Chúa đã yên lặng và đôi khi vẫn còn yên lặng. Điều này được chứng thực trong Tv 22, 3; Tv 143, 7 và nhiều nơi khác nữa trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử của nhân loại và đời sống của nhiều người :

“Ngày kêu Chúa không lời đáp ứng,
đêm van nài mà mãi chẳng yên” (Tv 22,3)

“Xin mau đáp lời con lạy Chúa, hơi thở con nay đã hầu tàn,
xin đừng ẩn mặt đi, kẻo con hóa ra người thiên cổ”. (Tv 143,9)

Trường họp được xem là gay go và khó hiểu nhất là sự yên lặng của Chúa Cha đối với Người Con Chí Ái của mình là Đức Ki-tô, khi Người Con này ở trong vườn Ghết-sê-ma-ni : “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. (Mt 26,40) Chén đắng là cuộc Thương Khó và cái chết. Khi sức chịu đựng của con người phàm đã tới mức cuối cùng, Đức Ki-tô đã kêu lên bằng những lời thảm thiết : “Êli, Êli, lê-ma xa-bác-ta-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con.” (Mt 27, 46) Não nùng và thảm thiết đến thế mà Thiên Chúa vẫn yên lặng !

Đức Ki-tô cũng đã yên lặng. Sự yên lặng của Người hiện ra tỏ tường trước những lời khiêu khích, nhạo báng của dân chúng,: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày, xây lại được, hãy cứu lấy mình đi. Mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào’’ (Mt 27, 39), Người vẫn lặng thinh. Không chỉ có dân chúng thôi đâu mà còn cả các kinh sư, kỳ mục, thượng tế cũng chế diễu Người nữa : “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en. Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền ! Vì hắn đã nói : Ta là Con Thiên Chúa”. (Mt 27, 3) Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng xỉ vả Người như thế : “Hắn ta gọi ông Ê-li-a !” (Mt 27,47) Trước những lời lẽ và cử chỉ này, Đức Ki-tô chỉ yên lặng.

Tối hôm 27 Tháng Ba vừa rồi, ĐGH Phan-xi-cô đã có một buổi chầu Thánh Thể cầu nguyện cho mọi người trên thế giới, nhất là những người cô đơn, bệnh tật, nghèo khổ, những người đang mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán hay đã qua đời vì bệnh này. Ngài cũng đã không quên cầu cho các bác sĩ, y tá đang phục và tìm cách chế ra các thứ thuốc hữu hiệu đế chống lại con vi-rút Vũ Hán. Lời cầu nguyện thật là chân thành thống thiết. Cùng theo dõi và tham dự buổi cầu nguyện này có hàng triệu triệu người trên khắp thế gian. Bình thường mà nói, Chúa khó có thể làm ngơ trước những lời cầu nguyện khẩn khoản như thế. Chắc hẳn là như vậy, vì Kinh Thánh cho thấy Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu : “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23); “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.” (Tv 30,6) “Trông cậy Chúa đi, Ít-ra-en hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.” (Tv 130,7)

Từ khi cơn đại dịch xuất hiện, không biết bao nhiêu người Công Giáo đạo đức và những người thiện chí ở khắp nơi đã cầu nguyện, vì thấy sức tàn phá kinh khủng của con vi rút quái ác mà trí tuệ và khả năng của con người như chưa tìm ra cách nào thỏa đáng để giải quyết. Cũng có nhũng người nghĩ rằng đây là lúc Chúa ra tay quyền phép vô biên, để cho thấy chỉ vì một con vi trùng mắt thường không xem thấy, mà cả thế giới đã phải đảo điên khốn đốn như vậy, thì khi Người ra tay thực sự, thế giới sẽ ra sao.

Những người không tin thì không thế nào chấp nhận chuyện con tầu ông Nô-ê và trận lụt Đại Hồng Thủy cũng như những lời đe dọa trừng phạt Chúa dùng ngôn sứ Gio-na để cảnh cáo dân thành Ni-ni-vê và Sô-đô-ma cho họ ăn năn sám hối để tránh cơn đại họa. Điều căn bản đã trở thành chân lý là loài người phản nghịch lỗi nghĩa cùng Thiên Chúa, thì Người đành lòng phải ra tay trừng phạt, để kêu gọi họ trở về đường ngay nẻo chính. Nhưng loài người vẫn cứng tin. Những sự lạ xẩy ra ở Lộ Đức, Fatima đáng lẽ phải làm cho họ tin. Nhưng được mấy người? Những chuyện như con tầu Titanic xẩy ra vào Tháng Tư năm 1912 cũng vậy. Nền Hàng Hải Anh Quốc và những người thiết kế ra nó tuyên bố một câu đầy ngạo mạn rằng Thượng Đế có muốn đánh chìm cũng không đánh chìm nổi. Nhưng nó đã chìm tại vùng biển Canada, chỉ sau một ngày ra khơi; đã mấy người nhìn vào đó mà tin !

Tình hình thế giới trước cơn đại dịch hiện nay rất khẩn thiết. Ai cũng mong có một phép mầu để chấm dứt tình trạng đau thương này. Đó là phép mầu của những lời cấu nguyện. Nhưng có thể phép mầu này sẽ đến chậm do sự yên lặng có “tính toán” của Thiên Chúa, vì đường lối của Người không như đường lối của chúng ta và lối hành xử của Người cũng không như chúng ta nghĩ. Chúa có thể đáp ứng ngay. Nhưng có lẽ Người sẽ còn khoan giãn một ít lâu nữa, để cho nhiều người “thấm đòn” mà tỉnh ngộ, đừng chống lại chủ quyền sáng tạo của Người và tìm mọi cách để đẩy Người ra khỏi cõi đời này, như Feuerbach, Nietzsche hô hào trong các sách của các ông, và nhiều nhà nhân bản vô thần khác như Albert Camus trong tác phẩm Bệnh dịch (La Peste).

Nietzsche đã tuyên bố một câu xanh rờn: “Chúa đã chết. Chúng ta không nên đi đến nhà thờ, nếu chúng ta muốn hít thở không khí trong lành.” Camus cũng nói : ông muốn một tôn giáo mà trong đó người ta không phải chắp tay hay quì gối.

Trong trường hợp “cầu mà chưa được, ước mà chẳng thấy”, thì những người tin lại càng phải nghĩ đến sự yên lặng nhiệm mầu của Chúa, nghĩ đến cách thế cầu nguỵện và xu hướng của lòng mình mà đùng vội nản chí. Chúa muốn dùng sự yên lặng của Người để thử thách lòng tin của chúng ta. Người nói ai bền chí đến cùng thì sẽ được cứu : “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. (Mt 10, 22). Tin Mừng cũng nêu gương cho chúng ta về sự kiên trì trong truyện người bạn quấy rầy: “Thầy nói cho anh em biết, dầu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lỳ ra đấy.” (Lc 11, 5-8)
Cuối cùng vấn đề của chúng ta là vững tin và trông cậy. Chúng ta nên nghĩ đến tổ phụ Abraham : “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp; ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu”, (Hr 11, 8) và lời thánh vịnh :

“Khi tôi trung cầu cứu đến ta, Ta liền đáp lại
Lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự
Cho sống lâu, tuổi thọ an lành.” (x Tv 91, 15.16)

Chúa liền đáp lại. Nhưng cái liền của Chúa không phải như cái liền của chúng ta, vì khoảnh khắc thời giờ của Chúa thì khác. Điều này khiến chúng ta lại càng phải kiên trì và vững lòng chờ đợi.