Là một “đoàn dân đang lữ hành”, lại được xây dựng và cùng xác tín vào một chân lý cao sâu và khó hiểu – THIÊN CHÚA BA NGÔI, nhưng, tạ ơn Chúa, niềm tin của dân Chúa vào tín điều nầy suốt hai mươi thế kỷ qua vẫn trước sau như một.

Kể từ khi được Đức Kitô mặc khải qua trích đoạn duy nhất và rất ngắn của Tin Mừng Matthêu : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19), công thức tuyên xưng Ba Ngôi sau đó được Hội Thánh ban đầu cô đọng thành một lời chào chúc như ta gặp trong thư thứ 2 của Thánh Phaolô gởi cộng đoàn Corintô và được Phụng vụ của Hội Thánh lấy lại làm lời chào đầu lễ : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13); và rồi, niềm tin vào chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi Vị vẫn xuyên suốt, tín trung, được thể hiện và đúc kết với hai bản Tuyên Xưng đức tin được gọi là Hai Kinh Tin Kính : Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinopoli.

Chính những lời tuyên xưng đầy đủ về Ba Ngôi trong hai “tín biểu” đặc trưng nầy, khi được diễn dịch và cô đọng trong nhịp sống đạo đời thường của người Kitô hữu đã trở thành những lời kinh cầu nguyện quen thuộc : “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, “Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng, con lại tin thật có một Đức Chúa Trời mà Người có Baq Ngôi…” ; hay một lời tuyên xưng kèm với hình Thánh Giá được vẽ trên người mà bất cử người Kitô hữu lớn bé trẻ già nào cùng có thể làm thành thạo, đôi khi trở nên công thức, thói quen : “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên : dầu cho Thánh Kinh và Thánh Truyền có lên tiếng thế nào đi nữa, dầu cho mặc khải của Thiên Chúa có tích cực và rõ nét đến mấy, thì điều khẳng quyết của nhân loại vẫn là : Thiên Chúa luôn là một Huyền Nhiệm trên mọi huyền nhiệm, một ẩn số của mọi ẩn số. Quả thật, cho đến mãi hôm nay, “tờ lý lịch của Thiên Chúa” vẫn còn “dang dở” để con người mò mẩm tiếp cận trong “băn khoăn thao thức tới khi nào được an nghỉ trong Chúa” (St. Augustinô)…

Nhờ ánh sang mặc khải của chính Thiên Chúa, nhất là nhờ Đức Kitô, Đấng nói lời sau cùng và dứt khoát về huyền nhiệm Thiên Chúa cho con người, chúng ta thử chiêm ngưỡng lại dung mạo của Thiên Chúa Ba Ngôi được chuyển tải qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay.

Qua ba trích đoạn Lời Chúa của Lễ Ba Ngôi chu kỳ năm C nầy, gần như chúng ta được mời gọi suy tư, cầu nguyện và chiêm ngưỡng chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi qua cách diễn đạt của Thánh Phaolô : TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA CHA, ÂN SỦNG CỦA CHÚA CON VÀ ƠN THÔNG HIỆP CỦA CHÚA THÁNH THẦN.

1. Thiên Chúa Ba Ngôi : Thiên Chúa của Tình Yêu.

Trích đoạn sách Châm Ngôn hôm nay đã phần nào vẽ lên dung mạo của một Ngôi Vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi khi nhắc tới tên gọi Đức Khôn Ngoan mà sự hiện hữu của Ngài là cội nguồn cho mọi công trình sáng tạo : “Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có các mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra…”.

Những lời nầy lại đưa chúng ta đến một khẳng định về ngồn gốc của Ngôi Hai (hay Ngôi Lời) trong bài tựa ngôn của Thánh Gioan : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì không có gì được tạo thành.” (Ga 1,1-3)

Vâng, tin vào một Chúa Ba Ngôi có nghĩa là tin vào một Đấng Tạo Hóa, một Thiên Chúa dựng nên ta, một Tình yêu vĩ đại đã tác tạo ta thành người, đã cứu độ ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗi khi “ban Con Một cho chúng ta”, và là Đấng đang dẫn dắt lịch sử và mỗi cuộc đời chúng ta trong sự Quan phòng đầy tình yêu, qua sự hiện diện của Chúa Con và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Sáng tạo, Cứu độ, Thánh hoá là công trình TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI.

Và như thế, tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là :

- Tin vào một Chúa Cha có thể cảm thông sự yếu hèn của phận người để khoan dung tha thứ, là tin rằng : “Cha chúng con ở trên trời sẵn sàng ban cho lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con”, một Thiên Chúa Cha “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập”, một Thiên Chúa Cha quan phòng chăm sóc từng con chim sẻ trên cây, từng cây huệ ngoài đồng, một Chúa Cha trong hình ảnh “Người Cha già nhớ thương đứa con trai hoang đàng, chiều chiều ra ngõ vắng đón đợi…

- Tin vào một Chúa Con, Đấng được chính Chúa Cha yêu thương ban tặng (Ga 3,16), và là Đấng ai “thấy Ngài là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9-11), sẵn sàng biết chia sẻ và cho đi, sẵn sàng trở nên nghèo hèn và yếu đuối, sẵn sàng bị đóng đinh để chết vì yêu thương, là Chúa Con trong hình ảnh “Vị Mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lạc.”

- Tin và một Đấng Bảo Trợ đến từ Chúa Cha qua Chúa Con để làm chứng trọn hảo về tình yêu và sự thật về Thiên Chúa. (Ga 15,26).

2. Thiên Chúa Ba Ngôi : Thiên Chúa của Ân sủng.

Nhưng tình yêu mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta lại không chỉ là một “xúc cảm thuần tuý tinh thần”, một “biểu lộ nghĩa cử thân tình của tương quan liên vị”, mà là một “tác động của ân sủng” qua Đức Giêsu Kitô : ân sủng được chia sẻ thân phận dưỡng tử (Sáng tạo), ân sủng được nhận biết Thiên Chúa (Mặc khải), ân sủng được giải thoát để sống vĩnh hằng (Cứu độ), và ân sủng được tác thánh để kết hợp với nhau và với Thiên Chúa (Thánh hoá).

Vì thế tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là :

- Tin vào Thiên Chúa Con, là “Ngôi Lời nhập thể”, là “Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), và là Đấng mà chỉ qua Ngài, Thiên Chúa ban đầy tràn ân sủng cho chúng ta : “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17).

- Tin vào Chúa Thánh Thần mà Thư Rôma trong BĐ 2 hôm nay đã ân cần nhắc bảo chúng ta rằng : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”, một Thiên Chúa Thánh Thần là nguồn mạch chân lý mà Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay đã khẳng quyết : “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).

3. Thiên Chúa Ba Ngôi : Thiên Chúa của Hiệp thông.

Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng chính lời mặc khải quan trọng của Chúa Giêsu vào thời khắc quan trọng của chính cuộc đời trần thế của Ngài lại là chân lý về sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa : “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,13-15)

Quả thật, danh hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi luôn gợi lên hình ảnh một cộng đoàn, một gia đình. Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa : Cha, Con, Thánh Thần. Mà không phải chỉ gợi lên, đó chính là căn tính, là bản chất của sự sống bên trong Thiên Chúa. Bởi vì, nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì Thiên Chúa phải là sự hiệp nhất. Tình yêu luôn đòi sự nối kết. Và Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sự nối kết tuyệt vời nhất, cao sâu nhất, bền vững nhất. Đức Kitô đã bộc lộ sự hiệp nhất đặc biệt nầy trong “lời nguyện tế hiến” nơi bữa tiệc ly trước khi đi vào cuộc khổ nạn : “Xin Cha cho chúng được nên một như chúng ta là một”. (Ga 17,20-23).

Chúng ta vừa toát lược lại vài điểm gợi ý của Bàn Tiệc Lời Chúa hôm nay để suy niệm mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và củng cố niềm xác tin nầy trong cuộc sống đời thường.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có được niềm tin như thế. Rất nhiều khi, chúng ta bị cám dỗ rơi vào một khoảng hồ nghi mà ở đó, Chúa như trốn biệt đâu mất. Cũng có khối người, với não trạng thực dụng và duy vật, cứ đòi cho bằng được phải chứng minh cụ thể, phải chứng nghiệm rõ ràng bằng mắt thấy tai nghe tay rờ được thì mới chấp nhận, mới tin sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đó là một thách thức điên rồ mà một số không nhỏ nhân loại muôn nơi muôn thuở vẫn đặt ra trước huyền nhiệm thẳm sâu về Thiên Chúa.

Tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính là sống yêu thương như Thiên Chúa, là mở lòng đón nhận ân sủng Chúa mỗi ngày và nỗ lực sống tình hiệp nhất theo “mô hình gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Cho dù niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn luôn là một thách đố “băn khoăn và thao thức”, ước gì mỗi một gia đình Kitô hữu, mỗi cộng đoàn Kitô hữu, luôn là phản ảnh sống động dung mạo của Ba Ngôi Thiên Chúa; tất cả cùng sống hiệp nhất với nhau trong Thiên Chúa, và nhờ tình yêu Thiên Chúa thánh hóa và thăng tiến mỗi ngày để ân sủng làm cho “sống và sống phong phú” cuộc sống của những người thuộc “Đại gia đinh Thiên Chúa”.

Chính trong ý nghĩa và niềm ước vọng đó, chúng ta hãy mượn mấy câu cuối trong lời nguyện của cha Nguyễn Cao Siêu để thân thưa cùng Thiên Chúa Ba Ngôi :

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới….Amen.

Trương Đình Hiền