Giảng tĩnh tâm tháng 2/2020 với các nữ tu

Hội dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa – Sài gòn.


Chủ đề: VỚI MẸ, NHỜ MẸ VÀ TRONG MẸ,

Tĩnh tâm tháng này, chúng ta cùng nhau suy tư về sự kết hợp giữa Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a, từ khi Mẹ mang thai Ngài cho đến khi Ngài đi rao giảng tin mừng Nước Trời. Sự kết hợp này có liên quán đến đời sống tân ước dòng của chúng ta, những tân ước của tu sĩ hai hội dòng Tiểu Đệ thánh Gioan Tẩy Giả và hội dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa cách riêng và các tân ước nam nữ tu sĩ trong giáo hội cách chung. Đó là ba giai đoạn liên kết mật thiết giữa Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a, cũng như sự liên kết mật thiết của chúng ta với hội dòng.

Ba giai đoạn đó là:

1. Với Mẹ:

- Thời gian Đức Chúa Giê-su trong cung lòng Mẹ đến khi 12 tuổi.

- Thời gian nhà tập 1 và 2.

2. Nhờ Mẹ:

- Thời gian Đức Chúa Giê-su sống trong gia đình Na-gia-rét.

- Thời gian khấn tạm.

3. Trong Mẹ:

- Thời gian Đức Chúa Giê-su đi rao giảng tin mừng Nước Trời.

- Thời gia khấn trọn.



A. VỚI MẸ - (Thời gian nhà tập)

a. Thời gian Đức Chúa Giê-su trong cung lòng Mẹ đến khi 12 tuổi.

Đức Chúa Giê-su khi xuống thế làm người đã chập nhận một lọai thụ tạo làm mẹ của mình, đó chính là Đức Mẹ Ma-ri-a. Người phụ nữ mà ngay khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã bày tỏ lòng yêu thương nhân loại cách đặc biệt khi nói với con rắn là hiện than của sa tan: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." Và sau đó Thiên Chúa đã đuổi nguyen tổ ra khỏi vườn địa đàng.

Người đàn bà (phụ nữ) ấy chính là hình ảnh của một E-va mới trong tân ước -Đức Mẹ Ma-ri-a- mà giáo hội qua mọi thời đại và cho đến tận thế đã trân trọng gọi là Đấng đồng công cứu chuộc loài người.

Đức Chúa Giê-su đã nhờ Đức Mẹ Ma-ri-a để mặc lấy thân xác phàm nhân sinh ra trong hang lừa máng cỏ, chấp nhận thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, đó chính là yếu tố quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi.

Đức Chúa Giê-su đã nhờ Đức Mẹ Ma-ri-a mà trở nên người Anh Cả của chúng ta, chia sẻ những nỗi đau khổ cũng như niềm vui của con người, bởi vì nếu không trở thành con người thì không ai có thể cảm thông sâu sắc những đau khổ và bất hạnh với con người.

Với thân phận là con người ở trần gian và với thân phận là người con ở trong gia đình Na da rét, Đức Chúa Giê-su đã chia sẽ phận làm con với chúng ta và hơn thế nữa, đã trở nên mẫu gương làm con cho chúng ta trong thế giới này, đó là sự vâng phục và khiêm tốn. Một vị Thiên Chúa đang khiêm tốn và vâng phục một con người, một Đấng tạo hóa đang khiêm tốn và vâng phục một thụ tạo, một Đấng tạo dựng trời dất muôn vật đang sống khó nghèo trong một gia đình khó nghèo.

Đức Mẹ Ma-ri-a là người phụ nữ diễm phúc được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng cứu thế, nghĩa là đồng thời Ngài cũng mời gọi Mẹ cộng tác vào công trình cứu chuộc nhân loại của Ngài, khi sứ thần Ga-bri-en nói với Mẹ: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Lời mời gọi tế nhị nhưng mạnh mẽ này của Thiên Chúa đã làm cho cô thiếu nữ Ma-ri-a bỡ ngỡ và lo sợ, nhưng với tâm hồn khiêm cung phó thác, Mẹ đã can đảm nói lên hai tiếng “xin vâng”, và kể từ giây phút đó, Mẹ trở thành người cùng cộng tác với Đức Chúa Giê-su -con trai của Mẹ- để cứu chuộc nhân loại theo ý định yêu thương và nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Khi Đức Mẹ Ma-ri-a nói xin vâng thì Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung long Mẹ, với hơn 9 tháng trong dạ mẹ, Đức Chúa Giê-su đã hấp thụ tất của những bổ dưỡng từ mẹ mình để sống và lớn lên, đó là tất cả sự sống của người mẹ đã dành cho con mình.

Đức Chúa Giê-su khi còn trong bụng của Đức Mẹ Ma-ri-a thì cũng như bao thai nhi khác, được sự che chở và bao bọc của mẹ mình, không gì an toàn bằng ở trong dạ mẹ; Đức Chúa Giê-su đã chia sẽ thân phận làm người như chúng ta ngay từ khi còn là bào thai trong dạ mẹ cho đến khi được sinh ra đời trong hang đá Bê-lem. Cuộc sống làm người trong cảnh khó nghèo mà Thiên Chúa Cha đã chọn cho Con của Ngài thật là mầu nhiệm, khác với trí óc tưởng tượng và quan niệm của con người là một vị vua phải cưỡi trên con chiến mã oai phong với muôn ngàn binh tướng, hoặc là một vị hoàng tử phải sinh ra trong hoàng cung giàu sang lộng lẫy mới xứng đáng là con vua.

Nhưng không, mục đích của Con Thiên Chúa làm người không phải là sống giàu sang phú quý, cũng không phải là công tước vương hầu đi đâu có tiền hô hậu ủng, nhưng mục đích của Con Thiên Chúa làm người chính là trở nên “đồng hình dồng dạng” với con người, ngoại trừ tội lỗi, như lời của thánh phao-lô tông đồ trong thư gửi tín hữu Phi-líp:

“Đức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.”

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-9)


b. - Thời thơ ấu, Đức Chúa Giê-su sống trong gia đình.

Thời thơ ấu của con người không ai sống xa lìa cha mẹ, nhất là với người mẹ (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt vì lý do này hay lý do khác), bởi vì xa lìa mẹ chính là thiếu thốn tất cả và có khi sẽ mất cả mạng sống mình.

Đức Chúa Giê-su không ngoài lệ đó, từ khi sinh ra trong máng cỏ hang lừa ở làng Bê-lem thuộc xứ Giu-đê-a, cho đến khi 12 tuổi, Ngài đã sống với cha mẹ, và cha mẹ là thầy giáo thứ nhất của Ngài. Mới 12 tuổi và đã lưu lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem ngồi giữa các thầy thông luật Pha-ri-siêu, để hỏi đáp về thánh kinh với họ. Vốn liến thánh kinh nơi Ngài bởi đâu mà có, phải chăng cũng như những bà mẹ Do Thái khác, Đức Mẹ Ma-ri-a đã dạy cho con mình học hỏi thánh kinh? Nếu không thì tại sao mới 12 tuổi mà Đức Chúa Giê-su đã thông hiều thánh kinh?

Người Việt Nam chúng ta có câu tục ngữ: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”, những em nhỏ mồ coi mẹ thì thật bất hạnh, bởi vì tuổi thơ của nó không được vòng tay mẹ ôm ấp chở che. Đức Chúa Giê-su với mẹ Ngài

Cuộc sống với mẹ của Đức Chúa Giê-su đã là nguồn cảm hứng cho chúng ta những tu sĩ dâng mình là tôi Chúa, tự nguyện hiến dâng cuộc đời của mình làm của lễ toàn thiêu đề chết cho thế gian để thế gian nhận biết Thiên Chúa là Cha của tình yêu. Đó là một tình yêu liên kết không thể tách lìa giữa mẹ và con trẻ, giữa các tân ước sĩ với Đức Mẹ Ma-ri-a.

c. Người tu sĩ: Nhà Tập.

Như Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người trong cung lòng Đức trinh nữ Ma-ri-a thế nào, thì trước khi trở thành người tu sĩ chính thức, những người này phải qua thời gian nhà tập.

Trước khi chính thức trở thành người tu sĩ thì phải qua một năm nhà tập theo giáo luật mà chúng tân ước gọi là “năm tập ngặt”, tức là nhà tập đúng nghĩa của nó không tiếp xúc với ai, không ra khỏi tập viện.v.v…đây là thời gian mà các tập sinh giống như Đức Chúa Giê-su ở trong cung lòng Đức Mẹ Ma-ri-a vậy, các tập sinh cũng đang ở trong cung lòng của hội dòng, hay nói cách khác, hội dòng đang mang thai các tập sinh trong “dạ” mình, để nhờ đặc sủng của hội dòng mà họ lớn lên trong ơn nghĩa và tình yêu của Chúa.

Trong thời gian nhà tập này, các tập sinh được đào tạo những hiểu biết căn bản về hội dòng, như: học luật dòng, học thánh kinh, học giáo lý, nhân bản, luân lý.v.v…và lao động, những môn học này không phải để thi lấy bằng cấp, không phải để đi vào chuyên môn, nhưng là để cho các tập sinh hiểu rõ những điều căn bản để trở thành một tu sĩ tốt lành của hội dòng sau này. Trong thời gian nhà tập này, các tập sinh hầu như tất cả đều dành cho việc cầu nguyện kết hợp với Đức Chúa Giê-su, để tìm ra ý định của Thiên Chúa muốn thực hiện trên con người của họ.

Hội dòng đang cưu mang những tập sinh như Đức Mẹ Ma-ri-a cưu mang Đức Chúa Giê-su, và Đức Chúa Giê-su rất an toàn ở trong dạ mẹ thế nào thì các tập sinh cũng an toàn khi ở trong nhà tập vậy. Qua cha (chị) tập sư và các cha (chị) giáo, các tập sinh được bồi dưỡng những đức tính về nhân bản cũng như những điều căn bản để sau này trở thành những tu sĩ thánh thiện năng động của hội dòng. Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là mỗi tập sinh phải tự mình ý thức được tầm quan trọng của năm nhà tập để cố gắng lớn lên trong ơn nghĩa của hội dòng và ân sủng của Thiên Chúa đã ban cho.

Tương quan giữa Đức Mẹ Ma-ri-a với các tập sinh rất quan trọng, bởi vì khi suy niệm đến mầu nhiệm Đức Chúa Giê-su nhập thể làm người, thì các tập sinh cũng có thể hình dung ra sự kết hợp mật thiết giữa Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a, nhờ đó mà họ càng kết hợp mật thiết với Đức Mẹ Ma-ri-a hơn, bởi vì ở thế gian mà đi trên con đường trọn lành thì nhất thiết phải có Mẹ đồng hành và hướng dẫn, bằng không hình ảnh người tu sĩ của chúng ta thời tân ước sẽ bị méo mó trước mắt người đời.

Giai đoạn tập sinh là giai đoạn quan trọng, giai đoạn bắt đầu, vạn sự khởi đầu nan, cho nên đây là giai đoạn nói được là vô cùng quan trọng, nhu Đức Chúa Giê-su sống thời thơ ấu trong gia đình Na-da-rét được cha nuôi là thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a dạy dỗ chăm sóc như thế nào, thì các tập sinh cũng được hội dòng qua chị tập sư dạy dỗ và chăm sóc như vậy.

Nét nổi bật nhất của Đức Chúa Giê-su sống đời thơ ấu trong gia đình với thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a là sự vâng lời và học tập, vâng lời là nét nổi bật làm cho nhân tính của Ngài ngày càng lộ ra hơn, bời vì càng vâng lời thì Đức Chúa Giê-su càng “đồng hình đồng dạng” với con người hơn. Và sự học tập của Ngài thì không gì chê trách được, mới mười hai tuổi mà thuộc lòng về kinh thánh, hỏi thưa với các luật sĩ và tư tế trong đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Năm nhà tập phải là năm hạnh phúc nhất của các tập sinh.

B. NHỜ MẸ - (Thời gian khấn tạm)

1. Thời gian Đức Chúa Giê-su sống trong gia đình Na-gia-rét.

Cả bốn sách Phúc Âm không nói đến Đức Chúa Giê-su trong thời niên thiếu và thanh niên làm gì trong gia đình Na-da-rét, nhưng theo Phúc Âm thánh Lu-ca thì chỉ nhắc đến Đức Chúa Giê-su khi được mười hai tuổi thì theo cha mẹ lên đền Giê-ru-sa-lem theo luật, rồi sau đó ở lại trong đền thờ ba ngày, và khi thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a tìm được và Ngài trở về sống trong gia đình với cha mẹ, thánh sử Lu-ca nhấn mạnh: “Còn Đức Chúa Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.” Và thánh sử Lu-ca cũng có nói đến việc Đức Chúa Giê-su trước khi thi hành sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa thì Ngài chịu phép rửa ở sông Gio-đan và ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ.

Như vậy thánh Lu-ca chỉ nhắc đến hai cột mốc quan trọng là mở đầu (12 tuổi) và kết thúc (30 tuổi) của Đức Chúa Giê-su trong đời sống ở Na-da-rét, để cho chúng ta hiểu rằng, ba mươi năm sống ẩn dật là để Ngài chuẩn bị cho ba năm rao giảng tin mừng Nước Trời.

Con cái sống trong gia đình với cha mẹ thì đương nhiên là phải giúp đỡ cha mình mình những công việc mà mình có thể làm được, theo truyền thống của người Do Thái thì người cha sẽ truyền lại nghề nghiệp cho con cái, đó là niềm vinh dự và kiêu hảnh của người cha. Và Đức Chúa Giê-su đã được người ta gọi là “con của bác thợ mộc”, bời vì thánh cả Giu-se làm nghề thợ mộc và Đức Chúa Giê-su nhất định sẽ là người kế thừa nghề nghiệp của cha nuôi mình.

- Nhờ Đức Mẹ Ma-ri-a, người nữ tu đến với Đức Chúa Giê-su qua đời tận hiến của mình.

Khi đã bắt đầu nói lên lời khấn lần đầu, là người tu sĩ diễn lại cảnh mà sứ thần Gáp-ri-en truyền tin cho Đức Mẹ Ma-ri-a, cuộc đối thoại này chính Thiên Chúa là người đưa ra đề nghị trước tiên và chờ đợi sự đáp trả của Đức Mẹ Ma-ri-a, và sau khi suy nghĩ cẩn thận và hiểu được tầm vóc quan trọng của lời đề nghị này, Đức Mẹ Ma-ri-a đã bày tỏ ước nguyện cộng tác với Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Hai tiếng xin vâng của Mẹ là lời đáp trả thong dong của các tu sĩ tiên khấn, bởi vì từ giờ phút này, các tu sĩ tiên khấn sẽ tập tành đi theo con đường xin vâng của Đức Mẹ Ma-ri-a trong hội dòng của mình, và từ đó lời tiên khấn này sẽ được liên tục lập đi lập lại trong đờinsống tận hiến của họ.

2. Thời gian khấn tạm.

Khấn tạm mà trước đây người ta gọi là sống trong nhà thử, tức là trước khi hoàn toàn thuộc về Chúa thì các tu sĩ có một khoảng thời gian khấn thử, dài hay ngắn tùy thuộc hội dòng. Thời gian khấn tạm này, các tu sĩ làm những công việc như những tu sĩ đã khấn trọn khác, nghĩa là làm bất cứ việc gì mà nhà dòng giao phó.

Cho nên, trong thời gian này là thời gian mà các tu sĩ cảm nhận tất cả đời sống tu trì của mình: vui buồn sướng khổ của đời tu, nhưng không phải để phản kháng, trách móc hay bất mãn, bởi vì hành trình đời tu là do mình chọn lựa với ân sủng của Chúa ban cho. Vì vậy, trong thời gian này là thời gian “vừa học vừa làm” nghĩa là vừa học những gì để đời sống tu đức ngày càng tăng tiến và học làm người tu sĩ thánh thiện, gương mẫu; học làm một tu sĩ như lòng Chúa mong muốn.

Muốn được vậy, chúng ta phải như Đức Chúa Giê-su kề cận với Đức Mẹ Ma-ri-a, nhìn lên Mẹ và lắng nghe lời chỉ bảo của Mẹ:

- Nhờ Đức Mẹ Ma-ri-a mà các tu sĩ trong thời gian khấn tạm sẽ đến được với Đức Chúa Giê-su. Cũng như Đức Chúa Giê-su ba mươi năm sốn trong gia đình Na-da-rét Ngài học ở nơi mẹ mình rất nhiều, và gia đình là nơi để Ngài chuẩn bị cho chương trình truyền giáo sau này, ở trong môi trường gia đình này, Đức Chúa Giê-su học tập làm con, học tập làm người và nhất là Ngài ý thức được sứ mạng của mình khi nhập thể làm con người như chúng ta.

- Các tu sĩ trong thời gian khấn tạm, có nghĩa là không còn ở trong khuôn viên tập viện nữa, không còn giữ giờ giấc của tập viện nữa, nói tắt là đã như chim con được trang bị cho đôi cánh để bay vào đời với cánh đồng truyền giáo. Các tu sĩ khấn tạm sẽ được bề trên sắp xếp theo nhu cầu của hội dòng và nhu cầu của việc truyền giáo mà trao cho họ những sứ mạng mà họ phải làm trong đời sống tận hiến. Đôi cánh của các khấn sinh được cứng mạnh dần lên theo mức độ cảm nhận được khi công tác bên ngoài ở giáo xứ, trường học hay bất cứ nơi đâu, tất cả đều là chuẩn bị cho bước đi dài hơn sau này, đó là khấn trọn, là dâng hiến cuộc sống của mình cho Thiên Chúa.

C. VÀ TRONG MẸ - (Thời gian khấn trọn)

1. Thời gian Đức Chúa Giê-su đi rao giảng tin mừng Nước Trời.

Đức Chúa Giê-su công khai sứ vụ rao giảng tin mừng Nước Trời khi ba mươi tuổi, với một nghi thức sám hối, đó là xuống song Gio-đan chịu phép rửa bời tay thánh Gioan Tẩy Giả, cả ba sách Phúc Âm đều tường thuật rằng, khi Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa xong thì các tầng trời mở ra: Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người, và có tiếng từ trời phán rằng: đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17) (Mc 1, 10-11) (Lc 3, 21-22).

Với nghi thức này, Đức Chúa Giê-su đã công khai ra đi vào đời, hay nói đúng hơn ra khỏi tổ ấm gia đình để hòa nhập vào cộng đồng mà Thiên Chúa đã chọn, đó là dân Ít-ra-en, từ dân tộc được tuyển chọn này, Đức Chúa Giê-su đã rao truyền một sứ điệp mới, đó là thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy sám hối và tin vào Phúc Âm (Mc 1,15).

Đức Chúa Giê-su đã từ giã mẹ mình là Đức Mẹ Ma-ri-a để đi rao giảng tin mừng Nước Trời cho nhân loại, và trong các Phúc Âm chúng ta không nghe nói Đức Chúa Giê-su trở về nhà của mình, hay nói cách khác không nghe nói Ngài trở về Na-da-rét để thăm mẹ của mình. Ra đi là bỏ lại sau lưng tất cả những gì là của mình, từ những sở hữu vật chất, từ những con người thân thương trong gia đình, nhưng chắc chắn là Đức Chúa Giê-su không bao giờ bỏ lại những lời dạy dỗ và tình thương yêu của mẹ đối với mình.

Các khấn sinh cũng vậy, trong những năm này các khấn sinh được sai phái đi đến những phương trời khác nhau, những công việc không giống nhau, như Đức Chúa Giê-su nói với các môn đệ là “ như chiên giữa bầy sói”, vì những cám dỗ của thế gian và ma quỷ, vì những va chạm trong đời sống cộng đoàn, vì những thiên vị của bề trên và còn rất nhiều lý do khác để các tu sĩ khấn sinh hiểu câu Lời Chúa “chiên giữa bầy sói”.

2. Thời gian khấn trọn.

Khi vượt qua giữa “bầy sói” là những cám dỗ để các khấn sinh tự vấn lương tâm và ý thức đời tu của mình có tiếp tục hay không, thì can đảm xin khấn trọn đời.

Như Đức Chúa Giê-su đã chuẩn bị đầy đủ trong ba mươi năm tại “tu viện Na-da-rét” và Ngài từ đó ra đi rao giảng tin mừng Nước Trời, khi đã ra đi là chấp nhận những thử thách trước mắt mình.

Khấn trọn là đã trưởng thành, là chính thức gia nhập vào một hội dòng và là người của hội dòng đó cho đến suốt đời, đây là thời gian trở thành một con người trưởng thành thực thụ, có thể tham gia tất cả những việc quan trọng của hội dòng, và như thế có thể nói rằng các tu sĩ tự tại sống trong gia đình của mình mà không còn lo sợ một thế lực nào cả.

Nhưng con đường tu trì không phải khấn trọn là chấm hết, nhưng chỉ là bước khởi đầu cho tinh thần mới, cho ý thức và hoàn cảnh mới, hoàn cảnh đây là “mặc lấy con người mới của Đức Ki-tô” trong đời sống dâng hiến sau khi khấn trọn của mình:

- Thực hành đức vâng phục.

Như Đức Chúa Giê-su đã vâng phục Đức Chúa Cha như thế nào, thì các tu sĩ sẽ vâng lời bề trên như vậy, bởi vì sự vâng lời không làm mất đi phẩm giá của người tu sĩ, trái lại nó làm tang them giá trị và được Thiên Chúa chúc lành.

- Hãy đến với Đức Mẹ Ma-ri-a..

Không một ai đến với Chúa mà không qua Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi Mẹ đã kinh nghiệm tuyệt vời về sự phó thác và vâng phục. Sự phó thác này của Mẹ cũng giống như cuộc đời của các tu sĩ sau khi khấn trọn, tất cả phó thác cho hội dòng và làm những gì mà hội dòng phân công, phó thác khi công việc truyền giáo quá nặng nề, khi có nhiều áp lực của đời sống cộng đoàn, thậm chí, đến cả những tính khí có khí bất thường của bề trên hay là của một tu sĩ lớn tuổi trong cộng đoàn.

Nói đến vâng phục tức là nói đến cái tôi của mình, cái tôi khó dạy bảo mà như lời của cha Vincent Lebbe rằng: cái tôi không bao giờ đánh ngã được, bởi vì ngã rồi nó cũng sẽ ngóc đầu lên, chỉ có đánh chết nó, cho nên ngài nói chỉ có triệt để thực hành lời khấn vâng phục thì mới có thể làm cho cái tôi chết hoàn toàn. Đức Mẹ Ma-ri-a đã để tâm hồn mình trống rỗng không chat61 chứa cái tôi của mình, không để tâm hồn mình chất đầy những lo lắng cuộc sống, nhưng hoàn toàn vâng theo ý Chúa trong cuộc sống, cho nên tâm hồn Mẹ luôn đầy tràn ân sủng của Chúa.

Khấn trọn là mức độ cao nhất của người tu sĩ, nhưng cao hơn nữa vẫn là sống tinh thần hợp nhất giữa hội dòng và bản thân mình, nghĩa là từ đây hể ở đâu có sự hiện diện của mình thì đó là có sự hiện diện của hội dòng trong đời sống thánh hiến của họ, và như thế họ càng phải cậy nhờ đến ân sủng của Thiên Chúa nhiều hơn nữa, như cá bơi lội trong nước thế nào thì người tu sĩ khấn trọn vui vẻ hạnh phúc ngụp lặn trong đặc sủng của hội dòng vậy.

Khấn trọn là tự mình đi trên con đường mà mình đang đi với nhiều cám dỗ của ma quỷ và thế gian, hội dòng chỉ cho người tu sĩ khấn trọn một công việc và họ phải chu toàn công việc ấy, do đó mà người tu sĩ khấn trọn phải luôn luôn bám sát ân sủng của Chúa, nắm lấy bàn tay của Đức Mẹ Ma-ri-a để xin Mẹ dẫn dắt. Mặc dù Mẹ không cùng Đức Chúa Giê-su đi rao giảng tin mừng, nhưng tâm hồn Mẹ vẫn luôn hướng về người con yêu quý của mình, và Phúc Âm cũng cho chúng ta biết là Đức Mẹ Ma-ri-a cũng đi tìm Đức Chúa Giê-su khi Ngài đi giảng đạo thánh.

Đức Mẹ Ma-ri-a cũng hằng ngày đến thăm các tu sĩ của Mẹ khi họ cầu nguyện, bởi vì Đức Chúa Giê-su ở đâu thì ở đó có Mẹ. Đến với Mẹ là đến với Chúa, Mẹ đến thăm là Đức Chúa Giê-su đến thăm.

Công việc của tu sĩ khấn trọn:

1. Ra đi truyền giáo = Công việc nhà dòng giao phó.

2. Độc lập suy nghĩ = Để công việc tiến triển.

3. Nhiệt tình công tác = Để giới thiệu Chúa cho mọi người.

4. Luôn cầu nguyện = Để thấy mình yếu đuối, bất toàn.

5. Chu toàn bổn phận = Là khi an nghỉ trong Chúa.


Tất cả những gì mà một tu sĩ khấn trọn làm thì đều làm cho Chúa qua hội dòng, chứ không phải làm cho mình, như Đức Chúa Giê-su đã nói Ngài làm việc với Cha, và không làm theo ý riêng mình nhưng theo ý của Cha. (Ga 5, 17-30)

Saigon, ngày 6.2.2020

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info