Những năm cuối đời ở Paris
Năm 1974, Dòng Tên đóng cửa trường trung học và trường đại học ở Lyons-Fourvière, và de Lubac một lần nữa chuyển đến Paris, nơi ngài đã sống những năm cuối đời. Mặc dù tuổi đã cao, Henri de Lubac có năng khiếu sáng tạo đáng kinh ngạc. Ngài vẫn có thể hoàn thành một loạt các dự án sách. Mãi đến tháng 10 năm 1986, ngài mới bị đột quỵ, mặc dù nó để lại dấu ấn về thể chất cho ngài, nhưng không làm giảm đi sự hiện diện của tâm trí ngài. Một cơn đột quỵ thứ hai vào mùa Vọng năm 1989 đã khiến ngài hoàn toàn mất khả năng nói.
Đối với de Lubac, những năm 1970 cũng bị phủ mờ bởi nhiều thất vọng. Ngài từng giúp đỡ rất nhiều cách để chuẩn bị cho Công đồng Vatican II và chỉ vài năm trước đó từng phải tự bảo vệ mình trước cáo buộc rằng ngài là một nhà canh tân, vậy mà giờ đây ngài đột nhiên bị coi là người đề xướng một nền thần học cũ kỹ, bị coi là lỗi thời.
Các thất vọng
Vào sinh nhật thứ tám mươi của ngài, ngày 20 tháng 2 năm 1976, de Lubac nhận được một bức thư viết tay (1) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Ngài trình thư ấy cho bề trên nhà xem, nhưng vị này thậm chí không muốn nhìn nó, và cả Cha Giám Tỉnh của ngài cũng không đọc nó. De Lubac rất đau buồn vì sự thiếu quan tâm, nhưng thậm chí còn đau buồn hơn bởi các rắc rối nó gây ra, vì bức thư rõ ràng được soạn theo cung cách người viết ở Rome nuốn rằng người nhận thư sẽ để cho bề trên của mình đọc nó. Rồi, khi chủ bút tờ France catholique (Nước Pháp Công Giáo) biết sự hiện hữu của bức thư không có sự giúp đỡ của de Lubac, nên đã yêu cầu de Lubac công bố nó, de Lubac nhận được ngay sự cho phép của bề trên. Ngày 25 tháng 3 năm 1977, bức thư được công bố. Trong bản tin hàng tháng của Dòng Tên dành cho tháng Năm cùng năm đó, chỉ có một thông báo ngắn gọn về nó. Tất nhiên, điều này tạo ấn tượng cho rằng chính de Lubac đã thiếu thận trọng khi cho công bố nó.
Một thí dụ khác: Năm 1978, các biên tập viên của Sources chrétiennes yêu cầu de Lubac viết phần dẫn nhập thần học cho ấn bản dự kiến của De sacerdotio (Về Chức linh mục), của Thánh Gioan Kim Khẩu, bản trình bày quan trọng đầu tiên về thần học của thừa tác vụ linh mục. De Lubac đã soạn một bản văn, trong đó ngài tự giới hạn vào việc thảo luận về các khía cạnh tín điều trong tác phẩm của vị Tổng Giám mục vĩ đại của Constantinople và chỉ tình cờ đề cập đến các khía cạnh tâm linh và thần học. Do đó, de Lubac nhấn mạnh đến tính liên tục của việc khai triển thần học về chức linh mục từ nguồn gốc Tân Ước trở đi. De Lubac bác bỏ luận điểm cho rằng trong quá trình lịch sử Giáo hội, lối hiểu chức linh mục đã bị làm ra sai lệch và rằng, giữa chứng tá Tân Ước và Thánh Gioan Kim Khẩu, điều ban đầu là thừa tác viên Lời Chúa đã trở thành một thừa tác viên phụng tự, nghĩa là tư tế theo nghĩa ngoại giáo. Ngài cũng không quên đề cập đến việc, theo Thánh Kim Khẩu cũng như trong suốt Truyền thống của Giáo hội, việc hạn chế chức linh mục vào giới tính nam mà thôi không phải là giới luật của Giáo hội, mà là một quyền thần linh, được thiết lập dựa trên ý muốn của Chúa Giêsu khi ngài thiết lập bí tích, với linh mục đại diện cho Chúa Kitô, Chàng Rể của Giáo Hội. Sau đó, khi cuốn sách xuất hiện, vào năm 1978, với số 272 trong loạt Sources chrétiennes, phần dẫn nhập thần học của de Lubac không có trong đó. Một nhóm người có ảnh hưởng đã phản đối nó. De Lubac không muốn gây trở ngại thêm, nên đã rút bản thảo của mình và xuất bản nó dưới hình thức một tiểu luận trên một tạp chí học thuật (2).
Trong khi de Lubac được những người đề xướng xu hướng tự cho là tiến bộ coi như một nhà thần học nay đã trở nên lỗi thời một cách vô vọng, thì trái lại, không thiếu những nhà phê bình cho rằng ngài phải chịu trách nhiệm chính đối với việc phát khởi cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội. Năm 1975, một ai đó đã gửi bưu điện cho de Lubac các bản sao các đoạn trích từ cuốn sách có tựa đề Gethsemane, của Tổng Giám mục Genoa, Đức Hồng Y Siri. Đức Hồng Y đã tố cáo “lương tâm lịch sử”, “khoa diễn giải” và “quy chiếu hiện sinh” như các dấu hiệu của một nền thần học dẫn đến sự hủy diệt, mà de Lubac chủ yếu phải chịu trách nhiệm, cùng với Karl Rahner và Jacques Maritain. De Lubac kiên quyết bảo vệ mình trước những cáo buộc này trong một bức thư ngày 15 tháng 11 năm 1975, “với việc bày tỏ sự kinh ngạc đau buồn của tôi”. Tuy không thảo luận với Đức Hồng Y Siri, de Lubac đề cập đến việc Đức Giáo Hoàng Piô XII chấp thuận và việc Etienne Gilson đánh giá cao việc làm của ngài. Lời yêu cầu của De Lubac rằng Đức Hồng Y Siri nên công khai rút lại các tố cáo của mình đã không được đáp ứng. Thay vào đó, Gethsemane cũng đã được dịch sang tiếng Pháp và các ngôn ngữ khác (3).
Các công trình sau cùng
Từ danh sách các ấn phẩm của de Lubac trong những năm 1970, chúng ta nên chọn hai tác phẩm đặc thù đề cập đến hai nhân cách hoàn toàn khác nhau trong lịch sử thần học. Không ai trong số họ được đánh giá đúng đắn cho đến lúc đó: Gioakim thành Fiore, liên quan tới lịch sử ảnh hưởng của ông, và Pico della Mirandola (4) liên quan tới cảm thức giáo hội và tính chính thống không thể chối cãi của ông. Cuốn Pico de la Mirandole được xuất bản năm 1974 và cuốn La postérité Spirituelle de Joachim de Fiore (Hậu duệ Tinh thần của Gioakim thành Fiore) năm 1979-1981. Cả hai tác phẩm đều không có bản dịch tiếng Anh.
Mặc dù có một loạt sách chuyên khảo gần đây về Pico, de Lubac vẫn coi ông bị hiểu lầm như mọi khi. Ngài nhận thấy ngay các sử gia rất có lương tâm của thời kỳ Phục hưng cũng thiếu hiểu biết thực sự về nhà nhân bản Kitô giáo vĩ đại này, một thiếu sót mà trước đây ngài đã chỉ ra liên quan đến Erasmus thành Rotterdam. De Lubac viết, tài liệu dùng cho chuyên khảo về Pico của ngài được thu thập trong suốt bốn mươi năm, trong đó ngài đặc biệt thích tiếp xúc với “người bạn trẻ mãi không già” này của mình khi rảnh rỗi. De Lubac nhìn thấy ở Pico hình ảnh đại biểu cho một triết gia Công Giáo thực sự, người coi trọng việc Nhập thể trong những hệ quả sâu rộng của nó và từng chút một đưa nó vào tư tưởng triết học của mình. Pico không chỉ ủng hộ Origen một cách cuồng nhiệt mà, trái ngược với cách hiểu thời trung cổ về việc kết án Origen, đã bảo vệ luận điểm cho rằng Origen đã được cứu rỗi hợp lý hơn là bị trầm luân; Pico là một trong những người hiểu được yếu tính của việc giải thích Kinh thánh do Thánh Phaolô và các Giáo phụ sáng lập dựa trên nguyên tắc diễn giải này là Cựu ước và Tân ước được nối kết với nhau, đồng thời cũng áp dụng nó vào thực hành. Trong khi de Lubac ủng hộ những nhà tư tưởng như Origen và Pico một cách không dè dặt và không giấu giếm thiện cảm của mình với họ, thì mối liên hệ của ngài với Gioakim thành Fiore lại khá có tính lưỡng nghĩa.
Trước đó, trong cuốn thứ ba của bộ Exégèse médiévale, de Lubac đã trình bày giáo huấn của Gioakim liên quan đến các nguyên tắc giải thích Kinh thánh của ông này. Vào cuối thập niên 1970, ngài đã có thể hoàn thành một chuyên khảo hai cuốn, sử dụng các tài liệu phong phú về lịch sử ảnh hưởng của Gioakim mà ngài đã thu thập được. De Lubac thú nhận, thoạt đầu, công trình của vị đan viện trưởng Calabria đặc biệt này, sự độc đáo mạnh mẽ trong việc chú giải cũng như bề dầy các viễn kiến của vị này làm ngài say mê. Và thậm chí ngài còn sẵn sàng thừa nhận “rằng một kiểu chủ nghĩa bán Gioakim... trái lại, là việc tìm kiếm dò dẫm điều phải được coi như sự phát triển bình thường của truyền thống Công Giáo... sự khám phá của chính Giáo hội, trong suốt cuộc lữ hành của mình, về tính sinh hoa kết trái vĩnh viễn của Tin Mừng, từ đó, với mỗi hoàn cảnh mới, Giáo hội đều rút ra được,... nova et vetera [những điều mới và những điều cũ]”. Tuy nhiên, cuối cùng ngài nhìn thấy nơi tác giả này và đặc biệt nơi những người thừa kế trí tuệ của vị này, quả trái ngược hoàn toàn với Pico, những hiểu lầm căn bản mang tính linh đạo về sứ điệp Kinh thánh, những hiểu lầm đã bác bỏ hoặc giảm thiểu Mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa trong lịch sử. Và vì vậy phán đoán cuối cùng của de Lubac là một phán đoán nghiêm khắc, trong đó ngài nhìn nhận rằng các xu hướng thế tục hóa trong Giáo hội và sự phát triển đi lên của các không tưởng xã hội ở trong nó cuối cùng là di sản của Gioakim hoặc của những người thừa kế trí tuệ của vị này (xem Phục Vụ Giáo Hội, trang 157).
De Lubac: Một nhà thần học nói chuyện về Chữ nghĩa và Tinh thần của Công đồng
Vào thập niên 1980, việc phỏng vấn cũng trở thành một cái mốt trong cả thần học nữa. Henri de Lubac cũng vậy, lúc đó đã gần chín mươi tuổi, đã để mình được phỏng vấn bởi giáo sư người Ý Angelo Scola nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày kết thúc Công đồng (5).
Những phán đoán và hồi ức được đưa ra một cách tự nhiên theo phong cách tự do trong cuộc trò chuyện này trùng lắp trong nhiều khía cạnh với những gì de Lubac đã ghi lại trong cuốn hồi ký, At the Service of the Church [Phục vụ Giáo Hội] của ngài.
Cuộc phỏng vấn trước tiên đề cập đến lịch sử tiền Công đồng. De Lubac nhắc lại sự đổi mới thần học qua việc quay trở lại các nguồn: Sách Thánh và thần học của các Giáo phụ. Ngài tóm tắt lại cuộc tranh luận về cuốn Surnaturel và Thông điệp Humani generis và tuyên bố rằng Công đồng quả đã vượt qua thuyết nhị nguyên giữa tự nhiên và ân sủng bằng cách nói minh nhiên về cứu cánh sau cùng của con người: Thiên Chúa.
Các chủ đề về giáo hội học chiếm phần lớn trong cuộc thảo luận. Theo ý kiến của de Lubac, ngay cả Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium cũng nhận được quá ít chú ý. Trong khi Công đồng nhấn mạnh rằng Giáo hội, trong yếu tính, là một mầu nhiệm, được thiết lập dựa trên công trình của Chúa Kitô, và lấy đây làm điểm xuất phát trong việc giải thích cấu trúc bí tích của Giáo Hội, de Lubac có ấn tượng rằng các vấn đề hoàn toàn về tổ chức bên ngoài đã lọt vào ánh đèn sân khấu do áp lực từ một cách nhìn Giáo hội chỉ có tính xã hội học. Trong bối cảnh này, thậm chí ngài còn cảnh báo chống lại việc quá nhấn mạnh tới các hội đồng giám mục quốc gia và các cơ quan hành chính của họ.
Cuối cùng nhưng không kém phần kích thích tư duy là những nhận xét của de Lubac về khoa chú giải và khoa diễn giải và tuyên bố của ngài rằng hiến chế Dei Verbum, vốn “cũng là một bản văn về Truyền thống”, đã không được nghiên cứu và thẩm hóa một cách đầy đủ. Sự tổng hợp được văn kiện đòi hỏi giữa nghiên cứu các Sách thánh về phương diện lịch sử và việc giải thích thần học-linh đạo về chúng vẫn chưa được hoàn tất. Hơn nữa, hiến chế này còn nói tới “Cựu và Tân Ước vốn giải thích lẫn nhau. Tuy nhiên, trên hết, nó là một bản văn về đặc tính bản vị của mạc khải thần linh trong Chúa Giêsu Kitô” (EVII, trang 87; xem ATS, trang 31).
Newman, Erasmus và một biểu tượng của Chúa Kitô
Chúng ta sẽ kết thúc phần tổng quan này về cuộc đời của de Lubac với hai đề mục trích từ nhật ký của tác giả người Pháp Julien Green (6), người, mặc dù chỉ kém nhà thần học bốn tuổi, đã trực tiếp gặp ngài lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1978 và rất nhanh chóng tiến đến chỗ trọng kính ngài. Về phần mình, de Lubac thừa nhận rằng ngài thích đọc các sách của Green. Green, người có cuộc sống đầy sóng gió bao gồm hai lần trở lại đức tin Công Giáo, đã ghi lại các ấn tượng của ông. Mục viết ngày 16 tháng 5 năm 1978, như sau: “Cách đây vài ngày, có tới thăm Cha de Lubac, người mà tôi không hề quen biết và người đã chào đón tôi với vẻ lịch sự duyên dáng vào căn phòng nhỏ của ngài trên tầng năm của một tòa nhà hiện đại ở Rue de Sevres. Nhiều cuốn sách được xếp dọc các bức tường, nhưng ít hơn tôi mong đợi. Dáng người mảnh khảnh, mặc đồ đen, đường nét thanh tú, đôi mắt màu xanh lam tuyệt đẹp và biểu cảm quyến rũ, tỏa ra sức mạnh dịu dàng và ôn hòa. Ngài nói với tôi ngài hết sức ngưỡng mộ Newman” (7).
Green cảm thấy cuộc trò chuyện đầu tiên này vẫn còn một chút ngập ngừng, nhưng ông đã tạm biệt, hy vọng sẽ gặp lại nhau. Nhiều cuộc trò chuyện đã diễn ra sau đó. Đây chỉ là một đoạn trích trong cuốn nhật ký ngày 20 tháng 11 năm 1978:
“Vào cuối buổi chiều, tôi tìm gặp Cha de Lubac. Tôi thấy ngài trong căn phòng nhỏ nơi ngài làm việc. Thoạt đầu hơi mệt mỏi, nhưng thân thương đến mê hồn... trong kiểu trang trí rất đơn giản này bao gồm những cuốn sách, trong đó tôi thấy có bản sao một bức ảnh Chúa Kitô tuyệt vời của Nga, và xa hơn nữa, dựa vào những cuốn sách, là bức chân dung của Erasmus (8). Sau đó, khi nói về Công đồng, vị linh mục đột nhiên và tích cực tươi hẳn nét mặt và trẻ lại một cách lạ thường. Người đàn ông cao lớn mặc đồ đen với khuôn mặt hẹp này để lộ ra cả một nền linh đạo... Ngài nói với tôi rằng ngài biết Công đồng, vì ngài đã cộng tác với ủy ban của công đồng, và rằng huyền thoại về Công đồng đã trở thành cố định trong công luận nhưng không hề đúng với thực tại. Điều được gọi là nhóm Rhineland thực sự bao gồm các nhà thần học lỗi lạc. Sự mơ hồ lẫn lộn chỉ chiếm ưu thế trong các sinh hoạt hậu công đồng. Pháp không bao giờ cử một nhà báo nghiêm túc đến Công đồng; họ luôn chỉ để ý tới những chữ hay hay (bon mot) hoặc giai thoại, những thứ thích hợp để cung cấp cho công chúng những chi tiết mầu mè. Sau đó, ngài nói thêm rằng trong thế giới ngày nay, việc cầu nguyện đã bị che khuất bởi hành động, như thể đó không phải là một điều khác với hành động. Ngài kỳ vọng rất nhiều vào Đức Gioan Phaolô II, người mà ngài biết rõ và là người có nghị lực và khôn ngoan được ngài kính trọng. Ngài nói với tôi ‘Giáo hội đang cựa quậy, nhưng Giáo Hội vốn đã luôn cựa quậy’”.
_____________________________________________________________________________
Ghi Chú
1 Bản văn của bức thư, bằng nguyên bản tiếng Latinh và bản dịch tiếng Anh, in trong ASC, trang 379-82.
2 Henri de Lubac, “Le Dialogue sur le sacerdoce de Saint Jean Chrysostome”, Nouvelle revue théologique 100 [“Cuộc Đối thoại về Chức Linh mục của Thánh Gioan Kim Khẩu”, Tân Tạp Chí Thần học 100] (1978): 822-31.
3 Đức Hồng Y Joseph Siri, Gethsemane: Reflections on the Contemporary Theological Movement [Diệtsimani: Suy tư về Phong trào Thần học Đương thời] (Chicago: Franciscan Herald Press, 1981).
4 Pico della Mirandola (1461-1494) là một nhà triết học thời Phục hưng. [Xem chương 3 cuốn Henri de Lubac, Theology in History: Part One: The Light of Christ [Henri de Lubac, Thần học trong Lịch sử: Phần Một: Ánh sáng của Chúa Kitô] (San Francisco: Ignatius Press, 1996)
5 Henri de Lubac, Entretien autour de Vatican II: Souvenirs et reflexions [Nói chuyện quanh Vatican II: Các hoài niệm và Suy tư] (ở đây được trích dẫn là EVII); Bản dịch tiếng Anh rút gọn: Henri de Lubac and Angelo Scola, De Lubac: A Theologian Speaks [Henri de Lubac và Angelo Scola: Một Nhà Thần học Lên tiếng](ATS).
6 Julien Green (1900-1998) là nhà văn Pháp; các nhật ký của ông từ những năm 1926 đến 1990 được xuất bản thành năm tập [mỗi tập có tựa là Nhật Ký với phụ đề] (1991-1995), trong các ấn bản tiếng Pháp và tiếng Đức; trích dẫn lấy từ cuốn 4 của ấn bản tiếng Đức (1994).
7John Henry Newman (1801-1890) là một nhà thần học người Anh và là người sáng lập ra Oratory (một hiệp hội linh mục). Năm 1845, ngài từ Anh giáo chuyển sang Công Giáo. Ngài được phong Hồng Y năm 1879. Tiểu luận của ngài về việc phát triển học thuyết Kitô giáo (1845) là tác phẩm tiên phong dẫn đến một lý thuyết về việc phát triển tín lý. Các bài giảng của ngài đặc biệt rất đáng đọc.
8 Erasmus von Rotterdam (1466-1536) là nhà nhân bản Kitô giáo quan trọng nhất [của thời kỳ Phục hưng]. Trong số những thành tựu khác của ông là ấn bản Tân Ước lần đầu tiên có phê phán. Ông tố cáo các lạm dụng trong Giáo Hội trước khi Luther làm việc này, mặc dù ông không chia sẻ quan điểm của Luther về sự công chính hóa, mà ông đã công kích trong tác phẩm năm 1524 của mình, De libero arbitrio [về ý chí tự do].
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ASC Henri de Lubac, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances That Occasioned His Writings [Phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac Suy tư về các Hoàn cảnh dẫn đến các Bài viết của Ngài], bản tiếng Anh của Anne Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1993).
AMT Henri de Lubac, Augustinianism and Modern Theology [Học thuyết Thánh Augustinô và Thần học Hiện đại], bản tiếng Anh của Lancelot C. Sheppard (New York: Herder and Herder, 1969).
ATS Henri de Lubac and Angelo Scola: A Theologian Speaks [Henri de Lubac và Angelo Scola: Một Nhà Thần học Lên tiếng (Los Angeles: Twin Circle Pub. Co., 1985) (Bản dịch tóm tắt của EVII).
Cath Henri de Lubac, Catholicism: Christ and the Common Destiny of Man [ Đạo Công Giáo: Chúa Kitô và Số phận chung của Con người], bản tiếng Anh của Lancelot C. Sheppard và Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1988).
CPM Henri de Lubac, The Church, Paradox and Mystery [Giáo Hội, Nghịch lý và Mầu nhiệm] bản tiếng Anh của James R. Dunne (Staten Island, N.Y: Alba House, 1969).
CR Henri de Lubac, Christian Resistance to Anti-Semitism: Memories from 1940-1944 [Kitô giáo Phản kháng chống Bài Do Thái: Các Hoài niệm từ 1940-1944], bản tiếng Anh của Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1990).
DAH Henri de Lubac, The Drama of Atheist Humanism [Bi kịch của Chủ nghĩa duy Nhân bản Vô thần], bản tiếng Anh của Edith Riley, Anne Englund Nash và Mark Sebanc (San Francisco: Ignatius Press, 1995).
DG Henri de Lubac, The Discovery of God [Khám phá Thiên Chúa], bản tiếng Anh của Alexander Dru (Grand Rapids, Mich: Eerdmans, 1996).
DH Denzinger / Hünermann, Enchiridion Symbolorum, Definitionum et statementum de rebus fidei et morum [Tóm lược các tín điều, định nghĩa tín lý và tuyên bố huấn quyền về các vấn đề đức tin và luân lý], ấn bản tiếng Đức-Latinh do Peter Hunermann biên tập (1991).
EVII Henri de Lubac, Entretien autour de Vatican II: Souvenirs et Réflexions [Nói chuyện quanh Vatican II: Các hoài niệm và Suy tư] (Paris: France Catholique-Cerf, 1985).
HS Henri de Lubac, History and Spirit: The Understanding of Scripture according to Origen [Lịch sử và Tinh thần: Sự hiểu biết Kinh thánh theo Origen] (San Francisco: Ignatius Press, 2007).
MS Henri de Lubac, The Mystery of the Supernatural (Mầu nhiệm Siêu nhiên] bản tiếng Anh của Rosemary Sheed (New York: Herder and Herder, 1967).
Mystik Henri de Lubac, “Christliche Mystik in Begegnung mit den Weltreligionen” [Huyền nhiệm học Kitô giáo trong cuộc gặp gỡ với các tôn giáo thế giới], trong J. Sudbrack, hiệu đính, Das Mysterium und die Mystik: Beiträge zu einer Theologie der christlichen Gotteserfahrung [Mầu nhiệm và Huyền nhiệm học: Các đóng góp vào thần học trải nghiệm Thiên Chúa của Kitô hữu] (1974), trang 77-110.
Lenk Martin Lenk, Von der Gotteserkenntnis: Natürliche Theologie im Werk Henri de Lubacs [Về Nhận thức của Thiên Chúa: Thần học Tự nhiên trong Công trình của Henri de Lubac] (1993).
PF Henri de Lubac, Paradoxes of Faith [ Các Nghịch lý của Đức tin] (San Francisco: Ignatius Press, 1987).
SpCh Henri de Lubac, The Splendor of the Church [Ánh quang của Giáo Hội], bản tiếng Anh của Michael Mason (San Francisco: Ignatius Press, 1999)
Trích Phần đầu cuốn “Meet Henri de Lubac” của Rudolf Voderholzer, Nguyên bản tiếng Đức Henri de Lubac begegnen Zeugen des Glaubens series © 1999 by Sankt Ulrich Verlag, GmbH Augsburg, Bản tiếng Anh của Michael J. Miller, M.A. Theol. Do nhà IGNATIUS PRESS SAN FRANCISCO ấn hành năm 2008.
Kỳ tới: II. Henri De Lubac: Tư Tưởng Của Cha Teilhard De Chardin