Điều đặc biệt là tài liệu do Bộ Truyền Thông Tòa Thánh mới công bố đã lấy dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu làm mô hình. Sở dĩ như thế, vì theo Bộ Truyền thông, môi trường kỹ thuật số phải chuyển từ cảm thức cá nhân qua cảm thức cộng đồng. Mà cảm thức cộng đồng sẽ không có nếu không có cảm thức “người hàng xóm”. Mà định nghĩa về “người hàng xóm” thì không đâu bằng định nghĩa của chính Chúa Giêsu trong dụ ngôn “Người Samaritanô nhân hậu”. Mời bạn đọc cùng đọc các đoạn tài liệu trên nói về “Người Hàng Xóm” trên các phương tiện truyền thông xã hội:



Những người nghe có chủ ý

25) Việc suy nghĩ về sự tương tác của chúng ta với mạng xã hội bắt đầu từ nhận thức về cách thức hoạt động của các mạng này cũng như những cơ hội và thách thức mà chúng ta gặp phải trong đó. Nếu các mạng xã hội trực tuyến mang một sự cám dỗ cố hữu đối với chủ nghĩa cá nhân và sự tự đề cao bản thân, như được mô tả trong chương trước, thì chúng ta không bị lên án dù muốn hay không phải rơi vào những thái độ này. Người môn đệ nào gặp cái nhìn thương xót của Chúa Kitô đều cảm nghiệm được một điều khác. Anh ấy hoặc cô ấy biết rằng giao tiếp tốt bắt đầu bằng việc lắng nghe và nhận thức được rằng một người khác đang ở trước mặt tôi. Lắng nghe và nhận thức nhằm thúc đẩy gặp gỡ và vượt qua những trở ngại hiện có, kể cả trở ngại của sự thờ ơ. Lắng nghe theo cách này là một bước thiết yếu để tiếp xúc người khác; nó là thành phần đầu tiên không thể thiếu cho truyền thông và là điều kiện cho đối thoại đích thực.[13]

26) Trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, người đàn ông bị đánh đập và bỏ mặc cho chết đã được sự giúp đỡ của một người ít được mong đợi nhất: vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái và người Samaria thường có mâu thuẫn. Nếu có bất cứ điều gì, thì sự thù địch luôn là tác phong dự kiến. Tuy nhiên, người Samaritanô không xem người bị đánh đó là “người khác”, mà đơn giản là người cần được giúp đỡ. Anh cảm thấy thương cảm, đặt mình vào vị trí của người khác; và đã cống hiến bản thân, thời gian và nguồn lực của mình để lắng nghe và đồng hành với những người mà anh gặp gỡ [14].

27) Câu chuyện dụ ngôn có thể truyền cảm hứng cho các mối quan hệ trên mạng xã hội vì nó minh họa khả năng xảy ra một cuộc gặp gỡ có ý nghĩa sâu sắc giữa hai người hoàn toàn xa lạ. Người Samaritanô phá vỡ “sự phân chia xã hội”: anh ta vượt ra ngoài ranh giới của sự đồng ý và bất đồng. Trong khi vị tư tế và thầy Lêvi đi ngang qua người đàn ông bị thương, thì người du khách Samaritanô nhìn thấy anh ta và chạnh lòng thương (x. Lc 10:33). Lòng trắc ẩn có nghĩa là cảm thấy rằng người khác là một phần của tôi. Người Samaritanô lắng nghe câu chuyện của người đàn ông; anh đến gần vì anh được đánh động từ bên trong.

28) Tin Mừng Luca không bao gồm bất cứ cuộc đối thoại nào giữa hai người đàn ông. Chúng ta có thể tưởng tượng người Samaritanô tìm thấy người đàn ông bị thương và có lẽ hỏi anh ta: “Anh bị sao vậy?” Nhưng ngay cả khi không nói lời nào, qua thái độ cởi mở và hiếu khách của anh, một cuộc gặp gỡ đã bắt đầu. Cử chỉ đầu tiên đó là biểu thức của sự quan tâm, và điều này rất quan trọng. Khả năng lắng nghe và sẵn sàng tiếp nhận câu chuyện của người khác mà không quan tâm đến những định kiến văn hóa thời bấy giờ đã giúp người đàn ông bị thương không bị bỏ mặc cho chết.

29) Sự tương tác giữa hai người đàn ông thôi thúc chúng ta thực hiện bước đầu tiên trong thế giới kỹ thuật số. Chúng ta được mời nhìn thấy giá trị và phẩm giá của những người mà chúng ta có sự khác biệt. Chúng ta cũng được mời nhìn xa hơn mạng lưới an toàn, hầm chứa và bong bóng của chúng ta. Trở thành một người hàng xóm trong môi trường truyền thông xã hội đòi hỏi sự chủ ý. Và tất cả bắt đầu với khả năng lắng nghe tốt, để thực tại của người khác chạm vào chúng ta.

Biện phân sự hiện diện trên mạng xã hội của chúng ta

41) Từ viễn cảnh đức tin, truyền đạt điều gì và truyền đạt như thế nào không chỉ là một vấn đề thực tế mà còn là một vấn đề thiêng liêng. Có mặt trên các phương tiện truyền thông xã hội thúc đẩy sự biện phân. Giao tiếp tốt trong những bối cảnh này là một thao tác thận trọng và kêu gọi sự cân nhắc thành tâm về cách tương tác với những người khác. Tiếp cận câu hỏi này qua lăng kính câu hỏi của người luật sĩ, “Ai là người hàng xóm của tôi?”, kêu gọi sự biện phân liên quan tới sự hiện diện của Thiên Chúa trong và qua cách chúng ta liên hệ với nhau trên các mạng truyền thông xã hội.

42) Trên mạng truyền thông xã hội, tình hàng xóm là một khái niệm phức tạp. “Hàng xóm” trên mạng xã hội rõ ràng nhất là những người mà chúng ta duy trì kết nối. Đồng thời, những người hàng xóm của chúng ta cũng thường là những người mà chúng ta không thể nhìn thấy, vì các mạng này ngăn chúng ta nhìn thấy họ hoặc đơn giản là vì họ không có ở đó. Môi trường kỹ thuật số cũng được chia sẻ bởi những người tham gia khác, chẳng hạn như “bots [robots] internet” (người máy liên mạng] và “deepfakes” [video giả dạng], tức các chương trình máy tính tự động hoạt động trực tuyến với các nhiệm vụ được giao, thường mô phỏng hành động của con người hoặc thu thập dữ kiện.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông xã hội được kiểm soát bởi một “cơ quan có thẩm quyền” ở bên ngoài, thường là một tổ chức vì lợi nhuận nhằm phát triển, quản lý và cổ vũ các thay đổi đối với việc phải lập trình cương lĩnh này ra sao để hoạt động. Theo nghĩa rộng hơn, tất cả những thứ này đều “sống trong” hoặc đóng góp cho “hàng xóm” trực tuyến.

43) Nhận ra người hàng xóm kỹ thuật số của chúng ta là nhận ra rằng cuộc sống của mỗi người có liên quan đến chúng ta, ngay cả khi sự hiện diện (hoặc vắng mặt) của người đó được trung gian bởi các phương tiện kỹ thuật số. “Các phương tiện truyền thông ngày nay cho phép chúng ta giao tiếp và chia sẻ kiến thức cũng như tình cảm của chúng ta,” như Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Thông điệp Laudato si’, “nhưng đôi khi chúng cũng che chở chúng ta khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với nỗi đau, nỗi sợ hãi và niềm vui của người khác và tính phức tạp trong các trải nghiệm bản thân của họ.”[20] Trở nên thân thiện với hàng xóm trên phương tiện truyền thông xã hội có nghĩa là hiện diện với câu chuyện của người khác, đặc biệt là những người đang đau khổ. Nói cách khác, cổ vũ cho môi trường kỹ thuật số tốt hơn không có nghĩa là không còn tập chú vào các vấn đề cụ thể mà nhiều người gặp phải – thí dụ như đói, nghèo, di cư bắt buộc, chiến tranh, bệnh tật và cô đơn. Thay vào đó, nó có nghĩa là cổ vũ một tầm nhìn toàn diện về cuộc sống con người, mà ngày nay bao gồm cả lĩnh vực kỹ thuật số. Trên thực tế, mạng xã hội có thể là một cách để thu hút sự chú ý nhiều hơn đến những thực tại này và xây dựng tình liên đới giữa những người gần xa.

44) Trong việc xem các phương tiện truyền thông xã hội như một không gian không những dành cho các mối nối kết mà cuối cùng dành cho các mối liên hệ, thì việc “xét mình” đúng đắn về sự hiện diện của chúng ta trên các phương tiện truyền thông xã hội nên bao gồm ba mối liên hệ sống còn: với Thiên Chúa, với người lân cận và với môi trường xung quanh chúng ta.[ 21] Mối liên hệ của chúng ta với những người khác và môi trường của chúng ta phải nuôi dưỡng mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, và mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, điều quan trọng nhất, phải được nhìn thấy trong mối liên hệ của chúng ta với những người khác và với môi trường của chúng ta.

Trên đường đến Giêricô

48) Phương tiện kỹ thuật số cho phép mọi người gặp nhau vượt ra ngoài ranh giới của không gian và văn hóa. Mặc dù những cuộc gặp gỡ kỹ thuật số này có thể không nhất thiết mang lại sự gần gũi về thể chất, nhưng chúng vẫn có thể có ý nghĩa, có tác động và có thực chất. Ngoài những kết nối đơn thuần, chúng có thể là một con đường để tương tác chân thành với người khác, tham gia vào các cuộc trò chuyện có ý nghĩa, bày tỏ tình liên đới và xoa dịu sự cô lập và nỗi đau của một ai đó.

49) Phương tiện truyền thông xã hội có thể được coi như một “con đường dẫn đến Giêricô” khác, đầy rẫy những cơ hội để gặp gỡ ngoài ý muốn như đã xảy ra với Chúa Giêsu: một người hành khất mù la hét bên vệ đường (x. Lc 18:35-43), một người thu thuế bất lương leo lên cành cây sung (x. Lc 19:1-9) và một người đàn ông bị thương bị bọn cướp bỏ lại nửa sống nửa chết (x. Lc 10:30). Đồng thời, dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu nhắc nhở chúng ta rằng nguyên việc một người nào đó “có đạo” (thầy tư tế hoặc thầy Lêvi) hoặc tuyên bố mình là môn đệ của Chúa Giêsu, không có gì bảo đảm là họ sẽ giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự chữa lành và hòa giải. Người mù bị các môn đệ của Chúa Giêsu quở trách và bảo im đi; tương tác của Giakêu với Chúa Giêsu đi kèm với sự càu nhàu của những người khác; người đàn ông bị thương đơn giản là bị thầy tư tế và thầy Lêvi phớt lờ khi họ đi ngang qua.

50) Trong những ngã ba đường kỹ thuật số, cũng như trong những cuộc gặp gỡ trực tiếp, là “Kitô hữu” vẫn chưa đủ. Có thể tìm thấy nhiều hồ sơ hoặc tài khoản trên mạng xã hội tuyên bố nội dung tôn giáo nhưng không dấn thân vào các động lực tương quan một cách trung thành. Những tương tác thù địch và những từ ngữ bạo lực, hạ nhục, đặc biệt là trong bối cảnh chia sẻ nội dung Kitô giáo, phát ra từ màn hình và là một sự mâu thuẫn với chính Tin Mừng.[25]

Ngược lại, người Samaritanô nhân hậu, người chú ý và sẵn sàng gặp gỡ người bị thương, động lòng trắc ẩn để hành động và chăm sóc cho anh ta. Anh chăm sóc vết thương cho nạn nhân và đưa anh ta đến một nhà trọ để bảo đảm anh ta được chăm sóc liên tục. Tương tự như vậy, mong muốn biến mạng xã hội thành một không gian tương quan và nhân bản hơn của chúng ta phải được chuyển thành thái độ cụ thể và cử chỉ sáng tạo.

51) Nuôi dưỡng cảm thức cộng đồng bao gồm chú ý đến các giá trị, kinh nghiệm, hy vọng, nỗi buồn, niềm vui, sự hài hước và thậm chí cả những câu chuyện cười được chia sẻ, mà bản thân chúng có thể trở thành điểm tập hợp của mọi người trong không gian kỹ thuật số. Cũng như việc lắng nghe, biện phân và gặp gỡ, tạo cộng đoàn với người khác đòi hỏi sự dấn thân bản thân. Điều được các cương lĩnh truyền thông xã hội định nghĩa là “tình bạn” bắt đầu đơn giản là sự kết nối hoặc sự quen thuộc. Tuy nhiên, ở đó cũng có thể nhấn mạnh đến tinh thần hỗ trợ và đồng hành hỗ tương. Để trở thành cộng đồng đòi phải có cảm thức tham gia tự do và hỗ tương; để trở thành một hiệp hội đáng mong muốn tập hợp các thành viên dựa trên sự gần gũi. Tự do và hỗ trợ lẫn nhau không tự động xuất hiện. Để tạo thành cộng đồng, công việc chữa lành và hòa giải thường là bước đầu tiên được thực hiện trên đường đi.

52) Ngay cả trên phương tiện truyền thông xã hội, “chúng ta phải quyết định nên trở thành Người Samaritanô Nhân Hậu hay là những người ngoài cuộc thờ ơ. Và nếu chúng ta mở rộng tầm nhìn về lịch sử cuộc sống của chính chúng ta và của toàn thế giới, thì tất cả chúng ta đều giống như từng nhân vật trong truyện dụ ngôn. Tất cả chúng ta đều mang trong mình một chút gì đó của người bị thương, một chút gì đó của tên cướp, một chút gì đó của những người qua đường, và một chút gì đó của người Samaritanô nhân hậu.”[26]

Tất cả chúng ta có thể là khách qua đường trên xa lộ kỹ thuật số - đơn giản là “được kết nối” [27] -, hoặc chúng ta có thể làm điều gì đó giống như người Samaritanô và cho phép các kết nối phát triển thành những cuộc gặp gỡ thực sự. Người qua đường tình cờ trở thành hàng xóm khi anh ta chăm sóc cho người đàn ông bị thương bằng cách băng bó vết thương cho anh ta. Khi chăm sóc cho người đàn ông, anh nhằm mục đích chữa lành không chỉ những vết thương thể xác mà còn cả sự chia rẽ và thù hận tồn tại giữa các nhóm xã hội của họ.

53) Vậy thì “chữa lành” vết thương trên mạng xã hội có nghĩa là gì? Làm thế nào chúng ta có thể “ràng buộc” sự phân chia? Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng các môi trường giáo hội có khả năng chào đón và hội nhập “các vùng ngoại biên về địa lý và hiện sinh” của các nền văn hóa ngày nay? Những câu hỏi như thế này rất cần thiết để nhận ra sự hiện diện của Kitô hữu trên các xa lộ kỹ thuật số.