Các giáo sĩ Công Giáo ở Hoa Kỳ có nên đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu phiếu sơ bộ không? Câu trả lời là không, ít ra là ở Minnesota, theo khuyến cáo cuả văn phòng Hội Đồng các Giám Mục cuả tiểu bang.

Đức Tổng Giám Mục Hebda, giám mục tổng giáo phận St. Paul-Minneapolis, cũng vừa email cho tất cả các linh mục và phó tế là không nên tham gia vào các cuộc bầu cử sơ bộ vì lá phiếu (bí mật) cuả mọi cá nhân trong cuộc bầu cử sơ bộ này có thể được các đảng phái công khai hoá theo hướng thuận lợi cho họ.

Theo thông tấn xã CNA thì nói chung, các linh mục không nên tham gia hoạt động chính trị đảng phái, và văn phòng Hội Đồng các Giám Mục Công Giáo Minnesota cũng khuyên các giám mục của tiểu bang rằng, những thông tin liên quan đến sự tham gia và lựa chọn lá phiếu của một linh mục ở đây có thể được công khai, do đó việc một linh mục đi bỏ phiếu ngày 3 tháng 3 tới gọi là ‘Ngày Thứ Ba Siêu Việt’ (Super Tuesday) sẽ là ‘thiếu thận trọng’ (imprudent), theo lời ông Jason Adkins, giám đốc điều hành văn phòng Hội Đồng GMCG Mimmesota, gừi cho CNA ngày 27 tháng 2.

Trên nguyên tắc việc bò phiếu cuả một cử tri ở một trường tiểu học ở bang Minnesota vẫn là bí mật, nhưng vị chủ tịch cuả một đảng chính trị có thể biết được những cử tri nào đã bỏ phiếu cho đảng cuả mình trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Vì thế sau khi cảnh báo các linh mục và phó tế không nên tham dự cuộc bỏ phiếu, Đức Tổng Giám Mục Bernie Hebda của St. Paul-Minneapolis nhấn mạnh rằng tuy đạo luật miễn thuế cho các nhà thờ không cấm các giáo sĩ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ và các giáo sĩ có thể ủng hộ các ứng cử viên với tư cách cá nhân, tuy nhiên, vì các dữ liệu về bầu cử sơ bộ có thể trở nên công khai và việc làm cuả một giáo sĩ có thể được coi là hoạt động chính trị "đảng phái", do đó Giáo hội không khuyến khích các giáo sĩ tham gia vì lý do truyền giáo, chứ không phải vì thuế, Đức Tổng Giám Mục Hebda nói.

Hơn nữa, theo bà Kinda Cross, giám đốc truyền thông của Hội Đồng Các Giám Mục Công Giáo Minnesota, thì quy trình bầu cử sơ bộ cuả tiểu bang đòi hỏi một người tham gia phải chấp nhận các nguyên tắc của một đảng như là một điều kiện bỏ phiếu.

Điều này thu hẹp việc tham gia vào những người sẵn sàng công khai chấp thuận bản cương lĩnh chính trị của một đảng tại bang Minnesota.

Lời khuyến cáo của ông Adkins được xây dựng dựa trên những lo ngại về hoạt động đảng phái của các linh mục.

Tránh các hoạt động chính trị đảng phái giúp đảm bảo rằng một linh mục giữ được bản sắc cuả mình là một nhân chứng đáng tin cậy của Tin Mừng, ông Adkins nói.

Đặc biệt là trong hoàn cảnh phân cực chính trị như ngày nay, khả năng của một linh mục có thể dẫn dắt lương tâm cho giáo dân phụ thuộc một phần vào khả năng của ngài có vượt qua được sự chia rẽ đảng phái và không bị xáo trộn bởi những nghi ngờ về đảng phái.

Nhắc lại Bộ Giáo Luật (Canon) năm 1983 cấm các giáo sĩ Công Giáo đảm nhiệm một chức vụ công quyền có quyền lực dân sự. Cấm các linh mục tham gia tích cực trong các đảng chính trị và hiệp hội lao động, trừ phi đấng Bản Quyền cuả Giáo Hội xét rằng cần phải bảo vệ quyền của Giáo hội hoặc là để thúc đẩy lợi ích chung.

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, trong ấn bản tháng 2 năm 2020 về việc hướng dẫn giáo dân, đã mô tả vai trò bổ sung của các giáo sĩ trong xã hội. Là người lãnh đạo cuả Giáo hội, các giáo sĩ nên tránh việc ủng hộ hoặc chống lại các ứng cử viên, nhưng chỉ nên hoàn thành trách nhiệm giảng dạy các nguyên tắc đạo đức, giúp người Công Giáo hình thành lương tâm của họ và khuyến khích các tín hữu làm tròn nhiệm vụ trong đời sống chính trị.

“Giáo hội tham gia vào quá trình chính trị nhưng không phải là đảng phái. Giáo hội không ủng hộ một ứng cử viên hoặc một đảng. Nguyên tắc của Giáo Hội là bảo vệ cuộc sống và nhân phẩm của con người và bảo vệ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương”.