1. Biến thể Omicron lây lan quá nhanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thờ phượng

Biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh tại Úc Đại Lợi đe dọa các sinh hoạt tôn giáo. Từ trung bình vài trăm trường hợp nhiễm bệnh một ngày, New South Wales ghi nhận 11,201 trường hợp nhiễm bệnh mới trong một ngày duy nhất vào hôm thứ Ba 28 tháng 12, và ba trường hợp tử vong. Chỉ riêng tại tiểu bang này, số ca nhập viện đã tăng lên 625 ca, tức là tăng từ 557 ca trong kỳ báo cáo trước đó. Hiện có 61 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt.

Hơn 157,000 cuộc thử nghiệm COVID-19 đã được tiến hành vào hôm thứ Ba, tại New South Wales.

Vấn đề nghiêm trọng hiện nay là định nghĩa thế nào là “close contact” hay “tiếp xúc gần gũi”. Chẳng hạn như khi một người đến nhà thờ dự lễ được phát hiện đã nhiễm coronavirus, tất cả những ai tham dự cùng thánh lễ ấy đều phải đi xét nghiệm. Việc xét nghiệm này là bắt buộc. Nhiều người cho biết đã xếp hàng từ 10 giờ tối và đến 6g sáng hôm sau mới về đến nhà. Có trường hợp thê thảm đến mức xếp hàng từ 4g sáng đến 9g tối mới đến lượt mình chỉ để được thông báo rằng ngày mai trở lại vì các nhân viên y tế đã kiệt sức. Chính vì thế, trong khi các nhà thờ vẫn tiếp tục được mở cửa, nhiều người đã quyết định ở nhà dự lễ online vì sợ phiền phức.

Trong ngày thứ Năm 30 tháng 12, các nhà lãnh đạo của quốc gia nhóm họp để thảo luận về một định nghĩa mới thế nào “tiếp xúc gần gũi”, để tìm cách giảm bớt áp lực lên các hệ thống y tế và cơ sở xét nghiệm trên toàn quốc.

Thủ tướng Scott Morrison đã triệu tập cuộc họp nội các quốc gia nhanh chóng để giải quyết các vấn đề phát sinh từ biến thể Omicron COVID-19 có khả năng lây truyền cao, số ca bệnh tăng vọt và hàng chờ đợi quá lớn để xét nghiệm PCR.

Các chuyên gia y tế cho rằng người được cho là “tiếp xúc gần gũi” là người đã trải qua ít nhất là bốn giờ trở lên trong bối cảnh trong nhà. Nếu định nghĩa này được thông qua, may ra các sinh hoạt tôn giáo mới có thể bình thường trở lại.
Source:ABC News

2. Nicaragua chiếm tài sản hiến cho Giáo Hội Công Giáo để trao cho Trung Quốc

Thông tấn xã AP có bài tường thuật nhan đề “Nicaragua seizes former Taiwan embassy to give it to China”, nghĩa là “Nicaragua chiếm đại sứ quán cũ của Đài Loan để trao cho Trung Quốc”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Nhà cầm quyền Nicaragua đã chiếm giữ đại sứ quán và các văn phòng ngoại giao trước đây thuộc về Đài Loan, nói rằng chúng thuộc về Trung Quốc.

Chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan trong tháng này, và nói rằng họ sẽ chỉ công nhận chính phủ đại lục.

Trước khi ra đi, các nhà ngoại giao Đài Loan đã cố gắng tặng tài sản cho Tổng giáo phận Công Giáo Managua.

Nhưng chính phủ của Ortega cho biết vào cuối ngày Chúa Nhật rằng bất kỳ khoản quyên tặng như thế là không hợp lệ và tòa nhà trong một khu phố cao cấp của Managua thuộc về Trung Quốc.

Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp cho biết trong một tuyên bố rằng nỗ lực quyên tặng này là một “sự thao túng và lươn lẹo để lấy đi những gì không thuộc về họ.”

Bộ Ngoại giao Đài Loan lên án “các hành động phi pháp nghiêm trọng của chế độ Ortega”, nói rằng chính phủ Nicaragua đã vi phạm các quy trình tiêu chuẩn khi cho các nhà ngoại giao Đài Loan chỉ có hai tuần để rời khỏi đất nước.

Bộ Ngoại giao cho biết Đài Loan “cũng lên án sự ngăn cản tùy tiện của chính phủ Nicaragua đối với việc bán tượng trưng tài sản của họ cho Giáo Hội Công Giáo Nicaragua.”

Đức Ông Carlos Avilés, tổng đại diện của tổng giáo phận Managua, nói với tờ La Prensa rằng một nhà ngoại giao Đài Loan đã đề nghị hiến tặng cho Giáo Hội tài sản này, “Tôi đã nói với ông ấy rằng không có vấn đề gì, nhưng việc chuyển nhượng vẫn đang trong quá trình pháp lý.”

Vào đầu tháng 12, quốc gia Trung Mỹ cho biết sẽ chính thức chỉ công nhận Trung Quốc, là quốc gia tuyên bố rằng quốc đảo tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Chính phủ Nicaragua cho biết: “Chỉ có một Trung Quốc”. “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, và Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc”.

Động thái này làm gia tăng sự cô lập về mặt ngoại giao của Đài Loan trên trường quốc tế, ngay cả khi hòn đảo này đã tăng cường trao đổi chính thức với các quốc gia như Litva và Slovakia, là những quốc gia không chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia. Giờ đây, Đài Loan còn lại 14 đồng minh ngoại giao chính thức.

Trung Quốc đã săn trộm các đồng minh ngoại giao của Đài Loan trong vài năm qua, làm giảm số lượng quốc gia công nhận hòn đảo dân chủ là một quốc gia có chủ quyền. Trung Quốc chống lại việc Đài Loan có mặt trên các diễn đàn toàn cầu hoặc trong lĩnh vực ngoại giao. Quần đảo Solomon đã chọn công nhận Trung Quốc vào năm 2019, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Đài Loan tự mô tả mình là người bảo vệ nền dân chủ, trong khi Ortega được bầu lại vào tháng 11 vừa qua trong một cuộc bầu cử mà Tòa Bạch Ốc gọi là “vở kịch câm bầu cử”.

“Việc bỏ tù tùy tiện gần 40 nhân vật đối lập kể từ tháng 5, trong đó có 7 ứng cử viên tổng thống, và việc ngăn chặn các đảng phái chính trị tham gia đã tác động xấu đến kết quả trước ngày bầu cử”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố vào tháng 11.

Nicaragua thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào những năm 1990, khi Tổng thống Violeta Chamorro lên nắm quyền sau khi đánh bại phong trào Sandinista của Ortega trong các cuộc bỏ phiếu. Ortega, người được bầu trở lại nắm quyền vào năm 2007, đã duy trì quan hệ với Đài Bắc cho đến nay.
Source:Crux

3. Thương vong của các nhà truyền giáo trong gần 9 năm triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Theo thông lệ, vào những ngày cuối năm, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đưa ra những con số thống kê về các nhân viên mục vụ bị giết trong năm 2021.

Trong gần chín năm triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, tức là từ tháng Ba 2013 đến nay đã có 227 nhân viên mục vụ bị giết bao gồm các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân: phó tế, giáo lý viên và những giáo dân truyền giáo. Phần lớn các nạn nhân là các linh mục.

Nếu tính từ năm 1980, hơn 1,000 nhân viên mục vụ đã bị giết trên thế giới.

Năm 2013, có 23 vị.

Năm 2014, có 26 vị.

Năm 2015, có 22 vị.

Năm 2016, có 28 vị.

Năm 2017, có 23 vị.

Năm 2018, có 40 vị.

Năm 2019, có 29 vị.

Năm 2020, có 20 vị.

Năm 2021, có 16 vị tính đến ngày 28 tháng 12 năm 2021.

Tổng cộng là 227.

Người bị giết mới nhất là Cha Luke Adeleke, 38 tuổi, đã bị bắn chết bởi một tay súng vẫn chưa được xác định vào đêm Giáng Sinh, trong khi trở về sau khi dâng thánh lễ.

Các phương tiện truyền thông địa phương cho rằng các tay súng đã phục kích vị linh mục Công Giáo tại Khu vực Ogunmakin Obafemi Owode của bang Ogun, phía tây Nam Nigeria.

Như thế, con số các nhân viên mục vụ bị giết trong năm 2021 là thấp nhất trong 9 năm qua. Tuy nhiên Fides lưu ý rằng những con số này chỉ là bề mặt của một tảng băng trôi trong cuộc khủng bố toàn cầu nhắm vào các Kitô hữu. Isis, Boko Haram, Fulani, và sự phân biệt đối xử ở các nước khác nhau, nơi nhà nước ngang nhiên xen mình vào nội bộ các tôn giáo, gây khó khăn cho việc gia nhập Kitô Giáo và biến cuộc sống các Kitô hữu trở nên khó khăn đến mức phải rất anh hùng mới có thể sống niềm tin Kitô của mình, hay thậm chí ở nhiều nơi, họ còn phải chịu các cuộc tấn công và tàn sát.

Với hồ sơ này và những thông tin kịp thời về cuộc đàn áp đang diễn ra trên thế giới, thông tấn xã Fides của chúng tôi muốn đưa ra ánh sáng những thảm kịch của nhân loại, nhằm khơi dậy lương tâm của tất cả mọi người thiện chí để xây dựng một xã hội công bằng và biết nâng đỡ nhau hơn.

Phần lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ bị giết đã chết trong những vụ mưu toan cướp của, và trong một số trường hợp các ngài bị tấn công rất dã man. Đó là một dấu chỉ của một tình trạng suy đồi về đạo đức, nghèo nàn về kinh tế và văn hóa, gây ra bạo lực và sự coi thường tính mạng con người.

Tất cả các vị bị giết đều sống trong những bối cảnh nhân sinh và xã hội bình thường, ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ em mồ côi và người nghiện ma túy, cổ võ và đôn đốc các dự án phát triển hoặc đơn giản là mở tung cửa ngôi nhà của mình cho bất cứ ai. Và một số đã bị sát hại bởi chính những người họ từng giúp đỡ.

Hiện vẫn còn nhiều quan ngại về số phận của nhân viên chăm sóc mục vụ khác bị bắt cóc hoặc đã biến mất, trong đó chúng tôi không có bất kỳ tin tức, chẳng hạn như ba linh mục dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời bị bắt cóc ở Cộng hòa Dân chủ Congo từ tháng 10 năm 2012; linh mục Dòng Tên người Ý Paolo Dall’Oglio, bị bắt cóc ở Syria vào năm 2013. Tin tức mới nhất mà chúng tôi có vào tháng Hai, 2019 là Cha Paolo Dall’Oglio vẫn còn sống tại Dier ez-Zor của Syria.

Chúng tôi tin tưởng rằng, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, bóng tối của cái ác lúc nào cũng xuất hiện. Nhưng ánh sáng vẫn còn mạnh mẽ hơn. Ánh sáng của tình yêu vẫn có thể vượt qua sự thù hận và khai mở một thế giới mới.
Source:Sismografo

4. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô xét nghiệm dương tính với COVID-19

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew đang hồi phục sức khỏe tốt tại một bệnh viện trung tâm ở Constantinople sau khi xét nghiệm dương tính với COVID - 19 trong một cuộc kiểm tra định kỳ tại Phanar dành cho các nhân viên của Tòa Thượng Phụ hai ngày trước Lễ Giáng Sinh. Đức Thượng Phụ đã gặp phải các triệu chứng nhẹ và đã được đưa vào Bệnh viện với mục đích phòng ngừa và cũng được các bác sĩ chăm sóc liên tục.

Tờ National Herald cho biết các bác sĩ người Mỹ gốc Hy Lạp thực hiện thủ thuật đặt ống nong để thông tim, mà từ chuyên môn gọi là stent, cho Đức Thượng phụ dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ George Dangas đã yêu cầu các đồng nghiệp của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một số xét nghiệm chuyên biệt đối với Đức Thượng phụ.

Tờ National Herald nói thêm rằng mọi việc diễn ra tốt đẹp, Đức Thượng Phụ đang ở trong tình trạng tốt, ngài làm việc chăm chú trong bệnh viện trên nhiều tài liệu và thư từ được mang đến cho ngài từ Phanar. Ngài cũng liên lạc qua điện thoại với các cộng sự thân cận nhất của mình và Phanar và hàng giáo phẩm của Tòa Thượng Phụ Đại kết.

Đức Thượng Phụ sẽ ở lại bệnh viện cho đến khi hết thời gian cách ly cần thiết như các giao thức của COVID - 10 quy định. Ngài dự trù sẽ xuất viện trong ngày thứ Năm, 30 tháng 12. Đức Thượng Phụ ban đầu được tiêm vắc-xin Trung Quốc, là loại vắc-xin duy nhất có ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó, nhưng sau đó ngài đã được tiêm đầy đủ vắc-xin Pfizer.

Ngay sau khi Tổ phụ được xét nghiệm dương tính với COVID - 19 Phanar đã đưa ra thông báo chính thức thông báo cho thế giới về tình trạng của Đức Thượng Phụ.

Thông báo nêu rõ như sau: “Đức Thượng Phụ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào hôm thứ Sáu, ngày 24 tháng 12”

“Ngài đã được tiêm chủng đầy đủ. Hiện ngài đang có các triệu chứng nhẹ và tình trạng chung của ngài là tốt”.

“Ngay sau khi được chẩn đoán, ngài đến Bệnh viện Trung ương Constantinople để kiểm tra thêm như một biện pháp phòng ngừa”.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cảm ơn tất cả những ai đã bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng sức khỏe của ngài và kêu gọi, một lần nữa, tất cả hãy làm theo khuyến cáo của các bác sĩ. Đối với những người chưa được tiêm phòng, ngài kêu gọi họ làm điều đó vì lợi ích của bản thân và xã hội nói chung. Nhân dịp này, ngài chúc mọi người một Giáng Sinh An lành và Hạnh phúc”.

Đức Tổng Giám Mục Emmanuel của tổng giáo phận Chacledon đã đảm nhận các trách nhiệm của Đức Thượng Phụ và chủ sự Lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Thánh George của Tòa Thượng Phụ ở Phanar.
Source:National Herald

5. Các bài Giáo Lý trong năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Lúc 9 giờ sáng thứ Tư 29 tháng 12, Đức Thánh Cha đã trình bày bài giáo lý cuối cùng năm 2021, là bài giáo lý thứ 43 tính từ đầu năm đến nay. Trong năm 2021 sắp kết thúc, Đức Giáo Hoàng đã nói về Lời Cầu Nguyện, về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát và về Thánh Giuse.

Buổi Tiếp kiến Chung đầu năm 2021 đã diễn ra vào Thứ Tư ngày 13 tháng Giêng, trong đó Đức Thánh Cha trình bày bài thứ 21 trong loạt bài về Cầu nguyện mà Đức Thánh Cha đã bắt đầu vào năm 2020. Sau 38 bài, Đức Phanxicô đã kết thúc những suy tư về cầu nguyện vào ngày 16 tháng Sáu và tuần sau đó, Thứ Tư 23 tháng Sáu, ngài bắt đầu các bài giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Ngày 10 tháng Mười Một, sau 15 bài, ngài đã kết thúc chủ đề này. Chủ đề hiện đang được thực hiện, từ ngày 17 tháng 11 đến nay, tập trung vào hình ảnh của Thánh Giuse.

Các bài Giáo lý hàng tuần của các vị Giáo hoàng bắt đầu từ Thứ Tư ngày 26 tháng 4 năm 1939 khi Đức Giáo Hoàng Piô XII dành những lời dạy của mình cho các cặp vợ chồng. Như thế các bài Giáo lý hàng tuần của các vị Giáo hoàng đã diễn ra gần 83 năm và qua bảy triều đại giáo hoàng Piô thứ 12, Gioan 23, Phaolô Đệ Lục, Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô 16 và Phanxicô.
Source:Il Sismografo