1. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đề nghị gọi Thánh Gioan Phaolô II là “The Great”

Trong một bức thư gởi cho Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhân sinh nhật thứ 100 của vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, sẽ được mừng vào ngày thứ Hai 18 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã đưa ra đề nghị gọi vị Thánh Giáo Hoàng là “The Great”. Như thế, nói theo tiếng Việt, ta sẽ gọi ngài là Thánh Gioan Phaolô II Cả, như ta gọi Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, và Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả.

Sau khi phân tích các thành công của hai vị Giáo Hoàng Cả, Đức Bênêđíctô 16 viết:

“Trong cuộc thảo luận về hình dạng tương lai của Châu Âu và nước Đức vào tháng 2 năm 1945, người ta nói rằng cần phải lưu ý đến ý kiến của Đức Giáo Hoàng. Stalin liền hỏi: Giáo hoàng thì có được bao nhiêu sư đoàn? Đúng thế, Đức Giáo Hoàng không có sư đoàn nào. Tuy nhiên, sức mạnh của đức tin lại hóa ra là một lực lượng cuối cùng đã giật sập được hệ thống quyền lực của Liên Sô vào năm 1989 và tạo ra một khởi đầu mới cho nhân loại. Không thể chối cãi rằng đức tin của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một yếu tố thiết yếu trong sự sụp đổ của các thế lực. Và vì vậy, sự vĩ đại xuất hiện nơi Thánh Giáo Hoàng Lêô thứ Nhất và Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô thứ nhất chắc chắn cũng được nhìn thấy ở đây.

Chúng ta hãy mở ngỏ cho câu hỏi liệu tính ngữ ‘The Great’ - [‘Cả’] - sẽ thịnh hành hay không. Đúng là sức mạnh và lòng nhân lành của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình đối với tất cả chúng ta nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong một thời gian khi Giáo hội một lần nữa phải chịu sự áp bức của cái ác, đối với chúng ta ngài là một dấu chỉ của niềm hy vọng và sự tự tin.

Thánh Gioan Phaolô II, xin cầu cho chúng con!”


Source:Catholic News Agency

2. Tình hình tổng quát trên thế giới

Tính đến thứ Bẩy 16 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 307,493 người, trong số 4,609,315 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong 24 giờ qua đã có 5,317‬ người chết và thêm 93,334‬ người nhiễm coronavirus.

Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu các trường hợp nhiễm bệnh với 1,480,419 trường hợp nhiễm coronavirus, trong đó có 88,298 trường hợp tử vong. Trong một diễn biến cho thấy quan hệ ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh, tổng thống Donald Trump cho biết ông đang suy tính đến khả năng đoạn giao với Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, trong 3 ngày liên tiếp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) vẫn kiên trì nhắc đi nhắc lại cái gọi là “sách trắng” của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong đó có 15 điều quan trọng như Trung Quốc cũng chỉ là nạn nhân của COVID-19 như các nước khác; quân đội Hoa Kỳ là thủ phạm gây ra đại dịch; Trung Quốc là quốc gia được Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, công nhận là hàng đầu thế giới trong việc chống đại dịch coronavirus kinh hoàng này; và thế giới phải biết ơn Trung Quốc.

Tây Ban Nha đứng thứ hai với 274,367 trường hợp nhiễm coronavirus, và 27,459 người thiệt mạng. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là một phút mặc niệm của các nhân viên y tế tại bệnh viện La Paz ở Madrid để tưởng nhớ đến các nhân viên y tế đã mất mạng trong đại dịch COVID-19. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch toàn cầu kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Có bao nhiêu nhân viên y tế đã chết tại Tây Ban Nha là điều không ai biết vì chính quyền của Thủ tướng cánh tả Pedro Sánchez thuộc đảng Công Nhân Xã Hội không thực hiện các thống kê về những cái chết anh hùng này.

Nga đang đứng thứ ba với 262,843 trường hợp nhiễm coronavirus, và 2,418 người thiệt mạng. Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại Giao Nga đã lên tiếng phê bình hai tờ báo tại Hoa Kỳ là tờ New York Times và tờ Fianancial Review vì cáo báo cáo trên hai tờ báo này cho rằng con số người nhiễm bệnh tại Nga thực sự cao hơn con số được báo cáo.

Hôm thứ Hai 11 tháng Năm, tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu hàng triệu công nhân trở lại các nhà máy và các công trình trên khắp nước Nga, tuyên bố chấm dứt sáu tuần cô lập hoàn toàn mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao nhất - đặc biệt là ở Mạc Tư Khoa.

Hai tờ báo tại Hoa Kỳ cho rằng dỡ bỏ lệnh cô lập sớm như thế là sai lầm và chính quyền của tổng thống Putin đã cố ý hạ thấp con số thương vong vì coronavirus để buộc người dân đi làm trở lại.

Tuy nhiên, vào hôm thứ Năm, ông Putin đã tuyên bố một cách khẳng định với chính phủ rằng cuộc sống đang “nối lại nhịp sống bình thường, quen thuộc của nó” và thúc giục họ tập trung vào các ưu tiên không phải là coronavirus.

Anh quốc đang đứng thứ tư với 236,711 trường hợp nhiễm coronavirus, và 33,998 người thiệt mạng. Bất kể con số thương vong vẫn còn cao, ngày 10 tháng Năm, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu những ai không thể làm việc từ nhà hãy trở lại làm việc. Ngày 11 tháng Năm chính phủ đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại các hoạt động bình thường. Giáo Hội tại Anh và xứ Wales bày tỏ sự không hài lòng vì kế hoạch của chính phủ không đề cập đến việc mở cửa trở lại các thánh đường.

3. Tình hình tại Italia và tại Tòa Thánh

Ý đang đứng thứ năm với 223,885 trường hợp nhiễm coronavirus, và 31,610 người thiệt mạng. Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ được mở cửa trở lại vào ngày thứ Hai 18 tháng Năm. Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết sáng ngày thứ Năm các đại diện của 4 đền thờ chính ở Rôma, là đền thờ thánh Phêrô, đền thờ Đức Bà Cả, đền thờ thánh Gioan Latêranô và đền thờ thánh Phaolô ngoại thành – đã tham dự cuộc họp do Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh tổ chức nhằm thảo luận về các biện pháp cần thiết khi mở cửa lại bốn đại đền thờ này.

Các vị đại diện đã thảo luận về các biện pháp cần áp dụng trong giai đoạn 2 của quá trình cách ly của Ý, khi các nhà thờ được phép mở cửa lại cho tín hữu tham dự Thánh lễ từ ngày 18 tháng Năm, với những hạn chế nghiêm nhặt.

Các nhà thờ ở Ý được yêu cầu giới hạn số người tham dự bằng cách bảo đảm khoảng cách một mét và những người tham dự phải đeo khẩu trang. Các nhà thờ phải được làm sạch và khử trùng giữa các Thánh lễ.

Ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói rằng các đại diện của 4 đền thờ đã nói về “những biện pháp cần thiết phù hợp nhất để đảm bảo sự an toàn của tín hữu”, bao gồm việc đo thân nhiệt của những người muốn tham dự các cử hành phụng vụ, ít nhất là trong các Thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác.

Chia sẻ với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ông Bruni nói rằng mỗi đền thờ sẽ áp dụng các biện pháp phản ánh “đặc điểm cụ thể” của nó. “Đặc biệt đối với đền thờ thánh Phêrô, hiến binh Vatican sẽ đưa ra các hạn chế khi vào đền thờ, trong sự phối hợp chặt chẽ với Thanh tra an ninh công cộng, và sẽ tạo điều kiện cho việc vào đền thờ an toàn, với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên của Hội Hiệp sĩ Malta.

4. Brazil: Quan tài làm không kịp, dự đoán 11 triệu người chết vì coronavirus

Brazil, hay còn gọi là Ba Tây, đang đứng thứ sáu với 212,198 trường hợp nhiễm coronavirus, và 14,455 người thiệt mạng. Trong một diễn biến khá bi quan, hôm thứ Sáu 15 tháng Năm, Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil, ông Thomas Teich, đã đệ đơn từ chức và đã tổ chức một cuộc họp báo sau đó.

Ông Teich, là người bị tổng thống Bolsonaro chỉ trích là quá nhút nhát trong nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế chỉ mới giữ chức vụ này chưa được một tháng. Trong cuộc họp báo lần cuối cùng, ông Teich tiên báo ít nhất có 11 triệu người sẽ phải chết vì coronavirus tại quốc gia này trong vài tháng tới. Giải thích lý do từ chức, ông Teich nói tại các thành phố lớn như Manaus và Belém tình hình bi quan đến mức quan tài làm không kịp và trong những ngày này những người thiệt mạng chỉ được an táng sơ sài trong các ngôi mộ tập thể, ngay cả quan tài cũng không có. Trong bối cảnh kinh hoàng như thế, ông bất mãn với chính sách của tổng thống Bolsonaro là người đang tiếp tục thúc bách giảm bớt các hạn chế nhằm mở lại nền kinh tế.

Dân chúng Brazil cũng tỏ ra đồng tình với tổng thống trong việc mở lại nền kinh tế qua các cuộc biểu tình phản kháng lệnh cách ly xã hội.

Ông Teich nói trong hoàn cảnh như thế, ông không thể làm gì hơn là từ chức. Giải thích về con số bi quan 11 triệu người sẽ chết vì coronavirus, ông Teich cho biết tại Rio de Janeiro và Sao Paulo, nơi tập trung các khu ổ chuột của Brazil, căn bệnh đã đẩy các bệnh viện công lên hết sức chứa, người Brazil trong vùng đập vào xoong nồi từ cửa sổ của họ để phản đối sau khi có các báo cáo nói rằng đa số những người chết trong những ngày này đã phải chết ngay trên xe cứu thương. Các xe cứu thương chở các bệnh nhân chạy hết từ bệnh viện này sang bệnh viện khác vì không có giường cho bệnh nhân. Cuối cùng, họ chết ngay trên xe cứu thương.

Nguồn tin từ Giáo Hội Brazil cho biết, tháng Hai vừa qua, khi dịch bệnh đã bùng phát kinh hoàng tại nhiều nơi trên thế giới, một số lễ hội chủ yếu do giới đồng tính tổ chức vẫn tu hút một số đông người tham dự như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Hậu quả của những lễ hội này là một con số đông đảo những người phải vào bệnh viện làm sụp đổ hệ thống y tế vốn đã rất yếu ớt của quốc gia này.

Một nguồn tin chính phủ nói với thông tấn xã Reuters rằng các thành viên trong nội các Brazil đang đề nghị tổng thống cử phó bộ trưởng y tế Eduardo Pazuello, nguyên là một tướng lãnh quân đội, trở thành bộ trưởng y tế mới.

5. Tình hình tại Đức và Bỉ

Đức đang đứng thứ tám với 175,490 trường hợp nhiễm coronavirus, và 7,971 người thiệt mạng.

Sau hai tháng đóng cửa vì dịch COVID-19, các nhà thờ tại Đức đã được tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự theo một hình thức mới: anh chị em tín hữu được khích lệ đeo các khẩu trang y tế như một cử chỉ bác ái đối với người khác, các chất khử trùng tay được cung cấp tại lối ra vào và chỉ một số ít giáo dân đã ghi danh trước mới có thể tham dự các Thánh lễ.

Bỉ đang đứng thứ 15 với 54,644 trường hợp nhiễm coronavirus, và 8,959 người thiệt mạng.

Bia của các linh mục tu sĩ Dòng Trap là một trong những loại bia hiếm nhất trên thế giới, và cuối cùng các tu sĩ tại tu viện Thánh Xitô ở Bỉ đã có thể tái sản xuất. Giống như phần còn lại của thế giới, các vị đã phải nghỉ ngơi một chút trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, công việc của các ngài không giống như trước.

Thầy Godfried nói với Reuters rằng:

“Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng tôi làm việc theo lịch hẹn để chúng tôi có thể kiểm soát dòng người đến đây. Cũng có những dấu hiệu yêu cầu mọi người ở trong xe của họ và đừng lang thang xung quanh. Ngoài ra, chúng tôi đã bật đèn đỏ để chỉ có một hoặc hai người thực hiện giao dịch và họ có thể giữ đủ khoảng cách. Ngoài ra còn có những miếng kính được cài đặt và thuốc khử trùng được đặt ở khắp mọi nơi.”

“Tất nhiên, tình trạng hiện tại không mấy khả quan, chúng tôi chỉ có thể bán trên thị trường Bỉ vì biên giới đã đóng cửa. Bia này thường được ưa chuộng trên thị trường quốc tế nhưng những khách hàng nước ngoài không được phép đến đây trong một thời gian nữa.”

Thầy Godfried nói rằng mặc dù việc mở cửa trở lại có những giới hạn nhất định, nhà dòng đã thấy nhu cầu bùng nổ rất lớn.

Hơn 5,000 người đã tạo tài khoản mới với nhà dòng chỉ trong vài ngày qua.

6. Tình hình tại Syria

Cuối cùng, chúng tôi xin được gởi đến quý vị và anh chị em một vài hình ảnh về các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự tại Syria.

Đất nước tang thương vì cuộc nội chiến điêu tàn kéo dài từ tháng Ba năm 2011 đến nay đã may mắn có số người nhiễm coronavirus rất thấp. Đến nay chỉ có 50 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và 3 người thiệt mạng vì virus Tầu độc địa này.

Trong bối cảnh đó, các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự đã được tái tục vào Chúa Nhật tuần qua.

7. Thánh lễ tại Santa Marta thứ Bẩy 16 tháng 5

Lúc 7 sáng thứ Bẩy 16 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang phục vụ trong công việc chôn cất những người đã chết vì đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chịu trách nhiệm trong việc chôn cất những người quá cố trong đại dịch này. Đó là một trong những công việc của lòng thương xót khi chôn xác kẻ chết và tất nhiên đó không phải là một điều dễ chịu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ vì cũng như các nhân viên y tế họ cũng đang phải liều mạng trước nguy cơ nhiễm trùng.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước.”

Phúc Âm: Ga 15, 18-21

“Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về thế gian, về lòng căm thù của thế gian đối với Người và các môn đệ Người. Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian nhưng xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi tinh thần thế gian.

Đâu là tinh thần thế gian muốn phá hủy và làm băng hoại Giáo hội? Thưa: đó là sự đề xuất một lối sống tách biệt với Tin Mừng. Tinh thần thế gian là thứ văn hóa phù hoa, chuộng vẻ bề ngoài, trang điểm để che đậy, nó có những giá trị hời hợt, một nền văn hóa không biết trung tín là gì bởi vì nó thay đổi theo hoàn cảnh, như một con tắc kè hoa, nó thương lượng mọi thứ.

Chúa Giêsu nhấn mạnh trong lời cầu nguyện của Người rằng Chúa Cha bảo vệ chúng ta khỏi thế gian, khỏi một nền văn hóa sử dụng và vứt bỏ theo sự tiện lợi. Tiếc thay, đó lại là cách sống của nhiều người tự xưng mình là các Kitô hữu nhưng sống rất trần tục. Những lo lắng liên quan đến thế gian nhấn chìm đức tin của họ.

Cha de Lubac nói rằng tinh thần thế gian là điều tồi tệ nhất trong các tệ nạn của Giáo hội khi nó trở thành một cách sống tâm linh của các tín hữu Kitô. Tinh thần thế gian giết chết linh hồn chúng ta vì nó ghét đức tin. Đáng buồn là tinh thần thế gian đi vào mọi nơi, ngay cả trong Giáo hội, dưới các dạng thức che đậy.

Tinh thần thế gian không chấp nhận được tai tiếng của thập tự giá, vì liều thuốc giải duy nhất chống lại tinh thần thế gian là Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Chiến thắng chống lại thế gian là đức tin vào Chúa Giêsu. Và đức tin ấy không có nghĩa là cuồng tín, không có nghĩa là không nói chuyện với người khác.

Để kết luận, Đức Thánh Cha xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng để nhận ra tinh thần thế gian và những tiêu chí của Tin Mừng để chúng ta không bị lừa dối. Nếu thế gian ghét chúng ta, hãy nhớ rằng nó đã ghét Chúa Giêsu trước. Nhưng chúng ta hãy vững dạ cậy trông vì Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha cho chúng ta khỏi rơi vào tinh thần thế gian.


Source:Vatican News