Theo tường trình của Jonathan Liedl thuộc thông tấn xã CNA, thừa nhận sự chán nản mà các nhà lãnh đạo Công Giáo có thể trải qua trong các xã hội thế tục hóa, hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi các giám mục, các giáo sĩ, những người tận hiến và những nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha ở lại trên thuyền với Chúa Giêsu và làm sống lại lòng nhiệt thành “không ngơi nghỉ” của họ trong việc truyền bá Tin Mừng.



“Đây không phải là lúc để dừng lại và bỏ cuộc, để kéo con thuyền vào bờ hay nhìn lại,” Đức Thánh Cha nói thế. Ngài đã đến Lisbon sáng nay để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới.

Đức Giáo Hoàng đã gửi thông điệp đầy khích lệ trong bài giảng kinh chiều Thứ Tư, cho các giám mục, linh mục, phó tế, những người tận hiến, chủng sinh và những người làm việc mục vụ tập trung tại nhà thờ Mosterio dos Jerónimos mang tính biểu tượng của Lisbon, một đan viện trước đây hiện được sử dụng làm phòng nghi lễ công cộng và không gian bảo tàng.

Thông điệp của ngài đã rút tỉa đáng kể từ cả bài tường thuật của Thánh Luca về mẻ cá lạ lùng và di sản truyền giáo đáng kể của chính Bồ Đào Nha.

Ngài nói: “Bây giờ là thời điểm ân sủng Chúa ban để mạnh dạn chèo thuyền ra biển truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo”.

Đánh cá với Chúa Giêsu

Đức Giáo Hoàng bắt đầu bài giảng của ngài bằng cách lưu ý rằng, giống như các môn đệ sau khi họ đánh cá suốt đêm mà không thành công, các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Bồ Đào Nha có thể nản lòng. So với các quốc gia Tây Âu khác, nhiều người ở quốc gia 10.3 triệu dân này ít nhất vẫn theo Công Giáo trên danh nghĩa, nhưng những tác động của diễn trình thế tục hóa đối với tín ngưỡng và thực hành đang ngày càng sâu xa.

Nói về sự nguy hiểm của “chủ nghĩa chức năng”, Đức Giáo Hoàng nói, “Có những khoảnh khắc trong hành trình giáo hội của chúng ta khi chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi tương tự, khi chúng ta dường như chỉ giữ được những tấm lưới trống rỗng.”

“Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy nản lòng, chúng ta có thể cảm thấy muốn rời bỏ con thuyền và bị mắc vào lưới của sự cam chịu và bi quan.”

Nhưng đề cập đến Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng trong những lúc thất vọng này, Chúa Kitô muốn cùng các tín hữu lên thuyền và trợ giúp họ trong nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Thay vì đầu hàng trước cám dỗ bỏ cuộc, “chúng ta cần mang những khó khăn và nước mắt đó đến cho Chúa,” tin tưởng rằng “Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đưa tay ra và nâng đỡ Vị hôn phu yêu dấu của Người.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp, “Chắc chắn chúng ta đang sống trong những thời điểm khó khăn, nhưng Chúa đang hỏi Giáo hội này: 'Con có muốn rời thuyền và chìm đắm trong sự vỡ mộng không, hay con sẽ để Cha bước vào và để sự mới mẻ trong lời nói của Cha một lần giữ tay lái? Con chỉ muốn lưu giữ quá khứ vốn nằm phía sau con, hay con muốn một lần nữa hạ lưới với nhiệt tình đánh bắt?

Nhấn mạnh tới những nhà truyền giáo vĩ đại người Bồ Đào Nha như Cha António Vieira, một linh mục Dòng Tên vào thế kỷ 17, người đã thành lập các cơ sở truyền giáo ở Ba Tây và chiến đấu chống lại sự bóc lột người bản địa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng những người truyền giáo phải được thúc đẩy bởi “sự háo hức lên đường từ các bờ biển, không phải để chinh phục thế giới nhưng để làm cho nó hân hoan trong niềm vui an ủi của Tin Mừng.”

Ba sự lựa chọn

Rút ra từ những lời của Chúa Kitô trong Luca 5:4, Đức Giáo Hoàng nói với những người quy tụ rằng việc đón nhận lời kêu gọi mạnh dạn và hăng hái truyền giảng Tin Mừng ngày nay đòi hỏi phải có ba lựa chọn.

Ngài nói, trước tiên, các nhà lãnh đạo Giáo hội phải chọn “ra chỗ sâu,” để lại đằng sau nỗi buồn, “sự mỉa mai giễu cợt,” và chủ nghĩa thất bại bằng cách đổi mới niềm tin của họ vào Chúa.

Để làm được điều này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng lời nói là không đủ; cầu nguyện là điều cần thiết, đặc biệt là thờ phượng, bởi vì ở trước nhan Chúa là cách duy nhất “để thực sự khám phá sở thích và niềm đam mê truyền giảng Tin Mừng của chúng ta.” Ở điểm này, Đức Giáo Hoàng đã nói ứng khẩu trong gần một phút về tầm quan trọng của việc thờ phượng, nói rằng người Công Giáo “lạc lối” nếu không có Chúa Giêsu.

Từ chỗ cầu nguyện này, Đức Giáo Hoàng nói những người tham gia vào công việc truyền giáo có thể vượt qua cơn cám dỗ muốn cung ứng một “thừa tác vụ hoài niệm và tiếc nuối” hoặc tham gia vào ý thức hệ hoặc các hình thức của tính thế gian để tập trung vào một ước muốn duy nhất là: “Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi người.”

Đức Giáo Hoàng trích dẫn thí dụ về Thánh Gioan Brito, một nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha khác thuộc Dòng Tên vào thế kỷ 17, người đã đến Ấn Độ và sử dụng ngôn ngữ cũng như phong tục của người dân địa phương để truyền giảng Tin Mừng.

Đức Giáo Hoàng cho hay, “Chúng ta cũng được kêu gọi thả lưới trong những ngày này và đối thoại với mọi người, đề xuất sứ điệp Tin Mừng, ngay cả khi nó bao gồm nguy cơ phải chiụ một số cơn bão.”

Lưu ý rằng mệnh lệnh “hãy thả lưới” của Chúa Kitô được đưa ra ở số nhiều, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chọn “cùng nhau cộng tác trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ”. Đức Thánh Cha kêu gọi những người quy tụ đừng bao giờ coi thừa tác vụ của họ là “tài sản riêng” mà là một phần trong sứ mạng hợp tác của Giáo hội.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết việc các môn đệ làm việc với nhau để đạt được mẻ cá lớn là một minh họa cho tính chất “đồng nghị” của Giáo hội, vốn nhấn mạnh đến sự tham gia, thuộc về và sứ mệnh chung. Ngài nói rằng suy niệm điều này là mục đích của thượng hội đồng hoàn vũ đang diễn ra, và sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 10 này tại Rôma.

“Trên con thuyền của Giáo hội, phải có chỗ cho tất cả mọi người: Tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi lên thuyền để thả lưới, đích thân tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng,” Đức Thánh Cha nói thế, thỉnh thoảng xen vào những nhận xét đã chuẩn bị sẵn của ngài, bằng cách lặp lại chữ “mọi người”.

Ngài cũng nói thêm rằng “Giáo hội già đi” khi thiếu đối thoại, đồng trách nhiệm và tham gia.

“Tôi xin nói thế này: Không bao giờ có một giám mục mà không có các linh mục của mình và dân Thiên Chúa; không bao giờ có một linh mục mà không có anh em linh mục của mình; và tất cả chúng ta cùng nhau, với tư cách là Giáo hội - linh mục, nam nữ thánh hiến, và giáo dân - không bao giờ thiếu những người khác hoặc không có thế giới,” Đức Thánh Cha nói thế để phân biệt giữa “tính thế gian” và việc dấn thân với thế giới. Ngược lại, ngài nói, Giáo hội được kêu gọi “truyền bá bầu khí huynh đệ xây dựng” vượt ra ngoài những bức tường của chính mình.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội phải chọn “trở thành những tay đánh cá của loài người,” kéo mọi người ra khỏi “các thế lực thù nghịch” của biển cả và giúp họ “trở về nơi mà họ đã sa ngã, để cứu họ khỏi cái ác đe dọa áp đảo họ, hồi sinh họ khỏi mọi hình thức chết chóc.” Đức Giáo Hoàng đã đi ra ngoài bản văn soạn sẵn để lặp lại lời cảnh cáo thường được đề cập của ngài rằng “việc cải đạo”, như trái ngược với việc truyền giảng Tin Mừng thông qua đề xuất và lời mời gọi, không phải là Kitô giáo.

Thừa nhận bóng tối hiện diện trong xã hội ngày nay dưới hình thức thờ ơ, không chắc chắn và cô lập với xã hội, Đức Giáo Hoàng nói rằng Giáo hội phải thả “những tấm lưới Tin Mừng” vào giữa một xã hội đa văn hóa, không lên án người khác nhưng “mang đến cho những người đàn ông và đàn bà của thời đại chúng ta một lời đề nghị cuộc sống mới, cuộc sống của Chúa Giêsu.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc bài giảng của ngài bằng cách nói rằng ngài hy vọng Giáo hội ở Bồ Đào Nha có thể là “bến cảng an toàn” cho những người gặp bão tố trong cuộc đời, khuyến khích những người tụ tập đừng sợ hãi mà hãy thả lưới, và một lần nữa nhấn mạnh rằng Giáo hội phải vì "mọi người."

Ngài giao phó những người quy tụ cho Đức Mẹ Fatima, nhưng cũng cho vị thánh bảo trợ của Bồ Đào Nha, Thánh Antôn, người sinh ra và sống ở Lisbon nhưng gắn bó rộng rãi hơn với thành phố Padua của Ý, một sự thật mà Đức Giáo Hoàng thừa nhận bằng một câu nói đùa ngắn gọn được cộng đồng Bồ Đào Nha cười tán thưởng.

Việc cử hành kinh chiều của Đức Giáo Hoàng đánh dấu sự kết thúc của lịch trình chính thức cho ngày đầu tiên của ngài ở Lisbon, trong đó cũng bao gồm các cuộc gặp riêng với tổng thống và thủ tướng Bồ Đào Nha cũng như một cuộc gặp với các công chức địa phương và đoàn ngoại giao.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia các hoạt động của Ngày Giới trẻ Thế giới vào thứ Năm và sẽ ở lại Bồ Đào Nha cho đến nghi lễ chia tay vào Chúa Nhật trước khi trở về Rôma.