Nền văn hóa kỹ thuật số đang mang tới những thay đổi lớn lao, ảnh hưởng tới tâm lý con người thời nay. Các nhà tâm lý, vì thế, đã dành nhiều thì giờ nghiên cứu các đặc điểm nổi bật trong tác phong của con người hiện thời.

Cơn giận thả nổi tự do



Một trong các đặc điểm nổi bật ấy được tiến sĩ Joseph Burgo nghiên cứu (https://www.psychologytoday.com/au/blog/shame/201903/free-floating-rage) và được ông gọi là cơn giận thả nổi tự do (free-floating rage).

Theo ông, trong thập niên 1970, nhà sử học Christopher Lasch đã đưa ra thuật ngữ lừng danh “nền văn hóa tự yêu mình thái quá” ("culture of narcissism") và gợi ý rằng xã hội Mỹ hiện thời đang mắc một loại xáo trộn nhân cách tập thể mà bản chất là tự yêu mình thái quá. Khi trình bầy các điển hình chuyên biệt để minh họa các đặc điểm nhân cách được ông coi là bàng bạc, ông dùng chúng để xác định các xu hướng xã hội bao quát chứ không hẳn chẩn đoán từng cá nhân; ông tập chú nhiều hơn vào các trục trặc tâm lý ở bình diện vĩ mô.

Tiến sĩ Burgo tin rằng thời kỳ chúng ta hiện nay mắc một chứng xáo trộn nhân cách khác, một chứng có một số đặc điểm chung với xáo trộn nhân cách quá tự yêu mình (NDP) và cũng thuộc Cụm B (các loại nhân cách bi thảm và thất thường). Đặc tính quy mô của xáo trộn nhân cách quá tự yêu mình cũng xuất hiện trong xáo trộn nhân cách bên lề (BDP=Borderline Personality Disorder) (1), tuy trong các hình thức bất ổn và dao động. Do đặc điểm quá mê mải với chính mình, người mắc hai loại xáo trộn này thiếu tương cảm (empathy) đối với người khác và khó duy trì được các mối liên hệ lâu dài. Cả hai loại xáo trộn đều được sử dụng do nhu cầu xây dựng và nâng đỡ cảm thức cho mình là đáng giá.

Những người đàn ông và đàn bà mắc xáo trộn nhân cách bên lề cũng gặp khó khăn trong việc điều hòa các xúc cảm của họ. Họ có những cơn thay đổi tính khí đầy bạo động và nhanh chóng chuyển dịch từ việc thần tượng hóa qua khinh ghét người khác trong cuộc đời của họ.
Khi “bị nổ cò” (khích động), họ thường nổi giận và tấn công cả người bàng quan. Họ phản ứng một cách bốc đồng không xem xét gì tới các hậu quả của tác phong họ hay hệ quả đối với người khác. Họ lợi dụng bạn bè và người yêu để chống đỡ cảm thức mong manh về cái tôi của họ, và khi họ cảm thấy bị bỏ rơi hay thương tích, họ dễ dàng quay sang người khác để trả thù.

Các đặc điểm trên mô tả phần lớn tác phong khắp các phương tiện truyền thông xã hội, quảng trường hiện đại của chúng ta nơi người thuộc mọi tầng lớp xã hội gặp nhau và tương tác với nhau mà thực sự không hề biết nhau. Bất cứ ai viết lách ngày nay cho một trang mạng bận rộn, hay sử dụng Facebook hoặc Instagram để bình luận văn hóa hay chính trị, hoặc trình bầy ý kiến trên Twitter cho thế giới nói chung có nguy cơ gặp những phản ứng điên dại, những cuộc tấn công hạ phẩm giá, thiếu hẳn bất cứ cảm thức tương cảm hoặc tôn trọng nào, và cái kinh nghiệm hết sức bất ổn chuyển dịch như bay từ bệ thờ xuống bãi rác. Khi bị khích động, độc giả từng ca ngợi bài viết hoặc “tweet” mới nhất của bạn có thể bỗng nhiên chửi các bài viết của bạn như chửi chó.

Tiến sĩ Burgo không hẳn là người đầu tiên nhận thấy các bất bình, khinh thị chính đáng, nhưng trên hết là cơn giận không kiềm chế thống trị trên Liên Mạng. Đôi khi, lời bình luận công khai đầy giận dữ bề ngoài xem ra có căn bản hợp pháp, dù cường độ của nó không thích đáng. Đôi khi phản ứng xem ra chỉ có tính sát sát bên ngoài (tangential). Và trong khá nhiều dịp, độc giả tiếp nhận các ý kiến của tác giả một cách như nhắm vào bản thân mình không vì những lý do hiển nhiên, như thể họ cảm thấy bị nhục mạ hay tổn thương sâu xa. Bất cứ khi nào họ cảm thấy như thế, thì hiển nhiên họ sẽ giơ nanh vuốt ra; tác giả thì thấy mình bị moi ruột.

Loại phản ứng ấy thông thường đến nỗi bạn dám kết luận rằng phần lớn người ta ở ngoài kia thực sự đang tìm một điều gì đó để nổi giận, chỉ chờ một cái cớ là nổi khí đùng đùng trút cơn tức giận họ sẵn mang theo trong người. Các nhà trị liệu từng làm việc với những người mắc xáo trộn nhân cách bên lề biết rõ họ đang đối diện với một trái bom nổ chậm ra sao, tức một khách hàng theo dõi từng lòi bạn nói để tìm sơ hở, chỉ chờ bạn mắc một “sai lầm” là họ nổ bùng. Chính vì thế, tiến sĩ Burgo gọi nền văn hóa hiện nay là Nền Văn Hóa Bên Lề (Borderline Culture). Hàng triệu người lục lọi các tuyên bố trên các phương tiện truyền thông xã hội để tìm một điều gì đó có thể biện minh cho trận núi lửa giận dữ phun lên, lúc đó vốn đang được tích tụ trong lòng họ.

Có nhà trị liệu gọi đó là “cơn giận đang đi tìm lý do”. Tiến sĩ Burgo thì gọi nó là cơn giận thả nổi tự do (free-floating rage) vì nó gợi ta nhớ đến ý niệm xao xuyến thả nổi tự do (free-floating anxiety). Thuở đầu ngành phân tâm học, Freud vốn mô tả các khách hàng bị làm khổ vì các cảm quan xao xuyến liên tục, nhưng khó xác định mà đôi khi được gắn chặt với một ý tưởng hay đồ vật chuyên biệt, như thể những người đàn ông và đàn bà này đang đi tìm một điều gí đó để giải thích sự kinh hãi bàng bạc của họ. Tương tự như thế, hàng triệu người trong Nền Văn Hóa Bên Lề, bị áp lực bởi cơn giận họ luôn mang theo, đi tìm một điều gì đó để giải thích, làm cho các tâm tư của họ trở thành có nghĩa, rồi tìm nhẹ nhõm giải thoát bằng cách cho nó nổ tung trong một không gian tương đối an toàn (hay nặc danh).

Các thí dụ thông thường đến nỗi phần lớn độc giả hiểu ngay tiến sĩ Burgo muốn nói gì. Những chuyện bất lịch thiệp phổ biến và quá trớn của nền văn hóa nhục mạ (call-out culture) đã dẫn nhiều nhà quan sát kết luận rằng Hoa Kỳ có vấn nạn giận dữ. Theo một cuộc nghiên cứu (https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2015/04/08/nearly-1-in-10-americans-have-severe-anger-issues-and-access-to-guns/?noredirect=on&utm_term=.0abab35d3de4), gần 1 trong 10 người Mỹ vừa có vấn đề bừng giận lẫn sử dụng súng, nhưng phần đông chúng ta sử dụng Twitter, Facebook, và Instagram. Nếu lời nói có thể giết người, thì các phương tiện truyền thông xã hội quả đầy xác chết. Vì những cơn giận không kiềm chế này, một số người viết tránh đọc các nhận xét đối với các bài họ viết. Quả đau lòng khi bị tấn kích, chế giễu, và hạ nhục bởi những người xa lạ.

Tiến sĩ Burgo không có ý nói tất cả những ai phản ứng kiểu trên đều mắc chứng xáo trộn nhân cách bên lề, dù một số chắc chắn mắc. Ông chỉ nói đến hiện tượng này trên bình diện vĩ mô, nơi diễn từ công cộng trong nền văn hóa của chúng ta trình bầy một cách vũ bão nhiều đặc điểm và phong thái truyền thông cho thấy sự xáo trộn nhân cách. Giống Lasch, ông tin rằng nền văn hóa Mỹ hiện thời đang hiện thân cho một chứng bệnh tâm lý bàng bạc, với những đặc điểm xuất hiện khắp các môi trường xã hội và chính trị. Cơn giận đùng đùng và tính khí cuồng bạo diễn ra hàng ngày. Các nhận định thù ghét được mặc tình phun ra và công bố mà không hề nghĩ tới các hậu quả. Hàng triệu người cộng tác nằng nặc đòi thế thượng phong cho các quan điểm của riêng họ, tô bóng mình mà gây hại cho những người không biết mặt mũi bị họ ghét bỏ. Lòng tương cảm quả không thấy đâu.

Vì nỗi nhục (shame) sâu xa nằm ở tâm điểm xáo trộn nhân cách bên lề , tiến sĩ Burgo tin rằng tủi nhục đóng một vai trò lớn trong Nền Văn Hóa Bên Lề. Người ta nói tới nỗi tủi nhục phổ biến phát xuất từ việc mất kết nối, cảm thấy bất lực và bị xã hội đánh giá thấp. Nỗi tủi nhục cảm thấy bị bỏ lại phía sau khi sự giầu có được tích lũy ở thượng tầng. Nỗi tủi nhục mất việc, ghiền ma túy, và gia đình tan vỡ. Nỗi tủi nhục cảm thấy bị la mắng bởi những người đứng bên kia đường phân ranh chính trị. Nỗi tủi nhục tế vi gợi hứng bởi các mô tả của các phương tiện truyền thông về các cuộc đời bề ngoài hạnh phúc hơn, tích cực về xã hội hơn và nhiều tưởng thưởng hơn chúng ta. Nỗi tủi nhục cảm thấy “kém hơn” và cô đơn.

Các hữu thể nhân bản có nhu cầu bẩm sinh cần thuộc về, được mã hóa trong các gien (genes) của chúng ta, và chúng ta cảm thấy tủi nhục mỗi khi thấy mình bị loại trừ hoặc ở bên ngoài một nhóm quan trọng đối với chúng ta. Vì dịch bệnh cô đơn đang ảnh hưởng đến đất nước chúng ta, nơi hàng triệu người sống đời họ trong sự cô lập, ít có hoặc không có tình bạn ở bất cứ chiều sâu nào và không có mối liên kết có ý nghĩa với người khác, sự tủi nhục lan rộng và sâu sắc dường như là điều không thể tránh khỏi. Những người bị thiệt thòi ở khắp mọi nơi đang phải lao đao với giá trị bản thân thấp kém và cảm giác trống rỗng mãn tính về chính mình - chính là cách những người đang lao đao với xáo trộn nhân cách bên lề cảm thấy tận cốt lõi của họ.

Cơn thịnh nộ và phóng chiếu cung cấp một giải thoát nào đó. Như đã thảo luận trong một bài trước, sự phẫn nộ chính đáng thường khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn về chính bản thân mình. Sự tức giận hỗ trợ một cảm giác thượng phong và tạo điều kiện cho việc phóng chiếu (projection) sự tủi nhục không được nhìn nhận lên những người khác thấp kém hơn. Sự khinh miệt giúp quá trình diễn tiến, khiến lòng tương cảm biến mất. Tiến sĩ Burgo thú thực rằng trong phòng tư vấn của ông, ông thấy mình bị tấn công một cách độc ác nhất bởi những khách hàng đang lao đao với Xáo trộn Nhân cách Bên lề và điều này được cảm nhận không khác gì nhiều bình luận ông đã nhận được mỗi lần ông viết về những vấn đề nhạy cảm. Ông đã bị đối xử khinh miệt, bị gọi bằng đủ thứ tên tồi tệ và bị hoài nghi về lòng chính trực... Ông bị người ta cho hay là người xấu chỉ vì có những ý kiến sai; người la mắng ông, tất nhiên, là người giác ngộ và trổi vượt hơn ông.

Ông không đòi địa vị nạn nhân đặc biệt nào ở đây và ông không yêu cầu được thiện cảm. Những cách đối xử như vậy hiện nay cực kỳ thông thường, số phận của bất cứ ai làm nhiều hơn là chỉ “đưa ngón tay cái lên” đối với một bài đăng an ủi nào đó hoặc gửi ảnh thú vật cưng yêu lên Instagram. Những điều qua tiếng lại đầy ghen ghét, phẫn nộ và khinh miệt hiện rất phổ biến trong vũ trụ các phương tiện truyền thông xã hội bất cứ khi nào ai đó gióng lên một ý kiến dù chỉ có tính tranh cãi nhẹ nhàng thôi. Mỗi ngày trong Nền Văn hóa Bên lề, cơn thịnh nộ thả nổi tự do đều tìm được nhiều lý do để tự giải thích.

Đâu là biện pháp khắc phục? Các nhà lãnh đạo tư tưởng như David Brooks khuyên nên rèn giũa một cảm thức tham gia cộng đồng và bản thân mạnh mẽ hơn trên bình diện địa phương. Marla Estes và cộng tác viên của cô, Rob Schlapfer, đã xây dựng nhiều cây cầu giữa các chia rẽ chính trị để giảm bớt các hiểu lầm và các miêu tả giễu cợt về người khác, nhằm đưa mọi người đến với nhau để hiểu biết nhau. Và người ta đã bắt đầu một cuộc đàm luận quốc gia về sự cô lập phát xuất từ sự quá gắn kết với điện thoại thông minh và nỗi bất hạnh nó đã gây ra. Tất cả những xu hướng này sẽ giúp nhưng sẽ cần nhiều năm mới mang lại được sự thay đổi.

Như bất cứ ai từng làm việc với các khách hàng đang vật lộn với xáo trộn nhân cách bên lề sẽ nói với bạn, đây là một điều kiện khó khăn, khó chữa. Vì ở tận cốt lõi lòng họ, họ cảm thấy sự tủi nhục không thể nào chịu đựng nổi theo nghĩa đen, nên những người mắc chứng xáo trộn nhân cách bên lề lại quay trở đi trở lại với những thao tác thoát hiểm bốc đồng tương tự: bừng bừng nổi cơn thịnh nộ, với bạn bè và các đối tác quan hệ, xé nát các sợi chỉ kết lên cuộc sống của họ để tìm kiếm một giải thoát tạm thời. Vì sự cô đơn phổ biến và sự thiếu tiêu chuẩn luân lý (anomy) của nền văn hóa hiện đại, đâu có gì lạ khi hàng triệu người tìm được sự giải thoát trên Internet theo cách tương tự?
Tiến sĩ Burgo tin rằng Nền Văn hóa Bên lề sẽ ở với chúng ta trong nhiều năm tới.



Ông nói nhiều đến nền văn hóa Hoa Kỳ và phản ứng của độc giả đối với các bài viết của những người chuyên nghiệp như ông. Nhưng thực ra, những điều ông viết về cơn giận thả nổi tự do hay gặp đâu đánh đó là của chung con người hiên đại khắp mọi nơi trên hành tinh này, kể cả ở Việt Nam, ít nhất từ thời có các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông kỹ thuật số, truyền thông xã hội. Chỉ cần có một blog, một account trên facebook, hay một địa chỉ e-mail (một điều còn dễ hơn ăn cơm) là có quyền muốn chửi, muốn la mắng ai cũng được, dù người ấy mình không hề quen biết.

Kinh nghiệm của bản thân chúng tôi chứng minh điều tiến sĩ nói về cơn giận thả nổi tự do: Nhân dịp chúng tôi góp ý với Cha Đinh Minh Tiên, Dòng Đa Minh, về chuyện Chúa Giêsu khi lên trời từ bỏ nhân tính để chỉ còn duy trì thiên tính, một anh bạn phổ biến bài góp ý này đến một số bạn bè cùng trường ngày xưa thuộc Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt trên group e-mail. Chúng tôi thấy thế xin mọi người góp ý. Liền được một linh mục, cựu học viên cùng trường, nổi đoá giáng cho một e-mail: “Tội lỗi! Tội lỗi! mấy kẻ có ăn, có mặc, có hưỡn, có dư tiền và thời gian, sao hỏng 'thảnh thơi thơ túi rượu bầu’ hỏng biết làm gì, bàn chuyện trên trời. Vui thiệt! Ngứa họng quá à”.
Bản thân chúng tôi không hề biết linh mục này là ai. Hỏi ra mới biết ngài coi một xứ đạo đất thì rộng mà người thì thưa, trình độ hiểu biết của giáo dân không có mấy, nên rất vất vả hướng dẫn họ! Đúng là cái giận nó đã tích tụ trong lòng từ lâu, nay được dịp phun ra nhằm vào một người chưa hề biết mặt bao giờ tuy cùng học một trường nhưng cách nhau đến những 9 khóa! Cơn giận thả nổi tự do.

Cơn giận này rất thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chỉ cần mở lại các e-mail cũ thôi, hẳn độc giả sẽ được đọc lại những cơn giận thả nổi tự do đó, do bè bạn “forward” cho mình nhân những cuộc khủng hoảng như vụ thay người lãnh đạo của tổng giáo phận Hà Nội. Có những người tỏ bày thế thượng phong yêu nước yêu quê hương yêu Giáo Hội của mình bằng cách thóa mạ không tiếc lời những người vì vâng phục thẩm quyền Giáo Hội nên đã gánh vác nhiệm vụ khó khăn dìu dắt một tòa trống ngôi! Làm như chỉ có họ mới yêu nước thương nòi, mới yêu Giáo Hội đúng nghĩa. Họ hơn hẳn những người bị họ coi là giòi bọ!

Tâm thái ấy ngày nay vẫn còn nhan nhản. Viết để phục vụ sự thật thì ít, viết để chứng tỏ mình hiểu biết, khôn ngoan, đạo đức, chính thống hơn người thì nhiều. Âu cũng là hậu quả của một nền văn hóa ai muốn nói gì thì nói ai muốn viết gì thì viết do sự dư thừa các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại tạo ra.
______________________________________________________________________________________________________________
(1) Bên lề tạm dịch chữ “Borderline”. Như đã biết, các bệnh tâm thần có hai loại ‘psychoses’ (rối loạn tâm thần) hay ‘neuroses’ (rối loạn thần kinh). Xáo trộn Nhân Cách Bên lề không thuộc hai loại này, nên các nhà phân tâm học dùng chữ Borderline, một đường ranh tưởng tượng giữa hai nhóm bệnh này.

Kỳ tới: Các niềm vui của bất bình