Chúa Nhật XV Thường Niên C

Ngày Chúa Nhật 10/07/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô có bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin cho những tín hữu đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói: Chúng ta đừng hỏi người khác: “Ai là người thân cận của tôi ?”, nhưng hãy tự hỏi chính bản thân mình: “Tôi là người thân cận của ai ?”, khi đó Chúa Giêsu sẽ trả lời cho chúng ta: “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy”, tức là hãy thực thi lòng thương xót đối với những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, bằng hành động cụ thể chứ không chỉ bằng những lời nói suông; vì chưng,“bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn mới thật là bạn”.

Vào ngày thứ Hai 09/10/2017, trong bài giảng Lễ sáng tại Nguyện Đường Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô suy tư về thái độ của nhiều nhân vật trong dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu”.

Vị tư tế vốn là “một người của Thiên Chúa”, Thầy Lêvi một người “gần gũi với lề luật”, tất cả những người này đã đi qua người bị thương đang dở sống dở chết. Đức Giáo Hoàng nói đây là một thói quen rất phổ biến ở nơi chúng ta. Chúng ta thấy một thảm họa tồi tệ và đi qua và sau đó đọc tin về nó, đau đớn với một chút “cớ vấp phạp và tình cảm”, trong các tờ báo.

Người Samari, một người dân ngoại “đã thấy và đã không đi qua”, “ông chạnh lòng thương”. Làm cho người bị thương thành người thân cận của mình, người Samari đã đến gần nạn nhân, đã băng bó vết thương cho người ấy và đổ dầu và rượu vào vết thương. Ông đã mang theo người bị thương trên con lừa của mình đến quán trọ, rồi trả tiền cho chủ quán trọ để chăm sóc người bị thương và hứa sẽ trả thêm khoản phí thêm khi ông trở lại.

Đức Giáo Hoàng nói: Đây là mầu nhiệm về Đức Kitô là Đấng đã trở nên tôi tớ, khiêm nhường và tự hạ, chính Ngài và chết vì chúng ta. Chúa Giêsu là Người Samari Nhân Hậu, là Đấng đã mời gọi vị tiến sĩ luật hãy làm như vậy. Dụ ngôn cho thấy chiều sâu và chiều rộng của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là câu chuyện đẹp về tình yêu thương. Người Samari nhân hậu đã sống đức yêu thương cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn: một người ở Giêrusalem xuống Giêricô, giữa đường bị bọn cướp trấn lột, đánh cho nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Thầy Tư Tế đi qua, thấy vậy liền lãng tránh. Thầy Lêvi đi tới cũng chẳng ngó ngàng, bỏ mặc nạn nhân. Họ “tránh qua” một bên để đi, thật lạnh lùng, thờ ơ!

Một người ngoại đạo Samari đi ngang, thấy người lâm nạn, chạnh lòng thương liền băng bó, đặt lên lưng lừa đưa về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả hết mọi phí tổn. Người Samari “tới gần” nạn nhân nửa sống nửa chết. Ông “chạnh lòng thương” nên đã đi vào nếm cảm cảnh khốn cùng “bị tước đoạt, bị cướp bóc” như nạn nhân; chạnh lòng thương là cùng đớn đau nỗi khổ ải bất lực “nửa sống nửa chết” của người ấy. Đây chính là điều bất ngờ và làm thành ý nghĩa độc đáo của dụ ngôn.

Thầy Tư Tế, Thầy Lêvi chẳng những là người trong đạo mà còn hơn nữa họ còn là kẻ rao giảng về đạo. Họ ở trong đạo nhưng không sống đạo. Người Samari, kẻ sống đạo lại là người không có đạo.

Như thế kẻ vác đỡ thập giá cho Chúa trên con đường dài với những bước chân xiêu té cuối đời là người ngoại đạo. Kẻ tỏ lòng biết ơn khi được Chúa chữa lành là người ngoại đạo. Kẻ thể hiện lòng bác ái xót thương không phải là Tư Tế, là Lêvi, các chức sắc trong đạo mà là người Samari, người ngoại đạo.

Khi băn khoăn tự hỏi: thế nào là người bên ngoài, thế nào là người bên trong? Thế nào là có đạo, thế nào ngoại đạo?, tôi thấy trong Phúc Âm có lần Chúa Giêsu nói: Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ từ Phương Đông, Phương Tây mà đến và được dự tiệc với Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời, còn chính con dân trong nước lại sẽ bị đuổi ra ngoài tối tăm.

Vậy thì có một khoảng cách rất lớn giữa hiểu biết về đạo và sống đạo. Đạo thì mênh mông vô bờ bến như đất trời, làm sao có thể đem đạo vào một định nghĩa chật hẹp được? Làm sao có thể nhốt đạo vào nhà thờ? Làm sao vẽ chân dung đạo bằng tờ giấy rửa tội được? Bởi lẽ “Đạo khả đạo phi thường Đạo” ( Lão Tử).

Hiểu biết về đạo được thể hiện qua đời sống đạo. Có người nói rằng: tôi tin đạo chứ tôi không tin người có đạo. Đạo thì tốt, nhưng nhiều người có đạo lại xấu. Có nhiều người ngoại đạo lại tốt hơn người có đạo. Họ nói như thế vì họ thấy nhiều người có đạo mà lại không sống đạo của mình. Quả thật, con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay. Giữa suy nghĩ, lời nói và việc làm, giữa hiểu biết và cuộc sống có một khoảng cách thật lớn.

Đức Khổng Tử đã nói chí lý: Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. Nghĩa là: đạo không xa cái bản tính của người ta, nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của người ta thì không phải là đạo.

Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Thiên Chúa làm người, rất gần gũi với con người. Vì con người là con đường của Giáo hội (Thánh Gioan Phaolô II). Người Đông Phương lấy chữ nhân mà định nghĩa con người: nhân là người, nhân là nhân ái là lòng thương người. Ai không biết thương người khác là kẻ không xứng danh là người. Nhân bản và nhân ái có quan hệ mật thiết với nhau.

Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể, tôi thấy rằng, cái khác biệt sâu xa giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đó là: một bên là đạo của tình yêu, một bên là đạo của lề luật. Tư Tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước. Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu. Những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Thấy người bị nạn, người Samari tốt lành đã động lòng xót thương. Lương tâm và tình thương đồng loại thúc đẩy anh cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn bất chấp nạn nhân là người Do Thái thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc của anh. Cung cách hành xử đầy tình thương này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Nhìn từ lăng kính luật pháp Do thái, hai ông Tư Tế và Lêvi đã không sai. Luật Cựu Ước dạy rằng, Tư Tế không được đụng vào thây người chết vì sợ bị ô uế. Nếu ô uế thì không được phục vụ trong đền thờ. Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có thể chết. Hai người Tư Tế và Lêvi không dám chạm đến người có thể chết. Họ lựa chọn lề luật. Sách luật (Lv 21) ghi rõ điều khoản luật này khi nhắc đến Tư Tế và người chết. Người Samari lựa chọn bác ái. Ông không ngại chạm đến người dở sống dở chết này. Ông chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân như người thân và đã vượt quá giới hạn lề luật để sống theo bác ái. Khi phải lựa chọn giữa lề luật và bác ái, người nhân hậu lựa chọn bác ái dù biết các ràng buộc của lề luật. Người ấy không bỏ qua lề luật, không đả phá lề luật nhưng vượt trên lề luật nên đã làm trọn lề luật.

Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Ai là người thân cận của nạn nhân đã sa vào tay kẻ cướp?”. Người ấy đáp: “Người đã đem lòng từ bi thương nạn nhân”. Chúa Giêsu đã khéo léo lái vấn đề từ câu hỏi người thông luật: ai là người thân cận của tôi? sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: tôi là người thân cận của ai? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải đi từ cuộc sống cụ thể của mình. Khi tôi đến gần ai để phục vụ với tình yêu thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy thành người thân cận với tôi. Ai cũng có thể trở thành người thân cận của tôi nếu tôi yêu thương họ bằng tình yêu mà Chúa đã thương yêu tôi. Chúa Giêsu nói với người thông luật: “Ông hãy đi và hãy làm như vậy”. Ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.

Tiêu chuẩn để đánh giá một tôn giáo đích thực: lòng xót thương dành cho người thân cận. Tiêu chuẩn này đảo lộn lối suy nghĩ “tránh xa”. Bởi vì khi “tránh xa” con người, thì cùng lúc cũng “tránh xa” Thiên Chúa. Hóa ra, các Lêvi và Tư tế chỉ thực thi Lề Luật theo mặt chữ, tức là chỉ dừng lại ở những gì quy định của Lề Luật chứ chưa đi tới hồn của Lề Luật; họ chưa gặp gỡ Tác Giả của Lề Luật, Đấng “chạnh lòng thương”. Cách thực hành đạo như thế có nguy cơ đóng Thiên Chúa vào trong khung chật hẹp suy nghĩ của con người. Để phá tan cơn cám dỗ muốn mọi thứ phải được hệ thống hóa, kể cả Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã ví mình như người Samari. Chúa Giêsu cũng ví mình như người thân cận, Đấng chạnh lòng thương tới gần con người, khi con người bị tước đoạt đến độ “dở sống dở chết” và Ngài mời gọi chúng ta “Hãy đi và cũng hãy làm” cho mình trở thành người thân cận của Thiên Chúa và con người.

Càng hiểu biết về đạo càng phải sống đạo. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy”. Đạo của Thầy Giêsu là Đạo Tình Yêu. Yêu Chúa, Yêu Người là hai mặt của một tình yêu duy nhất. Yêu Chúa đích thực thì phải yêu người. Thánh Gioan viết: “Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối”. Đối với Thánh Phaolô: “Yêu thương là giữ trọn lề luật”. Lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu mà cho người không có tình yêu. Nếu không có tình yêu thì việc làm theo lề luật có tốt đến đâu cũng vô giá trị: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Augustinô khuyên nhủ: cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho biết ta phải làm gì.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con rằng: “không phải những người cứ kêu lên Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha mới được vào mà thôi”. Xin cho Lời ấy in vào lòng trí giúp chúng con luôn biết thể hiện trong đời sống đạo hàng ngày. Amen.