1. Du khách 'muốn nhìn thấy Đức Giáo Hoàng' lại đập phá các bức tượng bán thân tại Bảo tàng Vatican

Một người đàn ông đến thăm viện bảo tàng Vatican ở Rôma hôm thứ Tư đã ném hai tượng bán thân Rôma cổ đại xuống đất, gây thiệt hại vừa phải cho các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Theo một bài báo trên tờ Il Messdowro, một du khách trung niên người Mỹ đã yêu cầu được gặp Đức Giáo Hoàng và trở nên tức giận khi được thông báo rằng điều đó sẽ không thể thực hiện được. Sau đó, anh ta ném một bức tượng bán thân xuống đất và xô ngã một nhân viên trong khi cố gắng bỏ chạy.

Người đàn ông đã mua một vé vào Bảo tàng Chiaramonti của Vatican, nơi trưng bày các bức tượng bán thân.

Sau khi sự việc xảy ra, anh ta bị nhân viên bảo vệ khống chế và đưa về đồn cảnh sát để thẩm vấn.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói với các phóng viên: “Người kéo đổ các bức tượng đã bị hiến binh bắt giữ và giao cho chính quyền Ý.

Tờ Corriere Della Sera, nghĩa là Tin Chiều, đưa tin người đàn ông này từng bị buộc tội vì hành vi khiếm nhã nơi công cộng trong quá khứ.

Các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch bị hư hại đại diện cho “những nhân vật không tên tuổi” và là một phần của bộ sưu tập trong Bảo tàng Chiaramonti được tạo ra dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Thất Chiaramonti, cai quản Giáo Hội từ 1800 đến 1823, bao gồm hơn 1,000 tượng bán thân, một số tượng khác và các quan tài từ thời Rôma cổ đại.

Tòa thánh nói với Corriere Della Sera rằng thiệt hại đối với tượng bán thân “không đáng kể, khuôn mặt không bị thiệt hại lớn, có lẽ một trong hai mẫu vật đã bị hư hại một phần mũi.”

Báo cáo cho biết các bức tượng bán thân đã được chuyển đến xưởng phục hồi đá cẩm thạch của Bảo tàng Vatican.

Elizabeth Lev, một nhà sử học nghệ thuật, người cung cấp các chuyến tham quan Bảo tàng Vatican, đã chia sẻ tin tức trên Twitter, lưu ý rằng, “Thật bi thảm, mùa du lịch hậu đại dịch đầu tiên của chúng ta đã bị hủy hoại bởi những khách du lịch vô trách nhiệm.”

Kể từ khi Ý mở cửa du lịch trở lại, nhiều lần du khách đã làm hỏng hoặc đặt các di tích lịch sử vào tình trạng nguy hiểm.

Đầu năm nay, ở Rôma và Pisa, khách du lịch đã đâm máy bay không người lái vào các tòa nhà thời Trung cổ. Và vào tháng 6, hai du khách đã đi xe tay ga của họ xuống Bậc thang Tây Ban Nha của Rome, gây thiệt hại trị giá 27,000 đô la.

Không có sự việc nào trong số này có thể so sánh với thời điểm vào tháng 5 năm 1972 khi một người đàn ông bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô với một chiếc búa giấu trong áo khoác. Sau đó, ông ta đập vỡ bức tượng Pietà hay Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangelo, làm hỏng cánh tay, mũi và mí mắt của Đức Mẹ. Tác phẩm điêu khắc thi thể Chúa Giêsu trong tay Mẹ Ngài đã được khôi phục và hiện trở lại Đền Thờ Thánh Phêrô, và được bảo vệ phía sau một tấm acrylic chống đạn.
Source:Religion News

2. Những người Nga bỏ trốn sang Kazakhstan đang gặp nhiều khó khăn

Reuters có một báo cáo về những vấn đề mà những người Nga phản đối cuộc chiến ở Ukraine hoặc sợ bị cử đi chiến đấu đã gặp phải khi chạy trốn sang Kazakhstan.

Họ phải lo lắng về tiền bạc, chi phí nhà ở tăng đột biến theo dòng người Nga, và việc làm khan hiếm cộng thêm với các áp lực từ gia đình ở quê nhà. Một số người thậm chí còn bị người thân buộc tội phản bội đất nước của họ.

Và quy mô của cuộc di cư đã làm dấy lên lo ngại từ một số người Kazakhstan, những người coi những người Nga là một gánh nặng kinh tế và thậm chí là một nguy cơ an ninh.

Giá thuê nhà đã tăng vọt ở Kazakhstan và các quốc gia Trung Á khác - cũng như Georgia, nơi một số chủ nhà đã bắt đầu thêm điều khoản “không có người Nga” vào quảng cáo cho thuê của họ.

Chính phủ Kazakhstan trong tuần này cho biết hơn 200,000 người Nga đã nhập cảnh vào nước này kể từ khi ông Putin tuyên bố lệnh động viên bán phần.

Ước tính có đến 147,000 người Nga sau đó đã rời đi.

Không có dữ liệu về các điểm đến cuối cùng của họ, mặc dù một số được cho là đã đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lân cận.

Khoảng 77,000 người đã đăng ký vào hệ thống ID quốc gia của Kazakhstan, là một điều kiện tiên quyết để có được một công việc hoặc một tài khoản ngân hàng.

Chính phủ Uzbekistan hôm thứ Ba cho biết họ đang tăng cường kiểm soát biên giới, với các lực lượng bảo vệ biên giới tham gia kiểm tra phương tiện và hàng hóa cùng với các quan chức hải quan.

Một số doanh nghiệp Kazakhstan đã thông báo công khai các lời mời làm việc cho những người chạy trốn khỏi lệnh động viên của Putin, nhưng một số chủ nhân tuyên bố rõ ràng rằng họ chỉ muốn tuyển mộ những người dân tộc Kazakh.
Source:Reuters

3. Đức Hồng Y Kurt Koch tiếp Giám mục Georg Bätzing

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã gặp một Hồng Y của Vatican tại Rôma trong tuần này sau khi đưa ra yêu cầu phải xin lỗi và một lời đe dọa, nếu không sẽ “đệ đơn khiếu nại chính thức lên Đức Thánh Cha”.

Giám mục Georg Bätzing đã ngồi lại với Đức Hồng Y Kurt Koch vào ngày 4 tháng 10 để làm rõ về điều mà Đức Cha Bätzing gọi là “một cuộc tấn công hoàn toàn không thể chấp nhận được” của vị Hồng Y Vatican, người gốc Thụy Sĩ và là Tổng trưởng Bộ Cổ Vũ sự Hiệp nhất Kitô Hữu.

Cuộc trao đổi là kết quả của sự bất đồng về những nhận xét liên quan đến “Kitô hữu Đức”, hệ tư tưởng của Đức Quốc xã, và những tuyên bố thần học về một tài liệu quan trọng của Tiến Trình Công Nghị Đức.

Phát ngôn viên Matthias Kopp của Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết hôm thứ Tư rằng:

“Đối với Đức Hồng Y Koch và Giám mục Bätzing, điều rõ ràng sau cuộc trò chuyện này là cuộc tranh luận thần học, mà Đức Hồng Y muốn đóng góp trong cuộc phỏng vấn, phải được tiếp tục”

Theo tuyên bố của hội đồng giám mục, vị Hồng Y Thụy Sĩ đã bảo đảm với vị giám mục Đức rằng ngài không có ý so sánh Tiến Trình Công Nghị Đức với cái gọi là phong trào 'Kitô hữu Đức' trong thời kỳ Đức Quốc xã.”

Tuy nhiên, khẳng định này không phải là mới, và cũng không phải là lời xin lỗi mà Giám Mục Bätzing yêu cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Đức, Đức Hồng Y Koch - một nhà thần học có uy tín quốc tế - đã nói rằng ngài đã bị sốc rằng, trong tất cả mọi khía cạnh, Tiến Trình Công Nghị Đức đang nói về những nguồn mặc khải mới.

“Hiện tượng này đã tồn tại trong chế độ Quốc Xã, khi những người trong phong trào 'Kitô hữu Đức' nhìn thấy sự mặc khải mới của Chúa trong máu và đất và sự trỗi dậy của Hitler,” Đức Hồng Y Koch nói với tờ báo Công Giáo Die Tagespost.

Phong trào “Kitô hữu Đức” hay Deutsche Christen là một nhóm hoạt động mạnh dưới thời Đức Quốc xã muốn gắn Đạo Tin lành với Hệ tư tưởng Quốc xã phân biệt chủng tộc.

Ngược lại, phong trào Giáo Hội Tuyên Tín với Tuyên ngôn Thần học Barmen đã lên tiếng chống lại sự xuyên tạc như vậy đối với giáo huấn Kitô.

Tuyên bố năm 1934 cho biết ngay trong điều thứ nhất: “Giáo Hội, cùng với và ngoài những mạc khải của Kinh Thánh và Truyền Thống, có thể và nên sử dụng các sự kiện và lực lượng, số liệu và sự thật khác làm nền tảng cho việc rao giảng, nhận biết nơi chúng các đặc tính mạc khải của Thiên Chúa.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đúng là “các dấu chỉ của thời đại phải được quan sát cẩn thận và xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng chúng không phải là nguồn mạc khải mới. Trong ba giai đoạn của sự tin tưởng tri thức - nhìn thấy, phán đoán và hành động - các dấu chỉ của thời đại thuộc về việc nhìn thấy và không thể xem là các nguồn mạc khải.”

Ngài giải thích rằng có một mối nguy hiểm “rằng sự thật và tự do không còn được nhìn thấy cùng nhau nữa mà bị xé nát. Trong thần học Đức ngày nay có một khuynh hướng mạnh mẽ coi tự do là giá trị cao nhất của con người và từ đó phán xét điều gì vẫn có thể được coi là chân lý của đức tin và điều gì sẽ bị ném xuống biển”.

Đáp lại, Đức Cha Bätzing nói rằng những bình luận của Đức Hồng Y Koch là một “sai lầm hoàn toàn không thể chấp nhận được” yêu cầu Đức Hồng Y phải xin lỗi và phải xin lỗi ngay tức khắc.

Đức Hồng Y Kurt Koch, đã chỉ trích đường lối của Tiến Trình Công Nghị Đức “bởi vì các nguồn mạc khải mới do Tiến Trình Công Nghị Đức được chấp nhận ngoài những nguồn mạc khải của Kinh Thánh và truyền thống”.

Đức Hồng Y Koch chỉ ra rằng ngài còn lâu mới “đơn độc trong việc chỉ trích văn bản định hướng của Tiến Trình Công Nghị Đức. Vậy thì, bình luận phê bình của tôi không thể đơn giản là biểu hiện của một thần học hoàn toàn sai lầm.”

Con đường Thượng hội đồng - Synodaler Weg trong tiếng Đức, đôi khi được dịch là “Tiến Trình Công Nghị” - là một quá trình gây tranh cãi đã vấp phải sự chỉ trích liên tục từ các Hồng Y, giám mục và các thần học gia cả quốc tế và ở Đức.

Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học người Đức được coi là thân cận với Giáo hoàng Phanxicô, vào tháng 6 năm 2022, cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức có nguy cơ “tự bẻ cổ mình” nếu không chú ý đến những phản đối của ngày càng nhiều của các giám mục trên thế giới.

Vào tháng 4, hơn 100 Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra một “bức thư ngỏ tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức, cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi Tiến Trình Công Nghị Đức có thể dẫn đến ly giáo.

Vào tháng 3, một bức thư ngỏ từ các giám mục Bắc Âu bày tỏ sự lo ngại về tiến trình của Đức, và vào tháng 2, một bức thư nặng lời từ chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng.

Giám mục Bätzing đã nhiều lần từ chối bất kỳ và tất cả các mối quan tâm, thay vào đó vào tháng Năm ông bày tỏ sự thất vọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong phản ứng đầu tiên của mình trước những lời chỉ trích của Đức Hồng Y Koch, vị giám mục Đức nói rằng những lời của Hồng Y Koch tố cáo một nỗi sợ hãi rằng “một cái gì đó sẽ thay đổi.”

“Nhưng tôi hứa với ngài rằng: Điều gì đó sẽ thay đổi và ngay cả Hồng Y Koch cũng sẽ không thể ngăn chặn điều đó - chắc chắn không phải với những tuyên bố như vậy,” Bätzing nói thêm.
Source:Catholic News Agency