Lễ Chúa Ba Ngôi

Chỉ một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại có Ba Ngôi phân biệt rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi phân biệt, tách biệt, khác biệt đến nỗi không hề lẫn lộn, không bao giờ hòa trộn, nhưng lại chỉ là một Chúa. Làm sao giải thích? Hình như càng giải thích càng khó hiểu (?)!

Nhưng dẫu cho cố gắng của ta có khó khăn đến đâu đi nữa, dẫu cho mầu nhiện Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn chỉ là một huyền nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp, suy nghĩ non nớt của ta, thì không phải vì thế mà ta không thể biết gì về mầu nhiệm cao cả và là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo.

Trong những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu rất nhiều lần tỏ bày mầu nhiệm Thiên Chúa: Người gọi Thiên Chúa là Cha của mình, nhưng đồng thời Người cũng cho biết: "Ta và Cha Ta là một".
Khi mạc khải Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu cho thấy Thánh Thần là tình yêu, là quyền năng của Thiên Chúa, là mối hiệp thông, là sự sống và sức sống... giữa Cha và Con.

Dựa trên mạc khải của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rằng:

Nơi Chúa Giêsu, Đấng hóa thân làm người, ta nhận ra Thiên Chúa cụ thể hơn, dễ hiểu hơn. Thiên Chúa tỏ mình nơi khuôn mặt của Chúa Giêsu là Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu, tha thứ, Thiên Chúa đau khổ vì tội lỗi nhân loại, đau khổ vì nhân loại đau khổ...

Đặc biệt, khuôn mặt đầy lòng thương xót, vị tha của Thiên Chúa được khắc sâu nơi khuôn mặt thập giá của Chúa Giêsu. Cũng chính nơi thập giá, Chúa Giêsu khắc sâu khuôn mặt quằn quại, đau khổ của nhân loại một cách tuyệt hảo.

Trên hết mọi sự, Thiên Chúa tỏ mình là Thiên Chúa cứu độ, để trong tất cả mọi hành động, mọi lời mạc khải đều nhằm cứu độ con người.

Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa là Cha chúng ta. Và ngược lại, Người nhận ta làm con của Người. Nhưng ta chỉ là Con Thiên Chúa trong tương quan với Người Con Một duy nhất là chính Chúa Giêsu. Tách rời Người Con Một này khỏi đời mình, ta sẽ đánh mất Thiên Chúa, mất ơn nghĩa mà qua Người Con, Thiên Chúa ban cho ta. Nói tóm lại, chúng ta là những người con trong Người Con (filii in Filio).

Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa cho ta biết Thánh Thần của Người. Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần là "Đấng Bảo Trợ" từ nơi Chúa Cha cho các môn đệ (Ga 14, 26).

Sau khi sống lại, Người hiện ra nhiều lần, và thổi hơi ban Thánh Thần, trao nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ (Ga 20, 22).

Và trong ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện đến trên các môn đệ, biến các ông từ những kẻ nhút nhát, trở nên những người mạnh dạn loan báo Tin Mừng.

Đối diện với Thiên Chúa, con người quá bé bỏng. Mầu nhiệm về Thiên Chúa như một bầu trời mênh mông, trí tuệ con người như một cánh chim tung mình trong mênh mông ấy. Cánh chim không thể che phủ cả bầu trời. Nếu muốn che phủ bầu trời, cánh chim phải lớn bằng cả bầu trời. Điều này không thể tưởng tượng.

Thiên Chúa là huyền nhiệm. Nơi Thiên Chúa thật là khó hiểu. Trí tuệ con người không thể hiểu tường tận mọi mạc khải về Thiên Chúa. Muốn hiểu Thiên Chúa cách tường tận, trí tuệ phải bằng Thiên Chúa, điều này không thể tưởng tượng.

Tuy nhiên, nhờ mạc khải, ta nhận ra rằng, Thiên Chúa nơi từng Ngôi một: là Chúa Cha, là Chúa Con, là Chúa Thánh Thần. Ta cũng nhận ra Thiên Chúa duy nhất "không phải trong một Ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể" (Lời Tiền Tụng lễ Chúa Ba Ngôi): Cha-Con-Thánh Thần.

Con đã từng đến trong trần gian. Mọi hoạt động nhằm cứu độ trần gian đều có Cha và Thánh Thần cùng hiện diện và hoạt động nơi Con.