Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền



TIẾNG SÁO TRONG CÕI TRỐNG SA MẠC

Lm. Trần Cao Tường

 



ÂM THANH CỦA TĨNH LẶNG The Sound of Silence

Ảnh của Lm. Trần Cao Tường, chụp tại nhà Tĩnh Niệm sa mạc Arizona, USA.

Tâm tình sâu thẳm nhất luôn hiển lộ trong lặng tĩnh.

The deepest feeling always shows itself in silence.

Ở thành phố lâu năm, ai mà chẳng cảm thấy thấm mệt với cái ngột ngạt đầy nghẹt và ứ đọng của cuộc sống thường ngày.

Thời giờ thì đầy nghẹt bề bộn từ sáng đến tối khó mà tìm được phút thanh thản cho chính mình; đường xá đầy nghẹt xe cộ xếp hàng mà nhích từng bước một; đầu óc luôn đầy nghẹt các vấn đề suy nghĩ mỗi ngày một chồng chất; nhà cửa đầy nghẹt đồ đạc máy móc chẳng còn chỗ len chân; tủ quần áo đầy nghẹt thời trang mới sắm không còn chỗ nhét, vậy mà vẫn còn thấy chưa đủ; ngay cả cái bụng mang hơi hám Mỹ cũng đầy nghẹt phì mỡ phát triển không đều một cách thảm hại...

Và như vậy, đầy nghẹt đã trở thành nét tiêu biểu của thời nay, qua câu truyện kể về một đệ tử muốn tìm môn sư để học đạo sống.

Khi đến gặp Thầy, đệ tử đặt rất nhiều thắc mắc đòi Thầy phải giải đáp. Thay vì trả lời những câu hỏi của học trò mới, Thầy lấy ra một ly nước đầy để trên bàn, rồi lấy một ấm trà vừa lắng nghe vừa tiếp tục rót vào ly nước, khiến cho nước trà chảy tràn ra ngoài ướt đẫm chung quanh. Lấy làm lạ, anh học trò mới nhắc Thầy vì tưởng Thầy đãng trí, nhưng Thầy làm như không nghe thấy mà cứ tiếp tục rót. Một lúc sau khi trò ngưng hỏi thì Thầy cũng ngưng rót, rồi Thầy trầm trầm bảo người trẻ mới tới:

"Lòng anh đã quá đầy như ly nước trà này. Thầy có rót gì thêm cũng tràn ra vô ích mà còn làm ướt át chung quanh. Anh hãy về đi, lúc nào lòng anh có khoảng trống thì trở lại!"

CÕI TRỐNG VỜI VỢI

Muốn dành cho mình một khoảng trống và thử đi tìm cảm nghiệm cõi trống vời vợi "chân không diệu hữu" như đã từng được nghe trong nhiều truyền thống tôn giáo, đặc biệt trong Đạo Chúa, tháng 3 năm 2000 tôi đã trở lại sa mạc Arizona tức sa mạc Sonora lần thứ ba. Lần này tôi dành cả một tháng trời để tập sống trong một trung tâm tịnh niệm ngay trong vùng cây xương rồng loại cao lớn saguaro.

Trung tâm tịnh niệm này có nhiều lều nhỏ (hermitage) rải rác cách biệt cho mỗi người giống như kiểu "tu rừng". Ban đầu cái gì cũng làm cho mình khó chịu hết. Ăn uống thật khem khổ như kiểu ăn chay hằng ngày, không bia, không rượu, chủ yếu là bánh, rau và nước lạnh, họa huần mới có một chút thịt. Mỗi ngày đi lấy một khay nhỏ đồ ăn về lều ăn riêng như kiểu khất thực, may mà không đói quá để phải tìm ăn "châu chấu và mật ong rừng." Và suốt ngày mọi người đều giữ thinh lặng không nói chuyện với ai. Lều không có Tivi, không có báo chí tin tức gì, không thư từ liên lạc với ai, không có dây điện thoại, nên cũng không có e-mail hay internet gì hết. Và cũng không có xe. Từ phi trường Tucson được xe loại "stagecoach" chở tới địa điểm sa mạc này rồi chôn chân luôn.

Khí hậu sa mạc thật khắc nghiệt: ban trưa nóng kiểu mùa hè và ban đêm độ nhảy xuống đột ngột đúng cái lạnh của mùa đông. Vậy mà lều tôi ở không có máy lạnh và máy sưởi thì hư. Gió lộng lên rất bất thường, đập rầm rầm đe dọa làm rợn cả người. Không khí rất khô làm cong cả giấy, làm nứt và bong da, cả người như bị dị ứng sẩn cả lên. Sau hơn nửa tháng tôi mới thấy cơn mưa đầu tiên chẳng được mấy hạt nước mà gió giật đùng đùng muốn lật cả lều và vần vũ mù mịt cả sa mạc. Và chỉ nửa giờ sau gió nổi lên, nhiệt độ liền nhảy xuống thành mùa đông lạnh cóng.

Chung quanh chỉ có đất đá khô cằn với những cây xương rồng saguaro to lớn oai vệ có những cánh tay vươn cao trong tư thế cầu nguyện bất kể đêm hay ngày, nóng hay lạnh. Ở đây không có bọ cạp hay rắn lửa như sa mạc người Do Thái, nhưng có ít nhất là bẩy loại xương rồng khác nhau. Đáng sợ nhất lại là loại nhỏ nhất, mọc len lỏi lẩn trong những chùm cây thấp, vô ý là cả một tảng gai li ti bám chặt vào quần áo và xỉa thẳng vào da.

Nhưng trong bầu khí sa mạc mở trống bao la này tâm hồn thật thảnh thơi. Những buổi sớm mặt trời lên từ rặng núi xa hay những buổi chiều mặt trời xuống tỏa ánh sáng huyền ảo tô màu cho những cây xương rồng saguaro trở nên thật sinh động và hút hồn như cả một rừng người đang đứng vươn cao tay hướng lên trời với những ống sáo thẳng tắp trổi lên những điệu nhạc rất thầm lặng nhưng mang một âm hưởng kỳ bí lạ lùng.

Vào sa mạc là trở thành lòng trúc trống, tự nhiên phải buông bỏ mọi tiện nghi và sở thích. Cảnh trí khô khan đều đều đến nhàm chán chứ không hùng vĩ hay thơ mộng gì cả như vùng Grand Canyon, Sedona, Yosemite... Không có gì mới mẻ gây thích thú hào hứng lúc đầu cả. Không có "áo quần lả lướt hay cây sậy phất phơ trước gió" kiểu "gió đưa cành trúc la đà" nên thơ cả!

ĐIỆU MÚA CỦA TRIỆU SAO

Nhưng chỉ sau một tuần là mình quen dần với những cái xem ra tầm thường nhàm chán. Những cây xương rồng khô cằn bỗng mang nét đặc sắc riêng, không theo tiêu chuẩn ở phố. Được cái lợi là chả cần tiền bạc mua bán gì; quần áo thì mặc sao cũng được, thậm chí mặc đẹp một chút là thấy lạc lõng và mắc cở với những cây saguaro chả có gì mà sang trọng oai vệ quá sức kia. Cái bụng phì mỡ của mình được san đẽo bớt gồ ghề đi; chỉ sau mười ngày là phải thắt đai lưng hẹp lại một nấc, rồi hai nấc. Điệu này ở lâu chắc cũng bị khoét thành ống sáo mất thôi!

Và mình bắt đầu biết mê sa mạc. Đưa đi một đống sách mà mình hết muốn đọc. Cả sa mạc mở rộng đang là một cuốn sách kỳ bí cho mình bước chân vào. Kìa, hai con nai và mấy con thỏ rừng bỗng xuất hiện ngay bên, thản nhiên thong thả bước đi như chẳng có gì phải sợ hãi đề phòng ai, rồi ba bốn con vật thật lạ đen đen như một loại heo mò đến gần lều kiếm đồ ăn. Thú nhất là nghe chim hót. Ở đây có nhiều loại chim rất lạ, thích đứng mãi trên đỉnh chòm gai cây saguaro mà hót rất dài mà thanh thản sảng khoái cùng độ, một tuyệt phẩm vừa sáng tác tại chỗ mà không cần đăng ký giữ bản quyền, ai có tai thì mặc sức mà nghe khỏi trả tiền. Đây đúng là một loại "thornbird" chứ gì. Ông van Beethoven xưa chỉ được mấy con chim ở bờ suối Heiligenstadt gợi hứng mà sáng tác được bản hòa tấu Pastorale để đời, nhưng chắc là thua xa bản hòa tấu của loại chim này.

Bầu trời ở đây cao và rộng hơn ở thành phố nhiều. Mình bỗng cảm nghiệm bầu trời này chính là một ngôi nhà thờ vĩ đại nhất, ngôi nhà vòm bao la lồng lộng với biết bao trang điểm kỳ ảo nhất. Chỗ này được xếp bằng một chùm sao hình chữ T, chỗ kia đặt những rặng cây saguaro lớp lang thứ tự, lại đẩy từng luồng gió đến phe phẩy mơn man lòng người. Mình thường dâng lễ riêng một mình ở lều, đôi khi đưa bàn nhỏ ra giữa sa mạc mà dâng lễ hòa nhập với muôn ngàn bài ca vang vọng giữa không trung vời vợi.

Mấy đêm nay trăng mọc rất sớm, mới chiều chiều đã ló lên vui vẻ chào thiên hạ rồi. Và ban đêm thì vằng vặc rải ánh sáng huyền ảo vào không trung bất tận. Mình vào lều pha một tách trà nóng ra đứng nhìn trăng và triệu triệu ngôi sao lấp lánh diệu ảo kia. Ở phố vẫn có trăng sao như thế này chứ, vậy mà có bao giờ mình được hưởng phút giây thần tiên như lúc này. Mình đứng đến khuya lắm mà chẳng muốn đi ngủ, làm như ngủ giữa lúc trăng sao đang ca hát nhảy múa thế kia thì có vẻ phí phạm quá. Mấy tối liền mình bỗng bốc cơn mơ mộng, đứng mãi mỏi cổ thì vác mền quấn kỹ ra nằm thật lâu giữa sa mạc trời lạnh mà nhìn lên học chiêm ngưỡng sao trời. Kìa, ngôi sao Bắc Đẩu đang nháy mắt cười đưa duyên. Chỉ cần nhìn hai chân của chiếc ghế trong chòm sao Gấu Lớn gạch một đường thẳng về tay trái là tới. Sao Bắc Đẩu chính là ngôi sao cuối cùng ở cái đuôi của chòm sao Con Gấu Nhỏ. Cả triệu triệu tỉ tỉ ngôi sao đang cùng ca vũ nhịp nhàng. Mặt trời của mình cũng chỉ là một ngôi sao li ti trong vũ trụ giữa muôn vàn ngôi sao. Trái đất chưa phải là một ngôi sao, mà chỉ là một chấm đen nhỏ xíu phản chiếu lờ mờ từ ánh sáng mặt trời. Sao Antares còn sáng hơn mặt trời 400 lần. Mặt trời tưởng rằng đứng một chỗ, nhưng thực ra đang cùng cả thái dương hệ chạy về hướng chòm sao Hercules với một tốc độ khủng khiếp là 12 dặm mỗi giây, tức trên 43 ngàn dặm một giờ.

Sa mạc ban ngày đã trống bao la mà ban đêm mới thực sự là một cõi trống huyền nhiệm, chỉ còn lại một bầu trời mở rộng thăm thẳm. Lúc này mình không còn là người ngoài nhìn ngắm bầu trời nữa mà muốn tan biến hòa nhập vào cõi trống vô biên này. Trời đã về khuya, mọi vật chung quanh trở thành một màn đen sịt, không còn màu sắc kích thước như thường thấy; những gì mình cho là to lớn cao giá sáng chói mọi khi sao bây giờ tự nhiên bị đổi tầm mức và giá trị, trở thành nhỏ bé đến tội nghiệp.

TIN VUI GỬI CÂY TRÚC TẦM THƯỜNG

Nhà tâm lý nổi tiếng nhất của thời đại là Carl Jung đã chứng minh và áp dụng công thức tâm lý trị liệu làm cho con người hồi phục toàn mãn bằng việc xả trống. Ông gọi qui trình này là Individuation, với bước khởi đầu là Unveiling the Persona, tức là buông xả con người giả tạo của mình đi. Chẳng lạ gì kịch nghệ Á Đông thường hay đeo hay vẽ mặt nạ, có ý diễn tả rằng trong cuộc sống người ta ít khi hành xử bằng con người thật của mình, mà thường bằng những ước vọng và đánh giá của xã hội. Nên mình cứ phải luôn nghe theo một thứ lệnh vô hình, cứ phải gồng mình mà phồng lên cho hợp tiêu chuẩn. Nghĩa là con người ít khi được sống tự do để thực sự là mình. Vậy là càng tìm mình thì càng mất chính mình, càng đầy thì càng vơi.

Nhưng con người đâu dễ tự xả trống làm vơi mình được! Kinh Thánh nói rõ, trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Vui, Chúa Giêsu đã được dẫn vào sa mạc để ăn chay, để cho lòng mở trống như một cây trúc cho Thần Khí làm việc, cũng là lúc nhận diện và chế ngự được những bóng đen vốn mai phục sai khiến điều khiển con người, khiến con người luôn bị hành hạ bởi lòng ham hố chất đầy vật chất, tham vọng, thành công... mà chẳng bao giờ thỏa. Và trong suốt mấy năm hoạt động, Chúa Giêsu vẫn thường luyện thần lực trong những nơi thanh vắng, vẫn tìm được cảm nghiệm sa mạc tĩnh lặng trong cuộc sống thường ngày..

Những chuyện đau buồn trong cuộc sống tưởng là những hòn đá làm mình vấp ngã, không ngờ lại chính là những nhát dao của nhà nghệ sĩ đại tài là Thần Khí đục khoét cho thân trúc tầm thường trở thành ống sáo. Thần Khí đã dẫn mỗi người vào sa mạc cuộc đời như đã dẫn tiên tri Hosea vào nơi thanh vắng mà thì thầm tâm sự, đồng thời cũng là lúc thanh luyện để có khoảng trống cho gió trời thổi vi vu mà rung lên Khúc Sáo Ân Tình, để Người mang qua lũng qua đồi, rung lên khúc sáo một trời yêu đương.

CÂY SÁO MỌC CÁNH

Bước vào cái bầu khí đất trời bao la vô hạn sa mạc là tự nhiên thấy lòng mình sao nhỏ nhen chi lạ, không còn đủ can đảm kéo ghì cái thành quách kiên cố bao phủ con người mình bấy lâu nữa. Cõi trống sa mạc đang là một ống sáo mọc cánh thật thênh thang vút cao. Mình cũng muốn hòa nhập vào cõi trống huyền diệu này, hòa nhập vào một sức sống bao la hơn, hòa nhập vào một nhịp sống của đất trời mở rộng mà trở thành một ống sáo lâng lâng bay bổng.

Trong cõi trống bao la này, con người không cần phải suy niệm về Đấng Huyền Nhiệm nữa, mà chứng nghiệm được Người thật sinh động, chạm đến tay Người đang lướt trên những lỗ sáo đời mình. Và như một mâu thuẫn không giải thích nổi, là trong cái tĩnh lặng và trống rỗng hầu như tuyệt đối này, một cảm nghiệm toàn mãn đầy tròn bao phủ. Thật lạ. Và con mắt cũng được mở ra để bước vào cuộc sống với một nhãn quan mới:

Bài hát tôi đã rũ sạch điểm tô lòe loẹt,

không còn kiểu cách huênh hoang.

Đồ trang sức sẽ ngăn cách Người với tôi, làm giảm đi thân tình,

làm động đạc át cả tiếng thì thầm nhè nhẹ.

Trước mặt Người lòng hợm hĩnh thơ văn nơi tôi chết trong thẹn thùng.

Này tôn sư đời tôi, tôi xin đến ngồi dưới chân Người!

Xin biến đời tôi thành bình dị, thẳng ngay,

như cây sáo trúc Người phả đầy âm nhạc vào trong.

(Tagore, Lời Dâng #7)