1. Thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ukraine trong chuyến viếng thăm Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, tại Vatican vào lúc 9 sáng thứ Năm. Hai vị gặp nhau lần cuối tại Vatican vào tháng 3 năm 2021 trong bối cảnh đụng độ giữa Ukraine và Nga ở vùng Donbas. Shmyhal là thủ tướng Ukraine kể từ tháng 3 năm 2020.

Shmyhal nói với các phóng viên tại Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Rôma vài giờ sau buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha: “Tôi đã đích thân mời Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine.”

Ông cho biết ông đã thảo luận với vị Giáo Hoàng 86 tuổi về kế hoạch hòa bình do Volodymyr Zelenskiy đề xuất nhằm chấm dứt cuộc chiến do cuộc xâm lược của Nga gây ra vào năm ngoái.

Thủ tướng cho biết điều này bao gồm “thảo luận chi tiết hơn về các bước khác nhau mà Vatican có thể thực hiện” để giúp Kyiv đạt được các mục tiêu của mình.

“Ví dụ, tôi đã yêu cầu sự tham gia, hỗ trợ từ Vatican, từ Đức Thánh Cha, để đưa những đứa trẻ trở về Ukraine, một số trẻ mồ côi, bị cưỡng bức đưa đi, chủ yếu là sang Nga.”

Theo Kyiv, hơn 19.000 trẻ em Ukraine đã bị trục xuất sang Nga kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022, trong đó nhiều trẻ em được cho là đã bị đưa vào các cơ sở giáo dục và nhà nuôi dưỡng.

Nga phủ nhận các cáo buộc, thay vào đó nói rằng họ đã cứu trẻ em Ukraine khỏi nỗi kinh hoàng của chiến tranh.

Hôm 18 tháng 3, tòa án hình sự quốc tế đã công bố lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Maria Alekseyevna Lvova-Belova, về cáo buộc tội ác chiến tranh bắt cóc trái phép trẻ em Ukraine.

Giáo hoàng đã nhiều lần kêu gọi hòa bình ở Ukraine, mặc dù những nỗ lực của Vatican làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột vẫn chưa mang lại kết quả nào.

Thủ tướng Shmyhal đã đến Rôma hôm thứ Tư để tham dự một hội nghị về cách thức các doanh nghiệp Ý có thể giúp tái thiết Ukraine. Ông cũng gặp thủ tướng Ý Giorgia Meloni.

Đức Phanxicô đã thẳng thắn ủng hộ Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào quốc gia này vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Ngài thường nói về những người Ukraine “tử vì đạo” và cầu xin hòa bình giữa hai quốc gia. Vào tháng 3 năm 2022, ngài đã thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Đức Giáo Hoàng cũng bị chỉ trích vào đầu năm ngoái vì đã không trực tiếp chỉ đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin là kẻ xâm lược trong cuộc chiến.

Vào tháng 10 năm 2022, ngài trực tiếp kêu gọi Tổng thống Nga ngừng bắn ngay lập tức, cầu xin ông ta chấm dứt “vòng xoáy bạo lực và chết chóc” ở Ukraine.

Lời kêu gọi đánh dấu một sự phá vỡ thói quen chỉ trình bày các suy tư liên quan đến bài Tin Mừng trong ngày của Đức Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng ngài chọn dành toàn bộ suy nghĩ của mình cho Ukraine vì diễn biến của cuộc chiến “đã trở nên quá nghiêm trọng, tàn khốc và đe dọa đến mức gây ra mối lo ngại lớn”.

Đức Thánh Cha cũng cho thấy ngài sẵn sàng giúp đàm phán hòa bình giữa hai nước.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có nhiều cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy.

2. Hội đồng Âu Châu nói rằng việc Nga bắt cóc trẻ em từ Ukraine là 'diệt chủng'

Tại một phiên họp hôm thứ Năm, Hội đồng nghị viện của Hội đồng Âu Châu đã bỏ phiếu rằng việc bắt giữ và bắt cóc trẻ em khỏi các vùng lãnh thổ bị xâm lược của Nga ở Ukraine là “diệt chủng”.

Nghị quyết về “bắt cóc và cưỡng chế chuyển giao trẻ em Ukraine và các thường dân khác sang Liên bang Nga hoặc các vùng lãnh thổ Ukraine tạm thời xâm lược: đòi hỏi phải tạo điều kiện để họ trở về an toàn, ngăn chặn những tội ác này và trừng phạt thủ phạm” được thông qua với 87 phiếu thuận, nghĩa là đa số áp đảo. Chỉ có một đại diện bỏ phiếu chống và một người khác bỏ phiếu trắng.

Trong nghị quyết của mình, hội đồng kêu gọi “hành động ngay lập tức và khẩn cấp để ngăn chặn các hành vi chuyển giao và bắt cóc bất hợp pháp hiện đang được Liên bang Nga thực hiện đối với người dân Ukraine, và đặc biệt là chính sách và thực tiễn của nước này liên quan đến việc loại bỏ những đứa trẻ khỏi gia đình và ngôi nhà của chúng và sự hấp thụ sau đó của các trẻ em vào quốc tịch, bản sắc và văn hóa Nga.”

Nghị quyết nói thêm: “Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết của việc ghi lại và giám sát các trường hợp riêng lẻ, vừa để cho phép các cơ chế khắc phục nhanh chóng, vừa để thu thập bằng chứng về trách nhiệm giải trình nhằm đưa thủ phạm, ở mọi cấp độ trách nhiệm, ra trước công lý. “

Hội đồng kêu gọi chấm dứt hoạt động này “ngay lập tức và vô điều kiện”. Hội đồng cũng yêu cầu Nga cung cấp quyền truy cập vào các tổ chức phi chính phủ và tổ chức bác ái, cũng như thông tin về nơi những đứa trẻ hiện đang ở.

Tòa án hình sự quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin vào tháng 3 liên quan đến “bắt cóc bất hợp pháp” trẻ vị thành niên. Một lệnh truy nã tương tự cũng được ban hành đối với ủy viên quyền trẻ em của Nga Maria Alekseyevna Lvova-Belova, người được cho là có 18 người con nuôi, trong đó có một thiếu niên đến từ Mariupol.

Nghị quyết tuyên bố rằng Nga đã bắt đầu chuyển trẻ em khỏi các vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk bị xâm lược trước cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái. Trong một báo cáo hồi đầu tháng, chính phủ Ukraine cho biết họ đã thu thập được báo cáo của hơn 19.000 trẻ em bị bắt cóc.

3. Đức Hồng Y Thụy Điển cảnh báo các Giám Mục Đức về Tiến Trình Công Nghị

Đức Hồng Y Anders Arborelius, Giám mục Giáo phận Stockholm, Thụy Điển, cảnh giác Giáo Hội Công Giáo tại Đức về Tiến trình Công nghị và ngộ nhận về giá trị do Tiến Trình này đề ra.

Qua Tiến trình Công nghị, đa số các giám mục và Ủy ban Trung ương giáo dân Công Giáo Đức đã đề nghị cải tổ Giáo hội, về cơ cấu và đạo lý, trái ngược với truyền thống của Giáo hội, tuy có sự cảnh giác của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh. Dầu vậy, những người chủ trương con đường này hy vọng những quyết định từ Con đường này sẽ nêu gương cho Giáo hội hoàn vũ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Die Tagesport ở Đức, Đức Hồng Y Arborelius, thuộc dòng Cát Minh nhặt phép (OCD) nhận định rằng: “Các tín hữu Công Giáo Đức sẽ thất vọng lớn khi thấy rằng những vấn đề của mình không giữ vai trò nào trong Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Hồng Y lấy làm tiếc vì Giáo hội tại Đức đi theo con đường riêng với những nghị quyết được đề ra trong Tiến trình Công nghị. Đức Hồng Y nói: “Cho dù những nghị quyết đó là quan trọng đối với Đức, nhưng Giáo hội tại Đức chỉ là một phần bé nhỏ trong Giáo hội hoàn vũ. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ đề cập tới những vấn đề có một cách này hay cách khác, nhưng quan điểm của Đức sẽ không quan trọng như người ta nghĩ tại Đức. Tiếng nói của Đức không quan trọng trong Giáo hội hoàn vũ.

Đức Hồng Y Arborelius cũng nhận xét rằng thật là điều đúng khi Tòa Thánh can thiệp chống lại những lối thực hành bất hợp pháp. Theo ngài, tiến trình đồng hành của Giáo hội hoàn vũ có thể làm cho các tín hữu Công Giáo ở Đức thất vọng. Ngài cũng tuyệt đối bác bỏ quan niệm, theo đó những quyết định của đa số trong hội nghị là tiếng nói của Chúa Thánh Linh. “Đó là quan niệm không hợp với Kinh thánh: Kinh thánh coi nhóm nhỏ các thánh là những người gìn giữ đức tin. Dân Israel lưu đày là một thiểu số rất nhỏ bé, nhưng họ đã bảo tồn truyền thống. Ngày nay cũng vậy, chỉ có một thiểu số các nước chúng ta còn là Kitô. Khi những liên lệ của chúng ta với thế giới và những cơ cấu xã hội trở nên quá gắn bó, chúng ta có nguy cơ chiều theo những quan niệm của thế gian. Nền dân chủ là tốt đối với thế giới nhưng trong Giáo hội thì khác. Có chân lý, tình thương, lòng thương xót và sự thánh thiện. Giải thích điều đó thật là quan trọng”.