Giữa mùa tranh cử Tổng thống Hoa kỳ, một biến cố có tính xoay chiều bất ngờ đã diễn ra đó là việc Thẩm phán Tối cao phò phá thai Ruth Bader Ginsburg qua đời và việc bổ nhiệm người thay thế vị này bằng một thẩm phán Công Giáo phò sinh, Amy Coney Barrett. Công luận như lửa gặp gió lại bùng lên dữ dội. Bên bênh bên chống, cùng một cường độ như nhau.



Sở dĩ như thế, vì bà ở trong danh sách dài những người Công Giáo Lamã có can đảm ra gánh vác việc nước và bị chất vấn về tác động của đức tin mình đối với vai trò sắp đảm nhiệm. Những người Công Giáo ấy bao gồm John F. Kennedy, người lúc ấy (1959) bị người ta văn hỏi, đã phải đáp lại rằng: ông chỉ theo ý dân mà cai trị, không theo Vatican! Kiểu chất vấn này được dư luận Hoa Kỳ đặt ra đối với bất cứ người Công Giáo nào muốn thủ vai trò lãnh đạo hàng đầu ở Hoa Kỳ, chỉ trừ Joe Biden, cũng là người Công Giáo nhưng không ai hỏi ông ta câu hỏi ấy. Lý do, trên thực tế, ông chống lại không phải Vatican mà là chống lại giáo huấn Công Giáo một cách ngang nhiên, giữa thanh thiên bạch nhật. Chính vì thế, theo một vị giám mục Hoa Kỳ, liên danh Biden-Harris không có ai là người Công Giáo cả.

Riêng bà Barrett, lúc được đề cử làm thẩm phán tòa phúc thẩm Chicago, bà từng bị ít nhất 2 Thượng nghị sĩ Dân Chủ “quay như dế” về đức tin của bà.

Theo Carol Zimmermann của Catholic News Service, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, D-California, nói với bà: "giáo điều sống rất lớn tiếng bên trong bà, và đó là điều đáng lo ngại”.

Theo đúng bài bản của Kennedy, bà đáp “không bao giờ thích đáng để một thẩm phán áp đặt các xác tín bản thân của thẩm phán đó, bất kể chúng phát xuất từ đức tin hay bất cứ nơi nào khác, lên pháp luật”.

Thượng nghị sĩ Dick Durbin, D-Illinois, hỏi bà có tự nhận mình là một người Công Giáo “chính thống” hay không, thì bà dõng dạc, không do dự trả lời “Nếu ngài hỏi tôi có coi trọng đức tin của tôi và tôi có là người Công Giáo hay không, thì xin thưa, có, tôi là thế. Mặc dầu tôi xin nhấn mạnh việc tôi thống thuộc Giáo Hội hay niềm tin tôn giáo của tôi không gây trở ngại trong việc tôi chu toàn bổn phận làm thẩm phán của mình”.

Thực ra, khi Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein nói với Barrett rằng: "giáo điều sống rất lớn tiếng bên trong bà”, bà ta rất có thể nghĩ tới, nhưng không nói ra, tư cách hội viên của Barrett trong nhóm canh tân đặc sủng Công Giáo có tên là People of Praise. Người ta sợ tính cực chính thống của nhóm này.

Nhưng theo Cha W. O’Halloran, Dòng Tên, thì tư cách hội viên của nhóm này không đáng lo ngại mà còn là điều tốt nữa. Nó không hề mang tính chất của một thứ “đạo” bí mật (cult). Chính Cha O’Halloran cũng từng lớn lên trong một cộng đoàn đặc sủng Công Giáo như Barrett.

Theo Cha O’Halloran, ngoài các nguyên tắc sống đạo khác có tính cộng đồng ra, nhóm của Barrett “dấn thân sâu xa đối với người nghèo” và, dĩ nhiên, tin tưởng Chúa Thánh Thần sẽ canh tân Giáo Hội và thế giới.

Vả lại, theo Đức Cha Peter Smith, Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Portland, Oregon, một thành viên của Nhóm, thì nhóm có tính đại kết, thậm chí “cả người Cộng Hoà lẫn Dân Chủ đều đăng ký gia nhập People of Praise”.

Phó Tổng thống Mike Pence, nói với ABC News, cũng bênh vực việc Barrett thống thuộc nhóm People of Praise: “tôi phải nói với bạn sự bất khoan dung phát biểu lúc bà được xác nhận lần trước đối với đức tin Công Giáo của bà, tôi thực sự tin là một cách không hề phục vụ diễn trình và là một ngã lòng đối với hàng triệu người Hoa Kỳ”.



Ván bài chính trị

Điều không ai chối cãi là: việc đề cử bà có tính cách chính trị. Clemente Lisi, chẳng hạn, cho rằng việc đề cử Barrett vào Tối Cao Pháp Viện “lên năng lực cho cử tri Công Giáo ủng hộ Trump”. Theo tác giả này, “các cuộc tấn công từ một số người Dân Chủ mà Barrett chắc chắn sẽ phải chịu đựng như một phần trong diễn trình xác nhận, nếu bà là người được đề cử, sẽ giúp ích cho Trump rất nhiều. Ngược lại, nó sẽ gây thương tích cho Biden, một người Công Giáo cố gắng dành phiều do dự ở Pensylvania và Ohio có cùng đức tin như ông bỏ phiếu cho ông, nếu người Dân Chủ bắt đầu tấn công đức tin của bà (Barrett). Nếu có điều gì xẩy ra mà phe chống Công Giáo tấn công Barrett thì điều này sẽ khích động các cử tri bầu cho Cộng Hòa và làm các cử tri Công Giáo còn đang do dự khắp vùng Rust Belt (vùng địa dư từ New York tới Midwest) nghiêng về Trump”.

Hãng tin A.P. thì cho hay ngay cả trước khi chính thức đề cử Barrett, Trump và đồng minh quốc hội không để mất thì giớ, trái lại đã tổ chức chiến dịch quảng cáo tốn nhiều triệu bạc và vận động người ủng hộ cho việc xác nhận đề cử viên và thăng tiến triển vọng Trump thắng cử nhiệm kỳ hai.

Đối với Trump, đây là một trợ giúp chính trị đang rất cần để cố gắng “nổi lửa” cho cơ sở của ông. Đối với phe bảo thủ, đây quả là một bõ công cho việc ủng hộ đôi khi khá không hài lòng đối với Trump. Còn đối với đảng Dân Chủ, A.P. nhận định, đây là một khoảnh khắc tính sổ mới khi đang chiến đấu cam go giành lại Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện.

Trưởng ban tổ chức đảng Dân chủ tại Thượng viện, Dick Durbin, chua chát nhận định “họ sẽ bẻ cong mọi sự” để xác nhận Barrett càng nhanh càng tốt, một việc, theo A.P., Dân chủ bất lực, không thể ngăn chặn.

A.P. cũng cho hay các nhóm bảo thủ ngoài quốc hội, những người chờ đợi việc này cả 40 năm nay, sẵn sàng chi tiêu hơn 25 triệu dollars để ủng hộ Trump và người được đề cử.

Giống như Clemente Lisi, A.P. cũng nghĩ rằng sẽ là một của từ trời rơi xuống cho phe ủng hộ Trump nếu các Thượng nghị sĩ Dân chủ dám tấn công đức tin của Barrett một lần nữa như họ đã làm năm 2017, bởi việc này sẽ khiến cử tri Công Giáo ở Pensylvania đang nghiêng về Biden chạy qua ủng hộ Trump!

A.P. kết luận rằng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đang chuẩn bị dùng việc xác nhận lần này để nâng cao hiệu quả chính trị tối đa cho họ.

Viễn tượng bà là thành viên trẻ nhất của Tối Cao Pháp Viện cũng khiến phe Dân Chủ ngán ngẩm vì bà sẽ sống lâu đủ để ảnh hưởng tới lịch sử phán quyết của toà cao nhất nước, nhất là trong vấn đề đang câu phiếu và câu tiền của họ, là các vấn đề phò sinh và phò phá thai.



Chính vì thế mà Biden, người mà CNN gọi là “người Công Giáo sùng đạo”, hết sức vận động để chống đối bất cứ động thái nào nhằm xác nhận việc đề cử Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, kể cả việc vận động phe Công Giáo cấp tiến như Religion News Service gọi Barrett là “người Công Giáo gây tranh cãi”.

Cuồng tín chống Công Giáo

John Daniel Davidson thì gọi chung những người chống đối việc đề cử là phe cuồng tín không phải chỉ chống Trump hay chống Barrett mà là chống Công Giáo.

Ông cho rằng cuồng tín chống Công Giáo không phải là điều mới mẻ ở Hoa Kỳ. Mới chăng là ở chỗ toàn bộ đảng Dân Chủ ủng hộ nó.



Ông viết: nếu Barrett được đề cử “các phương tiện truyền thông sẽ chạy hết ga cuồng tín chống Công Giáo. Tong khi ấy, đảng Dân Chủ sẽ qua mặt các phương tiện truyền thông trong phương diện này, một nhiệm vụ không hẳn dễ”.

Davidson trích dẫn bài báo của Washington Post nói rằng cách đây mấy năm, trong một cuộc nói chuyện, Barrett từng nói rằng “nghề luật chỉ là một phương thế phục vụ một mục đích... và mục đích đó là xây dựng Nước Thiên Chúa”. Câu này thì người Công Giáo hay Thệ phản, Do Thái giáo hay Hồi giáo nào cũng có thể nói. Nhưng theo Tờ báo, nó hàm ý Barrett sẽ du nhập một thứ thần trị Công Giáo vào Tối Cao Pháp Viện.

Cùng ngày, tờ Newsweek cho đăng một bài điên khùng chống Barrett vì bà vốn thuộc một nhóm Kitô giáo có tên là People of Praise nhằm gây hứng cho “Câu truyện Nữ Tỳ”, như thể đại biểu cho chủ trương đàn áp phụ nữ bằng chủ nghĩa tộc trưởng tôn giáo.

Davidson trích lại các phát biểu của Thượng nghị sĩ Kamala Harris, người đứng chung liên danh với Biden: bà ta từng tố cáo một người được đề cử làm thẩm phán liên bang, ông Brian Buescher, có những “lập trường cực đoan” chỉ vì ông ta thuộc Hội Hiệp Sĩ Columbus, một hội từ thiện Công Giáo nhưng tuân theo giáo huấn của Giáo Hội về phá thai và hôn nhân đồng tính.

Nói cho ngay, những người Công Giáo như Biden, Pelosi cũng chỉ là các nạn nhân của lịch sử thiên kiến chống Công Giáo tại Hoa Kỳ, một lịch sử họ không làm gì được mà chỉ biết nương theo đó để tiến thân.

Theo Davidson, suốt gần trọn thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Công Giáo bị hoài nghi nhẹ nhất là “có hai lòng trung thành, mà tệ nhất là trung thành với Rôma. Họ bị xa lánh, phỉ báng, và kỳ thị nhiều cách bởi chính dòng Thệ Phản, nhất là qua điều gọi là Các Tu Chính Án Blaine thập niên 1880, cấm tiểu bang tài trợ cho các trường Công Giáo.

Sử gia Harvard Arthur M. Schlesinger, Sr., gọi thiên kiến chống Công Giáo là “xu hướng sâu xa nhất trong lịch sử dân tộc Hoa Kỳ”. Nhiều người khác, như sử gia John Higham, gọi nó là “truyền thống xum xuê, dai dẳng nhất trong xách động hoang tưởng của lịch sử Hoa Kỳ”.

Dù trong 60 năm qua, các thái độ chống Công Giáo đã nhẹ bớt đi, khiến năm 1960, John F.Kennedy không còn phải đương đầu với cùng một thứ thù nghịch vì là người Công Giáo như thống đốc Al Smith của New York khi tranh cử chức tổng thống vào năm 1928, nhưng chúng vẫn còn đó. Với những người theo cánh tả trong đảng Dân Chủ, các thái độ ấy đã lặng lẽ trở thành cơm bữa.

Ba cách phe cấp tiến công kích đức tin Công Giáo của Amy Coney Barrett

Ký giả David Mills thì cho rằng phe cấp tiến và phò phá thai sẽ chống bà trên ba trận tuyến: thứ nhất coi Công Giáo như bất xứng tự trong nó, thứ hai trình bầy mọi niềm tin người ta không thích là “tôn giáo” và do đó bị cấm, thứ ba trích dẫn sai để biến nạn nhân thành người Công Giáo cuồng tín.

Mills xếp các nhận xét của Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein về đức tin của Barrett vào loại tấn công thứ nhất: đánh vào điều bà gọi là “giáo điều” (dogma) Công Giáo. Dùng chữ “giáo điều” với hàm ý xấu, Feinstein bôi lọ xác tín tôn giáo của một con người. Chính bà ta mới “giáo điều” khi tuyệt đối bênh vực phá thai và hôn nhân đồng tính.

Về loại tấn công thứ hai, Mills trích dẫn Newsweek hai năm trước đây khi họ cho rằng coi việc phá thai “lấy đi mạng sống vô tội” là quan điểm tôn giáo, tức phe phái, trong khi ai cũng thấy đứa trẻ chưa sinh là một mạng sống và em hoàn toàn vô tội. Người vô thần cũng thấy thế! Chủ trương ấy không hẳn là chủ trương tôn giáo, nó chỉ nói y hệt như người ta bảo Nam cực nhiều tuyết hơn Miami.



Loại thứ ba có ý tấn công Barrett cổ vũ thần trị khi họ trưng dẫn câu Barrett nói: luật sư phải phục vụ Thiên Chúa trước nhất. Họ trích dẫn câu ấy nhưng không trích dẫn bối cảnh của nó. Bà nói trong một bài diễn văn khai giảng tại Trường Luật của Đại Học Notre Dame, bị họ trích dẫn bỏ bớt như sau “nghề luật của các bạn chỉ là một phương thế cho một mục đích, và mục đích ấy là xây dựng Nước Thiên Chúa”. Như thể bà theo lập trường thần trị nguy hiểm. Thực ra bà nói nguyên văn như sau: “các bạn nên luôn nhớ rằng nghề luật của các bạn chỉ là một phương tiện cho một mục đích, và như Cha Jenkins nói với các bạn sáng nay, mục đích ấy là xây dựng Nước Thiên Chúa. Các bạn biết cùng một thứ luật lệ, các bạn được trao cho việc duy trì cùng những tiêu chuẩn đạo đức, và sẽ bước vào cùng những loại việc thuộc phạm vi luật như những người cùng trang cùng lứa khắp nước của các bạn. Nhưng các bạn nên nhớ rằng mục đích chính của các bạn ở trên đời không phải để làm một luật sư, nhưng là để biết, yêu và phục vụ Thiên Chúa, và thực sự các bạn sẽ là một loại luật sư khác hẳn”. Có chi đâu là thần trị, theo nghĩa đòi cho được Thiên Chúa đứng đầu quốc gia và mọi luật lệ của quốc gia phải cong theo niềm tin tôn giáo.