Lúc 7 giờ tối, Thứ Ba, 19 tháng 11, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Bangkok, bắt đầu chuyến tông du thứ 32 của Đức Thánh Cha bên ngoài Italia.

Lúc 12:10 trưa thứ Tư 20 tháng 11, ngài sẽ đến Terminal 2 trong sân bay Bangkok là khu vực dành cho Không quân Thái và để tiếp các vị quốc khách.

Nhân dịp này gởi đến quý vị và anh chị em một vài nét về quốc gia này.

Thái Lan, trước gọi là Xiêm La, có tên chính thức là Vương quốc Thái Lan, là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía bắc giáp Lào và Myanmar, phía đông giáp Lào và Campuchia, phía nam giáp vịnh Thái Lan và Malaysia, phía tây giáp Myanmar và biển Andaman.

Lãnh hải Thái Lan phía đông nam giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía tây nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ ở biển Andaman.

Thái Lan có diện tích 513,000 km2, lớn thứ 50 trên thế giới và dân số khoảng 67.8 triệu người đông thứ 20 trên thế giới. 75% dân số là người dân tộc Thái. Kế đó, 14% là người gốc Hoa và 3% là người Mã Lai, phần còn lại là những nhóm dân tộc thiểu số như Môn, Khmer và các bộ tộc khác. Hiện có khoảng 2.2 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp ở Thái Lan. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thái.

Năm 2015, viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất.

93.6% trong tổng số 67.8 triệu dân Thái theo Phật giáo Nam Tông. Trong khi đó, trong 3 triệu người Armenia, 98% là các tín hữu Kitô, đông nhất là các tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền với 92.6%.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thái Lan vào ngày hôm nay là chuyến viếng thăm đầu tiên miền đất này của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo kể từ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1984. Như thế là 35 năm đã trôi qua. Theo nhận định của tờ Crux, có 5 điều sau chúng ta nên biết về chuyến viếng thăm này cũng như lịch sử của Giáo hội tại Thái Lan:

1. Chuyến viếng thăm này chủ yếu là để nâng cao tinh thần cộng đoàn Công Giáo tại đây.

Đức Phanxicô chắc chắn sẽ đề cập đến một số mối quan tâm xã hội mà ngài thường nêu bật, nhưng chuyến thăm này của ngài chủ yếu là nhằm tăng cường tinh thần cho cộng đồng Công Giáo. Thật thế, trong video gởi cho người dân Thái trước chuyến đi, Đức Thánh Cha nói rằng “Trong chuyến viếng thăm, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ cộng đoàn Công Giáo Thái Lan để củng cố họ trong đức tin và trong việc đóng góp cho xã hội Thái. Họ là những người Thái và phải hoạt động vì chính đất nước của họ.”

Ngài cũng nói rằng ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác liên tôn, đặc biệt là trong việc phục vụ người nghèo và chính nghĩa hòa bình.

2. Đạo Công Giáo có một lịch sử lâu dài tại Thái Lan

Số người Công Giáo tại Thái Lan không nhiều. Chỉ có khoảng 388,000 người trong tổng số 67.8 triệu dân. Tuy nhiên, Đạo Công Giáo có lịch sử lâu dài ở Thái Lan. Các nhà truyền giáo dòng Đa Minh được sự tài trợ của người Bồ Đào Nha đã đến Thái Lan - khi đó còn gọi là Xiêm La - vào năm 1567, và Giáo hội đã thành lập một phái bộ truyền giáo chính thức vào năm 1669 dưới sự chỉ đạo của Hội Truyền Giáo Étrangères de Paris, được coi là Hội Truyền Giáo hiện diện chính tại Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ. Người Công Giáo bị ảnh hưởng bởi các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ và chủ nghĩa thực dân trong khu vực, đặc biệt là trong thời kỳ Thế chiến II, khi một chính phủ quốc gia tìm cách cải đạo tất cả mọi người Thái sang Phật giáo. Tình hình đã có sự thay đổi đáng kể từ khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej lên ngôi vào năm 1946. Nhà vua cổ vũ cho Quan hệ hài hòa như là quy tắc ứng xử trong xã hội.

3. Giáo Hội Công Giáo tại Thái Lan ngày nay.

Thái Lan được coi là đất nước sùng đạo Phật nhất trên thế giới. Ngày nay có khoảng 388,000 người Công Giáo, tức là 0.58% trong số 67.8 triệu dân. Về cơ bản, có hai cộng đồng Công Giáo ở Thái Lan: cư dân đô thị của thủ đô có con cái học tại các trường tư thục và cao đẳng uy tín do Giáo hội điều hành, và các thành viên người dân tộc thiểu số ở phía đông bắc và phía bắc. Nhiều cộng đồng Công Giáo nông thôn bao gồm con cháu của những người tị nạn chạy trốn các cuộc bách hại tại Việt Nam.

4. Các tiêu điểm Đức Giáo Hoàng muốn nhắm đến

Đức Phanxicô thường điều chỉnh các thông điệp của mình cho phù hợp với các địa điểm nơi ngài nói. Ngài sẽ nói chuyện công khai tại hai Thánh lễ, một là tại sân vận động quốc gia trước đám đông dự kiến 50,000 người, nơi có lẽ ngài sẽ nói về nạn buôn người và việc bóc lột phụ nữ và trẻ em, cả hai đều là những vấn đề lâu dài trong khu vực. Người tị nạn là một mối quan tâm liên quan khác mà có thể ngài sẽ đề cập đến. 35 năm trước, vấn đề người tị nạn Việt Nam vượt biên tìm tự do đã là một trong những chủ đề chính trong chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khi ngài viếng thăm Thái Lan, lúc đó quốc gia này đang phải chăm sóc cho rất nhiều người tị nạn và vì thế, một hoạt động trong chương trình của ngài là thăm viếng một trại tị nạn tại Panasnikom. Điều đó đã khiến thế giới biết đến trách nhiệm của Thái Lan đối với những người tị nạn và từ đó nhiều trợ giúp quốc tế đã được trao ra.

Cha Bernardo Cervellera, tổng biên tập của Asia News, cho biết Đức Giáo Hoàng cũng có thể bày tỏ mối quan ngại về chủ nghĩa duy vật, là một trong những chủ đề thường xuyên của ngài, và thảo luận với các đối tác Phật giáo về vấn đề thế tục hóa trong xã hội.

5. Cuộc gặp gỡ với Vua Thái.

Đức Phanxicô sẽ gặp Quốc vương Maha Vajirusongkorn. Ông là một vị hoàng tử khi chào đón Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến thăm của vị Giáo Hoàng Ba Lan vào năm 1984. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và người đứng đầu cộng đồng Phật giáo Thái Lan, là Đức Tăng Thống Somdet Phra Maha Muneewong Ariyavongsagatayana.

Các cuộc gặp gỡ riêng của ngài sẽ bao gồm một chuyến viếng thăm 40 người bệnh và tàn tật tại Bệnh viện Thánh Louis ở thủ đô Bangkok, cũng như một cuộc họp với các tu sĩ Dòng Tên đang làm việc tại Thái Lan. Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ dòng Tên và luôn có những cuộc gặp gỡ như vậy với các linh mục, tu sĩ cùng dòng trong các chuyến đi của ngài.


Source:Crux