CN 21C : Cửa hẹp là gì ? và Cửa hẹp không là gì ?

Có một cảnh tương phản ngồ ngộ xảy ra cách đây hơn 30 năm, trong thời kỳ còn bao cấp, là thời kỳ hạn chế du nhập văn hoá từ các nước “tư bản”. Lúc đó người ta cho chiếu bộ phim tình cảm Liên Xô với tựa đề “Cánh cửa mở rộng”. Mua được một chiếc vé đã là gây cấn rồi : nào là chờ chực, xếp hàng, nào là chen lấn, đẩy xô… Nhưng khi có vé rồi mà vào cửa thì cũng không dễ gì ! Tựa phim là “Cánh cửa mở rộng”, nhưng cánh cửa sắt của rạp không chịu mở rộng, mà chỉ hé mở một chút vừa đủ cho một người đi nghiêng qua để kiểm soát vé cho dễ. Quả là một cảnh tượng tương phản thú vị : chen nhau đi vào cửa hẹp để xem “Cánh cửa mở rộng !”

Cách đây nhiều năm lại có cảnh tương phản khác : cả ngàn học sinh chen chúc nhau để mua cho được một bộ đơn xin dự thi vào Đại Học Mở ở đường Võ Văn Tần, Saigon mà không được. Bộ hồ sơ dự thi đã hết. Báo chí đặt tựa đề cho cảnh này là : “Cánh cửa Đại Học Mở đã đóng”.

Vậy thì khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nhà Cha có nhiều chỗ lắm, (chứa bao nhiêu cũng không chật), mà sao hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại nói : Hãy đi qua cửa hẹp mà vào. Phải chăng vì Nước Trời ít chỗ, cần hạn chế : Có một cái tương phản nào đó trong tư tưởng của Chúa chăng ? Chắc chắn ta phải tìm hiểu xem Chúa muốn nói gì qua hình ảnh “Cửa hẹp”. Cửa hẹp là gì ? Và Cửa hẹp không là cửa gì?

1. Cửa hẹp không phải là :

-Nơi bán vé : Trước khi đi vào rạp xem chiếu phim, trước khi vào sân vận động xem đá bóng, trước khi lên xe, người ta thường xếp hàng, thò tay vào một ô cửa hẹp để mua vé. Tùy sức chứa của rạp, của sân, của xe, mà người ta bán một số vé tương đương với sức chứa.

Sức chứa của Nước Trời thì vô tận, nên không cần phải có ô cửa hẹp để bán vé. Ta cũng không cần phải hỏi xem Nước Trời có bao nhiêu chỗ để liệu mà tìm cách mua vé vào, như đi xe ta thường hỏi xem xe bao nhiêu chỗ 4-12-15-20 chỗ…

Sở dĩ Chúa nhắc đến cửa hẹp là nhằm trả lời cho câu hỏi của một số người : “Thưa Thầy, phải chăng những người được cứu thì ít lắm phải không ? (những người vào Nước Trời thì ít ?)

Chúa không trả lời “phải, ít lắm” để rồi ta thất vọng khi nghĩ rằng chắc mình lọt sổ thôi. Chúa cũng không trả lời “nhiều lắm,” để rồi ta buông thả vì nghĩ rằng thế nào mình cũng thuộc số người được cứu.

Những người hỏi con số : số ghế số chỗ trong Nước Trời là những người không biết ất giáp gì về Nước Chúa, bởi lẽ Nước Trời đâu phải là quota, là hạn ngạch, định mức, là sức chứa, số ghế. Cứ đi vào cửa hẹp là đến Nước Trời. Nhưng cửa hẹp không phải là nơi bán vé vào Nước Trời, thì cửa hẹp cũng không phải là nơi soát vé.

-Nơi soát vé : Cũng có rất nhiều người trong chúng ta, hiện nay, vẫn nghĩ rằng mình đã nắm trong tay được vé vào Cửa Trời. Xin thưa ngay: Cửa trời không có lối đi hẹp để soát vé đâu. Những chiếc vé mà ta nghĩ rằng thánh Phêrô, kẻ giữ cửa sẽ hỏi, ta có trong tay, như : chứng chỉ Rửa tội, Thêm sức, có dấu đỏ, dấu nổi đàng hoàng… ; tờ Phép Lành Toà Thánh mà nhiều gia đình có với lời ghi chú xưa “là bảo đảm cho phần rỗi đời đời” ; Rước lễ 5 ngày thứ bảy đầu tháng với lời hứa của Đức Mẹ, 9 ngày thứ sáu đầu tháng với lời hứa của Thánh Tâm ; lại còn chuỗi Thương Xót hằng ngày… Đã ba lần bảy lượt lãnh được ơn toàn xá khi làm việc này việc nọ, khi hành hương chỗ này chỗ kia; những chiếc vé đó tốt, nhưng nên nhớ không có cửa hẹp để soát vé đó đâu, để rồi mình ỷ y như khi mua được vé xe lửa, vé xem phim, vé tàu bay là an tâm, đến giờ ta chìa vé ra để vào.

Cửa hẹp cũng chẳng phải là nơi ta chìa ra tờ lý lịch trong sạch ba đời, dòng dõi các thánh tử đạo vẻ vang… ; hay lá thư tay của những ô dù ông cha này, giám mục nọ ở trong dòng họ để rồi được cho qua. Vậy cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói ở đây là gì ?

2. Cửa hẹp là gì ?

Xin được lấy lại cảnh tương phản về bộ phim “Cánh cửa mở rộng” nói trong mở đề để gọi Cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói ở đây là “Cửa mở rộng.” Mở rộng tức là mở luôn luôn, mở cho mọi người. Cửa hẹp không phải là nơi để hạn chế : hạn chế thời gian (mở buổi sáng, đóng buổi chiều ; hạn chế con số (1 tỉ rưỡi thôi nhé !) ; hạn chế tầng lớp (người nghèo mới được vào)... Không phải ! Cửa hẹp là cửa mở rộng. Ai muốn vào cũng được. Vào giờ nào cũng được. Điều kiện duy nhất của nó là vì nó hẹp, nên muốn vào phải bỏ lại những hành trang cồng kềnh.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là tội lỗi của chúng ta. Ta không bỏ lại ta không vào được cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là những thú vui trần gian. Ta không biết từ bỏ, ta không lách qua được cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là lòng tham danh lợi lộc. Ta không từ bỏ, ta không chui lọt qua khung cửa hẹp.

-Những hành trang cồng kềnh đó, là những mối thù nặng nhẹ với anh chị em trong nhà hay ngoài mái ấm gia đình. Ta không từ bỏ, khi đi qua cửa hẹp, sẽ bị vướng mắc, như chiếc áo rộng dính vào ốc này vít kia của cánh cửa hẹp, khiến ta không thể dễ dàng đi qua được trơn tru.

Có hai người lính trẻ đang nói chuyện với nhau về việc tin theo Chúa Kitô. Một người nói: “Tôi không thể nói hết cho anh biết, tin theo Chúa Kitô thì quí giá biết ngần nào.” Người kia đáp: “Tôi cũng nghĩ đến đó, nhưng tôi thấy tin theo Ngài thì phải từ bỏ nhiều quá. Quả thật tôi đang tính toán đây.” Một sĩ quan đi ngang, nghe vậy, đặt tay trên vai người lính trẻ vừa nói câu trên, mà rằng : “Anh ơi, anh tính giá của sự tin theo Chúa Kitô sao ? Thế anh có bao giờ tính giá phải trả khi không tin Chúa Giêsu không ?…

Thánh Phaolô đã tính giúp chúng ta trong Pl 3, 8-9 : “Tôi coi tất cả mọi sự là thua lỗ, bất lợi cả, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu, Chúa tôi, vì Người tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.”

Theo Chúa vào Nước Trời là phải đi qua cửa hẹp. Cửa hẹp không phải là nơi bán vé, nơi soát vé, nhưng cửa hẹp là cửa luôn mở mọi lúc, mở với mọi người, miễn là ta biết từ bỏ hành trang cồng kềnh.

Trong lời hứa Rửa tội, Giáo Hội bắt chúng ta tuyên hứa từ bỏ trước khi tuyên xưng tin, thì chúng ta hãy từ bỏ những hành trang cồng kềnh… để ta tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Chúa chúng ta qua Kinh Tin Kính. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm