“CON CHƯA BIẾT THẦY Ư?”
“Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư?”.

Một ngày nọ, vua Oscar II của Thuỵ Điển đến thăm một trường làng; vua yêu cầu học sinh kể tên những vị vua vĩ đại nhất của Thụy Điển. Các em nhao nhao lên tiếng, “Gustavus Vasa, Gustavus Adolphus, Charles X”. Bỗng cô giáo nghiêng người xuống một cậu bé, thì thầm một điều gì đó. Cậu bé lên tiếng, “Và vua Oscar II”. Vua liền hỏi, “Có thật không? Nào Oscar đã làm được gì?”. “Con, con… con không biết”, cậu bé bất hạnh lắp bắp. “Được rồi!”, nhà vua nói, “Ta cũng không biết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện dễ thương trên đây đưa chúng ta về một câu chuyện cũng khá dễ thương khác trong Tin Mừng hôm nay, nhân ngày kính hai thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ; đó là cuộc đối thoại giữa Philipphê và Chúa Giêsu. Dẫu cuộc đối thoại này được xem như một lời quở trách của Ngài dành cho Philipphê, nhưng đó là một trách cứ khá thực lòng. Chúa Giêsu nói, “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà ‘con chưa biết Thầy ư?’ Philipphê!”. Quả thế, Chúa Giêsu đã dành nhiều thời gian cho các môn đệ; Ngài ở với họ, ăn với họ, cùng đi đây đi đó và dành cho họ nhiều buổi trò chuyện. Vì thế, nhận xét của Chúa Giêsu là một nhận xét phát xuất từ một tương quan cá vị thực sự và sống động cách riêng với Philipphê, ‘Con chưa biết Thầy ư?’.

Chúng ta hãy khởi sự với phần đầu, “Thầy ở với các con bấy lâu rồi”. Hãy tưởng tượng Chúa Giêsu cũng đang nói điều này với mỗi người chúng ta. Có thể đây là điều mà Ngài muốn nói với chúng ta. Chúa ở với chúng ta trước khi chúng ta hình thành trong dạ mẹ, rồi từng ngày lớn lên qua bàn tay đùm bọc của Ngài; và còn hơn thế, Chúa gìn giữ chúng ta như con ngươi mắt Ngài. Vì vậy, đây là lúc chúng ta tự hỏi, có đúng là chúng ta đã đáp lại Ngài khi đã dành nhiều thời gian cho Ngài? Chúng ta có dành thời giờ để đọc Phúc Âm; nói chuyện với Ngài từ sâu thẳm lòng mình, trò chuyện, cầu nguyện với Ngài và lắng nghe giọng nói dịu dàng của Ngài không? Và Chúa Giêsu tiếp tục, “Thế mà con chưa biết Thầy ư?”; ‘Thầy ở trong Bí tích Thánh Thể, trong tâm hồn con, trong gia đình con, trong các biến cố buồn vui của con đó!’. Đây là một sự thật khiêm tốn mà điều quan trọng là chúng ta phải thừa nhận. Sự thật là, ngay cả những người có một đời sống cầu nguyện rất sâu sắc, đã được biến đổi, cũng không biết Chúa một cách đủ sâu. Sẽ không có một giới hạn đối với sự biến đổi vốn có thể xảy ra trong cuộc sống của chúng ta một khi chúng ta biết Chúa Giêsu một cách cá vị! Vì thế, thật cần thiết khi chúng ta được nghe lại nhận xét của Ngài, ‘Con chưa biết Thầy ư?’.
Chúa Giêsu lại tiếp tục, “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”. Vì vậy, câu hỏi tiếp theo dành cho chúng ta sẽ là, ‘Chúng ta có biết Chúa Cha không?’; ‘Chúng ta có biết tình yêu của Chúa Cha, sự chăm sóc và ý muốn hoàn hảo của Ngài dành cho chúng ta không?’. Mặc dù Chúa Cha và Chúa Con được hợp nhất trong một Thiên Chúa nhưng Chúa Cha và Chúa Con vẫn là những Ngôi Vị riêng biệt; và do đó, chúng ta phải nỗ lực thiết lập cho mình một mối quan hệ yêu thương với mỗi Ngôi Vị.

Anh Chị em,

Những lời mạc khải của Chúa Giêsu hôm nay mở rộng con tim và sự hiểu biết của chúng ta. Quả thật, Thiên Chúa đang sống, đang hoạt động, đang ở giữa và ở trong chúng ta. Chúng ta là phàm nhân, chân bám đất, nhưng lại được gắn chặt vào sự sống thần linh của Đấng ngự trên trời. Chính vì chúng ta không thể hiểu nổi nên Con Thiên Chúa đã làm người hầu mặc khải cho chúng ta thấy, đụng chạm và hiểu biết Ngài. Còn hơn thế, Ngài đã biến thành bánh để nuôi dưỡng sự sống thần linh ấy trong mỗi người. Chúng ta thật giá trị trước mặt Thiên Chúa. Vậy mà xem ra câu hỏi dành cho Philipphê, cũng dành cho chúng ta thật xác đáng, ‘Con chưa biết Thầy ư?’ Hãy để những lời của Chúa Giêsu khích lệ chúng ta tìm hiểu sâu hơn về Ngài. Hãy cầu nguyện cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa trở nên cá vị hầu được biến đổi hơn. Và khi chúng ta hiểu biết về Chúa Giêsu một cách thân mật hơn, hãy biết, đó cũng là Cha trên trời mà chúng ta đang muốn học biết.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa ở rất gần con; Chúa ở bên con, trong con. Xin cho con cảm nhận được Chúa đang hiện diện trong từng khoảnh khắc đời con; ngõ hầu con luôn xác tín trong mọi biến cố như lời Thánh Vịnh, “Lạy Chúa, bàn tay Ngài đang đặt trên con” và một ngày nào đó, Chúa sẽ không cần hỏi con ‘Con chưa biết Thầy ư?’ nữa”, Amen.

(Tgp. Huế)