65. CƯỠNG CHẾ

Đại sư yêu cầu người đến bái sư phải nhất định thành khẩn và nghiêm chỉnh.

Nhưng, khi các đệ tử nghiêm chỉnh tinh tiến tu luyện thì ông ta lại gia tăng trách cứ. Cái mà ông ta yêu cầu là “thoải mái nghiêm chỉnh” hoặc “nghiêm chỉnh thoải mái”, giống như một vận động viên trong khi thi đấu, hoặc là như diễn viên đặt mình trên sân khấu.

Lại còn phải nhẫn nại vô hạn. Đại sư nói:

- “Dưới sự cưỡng chế thì đóa hoa nở ra sẽ không thơm ngát, dưới sự cưỡng chế thì quả đã kết trái cũng sẽ mất đi mùi vị của nó.”

Suy tư 65:

Có người đi tu vì bị gia đình cưỡng chế, cho nên khi đỗ “cụ” rồi thì tác oai tác quái, coi trời bằng vung, hoa quả của “đi tu cưỡng chế” này là sản sinh ra một lớp người gây gương mù gương xấu; có người không vâng lời nên bị bề trên cách cưỡng chế, nên oán trời trách người, và thường tỏ ra bất mãn gây mất đoàn kết trong cộng đoàn, hoa trái của sự “vâng lời cưỡng chế” này là sản sinh ra một số người bất mãn; lại có những tình yêu cưỡng chế bởi cha mẹ, cho nên gia đình của họ trở thành hỏa ngục trần gian, họ không tìm thấy yêu thương trong tình chồng vợ, hoa trái của “hôn nhân cưỡng chế” này thường là gia đình tan nát, vợ chồng ly dị, con cái bơ vơ...

Đời sống tu đức của người Ki-tô hữu cũng thế, phải có tâm hồn tự nguyện yêu mến Thiên Chúa, tự nguyện chịu hy sinh, tự nguyện phục vụ, thì lúc đó hoa trái mới thực sự thơm ngon, ai cũng thích, huống gì là Thiên Chúa.

Bởi vì chỉ cần một cố gắng tự nguyện vươn lên của chúng ta mà thôi, thì Thiên Chúa cũng đã yêu thích rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info