“Hãy làm một đan sĩ. Một tháng. Một năm”. Đó là quảng cáo của Đan Viện Mepkin, một đan viện Dòng Trappist ở Nam Carolina.

Quảng cáo đó là điều tôi hằng mong đợi, dù không phải là lời mời gọi bước vào ơn gọi. Tôi là một người trung niên, hạnh phúc trong hôn nhân và là cha của 6 đứa con. Rất cám ơn khi chương trình làm khách đan viện tại Mepkin dành cho mọi người: những người đang biện phân ơn gọi hay không, Công Giáo hay không, đàn ông hay không.

Tôi vốn đang thực hiện các cuộc tĩnh tâm 5 ngày tại các đan viện dòng Trappist và Dòng Biển Đức trong 25 năm nay và tôi nhận thấy trải nghiệm sống trong in lặng và xa rời cuộc sống làm việc và gia đình có tính phục hồi và tái lên sinh lực. Ấy thế nhưng, như nhà chiêm niệm nổi tiếng Paul Hewson (tức Bono) vốn nói, tôi vẫn chưa tìm được điều mình đang đi tìm.

Sự thật là tôi đang trở nên bồn chồn náo nức trong các cuộc thử nghiệm đan viện của mình. Tôi cảm thấy tôi chỉ mới gãi gãi ngoài mặt trải nghiệm đan viện và chỉ là một khách vãng lai của một đan viện tiếp khách, tôi vẫn là người đứng ngoài nhìn vào bên trong. Nên, tôi quyết định trở thành một đan sĩ trong 1 tháng.

Tôi tới đan viện Mepkin vào một buổi sau trưa trong mùa mưa phùn của Nam Carolina. Đan viện tọa lạc trên một dốc đứng cạnh Sông Cooper.

Khu đất rộng 3,200 mẫu Anh của nó gồm rừng thông và bãi cỏ mênh mông được chấm phá bởi những cây sồi đầy rêu phong Tây Ban Nha. Động sản này ban đầu vốn là một vùng trồng lúa, sau được Clare Boothe Luce mua rồi tặng cho Dòng Trappist trong thập niên 1940.

Tôi trình diện tại nhà tĩnh tâm, một hành lang nửa vây kính và thép bóng loáng, mới được thêm vào gần đây cho các tòa nhà hiện đại của đan viện. Gerard Jonas Palmares, O.C.S.O., giám đốc chương trình làm khách đan viện , đón tiếp tôi như thể tôi là người thân lâu ngày gặp lại.

Trong cuộc ngụp lặn dài một tháng của tôi ở đan viện, tôi sống trong một phòng nhỏ, dễ chịu của nhà ngủ dành cho các đan sĩ. Tôi mặc chiếc áo dài không hoa hoè hoa sói, giống con quạ xám. Tôi dùng các bữa ăn một cách nhanh chóng và trong im lặng. Tôi tham dự với các đan sĩ trong việc hát các thánh vịnh trong 7 lần các phụng vụ giờ kinh, mà lần đầu tiên, gọi là Kinh Sáng Sớm (Matins hay Vigils), bắt đầu lúc 3 giờ 20. Tôi làm việc 4 hay 5 giờ một ngày trong ngành trồng nấm tại Đan Viện. Tôi qua mỗi ngày trong im lặng, chỉ nói khi cần và không nói gì cả lúc phải Rất Im Lặng, tức từ 8 giời tối tới 8 giờ sáng. Tôi rất mến điều này.

Trong vài tuần đầu tiên của tôi tại đan viện, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn gần như mỗi ngày và gần như mỗi giờ của mỗi ngày. Tôi cảm thấy vinh dự khi được cư ngụ ở một nơi tuyệt đẹp như vậy, được sống trong im lặng và gần như chạm vào thiên hứơng dịu dàng, thông minh và khôn ngoan của các đan sĩ. Mỗi bình minh và hoàng hôn đều là một dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện. Tiếng còi của một chuyến xe lửa chở hàng vang lên khắp bờ sông Cooper, tạm thời nhắc nhớ tiếng ồn ào và gây xao lãng của thế giới bên ngoài. Mỗi cái gật đầu của một người cùng cư ngụ đi qua đều là một cái ôm hơn nữa đưa tôi vào cộng đồng. Tôi tự hỏi liệu tôi có bỏ lỡ ơn gọi của tôi không.

Tuy nhiên, trong tuần thứ ba của tôi tại Mepkin, tôi đã va vào bức tường đan viện. Tôi bắt đầu đếm ngày cho đến ngày tạm biệt. Cha Gerard Jonas không ngạc nhiên và tâm sự với tôi rằng chương trình làm khách đan viện kéo dài một tháng vì một lý do chính đáng: người có thể làm đan sĩ nên hiểu rằng cuộc sống có thể đơn điệu. Tôi đã có thể loay hoay thoát qua được khoản khô khan này, vì tôi cho rằng tất cả các đan sĩ phải như thế trong một khoảng thời gian khác nhau nào đó, và phần sau của tôi ở đan viện đã được no đầy phước lành.

Các phước lành đó bao gồm Thánh lễ hàng ngày, thường bắt đầu lúc 6:30 sáng tại Đan viện Mepkin. Các buổi phụng vụ tại Mepkin ngắn gọn và đơn giản, các bài giảng cô đọng và thấm thía. Tuy nhiên, Thánh lễ tại đan viện gây một cảm xúc gần như đánh gục. Tôi không thiên về tình cảm mạnh mẽ, nhưng tôi gần như đã bật khóc trong vài Thánh lễ trong tháng tôi ngụ tại Mepkin. Tôi hy vọng rằng không ai trong số các đan sĩ chú ý đến hiện tượng đó, nhưng nếu họ chú ý, thì đó cũng được thôi. Và trong khi chúng tôi ở trong tòa giải tội, tôi nên xưng thú, như tôi đã làm với Cha Guerric, rằng tôi đã ngủ gật đôi lần trong buổi cầu nguyện tập trung (centering prayer) mà ngài hướng dẫn vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Tôi đã học được rằng sự thiếu sót này dễ tha thứ bởi vì, như cha Guerric đã nói với tôi, tôi đã không ngáy và “nó vẫn thường xẩy ra”.

Cha Guerric đã ban ân xá ấy trong một trong các cuộc thảo luận của chúng tôi, trong đó tôi được nhắc nhở rằng nếu bạn gặp một đan sĩ Mepkin để thảo luận về những gì đang xảy ra trong đời sống của bạn, về mặt thiêng liêng hay không, bạn sẽ rời khỏi cuộc họp với một cuốn sách. Sau một vài cuộc thảo luận như vậy, các cuốn sách bắt đầu chất đống trên chiếc bàn của tôi. Vấn đề là tôi không bao giờ có thì giờ để đọc chúng. Trong suốt thời gian ở đan viện, tôi luôn cảm thấy như thể có một nơi nào đó mà tôi giả thiết phải có mặt, và một điều gì đó mà tôi nên làm ở đó. Vì vậy, tôi đã phạm sai lầm của lính mới tò te trong việc từ chối các lời khuyên nhận sách mới. Cuối cùng, tôi nhìn nhận lỗi lầm của mình và tiến tới chỗ biết đánh giá cao rằng một lời khuyên nhận sách của một đan sĩ Trappist là một món quà quý giá, một điều mà đan sĩ tin hoặc có lẽ biết sẽ giúp bạn trong cuộc hành trình. Bây giờ những cuốn sách được các đan sĩ đề nghị đang giúp thay đổi cuộc sống của tôi.

Và, tất nhiên, mọi thứ trong cuộc sống của tôi cần phải thay đổi. Ví dụ, có một người ở nơi làm việc của tôi, một thập niên trước đây, đã vận động để tôi phải đau đớn nhiều hơn mức cần thiết từ việc tái tổ chức Wall Street đầy cạnh tranh kiểu Hobbes. Tôi cần phải tìm cách tha thứ cho người này sau ngần ấy năm, và tháng tôi ở Mepkin dường như là một cơ hội tốt để gột bỏ vấn đề này khỏi danh sách việc cần làm về thiêng liêng của tôi. Vì vậy, tôi đã hỏi Cha Columbiaa, trước đây là một linh mục chánh xứ ở Dublin, liệu tôi có thể thảo luận một “vấn đề mục vụ không chuyên biệt” với ngài không. Cha Columba sẵn sàng đồng ý, nhưng trước khi chúng tôi gặp nhau, ngài đã giảng một bài giảng tuyệt vời về đoạn Tin mừng Mt 18: 21-22, trong đó chủ đề của ngài là “sự tha thứ là một phép lạ”. Cha Columba và tôi đã có cuộc chuyện trò của chúng tôi, nhưng sự tha thứ không phải là một trong những chủ đề mà chúng tôi đã thảo luận. Tôi đã nghe được điều tôi cần nghe.

Phép lạ của sự tha thứ cũng xuất hiện bất ngờ tại đan viện. Trong tháng tôi ở Mepkin, có hai biến cố gây phát khùng giữa các cư dân ở đan viện. Đương nhiên, tôi can dự vào một trong số này. Một trong các đan sĩ gợi ý rằng tôi đã không rửa tảng nấm đúng cách, và vì tôi hoàn hảo về mọi mặt - không nói là cứng cổ - tôi đã bác bỏ lời vị này. Tôi cảm thấy vô cùng ngượng ngùng khi đan sĩ ở phía bên kia cuộc bất trắc này tìm tôi để xin lỗi trong vòng nửa giờ. Nếu bạn muốn biết các đan sĩ tìm cách sống hòa bình trong cộng đồng như thế nào, ngày này qua ngày khác, thì đó là câu trả lời cho bạn.

Tôi đã đến Đan viện Mepkin với ba mục tiêu: cải thiện việc thực hành cầu nguyện của tôi; trải nghiệm một cuộc dìm mình trọn vẹn vào cuộc sống hàng ngày của một đan sĩ; và bắt đầu biện phân về giai đoạn tiếp theo của cuộc đời tôi. Cuối cùng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong cả ba mục tiêu đó trong tháng của tôi ở Mepkin đến nỗi tôi tự hỏi liệu tôi có nên làm thêm ba tháng hay 10 tháng nữa không.

May mắn thay, sẽ có thì giờ cho điều đó, vì các đan sĩ mời bất cứ ai đã hoàn tất chương trình kéo dài một tháng này trở lại đan viện bất cứ lúc nào để ở lại một thời gian ngắn hơn. Đó chính là điều tôi muốn: nhiều cơ hội hơn để làm một đan sĩ.

Phóng dịch bài “Why a happily married father of six became a monk (for a month)” của Stephen B. Grant, đăng trên tạp chí America, số 7/6/2019