Niềm Vui Khởi Đầu Từ “Ngôi Mộ Trống”

Dường như tất cả các ngôi mộ đều gợi lên một nỗi buồn, một mất mát lớn lao nhưng có một ngôi mộ mà tất cả mọi niềm vui đích thật đều khởi đầu từ đó : “Ngôi mộ trống” của ngày Chúa Phục sinh.

Theo các Tin Mừng Nhất Lãm, Maria Mađalêna cùng với các phụ nữ khác đến thăm mộ Chúa Giêsu (Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-10); nhưng theo Tin Mừng Gioan, Maria Mađalêna là người phụ nữ duy nhất và là người đầu tiên đến thăm mộ : “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” (Ga 20,1).

Nếu như bà là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu trên đồi Golgotha cùng với người môn đệ Chúa yêu (Ga 19,25), thì giờ đây ngôi mộ của Thầy Giêsu đã trở thành một phần trong cuộc sống của bà, là nơi cất giữ thi thể của người mà bà thương mến. Bà đã trải qua những đêm đợi chờ để ngày hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, trời còn đẫm sương mai, một mình, âm thầm, lặng lẽ, bà đã chạy đến mộ. Tình yêu là động lực làm cho bà hối hả. Tình yêu là sức mạnh đã thúc đẩy bà lên đường từ khi trời còn tối mịt. Tình yêu đã giúp bà vượt qua mọi sợ hãi để đến bên ngôi mộ của người bà yêu. Nhưng khi vừa đến nơi, bà đã thấy tảng đá che cửa mộ lăn ra một bên, bà nghĩ ngay đến việc ai đó đã lấy cắp xác Thầy. Thế là hết. Ngay cả thi thể của người yêu cũng không còn nữa. Không kịp đi vào trong mộ để kiểm chứng, hoang mang, thất vọng, bà liền chạy về báo tin cho các môn đệ.

Và buổi sáng hôm ấy, sau khi nghe Maria Madalêna báo tin về ngôi mộ trống, tâm trạng của các môn đệ thế nào ? Ai đã ra thăm mộ Chúa ?

Tin Mừng Matthêu và Marcô không kể lại việc Phêrô và Gioan chạy ra mộ Chúa; trong khi Tin Mừng Luca chỉ ghi lại việc Phêrô chạy ra mộ “Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (Luca 24,12). Chỉ có Mừng Gioan kể lại việc cả hai môn đệ Phêrô và Gioan đã chạy ra mộ Chúa Giêsu : “Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước” (Ga 20,3-4).

Như vậy, ngoại trừ Tin Mừng Gioan, các Tin Mừng Nhất Lãm không kể lại việc Gioan ra mộ Chúa Giêsu; và trong bốn tác giả Tin Mừng, không có ai thuật lại tâm trạng của hai môn đệ này đang khi chạy ra mộ cũng như khi đi vào trong ngôi mộ Chúa Giêsu. Ai có thể hiểu được trái tim của hai người môn đệ. Tin mừng Gioan chỉ thuật lại rằng người môn đệ Chúa yêu cúi xuống và nhìn vào ngôi mộ trống “Ông đã thấy và ông đã tin” (Gioan 20,8). Chẳng phải là cả hai Phêrô và Gioan đều thấy ? Đối với Phêrô, Tin mừng thuật lại “Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Gioan 20,6-7). Ngoài “đôi dòng mô tả giản đơn đó”, chúng ta không biết gì thêm về tâm trạng của Phêrô lúc ấy.

Về phần tông đồ Gioan, ông đã thấy gì ? Tác giả Tin Mừng chỉ ghi lại “ông đã thấy và đã tin”. Chúng ta không biết rõ những gì ông đã thấy lúc này, nhưng chắc chắn một điều Gioan cũng đã thấy những băng vải quấn xác Chúa và tấm khăn che đầu Chúa; đặc biệt ông đã thấy sự vắng bóng thân thể của vị Thầy mang thương tích Thập Giá mà ông đã từng chiêm ngắm những giây phút cuối đời của Thầy mình khi ông đứng dưới chân Thập Giá Chúa. Ông thấy vắng bóng vị Thầy đã từng nói với ông những lời thương mến khi trao phó ông cho Mẹ của Ngài : “Đây là mẹ của anh” (Gioan 19, 26-27). Ông thấy vắng bóng vị Thầy mà dường như ông vẫn còn nghe vang vọng đâu đó những lời thật bi thương: “Ta khát” (Gioan 19,28), “Mọi sự đã hoàn tất” (Gioan 19,30).

Sau lời trăn trối của Thầy, tưởng như mọi sự đã chấm dứt tại đồi Golgotha loang máu tử nạn của vị Thầy mến yêu; tưởng như mọi sự đã kết thúc tại nấm mộ mang lấy thân thể của Thầy đã được ướp bằng mộc dược trộn với trầm hương và được bọc trong băng vải tẩm thuốc thơm ! Vậy mà, tất cả mọi niềm hy vọng đều xuất phát từ Thập giá ấy, tất cả mọi điều mới mẻ của lịch sử nhân loại, tất cả mọi niềm vui và sức sống của nhân loại đều khởi đầu từ ngôi mộ ấy, như lời Hội Thánh hoan ca vui mừng với bài ca Exultet, khi ánh nến Phục Sinh rực sáng trong Phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh :

“Mừng vui lên, hỡi khắp miền dương thế,
bốn bề đang rực ánh hào quang :
Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng,
đẩy lùi xa bóng tối của trần gian…” (Exultet).


Giây phút mà Gioan nhìn ngắm ngôi mộ trống có cái gì đó thật huyền nhiệm làm đảo lộn tất cả tâm trạng người môn đệ Chúa yêu. “Ông đã thấy và ông đã tin”. Trong bản văn kinh thánh tiếng Hy lạp, chúng ta dễ nhận ra có một sự khác biệt trong việc sử dụng từ ngữ “thấy”. Ở Gioan 20,5 “ông cúi xuống và nhìn thấy [βλέπω] (blepo) những băng vải còn ở đó, nhưng không vào”, (βλέπω : thấy bằng đôi mắt thể lý) ; ở Gioan 20,8 “ông đã thấy [όράω] (orao) và đã tin” (όράω thấy bằng đôi mắt tâm linh). Có một biến chuyển từ cái thấy bằng đôi mắt của thể lý “βλέπω” đến cái thấy nội tâm bằng đôi mắt của đức tin “όράω”. Chỉ một vài từ ngữ ấy cũng đủ để khơi lên cả một chiều kích sâu thẳm của tình yêu và niềm tin của người môn đệ Chúa yêu. Cái thấy của đức tin đã làm cho Gioan thay đổi tất cả : từ nỗi buồn của sự mất mát đến niềm vui nội tâm, từ thất vọng đến hy vọng, từ khổ đau đến hạnh phúc: “Ông đã thấy và ông đã tin”.

Đức tin là nhìn thấy đằng sau sự vắng bóng ấy có một sự hiện diện của Đấng là cội nguồn của tất cả. Đức tin là nhìn thấy đằng sau những khổ đau và thất bại là niềm vui thiêng liêng và hạnh phúc trào tràn. Đức tin là thấy được sự hiện diện huyền nhiệm của Đức Giêsu Phục sinh đằng sau một cuộc sống dường như Thiên Chúa vắng mặt. Nếu như chính tình yêu giúp Gioan kiên trung đến cùng để ở lại dưới chân Thập Giá của Thầy mình, để hiệp thông với Thầy trong những giây phút cuối đời thì cũng chính tình yêu đã khơi lên niềm tin nơi người môn đệ.

Nếu như ngang qua ngôi mộ trống, cái nhìn đức tin đã giúp người môn đệ Chúa yêu gặp được sự hiện diện gần gũi thân thương của Thầy mình, của Đấng Phục sinh, thì chính niềm tin vào sự hiện diện linh thiêng này làm phát sinh nơi người môn đệ niềm vui nội tâm và làm cho niềm vui này được viên mãn “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Gioan 16,22). Từ ngôi mộ trống, niềm vui của Gioan đã khởi đầu từ đó, niềm vui của các môn đệ cũng khởi đầu từ đó. Niềm vui ấy được nhân lên, được loan truyền, được lớn mãi và trở thành sức mạnh cho toàn thể nhân loại.

Chắc chắn, chính trong ý nghĩa đó, Hội Thánh đã đặt trên môi miệng của Bà Maria Mađalêna những lời vinh tụng thật sống động trong bài ca Tiếp Liên của Phụng vụ Chúa Nhật Phục Sịnh :

“Maria hỡi, xin thuật lại
Trên đường đi đã thấy gì cô ?
Thấy mồ trông Đức Kitô
Phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn (…)
Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức Kitô thật đã phục sinh.
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương.”


Như thế một niềm vui đích thực chỉ có thể đạt được nhờ niềm tin vào Đấng phục sinh. Ngài đã chiến thắng tất cả mọi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Ngài đang sống, đang hiện diện với chúng ta. Niềm vui đích thật này chỉ có thể là một quà tặng của Thiên Chúa. Nó mang lại một sự an bình nội tâm, nó không chỉ là một sự vắng bóng của khổ đau mất mát, nó không thể mua được bằng những sở hữu vật chất, nó không thể đạt được bằng những thành công bên ngoài, nhưng nó đến từ một cuộc gặp gỡ cá vị với Đấng Phục sinh. Nó trào tràn từ việc mở lòng mình ra cho sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Chúng ta không cần đi tìm kiếm ở những phương trời xa xôi, nhưng chỉ cần đi vào trong thinh lặng của linh hồn vì Đấng Phục sinh đã hiện diện ở đó.

Như vậy, nếu như những nấm mộ là dấu chỉ của những mất mát, khổ đau, thất vọng thì “ngôi mộ trống” của Đấng Phục sinh trở thành dấu chỉ của một niềm vui thiêng liêng. Nếm cảm sự hiện diện của Ngài là một niềm vui bất tận, tín thác tuyệt đối vào Ngài cho ta một sự bình an thẳm sâu. Chúng ta vui vì có một Đấng yêu chúng ta cho đến cùng và chết cho chúng ta. Chúng ta bình an giữa mọi sóng gió của cuộc đời vì Đấng yêu ta đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta và ấp ủ chúng ta trong trái tim yêu thương của Ngài.

Ước gì khi đối diện với những “ngôi mộ” cuộc đời, chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa, chúng ta được ơn “thấy và tin” như Gioan đã thấy và tin Ngài. Ước gì chúng ta có trái tim kiên trung để dám đứng dưới chân Thập Giá như Gioan và ước gì chúng ta có trái tim nhạy cảm để nhận ra Ngài ngang qua “ngôi mộ trống”; ước gì niềm tin phục sinh mỗi người chúng ta sẽ như cây nến Phục sinh sẽ cháy mãi như lời ước nguyện ban đầu của bài ca Exultet :

“Ước gì ngọn lửa còn cháy mãi,
Lúc xuất hiện Sao Mai :
Một vì sao không bao giờ lặn,
Là Đức Kitô, Con yêu quí của Cha,
Đấng từ cõi chết sống lại,
Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”.


Maria Diệu Hiền (Nữ tu MTG.QN)