Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về chuyến tông du Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô diễn ra từ 3 đến 5 tháng Hai.

Lúc 1h chiều ngày Chúa Nhật 3 tháng 2, tức là ngày 29 tháng 12 âm lịch, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Abu Dhabi.

Ngài đã đến nơi vào lúc 10h tối, theo giờ địa phương. Lễ nghi chào đón đã được diễn ra tại khu vực sân bay dành cho Tổng thống tại Abu Dhabi.

Ra đón Đức Thánh Cha có thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan nghinh đón Đức Giáo Hoàng khi ngài vừa xuống khỏi cầu tháng máy bay và đặt chân lên đất Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Khi các vị bước vào phòng khánh tiết của phi trường, các trẻ em trong quốc phục đã dâng lên Đức Giáo Hoàng một bó hoa và kính chào ngài tới Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất bằng tiếng Tây Ban Nha, là tiếng mẹ đẻ của ngài.

Đức Phanxicô đã duyệt qua một hàng quân danh dự trước khi gặp được người bạn cũ và là đồng minh với ngài trong việc tìm cách củng cố cuộc đối thoại Kitô Giáo và Hồi Giáo là Giáo Sĩ Ahmed el-Tayeb của Đại Học al-Azhar.

Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng là thể theo lời mời ngài tham dự “Hội nghị liên tôn quốc tế về tình huynh đệ của nhân loại”, do Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi đưa ra trong chuyến viếng thăm Vatican hồi tháng Chín, 2016. Đồng thời, chuyến viếng thăm này cũng là để đáp lại lời mời của Giáo Hội Công Giáo tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Vì tình trạng đau yếu thường xuyên của phụ hoàng là Quốc Vương Khalifa bin Zayed, Thái tử Al Nahyan là người thực sự nắm quyền tại Abu Dhabi. Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan được coi là động lực của những thay đổi tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ông có một cái nhìn cởi mở đối với phương Tây và Kitô Giáo, mà thể hiện cụ thể nhất là Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quốc gia này. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi vào lịch sử như vị Giáo Hoàng đầu tiên đặt chân đến vùng Vịnh sau khi tiên tri Muhammad của Hồi Giáo chinh phục được vùng này.

Sáng thứ Hai, ngày 4 tháng 2, lúc 12 giờ trưa sẽ có lễ nghi chào đón chính thức tại phủ tổng thống và cuộc hội đàm giữa Đức Thánh Cha với Thái tử Al Nahyan.

Nhân đây, chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em vài nét về quốc gia này.

Vùng đất bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Omar, Bahrain, và Syria trước đây là vùng toàn tòng Kitô Giáo. Sáu vị Giáo Hoàng là những người xuất thân trong vùng này.

Năm 630, Muhammad gửi mật sứ đến thuyết phục những nhà hoạt động chính trị người Omar. Họ được đưa sang Medina, cải đạo sang Hồi giáo và bí mật về nước khởi nghĩa thành công lật đổ vương triều Sassanid. Sau khi lên nắm quyền, họ thực thi chính sách Hồi Giáo hoá bằng bạo lực trong toàn vùng.

Sau khi Muhammad từ trần vào năm 632, Abu Bakr, là cha vợ và là đồng chí của Muhammad lên nắm quyền. Một số tín hữu Hồi Giáo tin rằng Muhammad muốn nhường chức Khalifa (nghĩa là người thừa kế) cho Ali ibn Abi Talib, thường gọi tắt là Ali, là con rể và cũng là người anh em họ, chứ không phải cho Abu Bakr. Những người ủng hộ Ali tách ra thành Hồi Giáo Shiite /ʃiː-aɪt/, còn những người ủng hộ Abu Bakr gọi là Hồi Giáo Sunni. Hai bên đánh giết nhau cho đến nay.

Các cộng đồng Hồi giáo mới thành lập ở phía nam vịnh Ba Tư cũng rơi ngay vào hố chia rẽ này. Khalip Abu Bakr phái một đội quân từ thủ đô Medina đánh chiếm lại vùng này. Họ tái chinh phục được lãnh thổ sau các trận chiến đẫm máu tại Dibba khiến ít nhất 10,000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, có thể nói lịch sử của vùng đất này cho đến tận ngày nay là lịch sử của các cuộc chiến tranh liên tục giữa hai hệ phái Hồi Giáo Shiite và Sunni. Bản đồ của vùng này ngày nay, sau khi được vẽ đi vẽ lại nhiều lần, cho thấy Iran, Iraq, Bahrain là “toàn tòng” Shiite, trong khi ở các quốc gia khác, người Sunni chiếm đa số mặc dù vẫn có các cộng đồng đáng kể các tín hữu Shiite như tại Yemen, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Qatar, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả tại Ả rập Saudi nơi khét tiếng là thẳng tay với Hồi Giáo Shiite vẫn có sự hiện diện của các cộng đồng Hồi Giáo thuộc hệ phái này.

Chiến tranh triền miên, nạn hải tặc và các mưu toan thực dân hóa vùng này của Nga và Pháp đã khiến các quốc gia trong vùng ký một hiệp ước vào năm 1892 để nhờ Anh bảo hộ.

Tuy nhiên, đến năm 1966, tình hình trở nên rõ ràng rằng chính phủ Anh không còn đủ khả năng cai quản và bảo hộ khu vực này. Ngày 24 tháng Giêng năm 1968, Thủ tướng Anh Harold Wilson công bố quyết định triệt thoái hoàn toàn vào tháng 12, 1971.

Bahrain độc lập vào tháng 8, và Qatar độc lập vào tháng 9 năm 1971. Bảy nước còn lại hợp thành một liên bang lấy tên Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và tồn tại như thế cho đến nay.