Một nhà thần học được coi là thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức có nguy cơ “tự bẻ cổ mình” nếu nó không chú ý đến những phản đối của ngày càng nhiều các giám mục trên khắp thế giới.

Đức Hồng Y Walter Kasper cũng cho biết các nhà tổ chức đang sử dụng một “thủ đoạn tiệm tiến” mà trên thực tế đã tạo thành một “cuộc đảo chính” có thể dẫn đến việc từ chức tập thể, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.

Vị Hồng Y 89 tuổi người Đức là Chủ tịch Danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo, và là Giám mục của Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 đến 1999.

Ngài đã phát biểu tại một ngày nghiên cứu trực tuyến vào ngày 19 tháng 6 về sáng kiến “Khởi đầu mới” (Neuer Anfang), là một phong trào cải cách chỉ trích Tiến Trình Công Nghị Đức.

Đức Hồng Y Kasper cảnh báo rằng Giáo Hội không phải là một thực thể nào đó cần được “nhào nặn và định hình lại cho phù hợp với tình hình”.

Vào tháng 4, hơn 100 Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã công bố một “bức thư ngỏ trong tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức, cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi tiến trình này có thể dẫn đến ly giáo.

Vào tháng 3, một bức thư ngỏ từ các giám mục Bắc Âu bày tỏ sự lo ngại về tiến trình của Đức, và vào tháng 2, một bức thư với những lời lẽ thẳng thắn từ chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng.

Những lo ngại như vậy “sẽ được lặp lại và tái khẳng định, và nếu chúng ta không chú ý đến, Tiến Trình Công Nghị sẽ tự bẻ gẫy cổ của mình,” Đức Hồng Y Kasper cảnh báo trong bài phát biểu của mình.

Ngài nói: “tội nguyên tổ của Tiến Trình Công Nghị” là nó không dựa trên bức thư của Đức Thánh Cha gửi cho Giáo Hội ở Đức, với “đề nghị để cho Tiến Trình Công Nghị này được hướng dẫn bởi Phúc Âm và bởi sứ mệnh cơ bản của việc truyền bá Phúc Âm hóa”.

Thay vào đó, quy trình của Đức, do Hồng Y Reinhard Marx khởi xướng, đã “đi theo con đường riêng với các tiêu chí khác biệt”.

Vào tháng 6 năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một bức thư dài 19 trang cho những người Công Giáo ở Đức kêu gọi họ tập trung vào việc truyền giáo trước tình trạng “đức tin ngày càng xói mòn và suy thoái”.

Chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing của Limburg, đã nhiều lần bác bỏ mọi lo ngại, thay vào đó tháng 5 vừa qua, ông bày tỏ sự thất vọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng ngài đã nói với lãnh đạo các giám mục Công Giáo của Đức rằng đất nước đã có “một Giáo hội Tin lành rất tốt” và “chúng ta không cần một Giáo Hội Tin Lành thứ hai”.

“Vấn đề nảy sinh khi Tiến Trình Công Nghị đến từ giới tinh hoa trí thức, thần học, và bị ảnh hưởng nhiều bởi các áp lực bên ngoài,” Đức Giáo Hoàng nói.

Bätzing, người giữ chức vụ chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị, cũng là người ký “Tuyên bố Frankfurt”. Bản kiến nghị này yêu cầu các giám mục Đức nên tuyên bố cam kết thực hiện các nghị quyết đã được thông qua trong quá trình này, CNA Deutsch đưa tin.

Đức Hồng Y Kasper đã chỉ trích sự thúc đẩy cho “cam kết” này, nói rằng đó là “một thủ thuật và hơn nữa, một thủ thuật tiệm tiến.”

“Chỉ cần tưởng tượng một công chức chấp nhận sự bổ nhiệm, sau đó từ bỏ việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình. Anh ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với các thủ tục tố tụng theo luật công vụ. Cuối cùng, sự tự cam kết như vậy sẽ tương đương với sự từ chức tập thể của các giám mục. Về mặt hiến pháp, toàn bộ sự việc chỉ có thể được gọi là một cuộc đảo chính, hay một âm mưu đảo chính”.

Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh: “Giáo hội không bao giờ có thể được điều hành theo phương thức đồng nghị.” Thay vào đó, một thượng hội đồng đã tạo thành “một sự can thiệp bất thường” đối với các thủ tục thông thường.

Tiến Trình Công Nghị, hay Synodale Weg – theo tiếng Đức, tự mô tả nó là một quá trình tập hợp các giám mục Đức và những giáo dân được chọn để tranh luận và thông qua các nghị quyết về cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ.

Những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn kiện kêu gọi thụ phong linh mục cho phụ nữ, các phước lành cho người đồng tính, và những thay đổi đối với giáo huấn của Giáo hội về các hành vi đồng tính luyến ái.

Đức Hồng Y Kasper đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về quá trình này. Ngài đã sử dụng những từ tiếng Đức gần giống Neuerung (“canh tân”) và Erneuerung (“làm mới lại từ đầu”) để nói rằng một người không thể “không thể tái tạo lại Giáo hội,” nhưng đúng hơn người ta nên góp phần đổi mới Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần: “canh tân không phải là xóa bàn làm lại. Nó không có nghĩa là thử một cái gì đó mới và phát minh ra một Giáo hội mới”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng thay vào đó, cải cách thực sự là “để Thánh Linh Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên mới và ban cho chúng ta một trái tim mới.”

Ngài nói một cách tương tự, thuật ngữ “canh tân” áp dụng cho việc đưa Giáo Hội trở lại “hình dạng” nguyên thủy, “tức là, về hình dạng mà Chúa Giêsu Kitô muốn và ngài đã ban cho Giáo hội. Chúa Giêsu Kitô là nền tảng, không ai có thể đặt để khác đi (1Cr 3,10 f); đồng thời là viên đá gắn kết mọi sự lại với nhau (Ep 2,20). Ngài là tiêu chuẩn, là Alpha và Omega của mọi sự đổi mới.”


Source:Catholic News Agency