CHUYỆN CON HEO

TĂNG ĐỨC, TĂNG ÂN, TĂNG THÁNH THIỆN
ĐƯỢM TÌNH, ĐƯỢM NGHĨA, ĐƯỢM HY SINH

Năm 2019 là năm Kỷ Hợi – năm con HEO (lợn). Cứ 12 năm thì con HEO lại xuất hiện – gọi là năm HỢI, nhưng phải 60 năm thì con HEO mới xuất hiện với cái tên KỶ HỢI – gọi là lục thập hoa giáp.

Heo là loài vật đã gắn bó lâu đời với con người và có nhiều câu chuyện về con vật này. Trong văn hóa, con heo cũng được gọi bằng các tên khác như chú ỉn, cậu hợi, lão trư. Trong văn hóa Đông phương, Heo là con vật đứng cuối cùng trong 12 con giáp, và cũng đứng cuối cùng trong lục súc – sáu loại gia súc nuôi ở nhà: Ngựa (mã), Trâu/Bò (ngưu), Cừu/Dê (dương), Chó (cẩu), Heo (trư), và Gà (kê). Theo sách Tam Tự Kinh, thứ tự của lục súc là Mã (ngựa), Ngưu (trâu), Dương (dê), Kê (gà), Khuyển (chó), Thỉ (heo).

Heo là một trong các động vật tượng trưng cho chu kỳ 12 năm của Địa Chi trong nhiều tính toán liên quan tới Can-Chi của người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên,... Nó gắn liền với địa chi Hợi.

Những người tin tưởng vào chiêm tinh học luôn gán ghép cho mỗi con vật với đặc điểm nào đó, từ đó suy ra đặc tính cá nhân. Do đó, người ta cho rằng người tuổi con này thì thế này, người tuổi con kia thì thế kia. Kể cũng tội nghiệp con Heo, vì nó bị người ta gán cho đủ các tính xấu: tham ăn, mê ngủ, lười biếng, phàm ăn, dơ bẩn, ô uế,... và tệ nhất là thói dâm ô, thế nên người ta gọi loại “phim đen” là “phim con heo”.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tính mê tín dị đoan của con người, rồi từ đó “suy bụng ta ra bụng người” mà thôi. Thật là phiền toái quá! Con Heo vô tội, mà tại con người “chơi ép” nó, và rồi “bắt” nó làm vật tượng trưng cho sự phồn thực, tính dục và nhàn hạ (vì giàu có mà sinh tật). Người ta còn dùng hình ảnh con heo đất làm biểu tượng về tài chính. Ngoài ra, đầu heo (thủ lợn) là một sính vật quan trọng trong mâm cúng ở các buổi lễ long trọng và lễ nghi của dân Việt. Ngoài ra, người ta còn chê trách thói sĩ diện hão bằng cách nói mỉa mai: “Mượn đầu heo nấu cháo”.

I. SỰ TÍCH CON HEO

Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân sống rất nhân hậu. Họ cần cù làm việc, tiết kiệm và hay giúp đỡ người nghèo. Họ đã cất được 5 gian nhà gỗ lim, có trâu khỏe, ruộng tốt, vườn cau, ao cá. Nhưng cuộc sống lại không đơn giản như thế, bởi vì họ vẫn buồn vì không có con cái. Làng xóm dị nghị, họ tìm thầy tìm thuốc khắp nơi, tốn kém nhiều rồi. Một hôm, có người mách rằng họ muốn có con thì phải cầu tự – nghĩa là phải làm điều gì đó để lại công đức cho thần thánh, cho người đời.

Từ đó, đêm nào họ cũng trằn trọc tìm việc làm công đức. Người chồng đề nghị lấy tiền xây dựng một ngôi đền, người vợ đồng ý. Ngay hôm sau, họ đi mua gỗ. Ba tháng sau, ngôi đền uy nghi mọc giữa thôn Đoài. Các vị thần Của Cải, Trí Tuệ, Sức Khỏe, Ăn Chơi đều quy tụ về. Ai ước nguyện sao thì được vậy.

Vợ chồng nọ cầu xin có con, thần thương lắm nên cho họ có con trai khôi ngô và khỏe mạnh. Nhưng họ quý con quá nên hóa tội. Được nuông chiều, cậu Hợi trái tính ngược nết, đối xử tệ với song thân. Cậu lười biếng, chỉ thích ngủ và chơi bời, dỗ dành mãi mới chịu đến trường, nhưng vừa ngồi xuống ghế đã ngủ gật, thế nên học suốt ba năm vẫn chưa viết được chữ Hợi – tên của nó. Rồi Hợi bỏ học, la cà lêu lổng khắp xóm làng, ngoài bãi, ven sông,... Tệ hơn nữa, khi có vợ thì Hợi lại đuổi cha mẹ ra ở riêng. Mặc thế, ông bà vẫn hết lòng chiều chuộng vì thương con.

Lúc người vợ hấp hối, bà bảo chồng gọi Hợi lại, nắm lấy tay và nói trong hơi thở thều thào: “Cha mẹ thật ân hận vì chưa lo cho con được nhiều. Nay mẹ sắp qua đời, mẹ muốn biết con có nguyện vọng gì để khi xuống suối vàng mẹ sẽ phù hộ cho con”. Nghe vậy, Hợi nói ngay: “Con ước suốt đời không làm mà được ăn no, ngủ không bị quấy rầy. Tóm lại, con muốn được người ta hầu hạ”.

Mai táng vợ xong, người chồng vào đền cầu xin cho con được như ý nguyện. Các thần linh hội ý với nhau và thấy thật khó xử. Nếu xin giàu sang, minh mẫn, khỏe mạnh hoặc ăn chơi phóng đãng thì dễ. Đằng này nó chỉ ước mơ tầm thường là ăn no, ngủ kỹ. Khó nữa là nó muốn bắt người ta hầu hạ, điều này vượt quá quyền hạn của các vị thần trong đền. Họ bàn với nhau tâu lên Ngọc Hoàng. Vừa nghe xong, Ngọc Hoàng ngoảnh lại nói với thần Trí Tuệ: “Thật đáng buồn cho giống người. Ta sinh ra họ cốt để làm đẹp cho thiên hạ. Vậy mà nay có kẻ chỉ ước ao ăn ngủ, lại còn muốn người ta hầu hạ nữa. Thật tồi tệ, tệ quá!”

Thần Trí Tuệ cúi đầu lạy: “Bẩm Ngọc Hoàng, cha mẹ của Hợi là người nhân đức, chính họ đã có công xây đền cho các thần linh. Nếu ta không giúp họ thì sẽ mất uy tín ạ”.

Ngọc Hoàng thấy thần Trí Tuệ nói đúng, nhưng như thế thì vô lý quá. Ai đời là đồng loại với nhau mà lại bắt người này hầu hạ người kia. Bỗng Ngọc Hoàng reo lên: “Ta nghĩ ra rồi. Thần lại đây ta bảo”.

Thần Trí Tuệ hớn hở đến quỳ dưới bệ rồng nghe Ngọc Hoàng ôn tồn: “Tên Hợi ước được ăn no, ngủ yên, có người hầu hạ chứ gì? Thế thì Ta cho nó làm kiếp con lợn. Nó được như thế, nhưng đoản thọ và chính tay người hầu hạ nó sẽ giết nó”.

Thần Trí Tuệ toan biện hộ cho người nông dân vài điều nữa nhưng Ngọc Hoàng đã giũ áo đi ra. Thần buồn bã bay về làng Đoài thì được tin ông lão nông dân và con trai tên Hợi đã mất cách đây nửa năm. Điều lạ là trong làng Đoài mọc lên một ngọn núi nhỏ có lửa, cháy chập chờn dòng chữ “Ốc Thượng Thổ”. Trong làng Đoài nhà ai cũng có ổ tò vò mọc chi chít trên nóc nhà, nhà nào cũng nuôi một giống vật lạ: Mõm dài, tai lớn, bốn chân nhỏ, thân mập ù, nục nịch thịt. Tiếng kêu “éc éc” nghe ghê lắm. Giống ấy phàm ăn, cứ ăn xong thì ngủ. Hơi ngót dạ lại rống đòi ăn làm cho người làng phải bưng xách nấu nướng thật vất vả. Vì nguyện vọng nuôi nó chóng lớn để mau giết thịt nên người ta đặt tên là Lớn. Lâu ngày, người ta gọi chệch là... Lợn.

Sự tích là câu chuyện răn đời. Sự Tích Con Lợn nhắc nhở các bậc cha mẹ đừng nuông chiều con cái, thương không đúng cách chỉ là hại con (và tự hại mình), ghét con đúng cách lại là thương con. Lời xưa vẫn không hề cũ: “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”.

Thật vậy, tiền nhân so sánh: “Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư, dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư” – nghĩa là “Nuôi con trai mà không dạy cũng như nuôi con lừa, nuôi con gái mà không dạy cũng như nuôi con heo” (Lư là Lừa, Trư là Heo, Lợn).

III. CON HEO TRONG KINH THÁNH

Việt nhân vui mừng đón Xuân Kỷ Hợi, điều đó gợi nhớ hình ảnh con Heo trong Kinh Thánh. Theo kinh Qur'an, tín đồ Hồi giáo bị cấm ăn thịt heo. Người Do Thái cũng bị cấm ăn thịt heo theo luật Kashrut. Thời Cựu Ước, theo luật Mô-sê, dân chúng cũng không được phép ăn thịt heo. Còn thời Tân Ước, Chúa Giêsu nói với ý sâu xa hơn: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho HEO, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Mt 7:6).

1. CỰU ƯỚC

Sách Ma-ca-bê nói về các bữa tiệc cúng thần và các hình khổ quái ác, có liên quan luật Môsê: CẤM ĂN THỊT HEO. Trình thuật 2 Mcb 6:18-31 nói về cuộc tử đạo của ông E-la-da liên quan luật đó: Ông đã cao niên nhưng đẹp lão, ông bị ép phải há miệng ăn thịt heo, nhưng ông quyết “thà chết vinh hơn sống nhục”. Người ta bảo ông GIẢ VỜ ăn để thoát chết, nhưng ông đã có một QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT, thật xứng với tuổi cao, và uy thế của bậc lão thành, với vẻ khả kính của mái tóc trắng phau vì lao tâm khổ tứ, với tác phong hoàn hảo từ buổi thiếu thời, nhất là PHÙ HỢP với Luật Thánh do chính Thiên Chúa lập ra.

Ông thẳng thắn nói: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi đầu mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già. Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng. Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện”.

Sau khi khạc nhổ hết thịt ra, ông tự ý tiến ra nơi hành hình. Người ta mỉa mai ông, cho những lời ông nói là điên khùng. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông vừa rên vừa nói: “Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người”. Cái chết của ông là tấm gương về lòng cao thượng và là hình ảnh đáng ghi nhớ về nhân đức.

Cũng liên quan luật cấm ăn thịt heo, trình thuật 2 Mcb 7:1-41 nói về cuộc tử đạo của tám mẹ con (người mẹ và bảy anh em). Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để BẮT HỌ ĂN THỊT HEO là thức ăn luật Mô-sê cấm. Họ cương quyết không ăn và sẵn sàng chịu chết để giữ trọn lề luật. Bảy anh em lần lượt bị lột da đầu, cắt lưỡi,… Họ kiên cường chịu cực hình đến chết.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho chúng ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà khuyến khích từng người con, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi. Bà nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình”.

Bà nói với người con trai út: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ”. Cuối cùng, bà mẹ cũng chết theo các con. Một gia đình thật thánh thiện, cả tám mẹ con là các vị thánh tử đạo.

Luật xưa thật nghiêm khắc, ngôn sứ Isaia cho biết: “Đức Chúa sẽ dùng lửa và lưỡi kiếm mà xét xử mọi người phàm; nhiều người phải mạng vong vì lưỡi gươm của Đức Chúa. Những kẻ tự thánh hiến và tự thanh tẩy để vào các khu vườn sau một người đứng ở giữa, những kẻ ĂN THỊT HEO, thịt các thú vật kinh tởm và thịt chuột, đều sẽ chết cả lũ” (Is 66:16-17).

Trình thuật Lv 11:2-47 và Đnl 14:3-10 còn phân biệt các loài vật thanh sạch và ô uế. Trong đó, con heo thuộc loại ô uế nên người ta không được phép ăn thịt heo. Ngày nay không còn phân loại như vậy, thậm chí có thịt heo ăn còn được coi là “sang”. Trước biến cố 30-4-1975, ở nông thôn, hầu như nhà nào cũng nuôi một vài con heo, phần thì để bán kiếm thêm thu nhập, phần thì có việc gì cần thì thịt heo đó mà làm tiệc đãi khách.

Mỗi thời mỗi khác, quan niệm khác nên cách cư xử và phong tục cũng thay đổi cho phù hợp, thảo nào người ta bảo “ăn theo thuở, ở theo thời”. Do đó, thực sự cần thiết có sự thích nghi.

2. TÂN ƯỚC

Trình thuật Mc 5:1-20 (≈ Mt 8:28-34; Lc 8:26-39) cho biết chuyện về người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa. Anh chàng này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Đã nhiều lần bẻ gãy xiềng xích và đập tan gông cùm, không ai có thể kiềm chế anh ta. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. Thấy Đức Giêsu tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!”. Đức Giêsu đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!”. Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?”. Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm”. Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy.

Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia”. Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo – chừng hai ngàn con – từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Họ đến cùng Đức Giêsu và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo – chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào”. Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

Trình thuật Lc 15:11-32 đề cập dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, đứa con hoang đàng cũng “dính líu” con heo. Chắc chắn không ai lại không quen thuộc với dụ ngôn này, một dụ ngôn đặc biệt trong số các dụ ngôn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Sau khi được cha chia của cải, cậu Ba thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa, sống phóng đãng, phung phí. Miệng ăn núi lở. Chẳng bao lâu, tiền của hết sạch, ngay lúc đó có nạn đói khủng khiếp xảy ra trong vùng ấy. Bí thế ở đường cùng, anh ta phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng, và họ sai anh ta đi CHĂN HEO. Thấy heo ăn mà phát thèm, anh ta ao ước lấy đậu muồng HEO ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng cũng chẳng được. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với cha rằng con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha và được cha ân cần chăm sóc, lại còn được cha mở tiệc ăn mừng và phục hồi quyền làm con. Ai cũng thấy người cha “kỳ cục” quá, nhưng ông xác nhận: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Thế thì mừng quá đi chứ!

Lúc đó, cậu Hai từ ngoài đồng về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy cho biết rằng cậu Ba vừa về, và ông chủ làm thịt con bê béo vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Cậu Hai liền nổi giận và không chịu vào nhà. Người cha ra năn nỉ thì cậu so đo: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.

Nhưng người cha ôn tồn: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Hai thằng con, thằng nào cũng có kiểu tội của mình. Khi suy tư về dụ ngôn này, dĩ nhiên người ta người ta chú ý người cha nhân hậu, nhưng người ta thường chú ý nhiều tới cậu Ba – đứa con hoang đàng chi địa, mà không mấy ai chú ý tới cậu Hai.

Người cha quá nhân lành thì khỏi nói rồi, và đó chính là hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Chú ý tới cậu Ba cũng là điều tất yếu, bởi vì cậu ta ích kỷ, không cần biết đến ai, kể cả người cha già tội nghiệp. Hẳn là cũng không cần bàn thêm vì chúng ta đã có đủ kiểu chê bai đối với đứa con bất hiếu và vô tâm này. Còn cậu Hai thì không mấy ai “xoi mói” cái tội của cậu ta. Chúng ta cứ nghĩ cậu Hai ngoan hiền và hiếu đễ, nhưng thật ra cậu ta cũng chỉ ích kỷ và vô tâm, chẳng hơn gì cậu Ba: tính toán chi li, không thương cha mà cũng chẳng thương em, có khác chăng là cậu Hai không bỏ nhà đi hoang như cậu Ba mà thôi. Chúng ta cũng có “máu” cậu Hai lắm, đừng vội ảo tưởng mà lên mặt!

III. VĨ NGÔN

THẰNG CHÓ SỦA GÂU GÂU KHI THÔI CHỨC
CON HEO KÊU ÉC ÉC LÚC NẮM QUYỀN

Chuyện thế gian là thế. Biết vậy để cười: cười mỉa, cười khẩy, cười gằn, cười trừ, cười vui,... Có nhiều kiểu cười, tùy mỗi người.

Theo “đặc ngữ” của vật chủ năm ngoái (Mậu Tuất) và vật chủ năm nay (Kỷ Hợi), chẳng “tay” nào ngon lành: Chó kêu “gâu gâu” là “xạo xạo” chứ chẳng phải “giàu giàu” như người ta tưởng, còn Heo kêu “éc éc” là “phét lác” thì cũng chẳng hơn gì. Dân khổ vẫn hoàn khổ. Thế thôi! Nếu không như thế thì người ta đâu có nói “đời là bể khổ”, mà cũng hợp lý, bởi vì Chúa Giêsu đã xác định: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34), và Ngài bảo chúng ta phải “vác thập giá hằng ngày” mà theo Ngài (Mt 10:38; Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23; Lc 14:27). Ôi, thế thì hóa ra lại tuyệt đấy.

Này, đầu năm đầu tháng đừng vội tin nhảm nhí cho là xui xẻo khi đề cập vấn đề đau khổ, bởi vì tin như vậy là… “không hên”. Chuyện đâu còn có đó mà!

Ngày Xuân, cứ vui với đời, nhưng cũng nên cùng nhau suy tư lời Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và ĐỪNG BẬN TÂM. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em THỪA BIẾT anh em cần những thứ đó” (Lc 12:29-30; Mt 6:31-32). Đó là cách sống tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và Ngài muốn chúng ta sống như vậy.