Vatican News hôm nay đăng tải bài phỏng vấn Đức Hồng Y Tagle của Alessandro Gisotti nhân dịp kỷ niệm lần thứ bảy cuộc bầu cử Đức Hồng Y Jorge Bergoglio làm Người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô với danh hiệu Phanxicô.

Nhân dịp này, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Bộ trưởng Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, nói rằng mỗi vị Giáo hoàng mới là một gói quà của Thiên Chúa, một gói quà “được mở” từ từ qua các năm tháng của thừa tác vụ Giáo Hoàng của ngài.



Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn:

Alessandro Gisotti: Thưa Đức Hồng Y Tagle, bảy năm đã trôi qua kể từ cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y có kỷ niệm gì về ngày 13 tháng 3 năm 2013 không?

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle: Tôi là một trong sáu giám mục được bổ nhiệm làm Hồng Y trong công nghị cuối cùng của Đức Bênêđíctô XVI vào ngày 24 tháng 11 năm 2012. Ba tháng sau, tôi là thành phần của công nghị bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Toàn bộ sự kiện tạo nên một trải nghiệm duy nhất nhưng nhiều mặt.

Trong số nhiều kỷ niệm của ngày 13 tháng 3 năm 2013, tôi muốn chia sẻ hai kỷ niệm.

Đầu tiên, khi Đức Hồng Y Bergoglio nhận được số phiếu cần thiết cho một vị được bầu làm Giáo hoàng, các Hồng Y đã hết sức vui mừng, vỗ tay và ca ngợi Thiên Chúa, Đấng đã bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ không bỏ rơi Giáo hội của Người. Nhưng khi tôi nhìn vào Đức Hồng Y Bergoglio, tôi thấy ngài đang ngồi, đầu cúi xuống. Sự phấn khởi của tôi đột nhiên chuyển sang bi ai. Trong tư thế cúi đầu của vị tân Giáo hoàng, tôi cảm thấy sức nặng của đức vâng lời hay cúi đầu trước thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Tôi cũng cảm thấy cần phải cúi đầu cầu nguyện, một hành vi tín thác vào Thiên Chúa, Đấng vốn là Mục tử đích thực của Giáo hội.

Thứ hai, khi chúng tôi tham gia cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô để chào đón đám đông tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, tôi nhận ra rằng mỗi vị tân Giáo Hoàng đều là một gói quà của Thiên Chúa, một gói quà “được mở” từ từ qua các năm tháng của thừa tác vụ Giáo Hoàng của ngài, hoặc một lời hứa rằng Thiên Chúa sẽ hoàn thành trước dân của Người. Khi tôi cảm ơn Thiên Chúa vì gói quà Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, tôi rất phấn khích được thấy gói quà và lời hứa mà Thiên Chúa sẽ bắt đầu chia sẻ với Giáo hội và thế giới trong những năm tới.

Gisotti: Triều Giáo hoàng đã mang đến điều gì cho Đức Hồng Y về phương diện bản thân và trong tư cách mục tử của một giáo phận lớn như Manila?

Đức Hồng Y Tagle: Ngoài sự phong phú trong giáo huấn và các cử chỉ mà chúng ta đã và đang nhận được từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bảy năm qua, tôi vui mừng về những bài học mà tấm gương của ngài đã dành cho tôi, đặc biệt trong tư cách mục tử ở Manila: chú ý đến từng cá nhân giữa những đám đông lớn, duy trì tiếp xúc bản thân giữa một tổ chức giáo hội hoặc “bộ máy bàn giấy” lớn, chấp nhận các giới hạn của mình và việc cần đến các cộng tác viên giữa những kỳ vọng “siêu nhân”, biết rằng mình là một người đầy tớ, không phải Đấng Cứu tinh.

Gisotti: Đức Hồng Y đã có cơ hội gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Điều gì làm Đức Hồng Y có ấn tượng nhất về con người và chứng tá của ngài?

Đức Hồng Y Tagle: Đức Hồng Y Bergoglio và tôi đã làm việc với nhau trong tư cách thành viên của Hội đồng Thường trực của văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục từ năm 2005 đến năm 2008. Tôi rất ấn tượng là ngài đã mang đến cho ngôi Giáo hoàng một con người đơn giản, hài hước và biết quan sát mà tôi luôn biết ngài là. Trong gần như mọi cuộc gặp gỡ của tôi với ngài trong tư cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô, câu hỏi đầu tiên ngài đặt ra không phải là về công việc trong ngày mà là “cha mẹ Đức Hồng Y ra sao?”

Trong khi nhiều người coi ngài rất đúng như một trong những người vận động và lên khuôn có ảnh hưởng nhất diễn trình của lịch sử và của nhân loại đương thời, thì tôi thấy nơi ngài và những cuộc trò chuyện của chúng tôi một dụ ngôn đơn giản về sự gần gũi và lòng cảm thương của Thiên Chúa. Và nhờ việc trở nên một “dụ ngôn” như thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể vận động và lên khuôn lịch sử.

Gisotti: Đối với Đức Giáo Hoàng, những người bị vứt bỏ là những người đầu hết: người bệnh, người nghèo, người di cư. Chỉ cần nghĩ tới những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Tuy nhiên, một số người thấy khó khăn chấp nhận “việc ưu tiên chọn” những người bé nhỏ nhất này. Tại sao như thế theo ý kiến Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Tagle: Tôi không muốn phán xét bất cứ ai, đặc biệt những người ông mô tả là “thấy khó khăn chấp nhận ‘việc ưu tiên chọn’" những người bị vứt bỏ, kể cả sáng thế. Tôi chỉ đơn thuần muốn nhắc nhở mọi người, kể cả bản thân mình, rằng tình yêu đặc biệt mà các Kitô hữu phải có đối với những người nhỏ bé nhất trong xã hội không phải là một phát minh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Kinh thánh, thực hành của Giáo hội từ khi ra đời, Giáo huấn xã hội của Giáo hội, chứng tá của các vị tử đạo và các vị thánh, và sứ mệnh không ngừng của Giáo hội đối với người nghèo và người bị lãng quên suốt nhiều thế kỷ tạo thành một điệp khúc và một bản giao hưởng mà chúng ta được mời nghe và tham gia bằng giọng hát của chúng ta và các “nhạc cụ” mà chúng ta hiện có, tức con người, thời gian, tài năng, kho báu của chúng ta.

Tôi đề nghị rằng chúng ta nên đích thân tiếp xúc và gặp gỡ nhiều hơn với những người nghèo, không ai giúp đỡ. Nhưng chúng ta nên để những cuộc gặp gỡ như vậy đánh động trái tim chúng ta và dẫn chúng ta đến việc cầu nguyện để chúng ta có thể nghe Chúa Giêsu nói với chúng ta nơi những người nghèo khó.



Gisotti: Đối với Đức Giáo Hoàng, việc công bố truyền giáo là điều căn bản. Làm thế nào “Giáo hội đi ra ngoài” có thể trở nên cụ thể hơn và điều này truyền cảm hứng ra sao cho Đức Hồng Y trong vai trò mới là Bộ trưởng Bộ truyền bá Tin Mừng?

Đức Hồng Y Tagle: Đúng là “Giáo hội đi ra ngoài” theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một Giáo hội đi tới những người nam nữ và các tình huống cụ thể của thế giới để mang đến Tin Mừng bằng lời nói và hành động. Truyền giáo hay truyền giảng Tin Mừng là lý do để Giáo hội hiện hữu.

Nhưng chúng ta không nên quên rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh đến sự kiện cốt yếu này là sứ mạng phải bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ sâu sắc với Chúa Giêsu, từ kinh nghiệm đức tin và niềm xác tín rằng Chúa Giêsu yêu thương và cứu rỗi chúng ta, từ một trái tim tràn ngập niềm vui mà chỉ có Tin Mừng mới có thể mang lại, từ một trái tim được Chúa Thánh Thần đánh động để chia sẻ với người khác, để niềm vui của chúng ta và của họ có thể trọn vẹn (xin xem 1 Ga 1: 4). Không có Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, việc truyền giáo không phải là một việc ra đi phát xuất từ Chúa Cha. Nó trở thành một dự án của con người, một chương trình xã hội hoặc dân chính, có thể tự nó là một điều tốt, nhưng có thể không phải là sứ mệnh của Kitô giáo hay của giáo hội theo đúng nghĩa của từ `Mission’ (sai đi). Sứ mệnh Kitô giáo đích thực đòi hỏi các chứng tá đích thực. Chúng ta cần những người truyền giáo đích thực, không chỉ các công nhân. Chúng ta hy vọng rằng chúng ta có thể duy trì và phát huy định hướng này trong Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc.

Gisotti: Cuối cùng, Đức Hồng Y có lời cầu chúc nào cho Đức Thánh Cha trong ngày kỷ niệm triều giáo hoàng của ngài?

Đức Hồng Y Tagle: Tôi cầu chúc Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục khám phá và biểu lộ gói quà và lời hứa của Thiên Chúa đối với Giáo hội và nhân loại khi ngài được mời gọi bước vào thừa tác vụ Phêrô bảy năm trước đây. Xin cho ngài được an ủi bởi lời cầu nguyện và tình yêu của nhiều người. Và tôi muốn nói rằng, “Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha hãy sống khỏe mạnh và vui tươi!”