Vào đêm bị trao nộp, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ Ơn. Đây là hy tế của Giao Ước Mới được thiết lập bằng máu Đức Kitô như một biến cố vượt qua của Người trên thập giá: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Đức Giêsu uỷ thác việc tưởng niệm biến cố này cho các Tông đồ, cũng như cho Hiền thê yêu quý của Người là Giáo hội: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Thánh Lễ là cao điểm của Phụng vụ Kitô giáo, nơi đó cộng đoàn tín hữu hiệp nhất để thờ phượng Thiên Chúa và tưởng niệm biến cố khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, cũng là để tái lập giao ước mà Con Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại trên ngọn đồi Can-vê.

Thánh Lễ có nhiều tên gọi khác nhau như: “Bữa Ăn của Chúa”, “Lễ Bẻ Bánh”, “Tạ Ơn”, “Thánh Lễ” (Mi-sa)... Thánh Lễ gồm hai phần chính: phụng vụ lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Tuy nhiên, ở đây, tôi không có ý trình bày về ý nghĩa của từng phần trong Thánh Lễ, cũng không có tham vọng đưa ra một khám phá mới về “Bữa Ăn của Chúa”, nhưng chỉ là suy tư về ý nghĩa cuộc đổ máu của Chúa Kitô trên thập giá và được “tái hiện” trong Thánh Lễ cho đến hôm nay.

Hy tế trên thập giá của Đức Kitô

Tội nguyên tổ đã phá đổ căn bản mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Hệ lụy của nó lưu truyền cho hậu thế và làm cho sự chết thống trị con người. Nhưng vì lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa không để con người phải chết trong tội luỵ. Ngài ban Con Một cho trần thế hầu thực hiện chương trình cứu rỗi. Cái chết của Đức Kitô trên thập giá là cùng đích của chương trình ấy.

Thánh Phaolô đã rao giảng về Đấng chịu sát tế cứu độ muôn dân như một cương lĩnh trầm hùng: “tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Thập giá, xét như một phương thế, là một thứ nghịch thường, người ta chỉ dùng để xử tử kẻ phạm tội. Người Do thái, thời Đức Giêsu, quan niệm rằng án treo trên thập giá là cái chết “ô nhục” (Dt 12,2) và “đáng nguyền rủa” (Gl 13,3) dành cho tử tội. Thế nhưng, Thiên Chúa đã chọn cái chết ấy cho Con của Người để biểu lộ tình yêu đối với thế gian.[1] Chính vì lẽ đó, thập giá đã trở nên khác thường, nó không còn là nghịch cảnh của những án treo, nó trở thành sứ điệp của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Đối với người Do thái, thập giá ngăn cản lòng tin của tín hữu đạo đức, không tìm thấy gì giống như thế trong Kinh Thánh, và nó đi ngược lại với bản vị của Thiên Chúa là Đấng tỏ hiện ra với những điềm thiêng dấu lạ. Như thế, đối với họ, chấp nhận thập giá của Đức Kitô có nghĩa là đi ngược lại mối liên hệ sâu đậm với Thiên Chúa, là khước từ lòng trung tín với Thiên Chúa của cha ông họ. Hơn nữa, việc Đức Kitô chịu chết trên thập giá thực sự là chuyện ô nhục và tồi tệ trước mặt họ. Tiếng Do thái, thập giá là skandalos (xc. Dt 6,6;12,2) nghĩa là “bẫy sập” hay “hòn đá gây vấp ngã”; và tử thi, tự nó, đã là vật ô uế rồi, lại bị phơi bày giữa bàng dân thiên hạ nữa thì quả là đồ bị “Chúa ruồng bỏ” (xc. Gl 3.13). Với người Hy lạp, tiêu chuẩn phán đoán chống lại thập giá là lý trí. Họ gọi thập giá là moria (xc. 1Cr 1,18) nghĩa là “sự điên dại”, dịch sát nghĩa là “nhạt nhẽo”, “vô vị”. Vì thế hơn là một sai lầm, nó là sự phỉ báng lương tri con người hay là “sự điên rồ” (1Cr 1,23). Nhưng, sự “ô nhục” và “điên dại” của thập giá lại là phương thế thể hiện quyền năng tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại khổ đau. Thánh Phaolô chấp nhận cả hai cách phản ứng trên đây và dùng nó để trình bày kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng đã dùng thập giá để biểu lộ tình yêu đối với thế gian và nhờ cái chết của Con Một Người mà thế gian được cứu độ (xc. Dt 2,9). Đức Kitô là con chiên vô tội, Người tự nguyện đổ máu ra để phục hồi phẩm giá nhân loại và để cứu độ muôn người.

Cuộc tử nạn của Đức Kitô là một cuộc chiến mà con người là căn điểm. Người không phạm tội nhưng con người phạm tội. Người mang lấy tội luỵ của nhân gian để chịu đóng đinh trên thập giá. Cuộc chiến đó không phải với năm cục đá Đa-vít đã dùng để giết Go-li-at (xc. 1Sm 17,40) nhưng bằng năm vết thương ghê gớm nơi chân tay và cạnh sườn Đức Giêsu. Cuộc chiến giữa một bên là vũ khí lấp loáng, một bên là kẻ bị treo trên thập giá với những giọt máu rỉ rả rơi xuống đến giọt cuối cùng. Nhưng thật lạ lùng, trong cuộc chiến này, kẻ mạng vong lại thắng cuộc.

Tác giả Tin Mừng Gioan nhìn thập giá như một sự bộc lộ vinh quan của Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo lên thập giá là biểu trưng của việc Người được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình (xc. Ga 12,32). Trong Tin Mừng này, cuộc tử nạn bắt đầu với việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ và di chúc về tình yêu thương: Đức Giêsu giải thích ý nghĩa cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện để bộc lộ tình yêu dành cho nhân thế. Chính Người đi ra đón những kẻ lùng bắt mình. Cuộc tra tấn dã man trở thành lễ nghi phụng vụ khi Đức Kitô khoác lên mình tấm áo vải đỏ với vòng gai đội đầu, và bản án là Vua (xc. Ga 19,14.19). Thánh Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Đức Kitô trên thập giá, ghi chú từng cử chỉ nhằm hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác người mẹ cho môn đệ, và ký thác môn đệ cho người mẹ, việc nhắp những giọt giấm cho tới việc ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn, nhất là Gioan nhận định về những hậu quả của cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiện của nguồn mạch sự sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban người Con Một cho nhân loại. Đứng trên phương diện Kitô học, thập giá không phải là một nhục hình, nhưng là ngai toà mà Người hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục, nhưng là vương quyền của tình yêu nhân thế.

Cái chết của Đức Kitô không thể được quan niệm như là một trong những khả thể kết thúc một phận đời của một con người, một cuộc đời có sinh, có tử; cũng không thể được quan niệm đó là một điều xảy đến bất ngờ. Đúng hơn, đó là một kết cuộc đã được tiên liệu trong kế hoạch của Thiên Chúa ngay khi dòng dõi loài người phạm tội; đồng thời được Đức Kitô đón nhận với tất cả tự do của ý chí nhân loại (xc. Lc 12,50). Ngay từ những công thức đầu tiên, lời rao giảng tông đồ đã hàm ngụ niềm xác tín rằng Đức Kitô đã chết cho tội của nhân loại theo như lời Sách Thánh (1Cr 15.3), và Người đã tự hiến dâng thân mình vì tội con người (Gl 1,4). Những điều ấy là theo ý Chúa Cha, Đấng đã để Con mình phải chết vì tội lỗi chúng ta (xc. Rm 5,8; Is 53,6), vì chúng ta hết thảy (Rm 8,32), để vào trần gian (Dt 5,10) cho đến khi hiến dâng mạng sống, là một sự hiến tặng duy nhất và độc nhất cho con người. Hy tế này, tiên vàn, là một ân huệ chính Thiên Chúa Cha ban tặng cho con người. Người đã trao nộp Con của Người để giao hoà chúng ta với Người. Đồng thời, đó là sự dâng tặng của Con Thiên Chúa làm người, với sự tự do và lòng yêu mến (Ga 15,13), Người đã hiến dâng chính mạng sống mình (Ga 10,17-18) lên Chúa Cha trong Thánh Thần (Dt 9,14) nhằm sửa chữa lại sự bất tuân của dòng dõi con người.

Cuộc hy hiến của Đức Kitô đã hoàn tất trong quá khứ, một lần và vĩnh viễn. Có nghĩa là Người không chết một lần nữa. Mỗi khi cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh tưởng niệm hay nói đúng hơn là tái hiện biến cố khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô.

Thánh Lễ hiện tại hoá hy tế của Đức Kitô

Cội nguồn và bản chất của Giáo hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn rộng mở của Đức Kitô chịu đóng đinh (xc. Ga 19,34), và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người trên thập giá: “Phần tôi, khi được dương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với tôi (Ga 12,32). Mỗi khi Hội Thánh cử hành hy tế thập giá trên bàn thờ, qua đó “Đức Kitô là con chiên vượt qua của chúng ta đã chịu sát tế” (1Cr 5,7), thì công trình cứu chuộc của Thiên Chúa lại được thực hiện. Nói khác đi, Thánh Lễ chính là giá máu của Đức Kitô đã đổ ra trên thập giá để cứu chuộc con người tội lỗi.

Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc nhân loại đã thiết lập hy tế Tạ Ơn bằng chính mình và máu Người, để nhờ đó, hy tế thập giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người đến, và uỷ thác cho Hiền thê của Người là Giáo hội việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Đây chính là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ai, bữa tiệc vượt qua.[2]

Chúng ta biết rằng, đau khổ là một thực tại hiện sinh; tự bản chất, đau khổ không mang ý nghĩa tích cực. Hội Thánh không tôn vinh sự đau khổ như bản chất của nó, cũng không cổ suý sự khổ đau, nhưng tôn vinh Đấng chịu đổ máu mình ra vì tình yêu con người “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nhờ sự hy hiến này mà con người được cứu độ. Đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu đã hoà giải con người tội lỗi với Thiên Chúa, đồng thời giải thoát nhân loại khỏi quyền lực của ác thần, của tội lỗi và sự chết do tội lỗi gây ra. Trong cái chết ấy, Đức Kitô đã làm hoàn tất những điều các ngôn sứ đã tiên báo thủa xưa (xc. Lc 24,25-27).

Hội Thánh cử hành Thánh Lễ là tái lập hôn ước giữa Thiên Chúa và dân Người. Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa đã ký kết với dân tộc Israel giao ước tại núi Si-nai (xc. Xh 19,5); trong thời mới, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người bằng chính máu của Con Một Chúa, đây là Giao Ước Mới, giao ước của tình yêu vĩnh cửu. Chính vì lẽ đó, Thánh Lễ không thể thiếu cây thập giá. Cây thập giá chính là biểu tượng và dấu chỉ của tình yêu. Mỗi khi cử hành Thánh Lễ, Giáo hội tái lập giao ước mới này qua lời đọc Thánh Thể của linh mục: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước Mới, giao ước vĩnh cửu, đổ ra vì anh em”.

Đức Kitô hiện diện trong hy tế Thánh Lễ, vừa ở nơi con người của thừa tác viên, khi chính Đấng xưa đã tự hiến mình trên thập giá, nay cũng đang dâng hiến nhờ tác vụ của các linh mục,[3] vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh và rượu trong bí tích Thánh Thể.

Thánh Lễ là hy tế không đổ máu. Mỗi khi cử hành, Hội Thánh tái diễn việc đổ máu của Đức Kitô, hay “hiện tại hoá đồi Can-vê”. Việc tái diễn này có ý nghĩa như một cuộc đổ máu của Đức Kitô. Xưa kia, Đức Kitô đã hy hiến mạng sống mình trên thập giá như một cổ lễ để dâng lên Chúa Cha; trong Thánh Lễ, người tín hữu liên kết với nhau để dâng lên Chúa Cha hy tế của Đức Kitô. Đồng thời, người tín hữu cũng liên kết với hy tế thập giá của Đức Kitô để dâng hiến chính mình, con người tội lỗi.

Hy tế thập giá của Đức Kitô nằm trong một bối cảnh tôn giáo liên quan đến mối tương giao giữa con người và Thiên Chúa, giữa Đấng Thánh và tội nhân. Hy tế ấy có liên hệ chặt chẽ với con người tội lỗi (xc. 2Cr 5,18-19). Cái chết của Đức Kitô là hy tế đích thực, tức một tác động phụng tự cao nhất chỉ quy hướng về một mình Thiên Chúa. Hy lễ của Đức Kitô cũng có liên hệ với những hy lễ Cựu ước, nhưng hy lễ mới này trội vượt trên các hy lễ cũ, như thực tại so với hình bóng (xc. Rm 9,9-14).

Thật vậy, hành vi tạ ơn và chúc tụng trong Thánh Lễ là một sự kiện đã được tiên trưng trong Cựu ước(xc. 1Mcb 4,56). Trong phần tường thuật thiết lập Thánh Thể, Giáo hội dâng lên Chúa Cha hành động của Đức Kitô, cũng như lệnh truyền của Người tiếp tục hành động tưởng niệm này. Cuộc tưởng niệm không bị giới hạn vào sự biến thể bánh và rượu, nhưng hiện tại hoá toàn thể mầu nhiệm cứu độ khi gợi lại sự chết, phục sinh và lên trời vinh hiển của Đức Kitô.[4]

Cái chết của Đức Kitô là một hy lễ trong đó người tế lễ đồng nhất với cổ lễ, tư tế và hiến vật là một: “Cũng một vị tư tế đồng thời là hy lễ, Đức Giêsu Kitô”.[5] Mỗi khi Hội Thánh cử hành hy lễ trên bàn thờ thì công cuộc cứu chuộc lại được thực hiện. (LG. số 3). Khi chủ tế lặp lại lời của Đức Giêsu và làm lại cử chỉ cầm bánh, cầm chén rượu, thì điều này có nghĩa là chính Đức Giêsu đang tái diễn, tái hiện những cử chỉ, những việc Người đã làm xưa trong phòng tiệc ly với các môn đệ. Tuy nhiên, Việc cử hành Thánh Lễ không phải là một nhiệm vụ cho bằng một nhu cầu đích thực và sâu thẳm của cộng đoàn dân Chúa.

Ý nghĩa hy tế của Đức Kitô đối với đời sống người tín hữu hôm nay

Cử hành Thánh Lễ không đơn thuần là tái diễn cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, đây còn là cội rễ và nguồn sức sống của đức tin người tín hữu Kitô. Bỏ qua chiều kích này, Thánh Lễ chỉ là một hình thức sinh hoạt mang đậm tính văn hoá. Mỗi lần hiệp dâng Thánh Lễ, người tín hữu tham dự vào mầu nhiệm thương khó và phục sinh của Đức Kitô, cũng là tham dự vào sức sống thần linh của Người. Việc dự Tiệc Con Chiên, hay rước mình máu thánh Chúa, người tín hữu được nuôi sống linh hồn mình. Bí tích Thánh Thể là của ăn đàng, là quà tặng vô giá của Thiên Chúa và là tiếng gọi tình yêu của Người. Trong Thánh Thể, người tín hữu được bộc lộ và củng cố đức tin và lòng mến. Khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn người tín hữu được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang đời sau.[6] Thánh Thể là bữa tiệc thánh nuôi dưỡng và duy trì đời sống tín hữu trên con đường tiến về Giêrusalem trên trời.

Nhiệm tích mình máu thánh Chúa diễn tả và thực hiện sự hợp nhất các Kitô hữu, những người kết nên một thân mình Chúa Kitô (xc. 1Cr 10,17). Tất cả mọi người được mời gọi kết hợp với Chúa Kitô, Đấng chính là ánh sáng thế gian, là cội nguồn, là sức sống và là cùng đích của tất cả đời sống người tín hữu.

Bữa tiệc ly vừa là bữa tiệc cuối cùng “đúc kết và tổng hợp tất cả các bữa tiệc ngôn sứ trong cuộc đời Đức Giêsu, đồng thời vừa là bữa tiệc đầu tiên của Chúa, khai mở bữa tiệc hậu phục sinh với Người”.[7] Bữa tiệc ly cô đọng và nối kết tất cả ý nghĩa cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô như Người đã nói với các môn đệ: “Thầy những khao khát mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa cho đến khi lễ này nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22,14-16).

Thánh Thể là bí tích tình yêu được nối kết sâu đậm với bữa Tiệc Vượt Qua của thời Cựu ước. Trong bữa Tiệc Vượt Qua, con chiên vô tì vết được sát tế - trong Thánh Thể, Đức Kitô là Con Chiên tinh tuyền tự hiến của Thiên Chúa. Trong bữa Tiệc Vượt Qua, máu chiên đổ ra để cứu sống các con đầu lòng dân Do thái - trong Thánh Thể, Con Chiên Thiên Chúa đổ máu ra để mang lại sự sống vĩnh cửu cho muôn người. Trong Tiệc Vượt Qua, thịt chiên là của ăn được phân phát cho mọi người trong gia đình, gia tộc - trong Thánh Thể, Mình và Máu Con Chiên Thiên Chúa trở nên lương thực cho toàn thể gia đình nhân loại.

Như vậy, khi cộng đoàn tín hữu quy tụ quanh bàn thờ để cử hành hy tế Tạ Ơn là tham dự vào bữa tiệc Con Chiên vô tì vết là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện hy hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại và nuôi sống muôn dân. Thánh Thể không chỉ là một chân lý ôm ấp trong trái tim, nhưng còn là một bí tích, nghĩa là một dấu chỉ hữu hình diễn tả sự hiện diện sâu đậm của Chúa Giêsu ở giữa nhân loại để trở nên sức sống cho con người.

Không ai có thể suy cho cạn ý nghĩa nhiệm mầu của Thánh Lễ, bởi đặc tính sâu thẳm và vô cùng nhiệm lạ của hy tế Con Chiên, đặc biệt trong nhiệm tích Thánh Thể. Mặt khác, mỗi cử chỉ, lời đọc, vật dụng trong Thánh Lễ đều diễn tả một ý nghĩa hay biểu tượng nào đó vừa liên hệ đến Thiên Chúa vừa liên hệ đến con người; trong khi mỗi người tham dự Thánh Lễ lại thủ đắc những ý nghĩa khác nhau, và chính sự hiện diện của họ cũng diễn tả hay tạo ra một ý nghĩa nào đó cho Thánh Lễ. Thánh Lễ kết thúc ở lời chúc bình an, nhưng chưa phải là đã hoàn tất; nó mở ra một sứ vụ cho người tín hữu, đó là mang Tin Mừng cứu độ cho thế giới, cho những người mà họ gặp gỡ, và phục vụ tha nhân như lời mời gọi của Đức Giêsu.

Ngày hôm nay, sứ mạng của Giáo hội là tập họp những người nghèo khổ, neo đơn, bất hạnh, khốn cùng, cho một mục đích là bẻ bánh, phân phát, chia sẻ của ăn. Giáo hội như là “lương thực của người nghèo”, nơi mà người nghèo trở thành chi thể của các hành động Giáo hội. Cũng như nơi thánh đường, hay trong Thánh Lễ, không thể chấp nhận thái độ kiêu hãnh, đòi hỏi được phục vụ và khinh chê hay loại bỏ người nghèo; thì ngoài xã hội, người tín hữu cũng được mời gọi hành động như vậy. Phương cách sống bác ái với người nghèo làm cho Giáo hội trở thành “dụ ngôn” của sự hiệp thông, chia sẻ với tha nhân trong một cộng đồng nhân loại đang bị xâu xé. Ngày nay, Giáo hội chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh của mình khi là “bí tích cứu độ phổ quát” (LG, số 48). Trong Tông huấn Sacramentum caritatis, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã nhắc nhở các tín hữu quan tâm đến những thực trạng của những người đang lâm cảnh nghèo đói. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta không thể thinh lặng trước những hình ảnh đau lòng của những trại to lớn chứa đầy người di cư hoặc tị nạn rải rác đó đây trên khắp thế giới, họ chỉ được tập họp lại trong những điều kiện tạm bợ, để tránh khỏi tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều, trong khi họ lại có nhu cầu về mọi thứ (SC, số 90). Người kêu gọi các tín hữu làm việc không ngừng nhằm xây dựng nền văn minh tình thương, thực hiện các công tác từ thiện, quyên góp, chia sẻ của cải nhằm giúp đỡ những người thiếu thốn, nghèo túng như chính Đức Kitô Giêsu đã ban phát Thánh Thể cho nhân loại.

[1] Hội đồng Giám mục Đức, Tài liệu học hỏi về năm thánh Phaolô, Tôn giáo, 2008, tr23.

[2] Xc. Công đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 47.

[3] Ibid., số 7.

[4] Phạm đình Ái, Cử hành Hy Lễ Tạ Ơn, Học viện Dòng Thánh Thể, 2012.

[5] Công đồng Lateranô, Ch. 1, De fide catholica (DS 802)

[6] Kinh nhật tụng Rôma, Lễ mình Thánh Chúa Kitô, kinh chiều II, tiền xướng kinh Magnificat.

[7] Vũ Chí Hỷ. Sđd., tr. 98.