Linh Mục Tự Tử Và Đôi Điều Suy Gẫm

Trong giờ cơm tối, một anh em linh mục trong dòng chia sẻ một thông tin chẳng tốt lành chút nào, đó là thông tin về một vị linh mục trẻ thuộc giáo phận Kansas City, bang Missouri, Hoa Kỳ tự tử khi tuổi đời mới có 34. Phản ứng của các anh em trong cộng đoàn là lặng đi trong chốc lát, rồi có nhiều câu hỏi đặt ra: “Lý do tại sao vậy?” “Sao lại như thế được nhỉ?” “Thương quá, một linh mục trẻ.”

Vâng, tin tức về một ai đó tự kết liễu cuộc đời mình thường làm “chấn động” lòng người, nhất là tin một linh mục tự kết thúc cuộc đời mình lại càng khiến cho không chỉ có gia đình, người thân và giáo dân của ngài đau đớn mà khiến bao nhiêu người khác không khỏi bàng hoàng và thắc mắc.

Hôm qua thầy hiệu trưởng của trường đại học Công Giáo Hoa Kỳ cũng báo tin buồn này và xin mọi người cầu nguyện cho vị linh mục trẻ ấy, vì ngài đã từng tốt nghiệp khoa Giáo luật tại trường. Trên lớp tin tức này lại được thảo luận rất nhiều, thậm chí có nhiều câu hỏi cũng được mấy bạn là giáo dân đặt ra: “Là một linh mục tại sao ngài lại có lựa chọn tiêu cực như thế?” “Chẳng phải linh mục này học giáo luật, mà không biết giáo hội phản đối tự tử sao?” Tôi lắng nghe và suy gẫm rất nhiều về những câu hỏi mà mọi người đặt ra. Và nhân tiện, hôm nay là Ngày Đời Sống Thánh Hiến, tôi mạo muội viết vài dòng chia sẻ để mọi người chúng ta cùng suy nghĩ.

Tự sát, lỗi phạm nặng nề.

Vâng, nói đến vấn đề tự tử, đức tin của Giáo Hội Công Giáo dạy trong giáo luật số 2281, rằng: “Tự sát nghịch với khuynh hướng tự nhiên muốn bảo tồn và kéo dài sự sống của con người. Lỗi phạm nặng nề đến tình yêu chính đáng đối với bản thân.” Đối với tác hại và ảnh hưởng của tự tử, điều luật này còn giải thích thêm: “Tự sát còn xúc phạm đến tình yêu đối với người thân cận vì nó cắt đứt một cách bất công những mối dây liên đới với gia đình, quốc gia và nhân loại mà chúng ta có trách nhiệm.”

Như thế, nếu xét theo giáo luật, việc tự sát của bất cứ người nào, không kể linh mục hay giáo dân, đều là “đối nghịch với tình yêu của Thiên Chúa hằng sống.” Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người đặt câu hỏi: “tại sao vị linh mục trẻ này lại chọn cái chết?” hay “liệu người tự kết liễu đời mình có được rỗi linh hồn không?” Tôi cố gắng tìm thêm thông tin để biết tại sao ngài lại tự tử hay trước khi kết liễu đời mình, ngài có để lại hoặc viết ra lời trăn trối nào không, nhưng tôi không có được thông tin nào khác liên quan.

Quả nhiên, việc không cung cấp thêm thông tin là quyền của Giáo phận và gia đình ngài, hơn nữa việc xét đoán về phần rỗi của vị linh mục trẻ này cũng không phải là mục đích của bài viết, vì chúng ta không phải là quan án. Chúng ta biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền phán xét trên mỗi con người. Bài này chỉ muốn nhấn mạnh một điều, rằng chúng ta cần tiếp tục hy vọng vào Chúa, vào tình thương và lòng từ bi của Ngài, vì giáo luật số 2283 còn dạy rằng: “Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Người biết.” Về phần chúng ta, cần tiếp tục cầu nguyện cho vị linh mục trẻ này, cho gia đình và giáo dân của ngài, vì giáo luật còn viết thêm: “Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình.”

Cầu nguyện vì sự mong manh của kiếp người

Thông tin về tự tử của linh mục này khiến tôi còn có thếm suy nghĩ, rằng sự sống con người thật là mong manh. Tất cả mọi người, kể cả các linh mục, đã là con người, sự sống của họ cũng rất mong manh. Vâng, các linh mục cũng là con người da trần mắt thịt, các linh mục cũng có “hỷ-nổ-ái-ố”. Tức là các ngài cũng có những biểu hiện về sự “vui mừng”, “phẫn nộ”, “yêu thương” và “ghen ghét” như bao nhiêu người đang có. Trên thực tế, các linh mục lại được kỳ vọng nhiều hơn so với những ai khác. Linh mục được kỳ vọng từ lời nói đến hành động, sống làm sao để trở thành tấm gương cho nhiều người chung quanh noi theo. Hơn nữa, linh mục không được tỏ ra yếu đuối hoặc đau buồn hay những biểu hiện tiêu cực khác trước mặt mọi người.

Thật là bất công, thời đại ngày hôm nay, các linh mục lại là đối tượng thường bị dò xét, thậm chí còn bị chê bai về khả năng ăn nói, khả năng giảng dạy hay nghệ thuật giao tiếp. Linh mục thời nay không chỉ được mời gọi chăm sóc đời sống tâm linh của các tín hữu, mà còn được giao cho quyền quản lý việc này việc kia, như việc dạy học, mục vụ bệnh viện, mục vụ quân đội, kiếm tiền để xây dựng giáo xứ và nhiều công việc mục vụ xã hội khác. Vì thế, linh mục thời nay không có nhiều thời gian để cầu nguyện, để suy niệm Lời Chúa. Linh mục thời nay vì thế thường dễ bị hiểu nhầm và chịu nhiều áp lực. Tóm lại, người ta coi linh mục như một chuyên gia hoặc người làm công trả lương vậy, chứ không thấy sự thánh thiêng trong sứ vụ của các ngài.

Linh mục ngày nay còn được truyền thông “quan tâm” và theo dõi sát sao để tìm cách phóng đại hoặc lên án những tương quan mà họ cho là “bất thường” của các ngài với nữ giới, với trẻ vị thành niên, thậm chí với cả nam giới. Vì những xoi mói này mà khiến các ngài phải giữ khoảng cách “an toàn tuyệt đối,” sống mất tự nhiên, thậm chí còn sợ hãi khi tiếp xúc với giáo dân. Bởi thế, linh mục thời nay có xu huống sống “nề nếp” nếu không muốn nói là khép kín với giáo dân, sau thánh lễ, các ngài trở về phòng hoặc tránh né các giờ sinh hoạt có tính cộng đồng, thậm chí trong cách cư xử luôn tìm cách “làm đẹp lòng giáo dân” hay từ chối góp ý hay nói lên sự thật.

Cầu nguyện khi gặp áp lực

Với tư cách là một linh mục, tôi hy vọng các anh em linh mục khác cũng cảm nghiệm được bài học, rằng chúng ta được gọi trở thành một linh mục, không nên sống chỉ để được người khác yêu thích hay được ưu ái cách riêng, mà sống là để làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu. Tôi rất thích lời của Đức Hồng Y Beniamino Stella Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, khi trả lời Vatican News, ngài nói: “Thật ra, trong thực tế, trong Giáo hội, đại đa số các linh mục làm việc hiến dâng cuộc sống của họ cách quảng đại, sử dụng năng lực tốt nhất để loan báo Tin Mừng và chăm sóc dân Chúa, và dành thời gian cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cho người trẻ, người già, các bệnh nhân, người nghèo.” (Vatican News 3/12/2019)

Lời của Đức Hồng Y Stella nhắn nhủ chúng ta, là tiếp tục làm việc trong khiêm tốn và quảng đại theo khả năng của mình. Nếu khi bị hiểu nhầm hay phải chịu nhiều áp lực, chúng ta cần tìm đến sự cầu nguyện. Vì cầu nguyện sẽ giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng, cầu nguyện sẽ giúp cho thân thể, tâm trí và linh hồn chúng ta được vững mạnh trở lại, hầu giúp chúng ta tiếp tục hoàn tất sứ vụ mà Chúa dành cho chúng ta.

Là linh mục, chúng ta cần khiêm tốn cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để thấu hiểu được những yếu đuối và mỏng dòn của chúng ta, đồng thời cũng xin ơn can đảm để chúng ta chấp nhận những yếu đuối đó, nhằm thăng tiến đời sống chứng nhân của chúng ta. Không ai chối cãi, khi đức tin của chúng ta trở nên yếu đuối, khiến chúng ta càng trở nên sợ hãi, thất vọng và chán chường về sứ vụ của chúng ta. Chúa muốn chúng ta tiếp tục giữ tương quan mật thiết với Ngài. Chúa muốn chúng ta luôn nhớ rằng chúng ta thuộc về Chúa vì Ngài không phải là Chúa của sự sợ hãi mà là Chúa của khoan dung và tha thứ.

Là linh mục, chúng ta không phải được gọi để sống cô lập hay một mình đương đầu với khó khăn, nhưng chúng ta được gọi để thiết lập tương quan mật thiết với anh chị em, với các anh em linh mục, các tu sĩ, với bề trên và những người thân cận với chúng ta. Chúng nên dành nhiều thời gian để giao tế, để chia sẻ, để lắng nghe những tâm tình và ý kiến của anh chị em của chúng ta.

Là giáo dân hãy đồng hành và nâng đỡ các linh mục

Sứ vụ của linh mục là được phục vụ và hướng dẫn giáo dân, nhất là hướng dẫn về mặt đức tin và tinh thần. Thánh Gioan Vianey nói với chúng ta rằng: “Linh mục là món quà của Thiên Chúa,” là món quà Chúa ban cho anh chị em giáo dân trong lòng Giáo hội. Tôi hy vọng anh chị em giáo dân luôn biết quý trọng và đồng hành với các linh mục của mình và trân quý “món quà” mà Chúa ban cho anh chị em.

Linh mục cũng là con người. Linh mục nhiều lúc cũng có nhiều thiếu sót. Như đã đề cập trên đây, linh mục ngày nay đang phải chịu nhiều áp lực về đời sống tâm linh, xã hội và tương quan với mọi giới. Các giáo dân hãy học thông cảm với những áp lực và thiếu sót của các linh mục. Tôi nhớ lời của Đức Giám Mục Robert Barren, viết trong cuốn “Letter to a Suffering Church” (Bức Thư Viết Cho Một Giáo Hội Chịu Đau Khổ”, rằng khi thế giới này đang có xu sướng tìm cách đánh phá Giáo hội, khi mà truyền thông và thế tục đang dò xét và tấn công các chủ chăn của mình, giáo dân không nên chọn cách phàn nàn, lên án hay bỏ Giáo hội mà đi, nhưng hãy ở lại trong Giáo hội, đồng hành với các vị chủ chăn của mình để bảo vệ Giáo hội và để chống lại thê lực bão tàn.

Vâng, tôi muốn mượn lời Đức Hồng Y Stella để mời gọi anh chị em: “Giáo dân chúng ta không nên đòi hỏi các linh mục chúng ta cung cấp và hay ứng những nhu cầu của chúng ta như một cái máy ban phát các dịch vụ thánh. Nhưng hãy yêu mến, đồng hành và nâng đỡ các linh mục của mình.” (Vatican News 3/12/2019) Hãy dành cho các ngài những lời khen khi các ngài nỗ lực làm việc, hãy góp ý một cách chân thành và đúng lúc, đúng chỗ và đúng mực mỗi khi các ngài có những thiếu sót.

Tôi tin rằng, khi các linh mục cảm nghiệm được tình thương mến, sự động viên và ý kiến xây dựng của anh chị em giáo dân, thì đời sống dâng hiến của các ngài sẽ trở nên vui tươi hơn, cuộc sống có nhiều “màu sắc” hơn. Tôi tin rằng khi các linh mục cảm thấy được trong sự yếu đuối và mỏng dòn của kiếp người, nếu được giáo dân mình đồng hành và nâng đỡ thì các ngài sẽ không bao giờ bỏ cuộc, mà luôn tìm ra những lối thoát và phương cách để vượt qua những thử thách và khó khăn đó. Như thế, nỗi đau về việc linh mục tự tử sẽ không bao giờ ở lại bên tai.

Ngày Lễ Thánh Hiến, 02 tháng 02 năm 2020
Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD