Nhật báo Khao Sod là tờ nhật báo Thái Lan, thành lập năm 1991, được coi là có xu hướng đại chúng, hiện đứng hàng thứ ba về số lượng phát hành (mỗi ngày gần 1 triệu bản). Trong chuyến Đức Phanxicô viếng thăm Thái Lan, nhật báo này tường trình khá đầy đủ mọi biến cố của nó (http://www.khaosodenglish.com/news/2019/11/21/at-mass-pope-calls-for-attention-to-thailands-downtrodden/).



Trong Thánh Lễ công cộng đầu tiên của Đức Phanxicô tại Thái Lan, được khoảng 60,000 tín hữu tham dự, Nhật báo Khao Sod lưu ý đến việc ngài kêu gọi các cộng đồng ủng hộ và giúp đỡ những người bị bóc lột, như các nạn nhân của nạn buôn người, ghiền ma tuý và tị nạn. Ngài nói rằng những người ở tận cùng bậc thang xã hội phải được coi là thành phần của gia đình Thiên Chúa.

Lời ngài: “Tôi nghĩ đến các trẻ em và phụ nữ, các nạn nhân của mãi dâm và buôn người, bị hạ nhục trong phẩm giá nhân bản có tính yếu tính của họ. Tôi nghĩ đến những người trẻ làm nô lệ cho nạn ghiền ma túy và thiếu ý nghĩa, một việc khiến họ trầm cảm và hủy hoại mọi giấc mơ của họ”.

Ngài nói thêm: “Tôi nghĩ tới các di dân, mất hết nhà cửa và gia đình, và rất nhiều người khác, giống như họ, cảm thấy mồ côi, bị bỏ rơi... Tôi cũng nghĩ tới những ngư phủ bị bóc lột và những người ăn xin dọc đường. Tất cả đều là thành phần của gia đình chúng ta”.

Ngài so sánh hiện tượng trên với trình thuật Thánh Kinh về các thân nhân thực sự của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu 12:48, trong đó, Chúa Giêsu nói rằng bất cứ ai làm theo Thánh Ý Chúa Cha ở trên trời đều là gia đình của Người, trong khi nối kết hiện tượng đó với việc khai mở Giáo Hội Công Giáo tại Thái Lan bởi “các nhà truyền giáo từng đặt chân đầu tiên lên mảnh đất này”.

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng “Nhờ nghe Lời Chúa và đáp ứng các đòi hỏi của Lời này, họ tiến tới chỗ hiểu ra rằng họ là thành phần của một gia đình còn lớn hơn bất cứ gia đình nào dựa trên dòng máu, văn hóa, vùng miền hay nhóm sắc tộc... Họ lên đường tìm kiếm một gia đình họ chưa biết. Việc này giúp họ khám phá ra nhiều ‘bà mẹ và anh em’ Thái vẫn còn chưa hiện diện tại bàn ăn Chúa Nhật của họ”.

Tờ Khao Sod tường thuật thêm: chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là để đánh dấu 350 năm công cuộc truyền giáo tại Xiêm La năm 1669, khi 2 nhà truyền giáo đầu tiên tới Vương Quốc Juthia.

Ngài nói rằng “không có cuộc gặp gỡ đó, Kitô Giáo chắc chắn đã thiếu khuôn mặt của các con. Đã thiếu các bài ca và điệu múa vốn mô tả nụ cười Thái, hết sức đặc trưng của lãnh thổ các con”.

Và trong một sứ điệp gửi các công dân của một quốc gia đa số theo Phật Giáo, ngài nói rằng “rao giảng Tin Mừng không phải là để gia tăng thành viên hoặc tỏ ra mạnh thế” nhưng là để chia sẻ “vòng tay từ bi và chữa lành của Thiên Chúa” một việc, ngược lại, “sẽ làm chúng ta trở nên một gia đình”.

Kinh Kính Mừng trong Thánh Lễ hôm nay, theo Khao Sod, được đọc bằng 5 thứ tiếng: Thái, Anh, Ý, Pháp và Việt Nam. Một lời cầu nguyện trong Thánh Lễ được đọc bằng tiếng pakagno, ngôn ngữ của một nhóm sắc tộc.

Trong đám đông có ông Thanin Santhanavanich, một bác sĩ thuộc Bệnh viện Saint Louis; ông tình nguyện làm nhân viên cứu cấp. Là một người Công Giáo sùng đạo, ông mang theo cỗ tràng hạt và sốt sắng tham dự Thánh Lễ.

Ông nói “tôi cảm thấy rất vui sướng khi ngài đến thăm một nơi khó có thể thăm này vì Thái Lan là một nước người Công Giáo là thiểu số. Cách nay mấy năm, tôi phải qua Miến Điện chỉ để được thấy ngài vì tôi không tin ngài sẽ đến với chúng tôi”.

So sánh với chuyến viếng thăm năm 1984 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chuyến viếng thăm mà ông có may mắn được tham dự, Thanin nói dịp này ngoạn mục và được tổ chức chu đáo hơn.

Thánh Lễ công cộng kết thúc bằng một điệu vũ lộng lẫy do 800 học sinh của 7 trường tu viện Công Giáo, diễn tả nền văn hóa của cả 4 vùng của Thái Lan.

Cả người không Công Giáo cũng nghinh đón Đức Giáo Hoàng



Tờ Khao Sod cũng cho hay nhiều người không phải là Công Giáo vẫn tham dự việc nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Chùa Hoàng Gia. Đó là anh Banchaporn Boonlert-aree, một phật tử; anh chờ được thấy Đức Phanxicô, vì anh vốn đọc về vai trò chủ yếu của ngôi vị giáo hoàng trong lịch sử Âu Châu.

Một người khác theo Ấn Giáo là Wannasin Srisaket, 21 tuổi, một sinh viên khoa sử của Đại học Silpakorn. Anh tháp tùng một người bạn Công Giáo để được thoáng nhìn thấy Đức Giáo Hoàng vì việc này quả hiếm hoi, có thể chỉ một lần trong đời.

Anh tin rằng Kitô giáo là một tôn giáo tốt lành và nó dạy người ta thương yêu nhau.

Trong ngôi chùa nổi tiếng của Thái Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi Đức Tăng Thống và các phật tử Thái Lan cùng nhau làm việc với các Kitô hữu cho người nghèo và môi trường.

Tờ Khao Sod cho hay: một số người Công Giáo được họ phỏng vấn hôm nay thừa nhận vẫn còn hố phân cách lớn giữa hai tín ngưỡng. Các trường công lập Thái chỉ dạy về Phật Giáo trong khi các trường tư thục Công Giáo không dạy Kitô Giáo cho các học sinh phật tử.

Noppawit Chatarasophon, 27 tuổi, một người Công Giáo và là viên chức chính phủ tại Bộ Phát Triển Nhân Bản, nói rằng anh không học được bất cứ điều gì về Kitô Giáo và các tôn giáo lớn khác lúc là học sinh ở trường danh tiếng Suan Kularb Wittayalai ở Bangkok. Anh cho hay: “Tôi chỉ học về Phật Giáo. Nên có các bài học về các tôn giáo khác nữa”. Anh cho hay vẫn có những thiên kiến chống Kitô giáo.

Cha Joseph Anucha Chaiyadej, giám đốc truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan, nói rằng các trường Công Giáo không muốn ép buộc các học sinh Phật tử hay các học sinh các tôn giáo khác học về Đạo Công Giáo. Cha cho hay “Các trường [Công Giáo] dạy học sinh thuộc các tôn giáo trở thành các tín đồ ngoan đạo của tôn giáo họ. Cải đạo một cách hãnh tiến là thanh gươm hai lưỡi. Chúng tôi không muốn dùng phương pháp cứng cỏi mặc dù không ngăn cản các học sinh [Phât tử] nào muốn tìm hiểu”.



Tôi thực sự cảm nhận lòng từ bi của ngài

Cũng cùng ngày 21 tháng 11, một ký giả khác của tờ Khao Sod, là Asaree Thaitrakulpanich, viết rằng 5,000 người Công Giáo Thái Lan đã tụ tập tại Bệnh Viện St Louis ở Bangkok để nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Họ vẫy cờ hân hoan, miệng hô “Viva Papa!”

Ngài ca ngợi nhân viên của bệnh viện: “Các con đã thực hiện những công việc từ bi vĩ đại nhất vì việc dấn thân của các con vào ngành chăm sóc sức khỏe đã vượt quá xa việc thực hành y khoa đơn giản và đáng khen. Nó còn là việc chào đón và ôm ấp sự sống con người khi sự sống này bước vào phòng cấp cứu, cần được chữa trị bằng một sự chăm sóc từ bi phát sinh từ tình yêu và lòng tôn kính đối với phẩm giá mỗi một con người nhân bản”.

Ở bên ngoài bệnh viện, đám đông hoan hô và vẫy cờ Vatican và cờ Thái Lan khi xe chở Đức Giáo Hoàng chạy qua. Đây là một đám đông hỗn hợp gồm cả già lẫn trẻ, người Thái và người ngoại quốc, thậm chí không phải là Kitô hữu; tuy nhiên, họ nói họ xúc động vì chuyến viếng thăm.

Gift, 20 tuổi, sinh viên Cao Đẳng St Louis, được đứng rất gần Đức Giáo Hoàng, nên cô bảo cô rất phấn khởi và có ấn tượng đối với giáo huấn Công Giáo về tình yêu và lòng thương xót.

Một sinh viên khác cũng của Cao Đẳng St Louis, Tirattah Suklom, 18 tuổi, nói cô sát gần ngài đến nỗi gần như muốn khóc. Cô cho hay: “tôi thực sự cảm nhận lòng từ bi của ngài. Với tôi, mọi tôn giáo đều dạy chúng ta thành người tốt lành”.

Một nhóm tín hữu Nam Dương giơ cao ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng vẽ trên vải batik. Các người Cao Miên mặc áo sơ mi xanh dương, mang theo quốc kỳ của họ, nói họ là 160 người. Nữ tu Blandine Mentre, một nữ tu Pháp thuộc Dòng Maria Stella Matutina, đến với một nhóm 14 người từ Giáo Hội của bà ở Việt Nam. Nữ tu nhận định rằng “tôi nghĩ ngài rất can đảm khi tới đây”. Nữ tu cho hay Việt Nam và Vatican chưa hoàn tất các cuộc thương lượng nên Đức Giáo Hoàng chưa thể đến đó.

Nhân dịp này, tờ Khao Sod cho hay mỗi người tham dự đều được phát một túi vải đựng 1 lá cờ Vatican hay cờ Thái Lan, một mẩu bánh mì sandwich, 1 chai nước, 1 cuốn sách nhỏ nói về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại bệnh viện, và một cỗ tràng hạt đã được Đức Giáo Hoàng làm phép.