Vài Tâm Tình Dịp Tạ Ơn Ngân Khánh Linh Mục (30/11/2020)

“Anh hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19) (Bài Tin Mừng). Thoạt nghe lời Chúa Giêsu nói với người phung cùi gốc lương dân chúng ta rất dễ liên tưởng tưởng đến căn bệnh nan y thể lý. Tuy nhiên xét suy cho kỷ thì cả 9 người gốc Do Thái giáo không trở lại cũng đã được lành sạch, thế thì lòng tin của anh ấy đã cứu chữa anh ta khỏi một căn bệnh hiểm nghèo khác và đó là căn bệnh vô ơn. Dù rằng theo luật được ghi trong Sách Lêvi thì việc đi trình diện với các tư tế là việc phải làm sau khi thấy mình được lành bệnh để các tư tế chứng nhận và cho hội nhập lại với cộng đồng, thế nhưng rất có thể 9 người Do Thái giáo kia lầm tưởng rằng do chính việc họ giữ lề luật nên họ được lành sạch. “Bàn tay ta làm nên tất cả”. Thái độ tự cao, sự ỷ lại vào công lao của mình là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta dễ sống vô ân và có khi là bạc nghĩa. Người bạc nghĩa vô ân thì không chỉ đáng trách mà nhất là còn rất khó sử dụng ân ban cách hữu hiệu và lâu bền. Có thể luận suy rằng 9 người gốc Do Thái giáo kia khi đã sống vô ân thì ắt hẳn sẽ dễ tái nhiễm lại căn bệnh nan y phung cùi đã từng mắc phải.

Sự sống siêu nhiên mà chúng ta lãnh nhận, thiên chức linh mục mà các tư tế thừa tác chúng tôi đây đón nhận, tất thảy đều là ân ban cách nhưng không của Thiên Chúa. Một vài phút hồi tâm để xét suy cách thế mình sử dụng ân ban xem có hữu hiệu và theo ý Đấng trao ban như thế nào quả thật rất cần thiết để lượng giá sự tri ân của mình.

Tạ ơn Thiên Chúa là điều chính đáng và phải đạo. Linh hồn thì Thiên Chúa phú ban trực tiếp cho từng người còn ngoài ra ta có thể nói mọi sự khác như thân xác này cùng các ơn lành thì Thiên Chúa đều ban qua trung gian mẹ cha ông bà, thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân hữu, kẻ này người kia… Như thế việc biết ơn nhau cũng là một cách thế chúng ta nói lên tâm tình tri ân cảm tạ Đấng tối cao chí nhân chí lành.

Dĩ nhiên làm sao quên được công ơn của các đấng bậc sinh thành dưỡng dục và sự dạy dỗ của các ân sư hay các mục tử trong giáo hội. Tôi không thể quên lời ông cha bạn Matthêu Nguyễn Quang Tuấn ngày cách đây 35 năm thời còn ‘lông bông” ở Sài Gòn: “Nếu mày còn muốn tu thì về Ban Mê Thuột làm rẫy với tau”. Đã từng có đó nhiều lời động viên và cả sự giúp đỡ về vật chất và sự động viên của bạn bè lương dân, có người suýt nữa đã là Đại Đức trong Phật giáo. Đến ngày lãnh chức linh mục tôi mới biết là có người dù ở cách xa hàng trăm cây số vẫn âm thầm từng ngày dâng cho tôi một kinh Kính Mừng. Làm sao quên được hình ảnh hai bậc cha anh lặn lội từ Huế vào Ban Mê Thuột mời gọi người đàn em gắn bó với Chúa trong đời hiến dâng triệt đễ hơn cách đặc biệt với việc cầu nguyện lâu giờ từng ngày.

Xin được tri ân cộng đoàn giáo xứ Châu Sơn như là mãnh đất tốt để hạt giống linh mục của tôi mọc lên đơm chồi nẩy lộc trong sự thánh thiện và sự hiến dâng. Cám ơn Cộng đoàn giáo xứ Thuận Hiếu, Thuận Hòa, Buôn Hằng, Thuận Phúc, Thuận Tâm, Thăng Tiến là những nơi đã từng vun đắp cho tôi lữa nhiệt tình tông đồ truyền giáo. Xin cám ơn giáo xứ Phúc Lộc nhà nơi chúng ta đang cùng nhau sống đạo cách trưởng thành, đặc biệt trong tình liên đới yêu thương, nhất là với những người nghèo hèn, kém phận.

Cùng với lời tri ân cảm tạ, xin được chân thành nói lên lời tạ tội và xin lỗi. 25 năm qua, 4 năm làm phó xứ, 21 năm làm quản xứ, Chúa biết tỏ tường và anh chị phần nào thấy rõ những lầm lỗi sai sót của tôi vì hữu tình hay vô ý, bởi sự kiêu ngạo hay vì yếu đuối mỏng dòn. Thân phận sành sứ mọn hèn, chân thành thú nhận như lời cha già Irênê Nguyễn Bình Tỉnh rằng “công ít, tội nhiều”, xin Chúa thứ tha và xin anh chị em bỏ quá cho.

Thật là thiếu sót nếu lời tạ ơn và tạ tội không dẫn đến động thái như thánh Tông đồ dân ngoại là sẵn sàng “quên đi chặng đường đã qua” để rồi dấn thân “lao mình về phía trước” (x.Gl 3,13), quyết tâm lại bắt đầu như thuở nào cách đây 25 năm. Xin anh chị em hiệp ý vừa cầu nguyện vừa góp phần xây dựng bằng nhiều cách thế để quý anh em linh mục chúng tôi ngày càng trở nên những vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Xin cho chúng tôi, cách riêng cho tôi ba điều mà tôi đã từng xin trong dịp tĩnh tâm năm vừa qua:

1.Nỗ lực sống đạo đức hơn trên nền tảng đức khiêm nhu và sự lương thiện. Quả thật bản thân tôi vẫn có đó sự hèn nhát và cả sự sợ hãi nên thánh thiện, vì chắc chắn phải đương đầu với thần dữ nhiều hơn và phải từ bỏ mình nhiều hơn. Tự lượng sức mình không đủ quân lực để đương đầu với thần dữ và ba đào của thế trần, chỉ mong sao nỗ lực sống đạo đức trên sự khiêm nhu và tính lương thiện để tránh tình trạng đạo đức giả hình cũng như sự ỷ công, cao ngạo của nhiều Biệt phái thời Chúa Giêsu.

2. Biết sống hòa nhã dễ gần nhưng vẫn có bản lãnh và sự tự trọng để không quá xuề xòa và nhất là không xun xoe với người phận cao chức trọng ngoài xã hội hay cả trong Giáo Hội.

3. Tập sống quảng đại hơn, sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân những gì mình lãnh nhận, đặc biệt qua thiên chức linh mục. Xin đừng để tôi biến mình thành nhân viên quan thuế của ân sủng như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng cảnh báo, nghĩa là quá khó khăn khi thi hành thừa tác vụ mục tử. Cũng xin cho tôi biết chia sẻ cho tha nhân, nhất là cho người nghèo cả về vật chất của tiền, vì hầu chắc do bởi thiên chức linh mục mà tôi được anh chị em rộng rãi biếu tặng biết bao nhiêu của tiền.

Phận sành sứ mãi luôn còn đó với kiếp người đầy bất toàn. Xin hiệp với tâm tình thánh Tông đồ Phêrô, mong sao qua nỗ lực sống đạo đức hơn chút nữa, sống dễ gần và quảng đại hơn tí nữa thì dẫu cho chút tình của mình chưa thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi thì cũng có thể đền bù chút nào đó những vấp váp và sai lỗi của phận hèn bụi đất sành sứ mong manh (x. 2Cor.4,7).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa