GIÁO ĐIỂM

Cuối tháng 01/2019, tôi đến thăm một giáo điểm thuộc TGP Sài Gòn (xin phép được giấu tên). Con đường dẫn đến điểm dừng dân cư rất đông đúc, nhưng giáo điểm lại nằm trên mảnh đất có ba mặt là đồng trống. Linh mục quản lý giáo điểm dẫn chúng tôi đi xem mọi “ngõ ngách” của một nơi thờ phượng đang dần hình thành. Đi đến đâu tôi cũng hỏi và cha cũng trả lời:

- Thánh lễ ở đây giáo dân có đông không mà sao cha để cái mái là mấy tấm bạt, giữa “đồng không mông quạnh” thế này, rồi mưa gió thì sao?

- Dạ, từ từ rồi mới được phép làm ạ!

- Trời! Sao cung thánh, nơi cha dâng của lễ mà thấp trũng thế này?

- Dạ, khi được phép cộng đoàn sẽ tìm cách lấp đầy đấy ạ!

- Ủa, ở đây cha sống cùng với những ai mà sao bếp ăn có nhiều nồi niêu xoong chảo thế này?

- Dạ thiếu nhi đi sinh hoạt được ăn sáng và có khá đông các em nên tự nấu cho rẻ ạ!

Cứ thế, chúng tôi hỏi, cha trả lời. Khi chúng tôi tỏ ra sốt ruột về những việc làm cho giáo điểm được “cứng cáp” và mau chóng thành nơi qui tụ dân Chúa một cách ổn định thì cha trả lời: “Việc của Chúa thì Ngài có kế hoạch của Ngài, còn mình thì kiên nhẫn và khéo léo nhận ra ý Chúa mà thực hiện!”. Tôi cười. Thật ra, chúng tôi đến đây định thực hiện một việc thiêng liêng nho nhỏ, khởi đầu bằng sáu tháng hoạt động nhưng...chưa thể bắt đầu. Nhìn những giáo dân nhập cư nườm nượp đổ về nhà thờ tham dự thánh lễ chiều Chúa Nhật, tôi không khỏi xúc động. Từ “kiên nhẫn” mà cha nói ra, tôi hiểu là “nhẫn nhục để kiên tâm thực hiện” một điều gì đó cho lợi ích truyền giáo. Sự nhẫn nhục này tôi coi là một hình thức chay tịnh.

Xem Hình

Mở tư liệu về các giáo xứ thuộc Giáo Hội Công GiáoViệt Nam, có thể thấy hiện nay nhiều giáo điểm đang hình thành, thực tế là không thiếu sự nỗ lực của dân Chúa nhưng lại thiếu sự cảm thông, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo lánh, vùng núi. Chúng tôi không hiểu đây là “nỗi buồn trần thế” hay là “sự kiên nhẫn chưa chín mùi”?

CẢM XÚC PHỤNG VỤ

Những ngày vừa qua, tôi có tham dự một sự kiện tôn giáo nho nhỏ, lòng rất muốn viết bài, đưa tin lên phương tiện truyền thông, nhưng tôi không thể nào có đủ cảm xúc để ghi nhận sự việc ấy vì tất cả những gì diễn ra trong sự kiện “giống y hệt” năm ngoái! Lòng tôi bỗng “bật lên” câu hỏi: Trong phụng vụ hay trong các sự kiện tôn giáo, có cần cảm xúc mới không?

Đã có lần, tôi góp ý với một vị linh mục rằng: “Xin cha cho một chút thời sự vào bài giảng và một số câu chuyện, con nghĩ là sẽ giúp mọi người chú ý lắng nghe hơn!”. Sau đó, tôi cảm thấy vui khi dự thánh lễ cha dâng, vì bài giảng của cha có điểm nhấn của Lời Chúa, có liên hệ đến câu chuyện ngụ ngôn, rồi một chút thời sự đang “nóng” ở xã hội Việt Nam và có khi là thời sự quốc tế nữa. Thực ra, không thể thay đổi “nghi lễ” nhưng “làm tươi vui” giờ phút phụng vụ hẳn là chỉ cần một chút “khéo léo” là được. Tôi trộm nghĩ như thế.

Có một ông trùm xứ đạo nói với tôi: “Chị cầu nguyện cho cha xứ chúng em được làm...giám mục nhé!”. Tôi tròn mắt cười xòa: “Trời! Cha mới đổi về đây mà...để một thời gian xem sao, nếu “mọi chuyện tốt lành” thì cầu xin cho cha làm quản hạt, ông chịu không?”. Thì ra, cha xứ cũ ở đây lâu quá, công việc cứ “đều đều” nên khi cha mới về quí ông trùm hăng hái hẳn lên, lăng xăng làm việc theo “khuôn mới”, nên mới bật ra câu nói đơn sơ, ngộ nghĩnh ấy!

Đến đây, tôi lại trộm nghĩ đến việc thay đổi cha chánh xứ. Nếu cứ bảy năm hoặc mười năm, thì quí cha đổi nhiệm sở thì giáo dân các nơi được hưởng các ưu điểm, hoặc nếm trải “điều chưa tròn chĩnh” từ chủ chăn của mình, thì có lẽ giáo dân sẽ trưởng thành trong suy nghĩ của mình.

Xin phép được trộm nghĩ: Cứ sốt sắng chấp nhận một sự việc trong thời gian dài, như gió không thổi, thì có phải là chay tịnh không?

ĐAU KHỔ

Mùa Chay, người ta thường nhìn lên hình ảnh Đức Giêsu chết trên thánh giá, một biểu tượng diễn tả nỗi khổ đau tột cùng của con Thiên Chúa trong phận người. Người ta khó cảm nghiệm nỗi đau ấy khi cuộc sống đời thường an bình, no đủ, hạnh phúc.

Từ ngày 01/01/2019 đến nay, tôi đến bệnh viện hai lần thăm bệnh nhân. Khi trao tiền cho bà mẹ trẻ, có người con trai mới 22 tuổi, vừa bị máy nghiền nát đôi bàn tay. Dù nghèo nhưng nhận tiền mà khuôn mặt của chị như không còn cảm xúc, chị nói: “Cô chờ nửa giờ nữa, cháu sẽ xét nghiệm xong, có người đến thăm, nó mừng lắm! Mấy đêm nay nó cứ hốt hoảng la lên: “Tay con đâu rồi mẹ?!”. Tôi lặng im nhưng hiểu rằng người bạn trẻ ấy vừa “tiếp xúc” với một thực tế là đỉnh cao của sự đau khổ thể xác vì mất hai bàn tay thì từ nay anh sinh hoạt đời thường khó khăn, có thể đầy mặc cảm và nỗi khổ này kéo dài đến hết cuộc đời.

Bệnh viện giới thiệu thêm một trường hợp khác: một bạn trẻ bị máy nghiền nát đôi chân và phải cắt bỏ đến nửa đùi, trong khi chỉ còn hai mươi ngày nữa là đám cưới. Tôi nhìn cô gái trẻ đẹp, là vợ sắp cưới của anh, mà lòng chết lặng. Tình yêu của họ đang đong đầy cho một đám cưới ngập tràn hạnh phúc thì biến cố xảy ra. Chắc chắn trái tim của hai bạn trẻ này đang ở đỉnh cao của đau khổ.

Nỗi đau thể xác kéo theo nỗi khổ cho tâm hồn. Còn nỗi đau từ tâm hồn thì sao? Cũng trong khoảng thời gian này, có một người tuổi U60 là trụ cột gia đình đến thăm nhà tôi. Người vợ của anh bị tâm thần hoang tưởng nên nỗi đau xoắn vào đời anh từ từ. Và con người này trở nên chênh vênh, khi biết được đứa con trai cả (mà anh rất kỳ vọng) đã vướng vào tệ nạn ma túy. Anh đau đớn, hụt hẫng quá mức nên không còn nói chuyện với tôi như lúc trước. Tôi cũng chếnh choáng, vừa thương anh vừa giận thằng con trai. Rõ ràng, anh đang ở đỉnh cao của đau khổ.

Tôi tự hỏi, khi đang có sự tột cùng của đau khổ, người ta có chay tịnh được nữa không?

Qua tông thư Lòng thương xót và nỗi khốn cùng (Misericordia et misera) Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng: “Văn hóa từ bi thương xót được hình thành qua “việc không ngừng cầu nguyện”. Phải thôi giảng giải lòng thương xót bằng môi miệng mà hãy biến đổi nó thành “sự dấn thân và sẻ chia” qua cuộc sống hằng ngày.”

Tôi tự trả lời cho tôi, qua câu hỏi trên, bằng một sự an vui với những việc làm nhỏ bé của mình.

ĐỜI THƯỜNG

Sau mấy tháng luyện tập, tôi đã biết nấu ăn, từ món xôi gấc dễ nhìn đến món súp Châu Âu. Vì thế tôi thường bước ra chợ để mua rau, củ, quả... Ở chợ truyền thống hiện nay, vẫn còn khá nhiều chị em phụ nữ buôn bán nhỏ lẻ, và nhìn những gì họ bày bán mới thấy chị em kiếm tiền rất ít ỏi, khó khăn. Sự xa hoa vô tình ngoài xã hội làm tôi “xốn con mắt”, nhưng nếu có sự lãng phí nào đó từ Giáo hội địa phương hẳn là tôi sẽ “lẩm bẩm, càm ràm”.

Xã hội đã thành công khi “giáo dục tuyên truyền” mỗi gia đình chỉ có hai con, vì thế, người dân Việt chẳng có ai “ngã lăn ra chết vì đói” khi gạo ngon chưa đến 1 Usd/1kg, nhưng ở nơi hẻo lánh, người ta có thể bị sống “dưới mức con người văn minh”; hoặc những gia đình bỗng trở nên khốn cùng khi gặp tai nạn, tai họa.... Khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam định hướng cho năm nay là “Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn” là điều hết sức tế nhị, thân thiện, cảm thông với những người giáo dân, kể cả những gia đình lương dân khốn khổ.

Với nội dung định hướng như thế, sẽ có nhiều giáo xứ, cộng đoàn chú ý đến các gia đình, đến những con người khốn khổ trong các gia đình, đối với tôi, đây là một công trình hết sức to lớn, ẩn dấu hành trình truyền giáo, và bẻ ra tấm bánh không bao giờ hết của lòng mến. Ước mong, những định hướng kế tiếp luôn gần gũi với các thành phần dân Chúa như hiện nay.

NỖI BUỒN CÁT BỤI

Hiện nay, một số nhà thờ thuộc các giáo phận của giáo tỉnh Sài Gòn dâng thánh lễ an táng cho giáo dân lúc 5giờ00 sáng. Như thế có nghĩa là thân nhân và họ hàng của người qua đời phải “làm cách nào đó” để thức dậy rất sớm mà cùng di quan ra nhà thờ; bè bạn ở cùng khu vực có lẽ cũng không an lòng khi phải đến nhà thờ trước 5g00 sáng; người giáo dân cao tuổi trong cộng đoàn giáo xứ (nhất là gia đình neo đơn) nếu có quí mến người qua đời cũng có phần trở ngại để dự thánh lễ sau cùng với người đã khuất... Đối với tôi, đây là một nỗi buồn “không thể than vãn”. Ai cũng chết một lần. Tại sao không dâng thánh lễ cho người đã khuất theo giờ giấc đúng nguyện vọng của gia đình?

Trong các thành phần dân Chúa, có lẽ giáo dân là đơn sơ, lòng thành nhất. Thí dụ, khi Giáo Hội địa phương cần gì, giáo dân sẵn sàng mở lòng mà không cần toan tính; sẵn sàng góp công nếu không có của; khi gia đình gặp cơn nguy khốn, không dám làm phiền đến cộng đoàn nhưng nếu bất ngờ trúng số, thì nghĩ ngay đến nhà thờ và những sự liên quan...rất nhiệt thành. Thế nên tôi lại trộm nghĩ: tế nhị, tìm cách đáp ứng nhu cầu chính đáng của giáo dân là một sự cởi mở đầy lòng mến!

Có lần, vì ân tình trước sau, tôi đi tham dự thánh lễ an táng của bà cố ở vùng Xóm Mới, thánh lễ lúc 8g30, Tôi thong thả thức dậy, dùng bữa sáng và gọi Grabcar, rất thuận tiện. Hoặc dự thánh lễ an táng em của một chị ân nhân lúc 14g00, công việc kết thúc thật nhẹ nhàng, trọn tình trọn nghĩa. Mùa chay này, tôi hy sinh hãm mình, cầu nguyện để người giáo dân được “chú ý một cách tế nhị”. Đó có phải là sự chay tịnh hợp lý không?