Chiều ngày lễ tưởng niệm tất cả các tín hữu đã ra đi trước chúng ta, Đức Thánh Cha đã đến hang toại đạo Priscilla, tại Via Salaria, Rôma, để cử hành Thánh lễ. Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại Tiểu Vương Cung Thánh Đường Thánh Silvestro Papa cho hàng trăm các nữ tu Biển Đức là những người được ủy thác trông coi hang toại đạo Priscilla.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Đối với tôi, đây là lần đầu tiên trong đời bước vào một hang toại đạo, với nhiều bất ngờ, lễ cầu cho tất cả các tín hữu đã qua đời nói với chúng ta biết bao điều. Chúng ta có thể nghĩ về cuộc sống của những người phải trốn tránh, những người có văn hóa chôn cất kẻ chết này và cử hành Bí tích Thánh Thể ở đây. Đây là một khoảnh khắc tồi tệ của lịch sử, nhưng nó vẫn chưa được khắc phục: ngay cả ngày nay vẫn còn xảy ra. Còn rất nhiều. Có nhiều hang toại đạo ở các quốc gia khác, nơi họ thậm chí phải giả vờ tổ chức một bữa tiệc hoặc sinh nhật để cử hành Bí tích Thánh Thể, bởi vì ở nơi đó, họ bị cấm không được làm như vậy. Thậm chí ngày nay số các tín hữu Kitô bị bắt bớ còn nhiều hơn trong những thế kỷ đầu tiên, nhiều hơn rất nhiều. Hang toại đạo, sự bách hại, các tín hữu Kitô - và những Bài đọc này, khiến tôi nghĩ đến ba từ: căn tính, địa điểm và hy vọng.

Căn tính của những người đã tụ tập ở đây để cử hành Bí tích Thánh Thể và ca ngợi Chúa, cũng giống căn tính của anh chị em chúng ta ngày nay ở rất nhiều nước, rất nhiều quốc gia nơi chỉ cần là một Kitô hữu thôi cũng đủ là một tội ác rồi, ở đó họ bị cấm đoán, họ không có quyền. Giống hệt như thế. Đó là căn tính mà chúng ta đã nghe: là Các Mối Phúc Thật. Bản sắc của Kitô hữu là đây: Các Mối Phúc Thật. Không nhưng nhị gì cả. Nếu anh chị em làm điều này, nếu anh chị em sống như thế này, anh chị em là một Kitô hữu. “Nhưng thưa cha không, tôi thuộc về hiệp hội này, phong trào kia. ..”. Vâng, vâng, tất cả những điều đó tốt lắm; nhưng chúng chỉ là những điều phù hoa trước thực tế này. Căn tính của anh chị em là Các Mối Phúc Thật và nếu anh chị em không có điều đó, các phong trào hoặc các thứ phụ thuộc khác sẽ thành ra vô dụng. Anh chị em hoặc là sống như thế này, hoặc anh chị em không phải là tín hữu Kitô. Đơn giản là như thế. Chính Chúa nói như thế. “Vâng, nhưng nó không phải dễ dàng, tôi không biết làm thế nào để sống như thế...” Có một đoạn trích từ Tin Mừng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này, và đoạn Tin Mừng đó cũng sẽ là một “tiêu chí cao nhất”, theo đó chúng ta sẽ được phán xét. Đó là chương 25 trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Đoạn Tin Mừng này, cùng với Các Mối Phúc Thật, là tiêu chí cao nhất, chỉ cho chúng ta thấy, cách sống bản sắc của chúng ta như các tín hữu Kitô. Không như thế, chúng ta không có bản sắc, chúng ta chỉ là các Kitô hữu hư cấu, không có bản sắc.

Sau bản sắc của Kitô hữu là từ thứ hai: địa điểm. Tôi nghĩ đến những người đã đến đây để trốn tránh, để được an toàn, thậm chí là để chôn cất kẻ chết; và những người đang cử hành Bí tích Thánh Thể ngày hôm nay trong bí mật, tại những quốc gia bị cấm. Tôi nghĩ về vị nữ tu ở Albania, người đã phải sống trong một trại cải tạo, vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản. Lúc đó, các linh mục đã bị cấm ban các bí tích, và nữ tu này đã rửa tội bí mật cho nhiều người. Dân chúng, các Kitô hữu biết rằng nữ tu này dám rửa tội và các bà mẹ mang con cái của họ đến. Lúc đó, họ không có cả cái ly, hay thứ gì đó có thể đựng nước. Thành ra, vị nữ tu đã phải đựng nước trong đôi giày. Chị dùng giày lấy nước từ sông lên và rửa tội. Vị trí của các Kitô hữu là ở khắp mọi nơi, chúng ta không có một nơi đặc quyền trong cuộc sống. Một số người muốn có một vị trí như thế, họ là các tín hữu Kitô “được trọng vọng”. Nhưng có nguy cơ chúng ta ở lại với tính chất “được trọng vọng” và đánh mất đi tính “Kitô hữu”. Vị trí của Kitô hữu là gì? “Linh hồn người công chính ở trong tay của Thiên Chúa” (Kn 3:1): Vị trí của người Kitô hữu là trong tay của Thiên Chúa, nơi Ngài muốn. Bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đã bị vấy bẩn, là bàn tay của Con Người, Đấng muốn mang theo những vết thương của Người ra trước mặt Chúa Cha và cầu thay cho chúng ta. Vị trí của người Kitô hữu nằm trong sự can thiệp của Chúa Giêsu trước Chúa Cha. Trong tay của Chúa. Và chúng ta chắc chắn rằng bất kể những gì có thể xảy ra, dù là thập giá đi nữa, căn tính của chúng ta, khi dựa vào Tin Mừng, nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ được chúc phúc nếu người ta bắt bớ chúng ta, nếu thế gian hò reo chống lại chúng ta; nếu chúng ta ở trong tay Chúa, trong tình yêu Ngài, chúng ta chắc chắn được chúc phúc. Đó là nơi của chúng ta. Và hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nhưng tôi cảm thấy an toàn nhất ở đâu? Trong tay của Thiên Chúa hay trong những thứ khác, trong các loại bảo đảm an ninh mà chúng ta “thuê mướn” nhưng cuối cùng sẽ thất bại, và trong những thứ bất nhất khác chăng?

Những Kitô hữu này, với bản sắc này, những người đã sống và đang sống trong tay của Thiên Chúa, là những người nam nữ của hy vọng. Và đây là từ thứ ba đến với tôi hôm nay: hy vọng. Chúng ta đã nghe từ này trong bài đọc hai: đó là viễn kiến cánh chung nơi mọi thứ được thực hiện lại, nơi mọi thứ được tái tạo, nơi đất nước mà tất cả chúng ta đi đến. Và để được vào đó, chúng ta không cần những điều kỳ lạ, chúng ta không cần những thái độ phức tạp: chúng ta chỉ cần xuất trình thẻ căn cước và được bảo rằng “Được rồi, hãy đi về phía trước”. Hy vọng của chúng ta là ở Thiên đường, hy vọng của chúng ta được neo ở đó và chúng ta, với sợi dây nắm chắc trong tay, nâng đỡ chúng ta khi nhìn vào bờ bên kia sông mà chúng ta phải băng qua.

Căn tính là Các Mối Phúc Thật và Chương 25 Phúc Âm Thánh Matthêu. Nơi chốn an toàn nhất là trong tay Chúa, tràn ngập tình yêu. Tương lai, dù còn ở bên kia con sông, nhưng hy vọng là mỏ neo, là sợi dây tôi bám vào. Điều này rất quan trọng, luôn luôn bám vào sợi dây! Nhiều khi chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy sợi dây, không thấy mỏ neo đâu, cả bờ bên kia cũng không thấy; nhưng anh chị em, hãy giữ chặt sợi dây thì anh chị em sẽ đến được nơi an toàn.

Vào cuối buổi lễ, trước khi trở về Vatican vào lúc 5h30, Đức Thánh Cha đã xuống hang toại đạo bên dưới để thăm viếng. Ngài dừng lại cầu nguyện một lát trước bức ảnh Đức Mẹ đã có từ giữa thế kỷ thứ ba.

Khi về đến Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến khu hầm mộ chôn cất các vị Giáo Hoàng bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô trong một khoảnh khắc cầu nguyện riêng tư, để cầu nguyện cùng các vị Giáo hoàng quá cố.


Source:Libreria Editrice Vaticana