1. Linh mục bị treo chén vì ra tranh cử làm thống đốc tại Nigeria

Lần thứ hai tại bang Benue bên Nigeria, một cựu linh mục được bầu làm Thống đốc tiểu bang, đó là Hyacinth Lorem Alia, vốn nổi tiếng về các thánh lễ “chữa bệnh” cho các bệnh nhân và trừ tà.

Đức Cha William Avenya, Giám mục bản quyền của Giáo phận Gboko, chiếu theo giáo luật cấm các giáo sĩ không được tham gia chính trị, đã ra lệnh cấm linh mục Lorem Alia không được thi hành chức vụ linh mục nữa, sau khi vị này quyết định ra tranh cử. Đức Cha nói: “Việc linh mục này ra ứng cử là điều hoàn toàn trái ngược với ơn gọi của giáo sĩ”.

Ông Lorem Alia nhờ sự nổi tiếng của mình, đã thu hút được biểu các cử tri. Trước đây cũng có một linh mục tên là Moses Orshio Adasu, ra tranh cử trong đảng dân chủ xã hội và thắng cử Thống đốc vào năm 1992, nhưng sau đó bị giới quân nhân “hạ bệ’ vào tháng Mười năm 1993 sau đó.

Ông Lorem Alia nguyên là một tiến sĩ đạo đức sinh học, và cộng tác với Đại học Công Giáo của Giáo phận Gboko. Từ lâu vị này tỏ ra có tham vọng chính trị và cộng tác với đảng “Toàn Quốc đại cấp tiến” (All Progressives Congress, Apc). Đối với nhiều người, ông là biểu tượng một cuộc chiến đấu chống lại tình trạng bất an trong xã hội.

Tại vài nước Phi châu cũng có những trường hợp linh mục dấn thân vào các hoạt động chính trị, như tại Côte d’Ivoire và Cộng hòa Dân chủ Congo.

2. Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Các bác sĩ cho biết tình trạng của Đức Thánh Cha sau phẫu thuật là ổn định và ngài hoàn toàn có thể tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Bồ Đào Nha.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 86 tuổi, đã hủy các cuộc họp vào ngày 26 tháng 5 do bị sốt. Ngài đã tiếp tục các hoạt động bình thường của mình vào ngày hôm sau.

Vào cuối tháng 3, ngài phải nhập viện bốn ngày vì nhiễm trùng phổi.

Từ đầu năm 2022, giáo hoàng bị đau đầu gối. Ngài bắt đầu thấy khó khăn trong việc đi đứng và đã phải sử dụng gậy và xe lăn trong hơn một năm.

Năm nay, ngài cũng đã phải đối mặt với căn bệnh tái phát viêm túi thừa, một chứng viêm sưng đau ở ruột già, mà ngài đã được phẫu thuật vào tháng 7 năm 2021.

Bất chấp những thách thức y tế gần đây của ngài, Vatican gần đây đã thông báo ý định của Đức Thánh Cha đến thăm Mông Cổ từ ngày 31 tháng 8 đến mùng 1 tháng 9.

Đức Phanxicô cũng dự kiến sẽ có mặt tại Lisbon, Bồ Đào Nha, cho Ngày Giới trẻ Thế giới từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8. Chuyến đi cũng bao gồm một chuyến viếng thăm Đền Thánh Đức Mẹ Fatima.

3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kêu gọi cộng đồng thế giới lên án việc Nga cho nổ thủy điện Kakhovka

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã phản ứng trước việc người Nga cho nổ tung nhà máy thủy điện Kakhovka vào lúc 2:50 sáng hôm thứ Ba.

Ngài kêu gọi cộng đồng thế giới lên án việc Nga cho nổ thủy điện Kakhovka.

“Nga tiếp tục cuộc xâm lược diệt chủng chống lại Ukraine. Việc phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovka là một tội ác chiến tranh khác, một thảm họa khủng khiếp về môi trường do con người gây ra, đồng thời là tội lỗi chống lại Chúa là Đấng Tạo Hóa, Đấng đã kêu gọi con người nuôi dưỡng chứ không phải hủy diệt thế giới mà Ngài đã tạo ra. Vụ nổ đập thủy điện Kakhovka đã khiến hàng nghìn người gặp nguy hiểm tính mạng, con số này ngày càng tăng. Sự sụt giảm nhanh chóng mực nước trong hồ chứa Kakhovka do vụ nổ là mối đe dọa đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tạm chiếm,” Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cho biết như trên.

Ngài kêu gọi cầu nguyện cho những người đang gặp nguy hiểm và sự khôn ngoan và can đảm cho các dịch vụ cấp cứu di tản thường dân.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cũng nói với thế giới: “Chúng tôi cảm ơn những người có thiện chí trên toàn thế giới đang giúp cứu sống những người ở Ukraine trong những thời điểm nguy hiểm này. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án những hành động khủng bố này của kẻ xâm lược Nga và đáp trả lại một cách thích đáng”.

Được biết, vào rạng sáng ngày 6 tháng 6, quân xâm lược Nga đã cho nổ đập nhà máy thủy điện Kakhovka. Nhà máy thủy điện không thể phục hồi. Việc di tản người dân khỏi các ngôi làng bị ngập lụt vẫn tiếp tục. Có khoảng 80 khu định cư trong khu vực bị ngập lụt.


Source:UGCC

4. Tóm lược chuyến viếng thăm Kyiv của Đức Hồng Y Matteo Zuppi

Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ukraine, Đức Hồng Y Matteo Zuppi hôm thứ Ba đã kết thúc chuyến thăm hai ngày “ngắn nhưng bận rộn” tới Kyiv, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy.

“Kết quả của những cuộc nói chuyện này, chẳng hạn như những cuộc nói chuyện với các đại diện tôn giáo, cũng như kinh nghiệm trực tiếp về sự đau khổ tàn khốc của người dân Ukraine do hậu quả của cuộc chiến đang diễn ra, sẽ được Đức Thánh Cha lưu ý,” Vatican News cho biết trong một bản tin hôm thứ Ba.

Bản tin cho biết các cuộc trò chuyện của Đức Hồng Y Zuppi “chắc chắn sẽ hữu ích trong việc đánh giá các bước cần thực hiện ở cả cấp độ nhân đạo và tìm kiếm con đường dẫn đến một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Vào sáng thứ Ba, Zuppi đã dừng lại để cầu nguyện tại Nhà thờ St. Sophia của Kyiv, một trung tâm lịch sử của Kitô giáo.

Sau đó, ngài đã gặp tổng thống Zelenskiyy và các nhà lãnh đạo chính trị khác. Theo Avvenire, tờ báo do Hội đồng Giám mục Ý xuất bản, cuộc gặp với tổng thống diễn ra “rất thân mật”.

Tổng thống Zelenskiyy, viết trên Telegram, cho biết ông và Đức Hồng Y Zuppi đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và hợp tác nhân đạo.

“Chỉ có những nỗ lực chung, sự cô lập ngoại giao và áp lực đối với Nga mới có thể mang lại hòa bình chính đáng trên đất Ukraine,” tổng thống nói. “Tôi yêu cầu Tòa thánh giúp thực hiện kế hoạch hòa bình Ukraine. Ukraine hoan nghênh thiện chí của các quốc gia và đối tác khác tìm cách đạt được hòa bình, nhưng vì chiến tranh đang diễn ra trên lãnh thổ của chúng tôi nên giải pháp để đạt được hòa bình chỉ có thể là từ Ukraine”.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Hồng Y cảm ơn chính quyền dân sự Ukraine về các cuộc gặp gỡ, đặc biệt là cuộc gặp với tổng thống Ukraine.

Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Zuppi, tổng giám mục Bologna và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, phục vụ với tư cách là đặc phái viên của giáo hoàng để “khởi xướng các con đường hòa bình” giữa Nga và Ukraine.

Đức Hồng Y có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng xây dựng hòa bình có ảnh hưởng lớn Sant'Egidio, một hiệp hội giáo dân Công Giáo. Sant'Egidio đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia bao gồm Mozambique, Nam Sudan, Congo, Burundi và Cộng hòa Trung Phi.

Hôm thứ Hai, ngày đầu tiên trong chuyến thăm của mình, Đức Hồng Y Zuppi đã đến thăm thị trấn Bucha cách Kyiv khoảng 16 dặm về phía Tây. Ngài cầu nguyện trước mộ của hàng chục thường dân bị quân đội Nga thảm sát vào tháng 3 năm 2022. Nhiều nạn nhân đã bị tra tấn và chôn cất trong những ngôi mộ tập thể.

Ông đã gặp Dmytro Lubinets, ủy viên nhân quyền của Quốc hội Ukraine. Các chủ đề thảo luận bao gồm việc đối xử với trẻ em Ukraine ở các vùng lãnh thổ do Nga xâm lược và đối xử với tù nhân, bao gồm cả thường dân.

Cũng trong ngày thứ Hai, Đức Hồng Y đã gặp gỡ các đại diện của Hội đồng các Giáo hội và Tổ chức Tôn giáo.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, hôm 26 tháng 5 nói rằng sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi không lấy hòa giải làm mục tiêu trước mắt. Thay vào đó, vai trò của ngài là nhằm tạo ra môi trường hòa giải và “giúp hướng tới một giải pháp hòa bình”.


Source:Catholic News Agency

5. Vị Hồng Y xây dựng hòa bình này có thể mang lại tiến bộ ở Ukraine không?

Đức Hồng Y Zuppi đã ở Kyiv trong 2 ngày với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng đây chắc chắn không phải là vùng xung đột đầu tiên mà ngài bước vào với sứ mệnh hòa bình.

Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi đã đến Kyiv “với tư cách là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng” vào ngày 5 và 6 tháng 6 năm 2023, văn phòng báo chí Vatican cho biết như trên. Nhiệm vụ của Đức Tổng Giám Mục Bologna và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý là “ lắng nghe sâu sắc các nhà chức trách Ukraine về những cách khả thi để đạt được hòa bình lâu dài và ủng hộ những cử chỉ nhân đạo góp phần làm dịu căng thẳng”.

Vào ngày 20 tháng 5, Đức Thánh Cha đã giao cho vị Hồng Y người Ý nhiệm vụ “dẫn đầu một sứ mệnh, với sự đồng ý của Phủ Quốc vụ khanh, để góp phần làm dịu căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine.”

Vào thời điểm đó, Tòa thánh thông báo rằng các chi tiết của sự can thiệp ngoại giao này vẫn đang được nghiên cứu.

Đức Hồng Y Zuppi từ lâu đã là thành viên của cộng đồng giáo dân Sant'Egidio, một hiệp hội Công Giáo cam kết đối thoại đại kết và hoạt động vì hòa bình.

Trên thực tế, Đức Hồng Y đã có một lịch sử lâu dài trong việc giúp mang lại hòa bình trong một số cuộc xung đột thế giới nghiêm trọng.

Khi vẫn chỉ là một linh mục, ngài đã đóng vai trò là người hòa giải trong một số cuộc xung đột. Ngài làm trung gian vào năm 1992 tại Mozambique, lúc đó đang bị nội chiến tàn phá. Sau đó, ngài làm trung gian thay mặt cho Sant'Egidio ở Tanzania, Cuba, Kosovo và Xứ Basque vào năm 2017, khi các thành viên của ETA quyết định coi ngài là 'bảo chứng đạo đức' của họ khi họ hạ vũ khí.

Cộng đồng Sant'Egidio đã có tầm quan trọng đáng kể dưới triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, đôi khi được mô tả như một cơ quan ngoại giao song song với cơ quan của Bộ Ngoại giao.

Theo Reuters, sứ mệnh được giao phó cho vị Hồng Y 67 tuổi người Ý là gặp riêng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi không có đại diện giáo hoàng nào được tiếp đón tại Mạc Tư Khoa kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, thì Đức Hồng Y Zuppi không phải là đại diện đầu tiên của giáo hoàng đến thăm Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Tổng trưởng Thánh bộ Phục vụ Bác ái và là quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, đến đất nước bị chiến tranh tàn phá năm lần, nơi ngài đã mang theo dụng cụ y tế và xe cứu thương.

Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện, cũng đã thực hiện một chuyến viếng thăm ngắn tới Ukraine từ biên giới Hung Gia Lợi vào tháng 3 năm 2022.

Cũng có các Hồng Y khác đã đến thăm Ukraine mà không được Đức Giáo Hoàng yêu cầu, chẳng hạn như Hồng Y Thụy Điển Anders Arborelius vào ngày 1 tháng Sáu vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia và là trụ cột ngoại giao của Giáo hoàng, cũng đã đến thăm Ukraine từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 5 năm 2022. “Chuyến thăm của tôi nhằm thể hiện sự gần gũi của Tòa thánh và Đức Thánh Cha Phanxicô đối với người dân Ukraine, đặc biệt trước sự xâm lược của Nga, “ ngài nói vào thời điểm đó.

Theo một nguồn tin của Vatican, trong một thời gian, Tòa thánh đã xem xét chuyến thăm của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, nhưng đã loại trừ vì nó có thể được coi là sự chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ mong muốn đến thăm cả Mạc Tư Khoa và Kyiv, trước khi từ bỏ dự án này.

Ukraine rất mong muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm và trong cuộc triều yết Đức Thánh Cha hôm 13 Tháng Năm vừa qua, Tổng thống Zelenskiy đã lặp lại lời mời Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, 48 tuổi, người Lithuania, Sứ thần Tòa Thánh cho biết:

“Thật là tuyệt vời và rất có ý nghĩa nếu có Đức Giáo Hoàng ở giữa chúng ta, nhưng tôi đã suy nghĩ rất lâu và kỹ lưỡng với các giám mục và, thật không may, thật không dễ dàng chút nào để tổ chức một chuyến thăm trong hoàn cảnh này.” Trong điều kiện hiện tại, một chuyến đi như vậy dường như là bất khả thi đối với Đức Giáo Hoàng. Ngài giải thích rằng “Nếu Đức Giáo Hoàng đến, ngài không thể chỉ đến phủ tổng thống như nhiều vị quốc khách khác. Chắc chắn sẽ có những cuộc tụ họp đông người để chào đón Đức Thánh Cha, thánh lễ ngoài trời, vân vân. Trong hoàn cảnh chiến tranh hiện nay khi người Nga liên tục tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào các thành phố của Ukraine, khả năng bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha là rất căng thẳng.”

Đối với Linh mục Martin Werlen, cựu tu viện trưởng tu viện Dòng Biển Đức ở Einsiedeln, một chuyến đi như vậy sẽ phản tác dụng ở chỗ có thể chọc tức Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngài cũng tin rằng nếu Kirill lên án chiến tranh, Putin sẽ sớm bị tước vũ khí. Cha Werlen ngậm ngùi nói: “Nhưng Kirill đã không làm như thế, ông ta đã để cho Putin mua lại mình”.

Còn khả năng Đức Thánh Cha viếng thăm Mạc Tư Khoa trước và thăm Kyiv sau đó thì sao? Đó là chuyện con lạc đà chui qua lỗ kim. Chính Thống Giáo, đặc biệt Chính Thống Giáo của Kirill không đời nào chấp nhận một vị Giáo Hoàng đến thăm nước Nga.

Peter Anderson, một ký giả kỳ cựu chuyên về các vấn đề liên quan đến Chính Thống Giáo cho biết hôm 25 tháng 5, 2019, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Daniel của Chính Thống Giáo Rumani. Một ngày trước đó, đại diện của Chính Thống Giáo Nga đã đến gặp Đức Thượng Phụ Daniel và bảo ngài phải tránh lặp lại một biến cố đã xảy ra vào năm 1999 khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Rumani, 10 năm sau sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Trong chuyến tông du này, vui mừng với tự do vừa đạt được, các tín hữu Chính Thống Giáo đã tham dự các cử hành của vị Giáo Hoàng Ba Lan, và hô lớn “hiệp nhất, hiệp nhất”. Các Giám Mục và linh mục Chính Thống Giáo Rumani cũng nhiệt thành tham gia vào các cử hành của Công Giáo trong dịp này. Được sự dặn dò của Thượng Phụ Kirill, khi Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng đọc kinh Lạy Cha, Thượng Phụ Daniel đã không hề nhếch mép.

Ngày 12 tháng Hai, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Thượng Phụ Kirill tại phòng khánh tiết của sân bay Havana của Cuba. Peter Anderson nhấn mạnh rằng hai vị đã không cầu nguyện chung.

Ông nhấn mạnh rằng, Chính Thống Giáo Nga vẫn coi Công Giáo là “tà ma ngoại đạo”, việc cầu nguyện chung là không thể. Thành ra, khả năng Đức Thánh Cha tông du sang Nga lại càng là chuyện không thể. Đó là chuyện con heo biết bay. Trong đời chúng ta sẽ không hân hạnh thấy được điều đó đâu.


Source:Aleteia