Lúc 7 sáng thứ Ba 14 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho sau khi kết thúc dịch bệnh, nhân loại đoàn kết với nhau hơn là chia rẽ, và ngài thúc giục các tín hữu cầu nguyện xin ơn hiệp nhất.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Trong những thời điểm khó khăn này, xin Chúa cho chúng ta biết khám phá tình hiệp thông ràng buộc chúng ta, và nhận ra rằng sự hiệp nhất luôn lớn hơn bất kỳ các yếu tố gây ra chia rẽ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã chú ý đến lời mời gọi hoán cải của Thánh Phêrô trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2: 36-41).

Bài Ðọc I: Cv 2, 36-41

“Anh em hãy ăn năn sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Kitô”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô nói với những người Do Thái rằng: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô”. Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?” Phêrô nói với họ: “Anh em hãy ăn năn sắm hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em sẽ nhận lãnh Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến!”

Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ rằng: “Anh em hãy cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này”. Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thánh Phêrô đã nói với những người tập trung tại Giêrusalem hãy ăn năn và trở về với Chúa. Ăn năn có nghĩa là trở về với sự trung tín. Trên đường đời, luôn luôn có những ảo ảnh thu hút sự chú ý của chúng ta, và chúng ta thường mê mải dõi theo những ảo ảnh đó. Nhưng, chúng ta được mời gọi để trở thành những dân trung tín với Chúa, trong thịnh vượng cũng như lúc gian truân.

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng sự tự tin quá độ thường dẫn đến sự bất trung.

Ngài đặc biệt nhắc đến Chương 12 của Sách Sử biên thứ hai. “Củng cố được vương quốc và trở nên hùng mạnh rồi, vua Rơkhápam bỏ Lề Luật của Thiên Chúa, khiến toàn thể nhà Israel cũng theo gương ấy” (2 Sb 12: 1).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một sự kiện lịch sử, nhưng nó cũng thường xảy ra một cách phổ quát.

Nhiều lần, khi chúng ta cảm thấy an toàn, chúng ta bắt đầu lập kế hoạch và chúng ta dần dần rời xa Chúa. Chúng ta không giữ sự trung tín với Ngài. An ninh của tôi không còn là thứ mà Chúa ban cho tôi. Đó là lối suy nghĩ tôn thờ ngẫu tượng. Đây là những gì đã xảy ra với vua Rơkhápam và dân Israel. Nhà vua cảm thấy an tâm khi chứng kiến một vương quốc hợp nhất - và bắt đầu từ bỏ lề luật Chúa và quay sang tôn thờ các ngẫu tượng.

Có người có thể phản đối rằng “Tôi chưa bao giờ quỳ xuống trước một ngẫu tượng. Không, chớ bao giờ.” Có lẽ đúng là anh chị em chưa bao giờ quỳ gối như thế, nhưng thật sự là anh chị em đang tìm kiếm các ngẫu tượng và tôn sùng chúng trong lòng mình. Sự tự tin quá độ thường mở toang cửa tâm hồn cho các ngẫu tượng.

Cảm thấy an toàn không phải là một điều gì xấu. Đây là một ân sủng. Thật là tốt khi được an toàn trong sự nhận biết rằng Chúa ở cùng tôi.

Nhưng trái lại, an ninh trở thành một cái nạng và dẫn đến tội lỗi khi tôi đặt mình vào vị trí trung tâm và thôi không còn trung tín với Chúa nữa.

Đây là toàn bộ lịch sử của Israel và toàn bộ lịch sử của Giáo hội. Chúng ta thấy trong đó đầy rẫy sự bất trung, đầy rẫy những hành vi tự cao tự đại và tự tin khiến Dân Chúa từ bỏ Người. Đức Thánh Cha cay đắng nhận xét rằng ngay cả giữa chúng ta ngày nay, lòng trung thành không phải là một đức tính được đánh giá cao.


Source:Vatican News