Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải tán hàng lãnh đạo của dòng Hiệp sĩ Malta, là một Dòng Tu và một nhóm nhân đạo Công Giáo toàn cầu, đồng thời thành lập một hàng lãnh đạo lâm thời trước cuộc bầu cử một nhà lãnh đạo mới.

Sự thay đổi, mà Đức Giáo Hoàng ban hành trong một sắc lệnh, diễn ra sau 5 năm tranh luận gay gắt trong nhà dòng và giữa một số thành viên hàng đầu của hàng lãnh đạo cũ và Vatican về một hiến pháp mới mà một số người lo ngại sẽ làm suy yếu chủ quyền của nhà dòng.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Thánh Địa Giêrusalem. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Nhà Dòng hiện có ngân sách nhiều triệu đô la, 13.500 thành viên, 95.000 tình nguyện viên và 52.000 nhân viên y tế đang điều hành các trại tị nạn, trung tâm điều trị ma túy, các chương trình cứu trợ thảm họa và phòng khám trên khắp thế giới.

Nhà Dòng đã rất tích cực trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine và các nạn nhân chiến tranh.

Nhà Dòng không có lãnh thổ thực sự ngoài cung điện và các văn phòng ở Rome và pháo đài ở Malta, nhưng được công nhận là một thực thể có chủ quyền với hộ chiếu và biển số xe riêng.

Nhà Dòng có quan hệ ngoại giao với 110 quốc gia và quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, cho phép hoạt động như một bên trung lập trong các nỗ lực cứu trợ ở các vùng chiến sự.

Ngay khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, Dòng Malta đã cung cấp ngay cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.
Source:Reuters