Chiều thứ Tư 17 tháng 10, trước khi được triều yết Đức Thánh Cha, tổng thống Hàn Quốc Văn Tại Dần, hay còn gọi là Moon Jae-in, đã tham dự thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình tại bán đảo Triều Tiên do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự.

Phát biểu trước lễ Thánh lễ, tổng thống Văn cho biết việc ký kết tuyên bố chung lịch sử tại Bình Nhưỡng giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên cũng như cam kết chấm dứt cuộc đối đầu quân sự kéo dài hàng thập kỷ của họ đã “tỏa sáng con đường của một nỗ lực cao quý nhằm bảo đảm một tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và cho cả thế giới.”

“Ngay bây giờ, trên bán đảo Triều Tiên, những thay đổi lịch sử và ấm áp đang diễn ra”, ông nói.

Tổng thống Văn cũng cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện và chúc lành cho “cuộc hành trình của chúng tôi hướng tới hòa bình” và tiếp tục “đồng hành cùng chúng tôi qua những lời cầu nguyện của ngài.”

Ông bày tỏ sự tin tưởng vững chắc rằng “Lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay sẽ chắc chắn biến thành hiện thực. Chúng ta sẽ đạt được hòa bình và thế nào cũng vượt qua được sự chia rẽ.”

Trong bài giảng thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Hồng Y Parolin nói rằng bình an Chúa Kitô trao ban cho các môn đệ sau khi Chúa phục sinh cũng chính là bình an được trao cho con tim của những người nam nữ “tìm kiếm cuộc sống thật và niềm vui trọn vẹn.”

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Đệ Nhị Luật - trong đó Thiên Chúa hứa với dân Israel rằng dù họ có bị “phân tán đến những góc trời xa nhất đi nữa, Chúa, là Thiên Chúa của anh em, sẽ tụ họp anh em”. Theo Đức Hồng Y, những lời này phản ảnh rất phù hợp triển vọng hòa bình giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

“Sự khôn ngoan của Kinh Thánh làm cho chúng ta hiểu rằng chỉ những người đã từng trải qua một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu loài người, trong đó Thiên Chúa dường như vắng mặt khi họ phải đối mặt với những khổ đau, áp bức và hận thù, chỉ những người đó mới có thể hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm này khi được nghe lời bình an này vang lên trở lại.”

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng mặc dù hòa bình được xây dựng hàng ngày thông qua một dấn thân nghiêm chỉnh cho công lý và tình liên đới cũng như cho việc bảo vệ quyền con người và nhân phẩm, trước hết và trên hết hòa bình là ân sủng của Thiên Chúa và đó “không phải là một ý tưởng trừu tượng và xa vời, nhưng là một kinh nghiệm sống cụ thể trong cuộc hành trình hàng ngày của cuộc sống.”

Hòa bình mà Thiên Chúa ban tặng, ngài nói thêm, “không phải là thành quả thuần túy của những thỏa hiệp” nhưng liên quan đến “tất cả các chiều kích của cuộc sống, kể cả những mầu nhiệm của thập giá và những đau khổ không thể tránh khỏi trong cuộc lữ hành trần thế của chúng ta.”

Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng “Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng hòa bình không có thập giá không phải là bình an của Chúa Giêsu.”




Source: Catholic Herald - Pope Francis says he is open to visiting North Korea