thì nước ta sẽ ‘mãi’ còn”.

Vang danh khắp chốn :



Cho tới nay, Truyền Kiều đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã liệt Truyện Kiều vào hàng di sản thế giới. Vào dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật, Nguyễn Du đã được xưng tụng là ‘danh nhân văn học’ hoàn vũ.

Riêng tại Việt Nam, khả năng khái quát của nhiều cảnh tình, ngôn ngữ, trong tác phẩm khiến cho quần chúng tìm đến Truyện Kiều, như tìm một điều dự báo. Bói Kiều rất phổ biến trong quần chúng ngày xưa. Ca nhạc dân gian có dạng Lẩy Kiều. Sân khấu dân gian có trò Kiều. Hội họa có nhiều tranh Kiều. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Giai thoại xung quanh Kiều cũng rất phong phú. Tuồng Kiều, cải lương Kiều, phim Kiều cũng ra đời. Nhiều câu, nhiều ngữ trong Truyện Kiều đã lẫn vào kho tàng ca dao, tục ngữ.

Truyện Kiểu có giá trị nội dung và nghệ thuật đạt tới trình độ xuất sắc, điêu luyện, thể hiện tài năng bậc thầy của thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều xứng đáng là đỉnh cao chói lọi của thi ca dân tộc. Truyện Kiều được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu thích. Nguyễn Du được tôn vinh là đại thi hào, ( đã là Danh nhân văn học thế giới ). Tên tuổi của ông đã mang lại vẻ vang cho nền văn học nước nhà. Cái nghệ thuật cao tay của thi hào còn nằm ở chỗ dù có mượn một tích truyện, một nhân vật nước ngoài để sáng tác, nhưng sau khi tác phẩm đó đã đến tay người đọc, đã lọt vào dân gian, thì nó hoàn toàn trở nên sản phẩm của đất nước, cũng như những giá trị ưu việt, về văn hóa và tinh thần của một dân tộc, là thuộc kho tàng chung của loài người.

Cái vĩ đại của Nguyễn Du là ở chỗ đã biết khai thác, một cách sâu sắc và ở một mức độ rất cao, nếu không nói là tuyệt vời, những khả năng tiềm tàng to lớn của tiếng dân tộc, và càng làm cho ta nhận thức rõ cái giá trị của nó. Truyện Kiều là một sự vận dụng thiên tài kho tàng văn học dân gian. Nó không chỉ nói lên tính phong phú của tiếng Việt, có thể dùng những lời rất thanh nhã để tả những sự việc rất tục, rất sỗ sàng. Và ngược lại, cũng có thể dùng những tiếng rất tục, rất phàm mà câu văn và ý vẫn không mất tính chất thanh nhã. Văn truyện Kiều đẹp không phải chỉ ở chỗ tác giả dùng toàn những tiếng nôm na mà bất cứ người dân Việt nào, lọt lòng mẹ ra, cũng quen tai thuộc miệng, nhưng còn ở chỗ nó trở thành những phương ngôn, tục ngữ, ca dao, câu ví, cũng như nó đã thành hình thức diễn đạt duy nhất và phổ biến nhất cái ‘triết học bình dân’ của ta, đã bao đời cũng từng là hình thức phong phú nhất của nền văn học dân gian Việt-nam.

Năm 1926, Rene Crayssac, một nhà thơ người Pháp, khi dịch Truyện Kiều ra tiếng nước mình, đã viết bài nghiên cứu có đoạn viết: "Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, trong bất kỳ thời đại nào". Ông so sánh "Trong tất cả nền văn chương Pháp, không một tác phẩm nào được phổ thông, được toàn dân sùng kính và yêu chuộng bằng quyển truyện này ở Việt Nam". Cuối cùng ông kết luận : "Sung sướng thay bậc thi sĩ với một tác phẩm độc nhất vô nhị đã làm rung động và ca vang tất cả tâm hồn của một dân tộc".

Di chúc cuối của Nguyễn Du :



Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ Tài.


Thực tế trong đời sống xã hội hiện nay luôn có sự đan xen tồn tại giữa cái tốt và cái xấu, cái tích cực và tiêu cực…thì lòng người cũng thế, cái Tâm con người cũng vậy. Điều đáng nói là người có Tâm, sống trung thực, sẵn sàng hy sinh quên mình cứu giúp người hoạn nạn, lại là những con người bình thường, sống an bình hạnh phúc…Nguyễn Du để cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển Việt Nam có được giá trị của một ‘bức tranh đời’, với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng,” chất chứa trong một trái tim lớn.

Cụ Vân Hạc, trong sách ‘Truyện Kiều chú giải’, có viết rằng bên nhà Phật bảo rằng con người may rủi là do cái ‘nghiệp’, chứ không hề có liên hệ chi với ‘ông Trời’ hay đấng ‘Tạo hóa’. (các triết gia Tây phương coi đó là triết lý ‘vô thần’). Còn Nho giáo thì lại ưa thuyết ‘Thiên mệnh’ : Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên.

Còn bên đạo Chúa thì sao ? Cái Tâm là gốc ở con tim, là câu chuyện ‘yêu thương tha nhân như chính mình’. Mà tình yêu đã khởi đầu từ Thiên Chúa : Ngài vì thương yêu mà tạo dựng và cứu chuộc. Ngôi Hai xuống thế dạy bài học yêu thương xả thân tuyệt hảo. Ngài mời gọi tất cả hãy tới với Ngài để học bài học căn bản cho cuộc hạnh phúc tối hậu “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Cái TÂM cao cả nhất nằm tại chỗ này.

Nếu cụ Nguyễn Du viết từ đầu truyện “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, thì nhờ cái TÂM cao cả này, cái ‘Tài’ và cái ‘Mệnh’ sẽ hết ghét nhau. Nghĩa là nếu có đủ TÂM theo đường Chúa dạy, thì ta sẽ có thể sống trong hoàn cảnh ‘Chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai’ !

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư